Phật pháp căn bản
Tự thân & tha nhân
14/10/2014 07:35 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

       Sự thể hiện đích thực về đời sống của người Phật tử không phải là ngôn ngữ, kiến thức mà là hành động. Tọa thiền là quan trọng; giữ tâm điềm tĩnh, lắng dịu và nghiêm túc trong quá trình hành thiền là cần thiết, nhưng đấy không phải là nhiệm vụ khó khăn nhất. Nhiệm vụ khó khăn nhất ấy là đem tâm nghiêm túc ấy vào trong đời sống thường nhật.

       Trong Đại thừa Phật giáo, vị Bồ tát được ví như hoa sen, mọc lên từ bùn mà không nhiễm mùi bùn, vẫn nở hoa tươi đẹp và tinh khiết. Vị Bồ tát sống trong đời mà không bị nhiễm bụi trần khi vị ấy cứu giúp mọi chúng sanh. Một thiền sinh phải cố gắng làm sao để giống như vị Bồ tát. Thiền sinh có thể sống đời sống của một con người bình thường, nhưng luôn luôn kiểm soát được tâm và luôn tràn đầy trí tuệ và từ bi đối với mọi loài chúng sanh. 
1 phat hoc.jpg

        Để đạt được tâm Bồ tát, bước quan trọng nhất là phải có sự tỉnh giác thực sự về bản thân và về mối quan hệ với người khác. Con người là loài vật duy nhất có khả năng tự ý thức và tự làm chủ chính mình. Khả năng hiểu về bản thân là điều khiến cho nhân loại trở thành loài có khả năng nhất trong sáu cõi về khả năng tu tập để đạt đến giác ngộ. Con người và động vật không chỉ khác nhau về lối sống mà còn khác nhau về những mức độ ý thức. Một con vật chỉ có ý thức về những thứ xung quanh chúng, về thế giới bên ngoài. Con người thì tiến bộ hơn thế, con người không chỉ ý thức về thế giới bên ngoài mà còn ý thức về bản thân, về toàn bộ sự sống của mình.

       Vì thế, bước đầu tiên hướng đến sự giác ngộ chính là hiểu “ngã” là gì. Nó tồn tại hay không tồn tại? Nó thường hằng hay không thường hằng? Theo triết học Phật giáo, “ngã” là một thực thể gồm có hai đặc tính: kết hợp và thay đổi. Thân thể của chúng ta, cuộc sống của chúng ta là sự kết hợp của bốn yếu tố: chất cứng, chất ướt, không khí, hơi nóng. Chúng ta không thể nào sống được nếu bốn thứ này tách rời nhau, bởi vì cái mà chúng ta gọi là “thân thể của mình” là gồm có bốn yếu tố vật lý ấy kết hợp với nhau và duy trì sự kết hợp ấy.

       Tuy nhiên, cuộc sống của chúng ta không chỉ có thân thể vật lý mà còn có phần tâm thức nữa. Do vậy, triết học Phật giáo dẫn chúng ta đến sự ý thức về một thứ khác, đó là tâm thức. Tâm là gì? Có phải nó là một thực thể? Nó có tồn tại mãi không? Nó có vật chất không? Theo tư tưởng của Phật giáo, tâm được cấu thành bởi bốn yếu tố khác nhau, đó là: thọ, tưởng, hành, và thức. Tâm không phải là một thực thể, không thường hằng, không thực. Nói cách khác, cuộc sống của chúng ta được duy trì vì thân và tâm kết hợp lại với nhau. Chính thân và tâm vốn đã không thực, chúng là sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau. Bởi vì chúng là sự kết hợp của nhiều thành tố, cho nên sự sống dễ thay đổi. Từ quá khứ đến hiện tại và đến tương lai, sự sống thay đổi trong từng sát na. Không có gì là thường hằng trong thế giới này cả. Cuộc sống cũng giống như vòng lửa được tạo ra khi chúng ta cầm một cây nhang và quay nhanh. Khi chúng ta ngừng quay thì vòng lửa cũng tự động biến mất. Sự vận động của cuộc sống cũng như thế. Trong kinh Kim Cang có một bài kệ rằng:

Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bào ảnh,
Như lộ diệc như điện
Ưng tác như thị quán.

Tạm dịch:

Tất cả các hiện tượng trong thế giới này
Đều như mộng huyễn, bọt nước, như bóng râm
Như giọt sương, sấm chớp, như tia sáng
Mọi người cần phải ý thức được điều này.

      Mặc dù được kết hợp bởi những yếu tố khác nhau, và dễ thay đổi, chúng ta vẫn tồn tại trong giờ phút hiện tại trong thế giới này. Vì thế, điều quan trọng đối với chúng ta là chúng ta phải biết về bản thân, phải ý thức về bản thân. Sự tự ý thức này nâng chúng ta vượt lên trên sự ý thức về tự ngã để đạt đến sự nhận chân về cái ngã đích thực, về cái ngã không thay đổi theo thời gian, về cái ngã luôn luôn đi cùng chúng ta, cái ngã đích thực, Phật tánh. Có một công án nổi tiếng trong thiền Lâm Tế rằng: “Bản lai diện mục của ngươi trước khi ngươi được sinh ra là gì?”, công án này thường được các vị thiền sư trao cho thiền sinh để giúp thiền sinh nhận chân được bản lai diện mục, nhận chân được Phật tánh. Bởi vì tự chứng ngộ là mục đích chính của thiền, nên hầu hết sự hành thiền đều nhắm vào đích điểm cuối cùng ấy.

     Làm sao chúng ta có thể nhận chân được “ngã”? Làm sao chúng ta có thể sống với “chân ngã” nếu như tâm chúng ta vẫn đang lang thang và nghĩ về nhiều thứ, khi tâm còn bị quấy nhiễu bởi lo âu và hạnh phúc. Để cho tâm được ổn định, đạo Phật đưa ra pháp tham thiền. Tham thiền là một kỹ thuật giữ tâm điềm tĩnh, bình lặng và thanh khiết. Trong khi thực tập, hành giả không bận tâm đến câu hỏi “Phật ở đâu?”, “Chúa ở đâu?”, cũng không lo lắng về những gì đã xảy ra trong quá khứ, hoặc điều gì sẽ diễn ra trong tương lai. Thậm chí hành giả không chú ý đến những sự kiện ở bên ngoài. Những điều bận tâm ấy là không quan trọng. Vấn đề quan trọng là phải sống với tự ngã của mình ngay bây giờ và ở đây. Thiền học giới thiệu những phương pháp giúp đem sự tỉnh thức về với “ngã”, nhận diện “ngã” ngay bây giờ và ở đây.

      Trong quá trình nhận diện tự ngã, hành giả hiểu được rằng không ai có thể tồn tại một mình trên thế giới này cả. Không một ai. Người ta cần sống với một ai đó. Một hòn đảo có thể tồn tại trên đại dương, nhưng một người thì không thể tồn tại đơn lẻ. Cho nên, ngay khi hành giả hiểu rõ về chính mình, vị ấy phải nghĩ về người khác, và vị ấy phải ý thức về mối liên hệ giữa mình với người khác.

       Chúng ta không thể tồn tại đơn lẻ trong cuộc đời này được. Xét về vật chất, chúng ta cần có nhau. Nhu cầu này mang chúng ta xích lại gần nhau và giúp đỡ lẫn nhau. Chẳng hạn, bởi vì chúng ta không thể tự sản xuất vải và những thứ cần cho sự sống của chúng ta, cho nên chúng ta cần có người khác. Mọi người đều cần đến người khác; tất cả chúng ta, toàn thể nhân loại, đang giúp đỡ lẫn nhau. Theo triết học Phật giáo, cuộc sống là một quá trình cho và nhận. Chúng sanh được sinh ra theo nghiệp lực của cá nhân, và để nhận sự giúp đỡ từ người khác đồng thời hoàn thành trách nhiệm của mình trong sự giúp đỡ người khác. Vì thế, về đời sống vật chất, tâm linh cũng như đời sống tình cảm đều chứng tỏ rằng cuộc sống là một quá trình của cho và nhận. Tuy nhiên, trong lúc cho, chúng ta cần phải nhớ một điều: không nên tạo sự khác biệt giữa người cho và người nhận. Nếu chúng ta nghĩ rằng, chúng ta đóng vai trò người cho và người khác là người nhận, thì sẽ khiến mình nảy sinh lòng kiêu hãnh và mong cầu. Trong việc ban tặng, không nên có khái niệm người cho, vật đem cho và người nhận. Thái độ này, thuật ngữ Phật học gọi là “không”. Lúc chúng ta cho hay nhận, chúng ta nên ý thức rõ rằng, không có người nào được cho hay nhận cả. Để làm cho người nhận được hạnh phúc, chúng ta phải cho mà không nghĩ mình đang ban ơn. Chúng ta không được đặt mình vào vị trí cao hơn và nhìn xuống người khác như thể họ là những người thấp kém hơn ta. Hay nói cách khác, chúng ta phải bố thí với thái độ khiêm tốn và với lòng thương yêu. 

thich_thien_an.jpg

      Một phẩm chất đạo đức quan trọng của đạo Phật là lòng khiêm tốn. Khiêm tốn tức là tránh đặt mình cao hơn người khác. Theo quan điểm của Phật giáo, mọi người đều là con người, vì đều là con người nên chúng ta đều có những ưu điểm và khuyết điểm cả. Không có ai là Phật, là Bậc Toàn Giác, là người hoàn thiện cả. Nếu chúng ta nhận ra rằng chúng ta chưa hoàn thiện thì chúng ta cũng không đòi hỏi người khác phải hoàn thiện. Sự nhận thức này sẽ tạo nên mối quan hệ tốt đẹp giữa ta với người. Sự ý thức rằng chúng ta chưa hoàn thiện không chỉ khiến chúng ta khiêm tốn hơn mà còn làm cho chúng ta biết tôn trọng và khoan dung hơn. Nếu chúng ta để ý đến lỗi lầm của người khác, chúng ta sẽ thất vọng và đau khổ. Nếu chúng ta nhận ra rằng mình không hoàn thiện, chúng ta sẽ không yêu cầu khắt khe đối với người khác, biết tôn trọng, khoan dung và thương yêu người khác nhiều hơn. Khoan dung là nhân tố quan trọng trong mối quan hệ giữa người với người.

      Mọi hành động mà chúng ta làm, mọi lời chúng ta nói đều tạo ra sự phản ứng nơi những người xung quanh. Ví dụ, khi chúng ta cảm thấy tức giận, người khác thấy thế cũng cảm thấy khó chịu theo, khi thấy ta hạnh phúc thì họ cũng chia sẻ niềm hạnh phúc ấy với chúng ta. Chúng ta không chỉ chia sẻ đời sống vật chất và chia sẻ những hàng hóa với người khác mà còn chia sẻ cả những yếu tố tình cảm và tâm linh nữa. Đấy chính là sự biểu hiện về mối liên hệ giữa ta và người. Bởi vì tất cả mọi người đều liên quan với nhau, không có ai là một hòn đảo đơn lẻ cả. Mỗi người chúng ta là một phần của cái tổng thể. Mọi người không tách biệt nhau, sự tách biệt giữa ta và người là không thực. Chính sự chấp ngã và si mê của chúng ta đã tạo ra sự chia rẽ đó. Nếu chúng ta vượt qua được sự chấp ngã và si mê của mình, chúng ta sẽ thấy được rằng mọi người thật sự không khác nhau. Triết học Phật giáo và Ấn Độ giáo diễn tả điều này như sau: “Bạn là sự mở rộng của tôi và tôi là sự mở rộng của bạn”. Tại vì mọi người là sự mở rộng của chúng ta nên khi chúng ta cố ý làm cho ai đó đau khổ thì ngay lúc đó chính chúng ta cũng đau khổ. Ngược lai, bởi vì chúng ta là sự nới rộng của người khác, nên khi họ cố tình làm hại ta thì họ cũng đang làm hại bản thân họ.

      Phật giáo nhận thấy rằng tất cả mọi người và mọi chúng sanh đều phụ thuộc lẫn nhau. Mặc dù thân và tâm của mọi người khác nhau nhưng mọi người vẫn tương quan với nhau. Tất cả chúng ta là những khía cạnh của cùng một thực thể, là những phần khác nhau của một tổng thể, giống như muôn vàn ngọn sóng nổi lên rồi lại lặn xuống giữa đại dương liên hệ qua lại với những biến đổi của đại dương. Tại vì chúng ta liên quan chặt chẽ với nhau, không thể tách rời trong đại dương bao la của sự tồn tại, cho nên Phật giáo khuyên mọi người nên thương yêu lẫn nhau. Chúng ta phải biết xem nhau như là sự nới rộng của cùng một thực thể. Từ đó chúng ta có thể đối xử với nhau như là những người bạn, người anh em của mình, và thế giới khổ đau, thù hận này sẽ được chuyển thành cảnh giới an bình và hạnh phúc. Thế giới luân hồi này sẽ chuyển thành cảnh giới Niết bàn.

     Người Phật tử cố gắng nuôi lớn tình thương yêu không giới hạn và sự không phân biệt ở trong tâm trong lúc hành thiền và trong các hoạt động hàng ngày. Để thể hiện tình thương yêu này, người Phật tử luôn tự nhắc nhở bản thân về hạnh nguyện Bồ tát: “Chúng sanh vô số lượng, thệ nguyện đều độ khắp”.

      Tại sao người ta cưới nhau, tại sao người ta cần bạn bè? Khi người ta ở một mình, người ta sẽ rất cô đơn, cho nên họ cưới nhau để thiết lập mối quan hệ giữa họ với người họ thương yêu. Người nam và người nữ cần bạn bè để thiết lập mối quan hệ. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ là: Chúng ta luôn nhận ra những mối quan hệ gần, nhưng lại không nhận ra những mối quan hệ xa. Chúng ta thấy mình cần một người bạn, nhưng cùng lúc đó mình lại thấy không cần những người khác, những người mà mình không xem là bạn. Chúng ta có thể cố gắng với tất cả khả năng của mình để bảo vệ bạn, nhưng cùng lúc đó chúng ta có thể cố gắng tìm cách để hại người khác, những người không được xem là bạn, mà là kẻ thù của chúng ta. Tuy nhiên, bạn hay thù thì cũng giống như âm với dương. Dương không thể nào tồn tại nếu không có âm và âm không thể nào tồn tại nếu không có dương, cũng như người nam và người nữ không thể chia lìa nhau được. Bạn và thù cũng như thế. Ai khiến cho một người trở thành bạn bè hay kẻ thù? Chính chúng ta. Nếu chúng ta thay đổi thái độ của mình đối với người khác, nếu chúng ta đối xử tử tế với người khác, thì người kia, thậm chí hiện giờ đang là kẻ thù của ta, cũng sẽ thay đổi thái độ của họ đối với ta và dần dần trở thành bạn bè của nhau. Ngược lại, nếu ta không đối xử tử tế với ai đó, thậm chí hiện giờ người đó đang là người bạn tốt nhất của ta, thì sớm muộn gì người đó cũng sẽ trở thành kẻ thù. Chúng ta phải biết rằng, bạn và thù chỉ đơn thuần khác nhau về mức độ quan hệ giữa hai người và ta là những người đã tạo ra điều đó.

       Như đã đề cập ở trên, mọi người sống trong thế giới này đều có quan hệ hỗ tương lẫn nhau. Mọi cá nhân đều cần bạn bè. Tình bạn không chỉ tồn tại giữa con người với nhau, mà còn giữa con người với động vật, giữa con người với thiên nhiên. Nhiều người nuôi các con vật, như chó, mèo, cá, chim, rùa,… Một số người còn nuôi cả rắn, và những con vật cưng ít thấy khác. Việc nuôi vật cưng để thỏa mãn nhu cầu kết bạn không chỉ cần thiết cho con người mà cho cả con vật và thiên nhiên nữa. Để duy trì những mối quan hệ ấy và phát triển chúng, đạo Phật khuyên mọi người cần phải hiểu vị thế của người khác, phải phát triển sự hiểu biết lẫn nhau. Đây là bước đầu tiên và quan trọng nhất.

       Để giữ được mối quan hệ tốt đẹp giữa mình với người khác, chúng ta cần phải tôn trọng lẫn nhau. Đây là bước thứ hai. Khi chúng ta gặp nhau, theo truyền thống của đạo Phật thì cả hai bên đều chắp tay và cúi đầu chào để bày tỏ lòng kính trọng với nhau. Sự cúi đầu này nhắc nhở chúng ta rằng, chúng ta phải tôn trọng lẫn nhau bởi vì tất cả chúng ta đều trở thành những vị Phật trong tương lai. Nếu chúng ta kính trọng người khác thì họ cũng sẽ kính trọng và thương yêu chúng ta.

       Bước thứ ba trong quá trình đảm bảo mối quan hệ tốt đẹp hơn với người khác là phải trung thực. Chúng ta phải trung thực với chính mình và với người khác. Nhờ vậy mà sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau nảy sinh. Trung thực với chính mình và với người khác sẽ vun đắp cho mối quan hệ giữa mọi người với nhau, giữa mình với người khác.

       Một người không thể nào tồn tại đơn lẻ trong cõi đời này, cũng vậy, một gia đình không thể nào tồn tại đơn lẻ được. Gia đình là một phần của cộng đồng, cộng đồng là một phần của xã hội và xã hội là một phần của nhân loại. Phật giáo đã nhận thấy được tính nhất thể của xã hội loài người, bởi vì một gia đình, một thành phố, một đất nước không thể nào tồn tại đơn lẻ. Tất cả chúng ta đều giúp đỡ lẫn nhau và liên hệ với nhau. Theo Phật giáo, nếu chúng ta muốn thế giới hòa bình thì chúng ta phải có sự an bình trong tâm mình trước đã. Nếu chúng ta muốn xã hội được hòa hợp, hạnh phúc thì chúng ta phải khiến cho tâm ta được định tĩnh, bình an và hoàn thiện bản thân mình trước. 

        Theo quan điểm phương Tây, người ta tin rằng, muốn có hòa bình thì phải chiến đấu, vì theo họ, hòa bình nên là một sự hòa bình trong chiến thắng và danh giá. Họ lập luận rằng, hãy xây dựng lực lượng quân sự, chúng ta sẽ xây dựng được hòa bình. Đây có thể là một phương pháp, nhưng mà chúng ta có nhiều phương thức khác nhau. Nếu chúng ta đi theo đường hướng của đạo Phật, thì trước hết chúng ta phải có được sự an bình trong tâm hồn, trong cuộc sống của chúng ta. Khi tâm ta an bình, đời sống an bình, chính ta được an bình thì sẽ tác động đến người khác để phát triển những tâm hồn bình an, những gia đình hòa hợp, những xã hội hòa bình, và chúng ta có được sự hòa bình lâu dài.

       Đức Phật dạy rằng, sự hòa bình lâu dài không bao giờ có thể được tạo nên bởi sự thù hận, khủng bố hay chiến tranh. Sự hòa bình được xây dựng trên sự hung hăng, chống đối sẽ không thể kéo dài được. Như Đại đế A Dục, một vị hoàng đế Phật tử của xã hội Ấn Độ cổ đại đã nói: “Hận thù không thể nào được chấm đứt bằng chiến tranh, hận thù chỉ có thể chấm dứt bằng tình thương yêu”. Đức Phật dạy rằng, nếu chúng ta muốn chấm dứt chiến tranh, chúng ta không thể dùng chiến tranh; nếu chúng ta muốn chấm dứt thù hận, chúng ta không thể nào dùng thù hận. Cách duy nhất để chấm dứt cái vòng thù hận, giết chóc tồi tệ ấy là sử dụng một sức mạnh hiệu nghiệm hơn, sức mạnh của tình thương yêu. Thông qua tình thương yêu, lòng bao dung, sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau mà chúng ta có thể chiến thắng kẻ thù. Theo cách này, chúng ta chuyển hóa những kẻ thù của chúng ta thành bạn bè. Cách tốt nhất để tạo dựng một thế giới hòa bình là thông qua sự tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau giữa người với người, giữa những cộng đồng, những quốc gia với nhau. n

     (Trích dịch từ sách “Zen philosophy, Zen practice” của HT. Thích Thiên Ân, Dharma Publishing and Colloge of Oriental studies xuất bản, America, 1975).

Ven.Thich Thien An (Quảng Trí dịch)

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch