Tra cứu
Quan điểm ngôn ngữ của Đức Phật trong Luật Tạng
15/03/2022 09:28 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Đức Phật rất phóng khoáng trong việc, cho các đệ tử sử dụng ngôn ngữ cần thiết, để thuyết pháp cho mọi tầng lớp xã hội thời bấy giờ. Ngài mong muốn tất cả các đệ tử truyền đạt lời dạy của Ngài bằng một thứ ngôn ngữ phổ thông nhất, dễ hiểu nhất, để mọi tầng lớp trong xã hội đều nghe hiểu và thực hành được.




Quảng Luật, cho tới thời điểm này, hiện còn lưu giữ 6 bộ chính. Trong đó, một bộ được lưu truyền bởi tạng Pāli, 5 bộ Quảng Luật còn lại, được chính thức truyền thừa trong thư tịch Hán hệ:

1. Đàm-vô-đức bộ (Dharmaguptaka/धर्मगुप्तक, Pháp mật bộ) truyền thừa Luật Tứ phần 四分律. Đại chánh, tập 22, No.1428, 60 quyển, Phật-đà-da-xá (Buddhayaśas/बुद्धयशस्) và Trúc Phật Niệm 竺佛念 dịch, Diêu Tần (Hoằng Thỉ 10, A.D. 408).

2. Tát-bà-đa bộ (Sarvāstivāda/सर्वातिवाद, Hữu bộ) truyền thừa Luật Thập tụng 十誦律. Đại chánh 23, No.1435, 61 quyển, Phất-nhã-đa-la (Puṇyatāra/पुण्यतार) và Cưu-ma-la-thập (Kumārajīva/ कुमारजीव) dịch vào thời Hậu Tần (Hoằng Thỉ 6, A.D.404)

3. Di-sa-tắc bộ (Mahīśāsaka/ महीशासक, Hóa địa bộ) truyền thừa Luật Ngũ phần 五分律. Đại chánh, tập 22, No.1421, 30 quyển, Lưu Tống (Cảnh Bình 1-2, A.D. 423-424) Phật-đà-thập (Buddajīva/बुद्दजीव) và Trúc Đạo Sinh dịch.

4. Ma-ha-tăng-kỳ bộ (Mahāsāṃghika/महासांघिक, Đại chúng bộ) truyền thừa Luật Ma-ha-tăng-kỳ 摩訶僧祇律. Đại chánh, tập 22, No.1425, 40 quyển, Đông Tấn (Nghĩa Hi 3, A.D. 416) Phật-đà-bạt-đà-la (Buddhabhadra/ बुद्धभद्र) và Pháp Hiển dịch. 5. Căn bản Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ tỳ-nại-da[1] (Mūlasarvāstivāda/मूलसर्वास्तिवाद, Hữu bộ) truyền thừa Luật Căn bản Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ tỳ-nại-da 根本說一切有部毘奈耶. Ngoài ra, còn một hệ Luật được coi là chính truyền, nhưng chưa được truyền dịch trong Hán hệ, đó là Ca-diếp-di bộ (Kāśyapīya/काश्यपीय, Ẩm Quang bộ) tuy chưa có Quảng luật được truyền dịch, nhưng giới kinh, tức là bộ Giải Thoát Giới Kinh 解脫戒經 cũng được phiên dịch trong Hán hệ. Luật tạng được thành lập trong khoảng thời gian nhất định, trực tiếp từ kim khẩu của đức Phật, là sở y chung cho tất cả các bộ phái Phật giáo, nhưng do truyền khẩu với nhiều khẩu-âm, phương-ngữ khác nhau, lại phát triển dần theo thời gian và địa vức của bộ phái, mà có nhiều điểm khác biệt. Căn cứ vào xuất thân và vùng hoạt động, giới nghiên cứu học thuật hiện nay cho rằng, đức Phật đã sử dụng cả thánh ngữ lẫn phương ngữ để thuyết pháp. Sự việc này, khởi nguồn từ câu chuyện hai Tỳ-kheo dòng Bà-la-môn, thỉnh cầu Phật nên sử dụng thánh ngữ ngâm-nga (chandas) để truyền giảng giáo lý, nhưng đức Phật đã từ chối. Từ đây, cho ta thấy quan điểm phóng khoáng của đức Phật về ngôn ngữ cần sử dụng trong Tăng đoàn thời bấy giờ. Căn cứ theo chỉ dẫn của các bộ Luật như: Ngũ phần luật 26 (T1421, p.174b20) “Tùy theo âm ngữ của từng nước mà đọc tụng, nhưng không được sai lệch ý Phật. Không chuyển thể Phật ngữ sang ngoại thư ngữ, [vi phạm] phạm thâu-lan-giá.” Tứ phần luật 52 (T1422, p. 955a22) “Cho phép, tùy theo ngôn ngữ, phong tục của từng nước mà giải thích, tụng đọc kinh Phật.” Thập tụng luật 38 (T1435, p.274a22) “Từ nay, nếu dùng âm thanh ngoại thơ, để tụng đọc kinh Phật, phạm đột-kiết-la.” Tiểu phẩm 2 (Vin. ii. 140, dịch Việt Tỳ Khưu Indacanda, 2014) “Này các tỳ khưu, không nên hoán chuyển lời dạy của chư Phật sang dạng có niêm luật; vị nào hoán chuyển thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép học tập lời dạy của đức Phật bằng tiếng địa phương của chính bản thân.” Tỳ-ni mẫu kinh 4 (T1463, p.822a20-22; dịch Việt Linh Sơn Pháp Bảo Tạng) “Trong Phật pháp của Ta không cho ngôn ngữ hay là đúng, chỉ cần đừng để mất nghĩa lý thì đó là ý của Ta. Tùy theo các loại chúng sanh cần ngôn ngữ gì để được giác ngộ thì Ta dùng loại ngôn ngữ đó để giảng cho họ nghe.” Đấy là những trích dẫn lời Phật thông qua Quảng luật của từng bộ phái. Riêng Tì-ni mẫu kinh 毘尼母經 (Vinayamātṛkā/ विनयमातृका)[2] thuộc bộ phận Luận của Luật. Luận của Luật, tức là, giải thích và luận giải tạng Luật. Bộ phận này lưu hành bên ngoài, và ra đời sau khi các bộ Quảng Luật đã hoàn thành. Theo dòng văn hiến lịch sử, đức Phật thuyết pháp, hoằng hóa độ sanh, của hai truyền thống Nam truyền và Bắc truyền, hầu hết chúng ta thấy rằng, Ngài không đặt nặng vấn đề về ngôn ngữ, và không chủ trương biên tập những lời dạy bằng một ngôn ngữ chính thức nào đó. Thật sự, cho đến thời điểm này, chưa có một công trình khảo cứu nào chứng minh thuyết phục, khẳng định đức Phật đã thuyết pháp bằng ngôn ngữ nào, cho dù có nhiều ý kiến nhất trí cho rằng, đức Phật dùng tiếng Magādhi, ngôn ngữ vương quốc Magadha (Ma-kiệt-đà). Tuy nhiên, các vấn đề về thể tài ngôn ngữ ở trên, xin để dành cho những nhà nghiên cứu lịch sử về ngôn ngữ đi vào chi tiết chuyên sâu hơn. Trọng điểm và những vấn đề tiêu biểu đang nói ở đây, là luận bàn về quan điểm ngôn ngữ của đức Phật trong Luật tạng. Về vấn đề này có ba chiều hướng để chúng ta luận bàn. Thứ nhất: Về nhân vật của câu chuyện này. Sự việc này khởi nguồn từ câu chuyện hai Tỳ-kheo dòng Bà-la-môn, các bộ Luật cho ta biết thông tin như sau: Tứ phần 52 (p.955a17) đề cập một Tỳ-kheo tên Dũng Mãnh 勇猛; Ngũ phần 26 (p.174b14) nói hai người bà-la-môn không nói rõ tên; Thập tụng 38 (p.274a18) hai bà-la-môn tên Cù-bà 瞿婆, Dạ-bà 夜婆; Tỳ-ni mẫu 4 (p. 822a15) nói hai Tỳ-kheo Ô-ta-ha 烏嗟呵 ,Tán-ma-đà 散摩陀. Luật Pāli (tiểu phẩm) ii. 140, hai Tỳ-kheo tên Yameḷa và Kekuṭā. Thứ hai: Về ngôn ngữ và nhóm tội. Các bộ luật Tứ phần, Ngũ phần, Tỳ-ni mẫu, Tiểu phẩm (Pāli); đức Phật cho phép, tùy theo ngôn ngữ, mà giảng pháp tụng đọc kinh Phật. Nhưng luật Thập tụng ta lại không thấy đức Phật đề cập đến vấn đề đã nêu trên. Lại nữa, Ngũ phần, Thập tụng, Tiểu phẩm (Pāli), thì sắp xếp tội chuyển thể âm thanh để tụng đọc kinh Phật, vào nhóm tội đột-cát-la, thâu-lan-giá. Tứ phần không cho ta biết thông tin liên quan đến hai nhóm tội kể trên. Thứ ba: Về nhóm ngoại thư. Ngũ phần 26 (p.174b14) nói đến hai bộ Xiển-đà 闡陀, Phệ-đà 吠陀. Thập tụng 38 (p.274a19) tứ Vệ-đà thư 四圍陀書. Tỳ-ni mẫu 4 (p.822a19) Xiển-đà 闡陀. Tứ phần không đề cập đến phần ngoại thư này. Tiểu phẩm (Pāli) ii. 140, hoán chuyển lời dạy của đức Phật sang dạng có niêm luật (buddhavanaṃ chandaso āropemā). Từ chandas, nghĩa là vận luật học, nói về luật âm vận học của nền văn hiến và văn học tối cổ Ấn độ. Theo chú thích bản dịch Việt luật Tứ phần “Chandasa, được hiểu là chandasi mà Paṇini thường dùng, chỉ phương ngữ Vệ-đà.” (Việt dịch: Tỳ-Kheo Thích Đỗng Minh, Nhà xuất bản Phương Đông, 2013; trang 1926). Buddhaghosa ở chú giải Samantapāsādika (Vin-A. iv, 285-Khuddakavatthukkhandhakaṃ, Khuddakavatthukathā) cho biết hai Tỳ-kheo Yameḷa và Kekuṭā muốn chuyển tải thành ngôn ngữ hoàn chỉnh của Vệ-đà (Veda/वेद), tức Saṃskrit (sakkaṭa-bhāsāya/ सक्कट-भासाय) Từ những dẫn chứng cụ thể, được trích dẫn dông dài ở trên, ta thấy rằng, những câu chuyện của Luật thì mỗi bộ kể khác nhau, ngay cả tên người phạm Luật để Phật chế giới cũng hoàn toàn khác nhau. Điều này chứng tỏ, sự biên tập của các bộ Luật không hoàn toàn thống nhất quan điểm với nhau. Nhưng một điểm chung để chúng ta lưu ý, đó là, dù các bộ Luật có bất đồng quan điểm, nhưng về Luật, thì không bộ nào dám tự tiện thay đổi. Trở lại vấn đề ngôn ngữ, ta có thể nhận xét và thấy rõ, đức Phật mong muốn tất cả các đệ tử hãy diễn đạt những lời dạy của Ngài bằng chính tiếng địa phương của mình, có nghĩa là, truyền đạt lời dạy của Ngài bằng một thứ ngôn ngữ phổ thông nhất, dễ hiểu nhất, để mọi tầng lớp trong xã hội đều nghe hiểu và thực hành được. Qua đó chúng ta thấy rằng, đức Phật rất phóng khoáng trong việc, cho phép các đệ tử sử dụng ngôn ngữ cần thiết, để thuyết pháp cho mọi tầng lớp xã hội thời bấy giờ. Lại nữa, đức Phật từ chối chuyển thể lời dạy của Ngài sang thể loại âm thanh ngoại thơ, tức là ngôn ngữ Saṃskrit (sakkaṭa-bhāsāya/सक्कट-भासाय) ngôn ngữ hoàn chỉnh của Vệ-đà (Veda/वेद). Ngôn ngữ tiếng Phạn Vệ-đà, ngôn ngữ chỉ dành riêng cho giai cấp Bà-la-môn, giai cấp tự cho mình là cao quý, và hầu hết người dân bình thường thuộc giai cấp thấp hơn không được học. Từ luận-chứng và những luận-điểm đã nói ở trên, cho phép chúng ta tạm thời kết luận rằng, đức Phật rất phóng khoáng trong việc, cho các đệ tử sử dụng ngôn ngữ cần thiết, để thuyết pháp cho mọi tầng lớp xã hội thời bấy giờ. Ngài mong muốn tất cả các đệ tử truyền đạt lời dạy của Ngài bằng một thứ ngôn ngữ phổ thông nhất, dễ hiểu nhất, để mọi tầng lớp trong xã hội đều nghe hiểu và thực hành được.
______________

CHÚ THÍCH
(1) Xem đầy đủ chi tiết tại “Căn bản nhất thiết hữu bộ tỳ-nại-da”, phần V “Hán phiên dịch và truyền thừa”. Việt dịch: Tuệ Sỹ, Nguyên An, Tâm Nhãn, Nguyên Thịnh, Hoằng Trí. Nxb Hồng Đức, 2016.
(2) Đại chánh 24, No. 1463, 8 quyển, dịch giả khuyết danh (Tần A.D. 350 - 431). Có thuyết cho là giải thích luật Thập tụng; có thuyết cho là giải thích luật Tứ phần.

THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Taishō Shinshū Daizōkyō (大正新脩大藏經).
2.https://dieungu.org/.../luat-tang-linh-son-phap-bao-dai....
3. https://vnbet.vn/phap-bao/luat/2.
4.http://phaptangpgvn.net/vie/phap-tang/luat-tang.html.
5. https://tipitaka.org/.
Nguyên Sĩ

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch