Bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc Khmer và định hướng sinh hoạt, tu học trong thời hội nhập
(Trích tham luận Hội thảo Hướng dẫn Phật tử năm 2010 tại Tp. Cần Thơ)
01/08/2010 20:56 (GMT+7)

BẢN SẮC VĂN HÓA ĐỒNG BÀO DÂN TỘC KHMER

VÀ ĐỊNH HƯỚNG SINH HOẠT, TU HỌC THỜI HỘI NHẬP

Tiểu ban Phật tử Nam tông Khmer

Nước ta gồm nhiều dân tộc anh em, có truyền thống đoàn kết, đấu tranh trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Mỗi dân tộc có những đặc thù và bản sắc văn hóa riêng của mình góp phần làm phong phú đa dạng văn hóa dân tộc Việt Nam.

Đồng bào dân tộc Khmer với trên một triệu người, được phân bố trong 13 tỉnh thành của Nam bộ là An Giang, Bạc Liêu, Bình Phước, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Nai, TP. Hồ Chi Minh, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tây Ninh, Trà Vinh,Vĩnh Long, Bà Rịa-Vũng Tàu. Phật giáo Nam tông Khmer hiện nay có 445 ngôi chùa, chư Tăng: 8.574 vị.

Từ lâu đời, người Khmer với tinh thần rộng mở và thấm nhuần triết lý Phật giáo luôn sẵn lòng tiếp nhận và chia sẻ với nhau trong cuộc sống. Họ thường chọn những vùng đất yên lành mà sinh cơ lập nghiệp. Những nơi ấy thường là vùng đất giồng, gò cao, vùng ngập mặn, ven biển, vùng sâu, vùng núi và biên giới, thường sống xa các trục giao thông lớn, trung tâm dịch vụ thương mại, điều kiện sản xuất và sinh hoạt còn rất khó khăn.

Từ đấy, trong lao động sản xuất tạo ra của cải vật chất họ đã học tập lẫn nhau. Từ những tấm chân tình giữa tình làng nghĩa xóm đã tạo cho họ xích lại gần nhau hơn, tiến tới mối quan hệ hôn nhân gia đình giữa người Khmer, Kinh, Hoa, tạo ra mối quan hệ huyết thống, càng thắt chặt tình đoàn kết trong xây dựng cuộc sống kinh tế, xã hội. Thế là có sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc, các quan niệm giá trị đạo đức học tập lẫn nhau như: có người Khmer tuy mang họ Việt, họ Tàu nhưng sống theo văn hóa, đạo đức của người Khmer, cũng xuất gia tu học theo truyền thống dân tộc Khmer. Mặt khác, trong nền kinh tế phục vụ cho cái ăn cái mặt, người Khmer Nam bộ có nhiều thay đổi, nền sản xuất chăn nuôi trồng trọt được mở rộng, vừa mang tính tự cung tự cấp, vừa mang tính hàng hóa nghĩa là sản xuất không phải chỉ để ăn tất cả hay bán tất cả, mà làm để ăn và sản xuất ra xã hội bên ngoài như lúa thóc, rau quả. Đặc biệt người Khmer còn có nghề trồng dâu nuôi tằm dệt vải rất nổi tiếng trước đây ở vùng Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang… Hiện nay, nghề này chỉ còn được duy trì ở Tịnh Biên, nhưng chỉ dệt lúc rảnh rỗi khi qua mùa vụ nông nghiệp, và sản phẩm thường là những tấm khăn choàng, làm xà - rông, làm khăn địu trẻ trên lưng. Tuy nhiên, cũng tùy vào vị trí địa lý ở từng vùng thuận lợi cho nghề nghiệp tồn tại, phát triển khác nhau. Như ở Thất Sơn, người Khmer còn bảo lưu nghề thủ công làm gốm, dệt, lò rèn, đan, đóng xe bò… nhưng chỉ với quy mô nhỏ. Riêng sản phẩm đường thốt nốt được sản xuất rộng ra trên thị trường với hương vị đậm đà thơm ngon mà những ai đến đây cũng thường mang về như món quà quê hương An Giang ban tặng.

Ngày nay, đất nước ta đang trên đà tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thì người dân Khmer Nam bộ cũng không nằm ngoài làn sóng ấy. Người Khmer Nam bộ nhận thức rằng việc học tiếng phổ thông (tiếng Việt) là cần thiết cho nhịp sống mới, cho nền sản xuất công nghiệp để cải thiện đời sống vật chất, thay vì trước đây chỉ chú trọng học tiếng dân tộc mình để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Chính vì thế, xu hướng học tập được mở rộng, ngày càng phát triển. Vả lại, Đảng và Nhà nước đã mở ra chính sách nâng cao dân trí cho toàn dân nói chung và quan tâm ưu đãi cho con em dân tộc Khmer, về phần Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng rất quan tâm đến việc tu học sinh hoạt của Phật giáo Nam tông Khmer như tạo điều kiện mở học viện Phật giáo Nam tông Khmer và đã in ấn nhiều tài liệu kinh sách phân phát cho các chùa Phật giáo Nam tông Khmer. Từ đó, để chư Tăng và Phật tử người dân tộc có điều kiện học tập phát triển kịp với nhịp độ chuyển mình của đất nước và sự phát triển tiến bộ của Phật giáo Việt Nam.

Đặc thù xã hội Khmer Nam bộ đã in đậm bản sắc văn hóa Phật giáo. Phật giáo Theravada được coi trọng là đạo truyền thống trong lòng mỗi người dân tộc Khmer. Chùa làm trung tâm sinh hoạt tập thể, mỗi chùa chia ra nhiều Vên (khu) gồm vài chục nóc gia do một Mêvên trông nom. Chùa có Trụ trì và bổn chùa có Ban quản trị để phối hợp nhau trông coi công việc đạo Pháp kết hợp với công việc xã hội như tổ tương tế và mỗi Vên (khu, tổ) có tổ vần công trong công việc đồng án và công tác xã hội khác. Mỗi chùa hoặc bổn chùa có nhà hỏa táng, có xe tang. Khi có công việc đột xuất sinh hoạt hội họp thì chùa nổi trống lên, Ban quản trị và Phật tử đến ngay. Mọi việc xích mít, mất đoàn kết nội bộ Phật tử thì Trụ trì và ban quản trị chùa đứng ra hòa giải. Mọi công việc của Nhà nước có liên quan đến dân thì chính quyền xã ấp đến bàn với vị Trụ trì và Ban quản trị để phối hợp giải quyết. Con cái của Phật tử nào bướng bỉnh, ngang ngược làm nhiều điều sai trái như trộm cắp, quậy phá, vô lễ với người lớn tuổi, hất hủi cha mẹ, ông bà… nhiều lần giáo dục nếu không hối cải thì cũng được công khai hành động và có biện pháp trừng phạt bằng cách cô lập như: Sư sãi không đến khất thực, đình đám trong Phum, trong chùa không ai mời, có việc gì xảy ra không ai can thiệp. Nếu tiếp tục tái phạm thì vị Trụ trì và Ban quản trị chùa đưa ra chính quyền can thiệp.

Dân tộc Khmer Nam bộ có quá trình lịch sử lâu dài đã chung vui chia buồn với đại gia đình các dân tộc Việt Nam và có nền văn hóa phong phú, đa dạng. Mặt khác, Phật giáo được truyền vào dân tộc Khmer Nam bộ rất lâu đời, nền văn hóa Khmer mang đậm sắc thái của Phật giáo đã đóng góp phần rất lớn trong việc bảo tồn, bổ sung và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Hầu hết các lễ hội, dân gian dân tộc Khmer Nam bộ đều gắn bởi triết lý Phật giáo, nhằm giáo dục con người hướng thiện giữ đạo lý trong quan hệ cuộc sống, giữa con người với tự nhiên và con người với nhau, trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Các lễ hội ấy phần lớn được tổ chức tại chùa. Chư Tăng tại mỗi chùa là người hướng dẫn hoặc chứng minh cho Phật tử thực hiện những cuộc lễ ấy. Nơi đây, chúng tôi xin lược qua một số lễ hội thể hiện tín ngưỡng của người Khmer Nam bộ:

1. Lễ Chol Chnam Thmey đây là Tết cổ truyền của dân tộc Khmer được diễn ra tại chùa và các Phum Srók. Cụm từ Chol Chnam Thmey nghĩa là Mừng năm mới. Hằng năm cứ vào giữa tháng tư dương lịch, theo lịch Khmer là Khe Chet (tháng 3 ÂL), toàn thể dân Khmer Nam bộ dù đi làm ăn nơi đâu cũng quay về mái ấm gia đình thăm viếng ông bà cha mẹ, trang trí nhà cửa và cùng nhau mua sắm lễ vật nhang đèn và hoa quả vào chùa làm lễ đón năm mới.

2. Lễ Sene Đol-Ta đây là lễ cúng ông bà, gần giống như lễ Vu Lan báo hiếu của người Kinh. Hằng năm cứ vào tháng 9 dương lịch, theo lịch Khmer là Khe Bhatrobut (tháng 8 ÂL), ở đây trong văn hóa dân tộc Khmer Lễ Sene Đol-Ta nhằm nói lên ý nghĩa hồi hướng phước báu (lễ xá tội vong nhân). Trong bổn phận làm con mà đức Phật đã dạy là phải biết đền ơn báo hiếu phụng dưỡng cha mẹ, làm phước hồi hướng đến ông bà cha mẹ khi người đã quá vãng (có Lễ hội đua bò ở tỉnh An Giang).

3. Lễ Ok-Om-Bok là một trong ba lễ hội truyền thống trong năm của dân tộc Khmer Nam bộ. Hằng năm cứ vào đầu tháng 12 dương lịch tức theo lịch Khmer là Khe Katdâk (Rằm tháng 10 ÂL) nhằm tưởng nhớ và tạ ơn mặt trăng vốn được họ coi như một vị thần vận hành mùa màng trong năm. Lễ vật cúng chủ yếu là cốm dẹp nên gọi là Ok-Om-Bok có nghĩa là đút cốm dẹp và các loại củ, trái cây,. Khi nhắc đến lễ Ok-Om-Bok thì chúng ta không thể nào quên lễ hội tưng bừng nhộn nhịp là Lễ đua ghe ngo, thả đèn nước, lòng đèn gió.

Cũng trong thời gian trước ngày lễ Ok-om-bok, (từ ngày 16 tháng 9 ÂL đến Rằm tháng 10 ÂL). Các chùa Nam tông Khmer đều chọn lấy một ngày trong vòng 29 ngày để tổ chức Lễ dâng y Kathina truyền thông Phật giáo. Tất nhiên lễ này cũng rất long trọng, bởi nhân dịp này các chàng trai và cô gái Khmer ăn mặc đẹp đẽ với bộ trang phục dân tộc truyền thống tay cầm cây bông làm bằng sợi len, bằng giấy, hoặc đóa hoa tươi, kết thành đoàn theo người chủ lễ dâng y vào chùa nhiểu Phật ba vòng chánh điện và cúng dường đến chư Tăng, số tiền có được từ cây bông ấy được dùng để xây dựng hoặc tu sửa chùa.

Lễ hội dân tộc là những ngày lễ bắt nguồn từ cuộc sống lao động của dân chúng. Các lễ hội ấy đã có từ ngàn xưa trước khi Phật giáo chưa thâm nhập. Nhưng qua quá trình phát triển những nghi lễ truyền thống ấy nay được pha lẫn nhiều yếu tố triết lý Phật giáo. Song ở đây cũng tồn tại khá rõ nét nguồn gốc nghề nông nghiệp của cư dân chuyên canh lúa nước, đó là đặc điểm chung của lễ Chol Chnam Thmey, lễ Sene Dol-Ta, lễ Ok-Om-Bok.

Khi nói đến các lễ hội dân tộc thì chúng tôi không thể lược qua chùa Khmer, ngoài chức năng tôn giáo, chùa còn gồm cả chức năng giáo dục, chức năng giao lưu văn hóa phong tục mà đồng bào Khmer đã “ký gửi” cả tâm hồn, tài sản và cả công sức của mình vào đó. Qua đó, ngôi chùa Khmer còn có cách quản lý khá chặt chẽ là không chỉ có vị trụ trì mà còn có ban quản trị. Nên mọi việc sửa chữa chùa chiền đều phải có cuộc họp thống nhất ý kiến chung giữa Trụ trì và Ban quản trị, vào những dịp lễ hội truyền thống dân tộc Trụ trì và Ban quản trị đứng ra hướng dẫn tổ chức lễ. Chùa Khmer không những là nơi diễn ra các sinh hoạt tôn giáo xã hội mà còn là nơi tồn trữ và phổ biến những Đại tạng kinh, giáo lý, sách báo, tác phẩm văn hóa nghệ thuật Khmer, chùa còn là trường đào tạo nữa. Nơi đây, có các lớp giáo lý Pali - Vinaya, cho Tăng sinh và cả lớp dạy chữ Khmer cho con em dân tộc. Thầy dạy lớp giáo lý Pali - Vinaya thường là các sư sãi được Hội ĐKSSYN các cấp đào tạo. Mỗi ngôi chùa Khmer là một Trung tâm sinh hoạt văn hóa giáo dục xã hội của địa phương. Nơi đây, người dân Khmer được lớn lên trong nếp sống đạo đức Phật giáo. Các nhà sư vừa là thầy hướng đạo vừa là thầy dạy chữ nghĩa đạo đức cho dân chúng. Nên tín đồ Phật tử rất mực ngưỡng mộ và tôn kính Nhà sư. Cho nên chỉ có các sư sãi trong chùa là những người được học nhiều chữ nghĩa và mở lớp đào tạo giáo lý để duy trì đạo đức, văn hóa, Phật pháp. Với hoài bảo và tâm quyết bảo tồn văn hóa dân tộc mình mà các lớp học được duy trì từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Kiên trúc chùa Khmer được cấu tạo bởi một số nét mang đặc tính gần gũi với thiên nhiên và đặc trưng là có nhiều cây cổ thụ như sao, dầu được trồng thẳng hàng luôn được bảo dưỡng tươi tốt. Vì thế cảnh quang ngôi chùa đã được xem như danh lam thắng cảnh, nơi để đồng bào xa gần hành hưong thưởng ngoạn. Với bản tính chất phát, thật thà, đôn hậu vốn có ở người Khmer điều đó đã chứng minh ở triết lý sống của Phật giáo là: từ - bi - hỷ - xã, tinh thần vị tha và càng tin tưởng vào quy luật nhân quả, nghiệp báo. Chính sự thích hợp đó đã tạo thế đứng vững chắc cho Phật giáo truyền thống Theravada tồn tại trong đồng bào Khmer Nam bộ. Thế là, ngôi chùa đã trở thành trường học, trung tâm văn hóa giáo dục đào tạo và diển ra nhiều hoạt động nhân văn xã hội của dân tộc Khmer.

Ngày nay, trên đà phát triển của đất nước, người Khmer Nam bộ cũng đồng hành và tiến kịp với xã hội. Trên cơ sở hiện nay, theo báo cáo tổng kết công tác Phật sự năm 2009 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh thành có Phật giáo Nam tông Khmer, đều có mở các lớp sơ và Trung cấp Phật học Pali, giáo lý như : Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Bạc Liêu, An Giang. Tổng số liệu lớp và tăng sinh chung là: 1.276 phòng, có 6.806 vị tăng sinh. Lớp ngữ văn Khmer bậc tiểu học (lớp 1-5) ở tỉnh Trà Vinh mở được 815 phòng, có 19.845 học viên là thanh thiếu nhi Phật tử.

Ngoài ra, còn có nhiều chư Tăng Phật giáo Nam tông Khmer theo học các Trường đại học tại thành phố Hồ Chi Minh, Cần Thơ, Trà Vinh, với chuyên ngành như: tin học, kế toán, du lịch, Anh văn, trên 50 vị đang du học tại các trường Đại học Phật giáo Myanmar, Thái Lan, Ấn Độ. Đây là thành quả giáo dục đáng được khích lệ dành cho Phật giáo Nam tông Khmer.

Nhân Hội thảo này chúng tôi có một số định hướng sinh hoạt tu học của Phật tử Khmer thời hội nhập như sau:

1. Phối họp Trụ trì chư Tăng, Ban quản trị Phật tử trong bổn đạo tổ chức thuyết giảng giáo lý mỗi tháng 4 kỳ và đưa triết lý Phật giáo sinh hoạt thực tiển vào đời sống. Đồng thời tuyên truyền các chủ trương đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là thời kỳ phát triển và hội nhập của đất nước hiện nay.

2. Nhằm nâng cao hiểu biết sâu rộng trong chư Tăng, quần chúng nhân dân nhất là vùng đồng bào dân tộc Khmer, Giáo hội thường xuyên quan tâm tổ chức Hội thảo về những ý nghĩa quan trọng của ngày Đại Lễ Vesak (Phật Đản), hoằng pháp vùng đồng bào dân tộc bằng tiếng dân tộc, qua đó đưa những lời dạy có tính cách khoa học, tính nhân văn của đức Phật cũng như sự tiến bộ của Phật giáo trong sự phát triển và sự tiến bộ của xã hội.

3. Vận động Trụ trì, Ban quản trị các chùa, các mạnh thường quân, tích cực tham gia phong trào từ thiện xã hội, vận động các chùa tạo điều kiện giúp đỡ cụ ông, cụ bà già yếu, giúp đỡ bệnh nhân nghèo, các gia đình có công, góp phần giảm nhẹ, gánh nặng cho xã hội, khuyến khích các chùa kết hợp với chính quyền địa phương, hội người cao tuổi tổ chức viếng thăm và làm lễ chúc thọ cho cụ ông, cụ bà ở địa phương.

4. Tổ chức tốt cho chư Tăng và con em Khmer theo học các Trường sơ – Trung cấp Phật học Nam tông Khmer và giúp đỡ tạo điều kiện cho chư Tăng và các em được vào các trường Đại học để đào tạo nhân tài phụng sự đạo pháp, dân tộc và xã hội./.

Theo GHPGVN

Các tin đã đăng: