Tham dự lễ khai giảng, về phía Viện Trần Nhân Tông có PGS.TS. Nguyễn Tiến Vinh, Phó Viện trưởng cùng các cán bộ của Viện. Về phía Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có PGS.TS. Đặng Thu Hương, Phó Hiệu trưởng cùng đại diện lãnh đạo phòng Đào tạo, lãnh đạo Khoa Văn học (đơn vị phụ trách chương trình đào tạo ngành Hán Nôm). Ngoài ra, đến dự lễ khai giảng còn có lãnh đạo Trung tâm biên, phiên dịch Tư liệu Phật giáo Quốc tế trực thuộc Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam: TS. Thích Quảng Lâm, TS. Thích Vạn Lợi, TS. Thích Nguyên Tú, TS. Thích Tịnh Nhân. Trung tâm biên, phiên dịch Tư liệu Phật giáo Quốc tế là đơn vị hỗ trợ về hậu cần cho giảng viên và người học trong suốt quá trình học tập tại cơ sở Vĩnh Ngọc của Viện Trần Nhân Tông.
PGS.TS. Nguyễn Tiến Vinh, Phó Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông (ĐHQGHN) phát biểu tại lễ khai giảng
Phát biểu tại lễ khai giảng, lãnh đạo Viện Trần Nhân Tông và lãnh đạo Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đều bày tỏ vui mừng trước kết quả hợp tác ban đầu về đào tạo giữa hai đơn vị đã thành công tốt đẹp. Dù trong điều kiện dịch bệnh phức tạp của năm 2021, cả nước bị giãn cách một thời gian dài để thực hiện các biện pháp chống dịch nhưng bằng sự sáng tạo, quyết tâm của cả hai bên, lớp học cuối cùng đã tuyển sinh được hơn 40 học viên đến từ nhiều địa phương trong cả nước. Lãnh đạo hai bên cũng mong muốn lớp học sẽ được tổ chức bài bản, tuân thủ đúng các quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội về điều kiện đảm bảo chất lượng và các điều kiện khác, đồng thời tin tưởng rằng, bằng sự nhiệt huyết của các thầy cô, sự đam mê và nỗ lực của người học, khóa học sẽ thành công tốt đẹp.
TS.ĐĐ Thích Quảng Lâm, Phó giám đốc thường trực Trung tâm biên, phiên dịch Tư liệu Phật giáo Quốc tế phát biểu tại lễ khai giảng
Cùng với mong muốn đó, TS. Thích Quảng Lâm, đại diện Trung tâm biên phiên dịch Tư liệu Phật giáo Quốc tế cũng phát biểu cam kết sẽ hỗ trợ người học các điều kiện về cơ sở vật chất như ăn, ở và các điều kiện sinh hoạt khác, cấp học bổng toàn phần cho những người học có thành tích học tập tốt trong suốt khóa học.
Cuối cùng, lãnh đạo các bên đều bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục hợp tác trong tương lai không chỉ ở lĩnh vực đào tạo mà còn ở nhiều lĩnh vực thế mạnh khác của mỗi bên.
Được biết chương trình đào tạo ngành Hán Nôm có tổng số 140 tín chỉ, chia thành 5 khối kiến thức và được tổ chức đào tạo trong thời gian 4 năm. Mục tiêu của chương trình là nhằm đào tạo các cử nhân Hán Nôm có phẩm chất chính trị và năng lực chuyên môn vững vàng, đảm nhận các công tác: sưu tầm, bảo quản, phiên dịch, nghiên cứu, khai thác, giảng dạy các di sản văn hiến Hán Nôm, góp phần đảm bảo sự liên tục về văn giữa truyền thống và hiện đại.
Sau đây là một vài hình ảnh của lễ khai giảng lớp Đại học ngành Hán Nôm, khóa QH-2021-X của Viện Trần Nhân Tông phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đặt tại cơ sở Vĩnh Ngọc của Viện.
https://rd.zapps.vn