Độc đáo chùa Đất Sét (Sóc Trăng)
Phương Nghi
11/04/2010 11:43 (GMT+7)

Chùa Đất Sét còn gọi Bửu Sơn Tự được Bộ Văn Hoá thông tin (trước đây) công nhận di tích văn hoá lịch sử quốc gia. Nằm ở khóm 1, phường 5-TP.Sóc Trăng-Sóc Trăng, Chùa Đất Sét là ngôi chùa độc nhất vô nhị của một gia đình người Hoa có 1991 bức tượng Phật lớn nhỏ được làm hoàn toàn bằng đất sét.

Đặc biệt, ngôi chùa này còn có 8 cây nến nặng 1,4 tấn, tất cả đều được tạo nên bởi bàn tay của một nghệ nhân Ngô Kim Tòng (1909-1970). Chùa Đất Sét ra đời và tồn tại cho đến ngày nay có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử giao thoa giữa các luồng văn hoá.

Ngoài việc du khách đến tham quan chiêm ngưỡng các công trình kỳ vật tuyệt tác của nghệ nhân Ngô Kim Tòng toàn bằng đất sét. Điều chú ý du khách là cụ ông Ngô Kim Giảng 92 tuổi người em út của cụ Tòng hằng ngày cùng dòng họ chăm nôm dọn dẹp trồng cây cảnh hương khói, ông vừa là người quản lý và là hướng dẫn viên để giới thiệu từng chi tiết cụ thể các công trình tuyệt tác này.

Khi Chùa Đất Sét được nhiều du khách trong và nước biết đến và tìm hiểu cụ thể tường tận những hiện vật trong chùa, nên ông Giảng đảm nhận vai trò người hướng dẫn viên bất đắc dĩ và rất yêu thích nghề này, dù không học qua trường lớp nào.

Suốt hơn 30 năm âm thầm hướng dẫn viên không chuyên và sự đóng góp to lớn về sự phát triển du lịch ở Sóc Trăng, ông được Tổng Cục Du Lịch Việt Nam tặng “huy hiệu vì sự nghiệp ngành du lịch Việt Nam”. Chùa Đất Sét là một ngôi chùa của dòng họ Ngô.

Lúc ban đầu, chùa được xây dựng bằng những vật liệu đơn sơ sẵn có tại địa phương như cây, tre, lá. Qua bao năm tháng, chùa cũng hư mục nhiều và đã được con cháu dòng họ Ngô tu bổ nhiều lần. Nhưng với lòng mến mộ Phật pháp, ông Ngô Kim Tòng đã miệt mài xây đắp ngôi chùa Đất Sét hiện nay trong suốt 42 năm ròng rã.

Theo ông Ngô Minh Hiệp (60 tuổi) con cả ông Ngô Kim Giảng, Chùa Bửu Sơn Tự do ông Ngô Kim Tây lập tu tại gia được trùng tu lần cuối năm 1906 với 24 cột bằng đước lợp lá. Năm 1909 ông Ngô Kim Đính sinh hạ được một người con trai là Ngô Kim Tòng.

Thế nhưng, người con trai này càng lớn càng ốm yếu. Đến năm 20 tuổi thì lâm bệnh nặng tưởng không qua khỏi, gia đình chỉ còn cách đưa ông Tòng về chùa để cầu khấn trời Phật. Và rồi vừa uống thuốc vừa tập ngồi thiền, tĩnh tâm, dần dà ông đã khoẻ lại. Ông Tòng đã quyết tâm đi tu khi mới ở tuổi 20.

Ông Ngô Kim Tòng người trụ trì đời thứ tư chùa đất sét, một nghệ nhân không qua trường lớp điêu khắc, hội hoạ, không học ông thầy dạy chính qui mà chỉ qua chiêm nghiệm dân gian đã tạo nên những công trình kỳ vật điêu khắc bằng đất sét có giá trị lịch sử tôn giáo vô cùng quý hiếm.

Suốt 42 năm miệt mài ông đã tạo dáng cho đất, thả hồn thiêng vào đất, tạo nhịp đập trái tim cho đất để vài mươi năm sau đất cất lên tiếng nói thay người.

Qua cổng chùa bước vào chánh điện trước mắt là một công trình kiến trúc độc đáo của Ngô Kim Tòng đã hiện ra, đó là nhà tam giáo cộng đồng, được xây đắp năm 1942 gồm: Tượng Adiđà, Quan thế âm, Bổn sư thích ca, Ca diếp, Khổng tử, Lão tử…

Bộ tượng này đặt trên hai tầng, hai cột đỡ hình tháp đắp nổi hình rồng. Để tạo đựơc hình tượng này ông đào gánh đất ngoài đồng đi về hướng Tây cách chùa 1.000 mét về phơi thật khô giả thật mịn, rây loại bỏ các tạp chất và rễ cây, đem nhào với bột nhang, bột ô dước nhào liên tục khi đất dẻo quánh lại là chất liệu hoàn hảo, muốn đắp tượng tạo hình, ông dùng lưới kẽm, cây gỗ dựng sườn, lấy vãi mùng bao lại mới đắp đất lên, rồi dùng kim nhũ, dầu bóng kéo lên, không chỉ đôi tay khéo léo, khối ốc tài hoa mà việc đắp tượng còn đòi hỏi sự toàn tâm toàn ý.

Mãi năm 1939 ông mới 30 tuổi đã xây dựng toà Đa bảo 13 tầng, 208 cửa, 208 vị phật, 156 con rồng uốn khúc chầu quanh đỡ mái tháp. Đây là công trình kỹ thuật cao, nghệ thuật tinh tế vì nó thể hiện nhiều chi tiết, hoạ tiết vừa chân phương vừa phức hợp ( công trình này sau một năm mới hoàn thành).

Cuối năm Canh thìn 1940 ông xây dựng đắp tháp Bảo Toà trụ thế chuyển pháp luân, trên có đài sen gồm 1.000 cánh hoa sen, 1.000 vị phật ngồi trên đài sen là vầng hào quang ngủ bá thân Như Lai, hào quang ẩn hiện hình 500 vị phật, dưới đài sen có hình bát quái gồm 8 cung, 16 tiên nữ ứng hầu dưới chân tháp bảo toà có long-lân-phụng và 12 con cá hoá long chầu quanh…

Không chỉ có thế, rất nhiều nhà khoa học đến nghiên cứu về chùa Đất Sét đều đánh giá cao cây đèn được gọi là Lục Long Đăng. Lục Long khổng lồ bằng đất sét treo dưới trần nhà ở trung tâm ngôi chùa. Cây đèn này là tác phẩm cuối đời của ông Ngô Kim Tòng.

Lục Long Đăng gồm 3 chóp đỉnh với 6 con rồng lớn uốn cong, đuôi chụm vào nhau, đầu trổ ra các phía. Đáy đèn là một bông sen nâng đỡ. Thân rồng được làm hoàn toàn bằng đất sét với ngàn vạn chi tiết tinh vi, lại có trọng lượng khá nặng, vậy mà treo mấy chục năm nay vẫn không hề bị biến đổi gì.

Vào những năm đầu thập niên 1960, để chống sự mói mọt tàn phá cột đỡ mái chùa, tạo nét trang nghiêm rực rỡ, ông đắp nổi hình rồng quắn quanh 24 cột trong chùa và đắp linh tượng những con vật hầu phật: Bạch tượng, Long Mã, Thanh Sư, Bạch Hổ, Kim Lân, chầu điện Diêu Trì…

Những năm cuối đời ông tạm ngưng đắp tượng tiến hành đúc đèn cầy dựng tại các toà chính điện trong chùa. Ông mua sáp bạch lạp - loại sáp nguyên chất, không lẫn tạp từ Sài Gòn về nhiều lần cùng các đệ tử thân tín chặt vụn sáp nguyên khối nấu chảy ra rồi mới "đúc" đèn.

Do các đôi đèn này có kích thước quá to nên ông Ngô Kim Tòng không tìm được khuôn thích hợp nên ông đã dùng tôn lợp nhà làm khuôn, sáp đổ vào chảo lớn nấu liên tục nhiều ngày đổ liên tục đến khi đầy ống tol chiều cao 2 mét.

Sau một tháng, các đôi đèn mới khô hẳn, khi dỡ bỏ khuôn, các đôi đèn này tự nhiên có hình dợn sóng của các tấm tôn, mấy tháng ròng liên tục làm như vậy ông đúc được sáu cây đèn cầy lớn (3 cặp), mỗi cây nặng 200 kg, ước tính mỗi cặp sẽ cháy liên tục hơn 70 năm và hai cây đèn cầy nhỏ mỗi cây nặng 100 kg cặp đèn cầy được thắp sáng vào ngày rằm tháng bảy năm 1970.

Kể từ ngày ông Ngô Kim Tòng viên tịch, nến cháy liên tục hơn 38 năm nay còn gần 1/5 cây. Những tác phẩm thờ Phật được làm từ đất sét do ông Ngô Kim Tòng tạo dựng cách đây hơn 60 năm vẫn còn nguyên vẹn với thời gian.

Tuy nhiên, điều mà tất cả du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng và các nhà khoa học chưa thể lý giải nổi, tất cả những công trình nổi tiếng và kỳ lạ hàng đầu thế giới này lại được tạo nên bởi một người tu hành mới học hết lớp 3 trường làng và không hiểu biết gì về nghệ thuật hội hoạ.

Hiện nay cụ Ngô Kim Giảng tuổi đã cao, hằng ngày ông ngồi trên chiếc xe lăn vẫn say sưa như ngày nào giới thiệu từng hiện vật khi có khách đến tham quan và tìm hiểu các kỳ vật bằng đất sét của chùa Bửu Sơn Tự. Còn việc trông nôm và quản lý Chùa là Ngô Minh Hiệp người con cả ông Ngô Kim Giảng cũng là một hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ, nối tiếp dòng họ Ngô thuyết trình giới thiệu hiện vật bằng đất sét đến du khách trong và nước một công trình vừa lạ lẫm và độc đáo ở Sóc Trăng.

Mặc dù, Chùa Đất Sét được xem là một công trình văn hoá vật thể độc nhất vô nhị ở Việt Nam, thế nhưng trải qua bao năm tháng, nhiều hiện vật trong chùa bị xuống cấp do sự thiếu ý thức của một số du khách. Nhiều du khách hiếu kỳ đã cố tình bẻ gãy hiện vật để xác định xem tượng được làm bằng đất sét thật hay không?. Trên các đôi nến có vô số vết móng tay của du khách.

Mặc dù con cháu của ông Ngô Kim Tòng đã cố công hàn gắn lại những “vết thương” do du khách gây ra nhưng những bảo vật này không còn được nguyên vẹn như trạng thái ban đầu. Nhưng cho đến nay, các cơ quan chức năng ở địa phương vẫn chưa có một phương án bảo tồn, trùng tu cụ thể đối với di sản văn hóa này.

Nếu không được bảo quản tốt, e rằng trong một thời gian nữa, Chùa Đất Sét chỉ còn trong ký ức của du khách về Sóc Trăng.


Lân đắp bằng đất sét


Ông Hiệp bên cây đèn cầy 200 kg


Tháp Đa bảo


Tháp bảo toà trụ thế


Ông Hiệp bên cây đèn cầy cháy suốt 38 năm qua

PTVN

Các tin đã đăng: