I. Có ba
chặng đường đến giác ngộ: Nhân thiên (con đường nhỏ hay chặng một), Thanh văn,
Duyên Giác (con đường trung hay chặng hai), Bồ tát (con đường lớn hay chặng
ba). Ở mỗi chặng, động lực tu tập một khác, có thể tóm tắt trong hai yếu tố: Sợ
hãi và mong cầu. Chặng một, động lực tu hành là sợ đọa ba ác đạo, mong được
phước báo trời người. Chặng hai, sợ đến cả phước báo cõi trời người vì bấp
bênh, vì vô thường chi phối. Bởi thế nỗi sợ hãi của Thanh văn là sợ sinh tử
luân hồi, và mong cầu của Thanh văn là mong cầu giải thoát. Chặng ba là Bồ tát
đạo thì thấy cầu giải thoát cho riêng mình chưa đủ, trong khi bao nhiêu chúng
sinh như cha mẹ bà con mình đang ngụp lặn trong biển khổ. Do vậy Bồ tát khởi
tâm đại bi mong cứu vớt tất cả, và muốn thực hiện điều này thì phải cầu thành
Phật mới đủ trí tuệ và phương tiện để cứu giúp chúng sinh như Phật Thích Ca đã
làm. Vậy mong cầu ở chặng ba là cầu thành Phật, muốn thế phải phát Bồ đề nguyện
và lập Bồ đề hạnh. Con đường của Bồ tát đạo bị bế tắt khi mà hành giả thối tâm
bồ đề, trở lại mong cầu tự độ, giải thoát riêng mình vì thấy đường còn xa thăm
thẳm. Nỗi lo sợ của người theo đuổi chặng ba chính là sợ chính mình thối thất
tâm bồ đề .
II. Vì ở
mỗi chặng mục đích tu hành một khác, nên đức tin đối với Tam bảo cũng khác.
Chặng một như đứa con khi còn bé được cha thương yêu che chở. Nó nhìn cha như
một vị thần ban phước vì nó xin cái gì được đáp ứng cái ấy. Hình ảnh người cha
ở giai đoạn này đối với con trẻ là một thần tượng, một đấng toàn năng. Chặng
một xem Phật cũng như vậy, tin tưởng tuyệt đối vào năng lực cứu khổ của Ngài:
Công thức quy y của đệ tử năm giới tại gia là quy y Phật bất đọa địa ngục... Ta
có niềm tin chắc rằng Phật sẽ cứu ta khỏi nỗi khổ địa ngục, ta sẽ không rơi vào
đó một khi ta đã quay về nương tựa ngài và thay đổi cách hành xử cho thích đáng
với một Phật tử tại gia là giữ 5 giới đã thọ. Pháp ở chặng này là lối sống điều
độ phải chăng của một con người lương thiện. Tăng ở chặng này là người đại diện
cho Phật để dìu dắt chúng sinh.
Chặng hai (con đường của tiểu thừa hay Thanh văn
Duyên giác) thì sự quy y và niềm tin Phật giống như đứa con đã thành niên tin
cha. Thái độ hoàn toàn ỷ lại thần quyền của thuở bé không còn nữa, bây giờ nó
xem cha như một bậc thầy, một tấm gương, một người mà nó có thể thỉnh thoảng
quay về hỏi ý kiến mỗi khi làm ăn thất bại. Nhưng phần nhiều nó thích tự lập,
không muốn cha xía vào cuộc đời riêng tư của nó lúc không cần thiết. Vai trò
bậc thầy, người cha ở giai đoạn này thật tế nhị, rất dễ đỗ vỡ nếu cung đàn lỗi
nhịp về phía bậc thầy, người cha, hoặc về phía người con, đệ từ. Lỗi nhịp khi
cha, thầy xía vào đời đứa con hay đệ tử lúc nó chưa sẵn sàng đón nhận sự dạy
bảo, lỗi nhịp khi người đệ tử đối dỉện với một giáo lý vượt quá trình độ của
mình (như trường hợp trong kinh Pháp Hoa, phẩm Tựa, năm ngàn Tỳ kheo đã bỏ pháp
hội đi ra lúc Phật sắp tuyên thuyết viên đốn giáo của Đại thừa) hay khi người
con, người đệ tử quá kiêu căng hoặc quá tự ty mặc cảm. Những người con, đệ tử
nhìn sự sáng chói của cha hay thầy mình bằng nhiều thái độ khác nhau. Có kẻ
hãnh diện vì được làm con hay đệ tử của một bậc thầy, người cha lỗi lạc, và khi
tự xưng tôi là con hay đệ tử của vị này vị kia, người ta cảm thấy mình cũng
oai, cũng dự phần vào sự sáng chói của cha hoặc thầy mình. Đây là một thái độ
nặng ngã chấp, vì khen thầy mình cha mình thì cũng không khác gì tự khen mình.
Một hạng con hay đệ tử lại thường tìm cách chống đối và ưa nói ngược lại cha,
thầy, bất kể họ nói ra điều gì: Một kiểu ganh tị ngấm ngầm phát sinh từ ngã
chấp. Hạng con, đệ tử thứ ba thì hoàn toàn khâm phục sự sáng chói của bề trên
và tự cho mình thấp thỏi không sao với tới nên tránh xa thầy một khoảng cách an
toàn, trở thành người ngoại cuộc do tự ti mặc cảm. Cả ba thái dộ vừa kể không
thái độ nào là thái độ của một Thanh văn đệ tử. Hai thái độ đầu nặng ngã chấp
và mặc cảm tự tôn, được ví như cái bình lật úp không chứa đựng được gì vượt
ngoài “cái tôi” của mình. Thái độ của người con hay đệ tử đầy tự ti mặc cảm thì
giống như cái bình bị lủng lỗ, cũng không chứa đựng được pháp.
Thanh văn đệ tử, những người ở chặng hai của con
đường tu tập thì nhìn Phật với thái độ của một vị lương y cứu cấp kịp thời, một
người cho ăn đúng lúc mình đang đói. Pháp đối với họ như thuốc cấp cứu, Tăng
như bạn đồng bệnh trong phòng hồi sức. Khi một người còn dư thời giờ để nghiên
cứu hết triết thuyết này đến thư tử nọ, là họ chưa bước vào chặng đường hai: họ
còn ở ngoài ngưỡng cửa, như một người khách hàng trong siêu thị xem hết món này
đến món khác mà chưa quyết định mua món nào. Thanh văn trái lại là người đã
thấy được nổi khổ sinh tử một cách quyết liệt cấp bách như thấy lửa đang bốc
cháy lan tới mình, không còn thì giờ để lý luận. Kinh thường lấy ví dụ con voi
sa lầy: Một con voi đang khát cháy cổ chợt trông thấy một ao đầm nước trong mát
liền lội xuống ngâm mình và uống nước thỏa thích. Nhưng chưa đã được cơn khát
thì nó nhận ra rằng cả bốn chân nó đang từ từ lún xuống sình lầy càng lúc càng
sâu. Càng vùng vẫy nó càng lún sâu thêm: nó đâm hoảng sợ quên cả cảm giác thoải
mái của nước mát quanh mình và trong cổ họng. Nó chỉ còn nghĩ tới cái chết gần
kề.
Thái tử Tất Đạt Đa ngày xưa có lẽ cũng đã từng cảm
thấy những nhức nhối của cuộc tồn sinh theo kiểu ấy, nên mặc dù đang sống trong
nhung lụa, ngài đã âm thầm từ giã ra đi tìm đạo giữa đêm khuya, và đã thành đạo
ngay giữa lòng đời đau khổ. Khi thấy rõ sự bất toại ý của cuộc đời, thì chính
sự bất toại ý ấy trở thành diệu dược giúp ta thoát ly. Thử tưởng tượng một
người có nhiều khát vọng ước mơ. Họ sẽ ra sao nếu không thỏa mãn một ước mơ nào
cả? Và họ sẽ ra sao nếu tất cả những ước mơ của họ đều được thỏa mãn? Có lẽ hai
tình trạng ấy không khác nhau mấy chút: còn lại vẫn là một nỗi chán chường bất
mãn thường xuyên. Nhà thơ Bùi Giáng đã viết:
Trời đất lạnh và lòng anh không thỏa
Gửi hồn đi phương hướng hút heo ngàn
Hồn ngơ ngác loay hoay về hỏi dạ
Có bao giờ dạ thỏa giữa không gian?
Thanh văn là người thấy được rằng đời khổ không
phải vì ta không thỏa mãn được các dục, mà khổ chính là các dục. Thấy được như
vậy gọi là pháp nhãn ly trần vô cấu đã phát sinh, ngay tại chỗ họ được
giải thoát: cơn bệnh hóa thành diệu dược là ở chỗ đó. Vai trò đức Phật ở chặng
đường này không còn là vị thần ban phúc kéo ta ra khỏi địa ngục, mà là tấm
gương sáng giúp ta thấy rằng giải thoát có thể thực hiện ngay giữa lòng đời đau
khổ. Và giải thoát đây đồng nghĩa với ly dục.
Ở chặng đường cuối là Bồ tát đạo, vai trò đức Phật
và sự quy y lại mang ý nghĩa sâu xa hơn nữa. Trở lại với ví dụ thái độ con nhìn
cha hay trò nhìn thầy: người con ở chặng này đã an thân lập mạng, tự thấy có
nhiệm vụ phải giúp đỡ cha già để đền ơn giáo dưỡng. Và giúp đỡ đây có nghĩa là
làm sao cho gia tài cha để lại đừng bị hư hao. Bao nhiêu kho tàng châu báu cha
khó nhọc làm ra, bây giờ trao hết về tay Bồ tát như người con cả. Nếu không có
Bồ tát thì sẽ không có Thanh văn, không có Duyên giác, cỗ xe làm người làm trời
(nhân thiên thừa) cũng không luôn. Thế gian sẽ chìm trong màn đêm u ám. Bởi thế
Bồ tát đóng vai trò trọng đại trong sự mất còn của Phật pháp. Có Bồ tát là có
tất cả không Bồ tát là không còn gì. Đại thừa giáo đặt nặng việc thọ Bồ đề tâm
giới là vì lẽ đó. Có thọ Bồ đề tâm, lập nguyện Bồ đề và hành hạnh Bồ tát mới là
đi đúng quỹ đạo của Phật.
Phát tâm Bồ đề có nghĩa là xác nhận khả năng giác
ngộ sẵn có nơi mình và tất cả mọi người, và nguyện phát triển khả năng ấy đời
đời kiếp kiếp cho đến khi hoàn toàn gìác ngộ như Phật, để có khả năng và phương
tiện cứu giúp tất cả Căn bản của sự phát tâm bồ đề là lập 4 thệ nguyện rộng lớn
căn cứ trên tứ diệu đế.
Vì nỗi khổ chúng sinh vô biên, nên con lập nguyện
lớn cứu tất cả khổ, (khổ đế).
Phiền não tham sân si (nơi con và mọi người) là vô
cùng tận, nên con lập nguyện lớn đoạn trừ cho hết, (tập đế).
Có vô số phương pháp cứu khổ, con lập nguyện lớn
học cho hết, (đạo đế).
Chỉ có thành Phật mới mong cứu giúp chúng sinh
thoát tất cả khổ, nên dù Phật đạo cao siêu diệu vợi, con nguyện sẽ đạt thành, (diệt
đế).
Khi phát bốn thệ nguyện rộng lớn ấy là ta đặt mình
trên đường đi của chư Bồ tát, nên ở chặng này, vai trò của Phật Bồ tát là vai
trò của người bạn lành (thiện tri thức); pháp là tất cả cuộc đời với khổ đau an
lạc thành công thất bại sống chết nhục vinh. Tăng là cộng dồng những người cùng
chung bồ đề nguyện.
Mật tông chia con đường Đại thừa làm hai: Đại
thừa và Kim cang thừa hay Tối thượng thừa, nhưng chung quy
Kim cang thừa chỉ là con đường tắt của đại thừa. Thành Phật ngay trong đời này,
bằng chính thân xác này. Kim cang thừa đặt nặng nghi lễ, nên có lễ Abhisekha
thường được dịch nhiều cách: quán đảnh, nhập môn, điểm đạo hay gia trì. Trong
lễ này, hành giả được cho uống và rưới đầu bằng một thứ nước phép; người thọ
giới xem như đã uống vào thứ nước cam lồ bất tử. Kể từ giờ phút ấy giới tử được
trao một sứ mệnh thiêng liêng. Thế giới như được mở rộng ra thành pháp giới
trùng trùng vô tận, hành giả được đẩy vào khoảng không bao la để tự túc tự
cường, trở về với chính mình và với vũ trụ thay vì bám lấy một thần tượng như ở
hai chặng đường trước. Theo nghĩa đó thì nói lễ nhập môn không đúng bằng xuất
môn: người thọ giới được trao truyền một thứ nguy hiểm chết người nên chưa đủ
sức để đón nhận, đó là tự do tuyệt đối. Cho nên, cần nói rằng không ai có thể
thọ giới Kim Cương thừa nếu chưa trải qua hai giai đoạn dưới đó là Thanh văn và
Bồ tát.
Danh từ gia trì (empowerment) có lẽ hay hơn
cả: hành giả Kim cương thừa hay đại thừa cấp cao, khi thọ giới này là được sự
tiếp sức của chư Phật Bồ tát để bay ra ngoài vũ trụ vô biên vì họ có thể rớt
xuống vực thẳm bất cứ lúc nào. Chư Phật Bồ tát khi ấy sẽ đóng vai trò của người
bạn lành duỗi tay nâng đỡ.