Đọc sách “Chùa Việt Nam”
PTS. Nguyễn Mạnh Cường
05/07/2010 00:50 (GMT+7)

Phật giáo vào Việt Nam từ lúc nào? Một câu hỏi chưa có lời giải. Theo Giáo sư Hà Văn Tấn: “Phật giáo du nhập vào Việt Nam vào khoảng đầu công nguyên. Trong khoảng thời gian đó, các ngôi chùa dần mọc lên trong các thời gian khác nhau và trên các không gian khác nhau ở Việt Nam …

Cho đến lúc, mỗi làng có một ngôi chùa”(2). Có học giả cho rằng Phật giáo vào Việt Nam từ rất sớm, dưới thời Vua Asoka (khoảng thế kỷ III trước công nguyên) ở vùng Núi Bùn (Đồ Sơn)  thành phố Hải Phòng ngày nay. Những dấu vết khai quật được ở tháp Tường Long dường như mới chỉ mách bảo cho chúng ta một thời huy hoàng ở triều Lý (thế kỷ XI – XII).

Phật giáo đặt chân đến Giao Châu sớm nhất là vùng Luy Lâu (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh ngày nay). Chùa Dâu với tháp Hoà Phong và một loạt các chùa quanh đó như Mãn Xá, chùa Dàn, chùa Tướng... như nhắc chúng ta về dấu tích một thời của hệ thống tứ pháp vào Việt Nam năm 189 sau công nguyên.

Tứ pháp là gì? Không đơn giản chỉ là 4 phép màu (mây, mưa, sấm, sét) mà còn là sự tích cô gái trẻ có tên Man Nương đến với Phật giáo Ấn Độ buổi đầu công nguyên để hình thành nên một Phật giáo Việt Nam như ngày nay. Đó chính là lời lý giải vì sao các tác giả Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự và Phạm Ngọc Long lại chọn chùa Dâu và hệ thống các chùa tứ pháp mở đầu cho cuốn sách.

Vẫn trên cái trục thời gian lịch sử đó, các tác giả đã giới thiệu cho chúng ta cái hay, cái tinh tuý của từng ngôi chùa để bạn đọc, qua sách, phần nào hình dung ra sự phát triển của Phật giáo Việt Nam từng thời kỳ, thể hiện qua cách bài trí tượng Phật trong chùa, tuỳ thuộc vào từng kiến trúc chùa cụ thể như: đầu công nguyên, thời Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Thậm chí có nhiều ngôi chùa mới được xây mới gần đây cũng được các tác giả cập nhật như chùa Non (Hà Nội), chùa Bái Đính (Ninh Bình), chùa Thanh Long (Bình Phước)…

Những bức tượng được chụp rất sinh động từ một cách nhìn đa chiều sẽ giúp cho người xem có thể cảm thụ được nghệ thuật điêu khắc, tạc tượng Phật của nghệ nhân Việt ngày xưa cũng như sự hóm hỉnh mà các nghệ nhân đưa vào tượng, như bức tượng nhịn ăn để mặc tương phản hẳn với bức tượng nhịn mặc để ăn. Hai con người ấy vẫn chỉ là hiện thân của một Đức Phật vậy mà họ khác nhau đến thế.

Bức tượng Hộ pháp to lớn trong chùa mà người đời mỗi khi vào chùa thường nhắc nhau đây là ông khuyến thiện có gương mặt màu trắng, đây là ông trừng ác có gương mặt màu hồng. Họ vốn là các hoàng tử con vua chỉ vì tranh nhau ngôi báu mà hại nhau, sau nhận ra được sự thật, họ đã rời bỏ ngai vàng theo Phật và trở thành những người bảo vệ đạo pháp Phật giáo. Vì vậy mới có tên Hộ pháp.

Còn có biết bao pho tượng Phật và Bồ tát khác được các tác giả cuốn sách mô tả khá chân thật như Thích Ca Phật đài trong giấc ngủ của Niết Bàn, hay các tượng Quan Thế âm Bồ tát. Từ một hình tượng người phụ nữ nghệ nhân Việt Nam đã đưa vào chùa có tới nhiều thể loại quan âm như: Quan âm thiên thủ thiên nhãn hay còn gọi là ngàn mắt ngàn tay, Quan âm quá hải, Quan âm tọa sơn, Quan âm tống tử (hay còn gọi là Quan âm tòng tử) là những hình tượng hay gặp nhất trong các chùa.
 
Quan âm tòng tử có nhiều nơi gọi là Quan âm Thị Kính, chết thầm lặng trong nỗi oan khiên và nỗi oan này chỉ có Phật mới cứu xét và giúp đỡ được mà thôi. Quan âm tòng tử có mặt trong nhiều ngôi chùa vì nó là đại diện cho tầng lớp phụ nữ phải chịu những oan khiên dưới chế độ phong kiến Việt Nam. Còn có bao điều đáng nói qua các bức tượng, qua những bức ảnh mà nhóm tác giả muốn gửi đến người xem lần này.

Sách “Chùa Việt Nam” là công trình kết tinh các hình ảnh và giá trị của khối di sản văn hoá và tôn giáo - tín ngưỡng, được các tác giả thể hiện tinh tế, súc tích qua bài dẫn luận công phu của Giáo sư Hà Văn Tấn về toàn cảnh chùa Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử và quá trình du nhập đạo Phật ở Việt Nam.

Chúng ta nhận thấy sự cố gắng lớn lao của các tác giả. Nếu như lần xuất bản đầu tiên năm 1993 mới chỉ giới thiệu được 42 ngôi chùa của 19 tỉnh thành phố, thì lần xuất bản này chúng ta đã thấy có mặt của 118 ngôi chùa của 61/63 tỉnh trong toàn quốc (còn 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu chưa phát hiện được chùa), với trên một ngàn bức ảnh nghệ thuật rất đẹp của các tác giả Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long, với sự cộng tác của một số tác giả khác, đặc biệt là ảnh của Đại đức Thích Minh Hiền trụ trì chùa Hương Tích. Gần như là đại diện tiêu biểu cho các chùa theo Phật giáo Bắc tông và Nam tông trên đất nước đều có.

Là một nhà nghiên cứu khảo cổ học – tôn giáo, có nhiều năm lăn lộn nghiên cứu và khai quật các ngôi chùa cổ Việt Nam, chúng tôi xin ghi nhận những đóng góp quan trọng của các tác giả, của ban biên tập.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc cuốn “Chùa Việt Nam”, một cuốn sách công phu nghiêm túc, in và trình bày đẹp, có giá trị tựa như một bách khoa thư chuyên đề về chùa Việt Nam.

“Chùa Việt Nam”. Hà Văn Tấn - Nguyễn Văn Kự - Phạm Ngọc Long. NXB Khoa học Xã hội Hà Nội – 1993 (song ngữ Việt Anh); In lần thứ hai: NXB Thế Giới, 2008 (tiếng Anh, có chỉnh lý bổ sung).In lần thứ ba: NXB Thế Giới, 2009 (tiếng Việt có chỉnh lý bổ sung).

(2) Hà Văn Tấn - Nguyễn Văn Kự - Phạm Ngọc Long: “Chùa Việt Nam” - In lần thứ ba. NXB Thế giới, Hà Nội 2009, tr.2

NXB Thế giới, vừa tái bản lần thứ 4 có sửa chữa và bổ sung cuốn “Chùa Việt Nam” của các tác giả: Hà Văn Tấn - Nguyễn Văn Kự - Phạm Ngọc Long. Biên tập: Lê Văn Lan – Nguyễn Duy Chiếm. Sách dày 536 trang, khổ 22x28cm, với hơn 1.000 ảnh, bản vẽ, bản đồ giới thiệu 118 ngôi chùa trong cả nước.

Giá sách: 496.000đ/cuốn (chuyển đến tận nhà miễn phí)
Liên hệ mua tại: Ban Biên tập Ngõ 378, ngách 17, số 8A Lê Duẩn, Quận Đống Đa, Hà Nội. Tel: (04) 38521820 Mobile: 0903265331.Email:
nguyenvanku@gmail.com

Theo: Lao động

Các tin đã đăng: