Chùa Bà Đá (còn gọi là Linh Quang tự) tọa lạc tại số 3 phố Nhà Thờ, gần
hồ Gươm ngay giữa trung tâm thủ đô Hà Nội.
Trước kia, chùa thuộc thôn Tiên Thị (còn gọi thôn
Tự Tháp hay Bảo Thiên Tự Tháp, thôn Hương Nghĩa) thuộc phường Bảo Thiên,
tổng Tiên Túc, huyện Thọ Xương, phủ Phụng Thiên, kinh đô Thăng Long.
Theo những bia bảng, thuyền phả và khoa giáo lưu truyền lại, chùa này
khởi đầu gọi là chùa Sùng Khánh, khai sáng từ năm Bính Thân (1056), niên
hiệu Long Thụy Thái Bình năm thứ ba, đời vua Lý Thánh Tôn. Sau khi xây
dựng chùa xong có đúc một quả chuông đồng rất lớn, sau đó xây Tháp Bảo
Thiên cao ngất gần đất chùa (nơi xây tháp này thành chùa Bảo Thiên).
Chùa Bà Đá qua biến đổi thăng trầm của lịch sử, bị chiến tranh tàn phá
nhiều lần nên những xây dựng quy mô nói trên đã biến mất từ lâu.
Trong khoảng thời gian niên hiệu Hồng Đức (1470 -
1498) đời vua Lê Thánh Tông, chùa chỉ còn là một ngôi am tranh. Khi nhân
dân khai móng xây tường làm chùa đã đào được một pho tượng bằng đá hình
dáng phụ nữ; dân chúng cho là Thánh Giáng, liền đưa lên thiết lập bàn
thờ, xây chùa ngói để thờ phụng. Sau đó, pho tượng này bị mất. Ba thế kỷ
sau, đến cuối đời Lê Trịnh (1767 - 1782), khi đào đất xây tường làm lại
ngôi chùa, tường xây lên lại đổ, đào sâu xuống nữa thì tìm thấy pho
tượng đá. Dân gian cho rằng tượng đá rất linh thiêng. Cho nên, khi việc
tu tạo ngôi chùa hoàn thành, khách thập phương kéo đến lễ bái ngày càng
đông đúc. Từ đó, người ta quen gọi đây là chùa Bà Đá. Năm Bính Ngọ
(1786), quân Mãn Thanh tàn phá thành Thăng Long trước khi quân của vua
Quang Trung tiến vào, chùa Bà Đá cũng chịu chung số phận. Đất chùa bỏ
hoang một thời gian, bị lấn chiếm chỉ còn lại một khoảnh nhỏ. Khi dân sở
tại dọn sạch khu đất còn lại thì tìm thấy pho tượng đá cũ vẫn còn
nguyên vẹn dù chìm ngập dưới đống tro tàn. Nhân dân vui mừng, gom góp
cất lại ngôi chùa và qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, chùa Bà Đá có dáng
vóc như ngày nay.
Kiến trúc độc đáo nhất của ngôi chùa này chính là
mái hiên thấp được đỡ bằng bốn chiếc cột đá có kích thước khiêm nhường,
tương xứng. Trên cột có các họa tiết chạm khắc rất tinh xảo và mềm mại,
miêu tả cảnh bốn mùa và tứ quý. Nhưng có lẽ, những cây cột này được coi
là đẹp nhất Hà Nội bởi gốc tích của nó. Theo lời của một nhà sư, bốn cây
cột đá là món quà của Đức cha Nhà thờ Lớn dâng tặng trụ trì chùa Bà Đá
năm xưa để tỏ lòng biết ơn công cứu mạng. Trong những năm nhà Nguyễn cấm
đạo, tu sĩ Thiên chúa giáo bị truy bắt, chạy vào tá túc trong chùa và
được nhà chùa che chở. Đến khi tai qua nạn khỏi, các vị tu sĩ đã về đất
Ninh Bình, vùng có nhiều thợ đá giỏi, tài hoa, chọn phiến đá đẹp tạo
thành những cây cột đá tặng nhà chùa.
Ngày nay, chùa Bà Đá được chọn làm trụ sở Thành
hội Phật giáo Hà Nội.
Theo CATPHCM