Phật pháp căn bản
Giữ giới là một nghệ thuật sống
09/06/2014 10:25 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Là người con Phật, dù tại gia hay xuất gia ai cũng phải tuân thủ giới luật. Giới luật tuy rất đa dạng nhưng chính là nền tảng cơ bản để đệ tử Phật nương theo và tu tập. Việc giữ giới cũng là một nghệ thuật sống, là hạnh nguyện của bậc Bồ-tát đi vào cuộc đời làm lợi ích cho mọi người.

DSC_3853-n.jpg


Trước khi giới tử phát tâm thọ giới phải thành tâm sám hối ba nghiệp cho thanh tịnh rồi mới thật sự được lãnh thọ giới pháp. Khi lãnh thọ giới pháp, giới tử phải phát nguyện trọn đời gìn giữ giới luật như giữ mạng sống của chính mình. Bởi “Giới luật còn là Phật pháp còn”.

Chính vì quan niệm như thế nên cũng có rất nhiều người xem giới luật rất thiêng liêng, cố tâm gìn giữ và không dám một chút lơ là. Để giữ giới được trọn vẹn, chúng ta phải hiểu tầm quan trọng của giới và tại sao phải giữ gìn giới luật.

Đức Phật và chư vị Tổ sư thường răn dạy, Giới là chiếc bè quý báu đưa lữ hành qua sông mê, Giới là ngọn đèn sáng đưa người ra khỏi chỗ tăm tối, Giới là áo giáp kiên cố che chắn không để cho tam độc tham sân si và ngũ dục thế gian (tiền tài, sắc đẹp, danh tiếng, ăn ngon, ngủ nghỉ) xâm nhập… Những lời dạy trên cho chúng ta thấy rõ, giới luật chính là phương tiện bảo vệ hành giả trên lộ trình tu tập giải thoát được an toàn.

Nếu đã nói Giới chính là phương tiện giúp hành giả được mau chóng đến bờ giải thoát thì phương tiện ấy được hành giả thực hiện như thế nào cho viên mãn? Nhiều người cũng đã thọ và trân trọng giữ giới như giữ tròng mắt, xem giới luật rất thiêng liêng cao quý, bất di bất dịch… Giới luật có công năng bảo hộ thân tâm hành giả, như hàng rào che chắn không để những ngoại ma, ác duyên xâm nhập nhưng nếu tự thân hành giả cứ ôm giữ giới luật một cách cứng nhắc thì cũng chính là tự làm khổ mình, tự sinh ma chướng nơi thân.

Vì giới luật là phương tiện bảo vệ hành giả tu tập, thế nhưng nếu hành giả không biết ứng dụng giới luật ấy vào cuộc đời thì giới luật ấy mãi mãi vẫn chỉ là điều răn cấm nghiêm ngặt, không phát triển được. Cho nên thọ trì giới luật đúng nghĩa là hành giả phải biết ứng dụng giới luật ấy một cách linh hoạt nhằm giữ thân tâm thanh tịnh. Giữ giới như vậy thì giới luật ấy sẽ là nấc thang vô hình đưa hành giả lên một bước cao hơn, nhìn rộng hơn, và ứng dụng vào cuộc đời làm lợi ích cho tha nhân được nhiều lợi lạc và trọn vẹn hơn.

Cũng không nên nghĩ rằng giới luật ràng buộc lấy hành giả, bởi đó là quan niệm vướng mắc và bản thân hành giả sẽ không có lợi ích, an lạc trong quá trình tu tập. Khi hành giả giữ giới miên mật, dần dần quen với nếp sống oai nghi, cách nghĩ, cách làm… với thân, khẩu, ý đều thanh tịnh. Khi ấy hành giả sẽ tự tại với giới luật vì không còn thấy mình bị ràng buộc. Hành giả không thấy mình giữ giới vì mọi oai nghi đều là giới.

Như một đứa trẻ chơi thả diều, lúc đầu diều phải nương sợi dây để bay lên, nhưng khi bay cao trên bầu trời xanh tự tại rồi thì bổn phận sợi dây phải giữ lấy con diều. Khi nhìn vào người ta thấy con diều bay cao, con diều đẹp có ai thấy sợi dây? Cũng thế, hành giả khi mới thọ giới phải nương giới mà tu tập, khi đã tự tại với mọi oai nghi, cách nghĩ, cách làm cũng chính là lúc giới luật sẽ bảo vệ lại chính mình như sợi dây phải giữ lấy con diều.

Chúng ta cũng cần phải nghĩ đến lợi ích của việc giữ giới và đưa lợi ích ấy lên hàng đầu để sách tấn nhau tu tập. Trước hết cần xác định là ta giữ giới là vì chính bản thân mình, vì chính bản thân ta có tự độ rồi mới có đủ khả năng độ tha. Sau đó mở rộng ra, giữ giới luật là vì tôn trọng lợi ích của một tập thể mà ta đang sống. Nếu một tập thể cùng sống chung mà không tuân thủ giới luật thì tập thể ấy sẽ không còn hòa hợp và nhanh chóng tan rã. Thứ nữa ta giữ giới là vì những người thân, đồng đạo, tín đồ Phật tử… hay nói chung một cộng đồng xã hội. Vì nếu mình không nghiêm túc với giới luật, đạo đức yếu kém thì chính mình tự đào thải mình, đó là chưa kể tác hại xấu đến xã hội.

Sau cùng, vì một hạnh nguyện tuyệt vời của bậc Bồ-tát mà ta phát nguyện giữ giới. Bậc Bồ-tát đi vào đời đem lợi ích và an lạc đến cho chúng sinh. Giới luật ấy sẽ được ứng dụng một cách siêu xuất tự tại đem hạnh phúc và thiện lành đến với cuộc đời.

Người hành trì giới luật cũng chính là bảo vệ và phát triển tâm hạnh từ bi của mình. Khi ta giữ giới tức là đang khai mở và phát triển lòng từ. Từ ở đây chính là ban vui, đem niềm vui đến cho muôn loại. Khi đã đem niềm vui đến với muôn loại thì ngay đó có mặt của tâm bi, tức là cứu khổ chúng sanh.

Thực hiện trọn vẹn tâm hạnh từ bi, tức là ta đã ứng dụng đúng giới luật vào cuộc đời làm lợi lạc cho muôn người. Nhìn thấy người an lạc, hạnh phúc, tâm hoan hỷ của ta có mặt. Cứ như thế, người giữ giới luật đi vào cuộc đời một cách tự nhiên và không chấp đó là đang giữ giới hay thực hiện công hạnh của bậc Bồ-tát thì đó chính là xả.

Như vậy, thực hiện giới luật trọn vẹn cũng chính là thể hiện Tứ vô lượng tâm của bậc xuất trần thượng sĩ âm thầm đem hạnh phúc đi vào đời:

“Nhạn quá trường không

Ảnh trầm hàn thủy

Nhạn vô di tích chi ý

Thủy vô lưu ảnh chi tâm”.

(Thiền sư Hương Hải)

HT.Thích Thanh Từ dịch:

Nhạn bay trên không

Bóng chìm đáy nước

Nhạn không có ý để dấu

Nước không có tâm lưu bóng.

Nếu giới luật được ứng dụng vào cuộc đời thì đó không còn là giới luật mà chính là nghệ thuật sống, một nghệ thuật đắc nhân tâm, một phương châm sống chân thật hài hòa, thân thiện như một bậc Bồ-tát đi vào đời với hạnh nguyện độ sanh “nơi  nào chúng sanh cần con đến, nơi nào đạo pháp cần con đi, không kể gian lao, chẳng từ khó nhọc”.

Thích Nữ Huệ Liễu – GNO

daibi.vn

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch