Ít tham muốn có
nghĩa là ít đau khổ
THAM
MUỐN LÀ ĐAU KHỔ
KHÔNG ĐUỔI
THEO THAM MUỐN là thực hành Pháp; theo đuổi tham
muốn là không thực hành Pháp. Sự việc chỉ
đơn giản như thế. Toàn bộ ý nghĩa
thiết yếu của Mở rộng Cánh Cửa Thánh Pháp,
những giáo huấn này xuất phát từ kim khẩu
của các geshe Kadampa - những điều các ngài đã
thực hành và chứng nghiệm – là cắt đứt tám
pháp thế gian, thoát khỏi tham muốn bám luyến vào
cuộc đời này. Dù bạn có thực hành Pháp hay không,
tư tưởng xấu xa của tám pháp thế gian chính
là nguồn mạch của mọi chướng ngại và
vấn đề. Mọi điều khơng mong muốn
xuất phát từ tư tưởng về tám pháp thế
gian này.
Khi bạn
được bảo phải từ bỏ tham muốn,
bạn cảm thấy như thể được
bảo là phải hy sinh hạnh phúc của bạn. Bạn
từ bỏ tham muốn, và rồi bạn không hạnh phúc
và chẳng còn gì. Chỉ là chính bạn. Sự tham muốn
của bạn bị sung công; bạn bị đánh cắp
hạnh phúc; và bạn thấy trống rỗng, giống
như một trái banh bị xì hơi. Bạn cảm
thấy như thể trái tim không còn ở trong thân bạn
nữa, như thể bạn đã mất cuộc
đời của bạn.
Đó là bởi
bạn không hiểu rõ những lỗi lầm của
sự tham muốn. Bạn không nhận ra rằng bản
tánh của tham muốn là đau khổ. Tham muốn tự
nó là một tâm thức đau khổ, bệnh hoạn. Do
bởi tham muốn, tâm phát sinh ra ảo tưởng, và
bạn không thể nhận ra rằng có một hạnh phúc
khác, một hạnh phúc đích thực.
Chẳng hạn
như khi tham muốn một đối tượng và
thụ hưởng nó, bạn gán cho kinh nghiệm này là
“hạnh phúc.” Nó xuất hiện với bạn như
hạnh phúc, nhưng trong thực tế thì chỉ là đau
khổ. Khi bạn cứ làm các hành động, chẳng
hạn như ăn uống, hạnh phúc của bạn
không tăng lên mà chỉ suy giảm. Khi bao tử của
bạn đầy ắp, khi ấy hạnh phúc của
bạn trở thành khổ khổ. Trước khi ta
nhận ra bản tánh đau khổ của hành động
thì nó có vẻ là hạnh phúc; nhưng khi nhận ra nó, nó
trở thành khổ khổ. Khi đau khổ không
được nhận ra, cảm xúc được gán cho
là “lạc thú” và xuất hiện như lạc thú, nhưng
khi bạn tiếp tục hành động, cảm xúc
dần dần trở thành đau khổ.
Sự an bình mà
bạn kinh nghiệm bằng cách từ bỏ tham muốn
dẫn bạn tới Niết Bàn, trạng thái không
phiền não. Sự an bình này, là sự vắng mặt tham
muốn, cho phép bạn hoàn toàn phát triển để thành
tựu Giác ngộ. Bạn có thể kinh nghiệm vĩnh
viễn sự an bình này. Ngay từ lần đầu tiên
bạn tự giải thoát mình khỏi tư tưởng
về các pháp thế gian, khỏi sự tham muốn,
bạn bắt đầu phát triển an bình này trong sự
tương tục của tâm bạn, và cuối cùng bạn
kinh nghiệm nó vĩnh viễn.
Nếu bạn
cảm thấy rằng bởi hy sinh tham muốn bạn
đang hy sinh hạnh phúc của bạn và bạn không còn
lại gì, hãy nhớ rằng mọi vấn đề
của bạn được đặt nền trên sự
tham muốn và tư tưởng về các pháp thế gian.
Không biết rằng bản tánh của tham muốn là
đau khổ, bạn không thể nhận ra rằng có
một hạnh phúc tốt đẹp hơn. Bạn không
thể nhận ra rằng nhờ hy sinh tư tưởng
về các pháp thế gian, nhờ giải thoát tâm bạn
khỏi sự tham muốn, bạn có sự an bình đích
thực, hạnh phúc chân thật. Hạnh phúc này không
phụ thuộc vào bất kỳ đối tượng
giác quan bên ngoài nào; nó được phát triển trong tâm
của chính bạn. Với tâm bạn, bạn có thể phát
triển sự an bình này.
Chẳng hạn
như bạn có một bệnh ngoài da khiến cho bạn
bị ngứa. Để làm dịu cơn ngứa, bạn
gãi nhiều tới nỗi bạn bị đau đớn.
Hơn là gán nhãn hiệu lạc thú cho việc làm giảm
bớt cơn ngứa mà hành động gãi mang lại cho
bạn, không có bệnh tật gì thì chẳng tốt hơn
sao? Từ bỏ bệnh tật không tốt hơn sao? Có
tham muốn thì giống như có bệnh ngoài da này.
Nếu không có tham
muốn thì sẽ không có nguyên nhân để mọi vấn
đề phát khởi từ sự tham muốn. Sẽ không
có sự tiến triển. Nếu ta không có thân này, không có
sinh tử luân hồi này, được tạo nên bởi
sự mê lầm và nghiệp và bị hạt giống
của mê lầm làm ô nhiễm thì ta sẽ không phải kinh
nghiệm sự nóng lạnh, đói khát, và mọi vấn
đề khác. Ta sẽ không phải lo âu về sự
tồn tại của ta, hay tiêu phí quá nhiều thì giờ và
tiền bạc để chăm sóc thân thể ta. Chúng
ta bận rộn chỉ để duy trì thân xác này cho có
vẻ tốt đẹp. Từ đầu tóc xuống
tới ngón chân ta, ta cố gắng rất nhiều
để tô điểm cho thân xác này. Ta quá phung phí
đời người quý báu của ta trong việc đó.
Tuy nhiên, khi bạn mắc bệnh, ngay cả việc dùng
thuốc không phải lúc nào cũng có thể chữa lành cho
bạn. Vì thế, không có thân thể này, không có sự sinh
tử này thì chẳng tốt hơn sao? Khi ấy bạn
sẽ không phải kinh nghiệm tất cả những
vấn đề này.
Không có tham muốn
thì bạn sẽ có rất nhiều an bình trong tâm – một
sự an bình có thể được phát triển và hoàn thành.
Công việc này có sự chấm dứt. Tìm kiếm lạc
thú sinh tử trong việc tin cậy vào những đối
tượng bên ngoài của sự tham muốn là công
việc không có lúc chấm dứt. Cho dù bạn làm bao nhiêu
công việc nhắm tới mục đích đó thì nó
cũng không có lúc chấm dứt. Giống như những
con sóng trong đại dương xuất hiện
đợt này sau đợt kia, công việc đó không bao
giờ ngừng dứt.
Trước tiên,
hạnh phúc nhất thời, là cái gì lệ thuộc vào
những đối tượng giác quan bên ngoài, có bản
tánh là đau khổ; và kế đó, cho dù bạn làm gì, chẳng
có cách nào để kết thúc công việc nhằm
đạt được hạnh phúc nhất thời.
ÍT
THAM MUỐN THÌ ÍT ĐAU KHỔ
Như Đức
Nagarjuna (Long Thọ) giảng trong bài kệ mà Dromtonpa
thường trì tụng:
Được
hay mất; sướng hay khổ; vinh hay nhục; khen hay
chê: tám pháp thế gian này không phải là những đối
tượng của tâm ta. Đối với ta chúng
đều như nhau.
Thật dễ
thấu hiểu làm thế nào việc bị mất mát,
đau khổ, nghe những âm thanh không thú vị, bị
tiếng xấu (nhục), bị chỉ trích (chê) có thể
trở thành một vấn đề. Những điều
này thường được coi là những vấn
đề. Nhưng bạn có thể không nhận ra
được rằng việc thâu đạt
(được), hạnh phúc, nghe những âm thanh hay, có
tiếng tốt (vinh) và được khen ngợi là
những vấn đề. Tuy nhiên, chúng hoàn toàn như nhau;
chúng hoàn toàn là những vấn đề.
Nhưng tự thân
đối tượng không phải là một vấn
đề. Giàu có không phải là một vấn đề.
Như thế cái gì là vấn đề? Vấn đề là
tâm tham muốn và bám luyến vào của cải – đó là
vấn đề. Có một người bạn thì không
phải là vấn đề; tâm bám luyến vào bè bạn làm
cho việc có một người bạn trở thành
một vấn đề.
Sự tham muốn
làm cho việc sở hữu bốn điều này – vật
chất, sự tiện nghi thoải mái, âm thanh thú vị,
lời khen – trở thành một vấn đề.
Nếu không có tham muốn, không có sự quan tâm thế
tục, thì việc có hay không có những đối
tượng này không trở thành một vấn đề.
Có thể một
đêm kia khi bạn đang ngủ thoải mái thì bất
thần bạn bị quấy rầy vì bị một con
muỗi đốt. Nếu bạn có sự quan tâm thế
tục mạnh mẽ, tham muốn mãnh liệt sự
tiện nghi, bạn sẽ hết sức bực mình vì
bị muỗi đốt. Chỉ vì bị mỗi một
con muỗi đốt. Điều này chẳng có gì nguy
hiểm, không thể gây nên một căn bệnh trầm
trọng. Con muỗi chỉ hút một giọt máu nhỏ
xíu từ thân thể bạn. Nhưng khi nhìn thấy thân con
muỗi căng đầy máu của chính bạn thì bạn
bị choáng váng. Bạn trở nên tức giận con
muỗi và khó chịu cả đêm. Ngày hôm sau, bạn phàn
nàn về con muỗi suốt cả ngày: “Đêm qua tôi
mất ngủ nhiều giờ đồng hồ!” Mất
ngủ một đêm, hay thậm chí vài tiếng
đồng hồ, thì giống như mất một viên
ngọc quý. Bạn bực dọc giống như người
mất một triệu đô la. Đối với một
số người, ngay cả một vấn đề
nhỏ bé như thế cũng trở thành to lớn.
Cũng có những
người quá mong muốn được người khác
ngợi khen và kính trọng. Nếu bạn không để ý
tới họ và ngước mặt lên khi đi ngang qua
họ, hoặc nói một hai lời thiếu tôn kính là
những điều họ không mong chờ để nghe,
thì điều đó tạo nên nỗi đau khổ ghê
gớm trong tâm họ. Hoặc nếu bạn tặng cho
họ món gì đó với một cung cách thiếu tôn kính, dù
có cố ý hay không, thì đó cũng là nỗi đau khổ
to lớn. Đối với những người quá
nhiều mong đợi, quá nhiều bám luyến như
thế, ngay cả sự đau đớn từ một
hành động vật lý nhỏ bé mà họ không thích cũng
trở thành to lớn. Có vẻ như một mũi tên
được bắn vào tim họ.
Sân hận thình lình
phát khởi mạnh mẽ. Thình lình thân thể họ trở
nên hết sức căng thẳng. Gương mặt
họ trước đây thanh thản và an bình, giờ
đây hầu như trở thành khủng khiếp –
phồng căng ra, tai và mũi họ đỏ bừng lên
và những gân máu nổi rõ trên trán họ. Bất thình lình
toàn bộ tánh khí của họ trở nên hết sức thô
lỗ và khó chịu.
Người càng
muốn được nhận sự khen ngợi và kính
trọng thì khi không nhận được chúng nỗi
đau khổ trong lòng họ càng lớn. Những
đối tượng khác của sự tham muốn thì
cũng tương tự như thế. Càng tham muốn
thâu đạt vật chất, sự tiện nghi, hạnh
phúc, những âm thanh thích ý và lời khen, thì khi phải
trải nghiệm điều đối nghịch,
người ta càng đau khổ.
Nếu bạn hy
vọng rằng một người bạn sẽ luôn luôn
vui vẻ, tươi cười, tôn kính, tử tế, và
luôn luôn làm những gì bạn muốn, nhưng một
hôm họ bất ngờ làm một việc trái ý
nhỏ bé nào đó thì điều nhỏ tí xíu đó tạo
nên một nỗi đau khó thể tin nổi trong tim
bạn.
Tất cả
những điều này có liên quan tới sự bận tâm
thế tục, tới việc bạn mong muốn quá
mạnh mẽ một điều gì. Càng ít tham muốn
bốn đối tượng đáng ao ước thì sẽ
càng ít vấn đề khi bạn gặp bốn
đối tượng không mong muốn. Ít tham muốn có
nghĩa là ít đau khổ. Nếu bạn cắt
đứt việc bám luyến vào cuộc đời này,
thì bạn sẽ chẳng đau đớn khi kinh
nghiệm sự chê bai chỉ trích hay không nhận
được điều gì đó, bởi bạn không bám
luyến vào sự khen ngợi hay thọ nhận các sự
vật.
Cùng cách thức
đó, khi bạn không bám luyến vào việc trông chờ
bằng hữu của bạn sẽ luôn luôn dễ
thương với bạn, luôn luôn mỉm cười
với bạn, luôn giúp đỡ khi bạn yêu cầu, thì
bạn không đau đớn khi những người
bạn ấy thay đổi và làm trái ngược những
gì bạn mong muốn. Trái tim bạn không đau đớn.
Tâm bạn điềm tĩnh và yên bình. Nhờ cắt
đứt sự tham muốn bám luyến vào bốn
đối tượng đáng ao ước, bạn không
gặp vấn đề gì khi xảy ra bốn tình
huống không mong muốn. Chúng không làm bạn đau
đớn, không thể làm tâm bạn xáo trộn.
Tư tưởng
về các pháp thế tục bám luyến vào bốn
đối tượng đáng ao ước của
cuộc đời này. Không có tư tưởng này, tâm
bạn rất điềm tĩnh và an bình đến
nỗi bạn không buồn phiền khi gặp bốn
điều không mong muốn. Và việc gặp bốn
đối tượng đáng ao ước cũng không làm
phiền bạn. Nếu có ai khen ngợi bạn, chẳng
thành vấn đề gì; nếu có người chê bai
bạn, điều đó không thể làm tâm bạn rối
loạn. Cuộc đời bạn vững chãi và tâm
bạn an bình. Không có sự thăng trầm. Điều này
san bằng tám pháp thế gian.
Bạn làm thế
nào để giữ tâm an bình khi những vấn đề
xảy ra? Bạn bảo vệ tâm ra sao để việc
kinh nghiệm bốn điều không mong muốn không làm
bạn rối loạn? Đó là nhờ nhận ra rằng
việc bám luyến vào bốn đối tượng
đáng ao ước này là vấn đề. Bạn
phải nhận ra những khiếm khuyết của
bốn đối tượng mong muốn này và từ
bỏ sự bám luyến vào chúng. Đây là tâm lý học
căn bản. Nếu bạn sử dụng phương
pháp này, những tình huống không mong muốn sẽ không
quấy rầy bạn.
Geshe Chen-ngawa san
bằng tám pháp thế gian bằng cách tụng bài kệ sau:
Hạnh phúc khi
đời sống thoải mái và đau khổ khi nó
phiền phức: mọi hoạt động nhắm
tới hạnh phúc của cuộc đời này cần
được từ bỏ như thuốc độc.
Đạo đức và không đạo đức chỉ
là những chức năng của tâm. Hãy chặt
đứt những động lực không-đạo
đức và những động lực không đạo
đức cũng không không-đạo đức.
Câu sau cùng ám
chỉ những hành động của thân và ngữ
với những động lực không rõ ràng; những hành
động này được gọi là những hành
động “không thể đoán trước
được.”
Cách thức hay
nhất để tu hành tâm thức ta là trông đợi
bốn đối tượng không mong muốn hơn là
bốn đối tượng mong muốn. Hãy mong
đợi bị chỉ trích và không được tôn kính.
Thực hành từ bỏ này, nó cắt đứt tham
muốn, là tâm lý học tối hảo. Khi đã tu hành tâm ta
để trông đợi những điều không mong
muốn, khi điều không mong muốn thực sự
xảy ra thì nó không trở thành một cú sốc cho chúng ta;
nó không làm ta tổn thương vì ta đang trông chờ nó.
Trước khi
hiểu biết Pháp, trước khi thực hành thiền
định, bạn đã nhìn sự phiền phức
(khổ), những âm thanh không thú vị, sự phê bình
chỉ trích, và sự mất mát như những vấn
đề không mong muốn. Bây giờ, nếu bạn
khảo sát kỹ lưỡng bản tánh của tâm bám
luyến vào vật chất, sự thoải mái, những âm
thanh thú vị, sự khen ngợi, bạn sẽ không
thấy đó là hạnh phúc; bạn sẽ thấy rằng
nó cũng đau khổ. Nó không phải là hạnh phúc mà
bạn cho là thế trước khi hiểu Pháp. Nó không an
bình – nó đau khổ.
Tâm bám luyến
vướng kẹt vào đối tượng của tham
muốn. Khi bạn nhận lời khen – “Anh quá thông minh,” “Anh
nói rất hay,” “Anh hiểu Pháp thật uyên thâm” – tâm bạn
vướng kẹt trong sự ngợi khen và không còn tự
do nữa. Giống như một thân thể bị giây xích
trói chặt, tâm bị cột trói bởi sự tham
luyến. Tâm bị vướng kẹt giống như keo
dính vào đồ vật. Hoặc giống như con
bướm đêm bay vào ngọn nến nóng chảy: toàn
thân nó, đôi cánh và tứ chi hoàn toàn bị đẫm
ướt trong ngọn nến sáp. Thân thể và tứ chi
của con bướm mỏng manh tới nỗi hết
sức khó khăn để gỡ chúng ra khỏi chất
sáp nến. Hay giống như một con ruồi
vướng kẹt trong một mạng nhện: tứ chi
của nó bị quấn chặt trong mạng lưới,
và gỡ chúng ra khỏi chỗ đó thì rất khó khăn.
Hay như những con kiến trong mật ong. Tham luyến
là tâm bị vướng kẹt vào một đối
tượng.
THAM
MUỐN LÀ NGUỒN MẠCH CỦA MỌI VẤN
ĐỀ
Như Lạt ma
Atisha đề cập trong Đại Luận giảng
về Con Đường Tiệm thứ dẫn tới
Giác ngộ:
Chúng ta theo
đuổi trong hy vọng được toại
nguyện, nhưng việc theo đuổi tham muốn
chỉ đưa dẫn tới sự bất mãn.
Trong thực
tế, kết quả của việc theo đuổi tham
muốn chỉ là sự bất mãn. Bạn cố gắng
liên tục nhưng chỉ có bất mãn.
Theo đuổi
tham muốn và không được toại nguyện là
vấn đề chính của sinh tử. Ví dụ như
việc mắc bệnh ung thư hay AIDS không phải là
vấn đề chính. Nếu so sánh với vấn
đề theo đuổi tham muốn và không
được toại nguyện, thì ung thư và AIDS không là
gì cả; chúng không tiếp tục từ đời này sang
đời khác. Trong khi bạn có một đời
người toàn hảo, nếu bạn không làm điều
gì đó về vấn đề tham muốn trong
đời này, thì nó sẽ tiếp tục từ
đời này sang đời khác.
Việc theo
đuổi tham muốn không ngừng trói buộc bạn
với sinh tử khiến bạn thường xuyên kinh
nghiệm những đau khổ của sáu cõi. Liên tục –
bất tận. Nếu bạn không ngừng theo đuổi
tham muốn thì không có sự toại nguyện thực
sự, không có an bình thực sự. Việc theo đuổi
tham muốn chỉ dẫn bạn tới sự bất mãn
và kinh nghiệm không dứt những nỗi khổ của
sinh tử trong một trong sáu cõi.
Chính tư
tưởng về tám pháp thế gian đã liên tục mang
lại mọi bệnh tật làm chúng ta vô cùng kinh hãi. Liên
tục từ đời này sang đời khác, nó mang
lại mọi vấn đề nghiêm trọng mà một con
người có thể kinh nghiệm; nó tạo nên nghiệp
để chúng ta không ngừng kinh nghiệm những
vấn đề này. Tư tưởng về tám pháp
thế gian, sự tham muốn bám luyến vào cuộc
đời này, chính là căn bệnh trầm trọng
nhất. Nếu so với những pháp thế gian thì
những vấn đề khác chẳng là gì cả.
Nếu bạn
không có tư tưởng về tám pháp thế gian là cái
cột trói bạn với sinh tử thì cho dù người
nào đó giết hại bạn, tất cả những gì bạn
làm là chuyển hóa sang một thân thể khác. Tâm thức
bạn nhận thân người toàn hảo khác hay đi
tới một cõi thuần tịnh. Việc bạn bị
giết thì như một điều kiện (duyên)
để chuyển sang một thân thể khác. Nhưng nếu
bạn có tư tưởng về tám pháp thế gian và không
thực hành Pháp, thì mặc dù chẳng ai giết bạn và
bạn sống tới một trăm năm, bạn thường
xuyên sử dụng thân người quý báu của bạn
để tạo nên những nguyên nhân của các cõi
thấp; bạn sử dụng tái sinh may mắn của
bạn để gây nên nguyên nhân của những tái sinh
bất hạnh không có cơ hội để thực hành
Pháp. Bạn càng sống lâu thì càng tạo thêm nghiệp tiêu
cực, là những điều khiến bạn phải
sống trong những cõi thấp và kinh nghiệm đau
khổ trong nhiều kiếp. Vì thế, tư tưởng
về tám pháp thế gian này thì còn tai hại hơn nhiều
nếu so với kẻ thù nào đó chỉ đơn
thuần giết chết bạn.
Trích dẫn
của Lạt ma Tsong Khapa về việc theo đuổi
sự tham muốn nói tiếp:
Tham muốn mang
lại rất nhiều vấn đề khác. Bởi theo
đuổi tham muốn, tâm trở nên thô nặng và không an
bình.
Hàng trăm vấn
đề đến từ sự bất mãn. Khi tham
muốn thật mạnh mẽ, ta rất dễ trở nên
sân hận, chẳng hạn như thế. Bám luyến càng
mạnh thì sân hận phát khởi càng mãnh liệt. Nếu
bạn không bám luyến quá nhiều thì bạn không quá sân
hận khi ai đó làm bạn khó chịu. Bạn có thể
vẫn bị bối rối nhưng ít hơn trước
đó. Sân hận, ganh tị và v.v.. phát khởi trong mối
liên quan với sự bám luyến. Do bám luyến mà những
tư tưởng tiêu cực khác này xuất hiện. Khi
bất kỳ cái gì trong những tư tưởng tiêu
cực này xuất hiện, bạn tạo nên nghiệp tiêu
cực, nguyên nhân của những cõi thấp.
Khi tâm bạn
bị tham muốn áp đảo, hoàn toàn bị vẩn
đục bởi tham muốn, bạn không thể thiền
định. Cho dù bạn có một vài ý niệm về tánh
Không, chẳng hạn thế, thì bạn khó có
được cảm nhận nào về nó. Khi tâm bạn
yên tĩnh và bình an, bạn có thể có cảm nhận nào
đó về nó; nhưng khi tâm bạn bị vẩn
đục, một màn sương mù dày đặc bao
phủ mọi sự, bạn không thể thiền
định về tánh Không. Hơn nữa, bạn không
thể nghĩ về những khiếm khuyết của
sự tham muốn.
Khi bạn tham
muốn mạnh mẽ một đồ vật, bạn
trở nên rất khổ sở nếu bạn không thể
gần nó. Bạn không thể thanh thản; thân bạn không
được nghỉ ngơi bởi bạn không thư
thản trong tâm hồn. Vì tâm bạn không thư thản do
sự tham muốn nên mặc dù có thể bạn chẳng có
công việc đặc biệt khó khăn nào để làm,
bạn cũng không có sự thoải mái hay thư dãn
vật lý.
Có nhiều ví
dụ như thế về những khiếm khuyết
của sự tham muốn. Hãy nghĩ về những
người nghiện rượu và những người
nghiện ma túy. Cuộc sống của họ trở nên
khốn khổ, phóng túng, tới độ họ không
thể làm bất kỳ điều gì. Hơn nữa,
họ làm tổn hại sự tỉnh giác và trí nhớ
của họ.
Bệnh tật
đến từ tâm bất mãn của sự tham muốn,
tư tưởng xấu ác của các pháp thế gian,
bởi sự bất mãn tạo nên những điều
kiện (duyên) cho bệnh tật. Rồi thì bạn bị
bệnh trong nhiều năm, cùng sự hao tốn khổng
lồ không ai mong muốn hàng nhiều ngàn đô la. Khi
bạn không thể kiếm tiền một cách đúng
đắn, bạn phải ăn cắp. Tâm bạn trở
nên rối loạn; bạn suy sụp tinh thần và trở
nên điên cuồng. Khi ấy bạn phải tốn
rất nhiều thời giờ và tiền bạc trong các
cuộc tư vấn tâm lý và thậm chí bạn có thể
kết thúc cuộc đời trong một viện tế
bần.
Và đâu là căn
nguyên của tất cả những điều này? Đó là
một khoảnh khắc của sự tham muốn không
thể kiểm soát được. Khoảnh khắc ấy
khi bạn không tự bảo vệ mình để thoát
khỏi tư tưởng về tám pháp thế gian, khi
bạn không thực hành Pháp, sẽ mang lại rất
nhiều vấn đề. Những vấn đề
tiếp tục và tiếp tục năm này sang năm khác,
khiến bạn phải tốn kém rất nhiều tiền
của và làm cho đời bạn phức tạp và khó
khăn một cách không cần thiết. Mọi sự âu lo
và tốn kém này là do tư tưởng về tám pháp thế
gian. Nếu ngay từ lúc đầu, bạn gìn giữ
để không dính mắc vào các pháp thế gian, thì tất
cả những năm tháng của những vấn
đề và tổn phí không mong muốn đó đã không
xảy ra. Bạn chẳng bao giờ phải kinh nghiệm
chúng.
Thật rõ ràng
đây chính là nguồn mạch của bệnh AIDS, nó xuất
hiện khi một người bị tám pháp thế gian sai
sử. Khi tôi hỏi những người bị lây
nhiễm AIDS qua đường tình dục rằng
trạng thái tinh thần của họ ra sao khi bắt
đầu kinh nghiệm những triệu chứng, một
số người nói rằng đó là một tham muốn
tình dục hết sức mạnh mẽ. Trong thời gian
của trạng thái tinh thần vô-đạo đức
đó, mỗi ngày họ bắt đầu lên cơn
sốt, đổ mồ hôi và yếu ớt.
Về cơ
bản thì mọi bệnh tật, kể cả bệnh AIDS
và ung thư, xuất phát từ tư tưởng về tám
pháp thế gian. Những vấn đề quan hệ thì cũng
thế: cách này hay cách khác, nếu ta không nỗ lực
để có được sự kiểm soát nào đó,
những vấn đề quan hệ có thể cứ
tiếp diễn. Cuộc sống trở thành địa
ngục – trước khi đi tới địa ngục
thực sự, ta kinh nghiệm địa ngục với
một thân người. Có địa ngục ở
khắp mọi nơi. Bạn cảm thấy hoàn toàn
bị sập bẫy, ngạt thở. Thậm chí bạn
không thở được.
Khi tham muốn
của bạn không được đáp ứng, khi
bạn không có được những gì bạn muốn,
đây là thời gian mà sự suy nhược thần kinh và
những tư tưởng muốn tự tử xảy ra.
Mới đây một người học Pháp ở Thụy
Sĩ đã có những vấn đề như thế và
đã tự tử. Anh ta treo cổ tự vẫn. Tôi
nghĩ rằng anh ta đã nghe một vài bài giảng Pháp
nhưng đã không thực hành hay nhập thất nhiều.
Anh ta có một công việc rất tốt, kiếm
được rất nhiều tiền, nhưng anh có
những vấn đề về mối quan hệ.
Bởi những
loại vấn đề này, bạn có thể đã
nhiều lần kinh nghiệm về tư tưởng
tự vẫn, về việc chấm dứt đời
người của bạn. Về cơ bản thì đây
là một khiếm khuyết của tư tưởng tham
muốn thế gian.
Geshe Kadampa Gonpawa,
người có sự thấu thị và nhiều chứng
ngộ khác, đã nói:
Nếu ta thọ
nhận bốn kết quả đáng ao ước của
sự thoải mái, vật chất, tiếng tốt, và
sự khen ngợi từ một hành động được
thực hiện với tư tưởng về tám pháp
thế gian, thì đó chỉ là kết quả trong
đời này và không có lợi lạc trong những
đời sau. Và nếu hành động ấy mang lại
bốn kết quả không đáng ao ước thì ta
cũng chẳng được lợi lạc gì ngay cả
trong đời này.
Dù thế nào
chăng nữa, thường thì những hành động
được làm với tư tưởng tám pháp thế
gian mang lại bốn kết quả đáng ao ước
cuối cùng sẽ dẫn tới bốn kết quả
không đáng ao ước. Ví dụ như trong việc kinh
doanh, bạn có thể gặt hái được thành công này
sau thành công khác; do bởi thành công đó, càng lúc bạn càng
hành động với tư tưởng về tám pháp
thế gian. Sau một thời gian, nghiệp thành công
của bạn chấm dứt, và nghiệp thất bại
được trải nghiệm. Chỉ trong một ngày
bạn có thể trở thành một kẻ hành khất. Một
ngày nào đó bạn là một tỉ phú; ngày hôm sau, thậm
chí bạn không biết cách làm sao trả tiền thuê nhà và
nuôi sống gia đình bạn. Toàn bộ cuộc
đời bạn sụp đổ.
Đây là bởi
bạn hành động với tư tưởng tám pháp
thế gian. Mặc dù bạn đã thành tựu sự
tiện nghi vật chất, bạn không thỏa mãn và
tiếp tục hành động với tư tưởng
về các pháp thế gian. Do sự thành công của bạn
trong quá khứ, một ngày nào đó nghiệp thành công
của bạn bị cạn kiệt, và mọi sự
sụp đổ. Người mới hôm qua còn giàu có, không
chút bận tâm về mặt tài chánh, bất ngờ hôm nay
phải bận tâm ngay cả việc chăm sóc gia đình.
Anh ta không biết phải làm gì và không thể ăn hay
ngủ.
Cho dù bạn thành
công trong việc trộm cắp một, hai, hay ba lần,
chẳng hạn thế, thành công của bạn không thể
tiếp tục vô hạn định. Bạn cần phải
kiểm soát tham muốn của bạn; bạn cần
phải thấy hài lòng. Nếu không, cứ tiếp tục
trộm cắp thì chắc chắn một ngày nào đó
bạn sẽ bị bắt. Cho dù sai lầm đó ra sao,
bằng cách liên tục lập đi lập lại nó,
một ngày kia chắc chắn nó sẽ trở thành một
vấn đề lớn. Khiếm khuyết khác của
sự tham muốn là cuối cùng nó dẫn tới rất
nhiều điều không đáng ao ước.
Tự giải
thoát bản thân khỏi tham muốn là một sự bảo
vệ vĩ đại. Cắt đứt sự bám
luyến vào một đối tượng hay một
người có nghĩa là mọi tâm tiêu cực khác không phát
khởi, và bạn không tạo nên những nghiệp tiêu
cực ấy như một kết quả. Nó mang lại
cho ta sự bảo vệ không thể tin nổi. Thông
thường thì bởi bám luyến vào một đối
tượng đặc biệt, bạn tạo nên nhiều
nghiệp tiêu cực trong mối quan hệ với nhiều
chúng sinh khác. Nhờ cắt đứt bám luyến, bạn
ngăn chặn được những nguyên nhân của các
cõi thấp.
An bình vĩ
đại xuất hiện khi bạn tự giải thoát
mình khỏi tư tưởng tham muốn. Hãy tập trung
vào sự an bình đích thực này khiến bạn có
thể lập tức kinh nghiệm bằng cách tự
giải thoát mình khỏi tham muốn. Khi bạn tập trung
vào điều này thì không có vấn đề gì. Khi bạn
nỗ lực đạt được hạnh phúc vĩ đại
này, an bình thực sự này, hạnh phúc nhất thời
trở nên không đáng kể và không quá khó khăn để
từ bỏ – có lẽ cũng vui thú như khi bạn
nhặt được tờ giấy vệ sinh đã
sử dụng. Nếu bạn tỉnh giác về
điều này thì bạn không có nguy cơ trở nên
tuyệt vọng hay điên loạn.
Vì thế ta có
thể thấy, cho dù gặp bao nhiêu vấn đề
chăng nữa thì ta cũng không thể có chọn lựa
nào khác ngoài việc phải thực hành Pháp. Và thực hành
Pháp có nghĩa là làm chủ tâm ta, làm chủ sự tham
muốn. Hãy quên việc sống một cuộc đời
khổ hạnh của việc thực hành Pháp thuần túy;
ở mức độ tối thiểu, chúng ta cần làm
chủ tham muốn để có an bình nội tâm và hạnh
phúc của cuộc đời này, và để ngăn
chặn sự phát triển của các vấn đề.
CHẤM
DỨT SINH TỬ
Như Đức
Nagarjuna nói:
Những hành
động phát sinh từ tham, sân, và si là ác hạnh.
Những hành động phát sinh từ không-tham, không-sân, và
không-si là đức hạnh. Dù là đức hạnh hay ác
hạnh, những hành động là do tâm tích tập.
Chừng nào ta còn
tham muốn tiện nghi, vật chất, sự tôn kính, và
tiếng tăm, và chừng nào ta còn muốn né tránh đau
khổ, sự không thâu đạt các sự vật
(mất), sự bất kính (chê), và tiếng xấu
(nhục), thì mọi hành động đều bị thúc đẩy
bởi tham, sân, và si. Và như thế những hành
động đó nhiều phần là ác hạnh hơn là
đức hạnh.
Trong bản văn
nói:
Điều
cực kỳ quan trọng là đừng cố phát
triển tham muốn hạnh phúc của đời này.
Nếu tham muốn này phát khởi, hãy nỗ lực từ
bỏ nó.
Lạt ma Atisha
cũng nói:
Nếu gốc
rễ độc thì các cành và lá cũng độc. Nếu
gốc rễ có thể chữa bệnh, cành và lá cũng có
thể chữa bệnh. Tương tự như thế,
mọi sự được làm với tham, sân, và si thì
vô-đạo đức.
Nói cách khác, bất
kỳ hoạt động nào – dù là cấy trồng, kinh
doanh, chiến đấu, giúp đỡ bạn bè và thân
quyến, hay thiền định – được làm với
tư tưởng về tám pháp thế gian, bám luyến vào
đời này và được thúc đẩy bởi tham,
sân, hay si sẽ trở thành, như được nói ở
đây, “chỉ là nguyên nhân của sinh tử và những cõi
thấp.”
Bản văn nói
tiếp:
Để nhận
được điều cốt tủy, ngay từ lúc
bắt đầu, ta không nên bám luyến vào đời này.
“Nhận
được điều cốt tủy” ám chỉ thân
người toàn hảo này.
Kế đó
tới một trích dẫn từ một giáo lý Kim
Cương thừa, thường được
đưa ra như một động lực trong thời
gian chuẩn bị cho một nhập môn Kim Cương
thừa:
Những
người có lòng sùng mộ lớn lao, những
người mưu cầu siêu vượt sinh tử,
được phép đi vào mạn đà la. Ta không nên tham
muốn những kết quả của đời này.
Điều này có
nghĩa là ta không nên tìm kiếm hạnh phúc, sung
sướng, vật chất, sự tôn kính, tiếng
tăm, và v.v.., là tất cả những gì thuộc về
đời này.
Trích dẫn tiếp
tục:
Người tham
muốn cuộc đời này không thành tựu ý nghĩa
siêu vượt sinh tử.
Điều này có
nghĩa là những hoạt động của những
người tham muốn cuộc đời này sẽ không
trở thành nguyên nhân của Giác ngộ, là trạng thái siêu
vượt sinh tử.
Bạn có thể
thấu hiểu điều đó theo cách này: Nếu
mục đích của bạn chỉ là đạt
được hạnh phúc trong đời này, nếu
đó là hy vọng duy nhất của bạn, mọi
điều bạn làm – công việc, trì tụng những
lời nguyện, nhận các lễ nhập môn, ăn,
ngủ – không trở thành Thánh Pháp. Tất cả những
hành động đó là vô-đạo đức. Hy vọng
của bạn là được hạnh phúc, nhưng
điều duy nhất bạn nhận được
từ những hành động này là đau khổ. Mặc
dù bạn làm công việc của bạn với mục
đích thành tựu hạnh phúc trong đời này, những
hành động của bạn thực sự trở thành
chướng ngại cho hạnh phúc này và khiến cho
bạn không tìm được nó. Chúng ta có thể hiểu
rõ điều này nếu ta nhìn vào những kinh nghiệm
của riêng ta và của những người khác.
Đoạn trích
dẫn kết luận:
Việc mưu
cầu siêu vượt sinh tử sẽ phát triển
hạnh phúc của sinh tử của đời này.
Điều này có
nghĩa là những ai chỉ tìm cầu Giác ngộ siêu
vượt sinh tử, và thực hành Pháp để thành
tựu nó, thì mặc dù không tìm kiếm hạnh phúc của đời
này, nhưng họ sẽ tìm thấy nó một cách tự
nhiên.
Trong Lá Thư
gởi một người Bạn, Đức Nagarjuna nói:
Nếu tóc hay y
phục của bạn bị bén lửa, bạn lập
tức dập tắt nó. Cũng thế, nỗ lực
để không bị tái sinh là một việc rất
đáng làm.
Khi một tàn
lửa rơi vào bạn, bạn thoát khỏi nó không chút
chậm trễ. Bạn phản ứng tức thì mặc dù
tàn lửa có thể chỉ đốt cháy tóc hay y phục
của bạn. Chắc chắn là bạn nên mãnh liệt
hơn trong việc nỗ lực tiệt trừ những
nguyên nhân của sự tái sinh trong những cõi thấp và
những nỗi khổ liên tục của luân hồi sinh
tử.
Mọi vấn
đề của ta phát khởi do bởi ta nhận sự
tái sinh luân hồi sinh tử này, những uẩn này
được tạo nên bởi sự mê lầm và
nghiệp và bị ô nhiễm bởi những hạt
giống của các mê lầm. Bởi ta nhận sự tái
sinh, ta kinh nghiệm nỗi khổ rộng khắp, duyên
hợp, và vì thế, kinh nghiệm nỗi khổ do sự
biến đổi và nỗi khổ khổ. Chúng ta không
chỉ kinh nghiệm những nỗi khổ trong
đời này, nhưng sinh tử hiện tại này trở
thành nền tảng của mọi sinh tử và đau
khổ của những đời sau. Việc nhận
một sinh tử khác tạo nên nguyên nhân của rất
nhiều sinh tử khác trong những đời sau. Tiến
trình này cứ tiếp tục mãi.
Nagarjuna đang nói
rằng so với việc một tàn lửa nhỏ rơi
vào người ta thì tình huống này nghiêm trọng hơn
nhiều, và chúng ta nên nỗ lực để không phải
nhận sự tái sinh khác. Làm thế nào ta có thể
nỗ lực để không phải tái sinh? Như
được đề cập trong các giáo lý, tham muốn
là sợi giây xích trói buộc chúng ta vào sinh tử; tham
muốn là nguyên nhân gần nhất của sinh tử
của đời sau. Tham muốn không chỉ khiến ta
tạo nghiệp tiêu cực ngay bây giờ trong đời
này, khi ta nhận ra ta đang chết, ta bám luyến vào thân
ta, những uẩn của ta. Việc tham muốn và bám
luyến vào lúc chết đưa dẫn ta tới việc
nhận sự tái sinh sinh tử đặc biệt của
đời sau của ta. Bởi tham muốn là nguyên nhân chính
yếu của sinh tử, việc cắt đứt tham
muốn trở thành thực hành Pháp cốt tủy
để không tái sinh một lần nữa. Đây là
phương cách để chấm dứt sự
tương tục của sinh tử.
Tóm lại mọi
hành giả Pháp nên từ bỏ sự tham muốn tiện
nghi sung sướng của đời này. Trừ phi
bạn từ bỏ tham muốn này, ngay cả việc
được gọi là “một hành giả Pháp” cũng
chẳng thể được. Mọi sự
được làm với sự tham muốn tìm kiếm sung
sướng của đời này không phải là Pháp.
Chừng nào có tham muốn thì không có thực hành Pháp. Có
một câu cách ngôn Tây Tạng: “Bởi một con ngựa
không có đặc tính của một con sư tử nên
đừng gọi ngựa là sư tử.”
Lạt ma
Gyampa, một geshe Kadampa, đã nói:
Từ bỏ
đời này chính là sự bắt đầu của Pháp.
Bạn chẳng làm một thực hành Pháp nào mà cảm
thấy tự hào là một hành giả Pháp – thật là
điên khùng! Hãy kiểm tra xem sự tương tục
của tâm bạn có bao gồm bước đầu tiên
của Pháp hay không: sự từ bỏ đời này.
Cho dù bạn
nghĩ rằng bạn không là một con người tôn
giáo, nhưng bởi bạn muốn hạnh phúc và không mong
muốn những vấn đề, bạn vẫn phải
kiểm soát sự tham muốn. Không có giải pháp nào khác.
Bạn không thể giảm thiểu sự tham muốn và
những mê lầm khác bằng cách dùng thuốc men, chịu
một cuộc giải phẫu, hay bằng những
phương tiện ngoại tại khác. Phương pháp
để thực hành là nghĩ tưởng về
những lỗi lầm của sự tham muốn, và
nghĩ rằng cuộc đời thật ngắn
ngủi. Đây là tâm lý học cốt tủy, cho dù bạn
không là một Phật tử và không muốn là Phật
tử. Không có giải pháp nào khác. Để ít gặp
những vấn đề trong đời bạn, bạn
phải quán chiếu về những lỗi lầm của
sự tham muốn. Nếu tham muốn được
tiệt trừ thì không còn những vấn đề
nữa. Ngay khi bạn từ bỏ tham muốn, bạn
sẽ không thấy bất kỳ vấn đề nào
nữa.
Thực hành Bồ
Đề tâm giúp kiểm soát sự tham muốn. Việc
hoán đổi bản thân với người khác,
điều đó có nghĩa là từ bỏ bản thân và
yêu thương người khác, hay có một trái tim hết
sức tốt lành, muốn tiệt trừ những đau
khổ của người khác và nhận lấy hạnh
phúc của họ, sẽ giải quyết được
nhiều vấn đề,
Người mà tâm
không đủ mạnh mẽ để thực hành Bồ
Đề tâm nên cản ngăn những vấn đề
của tham muốn bằng cách quán chiếu về những
thiền định như việc tái sinh làm người
toàn hảo và đặc biệt là sự vô thường và
cái chết. Bạn có thể cắt đứt tham muốn
bằng cách nhớ tưởng rằng cuộc đời
thật ngắn ngủi và cái chết có thể xảy
tới bất kỳ lúc nào, và liên kết những tư
tưởng này với những cõi thấp, nghiệp, và v.v..
Như tôi đã
đề cập trước đây, “bí mật của tâm”
của Shantideva không phải là chứng ngộ cao cấp.
Việc hiểu rõ những lỗi lầm của tám pháp
thế gian và quán chiếu về sự vô thường và
cái chết cũng có thể được coi là những
bí mật của tâm.
Việc thiền
định về sự vô thường và cái chết và
nhận ra những lỗi lầm của sự tham
muốn – điều đó có nghĩa là nhận ra rằng
mọi vấn đề phát sinh từ đó – mang lại
cho bạn sức mạnh để lập quyết
định từ bỏ cuộc đời này, cắt
đứt sự bám luyến với cuộc đời
này. Hai điều này làm cho bạn thêm kiên cố và làm suy
yếu những pháp thế gian. Chúng mang lại cho bạn
sức mạnh để cắt đứt việc bám
luyến vào đời này, tự giải thoát mình khỏi
sự tham muốn.
Nếu bạn
không nhận ra những bí mật này của tâm, mặc dù
bạn muốn hạnh phúc và không muốn đau khổ,
bạn sẽ kinh nghiệm điều ngược
lại. Không có hạnh phúc nhất thời và tối
hậu, bạn lang thang trong sinh tử và không ngừng kinh
nghiệm đau khổ. Nhưng nếu bạn nhận ra
những bí mật này của tâm, ý nghĩa tối
thượng của Pháp, bạn có thể thành tựu
hạnh phúc và tiệt trừ nỗi khổ đau và
sẽ không còn lang thang không mục đích trong luân hồi
sinh tử nữa./.