Chùa Keo – nét đẹp ngàn xưa
Hoàng Anh – Thành Hưng
01/09/2010 07:17 (GMT+7)


Điều đầu tiên mà chúng tôi cảm nhận được là không gian tĩnh lặng của chốn Phật trang nghiêm, thi thoảng có tiếng chim Chèo Bẻo vang lên giữa bầu trời xanh. Đi qua chiếc sân nhỏ có lát đá tảng, núp dưới tán lá bồ đề cổ thụ xòe bóng râm mát là tam quan ngoại. Đó là nơi mà các du khách có thể dừng nghỉ chân để ngắm toàn cảnh chùa Keo từ bên ngoài.

Từ Tam quan ngoại, theo con đường gạch phủ màu đất, nhuốm màu thời gian uốn quanh hồ nước, rẽ phải hoặc rẽ trái đều dẫn lối đến hai cổng tò vò, ở giữa là Tam quan nội. Đến đây bạn sẽ được chiêm ngưỡng một kiệt tác chạm khắc gỗ thế kỉ XVII đó là bộ cánh cửa gian trung quan. Đó là những nét chạm rồng chầu với  đường khắc khéo léo và điêu luyện.

Bộ cánh cửa gian trung quan ở Tam quan nội làm từ thế kỷ XVII với những đường nét trạm trổ rồng chầu tinh xảo.

Bước qua một sân cỏ rộng xanh non, mềm mại với những bông cỏ lau trắng đu đưa theo gió chiều, lối nhỏ đưa chúng tôi vào thắp hương tại khu chùa Phật. Khu chùa Phật gồm chùa ông Hộ, tòa Thiêu Hương (ống muống) và điện Phật. Đây là nơi tập trung nhiều nhất các pho tượng Phật có giá trị nghệ thuật cao vào thế kỉ XVII – XVIII.

Tượng Tuyết Sơn và tượng Quan Âm thời Mạc được xem là hai pho tượng rất thành đạt về nghệ thuật tạc tượng và thể hiện sát sự tích của hai Phật này.

Hai bên Chùa Ông Hộ là hai văn bia ghi lại sử tích chùa Thần Quang cổ

Khu đền Thánh được nối tiếp với khu thờ Phật gồm tòa Giá Roi, tòa Thiêu Hương, tòa Phục Quốc và Thượng điện. Những công trình này được kết cấu theo kiểu chữ công. Nét nổi bật ở đây là tượng Thánh Không Lộ. Đây là một pho tượng được tạc vào thời Lý (1094) bằng gỗ trầm hương. Tương truyền rằng tượng giống hệt như Thánh Tổ Không Lộ khi ngài còn sống. Hiện nay tượng đang được thờ tại tòa Thượng điện.

Đi ra bằng lối cửa sau tòa Thượng điện, chúng ta sẽ được hít thở một luồng khí mát dưới bóng cây Đại cổ thụ mấy trăm năm in bóng xuống hòn non bộ. Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên và lạ lẫm khi nhìn thấy quả của cây hoa đại. Chưa bao giờ nghe nói đến là cây hoa Đại có quả vì vậy lần đầu được tận mắt nhìn thấy, tôi thích thú lắm và không quên chụp lại những bức hình để về khoe cho bạn bè cùng xem.

Theo dãy hành lang phía Đông, nơi cuối sân là chiếc giếng khơi chôn mình bên cạnh gốc cây ngọc lan đang tỏa hương thơm ngát. Một cụ già trong làng đang múc những gầu nước trong mát từ dưới giếng lên để các cụ già khác lấy nước cho việc bao sái tượng (tắm tượng). Phía đối diện với giếng nước, chúng tôi bị thu hút bởi những tấm biển có vẽ  hình ảnh minh họa rất chân thực, sống động về đạo lý nhân quả ba đời khuyên răn và dạy dỗ người đời.

Giếng khơi được tạo bởi những cối đá xưa kia dùng để giã gạo nuôi quân dựng chùa.

Đi thêm vài bước nữa, ta sẽ bắt gặp một hình ảnh nguy nga bề thế đó là gác chuông 3 tầng.

Gác chuông chùa Keo là một công trình nghệ thuật bằng gỗ độc đáo, tiêu biểu cho kiến trúc cổ Việt Nam thời hậu Lê. Khách tham quan khi qua đây có thể dùng dùi gỗ đánh vào để nghe những âm thanh mang nhiều cung bậc khác nhau phát ra từ khánh đá.

Một du khách người Pháp thích thú với chiếc khánh đá được đặt ở tầng một của Gác chuông

Hai dãy hành lang Đông – Tây nối từ chùa ông Hộ đến gác chuông thẳng tắp, dài hun hút hàng chục gian bao bọc cả khu chùa làm thành “bốn mặt tường vây kín đáo” cho một kiến trúc “tiền Phật, hậu Thần”.

Hai dãy hành lang Đông – Tây bao bọc cả khu chùa tạo thành bức tường vây kín đáo

Theo lối hành lang nhỏ và hẹp chưa đến 1m ở phía tay phải của gác chuông, du khách sẽ tới thắp hương ở Cửa Mẫu, nhà thờ Tổ và tham quan khu tăng xá. Đây là nơi mà các tăng ni phật tử và du khách dừng chân ngồi nghỉ ngơi và có thể mua những bó hương bài rất thơm do nhà chùa làm để về cúng gia tiên.

Những tòa bảo tháp sừng sững tại khu tăng xá phía sau gác chuông.

Đi thăm di tích chùa Keo, chúng ta không những được tìm hiểu nghệ thuật kiến trúc độc đáo về chạm khắc mà còn được chiêm ngưỡng một kho tàng tượng pháp đồ thời Lê.

Kết thúc chuyến đi, chúng tôi ra về và vẫn còn nhớ như in những gì mà mình vừa được tham quan: “Từ Đông sang Tây/ Nguy nga lộng lẫy/ Hai chục lâu đài/ Sáng trong như ngọc/ Ba ngàn thế giới/ Chẳng chút bụi trần”.

Theo: Lao động

Các tin đã đăng: