Phật pháp căn bản
“Vui thay Phật ra đời, vui thay Pháp được giảng”
07/05/2014 09:30 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Nhân ngày Khánh đản của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, chúng ta hãy lắng lòng tưởng nhớ đến Đức Thế Tôn - một đấng Từ bi vô lượng, Trí tuệ vô biên. Chúng ta hoan hỷ như được tắm gội, thấm nhuần Ánh Đạo Vàng và quyết tâm tu tập, tinh tấn cho bản thân, góp phần tạo an vui, hạnh phúc, phồn vinh cho đất nước, cho Giáo hội, cho toàn thể chúng sanh…

Vui thay.jpg
Tranh: Đức Phật đản sinh

Tháng Tư, mùa hạ âm lịch, tức tháng 5 dương lịch và cũng là tháng thứ hai, tháng Mưa, tháng Vesakha theo lịch cổ của Ấn Độ. Vào ngày trăng tròn của tháng này, cách đây 2.638 năm, tại vườn Lâm-tỳ-ni nước Ca-tỳ-la-vệ thuộc Ấn Độ cổ, nay thuộc lãnh địa của Cộng hòa Dân chủ Liên bang Nepal, Đấng Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni đản sanh. Đại sự nhân duyên hy hữu này được miêu tả rằng mặt đất rung động theo nhiều cách, thiên hoa tung rải, thiên nhạc vang lừng… Ánh sáng từ kim thân Ngài là Ánh Đạo Vàng, mở đầu lịch sử của từ bi, trí tuệ, của Khai, Thị, Ngộ, Nhập Tri kiến Phật cho chúng sinh trên toàn hành tinh này thoát khỏi mê lầm, u tối, tiến đến Niết-bàn an lạc vĩnh cữu.

Truyền thống lấy ngày trăng tròn của tháng 5 dương lịch để làm Đại lễ Kỷ niệm ngày Khánh đản của Đấng Thế Tôn đã có từ lâu tại một số quốc gia có tín ngưỡng Phật giáo, nhưng đến năm 1950, trong Hội nghị lần đầu tiên, Hội Liên hữu Phật tử Thế giới (WFB) mới chính thức đề nghị toàn thể Phật tử trên thế giới chính thức chấp nhận ngày này. 

Đến ngày 15-12-1999, Liên Hiệp Quốc trong phiên họp khoáng đại thứ 79, đã quyết định công nhận Vesak là ngày Đại lễ Quốc tế với lý do Phật giáo là một trong những tôn giáo lâu đời nhất, đã đóng góp cho nền hòa bình, văn hóa, giáo dục nhân bản từ hơn 2.500 năm và tiếp tục đóng góp tốt đẹp cho tinh thần nhân loại. Vesak là Đại lễ kỷ niệm ngày Đản sanh, Thành đạo và Nhập diệt của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Trong thời đại mới, Phật giáo đã phát triển mạnh mẽ trên khắp thế giới. Phật giáo Việt Nam cũng đã có những phát triển rất khả quan. Càng ngày, uy tín của Giáo hội càng sâu đậm, rộng rãi trong nước và đối với các cộng đồng Phật tử thế giới. Năm năm trước, chúng ta đã tổ chức thành công Đại lễ Vesak quốc tế; năm nay, chúng ta cũng vô cùng hoan hỷ vì một lần nữa được Chính phủ cho phép Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak rất hoành tráng, trang nghiêm và trọng thể.

“Vui thay Phật ra đời. Vui thay Pháp được giảng”. Trong niềm hoan hỷ đón mừng ngày Khánh đản thiêng liêng, chúng ta quyết tâm tu tập và hoằng bá Phật pháp. Hoàn cảnh, phương tiện hoằng pháp của chúng ta ngày càng thuận lợi, phong phú. Các tự viện, các pháp khí, các khóa tu, các buổi giảng, kinh sách, báo chí và nhiều phương tiện truyền thông khác đã giúp cho việc hoằng pháp được rộng rãi, dễ dàng và có hiệu quả cao; thu hút, mời gọi, tạo tín tâm cho đông đảo Phật tử; nhất là tại các thành phố trên khắp cả nước. Nhưng, vẫn còn một điều gì đó thiếu cân đối: Chúng ta cần chuyển tải nhiều hơn về giáo lý của Đức Phật, niềm tin Phật, sự an bình trong đời sống vật chất và tâm linh đến các vùng sâu vùng xa, đến các biên địa, đến các vùng biển đảo máu thịt của đất nước chúng ta, nhất là các kiều bào Phật tử đang định cư và sinh sống ở nước ngoài. Rất nhiều Phật tử đến chùa lễ Phật nghe giảng, nhưng chư Tăng Ni đến với các Phật tử, nhất là ở các vùng xa xôi, lại chưa được nhiều. Chúng ta chớ quên lời khuyên dạy của Đức Phật khi giáo đoàn mới được thành lập: “Này các Tỳ-kheo, hãy đi đi, đi khắp mọi nơi vì hạnh phúc của số đông, do lòng từ bi đối với cuộc đời, vì lợi lạc và hạnh phúc của Trời và Người”.

Mùa hạ, lại một lần nữa an cư của chư Tăng Ni và là một dịp để các Phật tử thực hiện tinh thần cận sự bằng thân, khẩu, ý. An cư cũng là truyền thống của nhiều đoàn du sĩ tại Ấn Độ cổ, nhưng chỉ có an cư của giáo đoàn Phật giáo là nhằm mục đích tu học, tinh tấn trong đạo nghiệp, lợi lạc tự thân, ích lợi xã hội. Điều cần nhấn mạnh trong mùa An cư này là chư Tăng Ni, Phật tử cần thực hiện tinh tấn trong tu học. Tinh tấn là sự nỗ lực để siêng năng, dũng mãnh, tiến bộ trong tu học, trong việc hành thiện. Tinh tấn là một chi phần trong Bốn Chánh cần, Năm căn, Năm lực, Bảy giác chi, Tám chánh đạo, Sáu hay Mười ba-la-mật. Tông Câu-xá kể tinh tấn là một trong mười đại thiện pháp; tông Duy Thức gọi tinh tấn là một trong mười một thiện tâm sở. Tinh tấn nhằm vượt qua sự trì trệ, tính giải đãi, sự mong cầu yên thân của cá nhân, vô cảm với mọi người, mọi sự việc, những thái độ trái với tinh thần vô ngã vị tha của Phật giáo. 

Vì vậy, chính tinh tấn giúp cho Tăng Ni, Phật tử, các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoàn thành công tác Phật sự lợi đạo, ích đời, thực hiện có hiệu quả chương trình hoạt động Phật sự mà Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VII đã đề ra.

Nhân ngày Khánh đản của Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni, chúng ta hãy lắng lòng tưởng nhớ đến Đức Thế Tôn - một đấng Từ bi vô lượng, Trí tuệ vô biên. Chúng ta hoan hỷ như được tắm gội, thấm nhuần Ánh Đạo Vàng và quyết tâm tu tập, tinh tấn cho bản thân, góp phần tạo an vui, hạnh phúc, phồn vinh cho đất nước, cho Giáo hội, cho toàn thể chúng sanh.

BAN THƯỜNG TRỰC HĐTS GHPGVN

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch