Phật pháp căn bản
Bát chính đạo: Chính kiến
Phạm Kim Khánh
22/07/2010 08:16 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Giai đoạn đầu tiên của người có Chính Kiến là nhận ra Con Ðường. Rồi từ đó đặt chân lên Con Ðường và, nhờ Chính Kiến soi đường, tiến dần đến mức cùng tột là chứng ngộ thực tướng của vạn pháp.

Chính kiến là tri kiến chân chính, hiểu biết đúng đắn, sự vật như thế nào thì hiểu biết đúng như vậy.

Hiểu sâu vào bên trong thực tướng của sự vật chớ không phải hiểu phớt trên bề mặt.

Ðến mức cùng tột, Chính Kiến là thấu triệt thực tướng của ngũ uẩn, tức thấu triệt bản chất của chính mình.

Nói theo một cách, Chính Kiến là chứng ngộ Tứ Diệu Ðế.

Tuy nhiên, trước khi đạt đến từng hiểu biết cao siêu ấy, trong ý nghiã thông thường, Chính Kiến là phân biệt chính tà, biết điều nào là thiện và điều nào bất thiện.

Muốn thực hành Giáo Pháp mà không có nền tảng Chính Kiến vững chắc lắm khi phải lầm đường lạc nẻo, thay vì hướng về mục tiêu, càng tách rời ra.

Chính quan kiến hướng dẫn hành động. Sự hiểu biết của chúng ta luôn luôn nằm phiá sau nỗ lực của chúng ta. Nếu hiểu biết sai lầm, tà kiến sẽ dẫn dắt đến những hành động lầm lạc có tác dụng tạo đau khổ.

Ngược lại, nếu hiểu biết chân chính, Chính Kiến sẽ đưa đến hành động chân chính và do đó, hướng về con đường thoát khổ.

Mặc dầu sự hướng dẫn sơ khởi này vẫn còn là một khái niệm mù mờ, hình như không đưa đến hậu quả nào quan trọng, nhưng nhìn lại tận tường, đó là bứơc đầu có tính cách quyết định cho cả toàn thể tiến trình phát triển tinh thần trong tương lai.

Theo một lối phân hạng, Chính Kiến có ba là:

Sự hiểu biết chân chính rằng ta là sở hữu chủ của nghiệp mà ta đã tạo

Ðức Phật dạy: "Tất cả chúng sinh là sở hữu chủ của cái nghiệp của mình, là thừa kế cuả cái nghiệp của mình, sinh ra do nghiệp của mình, là họ hàng thân thuộc của cái nghiệp của mình, ẩn náu trong và được nâng đỡ bởi, cái nghiệp của mình. Bất luận nghiệp nào mà ta đã tạo, dầu thiện hay bất thiện, thì ta sẽ là thừa kế, hưởng trọn hậu quả của nó."

Trong đời sống ta có thể cần cù làm lụng, kiệm cần dành để và tạo nên nhà cửa, sự nghiệp, vàng vòng, trang sức v.v... Ta cũng có thể thừa hưởng những sở hữu trên do ông bà cha mẹ truyền lại. Ta gọi đó là "của mình", hay nói "mình" là sở hữu chủ của những vật đó.

Tuy nhiên, dầu ta có bám chắc, nắm chặt và tận lực gìn giữ đến đâu, nó vẫn ở với ta một cách tạm thời. Bao nhiêu yếu tố như hỏa hoạn, bão lụt, trộm cướp, kẻ thù nghịch, chiến tranh v.v... và cuối cùng cái chết phải đến, luôn luôn sẵn sàng để tước đọat quyền làm chủ của ta.

Chỉ có một điều -- nghiệp thiện hay nghiệp bất thiện mà ta đã tạo -- sẽ không bao giờ rời ta, dầu ở trong kiếp sống này hay trong nhiều kiếp vị lai. Không có kẻ thù nghịch hay trộm cướp nào tranh đoạt, không có chiến tranh hay thiên tai nào tiêu hủy, chí đến cái chết cũng không làm mất mát hay sứt mẻ cái nghiệp của ta.

Do đó, Ðức Phật dạy rằng: "Tất cả chúng sinh là sở hữu chủ của cái nghiệp của mình".

Vì cái nghiệp mà ta đã tạo theo dính liền với ta, ta sẽ thừa hưởng hậu quả của nó như phần di sản, ta sẽ tái sinh vào trạng thái nào cũng do nơi nó, nó là những người họ hàng thân thuộc không bao giờ rời ta. Ta sẽ ẩn náu an toàn trong thiện nghiệp và nhờ thiện nghiệp nâng đỡ. Nó như người bạn tốt đón chờ ở một cảnh giới nào trong tương lai để hỗ trợ ta.

Vậy, ta phải chăm sóc, giữ gìn cái nghiệp cho được luôn luôn tốt đẹp. Ðôi khi có người nói, "Tôi ăn hiền ở lành, không trộm cướp gì của ai, vậy là đủ rồi, cần gì phải tu."

Nói như vậy nghe thóang qua hình như hữu lý. Nhưng ăn hiền ở lành là thế nào? Theo người đời, đi câu cá, săn thú hay trà đình, tửu quán là thú tiêu khiển thanh nhàn, cướp sự sống của sinh vật để nuôi mạng sống mình hay để hỷ hả tiệc tùng là tự nhiên, và ta tạo bao nhiêu bất thiện nghiệp khác một cách vui vẻ, tự nhiên.

Ta phải biết thương, biết bảo tồn nghiệp thiện hơn là thương yêu và bảo tồn chính sự sống của ta.

Ta phải biết sợ, biết lánh xa bất thiện nghiệp, hơn là ta sợ lánh xa cái chết của chính ta.

Thế thường, ta sợ chết và muốn sống. Ðể bảo tồn sự sống và ngăn chặn cái chết, lắm khi ta hành động bất chính và do đó, tạo nghiệp bất thiện vô cùng tai hại mà trong nhiều kiếp sống chính ta phải gánh chịu hậu quả.

Nên nhớ rằng chết ở đây là tái sinh, sống lại ở nơi khác, và khi rời bỏ cảnh giới hiện tại ta cũng lià bỏ tất cả, chỉ mang theo cái nghiệp mà ta đã tạo.

Trong quyển The Buddha and his Teachings (Ðức Phật và Phật Pháp), cố Ðại Ðức Nãrada viết: "Tài sản sự nghiệp mà ta trìu mến bao nhiêu, thân bằng quyến thuộc mà ta yêu qúy bao nhiêu, sẽ không đi theo ta. Chắc chắn như vậy. Cho đến cơ thể này mà ta gọi là "Của Ta" cũng vậy.

Từ cát bụi nó đến. Nó sẽ trở về với cát bụi. Danh vọng ảo huyền, vinh quang trống rỗng, tất cả đều tiêu tan theo mây theo gió. Vẫn một thân một mình chúng ta phiêu bạt trong cơn bão táp, giữa đại dương của vòng luân hồi, trôi giạt đó đây theo cái nghiệp."

Sự hiểu biết chân chính về thiện nghiệp và bất thiện nghiệp, về hậu quả của nghiệp đã tạo, về sự hiện hữu của những cảnh giới ngoài cảnh người, về sự hiện hữu của những năng lực siêu phàm

Nghiệp là hành động tác ý được thực hiện bằng ba đường lối: Tư tưởng, lời nói, việc làm. Tất cả những hành động có tác ý, thực hiện bằng thân, khẩu, ý, dầu thiện hay bất thiện, đều tạo nghiệp.

Những hành động không cố ý, không chủ tâm, nghiã là không có tác ý (cetanã), đều không tạo nghiệp mặc dầu đã biểu hiện ra ngoài bằng lời nói hay việc làm.

Hành động thiện tạo nghiệp thiện và đến hậu quả là hạnh phúc, tinh thần hay vật chất. Hành động bất thiện đưa đến thọ khổ, vật chất hay tinh thần.

- Ba hành động tạo bất thiện nghiệp bằng thân là: sát sinh, trộm cắp, tà dâm.

- Bốn hành động bất thiện nghiệp bằng lời nói là: Nói dối, nói đâm thọc, nói thô lỗ cộc cằn, nói nhảm nhí.

- Ba hành động tạo bất thiện nghiệp bằng ý là: Tư tưởng tham lam, sân hận và tà kiến.

Những hành động đối nghịch với mười điều kể trên (như tâm từ, lòng thương chúng sinh, bố thí v.v...) được biểu hiện qua ba đường lối thân, khẩu, ý, dầu nhằm mục đích tạo dựng tài sản, để sinh sống hay để vun bồi kiến thức, đều được xem là thiện nghiệp.

Người có Chính Kiến hiểu biết chân chính rằng những hành động như bố thí vật thực cho thú, cho người cư sĩ hay dâng cúng đến chư Tăng, nếu làm với tâm từ, sẽ đem lại hậu quả tốt đẹp, trong kiếp sống này và nhiều kiếp khác.

Dầu cúng dường đông đảo chư Tăng với nhiều lễ vật qúy giá hay tặng một món qùa nhỏ mọn, nếu làm với tâm từ, vì lòng tốt, thương, muốn giúp người, vì lòng thành thật muốn đem phúc lợi đến cho người, hành động ấy sẽ tạo quả phúc cho người làm.

Cùng thế ấy, những hành động như thọ trì Bát Quan Trai Giới trong những ngày giới, hằng giữ năm giới, tham thiền, quy y Tam Bảo v.v... đều tạo thiện nghiệp.

Người tà kiến chủ trương rằng mỗi người chỉ sống vỏn vẹn một kiếp, và tất cả năng lực --tinh thần cũng như vật chất - đều chấm dứt khi đời sống này chấm dứt. Chết là hết.

Sau khi chết con người bỏ lại tất cả mọi năng lực phát nguyên trong đời sống và trở lại hoàn toàn hư vô, hoàn toàn tiêu diệt. Ðối với những người này bất luận hành động nào, dầu thiện hay bất thiện, cũng không đem lại hậu quả nào. Không nhân, quả, không nghiệp báo.

Vì quan niệm như vậy, lý tưởng của họ là cứ tận hưởng mọi lạc thú trên đời, hưởng thọ càng nhiều càng tốt và có thể làm bất cứ gì dầu có hại ai khác.

Hiểu rằng mọi hành động thiện và bất thiện đều đem lại hậu quả; hiểu rằng phụng dưỡng cha mẹ, làm cho cha mẹ hữu phúc là tạo thiện nghiệp và sẽ được phước báu về sau; hiểu rằng thật sự có những chúng sinh hóa sinh, đột nhiên được sinh ra, bỗng nhiên xuất hiện mà không phải trải qua hình thức thai bào nào; hiểu rằng có cảnh giới này cũng có những cảnh giới khác. Những hiểu biết như vậy là chân chính.

Người có Chính Kiến cũng hiểu biết rằng trong thế gian có những bậc cao minh, có khả năng siêu phàm như các bậc Thánh Tu Ðà Hườn, Tư Ðà Hàm, A Na Hàm, A La Hán.

Sự hiểu biết chân chính về Tứ Diệu Ðế

Ðến mức cùng tột, Chính Kiến là hiểu biết chân chính về bốn Chân Lý Thâm Diệu trong thế gian (Tứ Diệu Ðế).

Chính kiến ở mức sơ khởi là hiểu đúng con đường. Như người kia lạc nẻo, bỡ ngỡ trước nhiều ngả đường vì không biết chọn ngả nào, may thay chợt nhận ra tấm bảng chỉ đường bên canh một con đường mòn xưa cũ.

Bảng chỉ đường là Giáo Pháp của Ðức Phật, khách lữ hành thênh thang lạc bước là phần đông chúng ta, những người sơ cơ, đường mòn là Con Ðường Cũ Xa Xưa mà chư Phật đã trải qua.

Vào giai đoạn đầu, Chính Kiến là những hiểu biết chân chính đưa hành giả đến hành động trong sạch, tạo thiện nghiệp để thọ hưởng những trạng thái nhàn lạc trong vòng luân hồi.

Cũng có người đã lĩnh hội đầy đủ luật nhân quả mà vẫn còn tự hạn chế ước vọng của mình trong những thành tựu của thế gian. Những người này có những hành động đạo đức thanh cao để tích trữ phước báu và thọ hưởng khoái lạc, danh vọng, quyền thế v.v... trần gian, trong cảnh người, hoặc thọ sinh vào những cảnh Trời nhàn lạc.

Tuy nhiên, trong sự hiểu biết bằng lý trí - Chính Kiến ở tầm mức tại thế - không có gì để đưa con người vượt lên khỏi định luật nghiệp báo, thoát ra khỏi vòng tạo nhân và gặt quả.

Ðể giải thoát hoàn toàn ra khỏi vòng sinh tử luân hồi cần phải có sự hiểu biết sâu sắc, nhận chân thực tướng của vạn pháp, Chính Kiến siêu thế.

Chính Kiến cao siêu có khả năng đưa đến giải thoát là hiểu biết Tứ Diệu Ðế. Ðức Phật dạy:  "Bây giờ, Chính Kiến là gì? Ðó là hiểu biết đau khổ, hiểu biết nguyên nhân sinh khổ, hiểu biết sự chấm dứt đau khổ, và hiểu biết con đường dẫn đến chấm dứt đau khổ." (Dĩgha Nikãya, Trường A Hàm , bài kinh số 22)

Bát Chính Ðạo bắt đầu với một khái niệm về Tứ Diệu Ðế, chỉ hiểu biết mù mờ xuyên qua lý trí và tiến dần đến tuyệt đỉnh là trực giác chứng nghiệm, thấu triệt những chân lý cao siêu thâm diệu ấy và trở nên hoàn toàn giác ngộ.

Như vậy, có thể nói rằng hiểu biết Tứ Diệu Ðế là bước đầu mà cũng là mục tiêu tối hậu của con đường thoát khổ.
Ba chân lý đầu tiên của Tứ Diệu Ðế -- Khổ Ðế, Tập Ðế và Diệt Ðế -- là quan điểm của Phật giáo về kiếp nhân sinh.

Dựa trên triết thuyết này Ðức Phật vạch ra một lối sống thích nghi đưa đến trạng thái tâm tuyệt đối trong sạch và trí tuệ toàn hảo. Ðó là Bát Chính Ðạo, phần thực hành trong Phật Giáo. Ðó cũng là con đường được gọi là "Trung Ðạo" (Majjhimã Patipadã), tránh xa hai cực đoan.

Một bên là lối sống lợi dưỡng, thấp hèn, của người buông lung, đắm chìm trong dục lạc. Bên khác là lối sống khắc khổ, vô bổ và vô nghiã lý, của những người ép xác khổ hạnh cuồng tín.

Trung đạo là con đường trải dài ở khoảng giữa hai cực đoan ấy, là con đường của lý trí và thận trọng.

Chính Kiến về Tứ Diệu Ðế phát triển qua hai giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên được gọi là Chính Kiến phù hợp với chân lý. Giai đoạn thứ nhì là Chính Kiến thâm sâu vào chân lý, thấm nhuần chân lý.

Chính KIến phù hợp với chân lý là hiểu biết rõ ràng ý nghiã của bốn chân lý cao siêu thâm diệu (Tứ Diệu Ðế) của đời sống. Sự hiểu biết này phát sinh do nhờ học hỏi và nghiên cứu những chân lý ấy.

Sau đó, nhờ suy tư sâu vào mà ánh sáng của kinh nghiệm rạng chói dần dần đến lúc vữnbg chắc tin tưởng như vậy.

Tuy nhiên, chí đến mức độ này hành giả cũng chưa hoàn toàn thấm nhuần chân lý. Sự hiểu biết của hành giả đến lúc bấy giờ chưa tuyệt đối là hoàn bị vì đó chỉ là một quan niệm rõ ràng, thay vì là tri giác.

Muốn tiến đến thực sự chứng nghiệm phải trải qua thời gian thực hành pháp môn thiền định: Trước tiên là an trụ tâm vững chắc và sau đó trau giồi và phát triển Tuệ Minh Sát ( Vipassanã).

Tuệ minh sát phát sinh do nhờ quán chiếu và sáng suốt suy niệm về ngũ uẩn, những yếu tố của kiếp sinh tồn, để phân biện rõ ràng những đc điểm của nó.

Ðến mức tuyệt đỉnh của cong trình suy niệm này hành giả tách rời cái nhìn của mình ra khỏi những hiện tương hữu lậu của ngũ uẩn và nhắm vào trạng thái vô lậu Niết Bàn.

Lúc bấy giờ, nhờ Tuệ Minh Sát sắc bén thâm sâu, Niết Bàn đã có thể được thành tựu. Ðến đây hành giả chứng ngộ Niết Bàn. Ái Dục đã chấm dứt. Trí tuệ đã bừng sáng và hành giả rõ ràng thấy rằng ái dục thật sự là nguyên nhân của mọi hình thức đau khổ và Bát Chính Ðạo thật sự là con đường dẫn đến chấm dứt đau khổ.

Như vậy, Chính Kiến thấm nhuần Tứ Diệu Ðế phát sinh vào giai đoạn cuối cùng của con đường, chớ không phải vào lúc sơ khởi.

Giai đoạn đầu tiên của người có Chính Kiến là nhận ra Con Ðường. Rồi từ đó đặt chân lên Con Ðường và, nhờ Chính Kiến soi đường, tiến dần đến mức cùng tột là chứng ngộ thực tướng của vạn pháp.

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch