Phật pháp căn bản
Bát chánh đạo với tự thân và xã hội
Thích Thái Hòa
01/07/2011 12:50 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tác dụng của Bát chánh đạo là giúp cho hành giả thấy rõ, thấy chính xác đối với sắc, thọ, tưởng, hành và thức, qua hai mặt nhân duyên và nhân quả thế gian, xuất thế gian.

Đối với nhân duyên, nhân quả thế gian, Bát chánh đạo giúp cho hành giả thấy rõ, thấy chính xác, sắc uẩn do tương quan giữa bốn đại chủng gồm đất, nước, gió và lửa tạo thành, nên chúng luôn luôn bị bức hại và đốt cháy bởi vô thường, chúng rỗng không, không có ngã tính, không có ngã thể. Và Bát chánh đạo giúp cho hành giả thấy rõ hỷ lạc, do tham dục đối với sắc uẩn đem lại chính là tập khởi của khổ đau và gốc rễ của sanh tử luân hồi.

Đối với nhân duyên, nhân quả xuất thế gian, Bát chánh đạo giúp cho hành giả thấy rõ, thấy chính xác rằng, sắc tịch diệt là do tham dục và ái hỷ nơi tâm của hành giả đối với sắc uẩn hoàn toàn tịch diệt. Và con đường diệt tận tham dục và ái hỷ đối với sắc uẩn để thành tựu Niết-bàn là các phẩm trợ đạo và chánh đạo.

Cũng vậy, Bát chánh đạo, giúp cho hành giả thấy rõ, thấy chính xác, đối với thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn, đều do tương quan duyên khởi, nên chúng đều bị bức hại và đốt cháy bởi vô thường, chúng rỗng không, không có ngã tính, không có ngã thể. Và Bát chánh đạo giúp cho hành giả thấy rõ, thấy chính xác rằng, tham dục và ái hỷ đối với thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn là tập khởi của khổ đau và là gốc rễ của sanh tử luân hồi.

Hơn thế nữa, Bát chánh đạo cũng giúp cho hành giả thấy rõ, thấy chính xác rằng, khổ đau và gốc rễ của nó có thể diệt tận, khi tham dục và ái hỷ đối với thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn nơi tâm của hành giả bị diệt tận. Và con đường diệt tận tham dục và ái hỷ đối với thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn để thành tựu Niết-bàn là các phẩm trợ đạo và chánh đạo.

Vậy, tác dụng của Bát chánh đạo là thấy rõ Khổ Tập Diệt Đạo ở nơi thân năm uẩn và ngay nơi thân năm uẩn mà vượt qua Khổ, bằng cách đoạn Tập, chứng Diệt và tu Đạo.

Tu Đạo là thực hành ba mươi bảy phẩm trợ của Đạo đế. Trong Đạo đế, Bát chánh đạo vừa là đạo và vừa là trợ đạo, các phẩm còn lại là trợ đạo. Do thực hành Đạo đế mà các tham dục và ái hỷ đối với sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn hoàn toàn bị nhiếp phục và diệt tận, tâm vô lậu giải thoát phát sinh, chứng nhập được Niết-bàn an tịnh.

Tác dụng của Bát chánh đạo như vậy, nên nếu ta tu tập sẽ dẫn sinh những hiệu quả tốt đẹp, cao quý cho bản thân và xã hội như sau:

Đối với bản thân

Do tự thân nỗ lực thực hành pháp Bát chánh đạo, nên có thể thành tựu các Thánh quả giải thoát như sau:

Thánh quả Dự lưu

Thánh quả này, tiếng Phạn (Sanskrit) là Srotāpannaphala; tiếng Pāli gọi là Sotapannaphala. Hán phiên âm là Tốt-lộ-đa-a-bán-na hay Tu-đà-hoàn và dịch là Nhập lưu quả, Dự lưu quả hoặc Nghịch lưu quả.

Nhập lưu, nghĩa là do tu tập Bát chánh đạo mà hành giả đoạn trừ được các loại phiền não như Thân kiến thủ (Sakkāyadiṭṭhi), tức là đoạn trừ được những chấp thủ sai lầm về thân; đoạn trừ những nghi ngờ (vicikicchā), đối với Phật pháp; đoạn trừ giới cấm thủ (Śīlabbataparāmasāsa), tức là đoạn trừ được những tín điều sai lầm, khiến hành giả đạt đến địa vị Nhập lưu hay Dự lưu.

Nhập lưu hay dự lưu là gia nhập hay dự phần vào dòng chảy của bậc Thánh. Chính dòng chảy này chuyển lưu hành giả đi vào biển cả Niết-bàn. Người tu tập dự được vào dòng chảy này thì không còn chảy theo dòng chảy của sanh tử nữa, nên quả vị này còn gọi là Nghịch lưu quả.

Dự lưu, Luận Câu-xá giải thích rằng: “Lưu là gọi chung cho những con đường dẫn tới đời sống vô lậu, vì dự vào con đường này mà đi tới Niết-bàn nên gọi là dự lưu”.

Chứng nhập được quả vị này, hành giả biết rõ biên cương sinh tử của đời mình chỉ còn bảy đời nữa là chấm dứt, không còn bị tái sanh trong luân hồi nữa, nên quả vị này cũng còn gọi là Thất lai quả.

Hành giả tu tập đạt được quả vị này, thì niềm tin của họ đối với Tam bảo không bao giờ bị hủy hoại.

Thánh quả Nhất lai

Thánh quả này, tiếng Phạn (Sanskrit) Sakṛdāgāmiphala; Pāli là Sakadāgāmiphala. Hán phiên âm là Sa-yết-lợi-đà-già-di-pha-la hay Tư-đà-hàm quả và dịch là Nhất lai quả.

Nhất lai, nghĩa là vị Thánh tu tập chứng được quả vị này, là do đã đoạn trừ hết Thân kiến thủ, nghi, giới cấm thủ và đoạn giảm các căn bản phiền não tham và sân, nhưng còn trở lại Dục giới một lần nữa để tiếp tục thực hành Thánh đạo, để đoạn trừ các lậu hoặc còn sót lại, nên gọi là Nhất lai.

Chứng nhập được Thánh quả này hành giả biết rõ, tự thân chỉ còn trở lại Dục giới một lần nữa và sau đó là hoàn toàn chấm dứt, không còn sanh vào Dục giới nữa.

Thánh quả Bất lai

Thánh quả này, tiếng Phạn (Sanskrit) là Anāgāmiphala; Pāli là Anāgāmiphala. Hán phiên âm là A-na già-di, A-na-già-mê, hay A-na-hàm và dịch là Bất lai quả, Bất hoàn quả.

Bất lai quả là do bậc Thánh tu tập Bát chánh đạo, đoạn trừ hẳn Thân kiến thủ, nghi, giới cấm thủ, tham dục và sân nhuế đối với dục giới, nên vĩnh viễn không còn có tái sanh vào dục giới nữa. Vì vậy, gọi là Thánh quả Bất lai.

Chứng nhập được quả Thánh này, hành giả hoàn toàn không còn sanh vào Dục giới, nhưng còn sanh vào cõi trời Tịnh cư thuộc Sắc giới, ấy là Thánh địa của các Thánh giả A-na-hàm. Ở Thánh địa này, các Thánh giả tiếp tục tu tập định và tuệ vô lậu, đoạn trừ những ái nhiễm đối với sắc, gọi là sắc ái; tiếp tục đoạn trừ các ái nhiễm đối với vô sắc, gọi là vô sắc ái; tiếp tục đọan trừ những hạt giống kiêu mạn, chấp ngã, cũng như những trạo cử và vô minh nơi tâm, để hướng tới đời sống của vị A-la-hán siêu xuất sinh tử luân hồi trong Ba cõi.

Thánh quả A-la-hán

Thánh quả A-la-hán là quả vị cao nhất đối với giáo lý thuộc các văn hệ kinh điển Āgāma và Nikāya, và là một trong mười phẩm tính giác ngộ của Phật.

A-la-hán, tiếng Phạn (Sanskrit) là Arhat, Arihant; Pāli là Arahant. Hán phiên âm là A-la-hán, A-ra-ha, A-lê-ha, Át-ra-hát-đế... và dịch là Ứng cúng, Ứng chơn, Sát tặc, Vô sanh, Vô học chân nhân... nghĩa là vị Thánh xứng đáng để cho chư thiên, nhân loại đảnh lễ cúng dường; vị Thánh đã tận diệt hết thảy giặc phiền não; vị Thánh đã đoạn tận hết thảy các loại phiền não liên hệ đến dục ái, ở các cõi dục; đoạn tận hết thảy phiền não liên hệ đến sắc ái ở các cõi sắc; và đoạn tận hết thảy phiền não liên hệ đến vô sắc ái ở các cõi vô sắc, nên không còn bị sanh tử trong Ba cõi chi phối; đã hoàn tất các địa vị hữu học và đã đến địa vị của bậc vô học chân nhân.

Vị Thánh giả A-la-hán, đối với tám yếu tố của Thánh đạo đã học tập hoàn tất và minh triệt từ vô học chánh kiến cho đến vô học chánh định, đối với sự tái sanh đã chấm dứt, đối với những điều đáng làm đã làm, không còn tái sinh đời sau, nên đối với con đường giải thoát sanh tử không còn có bất cứ điều gì để học, nên gọi là vô học chân nhân.

Ở trong Đại Trí độ luận, Ngài Nāgārjuna (Long Thọ) nói rằng, A-la-hán là Phật và chỉ có Phật mới là A-la-hán đích thực qua bài kệ rằng:

佛以忍為鎧  

精進為剛甲

持戒為大馬  

禪定為良弓

智慧為好箭  

外破魔王軍

內滅煩惱賊  

是名阿羅

“Phật dĩ nhẫn vi khải

Tinh tấn vi cương giáp

Trì giới vi đại mã

Thiền định vi lương cung

Trí tuệ vi hảo tiễn

Ngoại phá ma vương chúng

Nội diệt phiền não tặc

Thị danh A-la-hán.”

Tạm dịch:

“Phật dùng nhẫn làm áo

 Tinh tấn làm cường bào

 Trì giới làm đại mã

 Thiền định làm nhuệ cung

 Trí tuệ làm tên bắn

 Ngoài phá chúng ma vương

 Trong diệt giặc phiền não

 Nên, gọi A-la-hán.”

Sự giải thích ý nghĩa A-la-hán tùy theo căn cơ của thính chúng mà các kinh điển có những cách giải thích sâu cạn, rộng hẹp khác nhau. Nhưng, dù giải thích sâu cạn, rộng hẹp như thế nào đi nữa, thì các kinh điển cũng đều dựa trên Bát chánh đạo để khai triển.

Và sự phân chia quả vị A-la-hán của các kinh luận cũng có nhiều ý nghĩa sâu cạn, rộng hẹp khác nhau, nhưng với ý nghĩa A-la-hán rốt ráo và hoàn chỉnh, thì A-la-hán là một trong trong những phẩm tính căn bản, tạo nên đời sống của một bậc giác ngộ.

 Tuy nhiên, trong phạm vi của bài này tôi chỉ trình bày gọn rằng: A-la-hán thuộc về Thanh văn là A-la-hán có quả vị giải thoát cao nhất đối với các Thánh quả Dự lưu, Nhất lai và Bất lai, và với ý nghĩa này A-la-hán được nhấn mạnh đơn thuần về ý nghĩa tự giác, chưa có đủ hoàn toàn các phẩm tính như: Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hành túc... của một vị Phật. Vì thế, A-la-hán trong ý nghĩa Thanh văn không đi kèm theo với những ý nghĩa như là: A-la-hán là Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hành túc, Thiện Thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.

A-la-hán mà gọi là Phật, và Phật mà gọi là A-la-hán, thì A-la-hán trong ý nghĩa này có đi kèm theo các phẩm tính giác ngộ như: A-la-hán là Như lai, là bậc Ứng cúng, là bậc Chánh biến tri, Minh hành túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.

A-la-hán đi kèm theo với những ý nghĩa như: Như lai, Chánh biến tri, Minh hành túc... là A-la-hán của bậc Chánh giác, của bậc Toàn giác, của Phật Thế Tôn.

Do đó, Phật là A-la-hán, nhưng không phải là A-la-hán đơn thuần mà có đầy đủ các phẩm tính của bậc Toàn giác. Và như vậy, chỉ có Phật mới là A-la-hán đích thực.

Đối với tự thân, tùy theo mức độ tu tập Bát chánh đạo mà các Thánh quả giải thoát tương ứng có thể thành tựu ngay trong hiện thế.

Đối với xã hội

Đối với xã hội, Bát chánh đạo là con đường chuyển hóa rất lớn để dựng xây một xã hội lành mạnh, tiến bộ và văn minh, nâng những sinh hoạt của xã hội phàm tục lên thành những sinh hoạt của xã hội bậc Thánh.

Trong một xã hội sinh hoạt lành mạnh, tiến bộ và văn minh không thể thiếu một trong tám yếu tố của Chánh đạo. Vì sao? Vì sự sinh hoạt xã hội, nếu thiếu Chánh kiến, sẽ tạo nên những xung đột do những quan điểm cực đoan đem lại. Nếu thiếu chánh kiến, con người xã hội không thể nhận ra sự quan hệ giữa nhân quả hữu cơ và hữu cơ; giữa nhân quả hữu cơ và vô cơ và giữa nhân quả vô cơ với vô cơ, để có thể định hướng cho mọi hành vi đạo đức và một thể chế hiến pháp và luật pháp cho một xã hội loài người tiến bộ và văn minh hướng tới... Nên, ta không ngạc nhiên gì khi trong bài Hịch kẻ sĩ, Nguyễn Công Trứ nói: “Cầm chánh đạo để trạch tà cự bí...”

Nếu thiếu chánh tư duy, con người không nhận ra được sự quan hệ hữu cơ giữa con người và con người, cũng như quan hệ vô cơ giữa con người và con người, giữa con người và muôn vật, khiến xã hội người không vạch ra được một định hướng đúng cho mọi hành động của con người cá nhân và con người cộng đồng. Nên, khiến cho những nỗi khổ đau của con người cá nhân tác động lên con người xã hội hay ngược lại, làm cho đời sống con người bị chùn lại và đi về hướng tiêu cực, thấp kém. Con người sống lãnh đạm, thờ ơ với cuộc đời hay vồn vã, chụp giật và manh động với cuộc đời đều là những kẻ bị rơi vào cạm bẫy của tà kiến và tà tư duy cả, khiến tất cả họ đang đi về hướng tiêu cực và hủy hoại cuộc sống.

Vì vậy, chánh kiến và chánh tư duy trong Bát chánh đạo giúp cho con người xã hội định hình được tính quan hệ nhân quả hữu cơ tiêu cực và tính quan hệ nhân quả hữu cơ tích cực, nhằm có thể chuyển hóa những thành phần tiêu cực của xã hội chuyển sang hướng nhân quả hữu cơ tích cực, để đạt tới sự ổn định xã hội toàn phần một cách thực tế.

Nếu không có chánh kiến và chánh tư duy, ta không thể biết rõ, biết một cách chính xác những bất ổn và biến động xã hội do đâu, và có cách nào để giải quyết những biến động ấy, khiến chúng trở nên hòa bình, êm đẹp.

Trong những lãnh vực sinh hoạt của xã hội như: tôn giáo, văn hóa, khoa học, chính trị, giáo dục, kinh tế, ngoại giao, quân sự, an ninh xã hội... có cần đến Bát chánh đạo hay không, hay Bát chánh đạo chỉ dành riêng cho lãnh vực tu hành của Phật giáo?

Có thể đã có nhiều người nghĩ rằng, Bát chánh đạo chỉ nói đến những phương pháp tu tập, dành riêng cho những người thực hành theo Phật giáo. Cách nghĩ như thế tự nó đã là phi chánh đạo rồi, vì chánh đạo mà bị hạn chế bởi lãnh vực này hay lãnh vực kia, thì sao gọi là chánh đạo được? Tại sao? Bởi vì cái gì chánh, cái đó tự nó mang tính phổ quát mà không phải riêng lẻ. Nó phổ quát đối với thời gian, nên nó không bị thời gian làm cho mòn diệt; nó phổ quát đối với không gian, nên nó không bị không gian đóng khung và nó có mặt nơi khắp mọi đối tượng, để thanh lọc mọi tâm ý và hành động tà vạy, cho hết thảy chúng sanh, nên nó không dành riêng cho một lãnh vực sinh hoạt nào của xã hội con người, mà nó cần có mặt khắp mọi lãnh vực sinh hoạt của xã hội, để giúp cho mọi lãnh vực ấy thanh lọc những cách nhìn sai lệch đối với bản thân mình và những công việc mà mình đang hoạt động, khiến cho hành động càng lúc càng trở nên chính đáng, có hiệu quả chính xác và tốt đẹp.

Nếu tôn giáo thiếu Chánh kiến và chánh tư duy, thì tôn giáo ấy hướng dẫn niềm tin tâm linh của con người đi đến đâu và về đâu? Vì vậy, mọi sinh hoạt tôn giáo không thể thiếu chánh kiến và chánh tư duy, nếu thiếu một trong những yếu tố của Bát chánh đạo, thì những tôn giáo ấy sẽ hướng dẫn niềm tin con người đi vào ngõ cụt, đường tà.

Nếu lãnh vực khoa học, văn hóa, chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự, an ninh xã hội, báo chí, truyền thanh, truyền hình, thông tin... thiếu chánh kiến và chánh tư duy, thì những lãnh vực ấy sẽ hướng dẫn những sinh hoạt con người đi về đâu, đem lại cái thấy, cái biết, cái tư duy gì cho xã hội con người? Và lại nữa, nếu những lãnh vực sinh hoạt ấy của xã hội thiếu Chánh ngữ, thì họ nói gì với xã hội con người; nếu thiếu Chánh nghiệp, thì những hoạt động ấy của họ đem lại gì cho xã hội con người; nếu thiếu Chánh mạng, thì họ đem lại đời sống như thế nào cho xã hội con người; nếu thiếu Chánh tinh tấn, thì những lãnh vực ấy đem lại những tiến bộ gì cho con người; nếu thiếu Chánh niệm, thì họ đem những sự nhớ nghĩ gì cho xã hội con người; và nếu thiếu Chánh định, thì mọi lãnh vực ấy đem lại ý chí, nghị lực và an bình gì cho xã hội con người?

Nếu trong các lãnh vực sinh hoạt ấy của xã hội không có Bát chánh đạo, thì chúng sẽ dẫn sinh tám thứ tà đạo cho mỗi lãnh vực sinh hoạt ấy của xã hội. Và đương nhiên, xã hội con người càng ngày càng sinh hoạt theo hướng đảo điên và tăm tối.

Xã hội con người bị dẫn dắt bởi tám thứ tà đạo gồm: Tà kiến là cái thấy tà vạy, một chiều; Tà tư duy là tư duy theo cái thấy tà vạy, tư duy theo cái thấy một chiều; Tà ngữ là nói theo cái thấy, cái tư duy tà vạy, một chiều; Tà nghiệp là hành động theo cái thấy, cái tư duy tà vạy, một chiều; Tà mạng là sống theo cái thấy, cái tư duy tà vạy, một chiều; Tà tinh tấn là tiến bộ, siêng năng theo cái thấy, cái tư duy tà vạy, một chiều; Tà niệm là sự nhớ nghĩ theo cái thấy, cái tư duy tà vạy, một chiều; Tà định là thiền định theo cái thấy, cái tư duy tà vạy, một chiều.

Nếu mọi lãnh vực xã hội sinh hoạt theo tám thứ tà đạo ấy, thì những bất công của xã hội càng ngày càng trở nên gay gắt và tồi tệ, ấy là điều không có gì để cho những bậc có trí trong đời phải ngạc nhiên, và những bất hạnh, thất vọng và khổ đau của những con người bị cuốn chìm trong xã hội, sinh hoạt chạy theo tám tà đạo ấy là một sự thật hiển nhiên, như hai cộng với hai là bốn.

Đi theo đạo tà thì có cái nhân quả của tà đạo, đó là Khổ đế và Tập đế, khiến người đi bị luân lưu mãi trong luân hồi sinh tử khổ đau; đi theo đạo chánh thì có nhân quả của chánh đạo, đó là Diệt đế và Đạo đế. Đạo đế là Chánh đạo. Nếu đi trên con đường này, thì càng đi là càng xa lìa được khổ đau, chấm dứt sanh tử, tới được với đích điểm an lạc hay Niết-bàn tối thượng.

Sống đời an lạc, đời sống ấy đâu phải dành riêng cho ai, cho một thành phần nào, mà cho tất cả. Nên, đức Phật dạy Bát chánh đạo là để đáp ứng những khát vọng lìa xa đời sống khổ đau và tìm về với cội nguồn an lạc của tất cả mọi người, mọi thành phần đang sinh hoạt trong mọi lãnh vực của xã hội con người.

Source: Tập san Hoằng pháp 31

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch