Từ
chiều hôm trước chị Ba Mén đã dặn xe ôm đưa chị ra bến xe đò miền Tây
vào bốn giờ sáng. Tuy trời còn tối đen thế nhưng người đã đông, chen
chúc, khệ nệ.
Quang cảnh bến xe ngày hai mươi tám Tết có khác, thật ồn ào, tiếng
người gọi nhau, trẻ con khóc la. Ánh đèn pha của những chiếc xe xếp
thẳng hàng chiếu vào những đám bụi mù cuồn cuộn bốc lên từ những bước
chân người hối hả. Một tay xách túi quần áo, một tay xách một giỏ lớn
đầy quà bánh ngày Tết, chị Ba Mén có vẻ nôn nóng, gặp người lơ xe nào
cũng hỏi :
- Chú em ơi ! Xe Cà Mau đậu chỗ nào vậy chú ?
Chị Ba Mén đã ngoài năm mươi, người tròn trịa, nặng nề, trèo lên
chiếc xe Phương Trang đã gần đầy khách. Chị vừa tìm được đúng số ghế,
lay hoay xếp cái túi xách đựng quà Tết xuống sàn xe, chưa kịp ngồi thì
đã thấy một phụ nữ còn trẻ, tay bế, tay dắt cũng tìm đến hàng ghế của
chị. Người phụ nữ chỉ độ hơn hai mươi, bế một đứa bé còn đỏ hỏn, một
đứa khác độ lên hai nắm chặt lấy bâu áo của mẹ. Người phụ nữ ngồi xuống
chiếc ghế bên cạnh, đặt đứa bé lên đùi, thở phào nhẹ nhõm. Đứa lớn là
một bé gái chen vào giữa hai hàng ghế và đứng tựa vào hai đầu gối của
mẹ.
Chiếc xe chật ních hành khách và hàng hóa, lắc lư và nặng nề ra khỏi
thành phố. Chị Ba Mén liếc nhìn sang bên cạnh, thấy người phụ nữ đang
cho con bú, đứa bé gái thì gục đầu lên đùi mẹ ngủ say. Cảnh tượng đó
khiến chị Ba cảm thấy tủi thân. Chẳng những chưa hề được cái diễm phúc
làm mẹ mà chị cũng chưa hề được một người con trai hay đàn ông nào để ý
đến. Đôi khi chị cũng ước mơ có một tổ ấm gia đình, được làm vợ, làm
mẹ, thế nhưng tất cả những thứ ấy cũng chỉ là ước mơ, những ước mơ ngày
càng phai mờ với thời gian và tuổi tác. Thật vậy gần bốn mươi năm giam
mình trong cái xó bếp nóng nực và nồng nặc mùi thịt cá, khô mắm, dầu
mỡ, khói than... của một quán cơm bình dân chật chội ở đầu một con hẻm
trong khu chợ Vườn Chuối, không mấy khi chị có dịp giao du hay quen
biết với ai cả. Mỗi năm vào dịp Tết quán cơm đóng cửa vài ngày và đấy
cũng là dịp duy nhất chị được về thăm mẹ ở tận Năm Căn, Cà Mau.
Xe đến Trung Lương thì trời cũng bắt đầu ưng ửng sáng. Bất chợt xe
thắng mạnh vì đèn đỏ, đứa bé gái té lọt xuống sàn xe giữa hai chân của
người phụ nữ. Nó sợ hãi khóc ré lên. Thấy vậy chị Ba bèn nói với người
phụ nữ :
- Nè chị Hai ! Để tui ẳm nó lên ngồi kế bên tui nghe chị !
- Nhờ Dì ẳm nó lên dùm con, đứng lâu mỏi chân nó té.
Chị Ba Mén ẳm đứa bé lên, thế nhưng ghế thì hẹp, mông chị lại to lấn
sang cả ghế của người thiếu phụ, không còn chỗ nào cho đứa bé ngồi. Chị
đành đặt nó lên đùi chị. Đứa bé nín khóc, nhìn chị rồi đặt đầu lên
ngực chị và tiếp tục lim dim ngủ mà không e dè gì cả. Lần đầu tiên
trong đời có một đứa bé gục đầu lên ngực, chị Ba Mén cảm thấy một xúc
cảm là lạ dâng lên trong lòng mình, dịu dàng và trìu mến. Một thời tuổi
nhỏ bỗng hiện lên với chị, những kỷ niệm của quá khứ cứ thế mà theo
nhau lùi về xa hơn và xa hơn nữa...
Ấp Tắc Biển, cách thị xã Năm Căn hơn mười cây số về phía Nam, nằm ở
bờ bên kia của con sông Cửa Lớn, một nơi hoang vu, sình lầy và muỗi
mòng. Từ Tắc Biển chỉ cần chèo thêm khoảng mười cây số nữa theo mấy con
rạch nước mặn qua các ấp Ngọc Hiển, Rạch Gốc, Kinh Ba là đến biển, nơi
tận cùng của mũi Cà Mau, một nơi quanh năm lụt lội, chỗ thì lỡ, chỗ
thì bồi. Mỗi ấp trong vùng cũng chỉ được vài chục mái nhà lá, cất trên
những gò cao. Chung quanh toàn là những bãi lầy ngập nước.
Cách nay đã hơn năm mươi năm vào một đêm ba mươi tối trời, chị Tư
Lượm loay hoay chuẩn bị giao thừa. Nói là chuẩn bị thế nhưng thật ra
thì cũng chẳng có gì để mà chuẩn bị cả, vì cái chòi của chị nhỏ xíu chỉ
đủ kê một chiếc chõng tre và một cái bàn nhỏ làm bàn thờ. Trên bàn có
đặt một bát hương. Vài chiếc nồi nhôm móp méo treo trên vách phía sau
cái bàn. Hai cái lò đất nấu bằng củi bám đầy tro bụi đặt trong góc nhà,
bên cạnh một đống củi. Không khí ngày Tết nếu có thì cũng chỉ ở trong
lòng chị mà thôi. Tuy chẳng có gì gọi là giao thừa thế nhưng chị Tư cũng
cứ cảm thấy bồn chồn và nôn nao trong lòng, chị nghĩ rằng năm mới sắp
đến biết đâu cũng sẽ mang lại một chút đổi thay nào đó cho cuộc đời
mình. Chị Tư Lượm ôm thằng con trai tám tuổi của chị vào lòng và nhìn
ra cửa chòi, một vùng hoang vu, lau sậy và ngập nước trải rộng đến chân
trời.
Chín năm trước đó chị Tư Lượm và người chồng là anh Tám Nghiệp đến
định cư ở ấp Tắc Biển. Hai vợ chồng gốc ở Cái Tắc Cần Thơ xuống làm
mướn ở thị xã Năm Căn. Chiến tranh ngày càng gia tăng, nhiều gia đình
trong các vùng xa bỏ ruộng dọn đi nơi khác. Hai người tìm được một gò
đất bỏ hoang ở ấp Tắc Biển, họ bèn cất chòi, khai mương, làm rẫy, nôm
cá, đặt lờ... để kiếm ăn qua ngày. Một năm sau, hai người sinh được một
đứa con trai và đặt tên là Hên. Chiến tranh ngày càng trở nên khốc
liệt, bom đạn triền miên, chết chóc xảy ra hàng ngày. Nhiều người đàn
ông, thanh niên ở các ấp chung quanh thường đến rủ rê, anh Tám nghe cũng
bùi tai. Lúc đầu anh bỏ gia đình theo họ vài ngày, sau đó thì đi lâu
hơn, có khi cả tháng mới về. Chị Tư ở nhà nuôi con.
Thế nhưng một hôm anh Tám ra đi và không thấy trở về nữa. Năm năm
sống nhẫn nhục với thằng con trai nhỏ cũng đã quen. Đêm giao thừa năm
nay chị thắp ba cây nhang cắm vào bát hương trên bàn khấn vái ông bà và
cầu mong cho anh Tám được bình yên dù là đang ở nơi nào. Sau đó chị
chui vào mùng, thằng Hên đã ngủ say. Vừa thiu thỉu ngủ thì bỗng chị
nghe thấy có tiếng người gọi thật khẽ :
- Lượm ơi Lượm ! Anh về nè em !
Chị Tư tưởng mình nằm mơ, mở mắt lắng nghe.
- Lượm ơi ! Mở cửa cho anh, Tám Nghiệp của em về thăm em nè !
Chị Tư bật dậy, chui khỏi mùng, phóng ra cửa. Chị kéo mạnh chiếc cửa
chòi đan bằng tre, bóng anh Tám hiện ra giữa khung cửa, sừng sững, yên
lặng, sau lưng anh mờ mờ những đám ruộng sình mọc đầy lau lách. Chị Tư
ôm anh Tám khóc hu hu. Anh Tám ôm vợ và siết chặt trong vòng tay mình,
càng siết chặt chị Tư càng khóc to hơn. Anh Tám cũng khóc, những giọt
nước mắt yên lặng của anh rơi lên tóc của chị Tư. Trên cao bầu trời tối
đen, lấp lánh những vì sao vô tình.
Chị Ba Mén được hình thành trong một đêm giao thừa, trong vòng tay xa
lạ của một người cha và bằng những giọt nước mắt tủi thân của một
người mẹ. Chưa tờ mờ sáng anh Tám đã từ giã vợ ra đi. Anh cho biết là
tối hôm qua nhân dịp hành quân qua vùng này, anh đã xin cấp chỉ huy về
thăm vợ. Anh hôn lên đầu thằng con trai còn đang ngủ say và vội vã ra
đi. Chị Tư ngồi ở thềm cửa nhìn theo và ôm mặt khóc hu hu. Trời hừng
đông chị Tư trở vào nhà xếp mùng mới nhận thấy anh Tám đã bỏ quên một
chiếc nón bèo nhèo màu rêu, dính đầy bùn đất và hoen ố mồ hôi. Cầm chiếc
nón chị lại khóc thêm một chập nữa. Sau đó chị vác cuốc đi làm công,
dẫn thằng Hên theo như mọi ngày.
Bảy tháng rưỡi sau đó, trong căn chòi một đứa bé gái sinh ra đời,
thiếu tháng, nhỏ xíu và èo uột. Chị Tư Lượm đặt tên nó là Mót, cái tên
Mén chỉ là tên chánh thức sau này. Khi con ba Mót được một tuổi, chị
không còn phải đeo nó trên lưng để đi làm nữa mà giao nó cho thằng Hên ở
nhà giữ em. Ba mẹ con sống giữa hai lằn đạn phục kích và ruồng bố, bữa
đói bữa no. Khi con Mót được năm tuổi biết ở nhà một mình, thằng Hên
theo giúp đỡ mẹ trong các việc đồng áng. Ba mẹ con cũng đủ ăn.
Thằng Hên càng lớn càng giống cha, mỗi lần nhìn nó chị Tư lại khóc.
Mười bốn tuổi nó đã biết nôm cá, đặt lờ. Mười lăm tuổi nó biết đi làm
công thay cho mẹ vào những ngày mẹ bệnh. Nó siêng năng, cày cuốc rất
giỏi ai cũng thương. Thời gian trôi nhanh, thằng Hên trở thành một
thanh niên vạm vỡ. Trong một cuộc ruồng bố, nó được đưa lên quận để làm
giấy tờ nhập ngũ vì đã mười tám tuổi. Thế là chị Tư lại rơi vào cảnh
đơn chiếc, mỗi ngày đi làm công, dắt con Mót theo để tập cho nó biết
các công việc đồng áng ruộng vườn.
Đổ dốc cầu Mỹ Thuận được vài cây số thì chiếc xe đò dừng lại ở một
quán ăn lớn để hành khách điểm tâm. Chị Ba Mén dắt đứa bé gái xuống xe
và bước theo mẹ nó. Chị Ba ăn chay trường nên chỉ gọi một ly trà đá,
chị nói với người phụ nữ :
- Để dì ẳm con cho em ăn. Tội nghiệp, đeo hai đứa con leo nheo lóc nhóc thiệt là khổ. Chồng em đâu sao không về chung ?
- Chồng con làm bảo vệ cho khách sạn, Tết đông khách không được về.
Con ráng ẳm hai đứa nhỏ về Tân Thành Cà Mau thăm bên nội bên ngoại.
Người thiếu phụ trẻ trao đứa bé trên tay cho chị Ba Mén. Chị ẳm đứa
bé vào lòng, tuy vụng về và ngượng nghịu thế nhưng không che dấu được
sự thích thú hiện lên trong đôi mắt chị. Chị mơ màng nghĩ đến người mẹ
mình ở Tắc Biển cũng đã từng ẳm bồng mình trong tay và cho mình bú. Thế
rồi những hình ảnh của con Ba Mót ngày xưa cứ theo nhau hiện lên với
chị. Năm đó chị được chín tuổi, một hôm mẹ hỏi :
- Mót à! Con muốn đi học không? Má không muốn con dốt nát như ba má.
Con Mót yên lặng không biết phải trả lời ra sao, cũng không hiểu học
hành là gì, một sự lo sợ mơ hồ thoáng hiện trong lòng nó. Vài hôm sau
chị Tư Lượm bỏ một ngày làm công, chèo xuồng qua ấp Tân Tiến ghi tên
cho con Ba Mót đi học. Ở Tân Tiến có một mái trường với khoảng hai mươi
đứa học trò. Thầy giáo là một người trọng tuổi từ bên Năm Căn về đây
sáng lập.
Đến Tân Tiến chị Tư cột xuồng dắt con Ba Mót đi gặp thầy giáo. Trường
là một mái lá, bên trong là một đám học trò đủ mọi lứa tuổi đang bu
quanh bốn hay năm cái bàn xiêu vẹo. Trông thấy thầy giáo ngồi ở một cái
bàn nhỏ kê trong một góc lớp, con Ba Mót hoảng sợ nắm vạt áo mẹ. Thầy
giáo cất lời hỏi chị Tư :
- Con nhỏ tên gì đó chị ?
Câu hỏi thật tự nhiên nhưng khá bất ngờ đã gợi lại cho chị cảnh anh
Tám bất thần trở về với chị trong một đêm giao thừa cách nay đã chín
năm, và đã để lại cho chị một đứa con mót. Nước mắt chạy quanh, chị
không muốn con gái mình phải suốt đời mang cái tên gợi lại những kỷ
niệm chua xót đó của đời mình, nên không biết phải xử trí ra sao. Thầy
giáo ngước lên thấy đôi mắt chị rưng rưng, thầy hoảng hốt, lúng túng
tìm cách trấn an :
- Tôi hỏi cháu tên gì để ghi vào sổ, có sao đâu mà chị lại buồn như vậy ?
Chị Tư không kịp suy nghĩ vội trả lời :
- Nó tên Mén !
- Tên Mén mà họ gì vậy chị ?
Câu hỏi lại càng làm cho chị Tư lúng túng thêm :
- Dạ thưa thầy tui cũng không biết. Từ ngày tui lấy ảnh tui cũng chỉ biết ảnh tên Tám Nghiệp.
Thầy giáo lại hỏi :
- Vậy chị họ gì ?
- Thầy hạch hỏi làm chi, tui cũng không biết luôn. Cha mẹ chết sớm ở với dì, lớn lên theo anh Tám cho tới nay...
Thầy giáo suy nghĩ một lúc rồi nói với chị Tư :
- Tôi ghi đại cho nó họ Nguyễn, chị chịu không ?
- Nó có tên có họ đàng hoàng là phước đức ông bà để lại rồi. Tui nào có dám chê khen gì.
Kể từ đó con ba Mót mang tên là Nguyễn Thị Mén. Cái tên cũng khá phù
hợp với vóc dáng ốm yếu và nhỏ thó của nó. Con Mót đứng nép bên chân
mẹ, ngơ ngác và sợ hãi. Nó cũng chẳng hiểu là kể từ ngày hôm nay nó có
thêm một cái tên mới là Mén.
Tắc Biển cách Tân Tiến hơn ba cây số. Mỗi ngày con Mén chèo xuồng đi
học, chị Tư đi làm công. Những ngày mưa bão lụt lội, không ai mướn, chị
Tư phải mượn gạo mà ăn. Con mén cũng không đi học được. Hai mẹ con
ngồi chồm hổm trên chiếc chõng tre nhìn ra trời mưa và nước ngập mênh
mông. Những hình ảnh đó thỉnh thoảng vẫn hiện lên với chị Ba Mén khiến
chị cảm thấy xót xa và thương mẹ vô cùng. Trong những dịp như thế chị
Tư thường kể chuyện đời mình cho con Ba Mén nghe. Chị trỏ chiếc nón vải
bèo nhèo dính bùn đất và hoen ố mồ hôi cài trên vách ở đầu chõng tre
và nói với nó :
- Đó là cái nón mà tía mày vì ra đi hấp tấp đã bỏ quên lại cho má trong một đêm giao thừa.
Cạnh bên chiếc nón có cài thêm một gói thuốc lá hút dở dang. Sự tích
về gói thuốc lá thì con Mén còn nhớ. Anh Hai Hên của nó nhập ngũ và hai
năm sau có trở về thăm mẹ và thăm nó một lần. Khi ra đi anh nó đã bỏ
quên gói thuốc lá trên bàn, bên trong còn lại tám điếu. Lúc đó nó đã
bảy tuổi, không những nó còn nhớ gói thuốc lá anh nó bỏ quên mà còn nhớ
cả câu nói mà anh nó đã nói với mẹ trước khi ra đi :
- Má à, đi lính nhớ nhà con bắt chước bạn bè hút thuốc, uống bia.
Lương lính không đủ xài, con không có tiền mua quà bánh gì cho má hết.
Nhờ lãnh thêm chút tiền thưởng Tết nên con mua vé xe đò về thăm má. Con
mong ngày nào hết chiến tranh sẽ trở về Tắc Biển làm ruộng nuôi má và
em con.
Tuy nói thế nhưng thật ra anh nó cũng có mua cho nó một gói kẹo dừa
thật to. Hai mẹ con thỉnh thoảng đem ra ăn, mỗi người một cục.
Qua khỏi Cần Thơ, chiếc xe Thiên Trang dừng lại để hành khách ăn
trưa. Chị Ba Mén moi trong giỏ quà Tết một hộp xôi và dắt đứa bé gái
bước theo mẹ nó xuống xe. Trời nắng gắt, mọi người có vẻ bơ phờ, ít trò
chuyện hơn so với lúc ban sáng khi xe dừng lại để điểm tâm. Khoảng một
giờ sau thì người lơ lại gọi hành khách lên xe. Trong xe mát rượi nhờ
có điều hòa không khí, hành khách lim dim. Chiếc xe tiếp tục lăn bánh
trên Quốc Lộ Một tiến về Cà Mau thế nhưng đầu óc của chị Ba Mén lại cứ
ngược trở về quá khứ.
Mẹ chị kể rằng ngày còn thanh niên dưới thời quân đội Pháp, cha chị
cũng đã từng bị bắt lính, thế nhưng chân bên trái có tật nên được thả
về. Cha mẹ chị gặp nhau trên một cánh đồng lúa ở Cái Tắc khi hai người
đi làm công. Cả hai rủ nhau xuống lập nghiệp ở Cà Mau. Lúc đó không
biết ai đã kể chuyện về cái xứ Đà Lạt cho cha chị nghe mà theo lời mẹ
kể lại thì cha chị lúc nào cũng mơ ước được sống trên đó. Cha chị bảo
rằng ở Đà Lạt có núi cao chót vót, khí hậu mát lạnh, có hoa thơm cỏ lạ
bốn mùa. Đà Lạt có thung lũng Tình Yêu, Suối Vàng, thác Cam Ly hùng vĩ,
hồ Xuân Hương thơ mộng, những cánh rừng thông bát ngát. Nhà cửa toàn là
biệt thư nguy nga và lộng lẫy. Mọi người đều giàu có, lên đó kiếm
miếng ăn nhất định là phải dễ dàng. Thế nhưng trên thực tế thì cha mẹ
chị lại lưu lạc xuống tận Năm Căn, cất chòi trên một gò đất bỏ hoang ở
Tắc Biển, một vùng quanh năm ngập lụt, lau sậy mịt mù và muỗi mòng dầy
đặc. Mẹ chị thường nói với chị :
- Tía mày lúc nào cũng mơ ước đưa tao lên sống ở Đà Lạt đầy thơ mộng,
rốt cuộc lại dẫn tao về lập nghiệp ở cái gò đất này. Bước ra khỏi nhà
là lội sình tới đầu gối.
Năm Căn thuộc tỉnh Cà Mau là thị xã cuối cùng nằm về phương Nam trên
Quốc Lộ Một. Con lộ dài nhất nước này chấm dứt ở bến đò Năm Căn. Con đò
nối liền Năm Căn với bờ bên kia của con sông Cửa Lớn mở ra một vùng
đất thấp mênh mông.
Chiếc xe Thiên Trang lắc lư tiếp tục lăn bánh dưới ánh nắng gay gắt,
chị Ba Mén nhìn sang bên cạnh và giật mình ! Người thiếu phụ ngủ say,
nghẹo đầu sang một bên, miệng há hốc, đứa bé cũng nhả vú mẹ ngủ say,
nước miếng lòng thòng. Nguyên một bên ngực của người thiếu phụ để lộ ra
bên ngoài, căng tròn và trắng phếu. Chị Ba khe khẽ kéo ngực áo của
người thiếu phụ để che bớt lại. Sáng nay khi mới lên xe và ngồi bên
cạnh người thiếu phụ với hai con, chị Ba Mén cảm thấy một chút tủi thân
nào đó trước cái số phận hẩm hiu không được làm mẹ của mình, thế nhưng
cảnh tượng trước mắt đã khiến cho chị phải bàng hoàng. Chị cảm thấy xót
thương cho thân phận người phụ nữ.
Thế rồi năm đó chiến tranh chấm dứt, con Ba Mén được mười lăm tuổi,
nhưng vẫn èo uột, thấp bé như một đứa trẻ mười hai. Một hôm có một
người lạ tìm đến căn chòi của chị Tư Lượm và đưa cho chị một lá thư
viết tay. Con Ba Mén đọc thư cho mẹ nghe. Trong thư người viết tự giới
thiệu mình là Tư Nghĩa, trước đây ở ấp Ngọc Hiển, cách Tắc Biển hơn ba
cây số. Chị Tư Lượm có biết người này. Trong thư anh Tư Nghĩa cho biết
trước đây mình là bạn đồng ngũ với chồng chị là anh Tám Nghiệp. Vì bị
thương nên anh được đưa về hoạt động ở Sài Gòn. Nay đất nước hòa bình
anh muốn giúp con Ba Mót có chút tương lai hầu giúp đỡ chị. Trong ba
ngày nữa vợ anh sẽ xuống dắt con Ba Mót lên Sài Gòn, và anh sẽ lo hộ
khẩu cũng như công ăn việc làm cho nó. Chị Tư Lượm biết anh Tư Nghĩa là
người tốt, ngay thẳng, phần chị thì đã yếu, không biết còn đi làm công
được đến ngày nào. Chị đành bấm bụng mà giao con Ba Mót cho vợ anh Tư
Nghĩa.
Chiếc xe đò Phương Trang dừng lại ở một quán ăn để hành khách giải
lao. Hai đứa nhỏ giật mình thức giấc khóc la. Chị Ba Mén cảm thấy toàn
thân ê ẩm, bước xuống xe thật khó khăn. Giam mình trong một cái bếp
chật hẹp như một chuồng gà gần bốn mươi năm, con Ba Mén ốm yếu và gầy
còm trước đây nay đã trở thành một người đàn bà sồn sồn, tướng đi nặng
nề, lạch bạch, lắc lư như một con gà mái dầu.
Gian bếp được hơn mười thước vuông, góc trái là nhà vệ sinh, bên cạnh
có kê hai thùng phuy đựng nước. Giàn bếp gồm có bốn lò nấu bằng gas.
Bốn vách bếp đều có kệ chất đầy mắm muối, gia vị, chai lọ, chén bát,
xoong chảo, nồi niêu đủ cỡ... Đấy là cái thế giới của chị Ba Mén. Tuy
chật hẹp thế nhưng cái thế giới đó cũng không đến nỗi quá tẻ nhạt. Mỗi
ngày có bốn cô gái vào trạc tuổi hai mươi đến giúp việc, hai cô phụ
bếp, hai cô chạy bàn. Chẳng những họ là nguồn thông tin của chị về
những gì xảy ra bên ngoài bốn vách tường của cái bếp quanh năm ướt át
và nhơ nhớp, mà còn là một nguồn hiểu biết giúp cho chị học hỏi thêm.
Bốn cô vừa làm vừa bàn với nhau về các vở cải lương, các phim chuyện
tràng giang đại hải của Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc... mà
họ xem trên truyền hình hay trong các đĩa DVD. Đấy là các chuyện cô
này yêu cậu kia, cậu kia thương cô nọ, ghen tuông, gây cấn, éo le, mưu
mô, lường gạt, hận thù, nước mắt... Chị Ba Mén cũng tham gia vào các
câu chuyện ấy và bàn cãi rất hăng. Tâm hồn của con bé Ba Mén quê mùa và
thật thà nơi ấp Tắc Biển ngày xưa nay nhờ đó cũng đã trở nên phong phú
hơn. Đời sống tình cảm của chị Ba Mén cũng chỉ có thế, một chút tưởng
tượng dựa vào những câu chuyện yêu thương do các cô phụ bếp và chạy bàn
kể lại.
Chị học bếp với người chủ trước, và người này nay đã qua đời. Người
chủ hiện tại là con gái lớn của bà chủ trước. Quán đông khách là nhờ
những món do tay chị nấu. Các món mắm kho, canh chua, thịt ram, sườn
nướng và nhất là món lòng heo luộc chấm mắn nêm là các món ăn khách
nhất. Mỗi ngày chính chị phải đảm đang các món này, không ai thay thế
được. Thế rồi với thời gian chị cũng đã an phận với cái thế giới thu
hẹp đó. Đôi ba tháng một lần chị gởi tiền về cho mẹ ở Tắc Biển. Chị Tư
Lượm, mẹ của con Ba Mót ngày xưa nay đã trở thành một bà lão gần tám
mươi, gầy nhom, lúc nào cũng tư lự, đôi mắt lem nhem thoáng hiện những
nét buồn u uẩn.
Một hôm có một bà khách quen đã trọng tuổi, nhà ở gần đó đến quán ăn
cơm. Hôm đó đã xế trưa, quán vắng khách, chị Ba cũng xong việc, hai
người lân la nói hết chuyện này lại bắt sang chuyện khác. Sau cùng bà
khách kể cho chị Ba Mén nghe về một ngôi chùa nhỏ tên là thiền thất
Phật Đà ở trong một con hẻm phía bên kia đường, cách quán cơm khoảng
vài trăm thước. Thầy trụ trì là một vị sư già thuyết giảng rất hay.
Thầy chuyên giảng kinh Pháp Cú. Kinh gồm bốn trăm hai mươi ba tiết, mỗi
ngày thầy giảng một tiết, khi nào giảng hết thì thầy lại giảng lại từ
tiết đầu. Chị Ba Mén chẳng hiểu Đạo Phật là gì cả nhưng cũng muốn đến
nghe một lần cho biết. Một hôm chị dọn dẹp bếp núc xong, tắm rửa thay
quần áo sạch sẽ và tìm đến thiền thất Phật Đà.
Bỏ dép bước vào gian chính điện nhỏ xíu, chị Ba Mén nhìn lên bàn thờ
Phật. Giữa bông hoa và những ngọn nến lung linh là một pho tượng Phật
thật lớn trong tư thế ngồi thiền, vẻ uy nghi và thanh thản. Một vị thầy
già gầy nhom ngồi tréo chân trên một tấm phản nhỏ đặt trước bàn thờ.
Chung quanh chị hơn ba mươi người đang ngồi yên lặng, hướng vào vị
thầy, vẻ mặt họ thật thanh thản và thành kính. Trước cảnh tượng đó chị
Ba Mén bàng hoàng cả người, chị có cảm giác như đang bước vào một thế
giới khác, một thế giới thật yên lặng và an bình.
Chị chưa biết phải xử trí ra sao thì ngay lúc đó có một chú tiểu từ
phía sau bàn thờ Phật bước ra tiến đến gần chị, vái chị một vái và trao
cho chị một cái gối nhỏ và ra hiệu bảo chị hãy dùng gối để ngồi. Chị
đặt gối xuống chiếu và ngồi lên như một cái máy. Không ai để ý đến chị,
thế nhưng chị cảm thấy an tâm một cách lạ thường. Trong gian chánh
điện chật hẹp tỏa rộng một bầu không khí thật an bình và thân thiện.
Độ mười lăm phút sau thì vị thầy đánh một tiếng chuông báo hiệu buổi
tập thiền chấm dứt. Chú tiểu phía sau bàn thờ Phật lại xuất hiện với
một cái mõ lớn và ngồi xuống bên cạnh vị thầy. Tất cả mọi người tụng
một bài kinh ngắn, chú tiểu gõ mõ đánh nhịp, vị thầy thỉnh thoảng đánh
một tiếng chuông. Chị Ba Mén cảm thấy mình lọt vào một thế giới khác,
một thế giới thật êm ả, thiêng liêng và hoàn toàn xa lạ đối với chị
trước đây. Ít nhất thì cái thế giới đó cũng khác với cái xó bếp ngột
ngạt của chị, với cái quán cơm ồn ào và hỗn độn với những người khách
đến ăn còn đang đói, hoặc đã no bụng và hả hê.
Sau thời kinh, các người đến chùa đứng lên và hướng vào bàn Phật. Chú
tiểu và vị thầy thì đứng trước bàn thờ Phật và hướng vào họ, hai bên
đối mặt với nhau. Vị thầy cầm một cái chuông nhỏ đánh khẽ một tiếng,
tất cả mọi người mọp xuống để lạy. Vị thầy lạy người đến chùa là một
cách trả lễ cho Phật, và đồng thời cũng là để tỏ lòng kính trọng họ như
những vị Phật. Người đến chùa thì lạy Phật và cùng lúc cũng lạy cả vị
thầy như người đã thay Phật để hướng dẫn họ. Chị Ba Mén cũng bắt chước
mọi người mọp xuống để lạy, vụng về và ngượng nghịu. Thế nhưng đồng
thời thì chị cũng cảm thấy có một sức mạnh nào đó đang manh nha và chớm
nở trong lòng mình, một sức mạnh thật khiêm tốn nhưng bao la và tràn
ngập yêu thương. Khi úp mặt lên chiếu để lạy, chị cảm thấy mình trở nên
thật nhỏ bé và vô nghĩa, cả cái thân xác cục mịch và nặng nề của mình
hình như cũng tan biến hết.
Sau ba lạy thì vị thầy tiến đến gặp chị Ba và cất lời với chị :
- Có lẽ chị đến đây lần đầu ? Chị cứ tự nhiên, nhà của Phật là nhà
của mọi người. Mỗi tối đều có một buổi ngồi thiền kéo dài nửa giờ, sau
đó là phần thuyết giảng. Nếu chị cần biết thêm điều gì thì cứ hỏi nhé !
Vị thầy ngồi xuống trước bàn thờ Phật, các người đến chùa ngồi thành một vòng chung quanh. Vị thầy cất lời :
- Hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem tiết thứ mười chín trong Kinh
Pháp Cú muốn nói lên điều gì. Trong câu này Đức Phật nhấn mạnh đến vai
trò của sự chú tâm và cảnh giác. Ngài nói rằng một người mê muội,
thiếu chú tâm và cảnh giác cũng tương tự như một người chăn bò đếm đàn
bò của người khác. Sự chú tâm và cảnh giác giúp chúng ta nhận thấy
những gì đang xảy ra chung quanh hầu giúp chúng ta biết trở về với con
người đích thật của chính mình.
Vị thầy còn giảng thêm rằng sự chú tâm và cảnh giác đối với những gì
mình cảm nhận được bằng thân xác, bằng mắt, tai, mũi, lưỡi và kể cả
những xúc cảm và sự suy nghĩ của mình, sẽ giúp mình hòa nhập với thế
giới chung quanh dễ dàng, thích nghi và đúng đắn hơn.
Tuy không hiểu hết ý nghĩa của những câu giảng đó, thế nhưng những gì
vị thầy vừa nói cũng đã biến cải cả đời sống tinh thần của chị Ba Mén
và cũng đã đánh dấu một khúc quanh lớn trong cuộc đời của chị. Từ trước
đến nay chị vẫn sống, thế nhưng không hề ý thức được là mình đang
sống. Chị không hề cảm nhận được sự sống bên trong nội tâm mình cũng
như sự sống đang biến động trong bối cảnh chung quanh. Mỗi ngày chị làm
các công việc thường nhật trong bếp như một cái máy. Lắm lúc chị cũng
không ý thức được là mình đang làm gì và vừa làm xong được những gì.
Mỗi sáng chị chờ các cô phụ bếp đến để cùng đếm với họ thật hăng say và
ồn ào những đàn bò trong đầu họ.
Kể từ khi được nghe giảng về sự chú tâm trên đây, chị Ba Mén thường
xuyên đến chùa và tham gia vào các buổi ngồi thiền và nghe giảng, chỉ
hôm nào mệt lắm thì chị mới không đến chùa. Những lời thuyết giảng của
vị sư già đã mang lại cho chị một tâm hồn phong phú, bén nhạy và nhiều
yêu thương hơn. Chị cảm thấy gian bếp quả là một nơi nhơ nhớp và hôi
hám, nào là mùi khô, mùi mắm, mùi cá, mùi lông gà, huyết heo, lòng heo,
mùi kho nấu, chiên xào... bốc lên nồng nặc. Hình ảnh những con gà dẫy
chết khi bị cắt cổ, những con cá dẫy dụa khi bị đập đầu, tiếng dao chặt
xương, tiếng mỡ sôi trong chảo, kể cả đôi khi tiếng nước tiểu của khách
hàng rót vào lỗ cầu trong góc bếp cũng nghe rõ mồn một..., tất cả đã
tạo ra một sự kinh hoàng trong gian bếp chật hẹp của chị.
Những lời thuyết giảng của vị thầy già thật ra không hề tạo ra cho
chị Ba Mén những khả năng nhận xét mang lại một sự sợ hãi hay kinh tởm
nào cả, mà đúng hơn đã giúp chị nhận thấy được bản chất khổ đau của
những gì đang xảy ra chung quanh chị, phản ảnh bởi sự thèm khát miếng
ăn của con người, bởi bản năng dục tính khích động và xô đẩy họ rơi vào
những xúc cảm bấn loạn, những hành động điên rồ và u mê. Ý thức được
các điều đó chị Ba Mén liền ăn chay và không còn tham gia vào các câu
chuyện tình yêu gây cấn do các cô phụ bếp và chạy bàn kể chuyện với
nhau. Mỗi khi trông thấy chậu lòng heo mà mỗi ngày chị phải rửa và phải
luộc thì chị đều cảm thấy một chút đau nhói trong lòng. Mỗi khi nghe
các cô phụ bếp và chạy bàn hăng say thuật lại hồi thứ năm mươi hay sáu
mươi của một bộ phim Hàn Quốc trình chiếu tối hôm qua trên truyền hình,
thuật lại chuyện cô này thương cậu kia, cậu kia hất hủi cô nọ..., thì
chị Ba cảm thấy thương hại các cô phụ bếp và chạy bàn vô cùng. Suốt
ngày đi làm cực nhọc, tối đến thì ngồi xem và đếm những đàn bò trong
đầu những diễn viên trên màn ảnh truyền hình.
Chị Ba Mén đảm trách công việc rửa ráy và luộc lòng heo đã từ mấy
chục năm nay, từ khi chị còn là một cô bé ốm yếu. Ngồi trên chiếc ghế
đẩu, chị đặt thau lòng heo trước mặt, khép hai chân vào nhau, gác cằm
lên hai đầu gối, chị dùng dao cắt phèo, bao tử, ruột già, gan, dồi
trường, riêng ra thành từng phần. Chị nặn bớt thức ăn đã tiêu hóa nửa
chừng trong ruột non để phèo bớt đắng, bởi vì các thức ăn đó đã được
pha trộn với mật và các dung dịch tiêu hóa khác tiết ra từ gan và bao
tử của con heo. Ngày nay thì chị phải ngồi với một tư thế khó khăn và
kém thoải mái hơn nhiều, phải dạng hai chân vì bụng chị to quá. Chị kéo
thau lòng heo sát vào bụng và mỗi khi nhìn xuống thì chị lại nhận thấy
bụng chị che khuất một nửa thau đựng bộ đồ lòng của con heo. Mỗi khi
rửa khúc dồi trường trắng phếu thì chị lại liên tưởng đến khúc dồi
trường trong bụng chị.
Trước đây trong bếp có một con chuột cống rất tinh ranh, không ai
đuổi bắt hay bẫy được nó. Một hôm chị đang chặt thịt và để ý thấy con
chuột ló đầu ra ở khe hở giữa hai thùng phuy đựng nước. Chị giả vờ như
không trông thấy nó và vẫn cứ tiếp tục chặt thịt. Bất chợt nó phóng ra
giữa sân bếp để tha một miếng thịt văng ra khỏi thớt. Chị Ba Mén bèn
ném ngay con dao phay đang cầm trên tay vào người nó. Sống dao đập vào
giữa lưng con chuột, nó ưỡn người, bốn chân co quắp và run lên. Con
chuột chết ngay sau đó, máu trào ra ở mũi và miệng. Chị Ba rất hãnh
diện và khoe thành tích của chị với mọi người. Thế nhưng hôm nay khi
chặt thịt và liên tưởng đến chuyện ấy thì chị lại thương hại con chuột
vô ngần. Hoàn cảnh của nó thì nào có khác gì với hoàn cảnh của chị đâu,
cả hai đều phải tranh đấu để kiếm miếng ăn. Nó thường rình rập nơi khe
hở giữa hai thúng phuy, còn chị thì phải tự giam mình trong cái xó bếp
chật hẹp này từ mấy chục năm nay. Cái chết của chị cũng đang xảy ra
trong từng giây phút một, thế nhưng nhẹ nhàng và chậm chạp hơn, không
tức tưởi như cái chết của con chuột. Vào một lúc nào đó cái chết của
chị biết đâu cũng sẽ xảy đến thật đột ngột và đau thương như cái chết
của nó ? Suy nghiệm về những lời giảng của vị sư già, chị bỗng nhận
thấy trước đây mình đã sống như trong một giấc mơ, không hiểu biết gì
cả, cũng chẳng ý thức được gì cả. Nào chị có biết đến đàn bò trong đầu
mình đâu để mà đếm. Chị chỉ nhìn thấy đàn bò trong đầu của người khác.
Xe đến thị xã Cà Mau lúc nào không hay. Tiếng còi xe inh ỏi trên
đường phố lôi chị trở về với thực tại. Xuống xe, tay xách tay ôm, thế
nhưng chị vẫn cố gắng gọi xe taxi cho người phụ nữ ngồi bên cạnh, giúp
cho cả ba mẹ con ngồi vào xe cẩn thận, sau đó chị mới trèo lên chiếc xe
đò nhỏ đưa chị về Năm Căn. Đường ổ gà, xe xóc mạnh, chị ôm giỏ quà vào
lòng. Trong giỏ có một chai rượu dâu Đà Lạt, bốn lon bia Tiger và một
gói thuốc lá hiệu Con Ngựa, và đặc biệt hơn hết là một hộp yến sào bên
trong có sáu hủ. Trời đã xế chiều và chị thì còn phải qua đò và đi xe
ôm về Tắc Biển.
Đứng chờ đò ở bờ sông Năm Căn, chị cảm thấy nôn nao trong lòng vì một
chốc nữa đây chị sẽ được gặp lại mẹ sau một năm dài xa cách. Chị mơ
màng nghĩ đến tối hôm nay chị sẽ trịnh trọng đặt lên bàn thờ chai rượu
dâu Đa Lạt pha phẩm đỏ và hương dâu hóa học cạnh bên chiếc nón hoen ố
mồ hôi để cúng cha, một người cha mà chị không hề được biết mặt. Chị sẽ
đặt một gói thuốc lá mới hiệu Con Ngựa và bốn lon bia Tiger bên cạnh
gói thuốc lá Salem nhăn nhúm mà người anh mình đã bỏ quên nhằm để đặc
biệt cúng anh mình, một người anh đã từng bồng bế mình ngày nhỏ. Chị sẽ
khui một lọ yến sào cho mẹ ăn. Chị nghe người ta nói rằng yến sào rất
bổ cho người lớn tuổi.
Đêm hôm nay chị sẽ chui vào mùng ngủ với mẹ trên chiếc chõng tre. Chị
sẽ gác đầù lên chiếc ngực lép xẹp của mẹ để lắng nghe tiếng đập của
tim mẹ và để cảm thấy hơi thở âm ấm của mẹ luồn vào tóc mình... Bỗng
nhiên một ý nghĩ lạ lùng hiện lên trong đầu, chị chỉ muốn mãi mãi nằm
trong bụng mẹ để lúc nào cũng được nghe thấy tiếng tim mẹ đập và tiếng
phổi của mẹ thở, chị không muốn sinh ra làm người làm gì. Chị ước mơ
một ngày nào đó sẽ cùng với mẹ hóa thành những áng mây trên trời. Chị
nghĩ thầm : Mong sao được trở về bụng mẹ, xin chớ sinh làm người, ước
tan vào hư vô... Những ý nghĩ kỳ quặc và lạ lùng đó khiến chị phải mỉm
cười, thế nhưng đồng thời thì nước mắt cứ trào ra và lăn dài trên đôi
gò má phúng phính của chị. Con đò máy đang xoay mũi để cặp bến. Trước
mặt chị nước sông Cửa Lớn xoáy cuồn cuộn và đục ngầu.
Một vài ghi chú của người viết
Một kiếp người thì nào có khác gì một chuyến xe. Thế nhưng có khi nào
chúng ta tự hỏi rằng chuyến xe của đời mình sẽ đưa mình về đâu hay
không ? Nếu ra bến xe mua vé và bước lên xe thế nhưng chúng ta lại
không biết là chuyến xe ấy sẽ đưa mình về đâu, như thế có phải là đáng
buồn hay không ? Sống nhưng không biết mình sống để làm gì thì cũng
tương tự như đang ngồi trong một chiếc xe đò đang chạy nhưng lại không
biết là nó đi đâu.
Cũng tương tự như thế, khi bước ra đường và gặp một người đang đi, ta hỏi người này :
- Ông, bà, hay cô, chú... đang đi đâu đấy ?
Nếu người này trả lời là họ đi thế thôi và cũng chẳng biết là mình đi
đâu, thì có phải đấy là một điều đáng để đau buồn hay chăng ?
Đối với Phật Giáo thì đi như thế gọi là « đi lang thang ». Tất cả
chúng ta đang đi lang thang trong một thế giới bất định, một thế giới
lẩn quẩn, loanh quanh. Cái thế giới đó Phật Giáo gọi là thế giới luân
hồi hay samsara. Nguyên nghĩa tiếng Phạn của chữ samsara là « một tổng
thể đang chuyển động » hay « một đám đông đang đi lại », hoặc nói một
cách khác là « một đám người đang đi lang thang ». Đi lang thang có
nghĩa là bước đi trong một thế giới của ảo giác, trong một giấc mơ
triền miên. Trong giấc mơ đó, đôi lúc chúng ta cũng chợt tỉnh và nhận
thấy mình đang ở một nơi nào đó, thế nhưng có lúc chúng ta cũng lại cảm
thấy mình đang ở một nơi khác.
Chúng ta lang thang trong một thế giới ảo giác chẳng qua vì chúng ta
luôn chạy theo những đàn bò của người khác để đếm và rồi quên mất đường
về. Cảnh giác, thức tỉnh và chú tâm chính là cách giúp mình nhận thấy
bản chất ảo giác của « thế giới lang thang » và « bản chất u mê » trong
tâm thức để trở về với con người đích thật của chính mình.
Bures-Sur-Yvette, 04.02.13
Hoang Phong