Theo Mật giáo, chúng ta bị kẹt
trong sự bất mãn vì quan kiến về thực tại của mình rất chật hẹp. Chúng
ta có quan niệm rất giới hạn về mình là ai, và mình sẽ trở thành cái gì,
kết quả là chúng ta thấy mình thấp kém, xấu xí, cảm thấy bất lực và
không hy vọng.
Khi còn có ý kiến về bản thân như vậy thì cuộc
đời của chúng ta vẫn còn vô ý nghĩa. Nhiều người nghĩ rằng loài người
không hơn loài khỉ bao nhiêu, tâm của con người chỉ là một loạt những
phản ứng hóa học và xung điện trong bộ óc. Quan niệm này làm cho con
người chỉ là một khối vật chất không thể vươn lên một bình diện cao hơn
nào cả. Nếu vậy thì người ta sống để làm gì? Hay là chỉ để hưởng thụ
những lạc thú trước khi trở về với cát bụi?
Mật giáo thách
thức quan niệm thấp sáng này về tiềm tàng của con người bằng cách dạy
chúng ta coi mình và người khác có vẻ đẹp siêu việt, là những vị thần.
Một trong những pháp tu tập cốt yếu của tất cả các cấp trong Mật giáo là
giải trừ những ý niệm thông thường về bản thân, rồi trong khoảng không
mà những ý niệm này tan biến sẽ xuất hiện thân ánh sáng rực rỡ của một
vị thần, đó là biểu lộ trong sáng nguyên thủy của chân tính. Càng tập
coi mình như một vị thần thiền quán như vậy, chúng ta càng bớt bất mãn
và phiền não. Sự tự quán tướng thiêng liêng này làm cho chúng ta có khả
năng điều khỉển đời sống của mình và tạo cho mình một môi truờng trong
sạch để chân tính có thể hiển lộ.
Các vị thần thiền quán trong Mật
giáo khác với của thần linh trong thần thoại của các tôn giáo. Ở đây,
vị thần mà chúng ta chọn để đồng hóa là tượng trưng cho các phẩm tính
cốt yếu của kinh nghiệm giác ngộ trọn vẹn tiềm ẩn bên trong chúng ta. Vị
thần thiền quán là nguyên mẫu của chân tính, tính chất sâu xa nhất ở
mức sâu nhất của tâm thức. Trong Mật giáo, chúng ta tập trung tâm vào
một hình nguyên mẫu như vậy là đồng hoá mình với hình đó để kích thích
những phương diện sâu xa nhất của mình rồi đưa chúng vào thực tại của
chúng ta. Nếu tự coi mình đã sẵn những phẩm tính thanh tịnh, hùng mạnh
và đầy đủ khả năng thì chúng ta sẽ thực sự phát triển những phẩm tính
đó, còn nếu vẫn coi mình là thấp kém thì chúng ta sẽ không vươn lên tới
đâu cả.
Một thí dụ về pháp chuyển hóa Mật giáo, chúng ta
có thể quán tưởng mình là Văn Thù, một vị thần cao quý thường được vẽ
với mầu vàng cam, tay phải cầm gươm trí huệ, tay trái cầm quyển kinh
"Bát Nhã". Nhưng một hình quán tưởng như vậy không phải là đức Văn Thù
thực sự. Văn Thù thực sự là trí huệ, là sự trong sáng nguyên thủy của
tâm đã thực hiện trọn vẹn tiềm năng của mình, và mục đích của pháp quán
tưởng này là thúc đẩy sự khai mở trí huệ đã có sẵn bên trong chúng ta.
Thanh gươm của Văn Thù tượng trưng trí huệ đoạn lìa vô minh và tà kiến.
Càng quán tưởng sâu xa về phẩm tính của một vị thần thiền quán, chúng ta
càng kích thích tâm của mình phát triển những phẩm tính đó.
Vào lúc đầu, việc
quán tưởng mình là thần linh này phần lớn là giả tạo, nhưng nếu kiên
trì thực hành pháp thần linh quán chúng ta sẽ có thể cảm nhận vị thần tự
sinh này rõ ràng hơn, hình tự tạo của mình trong lúc này nhiều. Tâm của
chúng ta sẽ hợp nhất với tâm của vị thần, những kinh nghiệm qua các
giác quan thông thường, như nghe, nhìn - sẽ được chuyển hóa thành những
lạc thú của vị thần. Ðây không phải là truyện thần tiên, mà sự chuyển
hóa như vậy là kinh nghiệm của vô số hành gỉa Mật giáo trong quá khứ và
không có lý do gì để chúng ta không thể đạt được những kinh-nghiệm siêu
việt này.
Những Vấn Ðề Của Việc Quán Tưởng
Bạn có thể thắc
mắc : " Tại sao tôi lại phải làm như mình là Văn Thù hay một vị thần nào
khác? Ðời sống của riêng tôi thì cũng đủ khó khăn rồi, tại sao tôi lại
thay đổi hình dạng, khoác vào hình dạng của một vị thần?"
Nên nhớ là khi quán
tưởng mình như Văn Thù, chúng ta không biểu lộ một cái gì khác với bản
chất của mình. Chúng ta đã có sẵn những phẩm tính sâu xa của một sự biểu
lộ thiêng liêng như vậy bên trong mình lúc này. Chúng ta thực hành thần
linh quán là để nhận thức rõ hơn và trau dồi những phẩm tính này không
chịu kẹt trong thái độ tự hạ cho rằng mình là xấu, hèn kém và vô dụng.
Có thể bạn vẫn
còn thắc mắc :"Nhưng làm sao Văn Thù hay một vị thần nào khác lại có thể
là chân tính của con người đã có sẵn trong tôi?. Hình dạng của tôi
không giống một vị thần nào cả. Tôi không vàng, xanh hay lục. Tôi không
có nhiều đầu, nhiều tay như một vị thần". Ðể giải đáp những thắc mắc
này, trước hết chúng ta phải xét kỹ để biết mình thực sự là ai.
Bộ mặt hiện tại
của bạn không phải là bạn, xương thịt của bạn không phải là bạn. Không
có một bộ phận cơ thể nào là chân thực con người bạn. Có thể nói thân
thể của bạn giống như một người máy robot, vì nó không thể tự hoạt động
mà phải được điều khiển bởi một vật khác. Cũng giống như chương trình
máy tính điều khiển người này, tâm của bạn (hay thần thức, linh hồn, gọi
là gì tùy ý) chính là vật làm cho thân thể có sự sống . Vì vậy, nếu
muốn tìm chân tính của mình, nếu muốn biết cái gì chịu trách nhiệm cho
lối sống của mình, bạn phải nhìn vào tâm thức.
Ðiều thứ nhì cần
phải biết là từ lúc sinh ra cho tới bây giờ bạn đã tự biều lộ nhiều cách
khác nhau. Giống như tất cả mọi người, bạn thường thay đổi hình dạng.
Thí dụ, khi nổi giận, bạn trông giống một con quỷ, còn khi đầy tình cảm
yêu thương thì bạn giống như một thiên thần. Những cảm xúc biểu lộ như
sân hận, thanh thản, ganh tị, yêu thương, từ bi, si mê hay sáng suốt,
đều không phát sinh từ cơ thể, hay thân vật chất, mà tự lực tâm của bạn.
Tâm có khả năng sinh ra hàng ngàn cảm xúc và trạng thái khác nhau, còn
thể xác chỉ biết đi theo theo sự dìu dắt của tâm. Nhưng chúng ta thường
đồng hóa mình với thể xác hơn là với tâm. Chúng ta có khuynh hướng coi
thể xác là chủ nhâ, còn tâm chỉ là phụ thuộc và chúng ta gần như là nô
lệ của thể xác. Chỉ cần coi truyền hình vài phút là thấy rõ nền văn hóa
của chúng ta dành bao nhiêu năng lực để phục vụ thân xác và một phần nhỏ
nào để tu dưỡng tinh thần. Vì vậy mà sự việc quá rối loạn.
Ðặt thể xác trước
tâm là một điều sai lầm, nhưng chúng ta lại còn không biết rằng thể xác
vật chất thô kệch không phải là thể độc nhất mà mình có. Ngoài thể xác
chúng ta còn có một thể ý thức thuộc một loại vật chất tinh tế hơn thể
xác và liên hệ chặt chẽ với các mức tâm thức sâu. Từ những mức tinh tế
này lực trí tuệ an lạc từ chỗ tiềm ẩn sẻ phát khởi một năng lực có sức
mạnh chuyển hóa hoàn toàn tính chất đời sống của chúng ta. Tại đây, các
vị thần Mật giáo được tượng trưng cho sự phát triển trọn vẹn từ lực trí
huệ an lạc này, do đó, có thể nói rằng một vị thần như vậy, dù có mầu gì
và có bao nhiêu mặt, tượng trưng chân tính của chúng ta và quả vị mà
chúng ta có thể đạt được. Vì vậy thần linh quán không phải là tưởng
tượng điều bất khả, mà là một phương pháp rất thực tiễn để sống với tiềm
năng cao nhất của mình qua việc tu tập và chuyển hóa tâm.
Mới nghe thì thần
linh quán có vẻ xa lạ và không thực dụng, nhưng chúng ta có thể biết
qua về sự hiệu nghiệm của pháp môn này bằng cách nghĩ tới những phương
pháp tương tự đã cho thấy giá trị của chúng với cả những người đa nghi
nhất. Thí dụ, có nhiều trường hợp được ghi nhận về những người tự chữa
bệnh ung thư và những bệnh khó chữa khác chỉ bằng thực hành pháp quán
tưởng. Thay vì chịu thua bệnh tật, những người này coi mình như hoàn
toàn lành mạnh. Họ không nghĩ tới hình ảnh bệnh hoạn, thay vào đó là
hình ảnh đầy sinh lực. Trong nhiều trường hợp phương pháp này tỏ ra hiệu
nghiệm ngay cả sau khi các y sĩ đã bỏ tất cả hy vọng.
Sức khỏe của cơ
thể và tâm chính yếu là vấn đề tự quán sát. Những người nghĩ xấu về
chính mình, dù với bất cứ lý do nào, sẽ không thể nào vươn lên cao hơn
được, trong khi những người biết nhận ra và khai thác các nguồn năng lực
nội tại có thể vượt qua những tình trạng khó khăn nhất. Thần linh quán
là một trong những phương pháp tốt nhất để nâng cao hình ảnh tự thân và
đó là lý do Mật giáo được coi là đạo pháp mạnh và nhanh trong việc thực
hiện tiềm năng vĩ đại của chúng ta.
Chướng ngại lớn nhất cho sự
chuyển hóa bản thân thành một vị thần Mật giáo chính là sự bám giữ vào
sắc tướng thông thường của chúng ta. Chúng ta đã quen chỉ thấy mình là
một người thông thường, chứ không tự coi mình là một đấng giác ngộ.
Chúng ta không thấy mình có thân ánh sáng của một vị thần mà vẫn đồng
hóa mình với thân xác thô kệch. Chúng ta không bao giờ có thể tiếp xúc
với chân tính thanh tịnh nguyên thủy của mình nếu còn cho rằng tâm của
mình không có gì khác hơn những cảm xúc và những ý nghĩ thô kệch.
Vậy, nếu muốn thực hiện
trọn vẹn, chúng ta phải tìm cách thoát khỏi sự độc tài của hình tướng
và ý niệm thông thường. Chúng ta phải hiểu rõ là không nên nghĩ về thân
tâm, hay hình ảnh của bản thân mình, một cách thô thiển và giới hạn. Nếu
chỉ biết chấp nhận sắc tướng thông thường thì chúng ta sẽ mỗi lúc mỗi
phiền não, bất an và bất mãn hơn.
Lưỡng lự và sợ sệt là sản phẩm
của tâm nhị nguyên, cái tâm tạo ra một chuỗi bất tận những ý nghĩ mâu
thuẫn như: "Hy-vọng mình trông đẹp nhưng hình như mình xấu". Ðây cũng là
lối nhận xét nông cạn mà chúng ta thường mắc phải. Hình dạng bên ngoài
không phải là thước đo giá trị bên trong của bất cứ ai, nhưng chúng ta
lại hay sợ những khuyết điểm thân thể có thật hay tưởng tượng nào đó. Có
những người tuyệt thực cho tới chết vì họ thấy mình quá xấu, vô giá
trị. Ðây là trường hợp cực đoan, nhưng tôi nghĩ rằng đa số chúng ta tự
coi nhẹ và tự làm cho mình khốn khổ vì lý do này hay lý do khác.
Tâm Trí Xao Ðộng
Có khi tâm chúng
ta chạy ra khắp hướng cùng một lúc, ngó bên này, nhìn bên kia, tìm kiếm
một cách tuyệt vọng. Nhưng tìm cái gì? Chúng ta tìm một cái gì vô danh
có thể làm cho mình vững chắc và an toàn, tìm khắp nơi vì vậy mà tâm
luôn xao lãng. Chúng ta rất khó tập trung vào việc mình đang làm vì một
phần của tâm đó bất mãn và đã bắt đầu tìm kiếm cái vô danh khác đó. Có
khi làm một việc gì mình thích chúng ta cũng để mất tập trung. Như vậy
không những chúng ta không tìm thấy ý nghĩa cao cả và mục đích của cuộc
đời mà lại còn hay thất bại trong các công việc thông thường của mình.
Dù có ý niệm quá
giới hạn về mình, chúng ta có khuynh hướng quay ra bên ngoài để tìm giải
đáp cho những vấn đề của mình. Quen nghĩ là mình không hoàn hảo, chúng
ta không nhìn vào nguồn lực bên trong mà chỉ tìm ở ngoại cảnh. Tìm kiếm
như vậy là vô ích vì không một người nào, một đồ vật nào hay một
tư-tưởng nào có thể thỏa mãn dục vọng của chúng ta khi nào nội tâm vẫn
chưa trọn vẹn. Chắc chắn quyền lực và của cải không phải là giải pháp để
chúng ta có được sự thỏa mãn lâu dài và thanh thản tâm hồn.
Ngay cả khi quay
khỏi vật chất, hướng về một thực tại tâm linh cao cả nào đó để tìm giải
đáp, những ý niệm hạn hẹp về bản thân vẫn có thể giới hạn nhiều những
lợi ích mà chúng ta có thể đạt được. Tín đồ của các tôn giáo thường cảm
thấy có một khoảng cách không thể vượt qua giữa họ và một đấng cao cả
nào đó ỡ một nơi nào đó trên trời. Càng có ý kiến thấp về tiềm năng của
mình thì lời kêu cầu Trời hay Phật của chúng ta càng thảm thiết, nhưng
khi còn cuộn mình trong sự tủi thân thì chúng ta sẽ không nhận được bao
nhiêu lợi ích.
Thám Hiểm Nội Tâm
Phương pháp tự coi mình như một
vị thần là pháp đối trị thái độ tự hạ này. Càng tự coi mình là có thân
thể và tâm bằng ánh sáng thanh tịnh, chúng ta càng tự mở rộng để đón
nhận các lực lợi ích có ở bên ngoài cũng như bên trong mình. Bằng pháp
quán tưởng, chúng ta có thể mời gọi các lực nội tại chữa những căn bệnh
nguy hiểm nhất. Như vậy, thân và tâm tùy thuộc lẫn nhau, tâm giữ việc
quy định kinh nghiệm sống của mỗi người. Nếu hình ảnh mà chúng ta hình
dung về chính mình là tốt thì tự nhiên chúng ta sẽ hành động một cách tự
tin, gây ấn tượng mạnh và đầy sinh lực đối với người khác. Ngược lại,
nếu có ý kiến xấu về bản thân, chúng ta sẽ có vẻ yếu ớt và không có năng
lực, thu hút nhìều vấn đề rắc rối, dễ gặp tai nạn và bệnh tật.
Tùy theo nhân
sinh quan của mình mà chúng ta thành công hay thất bại, mạnh khỏe hay
bệnh tật, đẹp hay xấu, vui hay buồn. Nhưng khi gặp khó khăn trong đời
sống, chúng ta lại quen nhìn ra bên ngoài mình để tìm giải pháp. Thay vì
nhìn thẳng vào tâm rồi tạo một thái độ có khả năng chuyển hóa kinh
nghiệm sống của mình, chúng ta cố sửa đổi hoàn cảnh bên ngoài để giải
quyết vấn đề. Nhưng như vậy không bao giờ mang lại thỏa mãn lâu dài, vì
dù chúng ta có thay đổi hoàn cảnh nhiều bao nhiêu mà không kèm theo một
sự chuyển hóa tâm sâu xa thì đó cũng chỉ là thành công tạm thời. Sớm
muộn gì những vấn đề cũ sẽ tái xuất hiện và chúng ta lại khó chịu và bất
mãn như trước.
Chúng ta đều có chân tính thanh tịnh nguyên
thủy, nhưng việc tiếp xúc với chân tính không phải là dễ. Những tình cãm
và tư tưởng thông thường đầy trong tâm làm cho chúng ta không biết tới
sự rung động tinh tế của chân tính. Ðể tiếp xúc với chân tính, chúng ta
cần phải dẹp mọi ý tưởng xao lãng và thoát khỏi sự kiềm chế của sắc
tướng và ý niệm thông thường. Nói cách khác, chúng ta cần phải tạo một
không gian trong đó chân tính có thể hoạt động mà không bị gián đoạn.
Như vậy khi dùng kỹ thuật quán tưởng mình như một vị thần , chúng ta sẽ
không giả vờ, mà sẽ làm hiển lộ những phẩm tính thiêng liêng vốn luôn
luôn hiện hữu bên trong chúng ta.
Các pháp sơ khởi Mật giáo chính
là những phương pháp tạo không gian thiết yếu này. Nếu tìm cách dùng
những năng lực chuyển hóa rất mạnh của Mật giáo mà không thực hành các
pháp sơ khởi trước thì sẽ không thành công mà lại còn có hại. Máy bay
phản lực là phương tiện di chuyển nhanh nhất, nhưng một người không có
sự luyện tập mà ngồi vào ghế phi công thì sẽ chỉ đi tới tai họa. Cũng
vậy, Mật giáo là phương pháp nhanh nhất để đạt thực hiện trọn vẹn, nhưng
nếu thực hành mà không có viẹc sửa soạn thân tâm trước thì sẽ cực kỳ
nguy hiểm và như vậy là không hiểu mục đích của Mật giáo.