Khi đạo Phật được truyền đến Trung Hoa
vào thế kỷ thứ I Tây lịch, Nho gia đã dành được địa vị thống trị trong
xã hội. Ban đầu, có thể do đố kỵ, Nho gia đã không ủng hộ Phật giáo. Dựa
vào những hiểu biết ít ỏi có được lúc ấy về Phật giáo và vị giáo chủ
của đạo Phật, Nho gia cho rằng đạo Phật không thích hợp với nhân luân.
Điều quan trọng nhất, Nho gia cho rằng Phật giáo không biết về đạo hiếu.
Quả thật, Nho gia thời Hán đã từng chỉ trích Đức Phật Thích Ca về việc
Ngài bỏ gia đình để tìm đạo giải thoát và khuyến khích đệ tử của Ngài
rời bỏ gia đình để dễ dàng đạt tới sự giác ngộ tối thượng.
Từ đó, quan điểm cho rằng Phật giáo có
thể có được chỗ đứng trong lòng người Trung Hoa, giáo lý đạo Phật đã
nhấn mạnh thêm về đạo Hiếu. Học giả Nhật Bản Nakamura Hajime đã viết
trong tác phẩm “Cách suy nghĩ của các dân tộc phương Đông: Ấn Độ, Trung
Hoa, Tây Tạng, và Nhật Bản” (Ways of Thinking of Eastern Peoples:
India, China, Tibet and Japan) rằng, “Những người truyền bá đạo Phật đã
buộc phải giảng dạy vể đạo hiếu cho người dân Trung Hoa vì đức tính quan
trọng nhất của Khổng giáo là lòng hiếu thảo, một đức tính đòi hỏi sự
vâng lời một chiều từ con cái và người ít tuổi đối với cha mẹ và người
lớn tuổi hơn. Ý niệm này không có trong Phật giáo Ấn Độ, như có thể thấy
là trong các kinh điển gốc bằng tiếng Sanskrit hoàn toàn không có từ
tương đương với khái niệm hiếu đạo thường thấy trong các kinh văn đã
được dịch ra tiếng Trung Hoa. Hẳn là những dịch giả phải thêm thuật ngữ
này vào bản dịch của họ”. Quan điểm này được một số học giả đồng ý,
thể hiện nhiều liên quan đến đạo Hiếu của người Phật tử. Chẳng hạn,
John Strong, trong bài viết: “Lòng hiếu thảo và đạo Phật: Những tiền lệ
của Ấn Độ đối với một vấn đề của người Trung Hoa” (Filial Piety and Buddhism: The India Antecedents to a ‘Chinese’ Problem), còn
đi xa hơn khi cho rằng việc thực hành lòng hiếu thảo của các tu sĩ Phật
giáo Ấn Độ chỉ là một thỏa hiệp với nền đạo đức Bà-la-môn vẫn tồn tại ở
mức độ đại chúng trong xã hội cổ đại.
Thực ra, các học giả ủng hộ quan điểm
nói trên có thể bỏ qua một số chi tiết được nêu trong kinh điển Pali.
Sau này khi các văn bản Pali đã được dịch ra đầy đủ hơn, và khi đã tụng
đọc các bộ kinh như Kinh Tăng Chi Bộ, kinh Tương Ưng Bộ..Chúng ta bắt
gặp rất nhiều lời do chính Đức Phật nói ra cho thấy Ngài rất quan tâm
đến việc con cái phải biết ơn và biết cách đền ơn cha mẹ mà Ngài còn chỉ
ra cách đến ơn trọng trong việc tạo công đức, và thực hiện hiếu hạnh
là yếu tố quan trọng trong việc tạo công đức, và thực hiện hiếu hạnh còn
được coi là một quy tắc xã hội.
-
I.
Thực hành hiếu đạo và cách đền công ơn cha mẹ
Kinh Tăng Chi Bộ có nêu lời Phật dạy : “ Có hai hạng người,
này các Tỳ-kheo, ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và
Cha. Nếu một bên vai cõng Mẹ, này các Tỳ-kheo, một bên vai cõng Cha, làm
vậy suốt trăm năm, cho đến trăm tuổi; nếu đấm bóp, thoa xúc, tắm rửa,
xoa gội và dù tại đấy, mẹ cha có vãi tiểu tiện đại tiện, như vậy, này
các Tỳ-kheo, cũng chưa làm đủ và trả đủ ơn mẹ và cha. Hơn nữa này các
Tỳ-kheo, nếu có an tri cha mẹ vào quốc độ với tối thượng uy lực, trên
quả đất lớn với bảy báu này, như vậy, này các Tỳ-kheo, cũng chưa làm đủ
và trả ơn đủ mẹ và cha. Vì sao? Vì rằng, này các Tỳ-kheo, cha mẹ đã làm
nhiều cho con cái, sinh thành, nuôi dưỡng, giới thiệu chúng vào đời”.
Theo luật Ma-ha-tăng-kỳ, song thân của
Tỳ Kheo Pilindavatsa rất nghèo khổ, do đó, ngài muốn biếu song thân mình
cả thượng y lẫn hạ y mà ngài đã được cúng dường nhưng không biết điều
đó có hợp với luật hay không. Vì thế ngài đã đến bạch Phật để xin được
chỉ dạy. Đức Thế Tôn liền tập hợp Tăng chúng lại và giảng cho tăng chúng
nghe đoạn kinh văn được trích ở trên. Nhân đó, Đức Thế Tôn cũng chế
luật khuyên các Tỳ-kheo nên thành tâm phụng dưỡng cha mẹ trọn đời. Trong
đoạn kinh văn trên, hiển nhiên Đức Phật đã giảng dạy về đạo hiếu. Nhưng
cũng trong đoạn kinh văn đó, Đức Phật khẳng định rằng mọi cố gắng phụng
dưỡng cha mẹ bằng vật chất hoàn toàn không đủ để trả ơn cha mẹ. Theo
Đức Phật, để có thể trả ơn cha mẹ một cách đầy đủ, người con phải biết
hướng dẫn cha mẹ an trú vào chánh pháp.Kinh văn tiếp tục như sau: “Nhưng
này các Tỳ-kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, an
trú, hướng dẫn, các vị ấy vào lòng tin, đối với cha theo ác giới, khuyến
khích,an trú các vị ấy vào thiện giới; đối với mẹ cha xan tham, khuyến
khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào trí tuệ. Cho đến như vậy, này các
Tỳ-kheo, là làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha”.
Cũng trong kinh Tăng Chi bộ, Đức Phật dạy:“
Những gia đình nào, này các Tỳ-kheo, ở đấy, con cái kính lễ mẹ cha,
những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm Thiên. Những gia
đình nào, này các Tỳ-kheo, ở đấy con cái kính lễ mẹ cha, những gia đình
ấy được chấp nhận là đáng được cúng dường. Phạm Thiên, này các Tỳ-kheo,
là tiếng để gọi cha và mẹ; xứng đáng đucợ cúng dường, này các Tỳ-kheo,
là tiếng để gọi cha và mẹ”. Theo lời dạy này, một mặt, hiếu đạo của
các người con làm tăng phẩm giá của một gia đình; mặt khác, mọi người
con phải hiểu rằng cha mẹ của mình là bậc xứng đáng được phụng dưỡng
đúng mức, với sự kính trọng.
King Tăng Chi bộ còn nói rõ về ba nghĩa
vụ nếu được thực hiện thì một người được ca ngợi là có trí và có thiện
hạnh, đó là bố thí, xuất gia và phụng dưỡng cha mẹ.
II.Thực hành hiếu đạo là một nền tảng xây dựng công đức
Kinh Tương Ưng bộ có kể về Mataposaka,
một vị Bà-la-môn vốn là con của một gia chủ giàu có, nhưng vào lúc ông
này có ý định xuất gia thì cha mẹ của ông bị một kẻ người làm bất lương
lừa gạt lấy sạch tài sản đến nỗi cha mẹ ông phải đi ăn mày. Biết tin,
ông thưa thỉnh với Phật, “Thưa Tôn Giả Gotama, tôi tìm món ăn thiết
thực theo thừơng pháp. Sau khi tim món ăn thiết thực theo thường pháp,
tôi nuôi dưỡng mẹ cha. Thưa Tôn Giả Gotama, làm như vậy tôi có làm đúng
trách nhiệm không?”Đức Phật trả lời: “Này Bà-la-môn, Ông làm
như vậy là đúng trách nhiệm.Này Bà-la-môn, ai tìm đồ ăn thiết thực theo
thường pháp, sau khi tìm đồ ăn thiết thực theo thường pháp lại nuôi
dưỡng cha mẹ, người ấy được nhiều công đức”.
Kinh Tăng Chi bộ cũng kể rằng phụng
dưỡng cha mẹ từng là công hạnh đầu tiên trong số bảy công hạnh mà Phạm
Thiên đã gìn giữ khi còn là người trong một kiếp trước; và chính nhờ có
công đức như thế mà về sau ngài được sanh vào Tam thập tam thiên rồi trở
thành vương chủ.
-
II.
Thực hành hiếu đạo được coi như quy tắc xã hội phải theo
Kinh Tăng Chi bộ có thuật lại việc trên
cõi trời Tam thập tam, các vị đại thần cố vấn và các vị hoàng tử của chư
Thiên thường xuyên du hành trong thế giới loài người để xem trong thế
giới loài người có nhiều người có hiếu với cha mẹ, kính lễ các Sa-môn,
Bà-la-môn, tôn trọng các vị gia trưởng, làm lễ Uposatha, có đề cao cảnh
giác, có làm công đức…hay không. Nếu như các vị đại thần và các vị hoàng
tử báo cáo tình hình xấu xa tiêu cực thì chư Thiên ở trời Tam thập tam
không vui, nói rằng chúng Thiên sẽ giảm và chúng A-tu-la sẽ tổn giảm. Ở
đây, chúng ta có thể hiểu rằng việc con cái không hiếu kính cha mẹ sẽ
tác động xấu đến cuộc sống an bình của con người, vì sự tranh cãi, đố kỵ
sẽ tăng.
Trong Kinh Trường bộ có đoạn khẳng định
việc con cái có kính trọng và biết phụng dưỡng cha mẹ hay không là một
trong những yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ của loài người. Kinh nói rằng
lúc tuổi thọ của loài người chỉ con 150 tuổi thì có sự tăng trưởng các
hiện tượng như là thiếu sự hiếu kính với cha mẹ, thiếu sự hiếu kính với
các bậc thánh, thiếu sự tôn trọng với các vị trưởng tộc, và vì thế mà
tuổi thọ loài người trong thời kỳ ấy giảm xuống chỉ còn 100 tuổi.
Qua những dẫn chứng trên, chúng ta thấy
rằng hiếu đạo là một trong những nền tảng đạo đức của giáo lý nhà Phật,
không chỉ là một nội dung được thêm vào để thỏa hiệp với luân lý
Bà-la-môn hay để dễ tìm được một chỗ đứng trong xã hội Trung Hoa.
Liên hệ với trường hợp Việt Nam, chúng
ta có thể thấy rằng đạo Phật đã truyền vào đất nước chúng ta cùng một
lúc với Nho giáo. Thật vậy, sử cho những người đầu tiên “khai hóa” cho
người Việt là các ông quan Trung Hoa như Tích Quang, Nhâm Diên, Sĩ
Nhiếp…Họ đều đến Việt Nam trong khoảng từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ III
Tây lịch. Khi ấy, Trung Quốc cũng đang tiếp thu Phật giáo. Ta cũng có
thể thấy Phật giáo đã tác động rất lớn đến văn hóa Việt, cho nên những
vị vua mở đầu thời đại tự chủ của người Việt đầu là các Phật tử chứ
không phải Nho gia. Nghĩa là trong thời kỳ xây dựng nền tự chủ của người
Việt, nếu những dấu ấn của Văn Hóa Phật giáo không vượt thắng Khổng
giáo thì ít ra cũng sonh hành. Sử Việt có nêu trường hợp Mâu Tử viết Lý
hoặc luận trong thời gian ngài sống ở Giao Châu để phản bác những lời
chỉ trích đạo Phật của Nho gia, trong đó Mâu tử có nói về hiếu tử của
người Phật tử rộng lớn hơn hiếu đạo của Nho gia. Như vậy, có thể thấy
nền hiếu hạnh của người Việt không hẳn là đã được làm phong phú thêm
bởi quan niệm hiếu đạo của người Trung Hoa, mà chắc chắn đã chịu ảnh
hưởng sâu lắng của tư tưởng Phật giáo ngay từ thời kỳ đầu. Mở rộng quan
niệm hiếu đạo ấy, người Việt luôn luôn biết ơn và biết cách đến ơn, bằng
cách giới thiệu và an trú cả những ai mang ơn vào lòng tin Tam bảo.
Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 111
| PHẠM CHÁNH CẦN