Phật pháp căn bản
Hiểu về hai chữ ‘vãng sinh’
Hư Thật Mộng
16/05/2012 11:33 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Sinh tử là vấn đề ai cũng phải trải qua nhưng không phải ai cũng có thể hiểu rõ bản chất của nó. Đứng trên quan điểm nhị nguyên, sinh tử được cho là hai thái cực trái ngược nhau và do đó nhân loại luôn tìm cách kéo dài sự sống mà lý tưởng của nó là trường sinh bất tử.


Dù có nỗ lực vượt bậc, con người cũng không thể đạt được mục tiêu ấy vì lý do đơn giản, đó là quy luật của tạo hóa. Trong khi chấp nhận sự thật sinh tử, con người lại tiếp tục tìm cách lý giải hiện tượng sau khi chết với hai thái cực trái ngược nhau là không còn gì tồn tại sau khi chết (đoạn kiến) và vẫn còn sự tồn tại sau khi chết.

Ở thái độ thứ hai, lại có nhiều quan điểm khác nhau. Có thuyết cho rằng linh hồn (tâm) tồn tại bất biến hay bất diệt [1] (thường kiến), có thuyết cho rằng sau khi chết linh hồn tội lỗi phải chờ đợi đến ngày phán quyết cuối cùng để hoặc lên thiêng đàng hay đọa địa ngục do Chúa quyết định (Cơ đốc giáo, Hồi giáo…).[2]

Phật giáo cũng khẳng định sau khi chết con người không mất hẳn mà tiếp tục luân hồi theo nghiệp đã tạo, trừ các bậc thánh. Thần thức, bardo hay gọi cho dễ hiểu là linh hồn vô ngã [3] tiếp tục tồn tại ở các cõi hay cảnh giới phù hợp với nghiệp thức của người ấy.

Do nhận thức theo quan điểm nhị nguyên nên việc quan tâm đến sự tồn tại sau khi chết là hoàn toàn dễ hiểu.

Theo trường phái Tịnh độ, mục đích của người tu Tịnh độ là cầu vãng sinh về thế giới Cực Lạc. Tuy nhiên, kinh điển đại thừa thường mang tính ẩn dụ thay vì nói thẳng chữ đâu nghĩa đó. Do đó, hiểu đúng về giáo lý đại thừa là một thách đố lớn với hành giả Phật giáo nói riêng và những người tín ngưỡng Phật giáo nói chung.

Bài viết này đưa ra một cách hiểu về ‘vãng sinh’ dựa trên cơ sở giáo lý cốt tủy của đạo Phật nhằm mục đích cung cấp cho những hành giả tu tập Phật giáo tín ngưỡng, cụ thể là pháp môn Tịnh độ có thêm một ý kiến tham khảo và hy vọng rằng nó giúp hành giả tu Tịnh độ có niềm tin vững hơn và thực tế hơn trong cuộc sống hiện thực này.

Bài viết sẽ trình bày bốn điểm như sau:

Quan niệm về thế giới Cực Lạc

Khi tìm hiểu Phật giáo, người học Phật nên phân biệt hai nguồn giáo lý để hiểu đúng lời Phật dạy và phương tiện của chư tổ. Trong khi nguồn giáo lý nguyên thủy thường rất rõ ràng, cụ thể thì nguồn giáo lý đại thừa thường được trình bày thông qua biểu tượng, ẩn dụ. Do đó, người học Phật giáo đại thừa dễ mắc sai lầm khi hiểu giáo pháp theo ‘nghĩa đen’ – chữ đâu nghĩa đó thay vì dựa trên cơ sở pháp ấn của Phật giáo.[4]

Rõ ràng, không ai phủ nhận giáo lý Tịnh độ thuộc hệ đại thừa và mang giá trị biểu tượng hơn là cụ thể. Kinh A Di Đà miêu tả cảnh giới Cực Lạc ở phương Tây cách xa hơn ‘mười muôn ức cõi Phật’.

Nếu hiểu theo ‘nghĩa đen’ thì Cực Lạc là một cõi vật chất tồn tại ở phương Tây, cách rất xa thế giới Ta bà. Nếu là cõi vật chất (dù là báu) có sự sống tồn tại khách quan thì dù xa vẫn có thể đến được bằng chính thân ngũ uẩn mà không cần đợi chết.

Bằng chứng là khoa học đang chinh phục và thậm chí còn đến được các hành tinh không có sự sống.

Hơn nữa, nếu cho rằng Cực Lạc là cõi vật chất do Đức Phật A Di Đà sáng tạo và sở hữu thì sẽ có những phản biện.

Thứ nhất, Đức Phật Thích Ca không dạy rằng các đức Phật có thể sáng tạo ra thế giới như chính bản thân Ngài sinh ra cõi đời này nhưng không hề sáng tạo ra thế giới Ta bà.

Thứ hai, cho rằng Phật A Di Đà sáng tạo ra thế giới Cực Lạc thì chẳng khác nào chúng ta chấp nhận thuyết Chúa sáng tạo ra Thiên Đường và tất cả những thứ khác bao gồm con người và thế giới chúng ta đang sống. Nếu chỉ kể Cực Lạc và Thiên Đường thôi thì Phật giáo và Cơ đốc giáo có gì khác nhau, vì cả hai đều chấp nhận đấng sáng tạo.

Thứ ba, một cõi vật chất sinh mà không diệt là không thể tồn tại vì trái với pháp ấn vô thường, vô ngã của đạo Phật.

Dựa vào các ý trên, người học Phật nên nhìn lại để quán chiếu và hiểu lời Phật dạy theo hướng biểu tượng. Thể tính của đức Phật A Di Đà là vô lượng thọ, vô lượng quang, là Phật Pháp thân. Giáo lý đại thừa đều chấp nhận rằng Pháp thân bao trùm tất cả thế giới. Thế giới Cực Lạc hiểu theo nghĩa Pháp thân Phật thì đó là cảnh giới thanh tịnh, thuộc về tâm.

Từ thể tính thanh tịnh của Phật A Di Đà biểu hiện ra cảnh giới Cực Lạc (Tịnh độ) là hoàn toàn phù hợp với những lời dạy sau:

‘Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh độ’;

‘Tam nghiệp hằng thanh tịnh, đồng Phật vãng Tây phương’ (Tỳ ni Nhật dụng);

‘Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương, Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực Lạc.’ (Lời của Phật Hoàng Trần Nhân Tông)’[5]

‘Chớ bảo cõi Tây phương là gần, hành trình về Tây phương xa xôi đến mười vạn dặm đường. Đức Phật A Di Đà thương mà tiếp dẫn mới giải thoát khỏi tử sanh.’[6]

‘Chớ bảo cõi Tây phương xa xôi, cõi Tây phương ở ngay trước mặt. Như nước chảy về biển cả, như trăng lặn không ra khỏi bầu trời.’[7]

Thế giới Cực Lạc rất xa nhưng cũng rất gần và mọi người đều có thể tiếp xúc được khi tam nghiệp hằng thanh tịnh, tức không còn phiền não, là Phật tính, là Niết bàn, là hạnh phúc chân thật.

Khi tâm của chúng ta thanh tịnh thì đồng tâm Phật (Phật tính) thì Phật, Bồ tát đang chờ mời chúng ta vào thế giới Cực Lạc để cùng thể nghiệm sự giải thoát.

Như thế, hạnh nguyện độ sinh của Phật và Bồ tát thường hằng và thật công tâm. Chỉ e rằng chúng sinh không tạo đủ ‘độ cảm’ nên không ‘ứng hợp’ với chư Phật và do đó, cầu thì vẫn cứ cầu mà ứng thì khó đạt được.

Cầu vãng sinh và cái chết

Nếu ta hiểu Cực Lạc không phải là cõi vật lý mà là cảnh của tâm thì vấn đề tiếp theo là cầu vãng sinh như thế nào? Cầu vãng sinh phải chăng là cầu chết?

Xưa nay nói đến vãng sinh thì ai cũng hiểu là chết và về thế giới Cực Lạc. Do hiểu như thế nên người tu Tịnh độ rất muốn được vãng sinh để về cõi không còn khổ đau như cõi Ta bà.

Cầu vãng sinh như thế đồng nghĩa với cầu chết và chết để được về cõi tịnh hết khổ đau thì có vẻ như ai cũng thích. Thế nhưng, sự thật có ai dám vứt bỏ mạng sống quý giá này để về Cực Lạc ngay không? Chắc chắn là không có, thậm chí còn muốn sống lâu thêm dù luôn rên đau khổ. Đó là sự mâu thuẫn khi ta hiểu vãng sinh đồng nghĩa với chết.

Hơn nữa, nếu có ai hỏi rằng pháp hữu về Cực Lạc để làm gì thì dường như ai cũng đồng thanh đáp rằng về Cực Lạc để tu thành Phật rồi trở lại Ta bà hóa độ chúng sinh. Lời đáp ấy có vẻ rất cao thượng mang tinh thần Bồ tát nhưng sự thật thì chính mỗi người tự biết rõ.

Có hai ý xin trình bày để quý vị xem mà đánh giá sự thật của câu trả lời trên. Thứ nhất, các vị tu Tịnh độ thường có ý niệm chán ghét Ta bà, cầu sinh về Cực Lạc với mục đích để chạy trốn khổ đau nơi Ta bà, mong được hưởng thụ sự an lạc sẵn có nơi Tịnh độ.

Trong kinh Nam truyền (Pali) Phật dạy pháp quán ‘yểm ly’ với mục đích là để khuyến khích hành giả không tham đắm, chấp trước mà dễ chuyên tâm tu tập phụng sự, cống hiến; không hiểu từ đâu mà hành giả Tịnh độ lại hiểu chán ghét là chạy trốn.

Vả lại, ở Ta bà – một thế giới có khổ có vui mà hành giả còn chưa phấn đấu tinh tấn tu tập đúng mức thì lấy gì bảo đảm là quý vị sẽ tu tập ở một nơi hoàn toàn sung sướng. Quan điểm này hoàn toàn trái ngược với lời dạy của đức Phật Thích Ca và chính tự thân Ngài chứng minh lời dạy ấy. Đó là chỉ có cõi Ta bà này là nơi phù hợp nhất để tu hành chứng nghiệm giác ngộ, giải thoát.

Thứ hai, hiện tại chúng ta không tu cho bản thân mình và giúp những người thân xung quanh trong khi ta có đủ điều kiện thì liệu ai tin rằng ta sẽ trở lại Ta bà mà độ sinh. Một lời hứa hẹn không có cơ sở thực tế.

Hơn nữa, không có đức Phật, Bồ tát nào phát nguyện tu tập tại cõi hạnh phúc (Cực Lạc) để được chứng ngộ rồi sau đó đến cõi khổ đau độ sinh cả. Từ Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni cho đến Đức Phật A Di Đà, Bồ tát Quan Thế Âm, Bồ tát Địa Tạng, v.v….

Vậy thì, hành giả Tịnh độ mong về Cực Lạc tu pháp môn gì, thực hành phước báo gì để thành Phật và pháp môn ấy có phù hợp với hạnh nguyện của Phật A Di Đà và chư Bồ tát đã và đang thực hiện không?!

Liên hệ đến Niết bàn, nhiều người cũng quan niệm sai lầm khi cho rằng Niết bàn là chết, hay Niết bàn hữu dư và vô dư. Quan niệm Niết bàn là chết làm cho Phật giáo trở nên yếm thế.

Sự thật, đức Phật và các vị A-la-hán chứng Niết bàn ngay khi còn sống và giáo hóa chúng sinh ngay trên cõi đời này, và Niết bàn là Niết bàn chứ không có hữu dư hay vô dư vì không thể đồng nhất sự tồn tại xác thân với Niết bàn.

Có gì khác nhau giữa Niết bàn khi còn xác thân và khi xác thân tan rã!? Vấn đề chỉ là do chính chúng ta chủ quan dựa trên hiện tượng mà phân biệt thôi.

Để giải quyết vấn đề này thì không có gì hay hơn là hiểu đúng ý nghĩa vãng sinh. Chư vị tổ sư, các bậc tôn túc đã chỉ dạy vãng sinh là vượt qua phiền não. Khi vượt thoát hoàn toàn phiền não tức là vãng sinh hoàn toàn, là Niết bàn, là Tịnh độ. Và do đó, cầu vãng sinh là cầu giải thoát, Niết bàn chứ không phải chỉ là cầu về Tây phương sau khi chết.

Vãng sinh đồng nghĩa với chết là phương tiện, là niềm tin còn vãng sinh là thoát khỏi phiền não mới đích thực là giáo pháp của đức Phật. Cầu vãng sinh như thế thì vãng sinh càng nhanh càng tốt và chắc chắn không ai từ chối cả.

Sự ngộ nhận vãng sinh như là một ‘ca vãng sinh’

Đã hiểu vãng sinh như là sự chấm dứt phiền não thì vấn đề hộ niệm sẽ được hiểu đúng và không bị rơi vào tình trạng ngộ nhận ‘vãng sinh như một ca’.

Nhiều nhóm cư sĩ làm công việc hộ niệm cho người chết, sau khi đám tang xong thì cho rằng đã hoàn thành một ca vãng sinh. Những người hộ niệm phiền não còn quá đủ, người chết phiền não cũng còn dư. Vậy mà những tuyên bố như thế cũng làm bao nhiêu người mê và ca ngợi không ngớt.

Ngay cả đức Phật khi được hỏi về trường hợp sau khi chết của các đệ tử, Ngài cũng chỉ trả lời là tái sinh về cõi lành.

Đành rằng quý vị hộ niệm có ý mong muốn tốt nhưng khi tuyên bố một việc không có thật hay do mình ảo tưởng, nhất là những việc có ảnh hưởng đến sự thăng trầm của kiếp người thì thiết nghĩ quý vị rất nên thận trọng.

Đừng vì đam mê một chút tiếng tăm mà ta bị tổn phúc báo khi gây hoang mang và tạo sự ỷ lại cho nhiều người chưa hiểu đạo Phật.

Ấy là chưa kể những việc làm mâu thuẫn khác như là đọc tên cầu siêu…..

Đã tuyên bố vãng sinh rồi thì phải mừng chứ sao lại còn khóc, còn đọc tên cầu siêu mà không thay bằng sự tưởng niệm mang tính tri ân giáo dục và vui mừng.

Xin quý vị suy ngẫm lại xem để tránh tự lừa chính mình. Khi đã hiểu ý nghĩa và điều kiện vãng sinh thì những người làm công việc hộ niệm không còn ngộ nhận ‘có hại’ như trên và gia quyến người chết cũng không bị ‘ảo tưởng’.

Hộ niệm là một việc làm đáng khích lệ vì đó là hành động trợ duyên tích cực cho cả người chết và gia đình thân quyến của họ. Nó như là một sự nhắc nhở tích cực để người mất tỉnh thức quay về đường thiện, tái sinh cõi lành. Chư Phật, Bồ tát luôn cứu độ, tiếp dẫn bằng con đường hướng đạo với vai trò là bậc đạo sư như chính đức Phật Thích Ca vậy.

Việc hiểu lầm vãng sinh là do hộ niệm dẫn đến thái độ ỷ lại và mong mỏi rằng khi chết có nhiều thầy cô, ban hộ niệm đến tụng kinh mới được vãng sinh cần phải xem lại.

Đáng tiếc, nhiều người xuất gia cũng có tư tưởng như thế huống gì những người tín ngưỡng. Tất cả chỉ vì sự lạm dụng hai chữ ‘phương tiện’ trong khi truyền bá Phật pháp.

Tu tịnh độ theo tinh thần nhân quả

Giáo lý nhân quả là một tuyệt phẩm của đạo Phật do đức Phật giác ngộ và truyền dạy lại. Nhân quả là chân lý dù con người có tin hay không tin, có chấp nhận hay không chấp nhận. Hành giả muốn tin thế giới Cực Lạc là cõi vật chất ở Tây phương hay là cảnh của tâm bao trùm tam thiên thế giới điều đó không trở ngại gì đến sự vãng sinh. Quan trọng là chúng ta phải dứt sạch phiền não. Đó chính là chính nhân để vãng sinh ngay hiện tại và cảnh giới Tây phương.

Muốn đạt được chính nhân ấy, tâm hành giả phải luôn thanh tịnh (nhất tâm bất loạn) hay chính niệm tỉnh thức. Tâm ấy chỉ có thể đạt được khi miệng nói lời chính ngữ hay luôn niệm Phật và thân phải tu thiện, tạo phúc, cứu giúp mọi người và muôn loài. Thành tựu được tâm bất loạn hay chính niệm tỉnh thức và đầy đủ phúc đức thì hành giả đã thành tựu vãnh sinh. Khi ấy, hành giả nguyện sinh về Cực Lạc hay bất cứ nơi đâu cũng không có gì trở ngại.

Từ bi và cứu khổ là bản nguyện của tất cả chư Phật. Tuy nhiên, ba đời chư Phật chưa vị Phật nào phủ định nhân quả hay thay đổi nhân quả bằng năng lực thần thông. Nghĩa là Phật không bao giờ ‘đặc cách’ cho bất cứ một chúng sinh nào để cứu độ khi mà họ chưa dứt sạch nghiệp vì làm như thế là phủ định nhân quả hay ‘đạp lên’ nhân quả.

Do đó, chúng ta không cần quá bận tâm việc Phật cứu độ theo nghĩa ‘nghĩa đen’ nữa mà nên dành trọn thời gian để tạo chính nhân theo lời Phật dạy tức là dứt sạch hoàn toàn phiền não, đạt tâm bất loạn (chính niệm) và đầy đủ phúc đức thì khi ấy không phải Phật đang cứu độ ấy sao!

Tịnh độ là một pháp môn có nhiều tranh luận vì có nhiều sự lý giải khác nhau. Do đó, thay vì phủ bác lẫn nhau thì chúng ta hãy tiếp nhận sự kiến giải khác nhau từ đa chiều rồi tư duy quán chiếu theo tinh thần Phật dạy trong kinh Kalama. Từ đó, mỗi người sẽ tìm thấy cho mình hướng đi đúng, phù hợp với giáo lý cốt yếu của Phật giáo.

Hãy thận trọng khi tuyên bố những gì mình chưa chứng nghiệm, nhất là những tuyên bố chỉ dựa vào niềm tin kinh điển mà không phải dựa trên nhân quả và pháp ấn của đạo Phật. Hậu quả của nó khó mà lường hết được!

Hành giả Tịnh độ vẫn được khuyến tấn tin Phật A Di Đà cứu độ và thế giới Cực Lạc để tu tập tinh tấn hơn. Tuy nhiên, tu tập là một quá trình chuyển hóa thân tâm. Niềm tin và cầu nguyện là chất xúc tác để hành giả thực hành tinh chuyên hơn.

Nhờ chất xúc tác mà hành giả niệm Phật đạt đến nhất tâm bất loạn thì vãng sinh có mặt hiện tiền. Có thể các bạn không đồng ý nhưng đó là điều các bạn có thể trải nghiệm được ngay bây giờ và tại thế giới này. Các bạn có quyền nghĩ về tương lai ở Cực Lạc nhưng lời khuyên chân thành là đừng đánh mất giá trị cuộc sống hiện tại hay hiểu một cách khác là đừng đánh mất ‘Tịnh độ hiện tiền.’

Hư Thật Mộng

[1] Thuyết này chủ trương thế giới và tự ngã thường còn. Bà-Phù-Đà-Ca-Chiên-Diên (Pakudha-Katyayana) – một trong sáu vị thầy ngoại đạo thời đức Phật, chủ trương thuyết này. Ông cho rằng tâm vật nhị nguyên bất diệt.

[2] Xem http://en.wikipedia.org/wiki/Last_Judgment

[3] Năm uẩn của con người gồm sắc thân cộng với phần tâm gồm cảm thọ, tri giác, suy nghĩ và nhận thức đều vô ngã. Dù gọi thần thức hay linh hồn thì thần thức hay linh hồn đó phải là vô ngã.

[4] Pháp ấn gồm Vô thường, Khổ, Vô ngã, Niết bàn hay Vô thường, Khổ, Vô ngã (theo Nam truyền).

[5]Xem thêm bài viết ‘Tịnh độ là lòng trong sạch, Di Đà là tính sáng soi’ của TT. Thích Phước Đạt (http://giacngo.vn/triethoc/2011/11/30/5FF001/)

[6] ‘Mạc đạo Tây phương cận, Tây phương thập vạn trình, Di Đà thùy tiếp dẫn, vô tử diệc vô sinh’

[7] ‘Mạc đạo Tây phương viễn, Tây phương tại mục tiền, thủy lưu quy đại hải, nguyệt lạc bất ly thiên.’ Xem thêm bài ‘Ý nghĩa vãng sinh’ của TT Thích Viên Giác (http://www.giacngo.vn/phathoc/luockhao/2010/12/28/7AE219/)

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch