Hiện tại có không ít người, trong cuộc
sống hằng ngày luôn có tư tưởng tham sống sợ chết, tham danh cầu lợi,
tranh đấu hơn thua với người; một ngày như mọi ngày, tư tưởng ấy cứ lặp
đi lặp lại không thôi. Thấy cái mọi người muốn mình cũng muốn, cái mọi
người không muốn mình cũng không muốn. Cho rằng cái mà ai cũng muốn,
nhất định nó là cái tốt, cho nên ùa vào chiếm lấy, song chưa từng suy
nghĩ cái đó mình có thật sự cần hay không. Đành rằng cái mọi người đều
muốn thì mình muốn, cái mọi người không muốn thì lập tức vứt nó qua một
bên, vậy cái mọi người đã bỏ đi, mình còn muốn nó làm gì nữa?
Giống như loài kiến, thường
thường chỉ cần có một con kiến phát hiện thấy mùi thức ăn, ngay lập tức
các con kiến khác ùn ùn kéo đến vây quanh miếng mồi. Nhưng đây không
phải hành vi của loài người. Đã là loài người, cần phải có quan niệm
“cái mình muốn thì không nhất định mọi người đều muốn, cái mọi người
muốn thì không nhất định mình phải muốn”, đây mới là nhân cách độc lập
thật sự. Nhưng, hơn phân nửa nhân loại lại thích rập khuôn theo người
khác một cách máy móc, đây là hiện tượng đáng báo động và đau lòng.
Nếu chúng ta sống mà không có mục
đích, chắc chắn sẽ cảm thấy nhạt nhẽo vô cùng, cảm thấy sinh mạng chẳng
có chút giá trị gì, giống như thây chết di động, thế hà tất phải sống để
chịu tội? Người như thế, sự sinh tồn của thân thể không chỉ dư thừa, vả
lại còn hao phí rất nhiều vật thực và môi trường sống mà thế giới tự
nhiên ban tặng.
Nên biết mạng sống của chúng ta nhất
định có nguyên nhân của nó, chắc chắn cũng biểu hiện một số ý nghĩa gì
đó. Mục đích của nó là gì? Cuối cùng sẽ đi về đâu? Biến thành cái gì?
Theo quan điểm của Phật giáo, mục
đích của nhân sinh, hàng phàm phu đến để thọ báo và trả nợ, còn chư
Phật, Bồ-tát đến để hoàn thành tâm nguyện; nếu biết thân người khó được,
thấy rõ cái nào tốt cái nào xấu, lấy tốt bỏ xấu, cuộc sống mới có ý
nghĩa; tiếp đến nếu có khả năng tích cực phụng sự cống hiến, lợi mình
lợi người, đây chính là giá trị của nhân sinh.
“Thọ báo” là điều nhắc nhở chúng
ta phải có trách nhiệm về những gì mình gây tạo, mình làm, mình nghĩ,
mình nói. Mạng sống của chúng ta, không có thứ gì không phải tự làm tự
chịu; nhân đã gây tạo trong đời trước, cộng thêm những việc làm tốt, xấu
trong đời này, kết hợp lại tạo thành cuộc sống trong hiện tại như thế
này, đây chính là nguyên nhân tồn tại của sinh mạng.
Chỉ cần quán xét thời gian ngắn
ngủi của một đời, chúng ta thấy có rất nhiều chuyện tưởng chừng không
công bằng, nhưng cũng chẳng biết phải giải thích ra sao. Vẫn thường thấy
có một số người, đời này rất siêng năng, cố gắng, nhưng lại không thành
tựu việc gì; ngược lại có những người không siêng năng, cố gắng bằng,
song hết sức thuận buồm xuôi gió, thuận lợi mọi bề. Mới xem qua có gì đó
hết sức bất công; kì thực, muốn rõ chuyện này, cần phải đi ngược thời
gian suy xét quá khứ, suy xét từng đời, từng đời, cho đến vô lượng đời
của quá khứ. Chúng ta đã gây tạo rất nhiều hành vi khác nhau, có hành vi
đã thành thục và thọ báo ngay trong đời; có cái chưa thành thục, mãi
đến nay chúng ta mới gánh chịu; cũng có những hành vi mãi đến nhiều đời
sau nữa mới thọ báo. Những hành vi chúng ta gây tạo, có thứ tốt, cũng có
thứ xấu; hành vi tốt sẽ lãnh thọ phước báo, còn gây tạo nghiệp xấu ác
phải chịu quả báo khổ.
Còn về giá trị của nhân sinh, đó
là gì? Rất nhiều người cho rằng giá trị của nhân sinh, chính là có nhiều
tiền, có địa vị cao, có danh phận, làm cho người khác phải xem trọng.
Ví dụ, người được thăng quan tiến chức, y gấm về làng, khiến cho người
thương, bà con làng xóm, anh em bạn bè đều nở mặt nở mày, như thế không
chỉ biểu hiện giá trị của con người anh, mà nơi anh cư trú nhờ đó được
thơm lây. Nhưng, đó có phải là giá trị thực sự của con người anh không?
Giá trị thực sự không phải ở chỗ
vinh dự hư huyễn của gia tộc, mà được xem xét qua thực chất cống hiến
của anh. Nếu anh là người duồng gió bẻ măng, đầu cơ trục lợi, lợi dụng
quyền thế nhằm đạt được danh lợi, địa vị, cho dù hiển hách một thời,
cũng không được gọi là giá trị thực sự. Bởi vì giá trị này là sự chân
thật của tâm, nếu đời này gây tạo nghiệp xấu ác, tức làm cho sự chân
thật của tâm bị tổn hại, nhất định đời sau phải lãnh chịu quả báo tương
xứng với hành vi hiện tại.
Do đó, chúng ta có thể nói: Có
cống hiến và phụng sự bao nhiêu thì có giá trị bấy nhiêu. Ví dụ nói, con
người tôi hiện tại có giá trị gì? Tôi đã dùng một lượng thời gian để
thuyết giảng phương pháp giải thoát của Phật-đà, khuyên mọi người tu
nhân tích đức, đây là giá trị của tôi. Nếu lượng thời gian đó, thay vì
thuyết giảng phương pháp giải thoát của Phật-đà, tôi lại dùng nó để ngủ
nghỉ, ăn cơm, hay cãi lộn với người ta, như thế không được xem là giá
trị. Giá trị nhân sinh cần phải được xây dựng trên nền móng làm lợi cho
tha nhân, việc làm ấy giúp mình rất nhiều trong việc hoàn thành nhân
cách, nuôi lớn phước đức, trí tuệ.
Tuy phần lớn chúng ta là những
người đến đời này để lãnh thọ quả báo và trả nợ, song cũng có thể học
tập theo tinh thần của chư Phật, Bồ-tát, phát thệ nguyện cho cuộc sống
của mình. Thệ nguyện này có thể lớn có thể nhỏ, cũng có thể phát một
nguyện nhỏ cho bản thân: “Mình nguyện suốt đời này phải làm người tốt”.
Hoặc tự nguyện với lòng, cả đời này không làm việc xấu, không lười
biếng, không đầu cơ trục lợi, tận tâm tận lực với trách nhiệm của mình.
Giả sử đời này mình không làm trọn vẹn những gì đã nguyện cũng không
sao, đời sau tiếp tục làm. Cuộc sống như thế, mới có giá trị và ý nghĩa,
đồng thời tràn ngập niềm tin và hi vọng.
Mạt nhân Đạo Quang dịch
(trích dịch từ cuốn sách Tìm Lại Chính Mình)