Ðịa ngục chính là hình bóng của đau khổ và Địa ngục đã đương nhiên trở thành
một đối tượng cẩn mật trong trái tim trí tuệ của Ðịa Tạng Vương Bồ Tát với thệ
nguyện vang lừng 3 cõi: “Ðịa ngục vị không – thệ bất thành Phật. Chúng sanh độ
tận – phương chứng Bồ Ðề”.
Ðịa ngục! Hôm nay, ta sẽ nói cho con nghe thế nào là Ðịa ngục? Khi một chúng
sanh trong một phút giây nào đó chợt thấy mình có mặt giữa cuộc đời, chợt nhìn
lại mình trên hành trình sinh tử, và bắt đầu băng khoăn về thân phận thì cũng
từ lúc ấy Ðịa ngục là hình ảnh rõ ràng dần trong ý thức. Ðó là những ý niệm mơ
hồ đậm nhạt về nỗi đau khổ xen lẫn trong chập chùng niệm tưởng trong biết bao
ước mơ về danh lợi, hạnh phúc.
Phải chăng ý thức con người tạo nên Ðịa ngục hay tôi khổ chỉ vì tôi cho rằng
đời là bể khổ. Xa hơn nữa, có phải chăng ở thế giới bên kia các thảm cảnh dầu
sôi, lửa bỏng chỉ là sản phẩm của sự tưởng tượng phóng đại? và tại sao ở các
cõi trời phi tưởng, Địa ngục vẫn theo đuổi chúng sanh như hình với bóng? Vậy
thì địa ngục khởi đầu và kết thúc nơi đâu? Thật có hay không thật có hoặc do
phủ nhận, xác nhận mà địa ngục tồn tại hay diệt vong? Con ơi! Dù cho con chưa
một lần nghĩ đến, Ðịa ngục đã sừng sững nơi tâm tư bao giờ, âm ỉ trong những
nỗi buồn không tên, thiêu đốt tâm hồn trong dục vọng, vang động không nguôi
trong biết bao điều dang dở của cơn mộng đời. Và không chỉ thế, còn vây hãm lấy
con ngay cả trong niềm vui tưởng chừng như bất tận. Con đã từng nghe về các cõi
Trời, thọ mạng chúng sanh nơi ấy dài không kể xiết, hoan lạc chẳng lúc nào vơi.
Nhưng là gì, nếu không là Ðịa ngục khi nỗi lo âu về tương lai bất ổn của niềm
hoan lạc ấy vẫn thường trực ẩn núp trong lòng. Vì có thọ mạng dài nào mà không
kết thúc. Như vậy, địa ngục là biểu tượng của đau khổ. Nhưng con hiểu Ðịa ngục
theo nghĩa nào?
Nước mắt ta không ngừng tuôn rơi, dù chỉ còn một sinh linh phải đọa đày. Không có
Địa ngục nào được xem là nhẹ, không có khổ đau nào không đáng kể, không một
chúng sanh nào ở nơi bất kỳ cảnh giới nào mà không hít thở bầu không khí bất
an, vô thường. Vô lượng chúng sanh không thể chỉ hiểu là vô lượng sinh mệnh, mà
còn phải hiểu là vô lượng sinh tử xảy ra trong một kiếp sống. Thế nên khi nói
một chúng sanh được thành Phật, vô lượng chúng sanh được giải thoát chính là
nói về thật nghĩa bình đẳng.
Địa ngục ở đâu? Ở nơi nào mà con trụ tâm, dù con trụ vào Niết Bàn tối thượng.
Khi tâm con-dòng sinh hóa thường hằng ngưng đọng lại, tâm ấy đã xa lìa tự tánh
của muôn pháp, tâm ấy hóa thành chủ khách, mở đầu cho một chuỗi niệm tưởng hư
vọng đăng đẳng liền nhau muôn kiếp sống. Trụ tâm là Ngã, vừa là nguyên nhân,
vừa là hậu quả của Ngã. Chủ thể mà con tưởng lầm là mình, chỉ là màn sương khói
vô minh che phủ chân tánh. Khách thể mà con tưởng lầm là khác mình thật ra chỉ
là muôn vàn ảo ảnh biến hiện trong màn vô minh ấy. Chủ thể và khách thể đoạn
diệt, thăng trầm theo nghiệp quả. Từ đó cái mà người ta gọi là định mệnh của
con chính là định mệnh của Nghiệp và Nghiệp là sản phẩm của trụ tâm, của tâm
bất định, tâm phân biệt. Nghiệp là Ngã đấy.
Trong vòng lẩn quẩn mê lầm đó, Ðịa ngục hiện diện trong mỗi thân phận chúng
sanh dù khắt khe nhưng rất công bằng. Cho nên, hiểu định mệnh như người đời
thường hiểu là sai lầm vô cùng lớn. Từ đó, nảy sinh hai thái độ, hoặc đối
kháng, đấu tranh để vượt qua số phận bằng tất cả sức lực bình sinh mà thắng hay
bại đều đắp đổi bằng mất mát của mình hay của kẻ khác. Ðó là Ác, được ngụy
trang bằng ngôn từ hoa mỹ, được bào chữa bởi mọi điều nhân danh. Không ai mà
không thích cuộc đời, đã cướp đoạt của mình sự trong sáng ban sơ. Nhưng dòng
đời tự nó vẫn luôn luôn tuôn chảy theo quy luật tự nhiên của vũ trụ mà vũ trụ
là chí thiện. Đấu tranh, đối kháng như thế, không phải là sinh tồn mà là tự
hủy. Ðó là chấp Đoạn. Hoặc xuôi tay theo định mệnh, như thể định mệnh là một
thành lũy nặng nề, kiên cố, vây chặt thân phận tối tăm, bé nhỏ của mình. Tôi
sinh ra đời như thế, lìa đời cũng sẽ như thế, chẳng có gì đáng vui hay đáng
buồn. Tôi và Ðau khổ chấp nhận nhau như là một đôi bạn song hành?
Nhưng có thật đó là sự an ổn hay không? Ðó là an ổn thua vì không thể thắng. Ðó
là chấp nhận một kiếp sống lê thê, lưu đày, chấp nhận chết vĩnh viễn–Trong khi
chết là điều không thể có, cũng là Ác vì kẻ ấy đã phủ nhận sự hiện diện thiêng
liêng của mình, đồng thời phủ nhận cả thế giới chung quanh. Ðó là chấp thường.
Khác với thái độ của một người thức tỉnh, không chấp nhận sự phi lý muôn thuở
của thân phận mình trong luân hồi, nghiệp quả. Dành tất cả nỗ lực cho một hành
trình về phía mặt trời, dưới giông tố tơi bời của Nghiệp, dành đời mình cho bao
cuộc hoá sinh, để đi đến cuộc hoá sinh vĩ đại cuối cùng là giải thoát.
Hai thái độ trên đều không ổn thoả, đều là vong thân, đều là nền tảng của bao
nền triết học hiện thời, không có định mệnh, chỉ có định nghiệp, Ðịnh nghiệp là
Ngã, Ngã là huyễn mộng. Hiểu như thế, thay vì phải gian truân vô ích vì nhân
thế, con sẽ định hướng cuộc đời, xứng đáng với sự có mặt của mình. Không ai có
thể chạy trốn Ðịnh nghiệp, vì làm sao có thể chạy trốn chính mình; cũng không
ai có thể phán xử, hay đặt để cho ai một Ðịa ngục, nếu tâm người đó không sẵn
sàng bước vào. Lại càng không một ai có thể cứu thoát cho ai. Cuối cùng, Địa
ngục cũng không là nơi giam giữ chúng sanh đời đời như nhiều người thường thấy
nghĩ. Hình ảnh ma vương, quỷ vương canh giữ tội nhân, cùng những khổ hình nơi
12 cửa ngục, chính là sự phóng rọi, biến hiện và trói buộc của Nghiệp cảm. Mỗi
người đều có một ngài Diêm chúa nơi tâm mà không tự biết, đó là sự lên tiếng
mãnh liệt của Chân tánh, sự phán xét sau cùng của Chí thiện.
Như xưa kia, miếng cơm tự tay Bồ Tát Mục Kiền Liên đến miệng Thanh Đề hoá thành
viên sắt lửa, nhưng vào giây phút này đây, một Thanh Ðề nào đó đang phải chịu
khổ hình nặng hơn, miếng cơm sẽ thành quả cầu gai lửa, không thể nhã ra mà phải
nuốt vào, nuốt đến đâu, cái nóng bén nhọn chạy đến đó, quả cầu gai lửa lại hoá
thành vô số quả cầu gai lửa khác cào xé và thiêu đốt toàn thân. Khi cơn nóng ấy
tạm ngưng, cơn đói khủng khiếp lại dâng lên khiến tội nhân lại đòi ăn cơm, để
chịu khổ hình tiếp tục. Nhưng cơm từ đâu mà có? Cũng như các khổ hình kia, cơm
từ vọng thức, từ tham lam độc ác hoá thành. Ðiều đó cho con thấy, Nghiệp cảm
của chúng sanh trong thời mạt pháp sâu dày biết bao.
Sao gọi là Ðịa ngục vô gián? Vì Ngã vô gián hay niệm tưởng mê vọng vô gián. Khi
Ðức Thế Tôn thuyết về Ðịa ngục Ngài phương tiện phân biệt các cảnh giới mê ấy
cùng các tội hình nặng nhẹ cốt để chúng sanh biết ghê sợ tội lỗi nơi mình mà
từng bước hành thiện. Mục đích tối hậu của Ngài khi thị hiện nơi thế gian này
là khai thị nghĩa rốt ráo của Địa ngục, khai thị tri kiến giải thoát giải quyết
tận gốc rễ biển sợ hãi trong tâm tưởng chúng sanh.
Ðịa ngục là huyễn mộng vì Ngã huyễn mộng, thật tánh địa ngục là không, liễu ngộ
thật nghĩa Ðịa ngục là liễu ngộ Niết Bàn. Thâm quán Ðịa ngục là bắt đầu hành
trình về cõi Phật, là hành thâm Bát nhã Ba la mật, chính là nội quán.
Niết Bàn vô tướng, nên Ðịa ngục vô tướng. Niết Bàn không xứ sở, nên Ðịa ngục
không xứ sở. Lại nữa, vì sao khi con niệm Ðịa ngục, Ðịa ngục hiện tiền. Khi con
niệm Niết Bàn, Niết bàn lại không hiện hữu? vì niệm chính là Ngã. Vô niệm là
nơi niệm mà không trụ cũng không lìa là vô ngã. Diệt Ngã là diệt mọi ý niệm về
Ngã, phi Ngã, diệt cả ý niệm diệt. Ngã diệt tận, địa ngục liền diệt tận. Ðó là
đại định. Không phải tâm phân biệt thiện ác mà là tâm vượt qua, là tâm chí
thiện nơi con, thể nhập vào đại dương mênh mông đồng nhất thể, bình đẳng với
chư Phật, cũng là chư Phật tận độ chúng sanh. Khi ấy, dù con sống nơi Ðịa ngục,
tâm thường lìa Ðịa ngục. Hiện tướng hoà cùng muôn khổ lụy của chúng sanh. Tâm
thường lìa phiền não, vì con không còn có ý lựa chọn cho mình một định nghiệp,
nên không một định nghiệp nào trói buộc được con. Tâm thường lìa Địa ngục,
không trụ Niết bàn, tâm vô trụ là Ðại Bát Niết Bàn.
Con hãy thâm quán Ðịa ngục–Quán đến bao giờ không còn thấy Địa ngục, không còn
người quán, không còn thấy quán và không quán, khi ấy Địa ngục trong con hoá
hiện Niết bàn, khi ấy khổ đau không bến bờ hạn lượng của chúng sanh nơi con hoá
thành công đức vô lượng vô biên, được chư Phật 10 phương đồng khen ngợi. Chính
là đại nguyện của ta đã thành tựu vậy.
Tâm không vạn sự đều
không
Tâm chơn vạn Pháp cũng đồng qui chơn!
(Pháp Bảo Ðàn Kinh)