Khi nền kinh tế toàn cầu khủng hoảng, mỗi quốc gia đều có bài toán kích cầu để thúc đẩy kinh tế. Trong khi đó, Phật giáo lại đưa ra các học thuyết, quan điểm để diệt trừ lòng ham muốn.
Một chỗ dựa về tinh thần
Phật giáo có đứng bên lề cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu không? “Mỗi khi có sự khủng hoảng, các nhà doanh nghiệp và nhiều thành phần kinh tế xã hội đều tìm những nhà tư vấn về tinh thần, tâm linh, trong đó có đạo Phật. Họ đến để chia sẻ các kỹ năng tâm lý, làm chủ cảm xúc và vượt qua bằng nhận thức chân chính, nhìn thấy được vô thường của nền kinh tế cũng giống như bao vô thường khác trong xã hội” - Đại đức Thích Nhật Từ nói.
Đại đức Thích Trí Chơn khuyên hãy nhìn rõ tính vô thường, vạn vật luôn chuyển biến không ngừng nghỉ. Có những chuyển biến tạo nên sự hình thành, vun bồi, cũng có những chuyển biến mang tính phá vỡ để hình thành cái mới. Ta thường vui sướng với cái được và khổ đau với cái mất mát nhưng không quá tuyệt vọng. Đại đức khuyên hãy nhìn cậu bé đắp cát xây thành trên bãi biển, mỗi lần bị sóng đánh sập, cậu lại mỉm cười và tiếp tục với trò chơi mới. Ta không đủ can đảm để mỉm cười vì thành quả “trò chơi” ta gây dựng quá lớn. Nhưng nên nghĩ rằng ít ra ta còn có cơ hội để tiếp tục gây dựng, còn cuộc sống, ta không có cơ hội để “sống lần thứ hai”.
TS Thích Nhật Từ phân tích, nếu hiểu kích cầu là một biện pháp để đẩy mạnh tiêu dùng, là nghệ thuật làm tăng tổng cầu. Nhu cầu tiêu dùng tăng lên, tạo sự kích thích và tăng trưởng kinh tế. Ngay trong tình trạng này, thái độ chuyển hóa lòng ham muốn tiêu cực của Phật giáo lại là một nghệ thuật để hỗ trợ cho kích cầu kinh tế, nghĩa là ai cũng biết quý sở hữu của người khác là đáng trân trọng; nỗ lực chân chính để làm giàu những sở hữu đó như là một phước báu. Đức Phật không hề yêu cầu tất cả hãy tiêu diệt các dục vọng nếu nó là chân chính. Do đó, sự kích cầu của Nhà nước khiến người dân có thể tiêu dùng nhiều hơn không đi ngược lại với tôn chỉ chuyển hóa tâm thức của Phật giáo.
Tiền bạc tự nó không xấu
Lâu nay người ta thường nhìn nhận Phật giáo dưới nhãn quan là một tôn giáo thoát tục, chỉ tìm kiếm một chốn an lành có tên là “niết bàn” mà không màng đến thực tại. “Vì thế, giáo lý của đạo Phật không được ứng dụng tốt đẹp trong giới doanh nhân và doanh nhân cũng ít có cơ hội nghiên cứu để thực hành có hiệu quả vào công việc” – Đại đức Thích Trí Chơn nói.
Đạo Phật xuất hiện để xoa dịu nỗi khổ niềm đau, xây dựng nếp sống an lành và hạnh phúc dựa trên những nền tảng đạo đức và nguyên lý sống phù hợp với quy luật tự nhiên, quy ước xã hội. Ông cho rằng sẽ không “chuẩn” lắm nếu chỉ nghiên cứu giáo lý đạo Phật nhằm đem lại hiệu quả kinh doanh cao nhất nhưng sẽ là thượng sách nếu doanh nhân đến với đạo Phật để sáng thêm tâm trí, củng cố niềm tin và có được những giây phút an bình, hạnh phúc trong việc kinh doanh của mình.
Đại giới tì kheo cao học Phật giáo Tây Tạng Michael Roach, tác giả cuốn Năng đoạn Kim cương (áp dụng giáo lý của Đức Phật vào quản trị doanh nghiệp và cuộc sống) lý giải: Trong Phật giáo, tiền bạc không xấu, một người có nhiều tiền bạc có thể làm được nhiều việc thiện trên đời hơn là không có. Vấn đề làm ra tiền bằng cách nào; làm sao để tiền tiếp tục đến và chúng ta có giữ được một thái độ lành mạnh về tiền hay không. Kiếm tiền lương thiện, hiểu rõ nó từ đâu ra để tiền đừng dừng lại và giữ quan điểm lành mạnh khi ta có nó.
Mỗi người cũng phải học cách hưởng thụ tiền bạc - tức là học cách giữ cho tinh thần và thân thể lành mạnh khi làm ra tiền. Kiếm tiền không được làm cho mỗi người mệt mỏi cả thể xác và tinh thần, một doanh nhân tàn phá sức khỏe khi kinh doanh tức là làm tiêu tan mục đích thực sự của việc kinh doanh. Áp dụng giáo lý Phật giáo kinh doanh, một nguyên tắc không thể bỏ qua là phải quay nhìn lại sự nghiệp kinh doanh của mình, Đại giới tì kheo Michael Roach khuyên. Bao năm làm kinh doanh của mỗi người đã có một ý nghĩa nào đó. Khi nhìn lại tất cả những gì đã đạt được, cần phải thấy rằng “chúng ta đã điều hành chúng ta và điều hành doanh nghiệp theo một cách có ý nghĩa lâu dài, để lại dấu ấn tốt cho đời” - ông khuyên.
Không làm giàu bằng mọi giá
TS Thích Đức Thiện tóm lược: Kinh tế học Phật giáo chú trọng đến chất lượng cuộc sống và tiêu chuẩn sống tốt. Sự giàu có là một phương tiện chứ không phải là mục đích cuối cùng. Sự giàu có đạt theo chánh pháp với những giới hạn hợp pháp và những ràng buộc, đồng thời kêu gọi những giới hạn cho những ham muốn và sự tiêu thụ. Mọi phương tiện phải trong sạch và có ích đến tận cùng.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhấn mạnh: “Kinh doanh có văn hóa là lối kinh doanh có mục đích và theo phương thức đạt tới cái lợi, cái thiện và cái đẹp. Kinh doanh vô văn hóa là lối kinh doanh sẵn sàng chà đạp lên mọi giá trị, không từ bất cứ thủ đoạn bỉ ổi nào, miễn là kiếm được càng nhiều lợi nhuận càng tốt. Để đạt được lợi nhuận ngày càng cao, họ sẵn sàng cho ra đời những hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, những hàng có chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, thậm chí sức khỏe của trẻ em. Họ chà đạp lên chuẩn mực văn hóa trong kinh doanh, họ thiếu hẳn chữ “tâm” trong kinh doanh”.
Theo Đại đức Thích Trí Chơn, khi một người bị ô nhiễm tâm thức, người đó có thể làm hại bản thân mình, hại gia đình mình. Nếu người đó có vị trí trong hệ thống chính trị hay trong kinh tế, kinh doanh thì có thể làm hại cả cộng đồng và làm hại xã hội.
Doanh nhân làm việc với tâm trong sáng, lợi mình lợi người, thấy được cái chân cái giả, thấy được những quy luật, những chuyển biến cuộc đời và ứng dụng cái thấy vào cuộc sống thường nhật thì doanh nhân sẽ có nhiều niềm vui dù công việc có thăng có trầm.
Ngược lại, hiệu quả công việc rất tốt, sự nghiệp thành đạt nhưng nếu doanh nhân không tìm được những phút giây an bình nội tại, không thấy được bản chất cuộc đời, lấy giả làm chân, lấy phương tiện làm cứu cánh thì doanh nhân vẫn là những người nghèo khổ nhất cuộc đời: nghèo tình thương, nghèo hạnh phúc, nghèo an lạc.
Đại đức Thích Trí Chơn đưa ra lời khuyên về 5 nguyên tắc kinh doanh theo tinh thần đạo Phật: Giữ cho tâm trong sáng. Tự lợi – lợi tha, trong kinh doanh mà vừa làm lợi cho mình vừa làm lợi cho người thì đó là phương thức kinh doanh bền vững, đẹp đẽ. Phương tiện và cứu cánh, mục đích cuối cùng của lợi nhuận là để phục vụ cho nhu yếu cuộc sống, là phương tiện đem lại an vui chứ không phải cứu cánh. Tính nhân quả là quy luật tồn tại khách quan của cuộc sống. Một khi đã hiểu và tin theo, mỗi người tự biết mình nên làm gì và không nên làm gì. Tính vô thường.