Duyên khởi của an cư kiết hạ là mùa Hạ
Truyền thống này đã có từ thời đức Phật nhưng thực
ra pháp an cư không phải đức Phật là người đầu tiên chế định mà Ngài đã
tùy thuận theo truyền thống vốn có của xã hội Ấn Độ đương thời và áp
dụng cho hàng đệ tử xuất gia của mình.
Trong ba tháng ấy, Tăng chúng (đoàn thể người xuất
gia - PV) tập họp trong một ngôi chùa để chuyên lo tu học và tinh tấn
đạo nghiệp. Người xuất gia phải cấm túc tại một nơi (nếu có duyên sự
quan trọng mới được phép rời khỏi nơi an cư trong vòng 7 ngày. Nếu đi
qua ngày thứ 8, mặt trời mọc lên thì phạm tội ác - PV).
|
Hàng năm cứ vào ba tháng mùa mưa, chư Tăng tập hợp lại cùng một trú xứ để an cư kiết hạ. |
Theo Đại tạng Kinh Việt Nam thì duyên khởi của pháp an cư kiết hạ là vào
mùa Hạ vì hay mưa gió nên cũng là mùa sinh sản các loại sâu bọ. Để
khỏi dẫm đạp tàn hại các loài vi sinh trái hạnh từ bi, trong ba tháng
Hạ người xuất gia không đi ra ngoài, trừ khi có duyên sự quan trọng.
Mặt khác an cư kiết hạ còn có ý nghĩa là tụ hợp Tăng chúng ở chỗ
thanh tịnh để cùng nhau tu hành, kiểm điểm hành vi, cử chỉ, y theo luật
Phật mà hành trì. Trong một năm để 9 tháng truyền bá chính pháp, ba
tháng còn lại hoàn toàn dành cho sự tu học.
Duyên khởi để đức Phật chế định pháp an cư là như
vậy. Từ đó về sau, hàng năm cứ vào ba tháng mùa mưa, chư Tăng tập họp
lại cùng một trú xứ để an cư.
Thời điểm an cư không giống nhau
Theo ngài Huyền Trang (Tây Vực ký) và ngài Pháp
Hiển (Nam Hải Ký Quy Nội Pháp Truyện) thì ngày kiết hạ là mồng một
(trăng tròn) của tháng Asàlha tương đương với ngày 16 tháng 5 theo lịch
Trung Quốc.
Nhưng ngày an cư theo truyền thống Bắc Tông là ngày
16 tháng 4 âm lịch có thể do ảnh hưởng kinh Vu Lan. Theo kinh này ngày
rằm tháng 7 là ngày Tự Tứ, do vậy phải kiết hạ vào ngày 16 tháng 4.
Còn theo truyền thống Phật giáo Nam Tông xác định
ngày mùng một (trăng tròn) của tháng Asàlha chính là ngày 16 tháng 6 âm
lịch. Do đó Phật giáo Nam tông tổ chức an cư vào ngày 16 tháng 6 và kết
thúc vào ngày 16 tháng 9 âm lịch.
|
Một số quốc gia trên thế giới tổ chức an cư kiết đông |
Sự sai khác về thời gian trong hai truyền thống này là do có sự sai khác
về điều kiện thời tiết khí hậu của từng nơi. Do đó nếu căn cứ vào
nguyên tắc “an cư trong mùa mưa” thì truyền thống nào cũng có những bất
cập nhất định.
Hơn nữa, nếu xác định mục đích chính yếu của an cư là để trưởng
dưỡng đạo tâm trau giồi Giới, Định và Tuệ thì thời điểm an cư theo
truyền thống nào cũng không còn là vấn đề quan trọng. Vấn đề cốt lõi
của nó là để phát triển đời sống tâm linh và xây dựng mối hòa hiệp giữa
các thành viên trong Tăng già.
An cư kiết hạ là dịp thọ tuổi của chúng Tăng
Người đời lấy năm sinh mà kể tuổi còn đối với người
xuất gia trong đạo Phật lấy số kiết hạ làm tuổi. Một người chưa kiết
hạ là xem như chưa sinh ra thì chưa có tuổi nào. Người kiết hạ 2 lần
thì được hai tuổi... và ngày rằm tháng bảy là ngày thọ tuổi của người
xuất gia.
Đức Phật dạy rằng: Bổn phận người xuất gia là phải
an cư kiết hạ mỗi năm một lần. Dù đến 60 tuổi cũng vẫn phải an cư kiết
hạ. Lời dạy này đã nêu rõ đức Phật rất chú trọng đến sự thanh tịnh tu
hành, sự hành trì giới luật một cách triệt để.
|
An cư kiết hạ là thời gian để cho Tăng Ni ở yên một nơi thúc liễm thân tâm trau giồi giới đức. |
Trong các kinh điển, đôi khi thấy đức Phật tán thán hạnh độc cư và
khuyến khích các Tỳ kheo nên sống theo hạnh đó. Nhưng trong một số
trường hợp, Ngài lại khuyên các Tỳ kheo nên hòa hợp chung sống, trao đổi
kinh nghiệm tu tập, sách tấn và nương tựa lẫn nhau.
Như vậy, chúng ta thấy lời dạy của đức Phật luôn tùy theo từng hoàn
cảnh cụ thể mà được nói ra. Thanh tịnh và hòa hợp là hai yếu tố hình
thành nên Tăng đoàn của đức Phật. An cư là dịp để chư Tăng trưởng dưỡng
hai yếu tố đó.
Bùi Hiền
Theo kienthuc.net.vn