Phật pháp căn bản
Ý nghĩa Vu lan Bồn
HT Thích Thiện Hoa
09/02/2010 22:48 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng



A. MỞ ĐỀ
1. Công ơn sanh thành dưỡng dục rất lớn lao
Chúng ta thường nghe câu ca dao:
"Công cha như núi Thái sơn;
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra".
Mẹ thì chín thàng cưu mang, ba năm cho bú mớm, suốt đời chỉ biết hy sinh cho con. Khi đang ăn cũng như khi ngủ nghỉ, hễ con cần đến là có mẹ ở bên cạnh. Con lỡ đại, tiểu tiện ở trên mình, mẹ vẫn vui cười không chút hờn giận. Gặp cảnh nghèo hèn, mẹ nhịn bớt cơm cho con ăn, dành chỗ khô ráo cho con nằm (bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn). Rủi khi con đau ốm, mẹ ngồi bên cạnh, năm canh thao thức lo âu; chỉ khi con khỏe mạnh tươi cười, mẹ mới vui tươi hớn hở. Ca dao có câu:
"Lên non mới biết non cao,
Nuôi con mới biết công lao mẫu từ".

Còn cha mẹ phải lo làm lụng vất vả để nuôi con. Nếu gặp cảnh nghèo khó, cha phải làm thuê, ở mướn, mua tảo bán tần, đổ mồ hôi lấy bát cơm, manh áo cho con. Ngoài cha còn dạy dỗ cho con học hành, ngày đêm lo lắng đào tạo cho con thành người hữu dụng, khôn ngoan, khỏi thua chúng kém bạn.
Công ơn cha mẹ nói ra bao nhiêu cũng không cùng.

2. Vậy làm con phải báo đền ơn cha mẹ

Bất luận luân lý đạo đức nào, Đông hay Tây, xưa hay nay; đều lấy cữ:Hiếu" làm đầu. Một người con đã bất hiếu với cha mẹ, thì không còn việc xấu xa gì mà không làm được. Một kẻ vong ơn bội nghĩa như thế, thì không còn biết nhân nghĩa, bác ái, công bằng là gì nữa. Bởi vậy cho nên, người xưa có câu:
"Thiên kinh vạn quyển, Hiếu nghĩa vi tiên",
(Ngàn quyển kinh, vạn quyển sách, đều lấy Hiếu làm đầu).
Kinh Thi có nói một câu rất cảm động:
" Phụ hề sanh ngã, mầu hễ cúc ngã,
Ai ai phụ mẫu, sanh ngã cù lao,
Dục báo thâm ân, hiệu thiên võng lạc".
(Nghĩa là cha sanh ta, mẹ nuôi ta. Hỡi ôi, cha mẹ sanh ta cực nhọc. Muốn đền đáp ân đức của cha mẹ, như vói lên trời cao chẳng cùng).

Phật cũng dạy: "Phụ mẫu tại đường như Phật tại thế".
Nghĩa là cha mẹ còn sinh tiền, cũng như Phật còn ở đời. Xem thế, Phật đã đề cao biết bao sự hiện diện quí trọng của cha mẹ. Vì cha mẹ quí trọng như thế, nên Ngài dạy thêm:
"Hiếu vi vạn hạnh chi tiên".
(Hiếu thảo đứng đầu trong mọi việc).
Để Phật tử làm tròn nhiệm vụ hiếu đạo, nên đức Phật dạy pháp Vu Lan Bồn dưới đây.


B. CHÁNH ĐỀ

Vu Lan Bồn là một phương pháp báo hiếu có hiệu quả nhất. Nhưng trước tiên, chúng ta hãy hiểu nghĩa Vu Lan Bồn thế nào đã.
I.  ĐỊNH NGHĨA

Vu Lan Bồn là phiên âm theo tiếng Phạn. Người Trung Hoa dịch là: " giải đảo huyền", nghĩa đen là cổi trói người bị treo ngược; nghĩa bóng là cứu vớt những kẻ đau khổ nặng nề như đang bị treo ngược.

II. NGUYÊN NHÂN PHẬT DẠY PHÁP VU LAN BỒN
Ngài Đại hiếu Mục Kiền Liên, sau khi tu hành chứng được 6 phép thần thông, ngậm ngùi nhớ đến công ơn cha mẹ, Ngài tìm cách báo đáp. Dùng đạo nhãn xem trong thế gian, Ngài nhận thấy mẹ mình sanh làm loài ngạ quỷ, than thể ốm gầy, da bọc xương, thân hình tiều tụy, bụng lớn, đầu to, cổ nhỏ như ống chỉ, đói khát suốt năm không được ăn uống. Thương xót quá, Ngài liền đem bát cơm đang ăn dâng mẹ. Ngài vận thần thông, bưng bát cơm đi đến chỗ mẹ ở. Bà mẹ khát khao, nên khi được cơm, lòng tham nổi lên, sợ người cướp giựt, lấy tay trái che giáu bát cơm, tay mặt bốc ăn. Bởi lòng tham lam độc ác trong tiền kiếp trước nổi bừng lên, nên cơm mới đưa vào miệng, thì hóa thành ra lửa, bà chẳng ăn được.

Ngài Mục Kiền Liên thấy thế, hết sức đau buồn kêu khóc thảm thiết. Ngài liền trở về bạch Phật, thuật lại như trên và cầu Phật chỉ dạy cho phương pháp cứu độ thân mẫu.

III. PHẬT DẠY PHÁP VU LAN BỒN CHO NGÀI MỤC KIỀN LIÊN
Sau khi nghe Ngài Mục Kiền Liên thỉnh cầu phương pháp báo hiếu, Phật dạy rằng:

" Nầy Mục Kiền Liên! Mẹ của ông do lòng tham lam, độc ác đã tạo ra tội lỗi nặng nề trải qua nhiều kiếp, nay sanh trong ác đạo, làm loài ngạ quỷ nên không thẻ một mình ông cứu độ được. Mặc dù lòng hiếu thảo của ông vô cùng lớn lao, cũng không sao chuyển được hoàn cảnh, chẳng khác gì chiếc thuyền con, không thể chở được tảng đá lớn. Vậy ông phải nhờ oai thần của chúng Tăng trong mười phương, đức lớn như biển, mới cứu độ mẹ ông được giải thoát. Ta nay sẽ vì ông, chỉ dạy phương pháp cứu rồi, khiến cho cha mẹ ông xa lìa được các điều tội lỗi.

Nầy Mục Kiền Liên ! Ngày rằm tháng 7 là ngày Tự Tứ của chư Tăng trong mười phương, sau ba tháng an cư kiết hạ, sách tân tu hành. Ngày ấy cũng là ngày hoan hỷ của các chư Phật, vì thấy chư Tăng sau ba tháng an cư kiết hạ, đã tiến bộ rất nhiều trên đường tu học, các nghiệp được thanh tịnh, ba món vô lậu học được tăng trưởng, công đức thêm nhiều và đến ngày viên mãn. Vậy ông nên nhân ngày ấy làm lễ Vu Lan Bồn để báo hiếu cho mẹ ông.

Ông hãy sắm đủ các món trai diên trăm mùi, năm thứ trái, cùng hương dầu đèn nến, giường chõng, chiếu chăn, mùng mền, quần áo, thau rửa mặt, khăn lau tay; tóm lại là đủ bốn món cúng dường quí báu trong đời. Rồi ông phải thân hành đi rước các vị Đại Đức Tăng trong mười phương, hoặc những vị thiền định trong núi rừng, chứng được bốn quả Thánh, hoặc có vị kinh hành dưới cội cây được sáu phép thần thông tự tại hàng Thanh Văn, Duyên Giác, các vị Thánh Tăng, hoặc các vị thập địa Bồ Tát thị hiện làm thầy Tỳ kheo v.v...Ông phải thành tâm kính lễ trai Tăng cúng dường và thỉnh cầu chư Tăng chú nguyện cho vong linh mẹ ông được thoát khổ. Nhờ công đức chí thành chú nguyện, vong linh mẹ ông đã được siêu thoát. Cũng như tảng đá dù nặng trăm cân, song có nhiều người khiêng, thì dời đi đâu cũng được".

Ngài Mục Kiền Liên vâng lời Phật dạy, đến ngày rằm tháng 7 làm lễ Vu lan, sắm đủ các vật liệu, rước chư Tăng trong mười phương thành tâm kính lễ trai Tăng cúng dường, nên vong mẫu của Ngài được thoát khỏi kiếp ngạ quỷ, sanh về cảnh giới lành.

IV. NGÀI MỤC KIỀN LIÊN HỎI PHẬT: CÁC HÀNG PHẬT TỬ ĐỜI SAU CÓ THỂ LÀM LỄ VU LAN BỒN ĐƯỢC KHÔNG?

Sau khi thấy thân mẫu được thoát khổ, Ngài Mục Kiền Liên hết sức vui mừng, liền đến trước Phật chấp tay bạch rằng:

Bạch Thế Tôn! Thân mẫu của con được nhờ công đức Tam Bảo và oai thần của chư Tăng, nên được thoát ly kiếp ngạ quỷ khổ não. Vậy về đời sau, trong hàng Phật tử , nếu có người muốn làm lễ Vu Lan Bồn nầy, để cứu độ cha mẹ hiện tại cũng như cha mẹ nhiều kiếp trước, chẳng biết có được không?

Phật dạy rằng:

"Quý lắm! Nầy Mục Kiền Liên! Đời sau, nếu có được các thầy Tỳ kheo và Tỳ kheo ni, vua, Thái Tử, các quan tể tướng, những hàng tam công cho đến tứ dân, vì lòng hiếu thảo muốn đền đáp công ơn cha mẹ hiện tại hay quá khứ, thì cứ ngày rằm tháng 7 là ngày "Phật hoan hỷ", làm lễ Vu Lan nầy, để cúng dường trai Tăng. nhờ công đức của chư Tăng chú nguyện, cha mẹ hiện tại được tăng long phước thọ, khỏi những điều tai hoạn, khổ não,, còn cha mẹ bảy đời trước thì khỏi bị khổ ngạ quỷ, được sanh trong cõi nhơn thiên, hưởng phước vui vẻ không cùng".

Khi đó Ngài Mục Kiền Liên và bốn chúng Đệ tử hoan hỷ vâng làm. Và từ đó về sau, mỗi năm cứ đến ngày Rằm tháng 7, các hàng Phật tử chí hiếu, đều có làm lễ Vu Lan để đền đáp công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ.

V. Ý NGHĨA ĐÚNG ĐẮN VÀ ĐẦY ĐỦ CỦA SỰ BÁO HIẾU THEO QUAN NIỆM ĐẠO PHẬT

Tất nhiên sự báo hiếu không những chỉ nhắm vào một lễ Vu Lan. Không phải mỗi năm chỉ tổ chức một lễ Vu Lan, là đã tự cho mình là người con chí hiếu vì đã làm đầy đủ hiếu đạo.

Như trên đã nói, công ơn cha mẹ rộng như trời bể, làm con suốt đời báo ơn cha mẹ vẫn chưa vừa. Nhưng trong lúc báo hiếu, phải có quan niệm sáng suốt, đúng đắn mới thật có lợi ích và hiệu quả.

Báo hiếu có nhiều cách, nhưng không ngoài hai phương diện: vật chất và tinh thần.

1. Báo hiếu về vật chất: Người Phật tử phải hầu hạ vâng thờ, thay làm các việc nhọc săn sóc miếng ăn thức uống, áo quần, chiếu giường, chỗ nghỉ ngơi, không để cho cha mẹ thiếu thốn, lo nghĩ. Song người Phật tử phải sáng suốt trong khi báo hiếu, không nên quá chiều theo ý muốn của cha mẹ mà tạo những nghiệp dữ, như sát nhân, hại vật, gây tội lỗi để làm cho cha mẹ sung sướng trong vật chất. Làm như thế không phải là báo hiếu mà chính là bất hiếu, vì đã gây tạo tội lỗi thêm cho cha mẹ và cho mình.

Vả lại, báo hiếu về vật chất, dù đầy đủ cho mấy đi nữa, cũng chẳng qua làm việc cho cha mẹ được vui vẻ thỏa mãn trong một kiếp hiện tại mà thôi. Cái vui vật chất là vui giả tạm, vui trong vòng sanh tử luân hồi. Vậy sự báo hiếu về vật chất chưa phải là đủ.

2. Báo hiếu về tinh thần: Người Phật tử phải tiến lên một tầng nữa, là lo báo hiếu về tinh thần. Báo hiếu về tinh thần là làm sao cho tinh thần của cha mẹ được nhẹ nhàng, cao thượng và đi dần đến chỗ giải thoát. Phật tử phải khuyên cha mẹ tin nhơn quả tội phước và quy y Tam Bảo, bố thí phóng sinh, niệm Phật , làm các việc lành, giữ giới và tu nhơn giải thoát. Có như thế, thì không những trong hiện tại cha mẹ được yên vui, thanh tịnh và đời sau cungx được nhiều phước báo, và sinh trong cảnh giới sáng sủa nhẹ nhàng.

VI. QUYẾT NGHI

1. Có người nghi: Chư Tăng chỉ tụng kinh chú nguyện làm sao vong linh được siêu độ?

Đáp: Tinh thần của người ta rất mạnh, mỗi khi chúng ta tập trung tư tưởng, chăm chú vào một việc gì, thì sẽ thấy sức mạnh của nó phi thường. Kinh nói: "Chế tâm nhứt xứ, vô sự bất biện"; nghĩa là: để tâm định lại một chỗ, thì không việc gì làm không thành tựu. Chúng ta thấy như các nhà thôi miên, dùng tinh thần sai sử người đi, đứng, nằm, ngồi, v.v...đều được cả. Người thế gian dụng tâm còn được như thế, huống chư Tăng trị trai giữ giới thanh tịnh tu hành, tất nhiên tinh thần phải sáng suốt, mạnh mẽ hơn. Như thế mà các vị lại tập trung tư tưởng, thành tâm chú nguyện thì vong linh quyết nhờ sức mạnh của chư Tăng mà được siêu sanh. Laiữa, Phật và Bồ Tát sẵn có làng từ bi tế độ, thương tất cả chúng sanh như mẹ thương con. Chúng ta cảm, thì lo gì các Ngài không ứng hiện? Cúng như mặt trăng luôn luôn sẵn có ánh sáng, nếu nước hồ không xao động và lóng trong , thì trăng kia sẽ chiếu xuống tận đáy hồ.

2. Có người hỏi: "Y như lời Phật dạy trong kinh Vu Lan, thì phải sắm cho đủ các thứ thực phẩm và vật dụng quý báu để cúng dường chư Tăng. Như thế đối với những người nghèo hèn thì sao?

Đáp: Bổn ý của Phật dạy chúng ta là phải chí thành và tận lực trong việc lo sắm đủ những thứ ấy. Đối với những kẻ nghèo khó, nếu họ đã tận lực mà chỉ mua được một nén hương hay đĩa quả, nhưng có lòng chí thành, thì cũng đủ lắm rồi. Trái lại, nếu có người sắm dư giả các vật mà chưa chí thành, thì cũng chưa có thể gọi là đầy đủ.

3. Có người hỏi: Ngài Mục Kiền Liên thần thông đệ nhất tự mình có thể cứu vớt cha mẹ được , cần gì phải nhờ đến chư Tăng. Cũng như các ông quan lớn trong xứ, đủ thế lực, có thể cứu bà con có tội được rồi, cần gì phải nhờ đến các quan khác?

Đáp: Bà Thanh Đề bị tội khổ, do trước kia tâm bà gây nên. Hôm nay nhờ Ngài Mục Kiền Liên là con hiếu thảo, sắm các lễ vật cúng dường Phật , Tăng, lúc ấy bà sanh lòng hoan hỷ cũng muốn cúng dường Phật , Tăng. Do đổi niệm bỏn sẻn, trở lại tâm rộng rãi, mà bà được giải thoát. Nếu như chỉ nhờ đức chúng Tăng mà tâm bà không hoan hỷ mở rộng, thì cũng khó mà cứu vớt được.

C. KẾT LUẬN

Chúng ta đã rõ biết hiệu quả tốt đẹp của lễ Vu Lan. Vậy chúng ta nên noi theo gương của Ngài Đại hiếu Mục Kiền Liên mà báo hiếu, thì chắc chắn cha mẹ hiện tại và bảy đời trước đều được thoát khổ ngạ quỷ u đồ, và hưởng vui giải thoát. Chuyện "Mục Liên, Thanh Đề" không có gì là hoang đường, huyền bí, mà là một hiện tượng có thể giải thích được. Đó là do lòng hiếu thảo chí thành của người con và công đức trì trai, giữ giới thanh tịnh trong ba tháng ạh, thúc liễm tu hành của chư Tăng, thành tâm chú nguyện, nên có sức mạnh cảm thông và kích thích đên stâm hồn người đau khổ, làm cho họ thức tỉnh cơn mê, xoay chuyển tâm niệm ác, hướng về nẻo thiện. Nhờ sự chuyển hướng của cái tâm này, mà họ thoát khỏi sự hình phạt đau khổ mà trước kia chính cũng do cái tâm ấy tạo ra. Trong kinh có nói: "Tâm có thể tạo nghiệp, mà tâm cũng có thể chuyển nghiệp". Kìa, như nhà thôi miên học, chỉ tập trung tư tưởng mà còn có thể xoay chuyển sự vật được , huống chi sự chú nguyện của chư Tăng, là kết tinh của bao nhiêu phước đức trí huệ, thanh tịnh, lại không thông cảm đến người ở chốn tội khổ hay sao? Nghiệp lực sâu thẳm vô biên, thì tự lực và nguyện lực cũng dõng mãnh vô lượng, có thể chuyển được tâm người tạo nghiệp, đập vở được lao ngục xiềng xích khổ hình ở chốn u đồ.

Pháp Vu Lan nầy chính là phương pháp thần diệu để cứu rỗi vong linh cha mẹ trong cảnh khổ tối tăm.

Nhưng chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng; báo hiếu không phải chỉ đời khi cha mẹ đã khuất bóng và mỗi năm chỉ một lần cử hành lễ Vu Lan là đủ.

Người con chí hiếu, bao giờ cũng vui sướng khi thấy cha mẹ còn ở bên mình và tận lực phụng dưỡng cha mẹ, để cha mẹ được thảnh thơi về cả hai phương diện vật chất và tinh thần.

Như thế mới khỏi hối hận và than thở như Thầy Tử Lộ:
"Mộc dục tịnh nhi phong bất đình !
Tử dục dưỡng nhi thân bất tại".
(Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng! Con nuôi dưỡng báo hiếu mà cha mẹ chẳng còn sống).

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch