|
Thiền phái Trúc Lâm nổi bật nhất ở thời Trần với ba vị Tổ đầu, sau đó do nhiều yếu tố trong đó có hoàn cảnh chính trị, xã hội khiến những vị tu hành này phải tiềm ẩn hoặc rút về núi rừng yên tu, hoặc tư liệu bị thất thoát, nên trong lịch sử dường như lu mờ một khoảng. Tuy vậy, sức sống thiền là ở nội tâm, không phải ở hình thức bên ngoài, do đó hình thức không thể dập tắt được, trừ khi nơi nội tâm người tu đã tắt. Trái lại, dù ở nơi xa vắng ít ai biết tới, nhưng nội tâm vẫn có sức sống sáng ngời, thì mạch nguồn thiền vẫn còn trôi chảy, đủ duyên thì nó sẽ bừng dậy.
Và thực tế đã chứng minh điều đó. Sau thời gian dường như tiềm ẩn, đến thời Hậu Lê, Thiền sư Chân Nguyên lại xuất hiện trung hưng.
Vào thế kỷ 17, Thiền sư Chân Nguyên trụ trì chùa Long Động đã có công làm sống dậy ngọn gió thiền Trúc Lâm-Yên Tử sau một thời gian như chìm ẩn.
Thiền sư Chân Nguyên tên Nguyễn Nghiêm, tự Đình Lân, quê tại làng Tiền Liệt, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Năm 16 tuổi, nhân Sư đọc quyển Tam Tổ Thực Lục, đến Tổ thứ ba là Huyền Quang, liền tỉnh ngộ, nói: “Người xưa trước kia dọc ngang lừng lẫy mà còn chán bỏ việc công danh, huống nữa ta là một chú học trò.” Sư liền phát nguyện đi tu. Năm 19 tuổi, Sư lên chùa Hoa Yên, vào gặp Thiền sư Tuệ Nguyệt (Chân Trú) và được thế phát xuất gia, pháp danh là Tuệ Đăng. Nhưng không lâu, Thiền sư Tuệ Nguyệt tịch. Sau, Sư đến tham vấn Thiền sư Minh Lương ở núi Côn Cương và được tỏ ngộ. Sư hỏi Thiền sư Minh Lương:
- Bao năm dồn chứa ngọc trong đãy, hôm nay tận mặt thấy thế nào, là sao?
Minh Lương đưa mắt nhìn thẳng vào Sư, Sư nhìn lại, liền cảm ngộ, sụp lạy ba lạy. Thiền sư Minh Lương đặt cho Sư pháp hiệu Chân Nguyên và bài kệ phó pháp:
Mỹ ngọc tàng ngoan thạch,
Liên hoa xuất ứ nê.
Tu tri sanh tử xứ,
Ngộ thị tức Bồ đề.
Nghĩa:
Ngọc quý ẩn trong đá,
Hoa sen mọc khỏi bùn.
Nên biết ngay sanh tử,
Ngộ đó tức Bồ đề.
Sau Sư được truyền thừa y bát Trúc Lâm, làm trụ trì chùa Long Động và chùa Quỳnh Lâm, khôi phục lại Thiền phái Trúc Lâm.
Chính những tác phẩm quan trọng của chư Tổ Thiền phái Trúc Lâm nhờ Sư mà được lưu hành rộng thêm, nhắc cho người nhớ lại trên đất Việt này, vốn đã có một sức sống thiền cao tuyệt, một mạch nguồn Tổ đạo bất diệt, chúng ta là những người đi sau trong dòng máu Việt ấy, phải có bổn phận khơi dậy mạch nguồn kia, khiến cho sức sống nhiệm mầu được truyền mãi không gián đoạn. Muốn vậy, chính mình phải bắt nhịp được mạch sống ấy, tức phải có công phu tu hành thực sự để chứng nghiệm trong đó, rồi từ sự chứng nghiệm chân thật của chính mình, mình mới đem ra đánh thức, truyền hơi cho mọi người. Yên Tử linh thiêng cũng chính từ trong ấy.
Trong Thiền Tông Bản Hạnh, Sư đã viết:
Nhờ ơn Hoàng giác vua quan,
Phát lòng tu trước dân gian học cùng.
Đời đời nối đạo Thiền tông,
Chính pháp truyền lòng ai được thì hay.
Tổ đã đắp nấm trồng cây,
Mộng Bồ đề nở sau này càng cao.
Khai hoa kết quả xao xao,
Dõi truyền đất Việt thấp cao trùng trùng.
Ai khôn có trí có công,
Tu hành ngộ được Tâm tông mới mầu.
Tức là, vua, Tổ, đã mở đường đi trước, đã vun đắp, trồng sẵn mầm cây Bồ đề đó rồi, hoa quả tiếp tục nở, kết trái và dõi truyền luôn luôn trong lòng đất Việt. Người tu hành phải nhớ ngộ được Tâm tông, đó mới là chỗ chân thật nhiệm mầu, là sức sống của Tổ, của Phật. Mình tiếp được sức sống đó, là làm sống dậy Tổ đạo, là khơi mạch nguồn chân thật cho người, Chánh pháp không gián đoạn trên thế gian cũng từ đó.
Thiền sư Chân Nguyên quả thật đã bắt nhịp được mạch nguồn Thiền phái Trúc Lâm bằng chính sức sống chân thật nơi nội tâm và khơi dậy cho người đúng ý nghĩa của nó, không phải chỉ trên hình thức suông. Tiếp theo Thiền sư Chân Nguyên, Thiền phái Trúc Lâm vẫn được các hàng đệ tử phát huy, những tư liệu quý báu được nối tiếp khơi dậy làm cơ sở cho người nghiên cứu.
- Thiền sư Như Trí trùng san sách Thiền Uyển Tập Anh năm 1715.
- Thiền sư Như Sơn soạn Kế Đăng Lục năm 1734.
- Thiền sư Tịnh Quang trùng san Thánh Đăng Lục năm 1750.
- Thiền sư Tuệ Hiền trùng khắc Khóa Hư Lục (?).
- Thiền sư Tuệ Nguyệt trùng san Thượng Sĩ Ngữ Lục 1763.
- Sách Tam Tổ Thực Lục cũng do người trong Pháp phái thực hiện.
(Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Nguyễn Lang, Tập II, trang 123-124)
☼☼☼
Và hôm nay, Thiền viện Trúc Lâm Yên Tư û- Chùa Long Động, nơi Thiền sư Chân Nguyên trụ trì, đã một lần phục hưng Thiền Trúc Lâm, thì giờ đây được Hòa thượng Thích Thanh Từ, một Thiền sư hiện đại đang phục hưng lại lần nữa. Đây cũng là một điểm trùng hợp thú vị! Từ đây, hy vọng mạch nguồn Thiền phái Trúc Lâm-Yên Tử tiếp tục trôi chảy mãi và lan tràn ra khắp chốn, khiến cho ánh sáng Tổ đạo soi đến mọi người, làm bừng dậy một sức sống chân thật từ xa xưa mà người người hằng bỏ quên. Có sống được trong sức sống này, mới cảm thông với tất cả, xóa tan đi ranh giới ta – người, cùng hướng về một sức sống không hai.
Tịnh, Mật, Thiền, Giáo cuối cùng đồng về đến đích ấy thôi.
Đến đây, hai chữ “Trúc Lâm” cũng mờ tan trong đó!
Chữ nghĩa, danh từ làm sao đến trong ấy?
Chỉ một niềm vui không thời gian, không không gian!
“Lẽ thật ấy” xin trao lại cho người người!
☼☼☼
BIỂU ĐỒ TRUYỀN THỪA:
1. 33 vị Tổ – Thiền tông Ấn Độ
2. Các hệ, tông, phái chính của Thiền tông Trung Quốc.
3. Hệ Nam Nhạc.
4. Phái Vô Ngôn Thông.
5. Thiền tông Việt Nam – Thiền phái Trúc Lâm-Yên Tử.
(Trích Tự Điển Thiền Tông Hán Việt – Hân Mẫn – Thông Thiền.)
☼☼☼
Xưa nay lẽ thật sờ sờ,
Nơi mình đủ hết khỏi chờ tìm đâu.
Lăng xăng chạy hỏi là mù,
Hỏi cho cạn biển có thu được gì?
Dù cho có được điều chi,
Cũng là của lượm vui gì mà vui?
Có được thì phải mất thôi,
Đem vào thì phải có hồi trả ra.
Thiền tông chỉ thẳng ngay ta,
Báu sẵn trong nhà hãy lấy dùng mau.
Chần chừ giặc trộm lẻn vào,
Chỉ trong chớp mắt lầm bao nhiêu lầm.
Hãy xem Sơ Tổ Trúc Lâm,
Một câu soi lại tự tâm tỏ liền!
Dù bao sóng gió đảo điên,
Cầm gươm đuổi giặc tâm thiền vẫn NHƯ .
Danh cao công lớn bấy chừ,
Vẫn buông cái một đi tu nhẹ nhàng.
Lên non Yên Tử làm tăng,
Sống đời khổ hạnh chẳng màng lợi danh.
Ông vua đất Việt hùng anh,
Đạo lớn chứng thành Sơ Tổ Trúc Lâm.
Tiếp nguồn Phật Tổ mạch ngầm,
Làm cho chảy mãi tâm tâm ấn truyền.
Nếu ai ngộ được ý huyền,
Thì ai cũng có tâm thiền như ai.
Thiền viện Trúc Lâm – 2002
Thượng tọa Thích Thông Phương