Đức Phật nhấn mạnh về hiệu quả tâm linh của một món quà bố thí là không lệ thuộc vào số lượng của cho, nhưng quan trọng là ở cách cho. Một món quà nhỏ từ một người không có nhiều phương tiện để bố thí được xem như là có kết quả tinh thần lớn hơn
Bố thí trong Phật giáo là
một hành vi đạo đức, phát xuất từ tấm lòng hảo tâm, tương thân tương
trợ, lá lành đùm lá rách. Bố thí theo nghĩa của từ ngữ này là trải những
sở hữu vật chất, tinh thần hay tri kiến đến với mọi người một cách bình
đẳng. Ngay điều cơ bản, bố thí là hành vi nhân bản, chăm lo đến tính
nhân bản theo đúng nghĩa của nó. Bố thí là tôn chỉ đặc thù của Phật
giáo, là chất keo hàn gắn mọi người, mọi giới lại với nhau, bằng tình
thương bao la, bằng tấm lòng rộng mở không phân biệt.
Trong một ý nghĩa sâu xa, bố thí được
xem như là một hành động gột rửa cái tâm bủn xỉn, tham lam để mài dũa
tâm hồn trở nên quảng đại hơn, cao thượng hơn. Người thực hiện bố thí
theo tôn chỉ Phật giáo, sẽ đạt được hai mục tiêu lợi ích: một là ban đến
niềm vui, an lạc, hạnh phúc cho người khác và hai là trau dồi tinh thần
từ bi, độ lượng ở chính mình.
Người Phật tử bố thí không bao giờ tự
phụ rằng mình là người ban ân và kẻ thọ lãnh là người thọ ân. Trong
hành động bố thí, cái ta ngã ái, cái ta chấp ngã không có chân đứng. Bố
thí không chỉ được quan niệm như là một pháp môn hướng đến sự hoàn thiện
nhân cách tự thân, mà còn là phương tiện đi đầu một cách hữu hiệu nhất
trong công cuộc hoằng pháp độ sanh của người con Phật. Vì vật chất trang
trải trước mới đến tinh thần, chăm lo đời sống vật chất rồi thì sau đó
mới dễ dàng chăm sóc đời sống tinh thần. Giáo lý Phật giáo luôn chủ
trương như vậy, trong Tứ nhiếp pháp hay Lục độ vạn hạnh, bố thí luôn là
hành vi hoằng pháp đi đầu.
Trong vấn đề bố thí vật chất, điều
đáng quý và đáng học hỏi là những người tuy khó khăn, thiếu thốn về vật
chất nhưng lại giàu tình thương, sẵn sàng trang trải cho người khác có
đời sống chật vật, thiếu thốn hơn mình. Ông bà ta thường tán thán mẫu
người cao thượng như thế: “của ít lòng nhiều” - quả là những câu nói rất
phù hợp với Phật giáo.
Đức Phật dùng chữ “cage" (tiếng Pali)
để chỉ cho phẩm hạnh bên trong của việc bố thí liên hệ đến việc thực
hành Phật đạo. Cách dùng chữ “cage” này có ý nghĩa rất đặc thù bởi vì nó
cũng có nghĩa là “sự buông xả” hay “sự từ bỏ”. Việc thực hành bố thí
còn nhấn mạnh thêm ở sự cho đi hơn là bị yêu cầu, đòi hỏi theo tục lệ,
hay được trông đợi có liên quan đến những hoàn cảnh và tiềm lực kinh tế
của một ai đó. Rõ ràng, bố thí có liên quan đến việc xả bỏ tính keo
kiệt, chấp thủ và tham lam. Thêm vào đó, bố thí còn đưa đến việc từ bỏ
một số phương diện của tính tự lợi, đó là việc thực hành bố thí cái ngã
của chính mình.
Đức Phật nhấn mạnh về hiệu quả tâm linh của một món quà bố thí là không
lệ thuộc vào số lượng của cho, nhưng quan trọng là ở cách cho. Một món
quà nhỏ từ một người không có nhiều phương tiện để bố thí được xem như
là có kết quả tinh thần lớn hơn từ một sự bố thí tầm thường của một
người giàu có của cải.
Đối với những người Phật tử tại gia,
Đức Phật nhắc nhở về hai việc nhằm đem đến nguồn hạnh phúc là làm giàu
bằng cách làm ăn chân chính và bảo vệ tài sản được tạo ra. Tuy nhiên,
Đức Phật khuyến cáo làm giàu không phải là mục đích cuối cùng. Sự giàu
có được tán dương đối với Phật tử tại gia khi nó được dùng vào đúng mục
đích.
Đức Phật đã từng so sánh một người chỉ biết hưởng thụ sự giàu có của
mình mà không chia sẻ cho kẻ khác như là một người đang tự đào hố để
chôn chính mình. Ngoài ra, Đức Phật cũng ví dụ về một người làm giàu
chân chính và biết chia sẻ cho người nghèo khó như một con người có đầy
đủ hai mắt. Ngược lại, người keo kiệt bủn xỉn được ví như người chỉ có
một con mắt.
Theo: TVTV