Tôi có viết một bài 11 trang đánh máy tóm tắt lại những ý
chính của những bài pháp thoại chúng ta đã nghe trong khóa mùa Đông này.
Tư liệu này dành cho các vị đã tham dự khóa tu mùa Đông để các vị đọc
lại những gì đã nghe trong khóa tu mùa Đông năm nay. Có thể ta đã nghe
nhưng ta đã quên, đã làm rơi rụng nhiều. Vì vậy bài này giúp cho ta nhớ
lại cốt tủy của những điều ta đã được nghe. Quí vị có nhớ bài “Lá Thư
Viết Cho Nhà Khoa Học Trẻ“ năm ngoái không? Bài đó tóm tắt lại những ý
chính của khóa tu mùa Đông năm ngoái. Bài này tóm tắt lại những điều ta
đã học trong khóa tu năm nay. Chúng ta đọc và nắm cho vững để tiếp tục
nghe những bài pháp thoại mới.
Hoa trái của sự thực tập của người xuất gia
Một ông vua bị bệnh tâm thần, ông tên A Xà Thế (Ajātaśatru), là con
của vua Tần Bà Sa La (Bimbisāra). Ông bị bệnh tâm thần tại vì ông đã
giết cha để lên làm vua và bây giờ ông hối hận. Hồi đó Bụt đang còn
sống, vua Bimbisāra rất thân với Bụt.
Một hôm vua Bimbisara đang ngồi trên xe loan thì thấy một thầy ôm
bình bát đi rất đẹp, rất thảnh thơi trên đường phố thành Vương Xá. Vua
rất ấn tượng nhưng không xuống xe để hỏi thăm, tại vì vua thấy làm như
vậy thì quá đường đột. Vua ra lệnh cho một người hầu cận đi theo ông
thầy đó để biết chỗ ở của ông. Ông thầy đó là Siddharta khi chưa thành
đạo.
Siddharta là một vị hoàng tử cho nên cách đi, đứng đã đẹp rồi. Nhưng
khi thành một người xuất gia thì cách đi, đứng lại càng đẹp hơn nhờ có
chánh niệm và chánh định. Điều này làm cho vua rất ấn tượng. Sau khi
biết được chỗ ở của Siddharta trong thành phố, một hôm vua đem vài người
tùy tùng theo đi thăm Siddharta. Lúc đó Siddharta vừa đi khất thực về,
đang ở trên một ngọn đồi ở ngoại ô thành phố. Xa giá tới chân đồi, vua
bảo tùy tùng ngồi đợi, vua đi bộ lên đồi và hai người đã gặp nhau lần
đầu. Vua rất mộ đạo, muốn có một vị thầy giỏi làm cố vấn cho vua để
vương quốc có thêm giá trị. Các nhà chính trị thường muốn trong nước có
một nhà lãnh đạo tôn giáo có uy tín để vương quốc của mình có được một
chiều sâu tâm linh. Vua Bimbisāra cũng vậy, vua đã thỉnh Siddharta về
làm quốc sư dạy cho vua và làm thầy của cả nước. Vua mời rất trân trọng
nhưng Siddharta đã từ chối:
- Tôi tu chưa chứng đạo, tôi không thể nào làm thầy của quí vị.
Hai người nói chuyện với nhau và vua Bimbisāra tìm ra gốc gác của
Siddharta. Thì ra ông thầy tu này cũng là con của một ông vua và cũng sẽ
trở thành vua. Nhưng ông ta đã bỏ ngôi vua để làm một ông thầy tu. Vua
có nói hớ một câu:
- Nếu Ngài muốn, tôi sẽ cắt chia cho Ngài một nửa vương quốc này.
Siddharta nghĩ: “Mình đã bỏ một vương quốc rồi mà bây giờ còn nhận
một nửa vương quốc để làm gì?“ Ngay chiều hôm đó, Siddharta rời bỏ thành
phố vì sợ bị quấy rầy lần thứ hai. Nhưng trong buổi nói chuyện hôm đó
Siddharta có hứa với vua Bimbisāra một điều: “Khi thành đạo tôi sẽ trở
về giúp vua“. Vì vậy sau khi thành đạo thì Siddharta trở về nhưng không
trở về một mình mà trở về với một tăng thân trên 1000 thầy. Lúc đó,
Siddharta đã độ được cho trên 1000 người xuất gia, phần lớn là những
người theo đạo thờ thần lửa cư trú ở làng Uruveda. Vua nghe tin Đức Thế
Tôn cư trú với một ngàn vị khất sĩ trong Rừng Kè (Palm Grove). Vua dẫn
theo hoàng gia cùng các viên chức trong triều đình thân hành tới thăm
Bụt. Đây là lần đầu hai người gặp lại nhau sau khi Bụt thành đạo. Lúc đó
Bụt còn rất trẻ, chưa đến 40 tuổi.
Khi Bụt về thành Vương Xá thì người trẻ phát tâm xuất gia rất đông.
Lúc đó chưa có giáo đoàn Tỳ kheo ni. Vua Bimbisāra đã trở thành người
yểm trợ Bụt hết lòng, vua vừa là bạn vừa là đệ tử của Bụt.
Nhưng vua Bimbisāra có một hoàng tử không được dễ thương, đó là thái
tử A Xà Thế (Ajātaśatru). Thái tử rất ham làm vua và được một phe đảng
yểm trợ. Có một lần A Xà Thế giấu gươm trong áo, đi vào cung định giết
cha mình nhưng bị quân hầu bắt được. Quần thần đòi xử tử thái tử, nhưng
vì vua thương con quá nên tha đi. Nhất là vì vua là đệ tử của Bụt nên
không nỡ xử tội thái tử.
Nhưng vì ý đồ muốn làm vua lớn quá nên Ajātaśatru vẫn chứng nào tật
đó, tìm đủ cách để làm vua sớm ngày nào hay ngày đó. Nhà chính trị
thường muốn có sự yểm trợ của nhà tôn giáo. Ajātaśatru cũng muốn có được
sự yểm trợ của tăng đoàn của Bụt nhưng Bụt không đồng ý yểm trợ nên
chính quyền đã tìm đủ cách để chia rẽ giáo đoàn của Bụt. Vì vậy trong
giáo đoàn của Bụt có sự chia rẽ, trên 500 thầy đã đi theo Devadatta để
lập một giáo đoàn mới.
Cuối cùng Ajātaśatru đã đảo chánh, bắt giam phụ hoàng, định để cho
chết đói. Hoàng hậu Vaidehi năn nỉ quá nên Ajātaśatru cho phép bà vào
thăm vua. Hoàng hậu giấu vài nắm cơm trong tóc đem vào cho vua ăn. Quân
lính bắt được và tịch thu nên vua sắp chết đói trong tù. Hoàng hậu đã
nghĩ ra nhiều cách như sau khi tắm xong bà thoa một lớp cháo hồ lên thân
thể rồi mới mặc áo vào. Quân lính khám không thấy thực phẩm nên cho
vào. Vào gặp được vua bà cởi áo và lột lớp hồ đó ra cho vua ăn. Thái tử
thấy vua chưa chết mới khám phá ra thái hậu đã đem thức ăn vào cho vua
nên từ đó cấm không cho thái hậu vào thăm vua nữa. Cuối cùng vua
Bimbisāra chết và thái tử làm lễ đăng quang. Giáo hội nhà nước cư trú
trên núi Tượng Đầu yểm trợ thái tử hết lòng. Bụt và giáo đoàn của Ngài
không đến dự lễ đăng quang tại vì nếu dự lễ đăng quang là yểm trợ cho
một chính quyền bất nhân, bất hiếu, vô đạo, không đúng với tiêu chuẩn
đạo đức của đạo Bụt. Vua Ajātaśatru nghĩ rằng Bụt là bạn của cha mình
ngày xưa nên chắc là Bụt thù ghét mình lắm. Vua không biết Bụt là một
người rất nhân từ, không đem lòng ghét bỏ ai cả. Bụt chỉ thương, thương
cả những người có tội lỗi. Một hôm con của vua Ajātaśatru đòi đem theo
con chó vào ăn cơm. Theo luật của Hoàng gia thì không được đem theo chó
khi ăn cơm, nhưng vua cưng con quá nên cho con đem chó vào. Vua nói với
thái hậu Vaidehi:
- Con không cho nó đem chó vào nhưng nó cứ đòi quá nên con để nó đem chó vào, vậy con xin lỗi mẹ.
Thái hậu nói:
- Con thương con của con nên con cho nó đem con chó theo, đó là chuyện
thường, mẹ có thể chấp nhận được. Con có biết là ngày xưa cha của con
cũng thương con như vậy không? Để mẹ kể cho con nghe cha con thương con
như thế nào.
Rồi bà kể cho vua nghe vài câu chuyện ngày xưa:
- Có một lần ngón tay trỏ của con bị sưng lên và nhức cho đến đỗi cả
đêm con khóc và không ngủ được. Cha con phải ngậm ngón tay đó suốt đêm
để cho nó ấm và mủ bưng ra để cho con bớt đau. Cha con đã hút mủ trong
ngón tay ra và vì nếu nhả ngón tay của con để nhổ mủ ra thì con sẽ bị
đau nên cha con đã nuốt mủ vào luôn trong bao tử của mình.
Nghe những câu chuyện như vậy, vua hối hận vô cùng. Từ đó về sau, vua
bị bệnh tâm thần không ai chữa được. Các vị đạo sĩ các giáo phái khác
được mời tới cũng không chữa trị được tâm bệnh của vua. Lúc đó Bụt đang
cư trú dưới chân núi Thứu trong vườn xoài của bác sĩ Jivaka. Bác sĩ
Jivaka đã có lần nói với vua Ajātaśatru:
- Nếu muốn bớt bệnh thì đại vương phải đi thăm Bụt. Tôi nghĩ chỉ có Đức Thế Tôn mới có thể giúp cho đại vương hết bệnh.
Vua Ajātaśatru nói:
- Không được đâu. Chắc là Bụt Gautami rất giận tôi tại vì tôi đã giết bạn của Ngài.
Bác sĩ Jivaka nói:
- Đại vương đừng nói như vậy. Bụt là một người nhân từ, lòng từ bi của
Bụt rất lớn. Bụt không hề giận ai, Bụt không có kẻ thù. Đó là một con
người tuyệt vời có lòng từ bi rất lớn và có thể ôm lấy tất cả mọi người.
Nếu đại vương muốn, tôi sẽ tổ chức một cuộc viếng thăm.
Chiều hôm đó trời trong và mát nên vua chịu đi với bác sĩ Jivaka tới
thăm Bụt dưới chân núi Thứu. Vua đi với một đoàn tùy tùng khá đông, tới
gần núi Thứu vua hỏi bác sĩ Jivaka, bác sĩ Jivaka cũng đã từng chữa bệnh
cho Bụt và chăm sóc sức khỏe cho tăng đoàn:
- Bụt ở một mình hay ở với nhiều người?
Bác sĩ Jivaka nói:
- Đức Thế Tôn luôn luôn ở chung với các thầy. Hiện bây giờ có khoảng
1000 thầy đang ở với Bụt. Khi tới đại vương sẽ thấy các thầy ngồi chung
quanh Bụt rất đông.
Nhưng tới chân núi rồi mà vua thấy đêm thanh cảnh vắng. Vua sợ nghĩ:
“Sao có 1000 người mà lại không có một tiếng ồn nào hay là nó lập mưu
đặt bẫy để giết mình“. Vua run lên, Jivaka nói:
- Bệ hạ đừng sợ, sự im lặng này là sự im lặng hùng tráng của người tu.
Xuống voi, vua thấy có ánh lửa thấp thoáng trong vườn xoài. Vua đi
theo bác sĩ Jivaka vào tịnh xá và thấy một cảnh tượng rất trang nghiêm:
cả ngàn thầy ngồi rất im lặng và Bụt ngồi phía trước. Jivaka vào báo tin
có hoàng đế tới thăm và Bụt ra đón. Hôm đó Bụt nói một kinh cho vua
Ajātaśatru, kinh do câu hỏi của vua đặt ra. Theo nguyên tắc khi bệnh
nhân tới bác sĩ tâm lý trị liệu thì phải nói bệnh của mình ra, nhưng vua
lại hỏi câu:
- Thưa Thế Tôn, tại sao người trẻ đi tu đông như vậy, có ích lợi gì mà họ đi tu đông như vậy?
Một câu hỏi rất đơn sơ bởi vì vua ngạc nhiên thấy người trẻ đi theo
Bụt rất đông mà người nào cũng tươi mát, hạnh phúc, khoan thai. Nghe câu
hỏi đó, Bụt nói một kinh gọi là kinh Sa Môn Quả tức hoa trái của sự
thực tập của người xuất gia:
Ví dụ như có một người nô lệ đang làm công cho một nhà giàu. Một
hôm người đó gặp một vị thầy đang đi khất thực. Thấy vị này thảnh thơi,
an lạc quá nên người nô lệ so sánh với mình: “Tại sao có một người thảnh
thơi, an lạc như vậy còn mình thì cực khổ và lệ thuộc như thế này. Mình
không có phẩm chất của một con người, mình chỉ làm nô lệ cho người ta,
bị người ta đánh mắng, sai làm việc”. Người nô lệ nói chuyện với thầy đó
thì thầy nói: ”Muốn thoát khỏi thân phận nô lệ thì anh chỉ cần đi xuất
gia thôi. Nếu anh muốn thì tôi sẽ giới thiệu để anh được đi xuất gia”.
Mấy ngày sau người nô lệ được xuất gia, được một bình bát và ba
cái áo và thoát ra khỏi thân phận nô lệ ngay lúc đó. Từ một nô lệ mình
trở thành một vị khất sĩ, và không ai có quyền chủi mắng, đánh đập, sai
bảo một vị khất sĩ. Chỉ trong mấy ngày, người đó thoát ra khỏi tình
trạng kỳ thị giai cấp, sự phân biệt chủ tớ, giàu nghèo hay sang hèn và
trở thành một người có nhân phẩm như mọi người khác. Đó là hoa trái đầu
tiên của người xuất gia.
Vua nói:
- Hay quá! Hay quá! Xin Đức Thế Tôn nói tiếp nữa đi!
Kinh này là kinh Sa Môn Quả tức kinh Hoa trái của người xuất gia, mà
hoa trái đầu tiên là thoát ra khỏi thân phận tù đày và sự kỳ thị.
Bụt nói tiếp:
Là người xuất gia, việc đầu tiên là ta thọ trì giới luật như giới
không nói dối, không trộm cắp, không tà dâm. Ta thọ trì 250 giới, mỗi
giới đều cho ta tự do. Khi ta giữ giới không uống rượu, không sử dụng
các chất ma túy thì ta không bao giờ làm nô lệ cho rượu và các chất ma
túy. Những người nghiện rượu và ma túy mất tự do của họ. Ta giữ giới thứ
năm, không uống rượu, không sử dụng các chất ma túy thì ta có một
khoảng tự do. Ta giữ giới thứ hai, không ăn trộm hay ăn cướp thì không
ai có quyền bắt ta bỏ tù. Mỗi giới đem lại cho ta tự do, người xuất sĩ
vì giữ 250 giới nên có 250 thứ tự do. Hoa trái thứ hai của người xuất
gia là có rất nhiều tự do.
Vua nói:
- Hay quá! Hay quá! Trẫm nghe là hiểu liền. Xin Đức Thế Tôn hãy dạy tiếp.
Bụt nói:
Là một người xuất gia thì ta không có tài sản,
không có tiền bạc, châu báu nên ta không cần canh gác, ta không sợ mất
gì cả. Nếu có tiền bạc, châu báu thì kẻ cướp có thể xông vào
giết ta để chiếm đoạt. Ta không có gì ngoài một bình bát và ba y nên ta ở
trong trạng thái rất an ninh. Dù là một vị thủ hiến, một vị toàn quyền
hay một vị bộ trưởng thì ta cũng không có được an ninh như vậy. Người
xuất gia buông bỏ tất cả tài sản nên không có gì để sợ mất. Người xuất
gia có an ninh lớn và an ninh đó là hoa trái thứ ba của sự thực tập của
người xuất gia.
Vua nói:
- Hay quá! Hay quá! Đức Thế Tôn nói dễ hiểu quá. Trẫm hiểu liền đây là hoa trái của sự thực tập của người xuất gia.
Chúng ta chỉ có một bình bát. Ta không có tài sản, không có trương
mục trong ngân hàng nên ta không sợ bị mất mát, bị đánh đập, bị ganh
ghét.
Bụt nói:
Này đại vương, đó chỉ mới là ba hoa trái đầu, còn rất nhiều hoa
trái khác nữa. Người xuất gia không chạy theo danh vọng, quyền hành, sắc
dục, không theo đuổi sự nghiệp ngoài đời nên có rất nhiều thì giờ để
ngồi thiền, đi thiền và tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống chung
quanh mình, thấy được vẻ đẹp của thiên nhiên, tiếp xúc được với những gì
tươi mát, lành mạnh để nuôi dưỡng và trị liệu mình. Có được nhiều thì
giờ là hoa trái thứ tư của sự thực tập của người xuất gia. Ở ngoài đời
người ta rất bận, không có thì giờ để thở, để ăn cơm.
Chưa hết, đại vương, người xuất gia học hỏi và thực tập niệm,
định và tuệ, biết thở, biết đi trong chánh niệm. Vì vậy cho nên người
xuất gia biết cách chế tác được những giây phút vui mừng và hạnh phúc.
Nếu có chánh niệm thì ta có thể tiếp xúc được với những mầu nhiệm
của sự sống và chế tác được niềm vui. Ta thấy mình có rất nhiều điều
kiện hạnh phúc. Chỉ cần có mặt trong giây phút hiện tại là ta có thể
tiếp xúc được với những điều kiện hạnh phúc ta đang có, như là: hai mắt
của ta đang sáng, hai tai của ta đang nghe rất rõ, hai chân của ta còn
khỏe. Với sự thực tập niệm và định, người xuất gia có thể chế tác được
hỷ và lạc lúc nào ta muốn. Đó là hoa trái thứ năm của người xuất gia.
Hơn nữa vì có niệm, định, tuệ nên người xuất gia biết cách chăm
sóc và quản lý nỗi khổ niềm đau của mình. Người xuất gia biết nhận diện,
ôm ấp và xử lý nỗi khổ niềm đau của mình để chuyển hóa chúng và được
nhẹ nhàng hơn trong thân và tâm. Đó là một hoa trái khác của người xuất
gia.
Vua nói:
- Hay quá! Hay quá! Những điều Đức Thế Tôn dạy, trẫm hiểu rất dễ dàng.
Ai ngờ rằng đi tu mà có được nhiều hạnh phúc, nhiều lợi lạc, nhiều hoa
trái như vậy. Những chuyện đơn sơ như vậy mà lâu nay trẫm lại không
biết.
Bụt nói:
Chưa hết đâu bệ hạ, còn nữa. Người xuất gia là người có cơ hội học về quán vô thường, vô ngã, nhận diện những phiền não của mình như đam mê, giận dữ, tuyệt vọng, ganh tị, những sợi dây ràng buộc tâm mình, không cho tâm mình thảnh thơi,
an lạc. Khi sử dụng quán chiếu vô thường, vô ngã thì mình thoát ra khỏi
những mặc cảm hơn người, thua người hay bằng người. Mình không còn mong
muốn, ganh ghét, hận thù. Mình thấy rất thoải mái, an lạc. Mình có rất
nhiều giải thoát, rất nhiều tự do.
Vua nói:
- Hay quá! Hay quá! Vậy mà trẫm không biết, trẫm tưởng những người đi tu là những người làm biếng không muốn lo chuyện đời.
Bụt nói:
Chưa hết đâu đại vương! Người xuất gia còn học được phương pháp
quán chiếu tự tánh của các pháp và thấy được các pháp không sinh không
diệt, thoát ra ngoài ý niệm sinh diệt và không còn sợ hãi sống và chết
nữa, thản nhiên trước cái còn cái mất, cái sinh cái diệt. Khi người xuất
gia đạt tới quả vị đó, thấy được cái không sinh không diệt, không có
không không, không còn không mất thì người xuất gia có tự do rất lớn.
Mỗi giây phút của đời sống người xuất gia là mỗi giây phút không sợ hãi,
và hạnh phúc đó người thường không thể biết được. Chỉ khi nào đạt tới
cái thấy không sinh không diệt, không còn không mất, không tới không đi
thì lúc đó mới có sự tự do lớn.
Vua nói:
- Bạch Đức Thế Tôn, con chưa chứng nghiệm được điều này, nhưng con biết rằng nó có thể có được.
Bụt nói:
Chưa hết đâu đại vương. Người xuất gia, tuy không làm chính trị,
nhưng sự có mặt của người xuất gia giúp cho nhiều người bớt khổ. Sự có
mặt thảnh thơi, những bước chân, những nụ cười của người xuất gia làm
cho xã hội thấy rõ rằng có một nếp sống nhẹ nhàng, hạnh phúc. Nhờ chuyển
hóa được những phiền não, khổ đau của mình trở thành an lạc, hạnh phúc
nên người xuất gia có thể giúp được nhiều người trong xã hội có thể làm
được như mình. Tuy không làm chính trị, kinh tế nhưng người xuất gia rất
có ích lợi cho cuộc đời.
Điều này chắc đại vương cũng thấy, nếu xã hội chúng ta không có
đạo đức thì sẽ có bạo động, hận thù, khổ đau rất nhiều. Sự có mặt của
đạo đức là một yếu tố rất quan trọng cho xã hội. Trong xã hội, mỗi người
phải có một chiều hướng tâm linh đạo đức thì mới vượt thắng được nỗi
khổ niềm đau. Người xuất gia, tuy không làm công việc chính trị, xã hội,
kinh tế nhưng sự có mặt đạo đức của người xuất gia có thể giúp được cho
rất nhiều người bớt khổ.
Nghe Bụt nói, vua rất cảm kích. Tuy không tham vấn Bụt về bệnh tâm
thần của mình nhưng vua biết là Bụt thương mình, Bụt không thù, không
giận mình và vua cảm thấy rất nhẹ nhàng. Vua lạy xuống nhận làm đệ tử
của Bụt và tự nhiên những bức xúc, những khổ đau tâm thần của vua thuyên
giảm rất nhiều. Vua được trị liệu ngay trong khi nghe Bụt thuyết pháp.
Khi chào Bụt đi về trong người của vua rất nhẹ, vua biết y sĩ Jivaka đã
giúp mình rất nhiều. Nếu không có y sĩ Jivaka thì vua không có cơ hội
được trị lành bệnh.
Tất cả câu chuyện được ghi vào một kinh trong Trường Bộ gọi là kinh
Sa Môn Quả tức kinh nói về hoa trái của sự thực tập của người xuất gia.
Quán vô thường là phép quán căn bản
Câu hỏi “Chuyện gì sẽ xảy ra sau khi ta chết?” là một câu hỏi rất phổ
thông. Trong bất cứ xã hội, quốc gia hay văn hóa nào người ta cũng hỏi
câu hỏi đó. Người ta muốn biết sau khi chết thì mình còn hay không còn
gì nữa.
Có những người tự xưng là khoa học gia cho rằng sau khi chết thì
không còn gì nữa. Họ rơi vào trong cái gọi là đoạn kiến (the wrong view
of annihilation). Nếu ngược lại ta cho rằng khi chết, tuy hình hài ta
tan rã nhưng mình vẫn còn nguyên là mình, ta có một linh hồn bất tử thì
ta rơi vào một tà kiến khác gọi là thường kiến (the wrong view of
eternalism).
Những ý niệm như sinh và diệt, có và không, thường và đoạn là những
phạm trù tư tưởng (mental categories), là những cái khung không thể chứa
được sự thật. Quán chiếu sâu sắc ta thấy sự thật vượt thoát những phạm
trù tư tưởng. Ở Làng Mai, chúng ta thường quán chiếu đám mây, nhìn bề
ngoài ta thấy hình như đám mây có sinh ra và chết đi, có khi có, có khi
không có. Nhưng nhìn kỹ, ta thấy đám mây không sinh cũng không diệt,
không có cũng không không. Điều này có thể được chứng minh bằng khoa
học. Trước khi là đám mây thì đám mây đã là cái gì khác. Nó đã là hơi
nước đi lên từ đại dương. Nó là hơi nước do chúng ta thở ra, chúng ta đã
thở ra đám mây mà không biết. Hơi nước là mây tuy chưa có tướng của đám
mây. Đám mây không thể từ không mà trở thành có, vì vậy đám mây là vô sinh.
Khi đám mây còn là hơi nước thì ta không thấy nên ta tưởng đám mây
không có. Ta bị kẹt vào tướng, hơi nước không có tướng của đám mây nhưng
nó chính là mây. Khi hơi nước gặp khí lạnh thì tướng mây của nó lộ ra.
Khi mây biến thành mưa hay thành tuyết thì nó không phải từ có trở thành
không. Cái có không thể nào trở thành cái không. Đám mây không thể nào
chết nên nó là bất diệt. Mây trở thành tuyết hay thành mưa,
tuyết và mưa là hậu thân, là sự tiếp nối của đám mây. Vì vậy chúng ta có
thể thấy một cách dễ dàng bản chất của đám mây là không sinh không
diệt, không có không không. Đám mây không nằm trong khuôn sinh và diệt
cũng không nằm trong khuôn có và không hay trong khuôn thường và đoạn.
Không thấy đám mây trên trời, ta nói đám mây chết rồi và ta hỏi đám
mây còn hay không còn, bây giờ đám mây ở đâu? Khi người thân của ta
chết, ta cũng hỏi câu tương tự: ”Người thân của tôi ơi, bây giờ anh đang
ở đâu?” Và ta đặt câu hỏi: ”Sau khi không còn là đám mây nữa thì cái gì
đã xảy ra, đám mây còn hay không còn?” Trong kinh có câu hỏi: “Sau khi
nhập diệt thì Đức Thế Tôn còn hay không còn hay vừa còn vừa không còn
hay vừa không còn vừa không không còn?“ Nhưng Bụt nói bốn phạm trù tư
tưởng đó không chuyên chở được sự thật. Sự thật nằm ngoài những phạm trù
tư tưởng.
Giáo lý trung đạo
Trong giáo lý đạo Bụt có ý niệm về trung đạo. Trung đạo (the
middle way) thoát ra khỏi những cực đoan (extrême): Một bên là sống một
bên là chết, một bên là còn một bên là mất, một bên là sinh, một bên là
diệt, một bên là một, một bên là khác.
Từ vô thường, chúng ta có thể quán sát để thấy được sự thật này. Trên
con đường của thời gian có một điểm, ở điểm đó có một người gieo nhân
tức kẻ làm hay tác giả 乍 者 và ở một điểm khác thì quả chín và có một người gặt quả gọi là người chịu hay thọ giả 受 者.
Từ khi gieo nhân đến khi gặt quả có một khoảng thời gian hai, ba giờ
đồng hồ hoặc hai, ba năm, vậy người gieo nhân và người gặt quả là một
người hay là hai người? Trong ánh sáng của vô thường thì tất cả đều sinh
diệt trong từng sát na. Dòng sông của giây phút này không còn là dòng
sông của giây phút trước. Tôi của bây giờ không phải là tôi của giây
phút trước, tôi của 30 tuổi không phải là tôi của 5 tuổi. Thấy hình của
mình lúc 5 tuổi trong album gia đình, ta đặt câu hỏi:”Tôi bây giờ là một
hay là khác với tôi lúc 5 tuổi?” Cho rằng người làm và kẻ chịu là một
thì không đúng. Thời gian đã qua, ta đã thay đổi, ta bây giờ không giống
ta lúc 5 tuổi. Ngược lại cho rằng ta bây giờ và ta lúc 5 tuổi là hai
người khác nhau cũng không đúng.
Ý niệm một, sameness (đồng 同, nhất 一) là một cái khung và ý niệm khác, otherness (dị 異)
cũng là một cái khung. Như vậy người làm và kẻ chịu không phải một cũng
không phải khác gọi là trung đạo, có nghĩa là xa lìa cả hai cực đoan
một và khác. Khi được hỏi câu “Sau khi chết rồi thì ta còn hay không
còn?” thì ta phải trả lời theo trung đạo. Một là sameness, khác là
otherness; sự thật không phải một cũng không phải hai, sự thật là trung
đạo. Sinh, diệt, hữu, vô, một, khác, còn, mất là những phạm trù tư
tưởng, mà sự thật thì vượt thoát khỏi những phạm trù tư tưởng. Ta không
thể dùng những cái hộp để chứa đựng sự thật. Cái thấy đó là do sự quán
chiếu về vô thường mà có. Quán chiếu về vô thường là phép quán căn bản.
Quán chiếu về vô thường thì ta có thể vượt thoát khỏi những cặp đối lập
(pair of opposites). Vậy đối với câu hỏi “Sau khi Đức Thế Tôn nhập diệt,
hình hài tan rã rồi thì Ngài còn hay không?”, nếu là một học trò thông
minh của Ngài thì ta trả lời: ”Nói còn không đúng mà nói không còn cũng
không đúng, tại vì còn hay không còn là hai tà kiến. Chánh kiến là trung
đạo”.
Cái nhìn vô tướng
Thật ra thì vấn đề dễ hơn nhiều. Quán chiếu thì ta thấy ta đã khác
hơn nhiều so với ta lúc 5 tuổi. Nhưng trong đầu ta vẫn cứ nghĩ là một,
ta bị vướng vào ý niệm đồng nhất, có một cái ngã thường tại nên mới có
vấn đề. Nhìn cho kỹ một chút, ta thấy là Đức Thế Tôn còn chứ không phải
không còn. Ta có thể sờ mó được Đức Thế Tôn, Ngài còn nhưng không phải
còn dưới hình thái cũ. Chính ta đây, ta cũng không còn dưới hình thái
của ta lúc 5 tuổi. Nhìn tuyết, ta thấy tuyết rất khác với mây nhưng nó
chính thật là mây. Nhìn với cái nhìn vô tướng thì ta sẽ thấy được Đức
Thế Tôn rất dễ.
Bác Anh Việt, người đã làm những bài nhạc kinh, bây giờ chúng ta
không thấy bác bằng xương bằng thịt nữa. Nhưng mỗi ngày chúng ta vẫn
thấy được bác. Khi lên tụng bài “Tào khê một dòng biếc” thì ta thấy rõ
ràng là bác Anh Việt vẫn còn. Đó là nhạc Anh Việt còn trong bài hát, còn
trong chúng ta và còn trong nhiều cái khác nữa.
Bây giờ nhìn vào các giáo đoàn đang hoạt động, nhìn vào chính bản
thân mình là một vị xuất gia hay một vị cư sĩ, ta thấy ta là sự tiếp nối
của Đức Thế Tôn. Ta là tuyết, là sự tiếp nối của mây. Ta tiếp xúc được
với sự liên tục của Đức Thế Tôn rất dễ dàng. Vì vậy câu hỏi ”Đức Thế Tôn
còn hay không còn?” không đáng được đặt ra. Đức Thế Tôn còn nhưng không
còn theo hình thức của một cái ngã. Nói Đức Thế Tôn không còn cũng đúng
một phần, tại vì Ngài không còn dưới hình thức cũ, nhưng không phải là
không còn gì cả.
Ta thấy rõ ràng rằng Đức Thế Tôn tiếp tục sự nghiệp của Ngài. Đạo Bụt
đi tới đâu thì giúp cho xã hội ở đó có nhân tính hơn, ít bạo động hơn. Ở
Việt Nam, nếu không có đạo Bụt thì ta không có được thời đại Lý, Trần.
Lý, Trần là hai triều đại rất từ bi. Trước đó có nhiều bạo động, người
ta chém giết nhau và có nhiều hình phạt như bỏ vào vạc dầu sôi, cho voi
dày ngựa xé. Sau khi đạo Bụt giáo hóa được dân tộc thì những hình phạt
đó không còn nữa. Đức từ bi thấm nhuần vào người làm chính trị cũng như
vào trong dân chúng. Ở Tây Tạng, Trung Quốc hay Miến Điện, nhờ có đạo
Phật đi vào mà rất nhiều bạo động được chuyển hóa. Đọc lịch sử của các
quốc gia Á Đông theo đạo Phật, ta thấy nhờ sự giáo hóa của đạo Phật mà
mức độ của sự bạo động giảm đi rất nhiều. Đó là sự tiếp nối của Đức Thế
Tôn, ta phải thấy Siddharta ở nơi đó. Ta đừng đi tìm Siddharta như là
một người thuộc dòng họ đó, có màu da đó, có giọng nói đó, ngôn ngữ đó,
cũng như ta đừng đi tìm đám mây dưới hình thức đó, màu sắc đó. Uống một
tách trà ta phải thấy đám mây trong đó.
Đặt câu hỏi và tìm những câu trả lời cho “có hay không” mất rất nhiều
thì giờ. Ta biết không có gì sinh cũng không có gì diệt. Ý niệm sinh là
sai mà ý niệm diệt cũng là sai, vậy tại sao ta phải hỏi “còn hay không
còn”? Ta đã công nhận đám mây là không sinh không diệt thì tại sao ta
phải hỏi đám mây còn hay không còn. Đã công nhận bản chất của thực tại
là không sinh không diệt thì tại sao ta lại phải đặt câu hỏi “còn hay
không còn”, tại vì “còn và không còn” là một hình thức khác của “sinh và
diệt”. Thấy được tính không sinh không diệt thì tất cả những lo âu, sợ
hãi của mình không còn nữa và ta có tự do lớn.
Vô sinh bất diệt
Khi thoát khỏi một cặp đối nghịch như cặp sinh diệt, ta thật sự thấy
được không sinh không diệt thì đồng thời ta cũng thoát khỏi những cặp
đối nghịch khác, tại vì các cặp đối nghịch nương vào nhau mà được thành
lập. Nếu sự vật không có sinh, không có diệt thì nó cũng không có hữu,
không có vô, tại vì sinh là từ vô trở thành hữu và diệt là từ hữu trở
thành vô. Khoa học cũng đã tìm ra được “không sinh không diệt”. Luật thứ
nhất của nhiệt động học tức luật bảo tồn năng lượng (la loi de la
conservation de l’énergie) đã nói về “không sinh không diệt”: vật chất
và năng lượng không sinh không diệt. Chúng ta không thể chế tác được vật
chất cũng không thể làm cho vật chất mất đi. Chúng ta không chế tác
được năng lượng cũng không thể làm cho năng lượng biến mất. Ta chỉ có
thể làm cho vật chất trở thành năng lượng hay trở thành một vật chất
khác và ta chỉ có thể làm cho năng lượng trở thành vật chất hay trở
thành một năng lượng khác. Lavoisier nói rất rõ: Không có gì sinh, không
có gì diệt. Tất cả đểu chuyển biến. (Rien ne se crée, rien ne se perd.
Tout se transforme). Đây là một câu nói rất đúng với tinh thần bất sinh
bất diệt.
Thân của chúng ta là vật chất, nhưng vật chất cũng là năng lượng. Vật
chất có thể trở thành năng lượng và năng lượng có thể trở thành vật
chất. Vật chất và năng lượng là một. Tâm của chúng ta cũng là năng lượng
và năng lượng có thể trở thành vật chất, vì vậy ta phải xét lại ý niệm
“thân và tâm là hai cái khác nhau”. Ta có thể thấy tâm là một loại năng
lượng và thân cũng là một loại năng lượng, mà năng lượng thì không thể
nào chết được. Thân của ta có vẻ như tiêu hoại nhưng thật ra nó không
chết được.
Nhưng có bao nhiêu nhà khoa học nắm vấn đề? Họ tìm ra được sự thật đó
nhưng vẫn quên như thường. Ta đọc trong Tâm Kinh: tướng Không của các
pháp là không sinh cũng không diệt, không thêm cũng không bớt, không dơ
cũng không sạch, tức là thực tại tối hậu thoát ra khỏi những phạm trù tư
tưởng, những ý niệm. Hiện nay khi nhìn vào vũ trụ các nhà khoa học vẫn
đặt câu hỏi: Vũ trụ từ đâu mà có? Vũ trụ sinh ra như thế nào? Một ngày
nào đó vũ trụ có tan tành hay không? Vũ trụ sẽ hủy diệt như thế nào? Như
vậy các nhà khoa học vẫn đặt câu hỏi căn cứ trên ý niệm có và không. Do
đó người ta đưa ra những thuyết như thuyết Big Bang để giải thích sự
hình thành của vũ trụ, vũ trụ từ không trở thành có như thế nào và họ bị
kẹt vào trong ý niệm sinh. Kẹt vào ý niệm sinh thì đồng thời cũng kẹt
vào ý niệm diệt, trong khi đó khoa học đã khám phá ra rằng: không có gì
sinh và không có gì diệt. Tại sao người ta lại còn đặt vấn đề tại sao vũ
trụ có, hay tại sao vũ trụ không có? Cái thấy “bất sinh bất diệt”chỉ
mới nằm trong óc mà chưa đi sâu vào, tại vì khi đã chứng nghiệm được vô
sinh bất diệt thì những ý niệm có và không, một và khác, còn và mất sẽ
không còn nữa. Nắm được thì ta có thể áp dụng được cái thấy đó vào trong
đời sống hằng ngày.
Quan niệm bất thối chuyển
Trong đạo Bụt có quan niệm bất thối chuyển, có nghĩa là
không rơi trở lại trong cõi hệ lụy và luân hồi. Mọi người đều mong muốn
là khi đạt được tới rồi thì ta ở đó hoài không rơi xuống nữa. Cũng như
một người bị bệnh trầm cảm đã được chữa trị khỏi bệnh, nhưng nếu làm ăn
không đàng hoàng thì người đó sẽ rơi xuống trầm cảm trở lại. Đạt tới chỗ
không rơi trở lại nữa gọi là bất thối chuyển.
Nhiều người tin rằng khi tu mà đạt tới quả vị bất thối chuyển thì sẽ
không bao giờ đau khổ nữa. Vì vậy có quan niệm Niết bàn hữu dư y và Niết
bàn vô dư y. Niết bàn hữu dư y là Niết bàn chưa tuyệt đối, những phiền
não còn ngủ đâu đó và ta có thể buồn, giận trở lại. Niết bàn vô dư y là
Niết bàn tuyệt đối, những phiền não không bao giờ có thể trồi lên trở
lại. Chúng ta, người nào cũng khao khát cái tuyệt đối nên bắt buộc cuối
cùng là phải tới chỗ toàn giác mà thôi.
Chúng ta mong muốn một sự toàn hảo (perfection) tức là sự vắng mặt
của sự không toàn hảo (imperfection). Toàn hảo và không toàn hảo cũng là
một cặp đối nghịch mà ta phải thoát ra. Tôi thường quán chiếu và thấy
rằng: Người ta nói Đức Thế Tôn đã chứng ngộ, Ngài là một bậc giác ngộ
hoàn toàn. Nhưng tại sao mỗi ngày Ngài cũng ngồi thiền, đi thiền và thực
tập như các thầy khác. Đã thành Phật rồi mà Ngài còn thực tập làm gì?
Chúng ta đặt câu hỏi: Tại sao thành Phật rồi mà còn phải ngồi thiền?
Ngồi thiền có phải để thành Phật hay không? Như vậy là chưa đạt tới bất
thối chuyển hay sao?
Theo nguyên tắc thì tất cả đều vô thường (chư hạnh vô thường). Nếu ta
tin đó là sự thật thì Bụt cũng vô thường, niềm vui cũng vô thường, giác
ngộ cũng vô thường. Niềm vui là một thực tại sống động, sự giác ngộ
cũng là một thực tại sống động. Bất cứ thực tại sống động nào cũng đều
vô thường. Vì vậy niềm vui hay sự giác ngộ cũng có thể tàn hoại. Niềm
vui của ta, ta phải nuôi dưỡng thì nó mới được lâu dài. Sự giác ngộ, ta
cũng phải nuôi dưỡng thì nó mới được lâu dài. You have to nourish your
enlightenment because it is also impermanent. Bụt cũng phải nuôi dưỡng
sự giác ngộ và tâm bồ đề của mình, nuôi dưỡng niềm vui và sự giải thoát
của mình. Vì vậy Bụt vẫn tiếp tục thực tập. Bất thối chuyển có nghĩa là
nếu biết phương pháp thì ta sẽ không rớt trở lại. Bất thối chuyển không
có nghĩa là đi tới một trạng thái vĩnh viễn không bao giờ rơi xuống, tại
vì trong ánh sáng của vô thường thì không có gì là vĩnh viễn cả. Nếu
tất cả đều vô thường thì Phật cũng vô thường.
Vậy thì Phật tánh có vô thường hay không? Phật tánh là một ý niệm, và ý niệm đó được thành lập bằng một ý niệm khác là chúng sinh tánh.
Một bên là phàm (worldlyness) còn một bên là thánh (holiness), không có
phàm thì không có thánh. Cũng như sen với bùn, không có bùn thì không
thể làm ra bông sen. Chất thánh được làm bằng chất phàm, hết chất phàm
thì chất thánh cũng không còn. Nếu theo đúng con đường trung đạo và tuệ
giác vô thường thì ta phải công nhận điều này. Có thánh là có phàm, phàm
nằm ngay trong thánh cũng như nhìn vào bông sen ta thấy có bùn, lấy bùn
ra khỏi bông sen thì bông sen cũng không còn. Đó là cái thấy bất nhị.
Nếu tưởng tượng có bông sen mà không có bùn, có thánh mà không có phàm
là sai. Nếu tưởng tượng có bồ đề mà không có phiền não là không đúng.
Nhưng có một sự thật mà ta công nhận là mình có thể chuyển phiền não
thành bồ đề và nếu làm ăn không đàng hoàng thì bồ đề lại trở thành phiền
não. Đức Thế Tôn biết rõ điều đó nên Ngài vẫn ngồi thiền như chúng ta,
Ngài không muốn bồ đề của mình trở thành phiền não.
Chúng ta phải hiểu chữ bất thối chuyển như vậy, khi có một sự thực
tập vững vàng thì ta không sợ phải rơi xuống trở lại. Ta phải bỏ đi sự
tin tưởng ngây thơ rằng một khi đã đạt tới toàn giác rồi thì ta không
cần phải làm gì nữa cả. Chất thánh, chúng ta có thể chế tác được. Ta có
tham lam, giận hờn, si mê, quên lãng. Nhưng nếu biết cách ta có thể chế
tác niệm, định và tuệ. Niệm, định, tuệ là những năng lượng thánh mà
những năng lượng thánh đó được chế tác bằng năng lượng phàm. Nếu biết
cách ta có thể chuyển năng lượng phàm thành năng lượng thánh, cũng như
ta có thể chuyển bùn thành sen. Theo cái thấy bất nhị thì phàm và thánh
tương tức với nhau.
Một hôm tôi chiêm nghiệm thì thấy rằng mình không cần Niết bàn vô dư
y, có Niết bàn hữu dư y là đủ rồi. Tuy còn một chút phiền não nhưng đã
biết cách chuyển hóa thì ta không cần phải lo lắng nữa. Là một người tu
ta có khả năng chuyển hóa phiền não hay không? Những phương pháp chuyển
hóa, Bụt đã dạy và thầy đã trao truyền cho ta. Ta biết xử lý nỗi khổ
niềm đau, một cơn giận hay một cơn buồn hay không? Nếu đã biết thì ta
không lo sợ nữa, ta có hạnh phúc ngay bây giờ. Bùn có đó nhưng ta không
sợ tại vì ta đã biết cách làm ra sen. Phiền não có đó nhưng ta không lo
tại vì ta đã biết cách làm ra bồ đề. Hạnh phúc có thể có ngay trong giây
phút hiện tại. Vấn đề là ta có con đường hay không, con đường đó là con
đường bát chánh. Bụt đã dạy con đường bát chánh đưa tới Niết
bàn, chỉ cần nhìn vào con đường là ta thấy được Niết bàn. Cũng như chúng
ta đã nói: Giữ một giới là ta có một tự do, giữ hai giới là ta có hai
tự do, ta có tự do ngay lập tức. Niết bàn là tự do, là sự lắng dịu đó.
Niết bàn hay giải thoát không phải là cái gì ta nhắm tới ở chỗ khác và ở
tương lai. Niết bàn, giải thoát, an lạc, niềm vui có thể có ngay trong
giây phút hiện tại. Nếu có con đường thì trong đời sống hằng ngày ta có
thể chế tác được hỷ, lạc, hạnh phúc và tự do. Nếu có con đường ta có thể
xử lý được những nỗi khổ niềm đau, chuyển hóa khổ đau trở thành an lạc.
Ta không cần phải đi đâu, không cần phải tìm gì, ta đã có tất cả trong
giây phút hiện tại.
Đây là bài pháp thoại ngày 17.01.2013 tại thiền đường Trăng Rằm, xóm Mới, Làng Mai trong khóa An Cư Kết Đông 2012-2013.
Nguồn: Làng Mai