Lễ hội Vu lan bồn và việc thờ cúng tổ tiên của người Trung Quốc
GS. Quảng Hưng (Guang Xing)-Nguyên Hiệp dịch
25/08/2015 00:12 (GMT+7)

1. Giới thiệu

Lễ hội Vu lan bồn hay còn được gọi một cách phổ biến là lễ hội Cô hồn là một sự kiện quan trọng ở Trung Quốc vì nó được nối kết với việc thờ cúng tổ tiên. Lễ hội này được tổ chức hằng năm vào ngày 15 tháng Bảy âm lịch. Thuật ngữ Vu lan bồn bắt nguồn từ bản kinh Vu lan bồn (Ullambana, 盂蘭盆經) và từ ullambana có nghĩa là “treo ngược”. Nó mô tả số phận đáng thương của những chúng sanh đang bị treo ngược ở trong những địa ngục. Vì vậy nghi lễ được gọi là “Thí thực ngạ quỷ miệng bóc lửa” được thực hiện trong lễ hội để cứu người chết ra khỏi những khổ đau với việc dâng cúng thực phẩm và tài vật (thường là những vật thể bằng giấy hay những thứ tượng trưng) để cứu giúp họ. Như vậy, lễ hội nối kết mật thiết với việc thờ cúng tổ tiên mà nó đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của người Trung Quốc, đặc biệt trong xã hội Trung Quốc cổ đại. Bởi vì hiếu nghĩa là nền tảng của đạo đức Trung Quốc, nên việc dâng cúng người thân quá vãng là phận việc hiếu thảo đối với tất cả người Trung Quốc. Vì lễ Vu lan bồn kết hợp với việc thờ cúng tổ tiên của người Trung Quốc, cho nên nó lan truyền rộng rãi ở Trung Quốc sau khi hình thành và trở thành một trong những lễ hội quần chúng được tổ chức khắp đất nước này.



Ngày nay, lễ hội này vẫn được tổ chức hằng năm ở Đài Loan, Hồng Kông và Đông Nam Á. Tuy nhiên nó đã chấm dứt ở Trung Hoa lục địa do vì Cách mạng Văn hóa nhưng có một sự phục hưng dần dần. Lễ hội này không chỉ được tổ chức trong những chùa chiền Phật giáo và đạo quán của Đạo giáo mà cũng ở trong những cộng đồng địa phương với việc dâng cúng của người dân địa phương và những nhóm thương nhân. Ở Hồng Kông, lễ hội được tổ chức vào cuối tháng Tám và kéo dài vài ngày. Có những hoạt động khác nhau trong lễ hội này chẳng hạn như cúng thí thực cho quỷ thần, đốt giấy tiền cho người thân quá vãng, bố thí gạo cho người nghèo.v.v.. Đỉnh điểm của lễ hội là diễn kịch Mục Liên, đệ tử của Đức Phật, người đã cứu mẹ ra khỏi địa ngục.

2. Nguồn gốc của lễ Vu lan bồn

Lễ hội Vu lan bồn bắt nguồn từ kinh Ullambana do Dharmaraksa dịch sang tiếng Hán vào thế kỷ thứ III TL. Kinh Ullambana kể câu chuyện rằng ngài Mục Liên (目連, Maudgalyāyana), một đệ tử của Phật, biết rằng mẹ của mình sanh vào trong địa ngục làm ngạ quỷ vì vậy ông đi vào địa ngục để cứu mẹ. Nhưng khi Mục Liên dâng thức ăn cho mẹ, thức ăn hóa thành lửa khi đến miệng bà nên bà không thể ăn được. Mục Liên đến gặp Phật xin giúp đỡ và Đức Phật nói với ông rằng ác nghiệp quá khứ của mẹ ông quá lớn đến độ không chỉ mình ông có thể cứu bà. Đức Phật nói với Mục Liên rằng những người cúng dường cho chư Tăng vào ngày 15 tháng Bảy vào cuối mùa an cư thì họ tích lũy phước đức lớn cho cha mẹ của họ trong bảy đời quá khứ cũng như cha mẹ đời hiện tại. Nếu cha mẹ của họ ở trong địa ngục thì họ sẽ được sanh về thiên giới và nếu họ vẫn còn sống thì sẽ được hạnh phúc và sống thọ với phước đức cúng dường ấy. Vì vậy Mục Liên đã làm theo sự chỉ dạy của Phật và với phước đức lớn ấy mà mẹ của ông được cứu khỏi địa ngục.

Bản kinh khác có tên là Bàn-nê-hoàn hậu quán lạp kinh  (般 泥洹後灌臘經: Kinh về tắm tượng Phật sau khi Niết-bàn) cũng do Dharmaraksa dịch vào năm 270 đề cập rằng vào ngày 15 tháng Bảy, người ta nên cúng dường Đức Phật để cho cha mẹ bảy đời quá khứ và năm loại người thân của họ đã bị sanh vào những cõi ác và chịu khổ đau cùng cực được giải thoát khổ đau. “Quán lạp” ở đây có nghĩa là tắm tượng Phật vào cuối năm đạo (tức cuối kỳ an cư). Điều này cũng ủng hộ quan điểm của kinh Ullambana.

Vì Phật giáo đối mặt với những thách thức và phê bình từ những nhà Nho mà đạo của họ đề cao hiếu nghĩa, vì vậy khi kinh Ullambana được chuyển dịch nó đã nhanh chóng phổ biến rộng rãi ở Trung Quốc vì nó được xem như là một bản kinh dạy về thực hành hiếu nối kết với việc thờ cúng tổ tiên. Theo truyền thống, lễ Vu lan bồn được bắt đầu bởi Hoàng đế Vũ Đế vào triều nhà Lương (502-557) bởi vì nó được tường thuật ở trong Phật tổ thống kỉ (佛祖統紀do Chí Khánh (志磬) viết vào năm 1269 rằng, hoàng đế Vũ Đế của triều Lương cúng dường chư Tăng ở chùa Đồng Thái (同泰) vào năm 538. Nhưng theo Vu lan bồn kinh sớ hiếu hành sao (盂蘭盆經疏孝衡鈔) được Ngộ Vinh (遇榮), một người đương thời với Chí Khanh, viết vào đời Tống (960-1279), thì vị hoàng đế đầu tiên của Nam Tề (479-502) thường cúng dường chư Tăng ở những ngôi chùa khác nhau vào tháng Bảy âm lịch. Ngay cảNhan Thị gia huấn (顏氏家訓, Những giáo huấn gia đình của Nhan Thị) được biên soạn ở Bắc Tề (550-577) cũng có lời khuyên đối với những thế hệ tương lai của họ là nên cúng dường chư Tăng vào ngày 15 tháng Bảy âm lịch như là một cách thức đáp trả món nợ của họ đối với tổ tiên. Đề cập của Lễ hội Vu lan bồn ở trong Nhan Thị gia huấn cũng được đề cập trong Vu lan bồn kinh sớ hiếu hành sao của Ngộ Vinh.

Tông Lẫm (宗懍, 498-561) trong Kinh sở tuế thời ký (荊楚歲時記, Một ghi chép về những lễ hội và tập tục ở Kinh Sở/ nước Sở) của mình đã ghi lại, “Vào ngày 15 tháng Bảy, Tăng Ni, tín đồ và người tại gia dâng đồ cúng dường tại những chùa chiền khác nhau. Kinh Ullambana nói rằng phước đức bao phủ bảy đời [với việc cúng dường ấy] và việc thực hành gửi đến họ cờ phướn và hoa, ca hát và đánh trống, và thực phẩm hầu như chắc chắn bắt nguồn từ điều này”.  Tông Lẫm cũng nói rằng dân chúng đã tổ chức lễ hội theo truyền thống Phật giáo với việc trang trí hoa được làm bằng sáp và lụa được gắn trên gỗ và tre.

Những chứng cứ này cho thấy rằng lễ hội Vu lan bồn (盂蘭盆會) hay lễ Cô hồn đã trở nên phổ biến trước nhà Lương vì vậy ngay cả sách Nhan Thị gia huấn (顏氏家訓) không phải của Phật giáo cũng có riêng một mục ở trong sánh và Tông Lẫm cũng đã ghi chép điều này trong cuốn sách của mình. Điều này là bởi tầm quan trọng của lễ hội Vu lan bồn là thờ cúng tổ tiên mà nó cũng quá quan trọng ở Trung Quốc, tập tục được bắt đầu từ thời kỳ Đồ đá mới và nó phát triền sâu sắc hơn từ thế kỷ VI đến thế kỷ IV trước TL.

Một vài học giả nghi ngờ về tính chân thực của kinh Vu lan bồn (盂蘭盆經,Ullambana Sūtra) trong khi số khác nghĩ rằng nó là một bản kinh chân thực. Khi chúng ta xem xét nội dung của bản kinh, chúng ta thấy rằng những điểm quan trọng của bản kinh về bản chất là Phật giáo và cũng có sự hỗ trợ từ những ghi chép thuộc Phật giáo.

Thứ nhất, lễ hội Vu lan bồn nối kết mật thiết với lễ dâng y kaṭhina (phước điền y) của Phật giáo mà nó được tổ chức vào cuối kỳ an cư mùa mưa (vassa) mỗi năm và những Phật tử tại gia cúng dường thực phẩm và y áo đến Tăng chúng. Lễ kaṭhina bắt đầu từ thời Đức Phật vào thế kỷ VI trước TL và tiếp tục đến ngày nay ở những quốc gia mà ở đó Phật giáo Theravāda có mặt chẳng hạn như Sri Lanka, Thái Lan, Miến Điện và Campuchia .v.v… Ngày nay lễ kaṭhina là một lễ quan trọng ở trong những quốc gia này và được tổ chức như một lễ hội quốc gia. Dân chúng của những quốc gia này tin rằng người ta có thể có thêm phước đức khi họ cúng dường chư Tăng thực phẩm và y áo vào ngày lễ kaṭhina được tổ chức. Ngày tổ chức lễ kaṭhina có khác nhau ở mỗi nơi, bởi vì ở một số nơi kỳ an cư mùa mưa bắt đầu sớm trong khi những nơi khác thì muộn hơn. Đôi khi chênh lệch nhau một tháng. Theo truyền thống Phật giáo, lễ kaṭhina tượng trưng sự bắt đầu một năm mới ở trong lịch Phật giáo khi chư Tăng bắt đầu lại việc du hóa sau ba tháng an cư.

Thứ hai, Tăng sĩ Trung quốc đã tổ chức lễ kaṭhina vào ngày 15 tháng Bảy âm lịch theo Luật tạng (Vinaya). Điều này được ghi chép ở trong những Vinaya của những tông phái khác nhau nơi những bản dịch tiếng Hán, chẳng hạn như kinh Vinaya Matṛika (毘尼母經, Tỳ-ni-mẫu kinh)Sarvāstivādavinayavibhāṣā (薩婆多毘尼毘婆沙, Tát-bà-đa-tỳ-ni-tỳ-bà-sa), Sarvāstivāda Vinaya (十誦律, Thập tụng luật), Mahāsamghika Vinaya (摩訶僧祇律, Ma-ha-tăng-kì luật),  Mahīśāsaka Vinaya (彌沙塞部和醯五分律, Di-sa-tắc-bộ-hòa-ê ngũ phần luật), rằng ngày 15 tháng Bảy âm lịch là ngày lễ kaṭhina.

Bản dịch Hán ngữ sớm nhất của kinh mà nó ghi ngày 15 tháng Bảy âm lịch là ngày lễ kathina là kinh Pravāraṇa (受新歲經, Thọ tân tuế kinh) do Dharmarakṣa dịch (sống ở Trung Quốc từ 266-317). Bản kinh viết: “Đức Phât bảo Ananda: ông nên đánh trống ở nơi bãi đất trống này. Tại sao? Bởi vì ngày hôm nay, ngày 15 tháng Bảy, là năm mới”. Như vậy, ngày 15 tháng Bảy âm lịch đã trở thành năm mới trong lịch Phật giáo ở Trung Quốc. Ngày này cũng được tìm thấy trong những kinh khác, chẳng hạn như kinh Ekottarāgama (增壹阿含經, Tăng nhất A-hàmghi rằng ngày 15 tháng Bảy là ngày chuẩn bị cho năm mới với việc sám hối những lỗi lầm nếu có phạm phải. Như vậy, rõ ràng rằng ngày 15 tháng Bảy là ngày dành cho lễ kaṭhina mà nó được truyền vào Trung Quốc từ rất sớm.

Thứ ba, có một thực hành phổ biến ở Ấn Độ và những quốc gia ảnh hưởng Ấn Độ khác là người Phật tử tại gia dâng cúng cho người quá vãng và ngạ quỷ sau khi chư Tăng thọ thực xong. Huệ Lâm (慧琳, sống vào cuối thế kỷ VIII và đầu thế kỷ IX) trong Nhất thiết kinh âm nghĩa  (一 切經音義: Thanh âm và ý nghĩa của những chữ Hán khó ở trong tất cả những kinh Phật) cho chúng ta biết rằng Vu lan bồn là tập tục của những quốc gia phía Tây (Trung Á và Ấn Độ), ở đó dân chúng cúng dường cho chư Tăng vào ngày sám hối để giúp cho người quá vãng mà họ đã tạo những nghiệp xấu và không có con cái nhưng bị sanh vào địa ngục chịu khổ đau treo ngược.

Dâng cúng cho ngạ quỷ được thực hành ngay cả vào thế kỷ VIII ở Ấn Độ như Nghĩa Tịnh, người đã viếng Ấn Độ vào thế kỷ VIII ghi chép trong ký sự Nam hải ký quy nội pháp truyện (南海寄歸內法傳) của mình, rằng sau khi chư Tăng thọ thực xong, một mâm đầy thực phẩm được dâng cúng người quá vãng và chư thần linh khác mà họ xứng đáng nhận đồ dâng cúng. Người tại gia nên mang mâm thức ăn đó đến trước vị Trưởng lão (tức Thanh văn, Sthavira) và quỳ xuống, vị Trưởng lão nên rảy một vài giọt nước và tụng đọc những bài kệ (gāthā) để chúc phúc.

Chứng cứ khác cho câu chuyện Mục Kiền Liên không có nguồn gốc ở Trung Quốc là việc phát hiện bản kịch Di Lặc hội kiến ký (彌 勒會見記) ở Tân Cương vào năm 1959. Bản kịch này được viết bằng ngôn ngữ Hồi Cốt (Uighurs) và theo nghiên cứu của Quý Tiện Lâm nó có thể được dịch từ tiếng Thổ Hòa Lỗ (Tokharian). Trong vở kịch này có đề cập đến Mục Kiền Liên cứu mẹ thoát khỏi địa ngục. Vì vậy lễ hội Vu lan bồn được giới thiệu cùng với những thực hành Phật giáo khác từ chính giai đoạn đầu. Thực hành cúng dường cho chư Tăng ngày nay có thể đã bắt đầu rất sớm.

3. Tính đại chúng của lễ Vu lan bồn

Theo Pháp uyển châu lâm (法苑珠林) của Đạo Thế (?-683), những chùa chiền được nhà nước bảo trợ chẳng hạn như Tây Minh tự (西明寺) và Từ Ân tự (慈恩寺) ở kinh đô Trường An đã tổ chức lễ Vu lan bồn mỗi năm vào thời nhà Đường. Quan lại mang những đồ vật khác nhau đi cùng với những nhạc sĩ đến cúng dường cho các chùa.

Theo Tống Cao tăng truyện (宋高僧傳) của Tán Ninh (贊寧), Đạo Thế (道世) được triều đình tuyển chọn là một trong 50 vị Tăng xuất sắc để giúp Huyền Trang trong việc dịch thuật vào giữa những năm Hiển khánh (顯慶 656-661). Vì ban phiên dịch của Huyền Trang ở tại chùa Từ Ân (慈恩) nên Đạo Thế cũng dời đến ở ngôi chùa đó và về sau đến chùa Tây Minh vào năm 658 cùng với ban dịch thuật. Sau khi hoàn tất, ông tiếp tục sống ở đó cho đến khi qua đời. Vì vậy miêu tả của Đạo Thế về Vu lan bồn ở trong hai ngôi chùa được nhà nước bảo trợ này là kinh nghiệm của chính ông. Và từ miêu tả của ông, chúng ta có thông tin rằng các quan lại không chỉ dâng những phẩm vật khác nhau như thực phẩm và đồ dùng hàng ngày cho các chùa viện mà cũng đưa những nhạc sĩ đến biễu diễn. Trong suốt thời Võ Tắc Thiên, lễ Vu lan bồn tiếp tục với việc cúng dường của hoàng đế như Cựu Đường thư (舊唐書) miêu tả:

Vào ngày trăng tròn tháng Bảy năm thứ nhất Như Ý (如意, 692), những chiếc bát Vu lan được mang ra khỏi hoàng cung và gửi đến các chùa. [Hoàng đế Võ] Tắc Thiên đi cùng với những vị quan khác để cử hành lễ tại Nam môn. Dương Quýnh [楊炯] trình cho bà bài phú Vu lan bồn (盂蘭盆賦) của mình. Nó được viết rất hay và ngôn từ của nó thì ấn tượng.

Võ Tắc Thiên có lẽ là nữ hoàng đầu tiên tham dự lễ cúng dường Vu lan bồn cùng với nhiều quần thần khác. Không có ghi chép nào về những vị hoàng đế nhà Đường khác trước bà tham dự lễ này.

Dương Quýnh (楊炯 650-692) là một trong bốn văn nhân sáng chói vào đầu triều Đường và những văn phú của ông tồn tại đến ngày nay; nó mô tả rõ ràng rằng Lễ Vu lan bồn liên quan mật thiết đến việc thực hành báo hiếu.

Việc cúng dường đến các chùa chiền trong lễ Vu lan bồn hẳn đã trở thành một trong những nhiệm vụ chính thức được thực hành mỗi năm trong suốt thời Hoàng đế Đường Huyền Tông như Đường lục điển (唐六典: Những luật lệ hành chính của sáu bộ dười triều Đường), một tác phẩm được trình cho hoàng đế vào năm 739, mô tả bổn phận của nó đối với lễ Vu lan bồn là “vào tháng Bảy… vào ngày 15, bộ hoàn tất bát Vu lan”. Do đó, có thể kết luận rằng Công bộ của vương triều hẳn chịu trách nhiệm trong việc cung cấp đồ vật được sử dụng trong lễ cúng thí cô hồn của hoàng gia vào giữa triều Đường. Về sau những hoàng đế như Đại Tông (代宗 = Lý Dự 李豫) và Đức Tông (德宗 = Lý Thích 李適) tham dự lễ Vu lan bồn với tư cách cá nhân. Miêu tả sớm nhất và chính thức đầy đủ về việc tổ chức Vu lan bồn vào năm 768 ở Trường An thì được tìm thấy nơi hồi ký của Vương Tấn (王縉, niên đại 781) trong Cựu Đường thư (舊唐書). Vương Tấn, em của thi nhân nổi tiếng Vương Duy (王維 701-756), là đại thần luôn chỉ trích sự ủng hộ Phật giáo mạnh mẽ của Đại Tông. Theo hồi ký của Vương:

Vào ngày trăng tròn tháng Bảy, Đại Tông cho làm những chiếc bát Vu lan ở cung điện. Chúng được trang trí bằng lông chim bói cá vàng và hao phí đến một triệu tiền. Ông cũng bày biện bàn tiên tổ bảy đời từ hoàng đế Cao Tổ trở xuống. Chúng được che phủ bằng cờ và lộng rồng, với tôn danh của họ được viết trên cờ để dânchúng biết [bàn nào tượng trưng cho vị tổ tiên nào]. Những chiếc bàn này được mang ra khỏi phạm vi hoàng gia để trưng bày ở những ngôi chùa Phật và đạoquán. Vào ngày này, tất cả quần thần với tùy tùng của họ sắp thần đội ngũ tại Hòa minh môn để chờ đoàn diễu hành. Cờ hoa, ca vũ, và tiếng hò reo chào đón ngậptràn các đường phố.

Điều này cũng được ghi chép trong Phật tổ thống kỷ (佛祖統紀) được viết vào năm 1269, rằng vào năm 768, hoàng đế Đại Tông đã tổ chức lễ hội Vu lan bồn ở trong cung điện của mình. Ông ra lệnh đặt các bàn thờ của bảy vị tiên đế ở đó và các đại thần cùng quan lại đến bày tỏ niềm tôn kính của họ và tham dự buổi lễ. Như vậy lễ này trở thành một sự kiện thường lệ. Ở đây lại có bằng chứng cho thấy rằng lễ hội Vu lan bồn nối kết mật thiết với việc thờ cúng tổ tiên và thực hành hiếu nghĩa.

Cũng theo Phật tổ thống kỷ, vị hoàng đế khác là Đức Tông đã ra lệnh xây một ngôi chùa đặt tên là An Quốc (安國) vào năm 779 để tổ chức lễ hội Vu lan bồn. Chính hoàng đế cùng với những đại thần và quan lại đến ngôi chùa này để tham dự buổi lễ.

Trước Đại Tông và Đức Tông, các vị hoàng đế thường phái quan lại mang đồ cúng dường đến các chùa vào lễ Vu lan bồn như chúng ta đã thấy ở trên, nhưng Đại Tông và Đức Tông đã thay đổi luật lệ và họ đã cho chuyển bàn thờ đến hoàng cung và đích thân tham gia buổi lễ bằng việc dâng cúng. Như vậy, việc tham gia của hoàng đế vào lễ hội Vu lan đã khuyến khích tình cảm và lòng mộ đạo của quần chúng vì nó đặc biệt nối kết với báo hiếu và thờ cúng tổ tiên. Như vậy, lễ Vu lan đã trở thành một sự kiện quốc gia vào triều Đường và được tổ chức mỗi năm với sự tham gia của hoàng gia, và nó được tổ chức ở khắp vương quốc bởi tất cả mọi người cho dù họ là Phật tử hay không bởi vì sự nhấn mạnh là vào việc kính trọng cha mẹ. Vương triều thậm chí cung cấp bát Vu lan dùng cho việc dâng đồ cúng đến các chùa Phật và đạoquán.

Vị Tăng Nhật Bản Ennin (Viên Nhân/ 圓仁), người hành hương đến Trung Quốc thời Đường vào thế kỷ IX, đã mô tả cảnh tượng tại những ngôi chùa địa phương ở Tràng An vào năm 844 trong cuốn du ký của mình:

Việc cúng bái được thực hiện tại những ngôi chùa khác nhau ở kinh thành [Trường An] vào ngày 15 tháng Bảy. Tại mỗi ngôi chùa [người ta] bày những ngọn nến sặc sở, bánh màu, hoa giả, cây trái và những thứ khác, tranh đua nhau trong sự khan hiếm. Thông thường đồ dâng cúng được bày ở trước Phật đường, và người dân khắp kinh thành viếng dạo các ngôi chùa với sự vui thích. Nó thật sự là một lễ hội hoành tráng. Năm nay đồ cúng đặt bày tại những ngôi chùa khác nhau đã vượt trội đồ cúng thường niên.

Không chỉ người thế tục mà chư Tăng cũng cúng dường Phật và Tăng-già trong việc tưởng niệm người thân quá vãng của họ. Tông Mật (宗密 780-841), một Tăng nhân xuất chúng rất được kinh trọng, đã viết một luận giải về kinh Ullambana, là một chứng cớ hùng hồn về vai trò thiết yếu của lễ Cô hôn vào đầu thế kỷ IX trong xã hội Trung Quốc. Tông Mật nói nơi lời tựa của cuốn luận, “Mỗi năm vào ngày bố-tát của Tăng-già, bốn vật dụng cần thiết (thực phẩm, y áo, sàng tọa và thuốc thang) được dâng cúng lên Tam bảo. Vì vậy Tông Mật thực hiện điều này trong nhiều năm”. Đối với Tông Mật, lễ Vu lan bồn là thể hiện tối cao của tâm hiếu, một khái niệm mà ông giải thích trong luận giải của mình, cuốn sách đề cập đến kinh cùng những ví dụ của Phật giáo và những cổ thư thuộc truyền thống Nho giáo.

Sau khi Phật giáo Mật tông được truyền vào, một loại nghi lễ được gọi là Diệm khẩu (焰口, miệng lửa) được sáp nhập vào trong lễ Cô hồn đã được thiết lập. KinhCứu bạt diễm khẩu ngạ quỷ đà-la-ni (救拔焰口餓鬼陀羅尼經) được Amoghavajra (705-774) dịch vào triều Đường Đại Tông là nguồn kinh chính dành cho nghi lễ. Những phương pháp mới có mặt trong Cứu bạt dim khẩu ngạ quỷ đà-la-ni là nằmtrong cuốn nghi lễ Thí chư ngạ quỷ ẩm thực cập thủy pháp (施諸餓鬼飲食及水法)và ở trong một loạt những cuốn sách khác liên quan đến việc cứu khổ chúng sanh được hoàng gia chọn lựa và nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn. Chính nghi thức thuộc thế kỷ thứ VIII này đã được Kukai (空海/ Không Hải) đưa vào Nhật vào thế kỷ thứ IX, hình thành nên hạt nhân của lễ Obon ở đó.

Teiser đã mô tả rất hay cách quần chúng đã tổ chức lễ Vu lan bồn vào đời Đường và ở đây tôi chỉ tóm tắt miêu tả của ông được tìm thấy ở trong cuốn Lễ Vu lan vào thời Trung cổ Trung Quốc (中 國中古時期的盂蘭節/ Trung Quốc trung cổ thời kỳ đích Vu lan tiết). Những đám người đông đúc từ mọi tầng lớp xã hội đã đến những ngôi chùa để cúng dường vì lợi ích của tổ tiên họ vào ngày rằm tháng Bảy. Quần chúng mang đồ cúng của họ, quan lại mang đồ cúng do nhà nước cung cấp. Nhạc sĩ và những người làm trò tiêu khiển nổi tiếng cũng là một phần của sự nhộn nhịp ởnhững lễ hội thời trung cổ, mà chúng kết hợp một dạng lễ hội và tiêu khiển với những đề tài mang tính tôn giáo và nghiêm trang hơn. Đồ cúng mà quần chúng cung cấp bao gồm nhiều thứ: hoa giấy, đồ khắc chạm từ gỗ tre, và đồ ăn thức uống ngon. Nhà nước thường sử dụng dịp này để gửi quà biếu đến những ngôi chùa được bảo hộ chính thức khắp vương quốc. Những món quà như vậy được cơ quan công khố (Công bộ) của triều đình cung cấp, trong khi phước đức có được từ bố thí dành cho tổ tiên của mọi người. Số tiền lớn do những thí chủ giàu có bố thí được sử dụng để sửa sang chánh điện và đãi tiệc chay cho tất cả khách viếng thăm. Hầu hết những đồ hiến tặng này được chuyển trực tiếp đến Tăng-già hay chuyển nhượng cho đại diện Tăng-già ở gần các lễ hội. Nghi lễ cúng dường là đơn giản những là phần rất quan trọng của một buổi lễ lớn hơn. Việc cúng dường thực tế được kết hợp với kệ tụng tán Phật, Pháp và Tăng.

Xem xét từ một bản nghi thức cúng kiếng thời đầu nhà Tống, cho thấy ở trong chùa dân chúng cầu Mục Liên và những thành viên Tăng-già khác giúp tổ tiên họ thoát khỏi khổ đau nơi ác thú. Những người cầu nguyện mà họ dâng đồ cúng thường chọn ra những người quá vãng và hồi hướng phước đức cho người ấy. Ví dụ, mộttán ca có niên đại cuối nhà Đường đã đề cập đến hai “hoàng tử” đã hy sinh mạng sống ở biên giới phía Tây, có thể trong việc phục vụ nhà nước:

Vào lễ Trung nguyên, một buổi sáng yên lành vào đầu mùa thu, một điện thờ dành cho việc thực hành Vu lan được thiết lập. Trong việc bày biện một bữa tiệc cho sựđộ thoát họ. Vị Đại bảo vệ, vị thống lĩnh quận trưởng, chính mong muốn chân thành nhất của tôi là tạo phước đức vì lợi ích của hai vị hoàng tử.

Phần quan trọng khác của lễ Vu lan bồn là những bài giảng mang tính đại chúng (俗講/tục giảng) về đạo làm con và bố thí. Câu chuyện về Mục Kiền Liên cứu mẹ được giảng trong các chùa lập đi lập lại suốt lễ hội. Để cho quần chúng hiểu nó dễ dàng, kinh Ullambana được viết lại như bài giảng phổ thông với việc bổ sung các chi tiết vào câu chuyện mà nó được tìm thầy ở những hang động Đôn Hoàng.

Có ít nhất bảy bản biến văn (變文) liên quan đến câu chuyện Mục Kiền Liên cứu mẹ được tìm thấy ở những hang động Đôn Hoàng: một bản biến văn về Mục Kiền Liên cứu mẹ ra khỏi địa ngục, với các hình ảnh, gồm một cuộn, với lời tựa Đại Mục Kiền Liên minh gian cứu mẫu biến văn tịnh đồ nhất quyển tịnh tự (大目乾連冥間救母變文并圖一卷并序) được viết vào năm 921; ba bản biến văn Mục Kiền Liên cứu mẹ ra khỏi địa ngục (大目乾連冥間救母變文); ba bản biến văn về Mục Kiền Liên (大目乾連變文và một trong số chúng được viết vào năm 977.

Theo nghiên cứu của các học giả, những bản văn này được gọi là biến văn (變文) để nhấn mạnh chức năng hóa độ quần chúng của nó. Biến văn bao gồm hai phần: văn xuôi và thơ. Văn xuôi là bản tường thuật câu chuyện trong khi thơ được hát đểlàm tăng sự thích thú. Những bức tranh được vẽ để mô tả câu chuyện trong bản văn mà chúng được gọi là biến tướng (變相) cũng được trình bày.

Nói chung, biến văn được thực hiện trong việc kết hợp với những tranh vẽ biến tướng (biến tướng đồ); hay nói một cách đại khái, nó dẫn dắt sự theo dõi các bức hình của người xem thông qua việc tụng đọc và hát. Những phần được nói kể lại câu chuyện trong khi phần thơ được hát làm tăng thêm ấn tượng. Biến văn là những bản văn gồm văn xuôi và thơ dành cho việc biểu diễn trước khán thính giả. Như vậy câu chuyện Mục Kiền Liên cứu mẹ trở nên vô cùng phổ biến ở xã hội Trung Quốc vào đời Đường thông qua những thuyết giảng phổ thông.

Ảnh hưởng Phật giáo vào Lễ hội Trung nguyên của Đạo giáo

Đạo giáo cũng tổ chức lễ cúng ma quỷ nhưng họ đặt tên là lễ Trung nguyên (中元節 Trung nguyên tiết). Tuy nhiên, lễ Trung nguyên bắt đầu ở Trung Quốc không biết từ khi nào vì không có ghi chép trước thời Nam Bắc triều. Một số học giả cho rằng lễ Trung nguyên của Đạo giáo được tổ chức do ảnh hưởng của Phật giáo vào thời Nam triều khi lễ Vu lan của Phật giáo bắt đầu vào thời Nam Bắc Triều. Tuy nhiên, việc thờ cúng tổ tiên cùng với việc cúng ma quỷ vào ngày rằm tháng 7 âm lịch có thể được người Trung Quốc thực hành trước khi Phật giáo được truyền vào Trung Quốc. Vì Đạo giáo dần trở thành một tôn giáo bằng việc đồng hóa và mô phỏng theo những triết thuyết và thực hành Phật giáo vào thời Nam Bắc triều nênhọ cũng đồng hóa lễ cúng cô hồn bằng việc kết hợp nó với ngày tháng truyền thống được nối kết mật thiết với niềm tin vào ma quỷ.

Kinh Ullambana và nghi lễ cúng thí ngạ quỷ vào ngày rằm tháng Bảy đã ảnh hướng vào Đạo giáo rất lớn đến độ họ cũng phát triển tư tưởng và nghi lễ riêng của mình đối với việc cúng thí và cứu độ ma quỷ. Vào triều Đường, do vì sự ủng hộ Đạo giáocủa hoàng đế, lễ Trung nguyên của Đạo giáo trở nên phổ biến đặc biệt vào thờiĐường Chánh Tông. Như được nhà chiêm bái người Nhật Ennin miêu tả, rằng tất cảphẩm vật ở trong chùa chiền Phật giáo được đưa đến những đạo quán để cúng cho Thiên Tôn.

Một chỉ dụ (từ hoàng đế) ban rằng tất cả hoa quả, thuốc men và những thứ khác được cúng dường tại những Phật đường của những ngôi chùa khác nhau được đưa đến các đạo quán để dâng cho Thiên Tôn. Vào ngày 15, thiên tử viếng thăm đạo quán. Ông triệu gọi dân chúng đến xem, nhưng họ trách mắng, “Tịch thu phẩm vậtcủa Phật để cúng cho thiên thần - ai dám đến xem?” Thiên tử ngạc nhiên khi dân chúng không đến. Nhiều chùa chiền buồn phiền vì phẩm vật của họ bị tịch thu.

5. Sự phát triển lễ Vu lan bồn sau đời Đường

Từ thế kỷ X trở về sau, triều Tống và sau đó, lễ Vu lan bồn tiếp tục tính đại chúng của nó trong quần chúng. Có ít yếu tố tôn giáo hơn và thêm việc thực hành hiếu nghĩa đặc biệt liên quan đến thờ cúng tổ tiên. Ngay cả thuật ngữ Đạo giáo là Trung nguyên được sử dụng thường xuyên hơn thuật ngữ Phật giáo là Vu lan bồn. Một đặc tính quan trọng của lễ hội là việc kết hợp cả những tư tưởng và nghi lễ của Phật giáo và Đạo giáo. Điều này được ghi chép ở trong Đông kinh mng hoa lục (東京夢華錄) do Mạnh Nguyên Lão (孟元老) viết vào triều Bắc Tống (960-1127). Dưới phần về lễ Trung nguyên, ông nói,

Một vài ngày trước rằm tháng Bảy, nhiều loại đồ vật khác nhau dành cho người chết được bán ở chợ chẳng hạn như giày, mũ nón, giây đai giả vàng bạc, áo quần năm màu, tất cả được làm bằng giấy để bán…  Kinh Trung nguyên Mục Liên (Ullambana sutra) cũng được in bán. Bát Vu lan giống như những ngọn đèn được làm và được gắn trên đầu một cây tre với ba chân. Áo quần và tiền giấy được treo trên đó và được đốt.

Mạnh Nguyên Lão còn nói thêm rằng dân chúng dâng cúng những phẩm vật chay cùng những thứ khác cho tổ tiên của họ và viếng thăm nghĩa địa, chùa Phật và đạo quán. Hoàng đế cũng đưa xe đến nghĩa địa, quan lại sắp xếp những cuộc hội họp lớn với những bàn thờ dành cho những cô hồn tử vong trong chiến trận với việc đốt những đống lớn tiền giấy. Mạnh Nguyên Lão cho chúng ta biết rằng vào triều Tống, câu chuyện Mục Liên cứu mẹ đã được đặt vào giai đoạn chuyển thành kịch nghệ thay cho những thuyết giảng đại chúng về câu chuyện.

Lục Du (陸遊 1125-1210), một người cùng thời với Mạnh Nguyên Lão, cũng mô tả tình huống tương tự về lễ Vu lan bồn. Lục Du nói:

Vào giữa tháng Bảy, quần chúng dâng thực phẩm chay đến tổ tiên của họ. Họ làm những chiếc bát bằng tre bỏ đầy tiền giấy trong đó và sau đó gắn trên đỉnh cây tre rồi đốt nó. [Dân chúng] dự đoán thời tiết theo cách chiếc bát rơi. Nếu chiếc bát rơi về hướng Bắc, có nghĩa là sẽ có mùa đông lạnh, nếu nó rơi về hướng Nam sẽ có mùa đông ấm, nếu nó rơi về hướng Đông hoặc hướng Tây sẽ có một mùa đông ôn hòa. Nó được gọi là bát Vu lan. Đây là cách nói của quần chúng. 

Bản viết của Lục Du cho thấy rằng lễ Vu lan bồn đã trở thành một lễ hội đại chúng đối với tất cả mọi người. Nó nối kết mật thiết với lễ thờ cúng tổ tiên và thậm chí đã phát triển những yếu tố mê tín.

Vì vậy Ngô Tự Mục (吳自牧) của  triều Nam Tống (1127-1279) nói ở trong Mộng lương lục (夢梁錄) rằng vào ngày Rằm tháng Bảy, những Đạo gia thực hành nghi lễ dành cho tổ tiên và những người chết khác ở trong Đạo quán của họ, những Tăng sĩ Phật giáo bắt đầu lễ Vu lan bằng việc thực hiện dành cho những người mà họ cúnggạo và tiền cho tổ tiên của họ. Hoàng gia cũng đánh xe ngựa đến nghĩa địa của hoàng gia để tỏ lòng tôn kính đối với tiên tổ và những hầu thiếp của mình. Bản văn cũng ghi chép đặc điểm mới quan trọng khác của lễ Vu lan: thả đèn trên sông để soi sáng thần sông. Hoàng gia cũng tham gia vào lễ hội bằng việc cúng tiền và gửi người hầu của họ đến thả 10 ngàn ngọn đèn trên sông. Điều này trở thành một đặc điểm mới của lễ hội.

Truyền thống thả đèn trên sông này tiếp tục đến thời nhà Minh và nhà Thanh. Lưu Đồng (劉侗) và Vu Dịch Chánh (于奕正) trong cuốn Đế kinh cảnh vật lược (帝京景物略) miêu tả cảnh tượng của kinh đô ở triều Minh, “Vào ngày rằm tháng Bảy tất cả chùa chiền tổ chức lễ Vu lan và vào buổi tối đèn được thả trên sông và được gọi là thả đèn sông”. Lưu Đồng nói rằng giống như lễ Thanh minh, dân chúng cũng viếng nghĩa địa và dâng cúng tổ tiên của họ.

Vào triều Minh, lễ Vu lan bồn đã trở thành một lễ hội đại chúng và người dân từ mọi giai tầng xã hội tham gia vào việc cúng tổ tiên. Châu Hoằng (袾宏 1535-1615) nói ở trong Chánh ngoa tập (正訛集) của mình rằng dân chúng vào thời của ông nghĩ rằng lễ Vu lan bồn là chỉ để cúng thí cho ma quỷ và thần linh. Điều này cho thấy rằng dân chúng chỉ thực hiện những hoạt động liên quan đến thờ cúng tổ tiên và yếu tố tôn giáo dần rút ra khỏi lễ hội.

Kịch Mục Liên

Một trong những mục quan trọng trong lễ Vu lan bồn là việc thực hiện kịch Mục Liên mà nó bắt đầu vào đời nhà Đường như là một buổi nói chuyện nhưng trở thành một trong những hoạt động chính vào triều Tống khi biến văn bị ngăn cấm. Tính đại chúng của kịch Mục Liên được ghi chép trong những cuốn sách văn học triều Tống như Đông kinh mng hoa lục (東京夢華錄) do Mạnh Nguyên Lão (孟元老) viết. Ông nói rằng trong lễ Vu lan bồn, “Kịch có tên Mục Liên cứu mẹ được các nghệ sĩ thực hiện trong bảy đêm cho đến ngày 15, và khán giả đã tăng gấp đôi”. Sự ghi chép này là hoàn toàn quan trọng vì nó cho thấy rằng kịch Mục Liên cứu mẹ đã được thực hiện vào triều Bắc Tống. Đây là lần đầu tiên việc miêu tả đầy đủ về vở kịch.

Sau đó vào đời Minh, Trịnh Chi Trân (鄭之珍) đã biên soạn Mục Liên cứu mẫu hành hiếu hí văn (目連救母行孝戲文). Trịnh Chi Trân đã mở rộng vở kịch vớinhiều thêm thắt được rút từ những nguồn khác nhau, chẳng hạn như những câu chuyện dân gian, Tây du ký (西遊記) và những chuyện khác. Như vậy nó trở thành một bản kịch gồm 104 mục. Theo Đổng Hàm (董含1624-?) trong Thuần hương chuế bút (鄉贅筆), vào năm 1684, hoàng đế Khang Hi (康熙) ra lệnh dùng một ngàn đồng tiền vàng để kiến thiết những sân khấu ở cổng sau hoàng cung để trình diễn kịnh Mục Liên truyền kỳ (目連傳奇).

Trương Đại (張岱 1597-1679) triều nhà Minh ở trong Đào am mộng ức (陶庵夢憶)của mình, ở phần kịch Mục Liên (目連戲) ở trong tập thứ sáu đã mô tả cảnh tượng đầy đủ của vở kịch được thực hiện trong xã hội.

Vở kịch được thực hiện dành cho việc giải trí và giảng dạy đạo đức hơn là báo hiếu và thờ cúng tổ tiên. Những người thực hiện được huấn luyện tốt đến độ họ thực hiện cảnh địa ngục rất sống động theo họa sĩ triều Đường Ngô Đạo Tử (吳道子), người đã vẻ những tranh minh họa về địa ngục. Nó lôi cuốn rất đông quần chúng đến xem.

Vào triều Thanh, Trương Chiếu (張照1691-1745) biên soạn Khuyến thiện kim khoa (勸善金科) theo lệnh của hoàng đế và nó được trình diễn trên sân khấu ở trong hoàng cung mỗi năm. Vở kịch bao gồm 240 tiết đoạn và nó là vở kịch dài nhất trong lịch sử Trung Quốc. Ở phần giới thiệu, vở kịch nói rằng nó được đặt cơ sở trên Mục Liên ký (目連記) mà nó phát xuất từ kinh Ullambana ở trong kinh điển Phật giáo. Nhiều câu chuyện và nhân vật quan trọng Trung Quốc được sáp nhập vào trong vở kịch và mục đích là để quảng bá lòng hiếu thảo và sự trung nghĩa. Chính từ câu chuyện Mục Liên này mà nhiều tiểu thuyết nổi tiếng, kịch, truyện cổ tích và những sách vở quý giá khác được hình thành ở trong xã hội, cả cho việc giải trí và quảng bá lời dạy đạo đức.

7. Nghi lễ Phật giáo

Lễ Vu lan trở thành một yếu tố quan trọng trong những ngôi chùa Phật giáo và được tổ chức mỗi năm. Chúng ta có thể thấy điều này từ một thanh quy quan trọng của Phật giáo được gọi là Bách Trượng thanh quy (百丈清規).

Ấn bản Bách Trượng thanh quy đời Nguyên của Đức Huy (德輝) ở chương thứ bảy mô tả về Vu lan bồn như sau: “Trong suốt mười ngày đầu của tháng Bảy, vị Tăng tri sự liệt những bản kinh dành cho lễ Vu lan bồn cho Tăng chúng tụng đọc và cũngchuẩn bị đồ vật bố thí. Vào ngày 13, việc tụng đọc kinh Lăng-già kết thúc. Vào ngày 15, kỳ an cư kết thúc và lễ Vu lan bồn sẽ bắt đầu vào buổi tối với việc tụng kinh và cúng thí cô hồn”.

Nhưng ở trong bản Huyễn trụ yêm thanh quy (幻住閹清規 ) đời Nguyên và Minh nói rằng “Vào ngày 15 tháng Bảy, người giải tán và vào buổi tối lễ Vu lan bắt đầu với việc dâng cúng người chết. Đồng thời cũng sẽ có một danh sách những bản kinh để chư Tăng tụng theo ý muốn của họ”. Như vậy, phần chính của Vu lan bồn là dâng cúng người quá vãng và điều này tiếp tục cho đến triều Minh.

Vào triều Thanh, Nghi Nhuận (儀潤) đã viết Bách Trượng thanh quy chứng nghĩa ký (百丈清規證義記), lại nhấn mạnh việc cúng dường chư Tăng và mong muốn thực hiện hai điều cùng nhau: tôn kính Phật giáo và dâng cúng người quá vãng. Vì vậy ông miêu tả chi tiết cách thực hiện lễ Vu lan bồn trong cuốn luận của mình, nhưng không nhiều chùa theo những chỉ dẫn của ông.

8. Lễ Vu lan bồn ở phần còn lại của châu Á

Lễ Vu lan bồn cũng được truyền vào Hàn Quốc và Nhật Bản cùng với Phật giáo, mànó trở thành một trong những lễ hội quan trọng ở Nhật giống như như lễ Tết và dân chúng tổ chức nó mỗi năm vào ba ngày 13, 14, và 15 tháng Tám và đó là những ngày nghỉ ở Nhật. Chùa chiền bắt đầu chuẩn bị một tháng trước và dân chúng sẽ viếng thăm gia đình của họ và dành ba ngày tại nhà để thực hiện bổn phận hiếu nghĩa chẳng hạn như dâng cúng tổ tiên của mình. Những việc tổ chức khác chẳng hạn như ca múa, thả đèn sông là nhưng phần của lễ hội. Nhưng phần quan trọng nhất là cúng bái tổ tiên. Mỗi gia đình sẽ đốt một đống lửa nhỏ trước nhà để nghinh đón tổ tiên của mình vào ngày 13, sau đó dâng cúng những loại thực phẩm khác nhau lên tổ tiên của họ. Vào ngày 16, người ta lại đốt một đống lửa nhỏ trước nhà để cung tiễn ông bà của mình.

Ở Đông Nam Á, nơi có cộng đồng người Trung Quốc đông đảo như ở Malaysia và Thái Lan, lễ Vu lan bồn cũng được tổ chức mỗi năm để cúng tổ tiên.

Tóm lại, lễ Vu lan bồn bắt đầu từ truyền thống Phật giáo và dần dần trở thành một trong những lễ hội quan trọng ở Trung Quốc và Đông Á với việc thờ cúng tổ tiên như là trọng tâm của tất cả mọi hoạt động chẳng hạn như dâng cúng cho người quá vãng và thực hiện kịch Mục Liên. Như vậy, lễ hội Vu lan bồn là một trong những dịp quan trọng cho việc thực hành hiếu nghĩa đối với người Trung Quốc và như một kết quả nó thúc đẩy sự hòa nhập của Phật giáo vào văn hóa Trung Quốc.

Nguyên Hiệp dịch

Source: Journal of the Centre for Buddhist Studies, Sri Lanka, VOL. IX, pp.123-143.
* Giáo sư Quảng Hưng hiện đang giảng dạy tại Trung tâm Nghiên cứu Phật học, Đại học Hongkong.
*Vì bài viết khá dài, người dịch đã lược bỏ phần chú thích của tác giả. Bạn đọc có thể tham khảo phần chú thích đầy đủ ở nguyên tác theo nguồn được dẫn ở trên.
 

Các tin đã đăng: