Như thường lệ, Phật ở nơi vườn Cấp Cô Độc trong thành Xá-vệ, đang thuyết pháp cho chư vị Tỳ- kheo. Hôm đó Ngài thuyết về công đức hồi hướng và pháp Bát quan trai.
Ảnh minh họa
Bát quan trai
Bát quan trai, còn gọi là pháp Bát quan trai Hiền thánh, là tám việc mà một người học Phật đạo, hoặc học Bích Chi Phật đạo, hoặc học A-la-hán đạo, hoặc học Chánh pháp nên thực hành trong ba ngày mùng 8, 14 và 15 âm lịch. Đó là:
1- Không sát sinh.
2- Không trộm cắp.
3- Không tà dâm.
4- Không vọng ngữ.
5- Không uống rượu.
6- Không ăn phi thời.
7- Không nằm giường cao rộng.
8- Không hát xướng và không thoa hương hoa lên thân thể.
Năm pháp đầu là ngũ giới mà một Phật tử tại gia phải gìn giữ trong đời sống của mình. Ba giới sau giúp Phật tử ngăn dần tham dục. Chỉ tập trung thực hành trong ba ngày thì việc giữ giới được hoàn chỉnh hơn; cũng là cái nhân để Bát quan trai được thực hành đều đặn trong đời sống của người Phật tử.
Thệ nguyện hồi hướng
Phật dạy Bát quan trai xong, lại dạy thính chúng phát nguyện: “Nay con do pháp Bát quan trai này, không rơi vào ba đường dữ, không rơi vào bát nạn, không ở biên địa, không rơi vào chỗ hung ác, không theo ác tri thức, thờ phụng cha mẹ, không tu tập tà kiến, sinh vào trung tâm quốc gia nghe pháp lành này. Phân biệt suy nghĩ thành tựu từng pháp. Đem công đức giữ gìn trai pháp này nhiếp thủ điều lành cho tất cả chúng sinh. Đem công đức này bố thí cho người, khiến cho tất cả cùng thành tựu đạo quả Bồ-đề vô thượng. Cũng đem phước báu thệ nguyện này bố thí cho hàng Tam thừa, khiến không thối chuyển nửa chừng”(1).
Phát nguyện, là dùng công đức có được, hồi hướng để có được quả báo tốt đẹp ở tương lai. Như khi nghe pháp hay tọa thiền xong, chúng ta thường đọc bài kệ: “Nguyện đem công đức này / Hồi hướng khắp tất cả/ Đệ tử và chúng sinh/ Đều trọn thành Phật đạo”. Tất cả đều được hồi hướng cho con đường Phật đạo. Lời hồi hướng đó mang tính tổng quát, trực chỉ một việc thành tựu Phật quả. Lời hồi hướng Phật dạy đây mang tính chi tiết để chúng ta có thể rõ biết từng sự.
Việc đầu tiên cần hồi hướng là không rơi vào ba đường dữ. Đó là địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh. Ở các cõi đó, điều kiện để gặp Chánh pháp, nghe Chánh pháp và thực hành Chánh pháp khó khăn mà điều kiện quy ngã và hành các ác nghiệp thì dễ (súc sinh). Như khi Như Lai còn tại thế, đang diễn nói giáo pháp rộng rãi thì các chúng sinh ở ba cõi đó không nghe, không thấy. Đó là ba nạn đầu tiên trong bát nạn. Gọi là nạn, vì không thấy được Phật, không nghe được Chánh pháp. Vì thế khi chưa phải là hàng Đại Bồ-tát bất thối chuyển, có thể thấy “thân con không khác với huyễn hóa”(2), vào chốn khổ mà không bị khổ làm ngại tâm, thì việc đầu tiên cần phải làm khi tạo được công đức, là hồi hướng công đức đó để thoát khỏi ba dường dữ. Có vậy mới có thể đời đời gặp được Chánh pháp mà tránh ác làm thiện và giữ gìn tâm ý thanh tịnh.
Nạn thứ tư trong bát nạn, là khi Như Lai còn tại thế, khi giáo pháp của Như Lai được giảng nói rộng rãi thì chúng sinh ở cõi Trường Thọ không nghe, không thấy. Trường Thọ, là chỉ cho cõi trời Vô tưởng thuộc Sắc giới. Ngoại đạo tu hành đa phần đều sinh vào chỗ này. Chướng với việc thấy Phật nghe pháp nên nói là nạn(3). Vì thế, cần phải tránh xa cõi trời này.
Nạn thứ năm, là khi Như Lai còn tại thế, khi giáo pháp của Như Lai được diễn nói rộng rãi thì người ở biên địa không nghe thấy, lại hay tạo các ác nghiệp và phỉ báng Hiền Thánh.
Biên địa, là chỉ cho chỗ mà những tập tục mê tín còn mạnh, ánh sáng của Chánh pháp không có điều kiện soi tới. Đó là những khu vực xa xôi, nơi mà nền văn hóa, điều kiện đi lại cũng như truyền thông chưa được phát triển.
Trung tâm quốc gia, là chỉ cho nơi Chánh pháp được lưu bố rộng rãi. Đa phần đều có thể tiếp cận với Chánh pháp.
Trong bài tựa của ngài Tăng Duệ viết cho Trung luận, có đoạn: “May thay! Khu vực này của Trung Quốc, bỗng dời được Linh Thứu sang trấn giữ. Biên tình cách trở mới được ngập sáng ơn thừa”(4). Biên tình cách trở, chỉ cho khu vực ở biên địa. Cũng chỉ cho thức tình phân biệt của chúng sinh. Nguyện không sinh vào biên địa là nguyện thô. Nguyện không để tâm rơi vào nhị biên phân biệt, là nguyện tế. Thô, là nguyện sinh vào trung tâm của quốc gia. Tế, là nguyện đi trên con đường Trung đạo, lìa nhị biên phân biệt. Có vậy thì quả Phật mới có ngày thành tựu.
Nạn thứ sáu, là khi Như Lai còn tại thế, giáo pháp của Như Lai được diễn nói rộng rãi thì người tuy sống được ở trung tâm quốc gia, nhưng sáu căn không đầy đủ, không phân biệt được pháp thiện ác. Tam Tạng pháp số ghi: “Chư vị này tuy sinh ở Trung Quốc mà nghiệp chướng sâu nặng. Đui, điếc, câm, ngọng… các căn không đủ, gặp Phật ra đời mà chẳng thể thấy Phật, tuy được thuyết pháp mà cũng chẳng thể nghe”. Đui điếc, câm, ngọng… biểu trưng cho cái gọi là nghiệp chướng sâu nặng. Chính cái nghiệp chướng sâu nặng đó khiến không thấy được Phật, không nghe được pháp, nên nói đui, điếc, câm, ngọng...
Nạn thứ bảy, là khi giáo pháp của Như Lai được diễn nói rộng rãi thì người tuy sống được ở trung tâm, sáu căn tuy đầy đủ, mà tâm lại tà kiến. Không tin có nhân quả. Không tin có đời này đời sau. Không tin Sa-môn hay Bà-la-môn có thể chứng quả A-la-hán. Trường hợp này hiện nay không phải khó gặp. Người tuy có trình độ văn hóa cao, điều kiện vật chất dư dả, phương tiện gặp được Chánh pháp cũng dễ dàng, nhưng lại không ý thức rõ về nhân quả. Cũng không ưa thích người tu hành giữ giới nghiêm túc. Với Chánh pháp càng không ưa thích. Coi thường việc giữ gìn năm giới. Tâm quy ngã và ái dục được coi trọng. Cái quả tương lai được củng cố bằng những tranh đoạt trong hiện tại. Không ý thức rõ lợi ích của bố thí v.v…
Việc hiếu hạnh, có nơi cũng không được coi trọng. Con cái không có tâm thương tưởng, kính phục, nuôi dưỡng cha mẹ. Trong khi Phật dạy phước đức cung dưỡng cha mẹ ngang bằng với việc cúng dường Phật. Vì thế ngay với người xuất gia, hiếu dưỡng vẫn được coi trọng. Không phải tu đạo bậc Thánh thì bỏ bê đạo đức thường tình của người đời. Phật dạy cắt ái ly gia, chẳng qua là để có điều kiện giúp việc hiếu hạnh được thăng hoa hơn. Không phải tu đạo rồi thì phế bỏ cha mẹ như những ác tri thức đã dạy người.
Cho nên, nguyện thờ phụng cha mẹ, không theo ác tri thức, không sinh vào chỗ hung ác, là những nơi tệ nạn dễ có điều kiện phát sinh, là để tránh cái nạn thứ bảy này.
Nạn thứ tám là, chúng sinh tuy sống ở trung tâm, sáu căn đầy đủ, thông minh tài cao, biết có nhân quả, tin có đời trước đời sau, cũng tin có Sa-môn, Bà-la-môn tu hành chứng quả A-la-hán, có khả năng thọ nhận pháp, tu hành chánh kiến, nghe pháp liền hiểu, nhưng lại sinh vào thời không có Phật, giáo pháp cũng không được diễn nói, nên không đủ cơ duyên tu phạm hạnh. Tức, nhân trong thì có mà duyên ngoài thì không, nên đại quả khó thành tựu. Luận Đại thừa khởi tín nói: “Pháp của chư Phật có nhân có duyên. Nhân duyên đầy đủ thì pháp mới được thành… Chúng sinh cũng vậy, tuy có lực huân tập của chánh nhân mà không gặp được chư Phật, chư Bồ-tát và các thiện tri thức lấy đó làm duyên, để có thể tự đoạn phiền não và nhập Niết-bàn thì không có việc ấy…”. Thành dù là người có khả năng nhận lãnh giáo pháp tu hành chăng nữa, nhưng nếu không gặp được chư thiện tri thức hay giáo pháp mà Như Lai đã nói thì không thể thành tựu quả vị Phật. Cho nên cần phải hồi hướng công đức có được để tránh cái nạn thứ tám này.
“Đem công đức giữ gìn trai pháp này nhiếp thủ điều lành cho tất cả chúng sinh”, là dùng công đức đó nguyện hồi hướng cho tất cả chúng sinh tránh ác làm lành, thực hành trai pháp v.v… để có được quả báo tốt đẹp.
Tam thừa, là chỉ cho Nhị thừa và hàng Bồ-tát chưa đăng địa (Địa tiền). Các hạng vị này chưa chứng được Phật tánh nên chưa được gọi là Bồ-tát bất thối như hàng đăng địa (Địa thượng), là hàng đã chứng lại được Phật tánh của mình. Đây nói chứng, không nói tin nhận. Vì chưa phải là hàng bất thối, nên “đem phước báu thệ nguyện này bố thí cho hàng Tam thừa” là một cách hồi hướng khiến họ “không thối chuyển nửa chừng”.
Trong phần thệ nguyện trên, phần đầu thuộc về tự lợi. Phần sau thuộc về lợi tha.
Vì sao phải phát thệ nguyện?
Sau khi nghe Phật dạy, Tôn giả Ưu Bà Ly hỏi Phật:
- Bạch Thế Tôn, nếu thiện nam và tín nữ thực hành Bát quan trai rồi mà không phát thệ nguyện hồi hướng thì có được công đức lớn chăng?
Phật trả lời:
- Tuy có phước nhưng phước đó không đủ.
Để giải thích cho việc mình đã nói, Đức Phật kể cho chư Tỳ-kheo nghe câu chuyện sau:
Thời quá khứ, khi đó có vua Bảo Nhạc dùng Chánh pháp trị dân, thống lãnh cảnh giới Diêm-Phù-đề này. Đó là thời có Đức Phật hiệu là Bảo Tạng Như Lai ra đời.
Nhà vua có người con gái tên là Mâu Ni, dung mạo đặc biệt thù thắng. Do đời trước cúng dường chư Phật mà được như vậy.
Lúc đó, Bảo Tạng Như Lai nói với các đệ tử rằng:
- Này các Tỳ-kheo! Nên nhớ tọa thiền. Chớ có giải đãi. Cũng cần tìm phương tiện tụng tập kinh giới.
Thị giả đa văn của Đức Bảo Tạng Như Lai là Mãn Nguyện mới bạch Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn, với các Tỳ-kheo mà các căn chậm chạp u tối, không tinh tấn đối với việc hành thiền, cũng không thể tụng tập thì làm thế nào?
Đức Bảo Tạng Như Lai trả lời:
- Nếu có Tỳ-kheo, các căn ám độn, không thể thực hành thiền pháp thì nên tu ba pháp của bậc thượng nhân. Đó là tọa thiền,5 tụng kinh và siêng năng giúp đỡ việc chúng”.
Lúc đó, trong chúng, có một Tỳ-kheo tuổi đã lớn, không kham nổi thiền pháp, bèn nghĩ như vầy: “Ta nay đã già yếu, không kham nổi thiền pháp, nay nên tìm cách làm pháp siêng năng giúp đỡ”. Nghĩ rồi liền quyết định vào thành, xin dầu thắp đèn về cúng dường Đức Bảo Tạng Như Lai khiến ánh sáng không dứt.
Công chúa Mâu Ni thấy Trưởng lão đi khất thực trên đường bèn hỏi chuyện. Biết rõ cớ sự, Mâu Ni vui mừng nói: “Trưởng lão không cần phải đi khất thực nữa. Con sẽ cung cấp đầy đủ các loại dầu đèn mà Trưởng lão cần dùng”.
Tỳ-kheo lớn tuổi nhận sự cúng dường của công chúa. Mỗi sáng đều đến lấy dầu về cúng dường Đức Bảo Tạng Như Lai và phát thệ nguyện rằng: “Nguyện đem công đức phước nghiệp này hồi hướng về đạo Vô thượng chánh chân. Con nay tuổi đã già, căn tánh lại chậm lụt, không thể thực hành thiền pháp mà Như Lai đã dạy, thành nguyện đem công đức này hồi hướng để đời đời sinh ra không đọa vào đường ác. Tương lai vẫn gặp được Phật như Đức Bảo Tạng hiện nay. Cũng được gặp Thánh chúng như Thánh chúng hiện nay. Được nghe pháp như nghe pháp hiện nay”.
Phật Bảo Tạng biết được tâm niệm đó, mỉm cười, miệng phát ra hào quang năm sắc nói với Tỳ-kheo Trưởng lão:
- Này Tỳ-kheo! Qua vô số kiếp đời vị lai, ông sẽ làm Phật hiệu là Đăng Quang Như Lai.
Trưởng lão nghe xong, tâm ý phấn phát, vui mừng khôn xiết.
Mâu Ni thấy dung mạo của Trưởng lão hôm nay khác hẳn mọi ngày, bèn hỏi thăm cớ sự. Trưởng lão cười nói:
- Tôi đã được Đức Bảo Tạng thọ ký thành Phật trong tương lai hiệu là Đăng Quang Như Lai.
Mâu Ni nghe xong, cởi xe vũ bảo đến gặp Đức Bảo Tạng thưa rằng:
- Bạch Thế Tôn! Con là thí chủ thường cung cấp dầu cho Trưởng lão về cúng dường Phật. Nay ngài thọ ký cho Trưởng lão mà không thọ ký cho con.
Bảo Tạng Như Lai cười nói:
- Phát tâm thệ nguyện, phước ấy khó lường, huống là dùng tài vật bố thí.
Dù được khen, nhưng công chúa Mâu Ni không thấy Phật thọ ký cho mình, bèn nói:
- Nếu Như Lai không thọ ký cho con, con sẽ tự đoạn mạng sống của mình.
Bảo Tạng Như Lai nói:
- Thân người nữ, cầu làm Chuyển luân không được, cầu làm Đế Thích cũng không được, cầu làm Ma vương cũng không được, cầu làm Phật cũng không được(6).
Mâu Ni bạch Phật:
- Vậy con không thể thành đạo Vô thượng được sao?
Bảo Tạng Như Lai nói:
- Vẫn được. Nhưng công chúa nên biết, qua vô số a-tăng-kỳ kiếp ở tương lai, có Phật ra đời hiệu là Đăng Quang Như Lai. Phật ấy là thiện tri thức của cô, sẽ thọ ký cho cô”.
Mâu Ni thắc mắc:
- Vì người nhận thanh tịnh còn thí chủ uế trược chăng?
Bảo Tạng Như Lai nói:
- Những gì ta nói hôm nay là tâm ý thanh tịnh, phát nguyện vững chắc.
Tâm ý thanh tịnh và phát nguyện vững chắc, là hai việc giúp thành tựu quả vị Phật.
Mâu Ni nghe xong cúi đầu lễ sát chân Phật, nhiễu quanh Phật ba vòng rồi lui ra.
Cô không được Phật Bảo Tạng thọ ký như Tỳ-kheo Trưởng lão vì cô chỉ mới bố thí cúng dường, tâm chưa phát khởi hồi hướng phước đức đó cho việc tu tập cũng như thành Phật ở tương lai. Trong khi Tỳ-kheo Trưởng lão dù căn tánh chậm lụt nhưng lại lập nguyện tu tập và thành Phật rất vững chắc.
Cái quyết định thành Phật là tâm ý thanh tịnh, lìa nhị biệt phân biệt, không phải chỉ nằm ở việc cúng dường bố thí. Lại, cô cúng dường cho Tỳ-kheo Trưởng lão, không phải cho Đức Bảo Tạng. Nghĩa là cô gieo duyên với Tỳ-kheo Trưởng lão không phải với Đức Bảo Tạng. Thành cô sẽ nhận được sự thọ ký từ Tỳ-kheo Trưởng lão, không phải từ Đức Bảo Tạng.
Mâu Ni cùng thời với Tỳ-kheo Trưởng lão, cùng gặp được Phật Bảo Tạng, nhưng cô lại gieo duyên với Tỳ-kheo Trưởng lão. Thành phải đợi đến khi Tỳ-kheo Trưởng lão thành Phật mới nhận được sự thọ ký.
Việc cúng dường gieo duyên quyết định đường đi nước bước của người tu Phật như thế, nên trong lời phát nguyện nói trên, có phần hồi hướng “không gặp ác tri thức”. Vì gieo phải ruộng xấu thì mất giống. Con đường tu tập Chánh pháp thêm dài, ngày thành Phật thêm xa. Cho nên, trong vấn đề tu hành, dù là tu phước hay tu đạo thì việc phát nguyện đời đời gặp được thiện tri thức luôn cần thiết, nhất là khi chúng ta chưa đủ trí tuệ nhận được ai là thiện tri thức, ai là ác tri thức. Đó là lý do Đức Bảo Tạng nhấn mạnh đến hai việc mà người tu hành cần có để thành tựu quả Phật, là tâm ý thanh tịnh và phát nguyện vững chắc. Thiếu một trong hai thì không thể thành tựu quả Phật.
Rồi Phật kể tiếp:
Qua vô số a-tăng-kỳ, Phật Đăng Quang xuất hiện ở đời cùng với đại chúng là mười sáu vạn tám ngàn Tỳ-kheo. Đó là thời mà quốc vương cùng nhân dân trong nước đều kính thờ Phật.
Lúc đó trong thành có một Phạm Chí tên là Di Lặc, dung mạo hơn người, thông suốt các kinh tạng, chú thuật, thiên văn, địa lý v.v… thấy Phật Đăng Quang tướng mạo đặc biệt thù thắng, khởi tâm hoan hỷ, dâng năm cành hoa lên Phật và nói:
- Cúi xin Đức Thế Tôn chứng minh cho con. Nay con dâng Như Lai năm cành hoa và đem thân này cúng dường bậc Tôn thánh.
Nói lời đó xong, năm cành hoa bỗng biến thành đài báu. Phạm Chí thấy vậy liền vui mừng phát nguyện: “Xin cho con đời tương lai được làm Phật như Đức Phật Đăng Quang. Đệ tử đồ chúng thảy đều như thế”. Phật Đăng Quang biết được ý niệm đó, mỉm cười, hào quang năm sắc trong miệng chiếu khắp Tam thiên đại thiên thế giới rồi vào lại nơi đảnh. Đó là dấu hiệu chư Phật thọ ký cho người thành Phật(7).
Khi Phạm Chí thấy điềm lành ấy, biết là Phật đã thọ ký cho mình, liền trải tóc dưới đất mà nói:
- Nếu Phật không thọ ký cho con, con sẽ tự hủy hoại các căn.
Phật liền thọ ký:
- Đời vị lai sau, ông sẽ được thành Phật hiệu là Thích Ca Văn Như Lai.
Kể xong, Phật nói với Ưu Bà Ly:
- Phật Đăng Quang chính là Tỳ-kheo trưởng lão lúc trước. Phạm Chí chính là công chúa Mâu Ni cũng là tiền thân của ta. Nay do nhân duyên ấy mà ta nói pháp Bát quan trai này. Hãy phát nguyện. Không có phát nguyện không có kết quả. Vì sao? Nếu ngày trước công chúa phát nguyện như thế thì liền đó mà thành tựu sở nguyện. Nếu Tỳ-kheo trưởng lão không phát nguyện, rốt cuộc không thành Phật đạo. Phước của thệ nguyện không thể tính kể. Cho nên này Ưu Bà Ly, nên học theo cách như thế.
Cẩn trọng khi phát thệ nguyện
Những thệ nguyện như thành tựu Phật quả hoặc được tu tập trong các đạo tràng của chư Phật, chư Bồ-tát v.v… thì không nói đến hai chữ cẩn trọng.
Nói cẩn thận là với những phát nguyện không mang tính tu tập thành Phật.
Phật đã dạy về công đức cũng như lợi ích của phát nguyện.
Chúng ta cần y đó mà phát nguyện - Ảnh chỉ mang tính minh họa
Vua Lưu Ly, trong một kiếp làm thân cá, khi bị dòng họ Thích tàn sát, đã khởi tâm thệ nguyện: “Nương vào những phước đức có được từ trước và sau này mà trả cho được cái hận này”. Thệ nguyện đó được thành tựu khi ông làm vua. Với binh quyền trong tay ông tàn sát tất cả, ngay với những người đang tu phạm hạnh. Kết cuộc là ông đọa vào địa ngục.
Thệ nguyện hồi hướng, nghĩa của nó là mong muốn đạt được điều mình muốn trong tương lai, được tiếp sức bằng những thiện nghiệp. Vì thế chỉ cần phát nguyện thì nguyện sẽ được thành tựu dù là nguyện xấu hay nguyện tốt. Không phải nguyện tốt thì thành tựu mà nguyện xấu không thành tựu. Phát nguyện hồi hướng thì mọi thứ đều có thể thành tựu. Nhưng mang tất cả thiện nghiệp đã làm hồi hướng cho một việc mà việc đó chỉ đẩy mình vào địa ngục thì quả là phí phạm.
Những loại thệ nguyện không hướng Phật đạo mà trực chỉ phục vụ cho ngũ dục, như tiền tài, danh vọng v.v… đều cần phải cẩn trọng. Vì dù không mang tính sân si như nguyện của vua Lưu Ly, nhưng chúng là cái duyên dễ khiến mình gây nghiệp tạo tội. Cũng là duyên nuôi lớn tâm ngã mạn khi đạo chưa vững. Tâm ngã mạn hiện khởi, khổ nạn không thể dứt.
Hồi hướng mọi phước đức có được chỉ để rơi vào cõi dữ thì quả là đáng tiếc. Vì thế cần thận trọng với những phát nguyện không mang tính tu đạo của mình.
Phật đã dạy về công đức cũng như lợi ích của phát nguyện. Chúng ta cần y đó mà phát nguyện để tránh những sai lầm đáng tiếc trong đời sống quý báu của thân người.
Dù thời nay không có Phật, nhưng kinh luận giáo pháp lại được diễn dịch và lưu bố rộng rãi nhờ Tăng bảo, cũng là phước báu mà không phải ai cũng gặp được. Vì thế chúng ta cần trân quý và thực hành những gì Phật đã dạy.
Nhân mùa Phật đản, nguyện mang phước đức này hồi hướng khắp tất cả, đều được gặp Phật, nghe pháp, củng cố chánh kiến, tự lợi và lợi tha thành tựu viên mãn.
Chân Hiền Tâm
_________________
(1) Kinh Tăng nhất A-hàm quyển 3. Phẩm Thiên tử Mã Huyết hỏi về Bát chánh (1).
(2) Lời của tín nữ Hằng Hà Thượng thưa với Đức Phật, trong phẩm Ưu-bà-di Hằng Hà Thượng. Kinh Đại Bửu Tích quyển 98 bản Hán.
(3) Tam Tạng pháp số, phần Bát nạn, tr.358 bản Hán.
(4) 幸 哉 此 區 之 赤 縣。忽 得 移 靈 鷲 以 作 鎮。險 陂 之 邊 情。乃 蒙 流 光 之 餘 惠。
(5) Trên nói về thiền định. Đây nói tọa thiền, là tập ngồi thiền, tức chú trọng ở oai nghi ngồi, là pháp quan trọng cần thiết cho những người mới tập tu thiền định.
(6) Tuy nói thân nữ, nhưng chính là muốn nói đến nghiệp nhân từ đó có thân nữ. Với nghiệp nhân đó thì chưa thể thành Phật. Không nói đến hàng “ý sinh thân” vì nguyện lực độ sinh mà làm thân nữ, cũng không phải khẳng định người nữ không thể thành Phật. Kinh Đại bát Niết-bàn nói: “Nữ nhân thấy Phật tánh, gọi là đại trượng phu”.
(7) Kinh Tăng nhất A-hàm quyển 3, phẩm Thiên tử Mã Huyết hỏi về Bát chánh (1).