- Trung quán tông luận phá mọi kiến giải về Thực tướng,
không phải để phủ nhận Thực tướng mà để đưa đến Prajña (trí tuệ Bát-nhã) hay Trực giác Vô nội dung [contentless
Intuition]
Trong phần mở đầu chương 3 của tác phẩm The Grand
Design (Bản thiết kế vĩ đại), nhà
vật lý thiên tài Hawking đã nêu lên một vấn đề lý thú. Cách đây mấy năm, hội
đồng thành phố Monza ở Italy đã cấm không cho những người thích nuôi vật cưng
được nuôi giữ cá vàng trong những cái bể nước kính cong. Họ lý giải rằng điều
đó thật là tàn nhẫn, vì nếu như thế, khi nhìn ra ngoài, con cá sẽ có cái nhìn
sai lệch về thực tại. Thế rồi tác giả đặt câu hỏi: “Nhưng làm thế nào chúng
ta biết được rằng chúng ta đã có bức tranh chân thực, không hề sai lệch về thực
tại?”(2).
Câu hỏi đó là nỗi băn khoăn muôn thuở của con người.
Liệu cái thế giới mà chúng ta đang nhìn thấy đây
phải chăng là cái thế giới y như thực? Đâu là khuôn mặt thực của thế
giới? Đâu là chân tướng của vạn hữu? Bản nguyên của vũ trụ là Tâm hay Vật? Vấn đề này đã kéo theo cuộc
tranh luận dài cả nghìn năm giữa các trường phái triết học, khi con người bắt đầu khai mở tâm thức để
đối diện với thế giới chung quanh.
Tìm hiểu được chân diện mục của thế giới vẫn là nỗ
lực không ngừng của con người. Suốt mấy ngàn năm qua, hàng trăm tông phái, học
thuyết nối tiếp nhau ra đời trên khắp cõi Đông Tây kim cổ, với hàng ngàn các
triết gia luôn khẳng định một bức tranh do mình đưa ra là hình ảnh chân thực
duy nhất về thế giới. Và có bao nhiêu bức tranh “chân thực” là có bấy nhiêu sự
xung đột và mâu thuẫn giữa chúng! Sự xung đột giữa các kiến giải bất đồng về
bức tranh thế giới vẫn kéo dài liên miên suốt mấy ngàn năm qua trong lịch sử tư
tưởng nhân loại.
Giống như loài cá vàng nhìn thế giới qua tấm kính
cong và “xác lập” nên những quy luật vận động phù hợp với thế giới đó; cũng
vậy, con người đã dùng biết bao mô thức tư duy (thought-pattern) để cố
xác lập chân diện mục của thực tướng theo cách nhìn của mình; áp đặt mọi thứ
phạm trù Nhân và Quả, Động và Tĩnh, Dạng thức và Bản thể, Đồng và Dị, Nhất và
Đa v.v... lên Thực tướng khiến Thực tướng đã bị che mờ dưới mạng lưới lạnh lùng
của tư duy.
Mọi con đường của lý tính đều dẫn đến bế tắc, khi cố
vươn đến chân diện mục của Thực tướng, do chính bản chất xung đột của lý tính (conflict
of Reason). Hai bài toán “ngụy biện” đơn giản của Zeno(3) vẫn lơ
lửng ở đấy như một thách thức điển hình cho mọi hệ thống lý luận của con người,
để con người tỉnh ngộ hiểu ra rằng những mô thức tư duy mà mình áp đặt lên thực
tại đều sai lệch, vì cứ muốn dùng Tục đế (saṁvṛti) để thể ngộ Chân đế (parāmartha) bằng phương pháp suy diễn theo kiểu lý luận học
phương Tây.
Khi nào con người chưa liễu ngộ được bản chất
xung đột của lý tính, vẫn còn hoang tưởng rằng có thể dùng lý luận để phát lộ
“chân diện mục của Lô sơn” thì Achille
vẫn suốt đời không đuổi kịp chú rùa, và mũi tên vĩnh viễn không bao giờ bay đến
đích, vì giữa lý tính và thực tướng có một hố thẳm không thể vượt qua, khi ta áp đặt nó thành một cấu
trúc tư duy (Thought-Construction) được hình thành do tác động của Vô minh.
Cùng với sự chiến thắng vượt trội không thể chối cãi
của nền khoa học kỹ nghệ Âu châu trên phạm vi toàn cầu, nếp suy tư theo kiểu
phương Tây hầu như đã chi phối toàn bộ não trạng của chúng ta, hầu như đã giam
hãm toàn thế giới trong mạng lưới tư duy duy lý, khiến không ít bậc thức giả
hầu như tin tuyệt đối vào sự thống trị của lý trí Âu châu một cách hoàn toàn mù
quáng. Đó là hiểm họa mà triết gia Heidegger đã cảnh báo là “tiến trình Âu
hóa con người và trái đất đã gây tổn hại đến những điều tinh yếu ở tận cội
nguồn” đang diễn ra trên toàn cõi địa cầu(4).
Triết học Ðông phương, đặc biệt là Phật giáo, vẫn
thường tỏ ra dè dặt với sự lãnh hội của lý tính. Người ta không tin rằng lý
tính có thể thấu hiểu được mọi vấn đề bằng khả năng, phân tích tổng hợp hay
tích lũy kiến thức của nó. Bởi vì điều đó chỉ đưa đến tổng số thay vì tổng hòa,
nếu không có được một đầu mối nhất dĩ quán thấu suốt tất cả để thành Nhất thể
viên dung.
Phản bác mọi phạm trù tư duy và tất cả các kiến giải
không có nghĩa là phản bác chức năng của lý tính mà chỉ có nghĩa là phản bác
năng lực của lý tính trong vấn đề liễu tri được Thực tướng. Cái Thực hữu [Real]
vốn bất khả tư nghì, siêu việt cảnh giới của tư tưởng; nó là phi nhị nguyên, là
Không (śūnya), siêu
quá nhị nguyên tính đối đãi giữa Hữu và Vô.
Nhận thức được sự xung đột của lý tính và nỗ lực
giải quyết xung đột đó bằng cách nâng nó lên một bình diện cao hơn lý tính, đó
là lưỡi Tuyệt đao của Trung quán tông. Trung quán tông đi thẳng vào trọng tâm
của vấn đề, tức sự xung đột của lý tính, theo kiểu đơn đao trực nhập, luận phá
mọi mô thức khái niệm, xem chúng đều rỗng không (śūnya), và giới hạn chúng vào trong phạm vi tục đế.
Từ gần hai ngàn năm qua, kể từ khi xuất hiện trên
đỉnh cao chót vót giữa phương trời tư tưởng lồng lộng của Ấn Độ, lưỡi Tuyệt đao
của đại luận sư Nāgārjuna đã quét sạch những kiến giải hư ngụy trong não
trạng loài người, gây nên một cơn chấn động vô tiền khoáng hậu trong toàn cõi
đạo giáo phương Đông bằng tánh Không (Śūnyatā) gây kinh hãi. Tánh Không Trung quán tông phá hủy
mọi lập trường, mọi kiến giải, quét sạch toàn bộ thế giới vật lý và tâm lý với
Lục căn, Lục trần, Lục thức, cho đến thuyết Tứ diệu đế và Thập nhị nhân duyên -
nền tảng của tư tưởng Phật giáo - trong cơn cuồng phong phủ định toàn triệt của
các chữ Bất, Phi, Vô; giống như Độc cô cửu kiếm dùng vô chiêu để tận phá mọi
kiếm pháp hữu chiêu trong thiên hạ. Chiêu thức của Độc cô cửu kiếm là vô chiêu,
không đánh theo một chiêu thức nào chỉ mà đánh vào chỗ sơ hở của kiếm pháp đối
phương để phá giải; cũng giống như kiến giải của Trung quán tông là Không
chư kiến (śūnyatā of dṛṣṭi : 空 諸 見) tức xem mọi kiến giải đều là Không (śūnya);
đó là kiến giải phi kiến giải, lập trường phi lập trường, quan điểm phi quan điểm.
Trung quán tông, do đó, luận phá mọi kiến giải của đối phương bằng cách phát lộ
cho đối phương thấy những yếu tố bất toàn tất yếu cùng sự mâu thuẫn xung đột nội
tại trong mọi thể cách lập luận của họ, nhưng lại không hề đưa ra một kiến giải
mới, vì kiến giải mới, nếu có, cũng là Không nốt; nếu khác đi thì kiến
giải mới đó cũng sẽ chứa những yếu tố bất toàn tất yếu cùng sự mâu thuẫn xung đột
nội tại, nên nó sẽ tiếp tục bị luận phá, rồi sự luận phá mới đó lại dẫn đến một
kiến giải mới khác nữa; điều đó sẽ dẫn đến sự hồi quy vô tận [regress ad infinitum]. Đối
với Trung quán tông, bản thân sự luận phá mọi kiến giải tự nó đã là một kiến
giải, cũng như đường kiếm vô chiêu tự nó đã hình thành một chiêu thức. Đó là ý
nghĩa của hai chữ “phê phán” (criticism) mà tác giả Murti dùng
trong suốt tác phẩm, trong nỗ lực muốn dìu những độc giả quen thuộc với tư
tưởng “phê phán” của Kant và biện chứng pháp của Hegel, đặc biệt là
Kant, tiếp cận được thông lộ dẫn về cội nguồn của Bát bất Trung đạo của Trung
quán tông, đồng thời vạch ra những suy tư hời hợt của nhiều nhà nghiên cứu
phương Tây khi đồng nhất triết học về Tánh Không của Trung quán tông với hư vô
luận [nihilism] một cách thiển cận và hời hợt.
Trung quán tông luận phá mọi kiến giải về Thực tướng
không phải để phủ nhận Thực tướng mà để đưa đến Prajña (trí tuệ Bát-nhã) hay Trực giác Vô nội dung [contentless
Intuition]. Đó là Bất nhị trí hay Vô phân biệt trí. Nội dung của Trực giác
Vô nội dung là Cảnh giới tuyệt đối hay Toàn thể thực tướng, chứ không phải là
một đối tượng cụ thể bất kỳ nào. Khi mọi kiến giải theo mô thức tư duy bị quét
sạch khỏi tâm trí, khi tâm không còn chướng ngại thì nó sẽ hoàn toàn trong
suốt. Trong cảnh giới đó, Tâm và Thực tướng viên dung hòa hợp, bất khả phân ly
trong Prajñāpāramitā (Bát-nhã Ba-la-mật) - một cảnh giới hoàn toàn tương
phản với quan niệm hiện đại xem triết học là một khoa học phổ quát, dung hợp
được nhiều ngành khoa học khác nhau vào một hệ thống mạch lạc.
Trong pháp môn Lục độ, Prajña (trí Bát-nhã) phải đi cùng với bố thí (dāna), trì giới (śīla), nhẫn
nhục (kṣānti), tinh
tấn (vīrya), thiền
định (dhyāna) mới có
thể giúp tâm thanh tịnh để thể ngộ chân lý. Rồi đến lượt đó, Prajña lại
giúp cho các pāramitā kia được hoàn thiện, tựu thành vô lượng điều toàn
mỹ, khiến cho mỗi pāramitā được là pāramitā - hay sự toàn mãn. Chỉ có
Prajñāpāramitā (Bát-nhã Ba-la-mật) - tức một loại Chân trí bằng trực
giác phi khái niệm
- mới có thể là loại thuốc đối trị hữu hiệu mọi vọng tưởng phân biệt
vọng tưởng
(vikalpa) của
lý trí con người.
Prajñāpāramitā là chỗ kết tinh của mọi lý luận trong thiên hạ, còn tánh Không làm tiêu
dung tất cả các kiến giải cổ kim. Mô phỏng theo Ngọa Long Sinh(5) ta có
thể nói “Trước Thiên kiếm Prajñāpāramitā, lý luận không còn tuyệt học; dưới Tuyệt đao Śūnyatā, kiến giải không có sinh cơ.”!
Đẩy lý trí con người vào tuyệt lộ bằng pháp môn quy mậu chứng pháp (prasanga)
hay phương pháp quy kết bội lý (reductio ad absurdum), đưa tất cả mọi
biện giải đến chỗ bế tắc, buộc tất cả các luận sư uyên bác phải đối diện với sự
sụp đổ tan tành của mọi hệ thống lý luận, của mọi nền triết học do những mâu
thuẫn xung đột nội tại, để thấy được rằng mọi điện đài duy lý đồ sộ của họ đều
là những công trình xây trên cát; đó là Tuyệt đao. Nhưng phủ định toàn triệt
theo tinh thần Prajña là thể cách vi diệu để đưa đến sự khẳng định toàn
triệt trong cảnh giới tự do tuyệt đối; trong cảnh giới thù thắng đó thì khẳng
định là phủ định, và phủ định là khẳng định, để đưa tâm thức con người đến cảnh
giới giải thoát tối hậu, đó là Thiên kiếm. Tuyệt đao thì phá hủy mọi kiến giải
theo thể cách của Trí tuệ, còn Thiên kiếm thì từ bi hóa độ theo thể điệu của Bi
tâm. Cả kiếm lẫn đao đều vạch ra một thông lộ cho hành giả tìm về cõi đạo uyên
nguyên trong sự im lặng của Đức Phật- sự im lặng bao trùm tất cả những
chân trời tư tưởng của nhân loại. Trong Tuyệt đao đã hàm ẩn Thiên kiếm, và
trong Thiên kiếm vẫn thấp thoáng Tuyệt đao. Và tại chỗ chót vót sơ đầu, cả
Thiên kiếm và Tuyệt đao đều hợp nhất thành cái một tuyệt đối, viên dung nhất
thể trong phương trời lồng lộng của cõi viên mãn Như Lai.
T.R.V Murti được xem là một trong những nhà tư tưởng
lỗi lạc nhất về triết học Ấn Độ trong thế kỷ XX. Ông đã phân tích và đánh giá
cặn kẽ giáo lý Trung quán tông qua cái nhìn thông tuệ của một bậc thức giả
phương Tây đầy uy tín, một người được giới học giả xem là người có đầy đủ thẩm
quyền về kinh điển Ấn Độ mà ông hầu như thuộc lòng, như kinh điển Phật giáo,
kinh văn Upanisads, văn phạm của Panini, cùng nhiều kinh văn quan trọng khác…
T.R.V Murti là
một bậc thức giả phương Tây, nhưng tâm hồn ông lại được nuôi dưỡng trong không
khí tâm linh phương Đông, nên đọc ông, ta có cảm giác gần gũi như một bậc luận
sư phương Đông đã thấu hiểu tận ngọn ngành của triết học phương Tây, liễu tri
được toàn bộ sự bế tắc của nền văn minh duy lý châu Âu đang làm khốn quẫn toàn
thế giới trong mạng lưới tư duy theo kiểu Âu châu. Một người được nuôi dưỡng
trong bầu không khí triết học phương Tây lại mạnh dạn khẳng định : “Biện
chứng pháp của Hegel là một sản phẩm xa hoa phù phiếm, chứ hoàn toàn vô giá trị
về phương diện tâm linh”(6). để kêu gọi thế giới
quay về đời sống tâm linh phương Đông, đặc biệt là Tuyệt đối luận của Trung
quán tông Phật giáo, xem như đó là lối thoát cuối cùng và duy nhất cho toàn thế
giới. Cũng như Heidegger, ông ý thức sâu sắc sự tàn phá khốc liệt của nền văn
minh phương Tây đối với tư tưởng nhân loại. Toàn thể nhân loại đang khát khao
mong đợi sự hợp nhất tâm linh cho một thế giới đang bị xâu xé tan nát bởi biết
bao sự xung đột, bởi những hệ tư tưởng hiếu chiến đang đe dọa nhận chìm toàn
thể thế giới vào sự diệt vong. Những phát minh khoa học, đặc biệt là mạng
internet với những chiếc máy tính đã tạo thành một hệ thống tinh xảo để nối kết
toàn cầu vào trong mạng lưới khổng lồ của những siêu xa lộ thông tin. Không
gian dường như đã dần thu hẹp lại, thế giới
dường như đã có thể dần sát kề vai nhau, thế nhưng sự khác biệt và xung khắc
giữa con người, giữa các quốc gia, giữa các chủng tộc lại gia tăng một cách
khủng khiếp; đấu tranh và thống khổ vẫn
ngập tràn trên cõi thế. Chiến tranh đã trở thành căn bệnh kinh niên lan rộng
trên phạm vi toàn cầu.
Sau khi trình bày sự hỗn loạn và đổ vỡ tràn lan trên
cõi thế, Murti mạnh dạn kết luận:
“Căn nguyên nào có gì là bí ẩn đâu. Nền văn minh
phương Tây, kể từ thời phục hưng, đã phát triển mạnh mẽ theo lộ tuyến duy vật
(materialistic lines) và trở thành quy phạm cho toàn thế giới… Con người đã
chinh phục được thiên nhiên hoặc gần như đã làm được điều đó, nhưng lại không
làm chủ được bản thân mình. Hậu quả thật là thảm khốc. Cuộc sống được tổ chức
tưởng chừng ổn định và an toàn đã trở nên bấp bênh, bất ổn. Chúng ta giành được
cả thế giới nhưng lại đánh mất linh hồn(7).
Mọi chủ trương tăng
gia số lượng sản phẩm và tổ chức lại cơ cấu xã hội để đem đến bình yên cho thế
giới đều thất bại, khi những nỗ lực đó không có một nền tảng tâm linh. Mọi sự đối
thoại giữa các quốc gia, giữa các chủng tộc đều bế tắc không thể dẫn đến cảm
thông, khi con người chỉ có thể nhìn nhau như loài cá vàng nhìn thế giới qua bể
kính nước cong. Chỉ có tâm linh mới đem đến một nền tảng thực sự cho xã hội, và
hướng dẫn con người thực hiện được những giá trị khác. Về phương diện này thì
Tuyệt đối luận của Trung quán tông Phật giáo với tư tưởng Prajñāpāramitā thù thắng và Tánh
Không (Śūnyatā) thâm
diệu sẽ là “nền tảng cho sự phục sinh tâm linh cho thế giới”
(back-ground for the spiritual regeneration of the world)(8), như Murti, và cả loài
người, đang mong đợi.
Chú thích
(1) Cảm nhận của người viết sau khi đọc tác
phẩm “The Central Philosophy of Budshism” của T.V. Murti.
(2) “But how do we know we have the true,
undistorted picture of reality?” (Hawking, The Grand Design,
Bantam Books, New York, 2010, p. 50.)
(3) Nghịch lý Achille và con rùa: là nghịch lý nổi tiếng
của Zeno. Achille là một dũng sĩ Hy Lạp có tài chạy nhanh. Achille và Rùa cùng
chạy thi. Giả sử rùa đứng trước Achilles 100 mét, và tốc độ của Achille gấp 100
lần rùa. Khi Achilles chạy được khoảng cách 100 mét, đến vị trí xuất phát của
rùa, thì rùa đi được 1m; khi Achille vượt tiếp qua đoạn đường 1m đó thì rùa lại
đi được 10-2m; khi Achille vượt tiếp qua đoạn đường 10-2m
đó thì rùa lại đi được 10-4 m v.v... Cứ tiếp tục mãi như vậy, khoảng
cách giữa Achille và rùa sẽ tiến đến con số cực vi dạng 10-2n, nhưng
không bao giờ bằng 0. Do đó, dũng sĩ Achilles không bao giờ đuổi kịp chú rùa!
Nghịch lý mũi tên bay: Ta bắn 1 mũi tên từ vị
trí A đến tấm bia ở vị trí B. Mũi tên muốn đến được B thì phải đi qua trung điểm
A1 của AB, muốn đến được A1 thì phải qua trung điểm A2 của AA1, muốn đến được
A2 thì phải qua trung điểm A3 của AA2 v.v... Cứ tiếp tục như vậy, mũi tên phải
lần lượt qua vô hạn các trung điểm của các đoạn thẳng chia nhỏ, do đó mũi tên
không bao giờ đến được đích!
(4) “Sự mù quáng đó lớn mạnh đến mức người
ta không còn khả năng thấy được tiến trình Âu hóa con người và trái đất đã gây
tổn hại đến những điều tinh yếu ở tận cội nguồn như thế nào. Dường như tiến
trình đó khiến cho mọi cội nguồn đều trở nên khô cạn.” (Die Verblendung wächst,
so daß man auch nicht mehr zu sehen vermag, wie die Europäisierung des Menschen
und der Erde alles Wesenhafte in seinen Quellen anzehrt. Es scheint, als
sollten diese versiegen. (Heidegger, Unterwegs zur Sprache, Vittorio
Klostermann, Frankfurt am Main, 1985, tr. 99).
(5) Lời của Thiên hạ đệ nhất đao Hướng
Ngao phẩm bình kiếm pháp của Thiên hạ đệ nhất kiếm Cơ Đồng: 姬 老 兒 劍 下 無 絕 學 , 老 夫 的 刀 下無 生 機 Cơ lão nhi
kiếm hạ vô tuyệt học, lão phu đích đao hạ vô sinh cơ. (Dưới kiếm Cơ Đồng
không còn tuyệt học, dưới đao lão phu không có sinh cơ - Thiên kiếm tuyệt
đao 天 劍 絕 刀,chương 4). Một bên là Thiên kiếm theo
nguyên lý Sinh, đem bi tâm trùm lên kiếm pháp để hóa giải tất cả võ học trong
thiên hạ. Một bên là Tuyệt đao theo nguyên lý Diệt, đem sát tâm hóa vào đao
pháp để tận diệt mọi đối thủ trên đời. Làm thế nào để đem được sát tâm của
Tuyệt đao hòa vào Thiên kiếm, cũng như làm thế nào để hòa được bi tâm của Thiên
kiếm vào sát khí của Tuyệt đao? Với tác phẩm Thiên kiếm Tuyệt đao, Ngọa
Long Sinh đã lặng lẽ mở ra một chân trời huyền ẩn cho tư tưởng để tựu thành
những điều bất khả tư nghì cho cõi đạo Sơ Thủy Đông Phương.
(6) “The dialectic of Hegel is a
brilliant superfluity, it had no spiritual value” T.V.Murti, The Central
Philosophy of Buddhism, Goerge Allen
and Unwin, 1968, p. 305.
(7) “The causes are not hidden. Western
civilization, which has become the norm for all, has developed, since the
Renaissance, along materialistic lines. …. Man has conquered Nature or is very
near doing that; but he has not the rudimentary control over himself. The
consequences are disastrous. Organised life with any pretence to stability and
security has become precarious. We have gained the world, but have lost our
soul.” (Op. cit. p. 338)
(8) Op. cit. p. 341.
Huỳnh Ngọc Chiến (NSGN).