Hiện nay có nhiều chuyên gia
nghiên cứu về nghiệp, ở đây chỉ nêu
lên một số nét đặc trưng của nó. Nghiệp là
cái mà Phật pháp đặc biệt nêu ra.
Trong định nghĩa về nghiệp và vai trò của nghiệp, đức Phật tuyên bố rất rõ chữ
nghiệp có nghĩa là hành động về thân,
về lời, và về ý, nhưng hành động ấy phải là hành động có tự tâm sở, tức là một
hành động có ý mình làm, tự mình quyết định làm, không ai xúi dục, không do ai
sai bảo. Vì đã là hành động tự mình ý thức làm, tự mình quyết định làm, nên đức
Phật xác định chúng tức là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, vừa chịu
trách nhiệm những hành động của chúng ta, lại vừa tự mình chịu kết quả các hành
động của chúng ta làm.
Các kết quả đền đáp lại những hoạt động về thân, khẩu, ý thì gọi là nghiệp báo. Ngoài ra người ta cũng gọi nghiệp báo là nhân quả trong đường luân
hồi.
Không phải hoạt động nào cũng có báo, những việc vô
ký như đi, đứng, nằm, ngồi, v.v.... không làm hại và cũng không làm lợi cho ai
thì không có nghiệp báo, hoặc nói một cách khác chỉ có nghiệp báo vô ký không
có ảnh hưởng gì trong đường luân hồi.
Những hành động có quả báo rõ ràng được chia làm 3
thứ:
a. Thiện nghiệp: là những việc lành, có lợi cho người và
đem lại quả báo tốt cho mình.
b. Ác nghiệp: là việc dữ, có hại cho người và đem lại
quả báo xấu cho mình.
c. Bất động nghiệp: tức là những hành động tu
luyện tự tâm, làm cho không lay động trước cảnh ngũ dục, những cảnh khổ vui và
những cảnh có hình tướng. Tu luycn cái tâm như thế gọi là tu thiền định.
Chính những thiện nghiệp, ác nghiệp, bất động nghiệp tổng
hợp lại tạo thành cái quả dị thục của một đời, tức là cái nghiệp báo dắt dẫn
thụ sinh trong đường luân hồi.
Những hành dộng tu tập thiền định, tức là bất
động nghiệp, có tác dụng rất 1ớn. Người tu hành được định nào, thì thụ
sinh theo định ấy, các nghiệp khác không thể lay chuyển được.
Ngoài bất động nghiệp ra, còn có những nghiệp đặc
biệt, có thể lấn át phần nào ảnh hưởng của các nghiệp khác, đó là:
a. Cực trọng nghiệp: là những nghiệp lành, nghiệp
dữ rất to lớn, ảnh hưởng nghiệp báo chung, như cứu mạng nhiều người, hoặc tàn
sát nhiều người v.v... nó quyết định phần lớn sự lên, xuống trong đường luân
hồi.
b. Tích tập nghiệp: là những việc lành, việc dữ
làm thường xuyên và thành thói quen. Do sự huân tập hàng ngày, nên có ảnh hưởng
rấl lớn đến nghiệp báo chung.
c. Cận tử nghiêp: là những việc làm khi gần chết, do những
việc làm này, nên ảnh hưởng nhưng mạnh hơn những việc làm đã làm từ đầu.
Tổng hợp những ảnh hưởng của tất cả các việc làm
lành, dữ, sau khi kể đến ảnh hưởng lớn lao của bất động nghiệp, cực trọng
nghiệp, tích tập nghiệp, và cận tử nghiệp, thì có thể hình dung được
nghiệp báo chung của một đời. Nghiệp báo của một đời do sự tổng hợp ảnh hưởng
của các nghiệp đã làm cho đời ấy, cộng với ảnh hưởng của các nghiệp đã làm
trong các đời quá khứ. Ví dụ: sự huân tập của các nghiệp trong quá khứ đã dẫn
dắt tâm thức của một chúng sinh vào loài người. Trong suốt một đời làm người,
nếu chúng sinh ấy tạo một số nghiệp thiện và nghiệp ác, ảnh hưởng xấp
xỉ ngang nhau, thì nghiệp báo chung của chúng sinh ấy sau khi chết vẫn cứ dẫn
dắt vào loài người có thể Thiện nhiều hơn một ít thì thông
minh, ác nhiều hơn một ít thì ngu ngốc. Ðạo Phật quan niệm có vô
lượng, vô biên thế giới, trong đó có vô lượng, vô biên cảnh giới loài người,
thiện nhiều hơn thì sinh vào những cảnh giới tốt, ác nhiều hơn thì sinh vào
những cảnh giới xấu.
Cái sức dẫn dắt của nghiệp báo vào loài người hay
loài khác thuộc về nghiệp lực, và nghiệp báo dẫn dắt như thế gọi là dẫn
nghiệp.
Nghiệp bao gồm cả ba kiếp là quá khứ, hiện tại, vị lai và
bao gồm cả không gian mười phương vô tận. Cái gọi là vũ trụ tức là gồm có thời
gian và không gian vô hạn. Trong cái thời-không đó hình thành mọi thế gian quốc
độ: khí thế gian, và hữu tình thế gian. Trái đất mà chúng ta đang sống là khí
thế gian, cũng là quốc độ thế gian. Ngoài ra, thuộc về những Chúng sinh có tính
linh là hữu tình thế gian. Những thế gian đó đều được hình thành bởi nghiệp
lực. Căn nguyên của nghiệp lực là tâm lực. Nói một cách
tổng quát, do nghiệp lực mà có thân (chính báo) và thế giới (y báo).
Chính
báo và y báo có thể thế này hay thế khác, tốt hay xấu là do nghiệp
lành hay dữ. Nhưng dù sao hễ còn nghiệp là còn hiện tượng giới. Dứt
trừ được nghiệp là trở về với Chân Như, là nhập Niết
Bàn. Thế gian do nhiều nghiệp lực chung (cộng
nghiệp) của Chúng sinh mà hình thành. Hoàn cảnh, cá tính, tư tưởng, và
sự cảm thụ của mỗi người đều khác nhau, đó là do nghiệp riêng (biệt
nghiệp) của họ khác nhau. Trong biệt nghiệp cũng có cộng nghiệp. Thí dụ
như sinh ra trong cùng một thời đại, cùng một khu vực, cùng một hoàn cảnh, thì
có cộng nghiệp giống nhau. Tất cả mọi sự kiện xảy ra đều do những nguyên nhân
từ trước, những nguyên nhân này tạo nên những quả mà không ai có thể tránh
khỏi. Một quốc gia cũng thế, nghiệp quả của một quốc gia ảnh hưởng đến tất cả
những người cư ngụ trong đó. Sự quan hệ giữa cộng nghiệp và biệt
nghiệp là vô cùng phức tạp và mật thiết đã tạo ra sức mạnh ngoài sức
tưởng tượng của con người; và không thể dùng sức mạnh khoa học kỹ thuật hay
thần thông để chiến thắng nó được.
Quả báo đời này là do hạt giống (chủng tử) quá khứ
sinh ra hiện hành. Hành vi tâm lý và sinh lý đời này trở thành hạt giống, nếu
nó chưa nở trong đời này thì lại là hạt giống cho đời sau. Vì vậy mới nói: “Muốn
biết việc đời trước, xem thụ báo đời này. Muốn biết việc đời sau, xem việc làm
đời này”.
Nghiệp quá khứ là nguyên động lực của cái kiếp sống
hiện tại: nó chỉ huy tất cả, thành ra con người giống như bộ máy bị một “định
mệnh” vô hình chi phối (mà người ta thường gọi là số mệnh),
cái túc nghiệp (nghiệp quá khứ) ấy giống như sức của mũi tên, chỉ khi nào sức
của mũi tên hết thì mũi tên sẽ rơi xuống đất. Bởi vậy, tạo nghiệp lành trong
hiện tại tuy cũng phá được một phần nào nghiệp báo của quá khứ, nhưng vẫn bất
lực trước một “định mệnh” khắt khe, đó là vì cái đà của sức mạnh mũi tên còn
rất lớn. Có thể coi đây là một định nghiệp quá nặng tất yếu phải chịu một sự
quả báo nào đó, không thể khác được. Việc nhất định phải xảy ra thì quỉ
thần cũng không thể giúp đỡ được. Giả sử có ai biết trước đi chăng nữa
thì cũng chẳng có ích lợi gì, chỉ có thể thay đổi tình thế phần nào bằng những
hành vi và tư tưởng tốt của mình mà thôi. Người đời thường dùng mọi thủ thuật
để chống lại những hoàn cảnh gây bất lợi cho mình, nhiều khi đã nắm chắc phần
thắng trong tay nhưng bỗng có những yếu tố bất ngờ làm đảo lộn tình thế. Vì họ
thiếu hiểu biết nên mới cho rằng: “số mệnh đã như vậy, không thể chống lại
được; con người có số rồi, sống chết cũng có số rồi, cứ làm càn, làm bậy đi”.
Thật là đáng tiếc!
Trong quá trình diễn biến của lịch sử, nhiều lúc
đất nước bị lâm nguy, không thể xoay chuyển được tình thế. Đó cũng là một “định
mệnh” quá khắt khe khiến mọi người trong xã hội phải bất lực Ðôi khi
người ta hay dùng những danh từ như “vận mệnh quốc gia”, “vận
nước” để chỉ cho tình thế thuận lợi hoặc bất lợi của quốc gia, mà những
tình thế ấy không thể đảo ngược được. Thời Tam quốc, các nhà trí thức thường
nói: mệnh
nhà Hán đã hết, không thể cứu vãn được. Gia Cát Lượng là người có tài
ngang trời dọc đất, cũng thấy được sự suy vong của nhà Hán, vừa bước ra khỏi
lều tranh đã chia ba thiên hạ. Vì rất cảm kích tấm lòng thành của Lưu Bị ba lần
lặn lội đường xa đến cầu ông, nên ông chịu ơn sâu này mà tình nguyện phò giúp
Lưu Bị, cố sức cứu lại nhà Hán. Tuy bước đầu giành nhiều thắng lợi, giữ vững
nhân hoà, chiếm được đất Thục, đứng vào thế chân vạc chia ba thiên hạ, song về
sau có những yếu tố mang lại sự thất bại đưa đến rất bất ngờ (nằm
ngoài sức tính toán của ông) khiến ông phải than: mưu sự tại nhân, thành sự tại
thiên. Nhà Hán lúc bấy giờ quá thối nát cho nên phải sụp đổ, không thể
tồn tại được!
“Vận mệnh” của con người nói riêng và
của cộng đồng nói chung do ai làm chủ tể và sai khiến? Không phải là “Thượng
đế”, cũng không phải là “Diêm vương”, cũng không phải là Phật hay
Bồ
Tát, mà là do chính mình tạo ra (nói riêng cho một cá nhân), chính
những cá nhân trong xã hội tạo ra (nói chung cho cả cộng dồng). “Vận
nước” vào lúc suy đồi là do chính những cá nhân trong xã hội đã phun ra
“tà
khí cực độc” làm cho “khí thế gian” của cả dân tộc rất u
ám nặng nề, không thể tiêu ngay được. “Tà khí” ấy sẽ làm cho tâm địa mỗi
con người trong xã hội ngày càng trở nên đen tối khiến cho nhiều bậc thiện trí
thức càng ngày càng bị “mòn mỏi ốm yếu” rồi sẽ “chết
mòn”, từ đó làm cho xã hội càng ngày càng suy yếu...
“Số phận” của mỗi con người không
giống nhau, đó là do biệt nghiệp. Thế còn cộng nghiệp? Thời đại mà chúng ta
sinh ra là thời đại khổ não, thời đại chiến tranh, nhất là các cuộc đại chiến
thế giới trong thế kỷ 20, những lò lửa thiêu sống người của bọn phát xít Ðức,
những cuộc thảm sát ở Campuchia, những trận đói lớn, những cuộc di tản bỏ trốn
sang nước ngoài, những cuộc nội chiến tinh thần âm ỉ do những sự đối kháng tư
tưởng làm mất hết nhân tính, rồi đến một lúc nào đó sẽ bùng nổ trở thành những
đợt sóng thần dữ dội dìm không biết bao sinh mạng xuống đáy đại dương; rồi thì
đầu thế kỷ 21 đã xảy ra vụ khủng bố vào ngày 11/09/2001 ngay tại trung tâm Thủ
đô nước Mỹ, tiếp theo là những trận tấn công ồ ạt của Mỹ vào Apganistan nhằm
tiêu diệt bọn khủng bố, và chiến tranh cứ thế tiếp diễn. Ðó là cộng nghiệp
chung của thế hệ, của thời đại chúng ta. Cổ nhân nói: “Muốn biết kiếp binh đao cuộc thế,
hãy nghe tiếng dao nhà đồ tể lúc đêm khuya”. Bụng chúng ta đã nuốt bao
nhiêu mạng sống rồi, biết bao trâu, bò, lợn, gà, thậm chí cả động vật hoang dã
như hổ, báo, voi v.v... bị con người lấy thịt ăn, hầm xương nấu cao! Chất thải
công nghiệp độc hại hằng ngày tuôn ra gây nên sự ô nhiễm cho các loài động vật,
trong đó kể cả các động vật sống dưới biển. Tại Việt Nam, rừng Tánh Linh bị tàn phá đến
nỗi loài voi ở đây không còn chỗ sống chúng liền quay lại tấn công con người.
Chẳng nhẽ bạn ăn người ta mà không phải trả nợ sao? Chẳng nhẽ bạn hủy diệt môi
trường sống của họ, cướp nhà và phá nhà của họ mà người ta không thù oán bạn
hay sao?
Thái độ Phật giáo đối với vấn đề “đời
trước làm việc ác, đời này tuy cố gắng nhưng vẫn có thể chịu báo ứng quả xấu”
do vậy:
1. Phải tiếp tục làm nhiều điều thiện hơn nữa mà chớ có nản lòng.
2. Đối với “quả ác” khi đã không thể thay đổi được thì con người dũng
cảm tiếp nhận với tâm trạng an nhiên tự tại, vì người quân tử dám làm dám chịu,
chớ nên oán trời hay trách người mà rắp tâm bỏ trốn hay đổ vấy cho kẻ khác.
Dù đã cố gắng hết sức nhưng nhiều tai ương vẫn dồn
dập đổ lên đầu chúng ta thì mọi người chớ có thối chí mà làm càn làm bậy? Hãy
tin tưởng vào những hành vi tư tưởng trong sáng của mình. Hãy tin rằng tương
lai rực rỡ không phụ bạc những con người luôn luôn có tâm hướng thượng! Bởi vì
thuyết nghiệp lực của Phật Pháp cho rằng tất cả là kết quả của hành vi
hữu tình. Hoàn cảnh xấu xa tồi tệ do sai lầm trong quá khứ gây ra, thì hãy nên
bằng sự cố gắng hợp lý của thân tâm hiện tại để thay đổi. Ngay cả trong trường
hợp bất lực trong kiếp này, thì vận mệnh bi thảm ở tương lai cũng chưa phải là
kết cục cuối cùng, mà chỉ là một đoạn của cả một quá trình.
Đáng tiếc rằng trên thực tế có nhiều người khi nghe
nói tới đức Phật sẽ nghĩ ngay rằng Ngài là người có vô lượng thần thông, biến
hóa khôn lường, trừ được mọi tai ương cho bất cứ ai... Thực tế đã có người hỏi:
“Nếu
đức Phật là bậc đại hùng, đại lực, đại từ, đại bi thì tại sao đức Phật lại nhẫn
tâm dửng dưng trước nỗi thống khổ của nhiều người? Và tại sao Ngài không dùng
thần thông trừ hết lũ tham nhũng hại dân, hại nước? Kẻ trộm vào chùa ăn cắp
tượng Phật mang bán, tại sao Ngài bất lực đến nỗi để cho chúng hỗn láo như vậy?”.
Có những kẻ cho rằng tu theo lời Phật dạy tất sẽ có thần thông, muốn gì được
nấy, rồi họ đi tu cốt để mong có thần thông. Vậy thần thông có thể trừ bỏ được
nghiệp lực ác không? Sau đây ta sẽ nêu lên một vài trường hợp có thần thông
nhưng vẫn phải chịu bất lực trước quả báo.
Khi Phật còn tại thế, Tôn giả Mục Kiền Liên sau khi
chứng quả A La Hán đã có đủ lục thông. Vì thần thông siêu việt nên Tôn giả có
thể dùng nó đi từ thế giới này đến thế giới nọ trong chớp mắt, hoặc dùng thần
thông hoá hiện tuỳ ý. Một hôm Phật ngự trên một tầng lầu, dưới tầng trệt các Tỳ
kheo nói chuyện ồn ào, Phật bảo Tôn giả Mục Kiền Liên làm cho các Tỳ kheo đó
đừng làm ồn nữa. Tôn giả liền duỗi chân ra thì cái nhà xoay tròn, các Tỳ kheo
hoảng hốt không dám nói chuyện nữa. Với thần thông như vậy, vì lòng hiếu thảo
Ngài dùng thiên nhãn thông tìm thấy mẹ Ngài đang mang thân ngã quỉ khổ vô cùng.
Ngài thương xót mẹ nên đi khất thực được một bát cơm, liền vận lnần thông đem
đến dâng cho mẹ. Khi được cơm, tay trái bà bưng bát cơm, tay phải bốc cơm đưa
lên miệng, nhưng cơm vừa tới miệng liền hoá thành lửa. Tôn giả thấy vậy liền
rơi nước mắt.
Chúng ta đặt câu hỏi: nếu thần thông của Tôn giả
Mục Kiền Liên siêu việt thì tại sao Ngài không dùng thần thông thổi tắt lửa để
mẹ Ngài dùng cơm mà lại đứng khóc. Như vậy rõ ràng thần thông không trừ được
nghiệp ác cho người thân, không chi phối được nghiệp lưc, cũng không đưa người
đến sự an lạc vĩnh viễn. Thử hỏi xem có thần thông để làm gì?
Do không cứu được mẹ, Tôn giả trở về thuật lại cảnh
khổ của mẹ, cầu Phật dùng phương tiện để cứu giúp. Phật dạy:
– Mẹ ngươi nghiệp ác quá nặng, sức ngươi cúng dàng không thể cứu được. Ngươi
phải làm lễ Vu Lan chư tăng:
Sơn lâm thiền định
Thọ hạ kinh hành
Lục thông La Hán
Nhờ oai lực của các vị này cầu nguyện thì mẹ ngươi mới thoát được kiếp
ngã quỉ.
Khi đó, Tôn giả vâng theo lời Phật dạy sắm sửa trai
diên, thỉnh chư Tăng đang thiền dịnh ở núi rừng, đang kinh hành dưới cội cây,
là những bậc chứng được lục thông A La Hán cùng trợ lực cầu nguyện thì mẹ Ngài
mới thoát kiếp ngã quỉ. Vì lý do Tôn giả Mục Kiền Liên không đủ sức cứu mẹ, nên
phải nhờ số đông chư Tăng đã chứng A La Hán trợ lực mới cứu được.
Khi về già, một hôm chính Tôn giả đi khất thực qua
chân núi bị ngoại đạo lăn đá đè Ngài chết. Bình thường gặp những chuyện như thế
này Ngài dùng thần thông bay bổng là tránh được hoạ. Nhưng bây giờ nghiệp lực
đến, thấy đá lăn từ trên xuống, Ngài dùng thần thông bay đi nhưng bay không
được nên bị đá đè chết. Như vậy thần thông bất lực trước quả báo.
Thời đức Phật còn tại thế, có bốn người ngoại đạo
tu chứng được ngũ thông. Thiên nhãn thông là thấy tất cả
người vật gần hay xa. Thiên nhĩ thông là nghe khắp tất cả
âm thanh lớn nhỏ gần xa. Tha tâm thông là biết được ý nghĩ
người khi mới khởi nghĩ chưa nói ra lời. Thần túc thông là biến hoá thân hình
lớn nhỏ tuỳ ý, thăng thiên độn thổ không ngại. Túc mạng thông là biết
được vô số kiếp về trước. Bốn vị này biết mình sắp bị quỉ vô thường đến bắt đi,
nên mỗi người tìm cách để trốn thần chết. Vị thứ nhất dùng thần thông bay lên
hư không núp trong đám mây xanh. Vị thứ hai vận thần thông lặn xuống đáy biển.
Vị thứ ba dùng thần thông chui vào lòng núi. Vị thứ tư chui trốn ở trong lòng
đất. Tất cả bốn vị đều nghĩ rằng chỗ mình trốn quỉ vô thường không thể tìm
được. Nhưng đến giờ thần chết đến thì vị thứ nhất ở trên mây hết thần thông rơi
xuống đất nát thây. Vị thứ hai ở dưới biển hết thần thông ngợp chết nổi lên. Vị
thứ ba ở trong lòng núi hết thần thông đá nứt đè chết. Vị thứ tư ở trong lòng
đất hết thần thông bị đất sụp chôn thây luôn.
Lại một trường hợp nữa: có một vị tu sĩ đạt đạo
chứng được ngũ thông, thuyết giảng giáo lý rất hay đến nỗi Trời Ðế Thích cũng
đến nghe. Một hôm, Trời Ðế Thích nghe giảng xong ra ngoài ngồi bên gốc cây
khóc. Vị tu sĩ lấy làm lạ hỏi:
–Tại sao nghe giảng xong ông lại khóc. Tôi giảng có
chỗ nào ông không đồng ý.
Ðế Thích đáp:
– Không. Ngài giảng rất hay, vì tôi thấy Ngài sắp chết
nên tôi thương tôi khóc.
Tu sĩ hỏi:
– Vậy phải làm sao cho khỏi chết?
Ðế Thích đáp: Nếu Ngài muốn khỏi chết, hãy đến cầu
cứu với Đức Phật Thích ca.
Tu sĩ hỏi:
– Đức Phật Thích Ca là ai và đang ở đâu?.
Ðế Thích đáp:
– Ngài là một vị giác ngộ hoàn toàn sạch hết vô
minh lậu hoặc, đang ở tịnh xá trúc lâm gần thành Vương xá.
Vị tu sĩ bèn vận thần thông bay đi tìm Phật, dọc
đường ông nghĩ rằng: đi cầu Phật dạy nên có lễ vật để cúng dường Ngài. Ông thấy
bên đường có những cây ngô đồng đang trổ hoa thật đẹp, bèn nhổ và cầm đến cúng
Phật. Khi tới tịnh xá Trúc Lâm, thấy Phật đang thuyết pháp cho chúng Tỳ kheo
nghe, ông quì xuống dâng hai cây ngô đồng lên Phật và thưa:
– Thưa Thế Tôn, con xin cúng dường Ngài hai cây ngô
đồng và cầu xin Ngài dạy cho con phương pháp tu để khỏi chết.
Lúc đó Phật không dạy gì hết, chỉ bảo:
– Buông!
Tu sĩ buông tay thứ nhất, ngã cây ngô đồng thứ
nhất.
Phật lại bảo:
– Buông!
Tu sĩ buông cây thứ hai, ngã cây ngô đồng thứ hai.
Phật nói tiếp
– Buông!
Tu sĩ sửng sốt thưa:
– Hai tay con cầm hai cây ngô đồng, lần thứ nhất
Phật bảo buông, con buông cây thứ nhất, lần thứ hai Phật bảo buông, con buông
cây thứ hai là hết. Phật bảo buông nữa con không biết buông cái gì?
Phật nói:
– Ta đâu có bảo ông buông hai cây ngô đồng. Lần thứ nhất ta bảo ông
buông là đừng chạy theo ngoại cảnh. Lần thứ hai ta bảo ông buông là đừng chấp
sáu căn làm ngã. Lần thứ ba ta bảo ông buông là không chấp sáu thức làm ngã.
Nếu ông buông hết ba thứ đó thì ông hết chết.
Nghe Phật nói, tu sĩ nhận ra yếu chỉ, tu một thời
gian chứng A La Hán. Hết chết là không còn nghiệp dẫn đi trong luân hồi sinh
tử, chứ không phải thân tứ đại hiện đời không hoại, không chết. Ðể thấy rằng dù
có tu luyện được thần thông đến đâu mà chưa buông xả được cảnh, thân và tâm
thức thì cũng chưa thoát khỏi sinh tử luân hồi.
Cũng trong thời kỳ Đức Phật còn tại thế, cô Kisa
Gotami là một phụ nữ rất thật thà chất phác có một đứa con trai. Chẳng may con
cô lâm bệnh rồi một hôm qua đời. Thương con quá đỗi, cô tin tưởng rằng con mình
không thể chết, vội vác nó lên vai, chạy tìm đức Phật và xin Ngài cứu sống. Có
lẽ cô ta tin rằng đức Thích tôn có phép mầu nhiệm cải tử hoàn sinh cho nên mới
xin Ngài như vậy. Ðức Phật bèn bảo cô đi tìm kiếm một ít hột cải nơi một nhà
nào không có người chết để Ngài cứu tử hoàn sinh cho đứa trẻ. Hột cải thì cô
kiếm ra, nhưng nhà mà không có người chết thì cô đi khắp cùng cũng không tìm
đâu ra được. Tức thì cô hiểu đức Phật muốn dạy gì bèn đem chôn cất con và trở
lại xin đức Phật cho phép cô xuất gia làm Tỳ kheo ni. Một đêm ngồi trước ngọn
đèn, thấy đèn mờ dần rồi tắt, cô suy xét hiểu được lý sinh diệt vô thường thế
là liền đắc quả A La Hán.
Lại một hôm Phật cùng các đệ tử đi qua một khu
rừng, vừa đến một mé sông thấy có một vị Ðạo sĩ Du già ngồi ở cội cây. Phật
hỏi: “Ông ở đây bao lâu và đã tu được gì?”. Ðạo sĩ nói: “Tôi tu 40 năm và đã
được phép khinh thân, đi qua con sông không cần phải ghe xuồng gì cả!”. Nói
đoạn, Ðạo sĩ niệm chú, bước qua sông nhẹ như chiếc lá trưước những cặp mắt thán
phục của các đệ tử Phật. Phật nói với Đạo sĩ: “Tưởng gì lạ, chứ để đi qua con
sông như thế mà phải tốn công phu tu luyện 40 năm, thật là uổng phí công phu vô
ích quá! Chỉ với đồng tiền này, người đưa đò sẽ đưa chúng tôi qua bên kia sông
một cách dễ dàng”.
Đạo sĩ phải mất bốn mươi năm luyện tập để được thần
thông cũng chỉ để qua sông, trong khi đó Phật chỉ tốn ít tiền mà đưa được cả
mọi người qua sông! Thử hỏi xem thần thông ấy có giá trị gì? Nhà Phật không
trọng thần thông, coi đó chỉ là trò biểu diễn vui chơi, không làm cho con người
thoát được khổ đau.
Nói về thần thông thì ngay trong trang đầu, cuốn Cổ
thư đã cảnh cáo: “Người học đạo phải có một quan niệm đúng đắn về “quyền năng” để tránh
mọi phiền phức và nguy hiểm về sau. Trước hết, những quyền năng dường như khác
thường không hề có tính cách phản thiên nhiên, trái với các định luật vũ trụ.
Sở dĩ nó khác thường vì trong giai đoạn thời gian và không gian đó, số ngưòi có
được những quyền năng đó rất hiếm mà thôi. Tất cả mọi quyền năng đều tiềm tàng
trong tất cả mọi người nhưng chưa được phát triển nên chưa xuất hiện. Chỉ khi
con người hoàn toàn làm chủ lấy chính mình thì quyền năng sẽ tự nhiên khai mở,
nhưng vẫn còn rất nhiều nguy hiểm đợi chờ. Thói xấu đầu tiên cần phải ý thức là
sự kiêu căng. Mặc dầu quyền năng tiềm ẩn trong tất cả mọi người nhưng vì số
người có quyền năng rất ít nên các tu sĩ đắc thần thông thường tưởng lầm họ đã
trở nên một đấng này, đấng nọ; họ tưởng rằng mình đã sáng suốt, đã được giao
phó các sứ mạng lớn lao, không thể lầm lạc được nữa. Từ đó đưa đến nguy cơ thứ
hai là sự lầm lẫn, một tu sĩ đắc thần thông cần phải biết rằng có rất nhiều
người khác cũng có các quyền năng tương tự chứ không phải mình là người duy
nhất được những ân huệ đó. Vì không ý thức điều này, tu sĩ dễ lầm lạc về những
điều mình chứng nghiệm. Thiếu khả năng xét đoán, thiếu những tiêu chuẩn để trắc
nghiệm xem điều mình ý thức có hợp với Chân lý hay không, thiếu ý thức về tỷ lệ
tương đối nên y dễ lầm lẫn một điều tầm thường thành ra các Chân lý trọng đại
gây lầm lẫn cho những người đi theo sau. Nguy hiểm thứ ba là sự không trong
sạch, tinh khiết về đời sống cũng như tư tưởng. Chỉ một ý niệm bất tịnh nhỏ cũng
đủ lôi cuốn những ảnh hưởng xấu xa và một sai lầm từ khởi điểm sẽ làm lệch hẳn
đường đi cùng mục đích tu hành đến những nơi chốn phiêu lưu, vô định...”
Theo sách Cổ thư thì có năm phương pháp để khai mở
năng khiếu thần thông: bẩm sinh, dược chất, thần chú, tu luyện và
thiền định. Sau khi nói về năm phương pháp khai mở thần thông này, cuốn
Cổ thư lại cảnh cáo: “Quyền năng là những năng khiếu tự nhiên sẽ
đến khi người tu đạt đến một mức nào đó, đó chỉ là những phương tiện giúp người
tu tiếp tục con đường của mình, nghĩa là giải thoát khỏi luân hồi sinh tử.
Tuyệt nhiên, quyền năng không phải là những điều cầu mong, hay mục đích của vấn
đề tu hành. Kẻ nào ham mê thần thông sẽ gặp những hậu quả vô cùng tai hại”.
Phật dạy các đệ tử: “Ngộ được đạo thì tự nhiên sẽ có
thần thông. Nếu được thần thông mà chưa ngộ được đạo thì thần thông ấy có khi
bị mất”. Đệ tử Phật thâm nhập thiền định thì cũng có ngũ thông, nhưng
Đức Phật cũng không cho phép họ lợi dụng những thần thông đó để truyền bá Phật
pháp, càng không cho phép để mưu cầu danh lợi. Nếu không phải ở hoàn cảnh đặc
biệt thì không được tùy tiện biểu hiện. Ví dụ một vài trường hợp đặc biệt như
hàng phục ngoại đạo hoặc quỉ thần; vì sợ sau này Thiên ma ngoại đạo dùng thần
thông hay phép lạ làm mê hoặc lòng người. Thần thông đối với xã hội, đối với
mình nguy hiểm như thế nào chỉ có Đức Thích tôn mới có thể hiểu sâu sắc. Những
kẻ lợi dụng thần bí để kêu gọi truyền bá Phật pháp là những kẻ có tội đối với
Phật giáo chúng ta. Phật thường nhắc nhở dặn dò các đệ tử: “Phải
dùng giáo lý chân chính dạy người. Khi người hiểu được giáo lý rồi tin theo,
thì lòng tin đó mới được chân chính”.
Vì thế nên Phật không từ trên không rơi xuống, hay
tự nhiên xuất hiện; mà Ngài lại thị hiện cũng như người, lớn lên có vợ con, rồi
đi tu và thành đạo v.v... để cho Chúng sinh sau này đừng có tin tưởng những
điều huyền bí hoặc thần kỳ.
Khi Phật còn tại thế, có người đàn-việt đem dâng
cái bình bát cho chư tăng, lại để trên đầu một cây cột phướn cao, và thưa rằng:
“Nếu vị nào lấy được, tôi sẽ cúng cho”.
Khi đó ông Tân-Đầu-Lô-Phả-La-Đọa-Xà-Tôn-giả dùng
thần thông lấy cái bình bát ấy. Ông bị Phật quở trách rất nghiêm khắc, và phạt
ông phải ở lại thế gian ứng cúng, làm phúc điền cho Chúng sinh không được nhập
diệt. Và Phật còn chế ra luật cấm các đệ tử không được dùng thần thông hay phép
lạ trước người phàm phu.
Thần thông không phải là nét đặc sắc của Phật pháp,
vì nó không thể đạt được chánh giác giải thoát, mà là chung cho cả ngoại đạo.
Phật dạy có 50 món ma chướng thường dùng đủ thần lực đến nhiễu hại người tu.
Chúng cũng đủ năm phép thần thông biến hóa, chỉ chưa được lậu tận thông.
Phật pháp coi trọng “lậu tận thông”, tức là sự
thanh tịnh hết phiền não. Trọng tâm của người học Phật, bất luận là Đại Thừa
hay Tiểu Thừa, đều là làm thanh tịnh các nghiệp chướng. Tu theo đạo Phật trước
tiên là tránh ba nghiệp ác và tạo ba ngihệp lành của thân, khẩu, ý. Vì nghiệp
có sức mạnh đưa người tới chỗ khổ hay vui. Trong kinh Hoa Nghiêm có bài kệ sau:
“Xưa kia tạo ra bao ác nghiệp,
Đều do vô thủy tham sân si.
Từ thân-khẩu-ý mà sinh ra
Hết thảy nay con đều sám hối”.
Đức Phật dạy con trai của Ngài là La Hầu La như
sau: “Này La Hầu La, sau khi phản tỉnh nhiều lần, hãy hành thân nghiệp; sau
khi phản tỉnh nhiều lần hãy hành khẩu nghiệp; sau khi phản tỉnh nhiều lần hãy
hành ý nghiệp”. Kinh Pháp Cú có câu: “Thận trọng lời nói, kiềm chế ý
nghĩ, thân không làm ác, ba nghiệp thanh tịnh, là được đạo thánh nhân”.
Phật còn nói rõ: Muốn có thọ mạng, không thể cầu xin thọ mạng hay tán thán thọ mạng để
làm nhân đem lại thọ mạng. Vị Thánh đệ tử muốn có thọ mạng cần phải thực hành
con đường đưa đến thọ mạng, đưa đến dung sắc, đưa đến an lạc, đưa đến tiếng đồn
tốt, đưa đến sinh thiên, vị ấy mới thành tựu được, mới đạt được năm điều khả
lạc mà mình ước muốn ở đời.
Khổng Tử nói: “Mạ lên không tốt là do người, tốt mạ lúa
không chắc hạt là do người”. Theo lý lẽ đó, nếu kiếp trước làm điều ác,
đến đời này biết ăn năn hối lỗi và làm nhiều việc thiện thì “có
thể không phải chịu quả ác”. Trong Kinh A Hàm, Phật dạy: “Người
gây nhân bất thiện, trước hoặc sau họ biết tu thân, tu giới, tu tâm thì quả sẽ
đổi thay. Nếu người gây nhân bất thiện mà không biết tu thân, tu giới, tu tâm
thì gây nhân nào sẽ thụ quá nấy, đó là nhân nào quả nấy. Và gây nhân mà biết
chuyển nghiệp thì quả sẽ đổi thay”. Phật dẫn dụ như sau: có một gia chủ
chăn nuôi một bầy dê, một hôm có người thưòng dân đến trộm dê bị gia chủ bắt
được đánh, sau đó lại còn đưa ra pháp luật bỏ tù. Lần khác, kẻ trộm dê là người
của quan lớn, gia chủ chỉ bực tức nói nặng đôi câu chứ không đối xử thậm tệ như
người thường dân trước. Kế tiếp, kẻ trộm dê là lính của vua, thì gia chủ không
dám nói nặng nhẹ và chỉ van xin, năn nỉ đừng bắt dê. Trong ba trường hợp dụ
cho: ngưòi không biết tu thân, tu giới, tu tâm gây nhân bao nhiêu thì phải trả
quả bấy nhiêu, vì vậy mà nói nhân nào quả nấy, đó là dụ người thường dân trộm
dê không thế lực. Trường hợp người trộm dê là lính của quan thì chỉ bị trách
móc nặng nhẹ, đó là dụ cho người biết tu thân, tu giới, tuy có thọ nhận quả ác
nhưng quả báo nhẹ hơn. Trường hợp người trộm dê là lính của vua thì không bị
đánh đập, không bị nói nặng nhẹ. Ðó là dụ cho người tuy có tạo nhân ác, nhưng
biết tu thân, tu giới, tu tâm thì nghiệp quả được hoá giải.
Ðáng tiếc rằng người đời thường phổ biến những kinh
nghiệm sống cho nhau như: ai đánh thuế lời nói? Ai bịt được mồm
thiên hạ? Lời nói gió bay chẳng để lại dấu vết gì.
Người xưa đã từng dạy: đạo trời, phép nước và lưới trời
lồng lộng thưa mà khó lọt. Thử hỏi xem ai đo được ý nghĩ của nhau?
Nhưng chỉ một ác ý thôi đã chịu quả báo rồi, không thể trốn chạy được. Một ý ác
đối với tha nhân đủ gây thành mộl ý nghiệp không hay, bởi nó đã gieo vào A lại
da thức một hột giống xấu cho ta và cho người, huống chi là lời nói xấu gây
thành khẩu nghiệp. Bởi vậy mới nói: thế gian khách quan sẽ không còn phải là
khách quan nữa nếu ta nhận thấy nó chỉ là “sản phẩm” của A lại da thức của
chúng ta, vì vậy “tạo” và vật “thọ tạo” là một.
Thực tế cũng cho thấy động lực chính của sự tạo
nghiệp là ý thức (thức thứ 6). Ý thức có một tác dụng vô cùng mạnh mẽ, nó
chi phối tất cả mọi thức khác, lại có quyền sáng tạo và thay đổi cả một đời
người. Trong giai đoạn hiện tại, cá nhân phải chịu gánh tất cả những quả báo
của nghiệp quá khứ (túc nghiệp), và nghiệp báo hiện tại (hiện nghiệp). Nhưng “ý
thức” với sự phụ hoạ của các thức khác trong giai đoạn sống hiện tại lại cũng
có quyền năng tạo nghiệp mới để làm động lực cho sự phát sinh một sinh mạng sau
này.
Khi học Phật thì nhiều người đều thấy rằng chỉ cần
tận tâm tận lực, làm thiện trừ ác, làm theo hạnh Phật, nói theo lời Phật, học
theo Bồ Tát, thì “vận mệnh” tương lai sẽ nắm chắc trong tay ta. Tuy nhiên ở đây
ta nên bàn thêm về cặp mâu thuẫn thiện và ác.
Thiện ác (theo nghĩa thông thường) cần phải được nhìn với
cặp mắt đại đồng, cần phải được xem như hai đứa trẻ sinh đôi cùng một vú mẹ,
như một quả tim với hai luồng máu đỏ đen... Hay nói theo triết học Kinh Dịch
của Trung Hoa thì thiện ác giống như cặp âm dương, tuy thấy như mâu thuẫn mà
chẳng hề bao giờ rời nhau. Sở dĩ được gọi là dương vì phần dương lấn phần âm, được
gọi là âm là vì phần âm lấn phần dương. Thực ra không có một sự vật nào trên
đời mà thuần âm hay thuần dương, cũng như không có cái gì là thuần ác hay thuần
thiện. Không có một đức hay nào mà không bị đeo theo cái tật xấu của nó. Phải
biết vượt lên trên cả ác lẫn thiện, thì mới mong siêu thoát luân hồi sinh tử mà
vào cảnh trí Niết Bàn.
Tu “thiện nghiệp” để phá trừ “ác nghiệp”, lại được
một số đông người học Phật cho là phương liện để đi dần đến Phật thừa. Nhưng họ
đã lầm. Họ đã quên rằng muốn được giải thoát, muốn vào được Niết Bàn, phải vượt
lên trên cặp mâu thuẫn thiện ác mới cầu được Trí tuệ Bát Nhã. Một cái “ngã” dù
có to lớn, tốt đẹp bao nhiêu, vẫn là cái “ngã”. Cũng như một sợi dây xích bằng
sắt hay bằng vàng vẫn là sợi dây xích, nó vẫn ràng buộc, cột chặt con người
trong vòng sinh tử luân hồi và đau khổ của họ. Cả hai đều mê lầm như nhau, đều
bị màn Vô minh và ái, thủ, hữu... che lấp, bị tham, sân, si dày vò cấu xé tâm
hồn. Cho
nên tu “thiện nghiệp”, tu cầu phúc... sẽ không bao giờ đưa đến “giải thoát”
được!
Người ta vì không nhận rõ được cái chân lý ấy nên
thường tưởng lầm rằng “tu giải thoát” là lấy cái thiện mà trừ cái ác, không dè
thiện hay ác đều có nguồn gốc từ Vô minh. Bởi vì ác là do lòng ích kỷ mà ra,
thì thiện cũng là một hình thức khác của “ngã chấp”, tức là trong óc nghĩ có
mình. Bị ác nghiệp thì bị lăn trôi trong dòng sinh tử luân hồi, nhưng được
thiện nghiệp thì cũng vẫn bị như vậy thôi, tất cả đều bị bó mình trong nghiệp
báo. Bởi vậy, tu là để chấm dứt dòng nhân quả nghiệp báo, là tu để chứng nhập
Niết Bàn. Nếu lại tu theo cách cầu phúc báo, tu theo thiện nghiệp để rồi phải
bị mãi trói buộc trong vòng sinh tử luân hồi, thì cái “tu” đó là tu theo con
đường “tiệm pháp”, tức là con đường tu thập thiện (thiên thừa), con đường lo
trau dồi các đức hay tính tốt chỉ có thể kiến tạo một đời sống giải thoát trên
cõi ta bà, sẽ không bao giờ đưa ta đến giải thoát luân hồi sinh tử được.
Khi Thái tử Tất Ðạt đa tu sắp thành đạo dưới cội
cây bồ đề, Ma Ba Tuần biết Ngài sắp chứng đạo nên cùng nhau đến phá Ngài. Quân
ma có tới 18 ức bao vây Ngài dưới cội cây bồ đề. Ma bảo:
– Sa môn mau đứng dậy.
Thái tử lặng thinh không đáp như thế đến ba lần. Ma
hỏi:
– Sa môn sợ ta chăng?
Thái tử đáp:
– Ta không kinh sợ.
Ma hỏi:
– Sa môn thấy bốn chúng binh của ta chăng? Ông chỉ
một mình, không binh khí, đầu cạo, mặc y bảy thân, lại nói không sợ?
Thái tử đáp bằng bài kệ:
Giáp nhân cung tam muội
Tay cầm
tên trí tuệ
Phước nghiệp làm binh khí
Nay sẽ phá quân ngươi
Ma bảo:
– Nếu không nghe theo lời ta, ta sẽ làm cho thân
hình ông tan thàrh tro bụi.
Thái tử nói:
– Ta tự xem xét trên trời, cõi người, ma và thiên
ma, nhân và phi nhân cùng bốn độ chúng của ngươi không thể đụng được một mảy
lông của ta.
Ma nói:
– Sa môn, nay muốn cùng ta giao chiến chăng?
Thái tử đáp:
– Muốn được giao chiến.
Bấy giờ Thái tử mặc áo giáp nhân từ, Ngài dùng cung
tam muội, tên trí tuệ và binh khí phúc nghiệp để giao chiến với ma quân
và giành chiến thắng một cách vẻ vang.
Chúng ta thấy đức Phật khi chiến đấu với ma quân
chỉ dùng có bốn loại binh khí:
1. Nhân từ là do tự tâm phát khởi lòng
thương yêu vô lượng vô biên với tất cả mọi loài không oán khóng thù ai nên ma
không hại được. Còn chúng ta thì lòng từ chưa bủa khắp, sử kỷ tiếp vật còn
thân, còn sơ nên ma tham, ma sân có chỗ vào vì vậy mà cứ hay bị thua ma.
2. Chính định là do lóng lặng mọi phiền
não sâu nặng nhất mà được thanh tịnh, nhờ tâm thanh tịnh nên trí tuệ phát sáng;
dù ma có hiện hình tướng kỳ quái thô hạo hung dữ đến đâu, Ngài vẫn mặc nhiên
không run, không sợ nên ma không hại được. Chúng ta do tâm không an định nên sợ
và thua ma.
3. Với trí tuệ sáng suốt, Phật thấy rõ thân
này không thật thì các tướng mạo của ma quỉ nào có thật nên không bị chi phối
bởi ma. Chúng ta vì trí tuệ chưa sáng, thấy thân này thật, ma cũng thật, sinh
tâm kinh sợ nên bị ma hại.
4. Phúc nghiệp do công phu tu tập, làm
lợi ích Chúng sinh, phúc đức kết nhóm nhiều đời nhiều kiếp nên ma không hại
được. Chúng ta tu sở dĩ thường gặp chướng nạn là vì phúc đức mỏng, sức tu tập
yếu nên ma nhiếp phục dễ dàng.
Ðiều căn bản không một người tu nào có thể thiếu
được là phải giữ tâm không oán, không thù; lần lần để tâm tĩnh lặng cho trí tuệ
phát sáng, và hằng ngày làm việc thiện lành lợi ích cho mọi người. Người ta có
câu nói: kẻ nào không biết tha thứ là kẻ ngu! Vậy nên chớ có dùng oán
báo oán, ngược lại phải dùng ân báo oán.
Khi tu hành đừng ỷ vào sự thông minh, tài giỏi,
khôn khéo lanh lợi mà phải xét nét công hạnh tu tập của mình. Trên thực tế có
rất nhiều người khôn lanh, thông minh, tài giỏi nhưng cũng không tránh được
chướng nạn khổ đau. Ngược lại, người có nhiều phúc đức thì vượt qua tất cả mọi
chướng ngại, sự tu tập dễ dàng tiến mau nên được kết quả tốt. Nếu thấy phúc đức
mình cạn mỏng thì lo vun trồng cho được sâu dày, hầu giúp mình vượt qua mọi chướng
nạn và tiến tới chỗ cứu cánh viên mãn.
Nếu tu mà nghiệp thức còn thì dù có chứng thần
thông siêu việt đến đâu cũng không giải cứu được khi nghiệp báo đến. Vì thế,
đạo Phật không trọng thần thông, mà sợ gây nghiệp ác khuyên tạo nghiệp lành.
Ðối với những ác nghiệp quá mạnh khi đã không thể thay đổi được thì con người
dũng cảm tiếp nhận với tâm trạng an nhiên tự tại. Thế nên mọi hiện tượng huyền
bí lạ lùng không phải là cái đích cho người tu Phật hướng đến. Con người ở thế
giới này gây ác nghiệp thì nhiều, còn thiện nghiệp thì ít. Người tu Phật chân
chính là tự trau dồi đức hạnh sửa mình để trở thành người tốt, nhân từ đức
hạnh, tâm bình an, trí tuệ sáng suốt, hằng ngày làm lợi ích cho mọi người đó là
điều cơ bản. Không hiếu kỳ, không lười biếng, không ỷ vào thần quyền ma lực, tu
như thế mới đúng với tinh thần của đạo Phật. Như trên đã nói, trọng tâm của
người học Phật là làm thanh tịnh các nghiệp chướng. Chỉ khi nào làm thanh tịnh
các nghiệp chướng thì lúc ấy mới thành Phật. Trong kinh “Tứ Thập Nhị Chương” Phật
có nói rằng: “Bao nhiêu vẩn đục trong tâm đều rũ sạch trong trắng không chút vết dơ,
như thế là sáng suốt hơn cả, từ khi chưa có trời đất cho đến ngày nay, muôn
ngàn sự vật trong mười phương không gì là không nghe, không thấy, chứng được
“Nhất thiết trí” mới có thể gọi là sáng suốt!”. Nếu nói cho cả xã hội
thì chính hoạt động của những cá nhân trong xã hội đã tạo ra hình thức cho xã
hội đó. Do vậy, muốn có được một xã hội văn minh thịnh vượng thì trước hết mỗi
thành viên trong xã hội phải tự chuyển hoá chính mình. Phật dạy: “Tâm
bình thế giới bình”. Sách Nho nói: “Sửa mình theo lễ, thì thiên hạ về
nhân, lẽ thật là như thế”. Sách xưa dạy: “Từ Thiên tử đến hạng thứ nhân,
đều lấy sự tu thân làm gốc; nếu thân không tu, thì nhà không yên, nước không
trị, thì xã hội cũng không sao tự do được”./.
Tài liệu tham khảo
[1] Thích Thanh Từ–Tu là chuyển nghiệp–Thành hội
Phật giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành–PL 254l–1997.
[2]. Thích Thiện Hoa–Phậl học phổ thôngThành hội
Phật giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành–PL 254l–1997.
[3]. Nghiêm Hoài Cẩn–Kinh Viên giác luận giải–Nhà
xuất bản Tôn giáo–Hà Nội–1999. (dịch giả: Mai Xuân Hải–Lương Gia Tĩnh).
[4]. Thích Ấn Thuận–Phật pháp khái luận-Nhà xuất
bản Ðại học và Giáo dục chuyên nghiệp–Hà Nội–1992.
[5]. Narada Maha Thera–Bồ Tát đạo (dịch giả Hồ Ðắc
Thăng), Mười pháp Ba la mật (dịch giả Phạm Kim Khánh)–Thành hội Phật giáo TP Hồ
Chí Minh–Phật lịch 2539–1995.
[6]. Thích Minh Châu–Tự mình hãy thắp đuốc lên mà
đi–Nhà xuất bản TP Hồ Chí Minh–1999.
[7]. Lobsang Rampa–Tây Tạng huyền bí–Viện văn hoá
nghệ thuật Việt Nam–Trung tâm phổ biến văn hoá nghệ thuật–1991.
[8] Chu Sở–Thế giới tái sinh–Nhà xuất bản văn hoá
dân tộc–Hà Nội 1999.
[9]. Tâm Minh Lê Ðình Thám–Phật học thường thức–Nhà
xuất bản Tôn giáo–2000.
Tạp chí nghiên cứu Phật học,
số 4