Có người cho rằng, Ấn độ là một trong những cội nguồn triết
học ra đời sớm nhất của thế giới. Đúng là như thế, đức Phật Thích Ca Mâu
Ni là một vị triết gia nổi tiếng thời cổ đại được thế giới công nhận,
ngài sinh ra trên đất nước Ấn độ vào kỷ nguyên thứ 6 trước công nguyên
(BC), đồng thời đã sáng lập ra Phật giáo Ấn độ, một nền triết lý vô cùng
thâm diệu và phong phú, ngài đã để lại cho thời hậu thế một di sản văn
hóa quá ư đồ sộ của nhân loại. Hiện nay Phật giáo được xem là một trong
ba tôn giáo lớn của thế giới, có thể nói rằng đó là một tiêu chí quan
trộng nhất mà cho đến nay hàng hậu nhân chúng ta vẫn tôn sùng và diễm
phúc được tiếp nhận nguồn tư tưởng ấy của đức Thích Tôn.
Trên phương diện lịch sử, Phật giáo Ấn độ đã trải qua bốn chặng đường
lịch sử, tức là Nguyên thủy Phật giáo, Bộ phái Phật giáo, Đại thừa Phật
giáo và Mật tông Phật giáo.
Nguyên thủy Phật giáo là Phật giáo thời kỳ đầu, được tính từ khi đức
Phật thành đạo cho đến một trăm năm sau Phật nhập niết bàn, tức là giai
đoạn đầu truyền bá Phật giáo.
Thời kỳ Bộ phái Phật giáo là khoảng từ năm 370 (BC) đến năm 150 sau
công nguyên(AD), giai đoạn này là thời kỳ Phật giáo phát triển và hình
thành nên bộ phái.
Đại thừa Phật giáo là khoảng từ giữa thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ
7(AD), trong quá trình phát triển của Đại thừa Phật giáo lại phân chia
thành ba giai đoạn khác nhau, tức là giai đoạn đầu (thế kỷ 1 đến 5 AD),
giai đoạn giữa (thế kỷ 5 đến 6 AD) và giai đoạn cuối (thế kỷ 6 đến 7
AD).
Mật tông là một nền văn hóa đặc sắc của Phật giáo Đại thừa giai đoạn
cuối, còn gọi là Mật giáo hoặc Bí mật giáo, Chân ngôn tông, Kim cang
thừa, Mật thừa, Quả thừa v.v.. Sự khởi nguyên, quá trình hình thành và
phát triển của Mật tông Phật giáo có mối tương quan mật thiết với sự
thay đổi của nền chính trị, văn hóa Ấn độ đương thời. Nữa sau thế kỷ thứ
7 (AD), Ấn độ giáo đã len lõi trong các hệ thống học thuyết, kể cả giáo
lý Phật giáo mà phục hưng trở lại, từ đó tạo ra sự cạnh tranh rất mãnh
liệt đối với Phật giáo đương thời. Lúc bấy giờ Phật giáo Đại thừa không
chỉ bị giới hạn trong phạm vi “kinh viện triết học”, mà còn chạy theo
những phong trào lý luận học vấn, đống chặt mình với phạm trù triết học
biện luận, do vậy, vô ý trung đã tự tách mình ra khỏi quảng đại quần
chúng. Vì thế, để thích ứng với tình thế mới, Phật giáo Đại thừa đã quay
tìm lại thế mạnh của mình vốn có trước đó, nhanh chống và tích cực tiếp
cận với Ấn độ giáo và Bà-la-môn giáo. Ban đầu khi tiếp xúc, phía Phật
giáo có những phản ứng khá kịch liệt, có lúc lại cật lực phê phán những
quan niệm nghi chấp về tế tự cầu phước trừ họa và mật chú, tuy nhiên vẫn
xúc tiến việc hợp lý hóa hoặc Phật giáo hóa theo tinh thần tùy duyên,
cuối cùng Phật giáo đã hình thành nên một hệ thống Mật giáo tương đối
độc lập. Do đó, Mật giáo là sản phẩm của sự kết hợp giữa Phật giáo và Ấn
độ giáo.
Quá trình phát triển của lịch sử Mật tông, có thể chia thành hai giai đoạn chính, đó là Sơ kỳ “Tạp mật” và Hậu kỳ “Thuần mật”.
Sơ kỳ Tạp mật:
Phật giáo Đại thừa rốt cục trở thành Mật tông là một sự kiện khá bất
ngờ, nhưng cũng có thể nói là do bối cảnh lịch sử lâu dài của nó. Sự bất
ngờ là bởi thời đức Thích Tôn còn tại thế, Phật giáo cực lực phản đối
thần quyền, bài xích những quan niệm thần bí, phủ định các chú thuật
v.v..có thể thấy được đức Phật không bao giờ đề xướng những phương thuật
mật chú đã bị bám rễ sâu ở trong quan niệm tín ngưỡng nhân gian người
Ấn.
Trong Kinh Phạm Động số 21 thuộc Trường A Hàm quyển 14 Phật dạy: “như
các Sa môn Bà-la-môn tuy ăn của tín thí, nhưng hành pháp chướng ngại
đạo, nuôi sống bằng cách tà vạy, như kêu gọi quỷ thần, hoặc lại đuổi đi,
các thứ ếm đảo, vô số phương đạo, làm người khiếp sợ; có thể tụ, có thể
tán; có thể làm cho khổ, có thể làm cho vui; có thể an thai, trục thai;
hoặc phù chú người ta hóa làm lừa, ngựa; có thể khiến người điếc, đui,
câm, ngọng; hiện các kỹ thuật; hoặc chắp tay hướng về mặt trời, mặt
trăng; hành các khổ hạnh để cầu lợi dưỡng…..”
“…..hoặc vì người mà chú đảo bệnh tật, đọc ác thuật, tụng thiện chú; làm thuốc thang, châm chích, trị liệu bệnh tật…... ”
“…..hoặc chú nước lửa, hoặc chú quỷ thần, hoặc chú Sát-lỵ, hoặc chú
voi, hoặc chú chân tay, hoặc bùa chú an nhà cửa; hoặc giải chú lửa cháy,
chuột gặm; hoặc đọc sách đoán việc sống chết; hoặc đọc sách giải mộng;
hoặc xem tướng tay, tướng mặt; hoặc đọc sách thiên văn; hoặc đọc sách
hết thảy âm….. Sa-môn Cù-đàm không có các việc đó.”[1]
King Đa Giới thuộc Trung A Hàm quyển 47: “…..hoặc có Sa môn Phạm chí,
hoặc trì một câu chú, hai câu chú, ba câu chú, bốn câu chú, nhiều câu
chú, trăm ngìn câu chú để mong cho tôi thoát khỏi khổ đau, như thế là đi
tìm sự khổ, huân tập sự khổ, dẫn đến sự khổ mà cho là hết khổ, trường
hợp này không thể xảy ra. ”[2]
Tuy nhiên, trong Luật tạng như Tứ Phần Luật quyển 27 và Thập Tụng
Luật quyển 46 và một số luật khác của Bộ Phái Phật giáo có nêu việc đức
Phật ngài chỉ chọn dùng một số bài chú thích hợp khi gặp trường hợp ăn
không tiêu, bị rắn độc cắn, đau răng hoặc đau bụng v.v…Kinh Đại Hội thứ
19 thuộc Trường A Hàm đức Phật vì hàng phục chư thiên mà dùng một số bài
chú; Kinh Ưu-Ba-Tiên-Na số 252 thuộc Tạp A Hàm, Đức Phật khi nghe trình
bày Tôn giả Ưu-Ba-Tiên-Na bị rắn độc cắn, ngài liền dạy cho Tôn giả Xá
Lợi Phất bài chú phòng hộ thân, không để rắn độc cắn.[3]Từ đó có thể
thấy được rằng, Mật chú và cách sử dụng Mật chú đã xuất hiện rất sớm
trong kinh điển thuộc hệ Phật giáo nguyên thủy. Tuy nhiên, nguồn gốc
xuất phát của Mật chú có lẽ là từ Bà-la-môn giáo, đến thời đức Thích Tôn
thì ngài đã cật lực ngăn cấm không để xuất hiện nhiều trong giáo lý
Phật giáo, sau đó ngày càng có nhiều ngoại đạo xuất gia đầu Phật, họ
quen sử dụng những câu chú khi bệnh tật mà thôi. Đến thời Phật giáo Bộ
Phái như Pháp Tạng bộ tôn sùng ngài Mục Kiền Liên (Mahāmoggallāna), hay
nói về chuyện quỷ thần, từ đó chú pháp dần dần thịnh hành.
Thông thường mà nói, tư tưởng Phật giáo Mật tông được manh nha là từ
trong kinh A Hàm, cho rằng việc xướng tụng những kinh văn đơn giản bằng
văn Pali trong Lật Tạng và trong Kinh A Hàm, nương vào công đức đó thì
phước sẽ đến họa sẽ đi, như thế cũng đã rõ về tín ngưỡng mật chú, với
hình thức Mật giáo này được gọi là thời kỳ Tạp Mật. Ngoài ra còn lấy thể
cách văn tự và ngữ cú để làm đặc trưng riêng, và có hàm nghĩa vô cùng
sâu sắc với việc nhiếp tâm điều tức, mục tiêu đạt đến Đà-la-ni thống
nhất tinh thần tức là Nhất Tâm, đây là giai đoạn tối sơ của Tạp Mật.
Căn cứ vào cách giải thích của Mật tông, Mật giáo là do đức Đại Nhật
Như Lai (tiếng Phạn Mahāvairocana dịch thành Tỳ-Lô-Gía-Na) truyền trao
cho ngài Vajrasattva (Kim Cang Tát Đõa còn gọi là Kim Cang Thủ:
Vajrapani, Chấp Kim Cang Vajradhara ). Tôn giả Vajrasattva là người thân
của đức Tỳ-Lô-Gía-Na, là một vị thượng thủ trong hàng Chấp Kim Cang,
thuộc cung Pháp giới Kim Cang, ngài được đích thân đức Tỳ-Lô-Gía-Na giáo
sắc mà kết tập và truyền trì Mật giáo, phó chúc ngài làm đệ nhị tổ của
Mật giáo. Tám trăm năm sau kể từ khi đức Thích Tôn vào niết bàn, ngài
Long Thọ Bồ-tát (Nāgārjuna) xuất thế, ngài mở bảo tháp Nam Thiên Thiết
để nhận sự truyền thừa từ ngài Vajrasattva để làm tổ thứ ba của Mật
giáo.[4]Theo giáo nghĩa truyền thống của Nhật Bản thì Mật giáo là do đức
Thích Tôn phó chúc lại và được ngài Vajrasattva cất dấu trong bảo tháp
stūpa ở Nam Ấn độ, đến lúc người đời sau có thể hiểu được pháp ấy thì
mới đưa ra. Khi Nāgārjuna xuất hiện, ngài mở bảo tháp ấy và được tiếp
nhận sự quán đảnh của ngài Vajrasattva, sau đó mới truyền bá giáo nghĩa
này.[5]Những chứng cứ mang tính truyền thuyết này rất có khả năng do
những học giả của Mật giáo về sau phụ họa mà có, điều đáng để chúng ta
xác nhận là sự manh nha của Mật giáo bắt đầu từ thời kỳ Phật giáo nguyên
thủy, nhưng lúc ấy chưa được triển khai mà thôi. Đến thời kỳ Phật giáo
Bộ phái, Mật giáo đã tích lũy được một số tư lương khá lớn, và đến thời
kỳ Phật giáo Đại thừa phát triển thì Mật tông đã có một hệ thống lý luận
khá chặt chẻ. Chính như trong bộ Ấn Độ Phật Giáo Sử, Tāranātha
(Đa-la-na-tha)viết: thời ngài Sangharakshita (Tăng Hộ) hai loại Sự bộ và
Hành bộ hiển nhiên đã lưu hành được hai trăm năm rồi, nhưng hai loại
Du-già và Vô thượng Du-già vẫn chưa xuất hiện, đến vương triều Pāla về
sau mới bắt đầu hoằng truyền. Đến nay hệ thống truyền thừa của Mật giáo
vẫn rất mơ hồ và cũng khá phức tạp, bởi do đã không xuất hiện những tác
giả Mật giáo có quyền uy trên phương diện nghiên cứu học thuật, mà cũng
chẳng hình thành nên một chế độ truyền thừa cho rõ ràng. Do đó, giữa kỷ
nguyên thứ 7 (AD) Mật giáo rãi rác xuất hiện nhưng đều có thể quy vào
phạm trù của Thời kỳ Tạp Mật.
Giai đoạn Mật giáo hậu kỳ
Xã hội Ấn độ thời trung cổ (Middle Ages) không ngừng phát triển biến
thiên vô cùng phức tạp, Phật giáo cũng tùy thuận vào lực độ biến hóa ấy
tồn tại và phát triển, cũng từ đó do sự sùng bái tín ngưỡng của Tăng tín
đồ Phật giáo mà đã dốc sức để xúc tiến phát triển Phật giáo đại thừa
theo hướng Mật giáo hóa. Trong quá trình vận động cải cách, những ngôi
tự viện nổi tiếng của Ấn độ đã có tác dụng rất lớn, như trường Đại học
Nālandā nổi tiếng cách phía bắc, cách thành Vương xá (Rāja-gṛha) chỉ vài
cây số, là trung tâm nghiên cứu văn hóa tôn giáo, nơi vân tập tất cả
học Tăng các phái của Phật giáo, chính như Nāgārjuna, vị đại sư của học
phái Trung quán cũng được cung cữ vào làm việc ở đây, Trần Na (Dinnāga)
cũng trình bày học thuyết lý luận tại đây. Từ đó về sau, Đại học Nālandā
đã trở thành trung tâm nghiên cứu chủ yếu của các bậc học thức, trường
này được các vị hoàng đế vương triều Cấp Đa (Gupta Rājavaṃśa 320-550)
cúng kinh phí, thế kỷ thứ 8 đến 12 (AD) lại được sự ủng hộ của các vị
hoàng đế vương triều Pāla thống trị Magadha (Ma kiệt đà ) và đông bắc Ấn
độ, Nālandā mới xây dựng được quy mô rộng lớn như thế. Những người đi
triều bái của Trung Quốc đã để lại cho chúng ta những miêu tả khá cặn kẻ
liên quan đến cuộc sống trong ngôi trường này, ví dụ như trường gồm có
mấy ngàn tỳ kheo học Tăng với lượng lớn sinh viên khá đông nội trú, mỗi
lớp có gần một trăm học sinh, ngoài ra lúc học sinh nhập học thì phải
làm hồ sơ đăng ký rất tỷ mỉ, điều ấy đã thể hiện rõ ấn tượng tổ chức từ
di tích hùng vĩ hiện còn của ngôi trường này. Theo truyền thống Phật
giáo Ấn độ và Tây Tạng ghi, thư viện sách vở của trường này chứa ba tòa
cao óc rât lớn.[6]Mật tông Ấn độ cũng từ đó đã nhận được sự ủng hộ và
tiếp nhận, sớm tạo được sự ảnh hưởng rất lớn đối với ngôi trường này.
Đầu kỷ nguyên thứ 7 (AD), trường Nālandā đã bắt đầu xem trọng
Đà-la-ni của Mật giáo, đồng thời biên soạn Trì Minh Chú Tạng, là bộ điển
tịch căn bản của Mật giáo, hình thành nên việc thiết trí đàn thành và
lễ nghi, trong đàn thành này đã xuất hiện việc thờ tự các vị thần linh.
Điều này đã nói lên rằng, do sự phong tỏa việc học thuật lý luận của Đại
thừa hậu kỳ mà làm mất đi sự tín nhiệm của quần chúng, vì thế để khơi
tạo lại sự ảnh hưởng của quần chúng thì ắt hẳn phải trưng dụng nghi thức
thần bí trong nghi lễ tôn giáo của Ấn độ giáo. Từ đó, trường đại học
Nālandā trở thành một cơ địa trọng yếu cho việc phát triển của Phật giáo
Mật tông. Chính như “hệ thống truyền thừa của Mật giáo cũng khó mà phân
đoán cho rõ ràng, trung tâm truyền thừa là trường Nālandā vào nữa sau
của kỷ nguyên thứ 7 (AD).”[7]
Ngay cả vấn đề niên đại kiến tạo trường đại học Nālandā đến nay vẫn
đang tranh luận, nhưng trong sử sách rải rác có ghi chép, các vị danh
đức trù trì ngôi tự viện này, ngoài Long Thọ (Nāgārjuna) ra còn có ngài
Đức Huệ (Guṇamati) và Hộ Pháp (Dharmapāla), kế tiếp các ngài trên có Hộ
Nguyệt (Candrapāla), Kiên Tuệ (Sāra-mati), Thắng Hữu (Visesamitra), Trí
Nguyệt (Jñānacandra), Giới Hiền (Śīlabhadra), Trí Quang (Jñāna-prabhā),
Nguyệt Xứng (Candrakī), Tịch Hộ (Śāntarakṣita) v.v.. là các bậc luận sư
nổi tiếng đảm trách việc lãnh đạo trường Nālandā. Những bậc đại luận sư
này không nhiều thì it có sự đống góp cho sự trổi dậy của Mật giáo, cũng
như “phái Trung quán sau khi vừa thành lập thì đã có mối quan hệ với
Mật giáo, ví dụ những danh tăng hoằng hóa ở Nam Ấn có Phật Hộ
(Budhapālita), Thanh Biện (Bhāvaviveka) đều chuyển qua Mật thừa; Trung
Ấn có Nguyệt Xứng, Trí Tạng(Jñānagarbha), Hộ Tịch, Liên Hoa Giới (Kamala
śīla) v.v.. đều thọ học Mật giáo. Mật giáo phát triển mạnh mẽ là nhờ
vào các học giả cả hai hệ không và hữu của Đại thừa, và chung cuộc là nó
đã dung hòa vào trong các trào lưu thời đại.”[8]Đặc biệt là luận sư
Tịch Hộ, Liên Hoa Giới, Giải Thoát Quân (Ārya-Vimuktasena), Sư
Tử Hiền (Haribhadra) và Giác Cát Tường Trí (Buddhaśri) v.v..đã đem học
thuyết Du Già Hành (Yogācāra) của học phái Duy Thức (Vijñānavāda) đưa
vào trong học thuyết của phái Trung Quán Tự Tục (svātantrika,自立量派), và
từ đó hình thành ra học thuyết Du già Trung quán phái (hoặc gọi là Thuận
Du già hành Trung quán học phái顺瑜伽行中观学派), phái này là sự hổn tạp bao
gồm nhiều hệ thống triết học tư tưởng Phật giáo và ngoại đạo, hình thức
và phương pháp cũng tự do và linh động. Đây chính là tiêu chí tối trộng
yếu của Phật giáo Đại thừa thời hậu kỳ đã và đang dần dần bị Mật giáo
hóa.
Hoàng đế thứ tư Dharma Pāla (766-829 AD) của vương triều Pāla lại rất
sùng tín Phật giáo, cảm thấy quy mô của trường Nālandā không đủ rộng,
vì thế ông lại cho xây một ngôi tự viên mới khang trang khác trên quả
đồi nhỏ bên bờ Nam sông Hằng. Chùa tên là Vikramasilavihara (Siêu Loai
hoặc Siêu Giới tự ), quy mô của nó lơn hơn cả Nālandā, trung tâm của
Siêu Loại là một ngôi Đại Bồ-đề Phật điện, bao quanh bốn phía gồm 108
ngôi tự viện nhỏ, trong đó một nữa thuộc bộ phận nội đạo của Phật giáo
Mật tông[9], còn một nữa là dành cho ngoại viện và Hiển tông. Trên thành
tường của chùa có họa các bức hình các vị học giả chủ trì nổi tiếng, số
học giả chủ trì thường trụ trong viện gồm 108 vị, chấp sự của tự viện
gồm 114 vị. Những học tăng tốt nghiệp hạng ưu sẽ được quốc vương ban cho
bằng Đại học giả (Paṇḍitā), nếu có thành tựu lớn thì sẽ được ban cho
danh hiệu “Thủ Môn sư”[10]. Do đó, chùa Siêu Loại trở thành một tự viên
danh tiếng được thiết lập Mật giáo làm trung tâm, rất nhiều học tăng Mật
giáo xuất chúng đều được đào tạo ở đây ra. Vào thế kỷ thứ 9 (AD) trở về
sau, các luận sư nổi tiếng của Phật giáo tiếp nối nhau xuất hiện, như
Phật đà mật-đa (Budhamitā), Bất nhị Kim cang (Advaya-vajira), A-để-xá
(Atisha), Bảo Tịch (Ratna-Śānta) v.v..Nổi bật nhất là tôn giả Atisha,
qua Tây Tạng vào thế kỷ 11, ngài đã dốc sức cho việc phiên dịch kinh
Phật, đồng thời ngài giảng kinh Thời Luân, đem hết tinh lực để hoằng
truyền Mật giáo. Có thể khẳng định rằng, chùa Siêu Loại là nơi hậu thuẩn
rất đắc lực cho cả quá trình phát triển của hệ thống Mật giáo, do vậy,
khi chùa Siêu Loại đã bị ngoại đạo khủng bố thì cũng chính là tiêu chí
cho sự diệt vong của cả hệ thống Phật giáo Ấn độ. Chính như chùa Siêu
Loại “vào thế kỷ thứ 13 (1203 ) mới bị người hồi giáo Ấn độ phá hủy, kéo
theo đó là hệ thống Phật giáo Ấn độ cũng bị diệt vong.”[11]Ngoài ra,
tuy còn có rất nhiều tự viện Phật giáo làm cơ sở cho việc hoằng truyền
và phát triển Mật giáo, nhưng ở đây không nêu ra.
Tóm lại, lấy trường Nālandā và chùa Siêu Loại là trung tâm và đại
diện cho các tự viện Phật giáo Ấn độ, là cơ sở cho việc phát triển một
cách thuận lợi của Mật giáo.
Hệ thống lý luận của Mật giáo cũng dần dần được hình thành, nó được
kết tập vào khoàng nửa cuối của thế kỷ thứ bảy, tức là Kinh Đại Nhật,
tiếp theo đó là Kinh Kim Cang Đảnh ——tác phẩm lý luận nổi tiếng của Mật
giáo xuất hiện.
Kinh Đại Nhật còn gọi là Kinh Đại Tỳ-Lô-Gía-Na Thành Phật Thần Biến
Gia trì Kinh (tiếng Phạn: Mahā-vairocanābhisambodhi-vikur-vi-tadhişthāna
vaipulya sūtrendra-raja-nāma-dharma-paryāya), hai chữ Đại Nhật
(Mahāvairocana) có nghĩa là ánh sáng lớn, là một trong tướng tốt của đức
Phật, có lúc lý giải thành ánh sáng vĩ đại của mặt trời. Truyền thuyết
kể rằng, kinh Đại Nhật là do đức Đại Nhật Như Lai giảng thuyết, Mật giáo
là đối lại với hiển giáo, là sự phái biệt của Phật giáo Đại thừa. Hiển
giáo là do đức Như Lai tùy cơ mà ứng thân cứu độ chúng sanh mà thuyết
ra, Mật giáo là pháp do Báo thân tự thọ dụng, nội chứng thánh trí của
đức Phật, và thánh trí Tha thọ dụng báo thân của đức Đại Hạnh Phổ Hiền
Kim Cang Tát Đỏa, hiện đời gặp Mạn-đà-la A-xà-lê, cho đến danh hiệu Quán
đảnh thọ Kim cang, do đó mà chứng được pháp sâu xa không thể nghĩ bàn,
siêu vượt lên cả hàng nhị thừa và Bồ tát thập địa, tức thân thành Phật.
Nói rõ những gì đức Đại Nhật Như Lai nói ra là có y cứ lý luận sâu xa,
đồng thời kinh Đại Nhật trở thành bộ kinh điển lý luận của Mật giáo, là
đại pháp tối cao, và là pháp đốn ngộ, pháp dễ hành dễ chứng. Ưu điểm
đáng luận bàn là sự trùng lặp giữa việc cầu sanh Tây phương tịnh độ của
Mật giáo và sự hợp nhất với Phạm Thiên của Ấn độ giáo, trên lịch trình
tu chứng thì gọi là Pháp nhanh, mục đích thì là cứu cánh. Sự hình thành
của tư tưởng này chính là việc kết tập kinh Đại Nhật. Do đó, với mức độ
nào đó có thể nói rằng, do sự kết tập Kinh Đại Nhật mà hình thành được
hệ thống lý luận của Mật giáo, từ đó thu hút được mọi người ào ạt cùng
hát lên khúc ca tuyệt diệu, đó là khúc ca “tức thân thành Phật”.
Tư tưởng trọng tâm của kinh Đại Nhật là “tức sự nhi chơn”, trên thực
tế tư tưởng này bắt nguồn từ tư tưởng “sự sự vô ngại” của kinh Hoa
nghiêm, đồng thời tham chiếu qua tư tưởng “Phạm ngã nhất trí” của Ấn độ
giáo, từ đó mới đề ra giáo lý “tức thân thành Phật”. Bởi nguồn gốc của
Kinh Đại Nhật là từ kinh Hoa Nghiêm, lại đặc biệt xem trộng Bồ đề tâm,
cho rằng thông qua việc thấy rõ tâm mình như thật, đồng thời tự tâm mình
cầu được nhất thiết trí thì sẽ đạt được tâm bồ đề. Trong kinh tuy giảng
đức Đại Nhật Như Lai thuyết pháp nhiếp chúng sanh, mượn chân ngôn và
Mandala để hiển hiện ra vô số thân Phật. Quan niệm này đối kháng lại với
tư tưởng Đại thừa, nhưng nó trở thành cơ sở lý luận của Mật giáo.
Cụ thể mà nói, trong Kinh Đại Nhật, đức Phật Thích Ca Mâu Ni trở
thành đức Đại Tỳ-lô Gía-na Phật, theo bên ngài có đức Phổ Hiền Bồ tát và
hai vị Kim Cang, và cả những vị Kim Cang thủ môn. Toàn thể vũ trụ dường
như được ánh sáng của đức Phật phổ chiếu khắp. Tất cả chúng hữu tình
đều phải nương vào tự tâm mình để đạt được ngôi vị chánh giác, nói một
cách rốt ráo thì tự tâm vốn thanh tịnh, người tu tập phải thông qua
thiền định của ngài để rồi trở thành Phật Tỳ Lô Gía Na. Ngài dùng
Mạn-đa-la (Madala) để nhận rõ tâm niệm chúng sanh, bởi Mandala cũng là
tâm của Phật, là tâm Bồ đề. Phương pháp cảm thông này bao hàm cả trì
niệm Chân ngôn, tham gia các nghi thức như quán Mandala, tay kiết ấn và
thực hiện nghi thức Du già. Bước thứ nhất là cử hành nghi thức quán đảnh
cho đệ tử, việc đầu tiên là chọn lựa một cách cẩn thận những người đệ
tử thuần khiết, biết khắc kỷ, có tâm thành khẩn và trung thành với người
thầy v.v.., đồng thời người đệ tử ấy phải biết ham thích học tập Phật
pháp, biết hi sinh thân mạng để bảo vệ Phật pháp, sau đó mới bắt đầu cữ
hành nghi thức trọng yếu, và các việc rải hoa cúng dường v.v.. Song,
hình thức nghi lễ này được gọi là bước đầu huấn luyện, với mục tiêu là
hấp dẫn chúng sang thấy được Mandala. Nhưng Mandala chân thực và tối cao
chỉ có xuất sanh trong tâm của người đệ tử, sau khi đã trải qua bước
đầu huấn luyện rồi thì việc quan trọng là bắt buộc mỗi hành giả phải
quán tưởng Mandala ở trong thân thể của mình, và cuối cùng Mandala ấy
chỉ có tồn tại trong tâm mình[12]. Công phu thiền định và trì tụng mật
chú là bộ phận quan trọng trong pháp môn tu tập của Mật giáo, đặc biệt
là thiền định của Mật giáo đã trở thành một con đường, một pháp môn tu
tập chính yếu của tông phái này, chỉ có trong thiền định mới chính mắt
thấy được Phật, thông qua năng lượng của Phật mới đạt đến quả vị cứu
cánh Niết-bàn (Nirvāṇa). Tóm lại, Kinh Đại Nhật xuất hiện tương đối sớm,
được kết tập trong Tập Bộ, là một bộ kinh rất quan trọng đối với giáo
lý Mật giáo.
Kinh Kim Cang Đảnh (Vajraśekharasūtra), đề kinh viết đầy đủ phải là
Kinh Kim Cang Đảnh Nhất Thiết Như Lai Chân Thật Nhiếp Đại Thừa Hiện
Chứng Đại Giáo Vương Kinh (Sarv-atathāgatat-attva-saṃgraha-suntra), còn
gọi là Kinh Nhiếp Đại Thừa Hiện Chứng, Kinh Kim Cang Đảnh Du Già Chân
Thật Đại Giáo Vương, Kinh Đại Giáo Vương, Kinh này cũng một bộ kinh điển
tối trọng yếu của Mật giáo, xuất hiện sau Kinh Đại Nhật, và được dịch
sư Bất Không Kim Cang (705-774) dịch ra Hán văn vào đời Đường, gồm 3
quyển. Căn cứ vào đó có thể đoán định được niên đại xuất hiện của Kinh
Kim Cang Đảnh cũng phải là cuối thế kỷ thứ 7 hoặc đầu thế kỷ thứ 8 (AD).
Có người đề xuất rằng: “Dù thừa nhận Kinh Nhất Thiết Như Lai Kim Cang
Tam Ngiệp Tối Thượng Bí Mật Đại Giáo Vương”, Kinh Đại Tỳ Lô Giá Na, Kinh
Nhất Thiết Như Lai Chân Thật Nhiếp và Kinh Kim Cang Đảnh xuất hiện sớm
hơn thế kỷ thứ 8 (AD), thì chúng ta cũng có thể suy đoán được, ngoài ra
còn ba bộ kinh quan trọng của Mật giáo là Kinh Như Ý Luân Tổng Trì, Kinh
Kim Cang Bố Úy và King Văn Thù Sư Lợi Căn Bản Nghi Chấp cũng ra đời
trong khoảng niên kỷ ấy.”[13]Như thế đã đẩy niên đại xuất hiện của Kin
Kim Cang Đảnh lên trước thế kỷ thứ 8 cũng hoàn toàn có thể, nhưng không
thể vượt quá trước bán thế kỷ thứ 7 được, để có được sự chính xác về
niên đại xuất hiện của kinh này xin đợi sẽ khảo cứu sau vậy.
Từ nguồn gốc sâu xa của lịch sử, bộ kinh Kim Cang Đảnh là thuộc hệ
phái Du già Hành (Yogācāra), tư tưởng trọng tâm của phái này là thuyết
Tâm thức, nhưng trong đó mang đậm tư tưởng “đại lạc”. Như trên đã giơi
thiệu qua, nội dung Kinh Đại Nhật chú trọng về pháp môn “hành vi”, bao
hàm cả nghi thức quán đảnh và tư thế tham thiền, cho đến cả các nghi
thức bắt ấn trì chú và quán Mandala, tất cả đều muốn cho người đệ tử thể
nhập được tự tánh đồng nhất với đức Đại Nhật Như Lai. Còn Kinh Kim Cang
Đảnh là một bộ Du già mật điển, nói lên nghi thức sinh hoạt pháp với
hành vi đều thuộc trong thiền định, nói cách khác, nó đã vượt ra ngoài
sinh hoạt pháp bằng hình thức, tuy lúc này vẫn là trong quá trình hiện
quán một cách vi tế về Mandala, nhưng hành giả đã thể nghiệm được một
cấp bậc nào đó của nội tại.
Du già (Yogā) dịch ý là tương ưng hoặc hài hòa, vốn xuất phát từ
trong Lê câu Vệ đà (ṛgveda), sau đó dùng trong Áo nghĩa thư (upaniṣad),
từ ngữ hàm ý các pháp quán hành điều tức, quán phạm ngã hợp nhất, đại
ngã và tiểu ngã đồng nhất thể, đến khi Phật giáo ra đời Phật giáo thì
vay mượn từ ấy để dùng trong thiền định quán hạnh chỉ quán, tương hợp
chánh lý, nên gọi là Du già. Nhưng pháp Du già trong Mật giáo chịu ảnh
hưởng bộ Yoga Sutras của ngoại đạo do Patañjali trước, cho rằng phương
pháp Du già có thể đạt đến tất cả mục đích của xuất thế gian, cũng chính
là nói, thông qua nội chứng của pháp Du già liền đạt đến cảnh giới của
Phật tức là “tức thân thành Phật”. Mật giáo đánh giá rất cao về pháp Du
già, do vậy, theo thứ lớp tu hành của Mật giáo thì nội dung Kinh Kim
Cang cao sâu hơn và toàn diện hơn Kinh Đại Nhật. Chính như phái chú
trọng về Kinh Đại Nhật thì được xem là phái “Mật giáo cánh hữu” hoặc
“Chân ngôn thừa”, Mandala của phái này được xem là “Thai tạng giới
Mandala”. Đối lại với phái trên là phái chú trọng Kinh Kim Cang Đảnh,
được gọi là “Mật giáo cánh hữu” hoặc “Kim Cang thừa”, Mandala của phái
nay được gọi là “Kim cang giới Mandala”. Hai hệ thống Mật giáo theo hai
kinh trên được gọi chung là “Thuần mật”, phái thuần mật thông qua tổ
chức của Mandala, thống nhất được tín ngưỡng của Ấn độ vào trong bộ vị
trung tâm của Phật giáo. Trong hai hệ thống trên, Chân ngôn thừa chú
trộng về phương diện lý luận và thiếu mảng thực tiển, cho nên không thể
chấn hưng được. Đến thế kỷ thứ 8 (AD), từ Indra Bodhi vị đại sư Mật giáo
Ấn độ trở về sau thì chỉ còn lại phái Kim Cang Thừa lưu hành. Do sự
thịnh hành Mật giáo mà dẫn đến Phật giáo Đại thừa phải phụ thuộc vào Mật
giáo, Phật giáo Đại thừa được xem chỉ là bước đầu Mật giáo, và được họ
gọi là “Kinh Ngôn thừa” hoặc “Ba-la-mật thừa”, trong lúc đó bản thân Mật
giáo tự xem mình là giai đoạn cao cấp của Phật giáo, là “Chân ngôn
thừa” hoặc “Kim Cang thừa”.
Ngoài hai bộ kinh Đại Nhật và Kim Cang Đảnh được nói ở trên ra, một
loạt kinh điển của Mật giáo nối nhau ra đời, như kinh Ái Dục Dạ Ma Lợi
Kinh (750 AD), Đại Bi Không Trí Kim Cang Vương(cuối thế kỷ thứ 8 AD),
Kinh Phật Bát (800 AD), Kinh Ma Ha Ma Ya (Đại Huyển Kinh, 800 AD), Kinh
Hợp Thập, kinh Đảnh Nghiêm (khoảng đầu thế kỷ thứ 9), Kinh Du Gìa Nữ Tu
Hành(thế kỷ 11), Kinh Kim Cang Vẩn Diệt (đầu thế kỷ 11), Kinh Thời Luận
(1040 AD)[14]v.v.. Đặc biệt đáng nói là Kinh Thời Luận, là bộ kinh khá
quan trọng của Mật giáo, bởi tục thừa giáo nghĩa của Kinh Đại Nhật và
Kinh Kim Cang Đảnh. Trên phương diện thời gian mà nói, Kinh Thời Luận
đến năm 1040 tức thế kỷ 11 mới ra đời,cho nên kinh này chỉ lưu hành ở Ấn
độ với thời gian rất ngắn, chú sớ của bản kinh này cũng rất ít, theo sử
liệu ghi thì kinh này chỉ có bốn nhà chú sơ mà thôi, tức là Diệu Cát
Xứng, Dà Lợi Ca, Hộ Vô Úy, còn một vị không rõ tên họ chú sớ thành Vô
Cấu Quang chú. Sau đó thì ngài Atisa vào Tây Tạng, ngài đã giảng về bộ
kinh này, rốt cuộc bộ kinh này đã được luu truyền tại Tây Tạng, đồng
thời phát huy một cách sán lạn và đã công hiến cho Phật giáo Mật tông
không nhỏ.
Trên phương diện kết cấu nội dung, kinh này thuộc vào hệ thống A Đề
Du Già (Atiyoga), là một bộ đại pháp tối cao của Mật giáo bao quát cả Vô
Thượng Du Già. Theo khảo cứu, kinh Thời Luân rất có khả năng một tác
phẩm quan trọng duy nhất hiện tồn của A Đề Du Già. Trong kinh có một bộ
phận nói về phương pháp thiền định tựa như hệ thống thiền định trong Du
Gìa Nữ, bởi người tu tập, từ trong thân thể mình mà nhìn thấy được toàn
thể vũ trụ, lại có thêm đặc điểm nữa là thời gian tương đồng bởi hình
thức tiềm tang trong thân thể của quá trình thở, từ lý giải tư duy thiền
định về thời gian như vậy đã xuất hiện một pháp môn mới, đó là “Thời
luân thừa”. So với những kinh điển khác của Mật tông, Kinh Thời Luân
càng chú trọng về hệ thống thần kinh, trở thành hệ thống lý luận cơ bản
của Du già. Tuy nhiên, bản thân Kinh này được phát triển từ nội dung
Kinh Đại Bi Không Trí Kim Cang Vương và Kinh Kiệp, nếu không đầy đủ thân
thể thì không thể đạt được hạnh phúc ở mức độ tối đa, điều nêu ra ở đây
là lấy thân thể làm cơ sở, vì thế nó tương tợ với Kinh Đại Bi Không Trí
Kim Cang Vương. Mục đích hiện tại là sự kết hợp bao hàm tất cả thời
luân của Đức Phật. Ở đây là nhấn mạnh tính chất vô sai biệt, nhưng nó
không phải là mới mẽ hoàn toàn. Song, nó cũng hàm chứa một số mới mang
tính trọng điểm, đặc biệt là phương pháp Du già của nó cùng sánh với
thiền định, đem cả thời gian và không gian của vũ trụ thống nhất thành
thể.[15] Điều được nêu lên ở đây là sự tương đồng và khác nhau giữa Kinh
Thời Luân và các kinh điển khác của Mật giáo, từ đó nhấn mạnh cái đặc
sắc nổi bật của kinh này.
Với Kinh Thời Luân này, Lữ Trừng nhà Phật học nổi tiếng đã từng
nghiên cứu qua, ông ta chỉ ra: “Mật giáo phát triển đến giai đoạn cuối
thì còn xuất hiện “Thời luân thừa”. Quan điểm Mật tông là sùng bái đức
Phật ‘tối sơ’, họ cho rằng, trước đức Thích Tôn vẫn còn có đức Phật tối
sơ, tức là đầu tiên hết, đồng thời họ còn nghiên cứu rất nhiều về vấn đề
sinh lý của con người, đề xướng dùng phương pháp Du già để khống chế
nội bộ thân thể, cái được gọi bởi ‘có ngọn gió của sanh mạng’(tức là đối
lại với gió tự nhiên ở bên ngoài) , tức là sanh mạng con người có thể
tránh được ảnh hưởng của sự lưu chuyển của thời gian mà được trường thọ,
để thiết lập cho mình sự tái sanh hoán cốt, biến thân người thành thân
Phật.”[16]Trên thực tế, Kinh Thời Luân là bộ kinh điển sâu xa mật áo,
vừa thần bí mà vừa phức tạp, nó tường thuật những nghi chấp tu hành đặc
sắc của Mật giáo, chúng ta hãy đợi các chuyên gia bắt tay vào nghiên cứu
sau.
Căn cứ vào sự truyền thừa của Phật giáo Tây Tạng có thể phân thành
bốn bộ phận: Sự bộ, Hành bộ, Du già bộ, Vô thượng Du già bộ, được liệt
thành như sau:
Sự bộ......................Sơ kỳ Tạp Mật
Thai Tạng thừa “giới hoặc bô” Hành bộ
Mật giáo..................Trung kỳ Thuần Mật
Kim Cang thừa “giới hoặc bộ” Du già bộ
Thời Luân thừa.........Vô thượng Du già bộ Mật giáo Hậu Kỳ
Biểu đồ như trên cũng chưa hẳn hoàn toàn chính xác, mà chỉ là làm rõ
thêm mối quan hệ giữa các cách phân chia khác, tiện cho việc hiểu rõ
được diện mạo chân thật lớn lao của Mật giáo.
Ngoài ra, Mật giao rất coi trọng sư thừa pháp thống, lúc truyền trao
mật pháp ắt hẳn phải có nghi thức quán đảnh của Kim Cang thượng sư, tức
là vị bí mật A-xà-lê. Tu tập theo nghi chấp của Mật giáo còn phải thỉnh
cầu sự gia trì của vị Kim Cang thượng sư, bởi vị Kim Cang thượng sư là
đại biểu cho Đức Đại Nhật Như Lai, là sự quan hệ giữa “sư sư tương thừa”
và cũng là sự thành tựu của hành giả tu pháp Du già hành. Mật giáo là
tâm pháp, nó khác với hiển giáo ở chổ Hiển giáo mượn văn tự để lãnh hội,
Mật giáo ắt phải bí mật truyền trao giữa thầy và trò. Điều này mang âm
hưởng của thời đại Phạm thư cho đến Áo nghĩa thư của Bà-la-môn giáo.
Trong nghi chấp của Mật giáo đã lắp ghép rất nhiều vị thần của Ấn độ
giáo, hấp thụ vào trong Mandala, đồng thời căn cứ vào tín ngưỡng đặc sắc
của chính mình, kể cả Phật Bồ tát, hình tượng của các vị thần được quy
định một cách nghiêm khắc. Như vậy, diện mạo và tư thế của các vị thần
tuy được trình hiện muôn màu muôn vẽ, nhưng trên thực tế là chẳng có gì
thay đổi và khác biệt cả. Tóm lại, “Mật giáo rất xem trộng tu hành thực
tiển, nghi chấp phức tạp, rườm rà, việc thiết đàn, cúng dường, tụng chú,
quán đảnh đều theo một mô thức đã quy định rất nghiêm khắc, còn do vị
A-xà-lê bí mật truyền pháp. Họ cho rằng, chúng sang nếu quả thực tu hành
nhu pháp ‘Tam mật gia trì’, tức thủ quyết ấn, miệng tụng chú, tâm quán
đức Phật, khiến cho ba nghiệp luôn thanh tịnh, tương ưng với thân miệng ý
của đức Phật, liền ngay đó tức thân thành Phật.” Cho nên, đối với quảng
đại tín đồ mà nói, Mật giáo có một sức hấp dẫn rất mãng liệt.
Song, đến thế kỷ thứ 11-12, cuối vương triều Pala và thời đại vương
triều Sina, quân đội của hồi giáo ngày càng lấn chiếm, Phật giáo phải
dồn về cứ điểm cuối cùng ở Đông Ấn, rốt cùng cũng bị quân hồi giáo đánh
chiếm sạch. Thế là các vị đại sư Mật giáo mỗi người tháo chạy mỗi ngã,
rất nhiều vị đã thông qua đường Kashmir mà chạy vào tỵ nạn ở Tây Tạng,
một số khác lại chạy vào dãy Nepal. Đương thời, trường Nālandā cũng chỉ
còn lại khoảng 70 vị, không lâu sau đó thì hàng vương thất lại tin theo
Hồi giáo, tín đồ Phật giáo chưa biết phải chọn đường nào nên đành phải
cải đạo thành tín ngưỡng Hồi giáo, hoặc tín ngưỡng Ấn độ giáo. Đầu thế
13, quân đội của Hồi giáo thiêu cháy chùa Siêu Loại ngôi chùa cuối cùng
của Ấn độ, lấy đó làm tiêu chí, Phật giáo nói chung và Mật tông nói
riêng trên đất Ấn độ đã hoàn toàn tiêu diệt.
[1] Trường A Hàm, phẩm ,kinh Phạm Động
[2] Trung A Hàm, phẩm Tâm, kinh Đa Giới 181
[3] Bài chú đức Phật dạy cho ngài Xá Lợi Phất để trị rắn độc cắn:
“Ô-đam-bà-lệ, đam-bà-lệ, đam-lục, ba-la-đam-lục, nại-tí, túc-nại-tí,
chỉ-bạt-tí, văn-na-di, tam-ma-di, đàn-đế, ni-la-chỉ-thí,
bà-la-câu-bế-ô-lệ, ô-ngu-lệ, tất-bà-ha”
[4] Tham kiến Thánh Nghiêm Pháp sư biên thuật: Ấn độ Phật giáo sử, trang 227.
[5] A.K. Warder: The Indian Buddhist History, bản dịch tiếng Hán
Vương Thế An: Ấn độ Phật giáo sử, Bắc Kinh thương vụ ấn su quán, 1987,
trang 453.
[6] Tham cứu A.K. Warder sách đã dẫn trang 433.
[7] Thánh Nghiêm Pháp sư (sdd), trang 174.
[8] Thánh Nghiêm Pháp sư (sdd) như trên.
[9] Phật giáo Mật tông được phân thành Nội đạo và Ngoại đạo, Nội đạo
là chỉ cho Nội viện, tức bộ Phận hạt nhân thuộc cấp bậc cao, còn ngoại
đạo là chỉ cho ngoại viện thuộc cấp bậc thấp.
[10] Lữ Trừng trước: Ấn độ Phật giáo nguyên lưu (xem 221-222)
[11] Lữ Trừng sđd
[12] Tham cứu A.K. Warder sách đã dẫn trang 452.
[13] A.K. Warder sách đã dẫn trang 454.
[14] A.K. Warder sách đã dẫn trang 454-455.
[15] A.K. Warder sách đã dẫn trang 466-470.
[16] Lữ Trừng sđd trang 252-153.