Cha mẹ sinh ra ta song họ không biết ta từ đâu đến đây. Bây giờ mình phải tìm cho ra con đường sanh tử mà mình đã từ đó tới; có nghĩa là mình phải liễu thoát sanh tử.
Ở đời thì bất quá mình chỉ ăn ngày ba bữa rồi trôi theo dòng sinh tử mà thôi. Người đời cả ngày bận rộn làm việc là chỉ vì truy cầu danh lợi, địa vị, vì muốn hưởng thụ vật dục, ăn ngon, mặc đẹp, ở sướng.
Người tu có làm việc thì cũng là để huấn luyện nội tâm. Do đó, công việc không cần quá nhiều, không nên gấp gáp; cũng không cần ai khen ngợi mình; không truy cầu, ước muốn bất cứ thứ gì. Chỉ mặc bộ áo của Tây-phương Cực-lạc mà thôi.
Ðối với người tu, cảnh giới hoặc ngoại cảnh càng xấu thì càng tốt. Người tu càng trải nhiều gian khổ càng tốt. Ðó là điểm khác biệt giữa người tu và người đời.
Người tại gia có nỗi khổ mà người xuất gia cũng có nỗi khổ. Người đời khổ là vì họ không có được cái nhìn sáng suốt; người xuất gia khổ là vì muốn liễu sanh tử, muốn ra khỏi luân hồi.
Người đời ngày ngày đều quay đi quay lại đeo đuổi mấy thứ tài, sắc, danh, thực, thùy (tiền của, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, hưởng thụ hoặc ngủ nghỉ), và luôn bị ngoại cảnh làm ô nhiễm tâm tánh; hoàn toàn không làm chủ chính mình.
Người tu thì cần rửa sạch những thứ cấu bẩn ấy. Kẻ tu dù đời sống có chật vật, song tâm an ổn, sáng suốt là đủ.
Khi còn ở đời, ai cũng chạy theo thứ hoa hòe bề ngoài. Có tiền thì sung sướng, không tiền thì khổ sở. Thế nên tính toán mọi cách để kiếm tiền. Rồi khi lòng truy cầu ham muốn nổi dậy thì tâm tánh sẽ hôn ám mê muội, hệt như kẻ say rượu vậy. Mọi việc ở đời đều không ra ngoài sự truy cầu, ham muốn; ai ai cũng vì kiếm ăn để sống cả.
Do đó, người xuất gia phải luôn phát khởi chánh niệm, suy tư đúng với chân lý; phải nói Pháp của Phật ”như vậy mới giải thoát được.
Người tu chúng ta đừng nên tham lam thì mới trừ được phiền não, sân giận, si mê. Không nên có phong cách như người đời: ăn thì phải ăn ngon, ngủ thì phải ngủ đủ.
Người tu tự gọi mình là “bần tăng” (sư nghèo), là vì nếu cuộc sống càng giản dị bao nhiêu thì sự tu hành càng có tương ưng bấy nhiêu, chứ chẳng phải là càng giàu có sung túc hơn đâu! Nếu không như thế, cứ để lòng tham lam tồn tại, không chịu trừ khử; thì dù bạn nói mình tu hành, song vọng tưởng, phiền não từ lòng tham ấy vẫn ùn ùn kéo tới.
Người xuất gia và người đời khác nhau xa lắm. Người tu chẳng nói “đúng” hay “không đúng”; bởi “đúng” họ cũng nhận, mà “không đúng” họ cũng nhận. Cứ như vậy mà bạn tu hạnh Nhẫn-nhục, thì từ từ bạn sẽ trừ được ngã tướng.
Ở ngay giữa xã hội mà tu (ám chỉ kẻ tại gia), thì không dễ tu. Bởi vì áp lực của người chung quanh sẽ làm chúng ta phải đồng ý theo họ; nếu không, họ sẽ công kích chúng ta. Do đó, người xuất gia thì tu có dễ dàng hơn.
Khi đã từng trải qua sóng gió trên trường đời, rồi mới vô chùa tiến tới một bước tu hành, làm hạnh Nhẫn-nhục, thì bạn dễ hòa đồng với kẻ khác lắm.
Hãy phát lòng tin, rằng: “Tôi nhất định phải thành Phật!” Nói ra như thế tức là có chí hướng thành Phật, thì chúng ta mới có động cơ khiến mình tinh tấn tu trì.
Ðừng luôn khoe khoang, nói về chính mình, vì cái bản ngã sẽ làm chướng ngại việc tu.
Ngoài đời, ai cũng thích mặc áo quần đẹp đẽ, song vô chùa thì những thứ ấy không còn thích hợp nữa. Ở chùa, ta mặc thứ y phục mà không người đời nào muốn mặc. Thói quen nóng nảy, giận dữ của chúng ta cũng phải sửa đổi một chút mới được. Cứ tu, rồi chúng ta sẽ cảm biết thấu suốt mọi sự.
Xuất gia: có chánh niệm. Ngoài đời: chẳng có chánh niệm.
Sinh hoạt của người đời giống hệt như ban ngày nằm mộng, mà ban đêm cũng là mộng: “chiêm bao giấc mộng sanh tử luân hồi.”
Người đời có thể hưởng thụ khoái lạc, đi chơi đâu đó, xem ra như là sung sướng lắm. Song khi cơn vui qua rồi thì đầu óc lại quay cuồng với đủ thứ vọng tưởng, phiền não; tâm không thanh tịnh đặng.
Người tu tuy áo quần, ăn uống, chỗ ở đều chẳng sung sướng gì, nhưng hễ khi làm xong việc gì mình cũng có thể ngồi xuống xếp bằng tĩnh tọa, niệm Phật, tu trì ” tâm thần thanh tịnh, không phiền não”, tức là có thể đưa tới chánh niệm.
Áo quần, chỗ ở, ăn uống tuy không sung túc, song mình tu hành thì có sự thanh tịnh. Khi tâm mình không có vấn vương mọi thứ, mọi việc gì; cứ mỗi ngày đều đều như vậy; thì đó là chốn thanh tịnh. Người đời chỉ có thể ở trong chốn Ngũ-trược, xấu ác mà thôi.
Nhiều người đời hy vọng con cái mình có nhiều bạn bè trai gái, thì họ mới vui. Song con cái đối với cha mẹ thì không chút lễ nghĩa gì, mà cha mẹ cũng thì cũng rất dễ dãi với con cái. Nếu người xuất gia mà còn thói quen thế tục, thích kết nhiều bè bạn, thì sau này sẽ còn nhiều “màn kịch” để họ diễn nữa!
Ở đời đa số con cái ai cũng ỷ lại cha mẹ, nên không biết trời đất to lớn ra sao. Khi xuất gia thì xung quanh toàn là sư huynh sư đệ; người nào lo làm tròn bổn phận người nấy, mà mình cũng phải lo làm công việc được giao phó. Do đó, ai cũng có tánh tự lập.
Làm người mà chịu đi tu thì mới đáng giá. Bởi vì nếu không vậy, mình cứ ở xã hội, lập gia đình, sinh con đẻ cái, đến chết vẫn không buông xả được, và cũng không thanh thản ra đi đặng!
Người đời lấy khổ làm vui; đến lúc già rồi thì sợ chết, không buông xả đặng con cháu.
Người xuất gia chúng ta tuy tu Khổ-hạnh, song nếu vừa làm, vừa niệm Phật, thì lâu ngày chày tháng, mình sẽ thể hội được mọi chuyện trong sáu nẻo luân hồi. Khi ấy, mình sẽ sung sướng là đã may mắn được xuất gia.
Niệm Phật nhiều, đủ, thì trí huệ sẽ khai phát, sẽ giác ngộ; đến khi già mình sẽ không sợ chết vì mình đã có một Thế-giới Cực-lạc ở Tây-phương để tới.
Nghiệp chướng của chúng ta chồng chất như núi cao; không xuất gia thì không thể nào vượt qua đỉnh núi ấy.
Những người thiếu hiểu biết ngoài đời thì luôn luôn đi trên con đường tạo nghiệp. Người xuất gia thì đi con đường hết nghiệp, tiến thẳng tới Thế-giới Cực-lạc.
Cổ nhân dạy: “Một tấc Ðạo, chín tấc ma” (tức là Ðạo thì ít mà ma hay nghiệp chướng thì nhiều). Do đó, người tu càng tiến bước thì bao thứ ác niệm, thói hư tật xấu, từ nhiều đời trước sẽ nổi lên. Lúc ấy, chúng ta phải càng chịu khó chịu khổ hơn nữa thì mới từ từ làm nghiệp chướng tiêu tan. Ðến khi lâm chung, sen vàng sẽ hiện ra rước chúng ta về Tây phương Thánh cảnh.
Người đời thì làm sao hiểu được, do đó họ cứ ngày ngày đeo đuổi sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp – ngày ngày tạo nghiệp. Ðến khi lâm chung, quỷ La-sát hiện ra bắt họ, thì họ không đi cũng chẳng đặng!
Bây giờ mình không xuất gia tu hành, thì khi già mình cũng như cha mẹ mình: đầy dẫy phiền não, rồi rớt vào vòng luân hồi. Do đó, xuất gia là phải rồi! Chúng ta không nên chấp trước, chẳng chịu học tấm gương của người đi trước!