Hàng năm cứ vào độ
trăng tròn tháng Bảy âm lịch, tức khoảng trung tuần tháng Tám dương lịch là
ngày lễ Vu Lan trở về. Vào ngày này các chùa Việt Nam và Trung Hoa thường
thiết lễ rất trọng thể và các Phật tử đến tham dự rất đông đảo để cầu nguyện
cho cha mẹ hiện tiền được an lạc, cha mẹ quá vãng được siêu sanh tịnh độ, cùng
là được nghe các thầy giảng về ý nghĩa lễ Vu Lan và đạo hiếu của người con đối
với các bậc sinh thành.
Lễ Vu Lan chính thức được bắt nguồn
từ một bản kinh ngắn của Phật Giáo Đại Thừa "Phật Thuyết Kinh Vu Lan
Bồn", do ngài Trúc Pháp Hộ dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán vào đời
Tây Tấn, tức khoảng năm 750-801 sau Công Nguyên và được truyền từ Trung Hoa vào
Việt Nam, không rõ từ năm nào.
Kinh Vu Lan kể rằng: sau khi đắc quả
A La Hán, Bồ Tát Mục Kiền Liên muốn độ mẹ là bà Thanh Ðề, bèn dùng thần thông
kiếm tìm mẫu thân, thì thấy bà đang ở cõi ngạ quỷ vô cùng đói khổ. Ngài đem cơm
đến dâng mẹ, nhưng mẹ ngài vừa đưa tay bốc cơm thì cơm biến thành than hồng, nên
không ăn được. Ngài vô cùng thương xót mà không biết làm sao cứu, bèn trở
về thưa với Phật, xin ngài từ bi chỉ dạy phương pháp cứu độ mẹ. Phật dạy
rằng vào ngày trăng tròn tháng bảy, tức là ngày lễ Tự Tứ của chư Tăng, sau ba
tháng an cư kết hạ thanh tịnh (*), hãy sắm lễ vật và thỉnh chúng Tăng để cúng
dường, nhờ sự cầu nguyện của chúng Tăng thì mẹ Ngài sẽ được cứu thoát.
Ngài Mục Kiền Liên tuân theo lời Phật dạy, và mẹ ngài, bà Thanh Ðề đã được sanh
về cõi trời.
Chữ Vu Lan, vốn phiên âm từ tiếng
Sanscrit Ullambana, Hán dịch là giải đảo huyền, có nghĩa là "cứu nạn
treo ngược". Giải có nghĩa là gỡ ra cho khỏi vướng mắc, cởi trói
buộc, giải mê lầm. Ðảo là ngược, cũng có nghĩa bóng là những hành động
điên đảo gây nên do sự thấy biết sai lầm, như việc phải cho là quấy và việc
quấy cho là phải; do đó tạo nghiệp dẫn đến cảnh khổ. Huyền là treo.
Ðảo huyền là treo ngược, đầu trở xuống đất, chân đưa lên trời. Hợp từ
"giải đảo huyền" nghĩa là cởi trói cho người bị treo ngược, gỡ
cho họ khỏi gông cùm xiềng xích, khỏi khổ đau ách nạn. Sâu xa, giải đảo
huyền còn có nghĩa là giải thoát khỏi tất cả những mối phiền não, những dây
luyến ái đã từng trói buộc cái tâm đi luân hồi, giải thoát khỏi sự trói buộc
cuả tâm tham, tâm sân và tâm si.
Hình ảnh bà Thanh Ðề chụp ngay bát
cơm khi ngài Mục Kiền liên dâng lên, nói lên cái tâm mê muội tham lam của con
người và hình ảnh khi bà vừa đưa tay bốc cơm thì cơm hoá thành than hồng cháy
đỏ, bụng đói mà không sao ăn được, nói lên cảnh giới địa ngục. Thật ra ba cảnh
giới địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh hay còn gọi là tam ác đạo, có thể xuất hiện
bất cứ lúc nào trong con người chúng ta. Bất cứ lúc nào chúng ta nổi giận
là lửa địa ngục sân hận bừng cháy. Bất cứ khi nào chúng ta thèm khát vật
dục, chúng ta trở thành loài thú chạy theo dục tình. Địa ngục, ngạ quỷ và
súc sinh là những nơi thọ quả báo của những chúng sanh tạo nhân tham lam, sân
hận và si mê. Mỗi người trong chúng ta đều có thể, ít hoặc nhiều bị ba thứ độc
hại này khống chế và sai sử, thường sống trong những toan tính tranh danh đoạt
lợi, buông mình theo thất tình lục dục, tâm trí chìm đắm trong những nỗi
buồn vui lo sợ, ăn không ngon, ngủ không yên, nhiều khi sống như sống trong ác
mộng; tự biến cuộc đời thành địa ngục, triền miên phiền não đau khổ. Ðó
là nguyên nhân dẫn đi luân hồi trong ba đường ác.
Kinh nói rằng Bồ Tát Mục Kiền Liên
đắc quả vị A La Hán, đạt được tâm bất sinh, nên nghĩ đến sự báo đền ân đức cha
mẹ. Chúng ta cũng cần nhớ rằng kinh Phật thường có vô lượng nghĩa, để khế
hợp với vô lượng tâm chúng sanh. Ðức Phật đại từ đại bi, sau khi giác
ngộ, Ngài trực nhận ra rằng tất cả chúng sinh đều có Phật Tánh, mà chỉ vì bị
tam độc tham sân si lôi kéo mà bị dẫn đi trong luân hồi. Ngài muốn trải ruộng
phước cho chúng sinh trồng xuống cây bố thí, đó là cánh cửa đầu tiên để cho
chúng sinh tập hạnh xả bỏ, bớt đắm nhiễm vào của cải, bớt tham, cho nên Ngài
dùng phương tiện thiện xảo dạy chúng sinh thực hiện pháp cúng dường chư Tăng,
vừa tạo duyên lành cho Phật tử gieo nhân thiện, vừa dạy cư sĩ thực hiện nhiệm
vụ hộ trì Tam Bảo, ngõ hầu chư Tăng ni có được đầy đủ vật dụng cần thiết mà an
tâm tu hành cho tới giác ngộ, để tiếp tục trao truyền ngọn đèn chánh pháp, độ
thoát cho hết thảy chúng sanh. Trong ý nghĩa đó thì bà Mẹ ở đây không phải là
bà Thanh Ðề, bởi vì một vị thánh Tăng không còn tâm thương yêu bình thường mà
chỉ là tâm đại bi với con mắt không phân biệt; thấy tất cả chúng sinh đều là
quyến thuộc của nhau đã chết đi sống lại nhiều đời. Ngài không có tâm
riêng rẽ, chỉ nghĩ đến tình riêng mà cứu độ riêng mẫu thân của mình. Mẹ ở
đây chỉ cho cái vọng tâm, tức cái tâm sinh diệt, nguồn gốc sinh ra tất cả cảnh
giới điên đảo mê lầm.
Nhà
Phật có bài kệ:
Tội từ tâm khởi đem tâm sám
Tâm được tịnh rồi tội liền tiêu
Tôi tiêu, tâm tịnh, thảy đều không.
Ấy mới thật là chân sám hối.
Kinh nói rằng sau khi cúng dường chư
tăng và được chư Tăng chú nguyện thì bà Thanh Ðề thoát khỏi địa ngục, sinh về
cõi trời. Theo tinh thần của bài kệ trên, thì do tâm lực thanh tịnh của
chư Tăng huân tập trong ba tháng an cư kết hạ đã chuyển hóa tâm của bà Thanh
Ðề, khiến cho bà thấu rõ tội ác của mình trong quá khứ, nổi niệm sám hối, thì
ngay đó địa ngục tan rã, vì nhà Phật quan niệm nhất thiết duy tâm tạo, cái tâm
vô thường đã chuyển thì tất cả đều chuyển theo tâm.
Tâm bà Thanh Ðề cũng có thể là tâm
mẹ quá khứ của chúng ta và cũng có thể là tâm tham sân si của chính mình.
Một khi tâm chuyển là cảnh giới địa ngục của chính mình tan rã, tức thì cảnh
giới an lạc hiện tiền. Tuy nhiên, điếu quan trọng là chính tâm của bà
Thanh Ðề hay tâm của chính chúng ta phải tự nỗ lực chuyển hóa việc làm xấu ác
của chính mình, phải tự thức tỉnh, sám hối những điều ác đã gây ra. Nếu
không tự thức tỉnh, không tự chuyển hoá tâm cho thanh tịnh, thì oai lực của chư
Tăng cũng không thể nào cảm ứng để mà giải cứu được.
Bên Trung Hoa, và miền Nam Việt Nam
trước đây, trong dịp lễ hội Vu Lan, ngoài việc tụng kinh, thiết lễ cúng dường
trai tăng tại các tự viện còn có tập tục cúng cô hồn tại tư gia, cơ sở thương
mại và tại cơ quan tư lập theo truyền tụng rằng, ngày này cửa địa ngục rộng mở
phóng thích ngạ quỷ, nên dân chúng giết các thú vật làm cỗ, cúng cho chúng với
hy vọng được chúng phù hộ cho ăn nên làm ra, buôn may bán đắt. Tập tục này có
tính cách mê tín dị đoan và hoàn toàn xa lạ với Phật Giáo, vì thế người Phật tử
không nên bắt chước, phước đâu không thấy, chỉ thấy tạo thêm nghiệp sát hại
sinh linh và chắc chắn một ngày nào đó sẽ trả quả mà thôi. Thay vào đó
người Phật tử nên ăn chay suốt tháng Bảy để báo hiếu cha mẹ ông bà đã quá vãng
tuân theo lời đức Phật dạy: "Tất cả chúng sinh đều là cha mẹ đời quá
khứ, và sẽ là Phật trong tương lai".
Chú Thích: (*) Mùa Hạ
ở Ấn Ðộ thường mưa nhiều, là mùa côn trùng sinh sản, nên đức Phật không muốn
cho chúng Tăng đi lại nhiều, giẫm đạp lên chúng. Ngài đại từ đại bi, còn
không muốn cho các côn trùng bị nuốt vào bụng người mà chết, nên chư tăng ni
đều phải có đồ lọc nước để cứu chúng trước khi uống nước. Vì thế mới có
lệ chư Tăng Ni an cư ba tháng Hạ trong chùa, hay tịnh xá, để học hỏi giáo pháp
và thanh lọc tâm. Do đó, trong ba tháng này, Phật tử đem vật thực đến
cúng dường tại chùa, vì các sư không đi từng nhà khất thực.