Thoát ra khỏi những đau khổ của vòng luân hồi mà từ vô lượng
kiếp chúng ta mãi thênh thang lê bước là một công trình vô cùng quan
trọng, thì sự cố gắng cũng phải ở mức độ tương đương, nghiã là một cố
gắng kiên trì và dũng mãnh tột bực.
Phật giáo không chủ trương rằng chỉ van vái nguyện cầu suông mà có
thể giải thoát. Kinh Pháp Cú dạy : "Chỉ có ta làm điều tội
lỗi, chỉ có ta làm cho ta ô nhiễm. Chỉ có ta tránh điều tội lỗi, chỉ có
ta gội rửa cho ta. Trong sạch hay ô nhiễm là tự nơi ta. Không ai có thể
làm cho người khác trở nên trong sạch." ( Câu 165).
Ðức Phật chỉ có thể vạch cho chúng ta con đường. Phần chúng ta là
phải noi theo con đường ấy để tự thanh lọc. Ði hay không, đi đúng con
đường hay không là tự ta. Không ai có thể ăn cho người khác no. Chí đến
Ðức Thế Tôn cũng không thể di để chúng ta đến.
"Chính tự các con phải kiên trì cố gắng. Các Ðấng Như Lai chỉ là
những vị Thầy." (Kinh Pháp Cú , câu 276).
Tinh tiến là yếu tố vô cùng trọng yếu trong Ðạo Phật. Trong ba mươi
bảy Bồ Ðề Phần khả dĩ đưa chúng sinh từ bờ mê đến bến giác
(Bodhipakkhiya sangaho, bồ đề phần, yếu tố đưa đến giác ngộ, tức những
yếu tố giúp hành giả đi suông sẻ trên Con Ðường, những pháp trợ đạo),
Tinh tiến được nhắc đến chín lần, nhiều hơn các chi khác.
Ðời sống của Ðức Phật là một gương tinh tiến cao cả đến mức tột độ.
Lời nhắn nhủ tối hậu của Ngài trước giây phút Ðại Niết Bàn là
Apppamãdena Sampãdetha:, "Hãy kiên trì cố gắng".
Cùng một thế ấy, lới dạy cuối cùng của vị Ðại Ðệ tử Ngài, Ðức
Sãriputta ( Xá Lợi Phất) là ,"Hãy kiên trì cố gắng đây là lời khuyên
dạy của ta."
Chính Tinh Tiến có bốn phần. Hai liên quan đến bất thiện pháp và hai
liên quan đến thiện pháp. Bốn tác dụng của nỗ lực chân chính là ngăn
ngừa, dứt bỏ, phát triển, và củng cố.
Trong bộ Tăng Nhất A Hàm, Anguttara Nikãya, quyển II, trang
15, bài kinh số 13 và 14 có ghi như sau :
1- Cái gì là tinh tiến ngăn ngừa?
"Nơi đây ( trong trường hợp này) vị Tỳ Khưu đặt hết ý chí mình vào
công phu ngăn ngừa, không cho phát sinh bất thiện pháp, những tư tưởng
bất thiện mà chưa phát sinh. Vị này cố gắng phát triển năng lực và dũng
mãnh củng cố tâm của mình ( để ngăn ngừa).
"Nơi đây, khi vị Tỳ Khưu thấy một hình thể, nghe một âm thanh, ngửi
một mùi, nếm một vị, xúc chạm một vật, hay biết một ý tưởng, vị này
không bị những đối tượng ấy-- xem như toàn thể hay chi tiết -- làm xúc
động.
Vị Tỳ Khưu chăm chú kiểm soát, cẩn mật gìn giữ và điều phục lục căn,
không để cho những cảm xúc như ưa thích hay ghét bỏ, những tư tưởng tội
lỗi và bất thiện xâm nhập vào như người không thu thúc lục căn (bị nó
xâm nhập). Ðó là tinh tiến ngăn ngừa."
2- Cái gì là tinh tiến dứt bỏ?
"Nơi đây, vị Tỳ Khưu đặt hết ý chí mình vào công phu dứt bỏ các pháp
bất thiện, những tư tưởng bất thiện đã phát sinh. Vị này cố gắng phát
triển năng lực và dũng mãnh củng cố tâm mình ( để dứt bỏ).
"Nơi đây, vị Tỳ Khưu không chấp nhận, không dưỡng nuôi, những dục
vọng đã phát sinh mà dứt bỏ, tránh xa và xua đuổi, làm cho nó chấm dứt
và tan biến. Cũng thế ấy, dứt bỏ những tư tưởng sân hận và hung bạo đã
phát sinh. Ðó là tinh tiến dứt bỏ."
3- Cái gì là tinh tiến phát triển?
"Nơi đây, vị Tỳ Khưu đặt hết ý chí mình vào công phu tạo nên (làm cho
phát sinh) và phát triển thiện pháp, những tư tưởng thiện mà chưa phát
sinh. Vị này cố gắng phát triển năng lực và dũng mãnh củng cố tâm của
mình ( để phát triển).
"Nơi đây, vị Tỳ Khưu phát triển những yếu tố của sự Giác Ngộ (Thất
Giác Chi) căn cứ trên sự ẩn dật, trên sự dứt khoát từ bỏ, trên sự chấm
dứt cuối cùng, đưa đến giải thoát. Những yếu tố ấy là niệm, trạch pháp,
tiến, phỉ, an, định, xả. Ðó là tinh tiến phát triển."
4- Cái gì là tinh tiến củng cố?
"Nơi đây, vị Tỳ Khưu củng cố một đề mục (công án) thiền thuận lợi...
Ðó là tinh tiến củng cố.
"Ðây là bốn tinh tiến: Ngăn ngừa, dứt bỏ, phát triển và củng cố. Ðó
là bốn Tinh Tiến mà Ðức Thế Tôn đã ban truyền. Nơi đây vị Tỳ Khưu, nhờ
kiên trì tinh tiến, thành tựu chấm dứt đau khổ."
Trong bài kinh này, "pháp bất thiện" là những tư tưởng phát xuất từ
ba căn bất thiện là tham, sân, si. Trên phương diện thực hành trong đời
sống hàng ngày, bất thiện pháp là mười nghiệp bất thiện đã được đề cập
đến trong phần Chính Kiến.
"Thiện Pháp" ở đây không những chỉ là thập thiện nghiệp mà cón là
những yếu tố của Giác Ngộ (Thất Giác Chi), những yếu tố của Tuệ Minh
Sát, đưa chúng sinh đến chỗ giải thoát toàn vẹn ra khỏi mọi khổ đau của
biển trầm luân.
Theo Ngài Ledi Sayadaw, thiện nghiệp là bẩy giai đoạn của Thanh Tịnh
Ðạo (Visuddhi Magga, con đường trong sạch dẫn đến Niết Bàn): Giới Tịnh,
Tâm Tịnh, Kiến Tịnh, Ðoạn Nghi Tịnh, Ðạo Phi Ðạo Tri Kiến Tịnh, Ðạo Tri
Kiến Tịnh và cuối cùng, Tri Kiến Tịnh.
Trong guồng máy phức tạp của con người có cái tâm vô cùng quan trọng.
Tâm chứa đựng một kho tàng những đức tính tốt đẹp và một hầm những tật
xấu. Chính Tinh Tiến là nỗ lực loại bỏ dần những tật xấu và phát triển
tính tốt.
Cũng như trên một đám đất hoang, muốn thành công gieo trồng tốt thì
trước tiên phải diệt cỏ dại và canh chừng không cho nó mọc lên trở lại.
Rồi trên thửa đất sạch tốt ấy ta mới gieo giống, thận trọng vun bón và
theo dõi sức trưởng thành của cây. Ðó là Chính Tinh Tiến.