Đây là ba phạm trù nghĩa
lý đặc trưng để bảo chứng nhận diện ra những lời dạy của đức Đạo sư
một cách chính xác mà không nhầm lẫn với những lời dạy bỡi các giáo
chủ của các ngoại đạo khác qua: “Các hành là vô thường, các
pháp vô ngã và, Niết-bàn tịch tĩnh” cho nên được gọi là ba
pháp ấn. Ba phạm trù nội dung nghĩa lý này chúng luôn luôn phù hợp
với chân lý cuộc sống qua mọi hiện tượng nhân sinh cùng vũ trụ.
Trong ba tạng kinh điển dù là Đại thừa hay Tiểu thừa ba phạm trù tư
tưởng nghĩa lý “ Vô thường, vô ngã, Niết-bàn” này đều có hết, với
mục đích là dùng để ấn định bảo chứng cho những lời dạy của đức Đạo
sư, chứ không phải là những lời nói của Ma. Nếu kinh điển nào mà
không mang nghĩa lý của một trong ba phạm trù này thì những kinh
điển đó không phải do đức Đạo sư nói ra.
Theo Kinh Tạp A-hàm
quyển 10 thì đức Đạo sư cùng đệ tử của Ngài đã đề cập và giảng
dạy về đề tài này theo ý nghĩa của chúng qua ngũ uẩn diệt. Thật ra
ba phạm trù này do các bộ phái sau này căn cứ vào những lời dạy rải
rác khắp trong kinh điển theo những lời dạy của Phật cùng các Thánh
đệ tử của Ngài sau này mà lập ra, nhưng tất cả đều rất chính xác
theo những lời dạy của Ngài ở rải rác trong ba tạng giáo qua ba phạm
trù khế cơ khế lý trên. Theo Căn bổn Thuyết nhứt thiết hữu bộ
Tỳ-nại-da 9, đức Thế tôn bảo với Hiền Thủ:
Chư hành giai vô thường
Các hành đều vô thường
Chư pháp tất vô ngã Các pháp ắt vô ngã
Tịch tịnh tức Niết-bàn Vắng lặng tức Niết-bàn
Thị danh tam pháp ấn. Đó là ba pháp ấn.
Đó là ba pháp ấn mà đức
Đạo sư đã dạy Ngài Hiền Thủ trong Luật Căn bổn Thuyết nhứt thiết hữu
bộ. Theo Kinh Duy Ma Cật sớ 6 thì: “Như luận Đại Trí
thuyết thì Kinh Thinh văn có ba pháp ấn, vô thường ấn, vô ngã ấn,
Tịch diệt Niết-bàn ấn. Theo kinh Tiểu thừa thì có ấn này, tức là chỉ
cho kinh liễu nghĩa của Tiểu thừa. Hành giả nào vâng theo những lời
dạy trong những kinh này thì sẽ đắc đạo. Nếu kinh nào không có ba
pháp ấn này thì không phải là kinh liễu nghĩa.”
Ở đây Kinh Duy Ma Cật
ngòai những gì cần để hình thành nghĩa lý của ba phạm trù này như
các Kinh điển Thinh văn, mà còn xác nhận một cách chắc chắn rằng
trong kinh liễu nghĩa Tiểu thừa lúc nào cũng hiện diện một trong ba
pháp ấn này, hành giả nào vâng theo những lởi dạy trong kinh Liểu
nghĩa này mà tực hành tu tập thì sẽ đưa đến chỗ đắc đạo va, nếu kinh
nào mà không có sự hiện hữu của ba pháp ấn này thì kinh điển đó
không phải là kinh Liễu nghĩa.
Và cũng theo A-tỳ-đạt-ma
pháp Uẩn Túc luận 12 thì: “Đối với ba pháp ấn mà hành giả còn
sinh khởi do dự cho rằng tất cả các pháp vô thường mà cho rằng chẳng
phải tất cả các pháp là vô thường; tất cả các pháp là vô ngã mà cho
rằng chẳng phải tất cả các pháp vô ngã; là Niết-bàn tịch tĩnh mà cho
rằng chẳng phải Niết-bàn tịch tĩnh, thì những quan niệm này là si mê.”
Ba pháp ấn là ba phạm trù
dùng để ấn chứng, công nhận những kinh điển nào phù hợp với chân lý,
phù hợp với những lời dạy của đức Đạo sư, phù hợp với sự thật thì
kinh điển những lời dạy ấy đích thật là của trí tuệ còn nếu đối với
những kinh điển như vậy mà hành giả nào khởi niệm nghi ngờ không có
lòng tin chắc thật vào ba phạm trù nghĩa lý này thì đò nhữnng con
người si mê ngu muội cần được giáo dục và hướng dẫn để đi theo con
đường chánh.
Cũng theo Cu Xá luận
ký 1, Đ. 41, trang, 0001b xác nhận một cách dứt khóat về ba pháp
ấn này thì: “Kinh giáo tuy là nhiều, tóm lược lại thì chia ra làm
ba loai gọi là pháp ấn: Một, chư hành vô thường. Hai, chư pháp vô
ngã. Ba, Niết-bàn tịch tĩnh. Vì ấn chứng các pháp nên gọi là pháp ấn.
Nếu thuân theo ấn này thì gọi là kinh Phật, nếu nghịch lại ấn này
thì chẳng phải là những lời Phật dạy.”
Qua kinh luận trình bày ở
trên dù là Tiểu thừa hay Đại thừa ba phạm trù này dùng để kiểm chứng
và chứng minh rằng những kinh luật luận đó do đức Đạo sư thuyết còn
nếu không thuộc và một trong ba phạm trù này thì không phải là những
lời dạy của đức Đạo sư mà là những lời thuyết của Ma (chỉ cho ngoại
đạo).
1/ Các hành vô thường,
(Skrt: anityāḥ
sarva-saṃskārāḥ),
tức là chỉ cho mọi hiện tượng có được trên thế gian khiến cho mắt
chúng ta nhận thấy qua hình ảnh mà thuật ngữ Phật giáo gọi là pháp
hữu vi; chỉ cho muôn vật chúng luôn bị sự chi phối của luật vô
thường biến khác, từ hình thái này sang hình thái khác, hay biến
dịch từ chỗ này sang chỗ khác luôn xảy ra không bao giờ dừng nghỉ.
Mọi hiện tượng sinh diệt biến đổi này của thế gian chúng liên hệ với
các pháp vô ngã, Niết-bàn tịch tĩnh là một trong ba pháp ấn đại
cương cơ bản của pháp Phật, nên được gọi là chư hành vô thường ấn,
hay nhất thiết hành vô thường ấn, hoặc còn gọi là nhất thiết hữu vi
pháp vô thường ấn. Theo bài kệ vô thường của Kinh Niết-bàn quyển hạ
đức Phật đã dạy:
Chư hành vô thường
Các hành vô thường
Thị sinh diệt pháp Là pháp sinh diệt
Sinh diệt diệt dĩ Sinh diệt, diệt rồi
Tịch diệt vi lạc Tịch diệt là vui.
Qua bài kệ này đức Đạo sư
nói lên được tính bất tòan của mọi sự vật nói chung của mọi hiện
tượng cùng muôn vật hiện hữu tại thế gian này nói chung và, chỉ cho
năm thủ uẩn nói riêng, chúng bị luật vô thường chi phối, nên chúng
kinh qua hai trạng thái sinh-diệt biến đổi, tạo ra đau khổ, nếu hành
giả chúng ta muốn đạt đến mọi sự an vui Niết-bàn giải thóat thì,
chúng ta phải vượt qua khỏi sinh-diệt (sống-chết), có nghĩa là chúng
ta giải thóat khỏi khổ đau phát sinh từ các hành thì, sự giải thóat
(tịch diệt) đó là an vui.
Các hành ở đây được đức
Đạo sư định nghĩa như Kinh Khởi thế nhân bổn 9 (Đ. 1, trang.
412c) dạy: “Các Tỳ-kheo, các hành là vô thường, phá hoại, ly tán,
lưu chuyển, biến diệt, không trường tồn, chỉ trong chốc lát như vậy,
đáng chán, đáng lo, nên tìm cách giải thóat.” Các hành ở đây chỉ
cho tất cả các pháp hữu vi hiện khởi có hình tướng mà mắt chúng ta
có thể thấy và phân biệt chúng với nhau, có thể đụng chạm vào nhau.
Nói chung là chỉ cho mọi hiện tượng cùng vạn vật đang hiện hữu giữa
thế gian này; nhưng những hiện tượng cùng muôn vật chúng bị lệ thuộc
vào vô thường cho nên chúng luôn luôn ở trong trạng thái sinh khởi
và biến diệt không dừng nghỉ. Từ trạng thái này biến sang trạng thái
khác: Từ đứa bé mới lọt lòng cho đến khi trăm tuổi, tuy rằng phải
trải qua một thời gian là trăm năn hay ít hơn, nhưng trong thời gian
này chúng luôn thay đổi trong biến dịch trong từng giây từng phút,
từng sát-na một nên con người mới có hiện tượng lớn lên và già đi và
cuối cùng là biến dịch. Hiện tượng thay đổi này có được là nhờ sự
xúc tác của vô thường nên mới có thay đổi, nếu không có vô thường
thì sẽ không có bất cứ một sự thay đổi nào hết. Do đó vô thường luôn
luôn hiện hữu trong cuộc sống của chúng ta và cũng nhờ có vô thường
mà chúng ta mới có sự sáng tạo đổi khác trong tư duy, trong cuộc
sống và cuộc sống càng trở nên có ý nghĩa.
Chỗ khác đức Đạo sư dạy
rõ hơn như trong Kinh Niết-bàn Bản Hữu Kim Vô kệ luận 1, Đ.
26, trang. 0282c định nghĩa về: “Các hành tức là chỉ cho các hành
của sắc tâm, chúng có mặt trong ba đời và, vô thường có năm nghĩa:
Một vô thường diệt mất. Hai vô thường xa nhau. Ba vô thường biến
khác, hay hồi chuyển. Bốn vô thường hữu phần. Năm vô thường tự tánh.”
Đây chính là hiện tượng giả hợp của sắc (đất, nước, gió, lửa) có
được nhờ các nhân duyên, duyên nhau mà sinh khởi và biến dịch, còn
mặt thật bản chất (tâm) của chúng là không vì sự hiện hữu của chúng
là do duyên, nên bản chất của chúng là không và chúng có mặt khắp
trong ba đời (quá khứ, hiện tại, vị lai).
Như trong
luận Du Già sư địa 18, Đ. 30, trang. 0378c đã nói: “Các
hành vô thường là chỉ cho các hành kia vốn không, nhưng vì duyên
sinh khởi nên hiện hữu (sinh), khi đã hiện hữu rồi thì phải biến
diệt (tùy duyên)” Thật ra các hành ở đây như kinh trên đã nói thì
chính là năm uẩn gồm có sắc và tâm (Sắc, thọ, tưởng, hành, thức).
Các hành này là vô thường biến đổi không chắc thật, không tồn tại,
vĩnh cữu mà chúng luôn luôn biến dịch, có mặt khắp trong ba đời. Nhưng
sự hiện hữu của chúng như luận Du Già đã nói là không. Vì vậy cho
nên hành giả khi tu tập thì phải như luận A-tỳ-đạt-ma tập dị môn túc
16, Đ. 26, trang 0435b thì chúng ta phải siêng năng quán sát chúng
trong khi tu tập để diệt trừ chấp ngả chấp pháp mà hòan thành cứu
cánh Niết-bàn tịch tĩnh trong hiện quán: “Hiện tại chúng ta nên
siêng năng quán sát, các hành là vô thường, là hữu lậu, là khổ. Tất
cả pháp là không, là vô ngã. Khi chúng ta nghĩ đến chúng như vậy rồi
thì chúng ta sẽ siêng năng quán sát.”
Qua những
kinh luận ở trên cho chúng ta biết được thế nào là các hành? Thế nào
là vô thường? để từ đó hành giả chúng ta biết được phạn trù vô thường
đối với kinh luật luận chúng luôn hiện hữu, nếu kinh luật luận nào
không mang ý nghĩa đạo lý này thì đó không phải là kinh luật luận củ
Phật giáo.
2/ Các
pháp vô ngã (skt: nirātmānaḥ
sarva-dharmaaḥ),
còn gọi là tất cả các pháp vô ngã ấn, hay gọi tắc là vô ngã ấn, nói
chung là chỉ cho tất cả các pháp hữu vi cùng vô vi đều không có ngã,
vì chúng sinh không hiểu rõ chúng là không ngã nên đối với tất cả
các pháp cưỡng lập có chủ thể, có bản ngã, có cá thể, rồi chấp vào
chúng cho là thật hữu, thường trụ nên càng ngày chúng ta càng nuôi
lớn bản ngã vô minh tà kiến này; cho nên đức Đạo sư mới nói là không
có ngã với mục đích là phá chấp ngã của chúng ta. Nói tóm lại chư
pháp ở đây chỉ cho các pháp hữu vi và vô vi chúng không có bất cứ
một thực thể cá biệt nào hết, mà chúng hiện hữu được là nhờ nhân
duyên mà sinh ra, hỗ tương nhau mà hiện hữu tồn tại, chúng thật
không có tự thế hay thể tánh nào ngoài một sự hiện hữu giả hợp khi
duyên đủ. Cho dù pháp hữu vi có tác dụng, nhưng chúng không tồn tại
mãi mãi; riêng pháp vô vi tuy là thường hằng vĩnh viễn, song chúng
lại không có tác dụng. Do đó trên mặt tướng thì sự hiện hữu của
chúng là pháp giả hợp, nhưng về mặt tánh chúng là không tánh, rốt
cùng tất cả đều là pháp vô ngã. Chư pháp vô ngã là một trong ba pháp
ấn, hay còn gọi là chư pháp vô ngã ấn. Mục đích trọng yếu của giáo
nghĩa này là nhắm phán đóan những kinh điển đó có đúng với giáo nghĩa
của đức Phật hay không? Và cuối cùng dùng nó để ấn chứng. Như
Kinh Trường A-hàm quyển 1, Đ. 1, trang. 0009b đức Phật dạy:
“Nhược học quyết định pháp (Nếu muốn học pháp quyết định
Tri chư pháp vô ngã Phải biết các pháp vô ngã
Thử vi pháp trung thượng Ở đây là pháp trung, thượng
Trí tuệ chuyển pháp luân…” Trí tuệ quay bánh xe pháp….)
Hành giả
khi học Phật là phải học pháp quyết định là phải biết một cách chân
thật và chắc chắn rằng tất cả các pháp là vô ngã. Và cũng trong
Kinh Tạp A-hàm 11, Đ. 2, trang. 0072c đức Đạo sư dạy: “Tỳ-kheo,
đối tất cả hành không, tậm không phải quán sát chúng một cách hoan
hỷ. Đối với hành pháp không (mà cho là) pháp thường còn, vĩnh viễn,
tồn tại, không biến dịch thì, chúng không có ngã, và sở hữu của ngã.
Như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý (kết hợp với lục trần) các pháp
nhân duyên sinh ra … ý thức. Ba điều kiện này hòa hợp nhau sinh xúc;
xúc câu sinh ra thọ, tưởng, tư. Các pháp vô ngã này, là vô thường,
cho đến không có ngã vả sở hữu của ngả.” Ở đây hành giả chúng
ta luôn luôn phải hiện quán về tâm và hành Không này sự hiện hữu
của chúng là một giả hợp do nhân duyên mà có được, nên tướng chúng
là giả hợp, tánh chúng là không. Nói chung đối với tâm và vật chúng
đều là vô ngã, không trường tồn, luôn luôn biến đổi khộng thật có.
Theo
luận Đại Trí Độ 20, Đ. 25, trang. 0206b thì nên: “quán các
pháp vô ngã, ngã sở không, các pháp từ nhân duyên hòa hợp phát sinh,
không có tác già, không có thọ giả cho nên gọi là Không môn.”
Không môn này chính là một khoa, một phạm trù dùng để phán quyết bộ
mặt thật của các pháp hiện hữu được là nhờ vào nhân duyên hòa hợp
giữa các pháp mà sinh ra và diệt đi tùy thuộc vào duyên đủ điều kiện
này; do đó không có người tạo ra nó, và cũng không có người nào đứng
ra nhận lãnh (chịu tràch nhiệm) về sự hiện hữu do nhân duyên đó, cho
tạm gọi chúng là cửa không.
Cũng cùng
với phương pháp hiện quán này, Kinh Nhân Vương Hộ Quốc Bát-nhã sớ
2, Đ. 33, trang. 0259c dạy: “Quán các pháp vô ngã, sở hữu của
ngã, các pháp này từ nhân duyên hòa hợp mà hiện hữu, chúng không
phải là người tạo tác, cũng không phải là người nhận lãnh.”
Còn theo
Nhiếp Đại Thừa luận thích thì, không những tất cả các pháp
chỉ là vô ngã không thôi mà, nếu hành giả nào thông đạt các pháp là
vô ngã thì trí bình đẳng phát sinh và, thấy rõ các pháp đều không có
tự tánh. Vì trí bình đẳng phát sinh nên giửa các hữu sinh tử và
Niết-bàn được coi như là một, không phải hai không phải khác về mặt
trí (tánh). Cho nên giữa sinh-tử và Niết-bàn không có bất cứ một sai
biệt nào. Nhiếp Đại Thừa luận thích 9, Đ.31, trang. 0370b
thì: “Khi Bồ-tát thông đạt các pháp vô ngã thì trí bình đẳng phát
sinh, thấy rõ các pháp kia đều không có tự tánh, các hữu sinh tử là
Niết-bàn.”
Qua những
bản kinh luận mà chúng tôi vửa trích dẫn ở trên cho hành giả chúng
ta nhận thức rằng phạm trù nghĩa lý của pháp ấn thứ hai là các pháp
vô ngã. Sự hiện hữu của tất cả các pháp đều từ nhận duyên hòa hợp
nương tựa vào nhau mà hiện hữu. Sự hiện hữa của các pháp trên mặt
hiện tượng của tướng đó là một sự hiện hữu giả hợp do duyên và, mặt
khác tánh của chúng là Không cũng do duyên mang lại. Ở đây các pháp
là chỉ chung cho cả tâm lẫn sắc như truờng hợp của năm thủ uẩn là vô
ngả vậy.
3/ Niết bàn tịch tĩnh,
(Skt: śantaṃ
nirvāṇam)
còn gọi là Niết-bàn tịch diệt ấn, gọi tắc là Niết-bàn ấn là phạm trù
thứ ba trong ba pháp ấn. Phạm trù thứ ba này là bàn về nỗi khổ của
chúng sanh đã và đang gánh chịu ở thế gian này, phát xuất từ lòng vô
minh mê mờ không biết cái khổ của sinh tử luân hồi, nên khởi hoặc
tạo ra mọi thứ nghiệp lực, từ đây phải lưu chuyển trong ba cõi sáu
đường, cho nên đức Đạo sự vì chúng sanh mê mờ không biết cách nào để
thóat khỏi sự khổ đau của vô minh mà Ngài nói về pháp Niết bàn vắng
lặng. Với mục đích là khiến cho chúng sanh thóat ly khỏi khổ đau của
sinh tử mà chứng đắc Niết-bàn tịch tĩnh. Theo Căn Bản Nhứt Thiết Hữu
Bộ 4, Đ. 24, trang. 0119a của luật tạng đức Đạo sư dạy:
“Ta biết dục là tội
lỗi
Muốn thấy Niết bàn tịch tĩnh
Nay Ta phải nên xả bỏ
Để đạt đến vui thanh tịnh .”
Phạm trù Niết-bàn tịch
tĩnh là phạm trù sau khi hành giả lìa bỏ khổ đau, giải thóat tất cả
mọi trói buộc của phiền não mà dục là một hình thức phiền não căn
bản của khổ đau sinh tử luân hồi phát sinh trực tiếp qua sự tạo tác
của thân, khẩu, ý. Ở đây muốn đạt được Niết-bàn tịch tĩnh là chỉ cần
xả bỏ tất cả dục ái (tanhā) căn bản để đạt được Niết-bàn hiện hữu
ngay trong cuộc sống của mỗi chúng ta.
Cũng theo luận
Xá-lợi-phất A-tỳ-đàm 29. Đ. 11, trang. 0741b thì, “Nếu lìa
dục, ái hết sẽ đạt Niết-bàn tịch tĩnh thắng diệu”Vì dục ái là
pháp căn bản của nguồn gốc đưa chúng sanh đến các hữu sinh tử luân
hồi trong ba cõi sáu đường, nên nếu muốn giải thóat sinh tử trong ba
cõi sáu đường và đạt được mọi an vui Niết-bàn tịch tĩnh giải thóat
trong cuộc sống thì chúng ta phải lìa bỏ dục thì ái mới hết. Vì ái
dục là nguồn gốc phát sinh mọi khổ đau phiền não trói buộc chúng
sanh trong luân hồi. Do đó chúng ta nên giải thóat ái dục thì niết
bàn an vui sẽ hiện hữu.
Theo Kinh Đại Bát
Niết-bàn nghĩa ký 10, Đ. 37, trang. 0850b thì đức Đạo sư bảo: “Lìa
giác quán gọi là Niết-bàn có nghĩa là diệt trừ trí chướng ngại; trừ
bỏ trí vọng thì được gọi là xa lìa giác quán. Nhờ xa lìa giác quán
được nghĩa Niết-bàn tịch tĩnh, cho nên gọi là Niết-bàn.” Đó là
cách định nghĩa Niết-bàn tịch tĩnh theo nghĩa phủ định. Thông thường
đức Đạo sư khi đề cập đến Niết-bàn Ngài thường dùng những từ phủ
định, để tránh những ngộ nhận nếu có về Niết-bàn, mà một phạm trù
như vậy chỉ có những ai thực chứng chân lý mới nhận ra một cách
chính xác ngoài ra chúng ta khộng thể nhận ra được bản thể cùng các
hiện tượng một cách như thật được trong đó có Niết-bàn. Chúng ta có
thể ngộ nhận về một cõi Niết-bàn có được nào đó từ những xác định
của ngôn ngữ, sẽ khiến cho chúng ta nhận lầm về chúng; vì ngôn ngữ
chúng ta chỉ có giá trị tương đối về mặt diễn tả chân lý một cách
tương đối trong khi niết-bàn là một phạm trù thuộc chân lý tuyệt đối
và, bị hạn chế trong những nhận thức của thế trí như kinh trên đức
Đạo sư đã dạy. Muốn giải thóat những trói buộc hạn chế mê lầm đó thì
chúng ta phải trừ bỏ hay tiêu diệt chúng mới đạt được chúng qua ngôn
ngữ phủ định tương đối nhằm thể nhập vào tự tánh không của thế sống.
cho nên Niết-bàn được đức Đạo sư nhắc đến qua nhiều kinh luật luân
thường là dùng những danh từ phủ định như: Tanhakkhaya (diệt ái) có
nghĩa lã dục vọng bị tiêu diệt; Asamkhata (vô vi), có nghĩa là không
bị liên kết, không bị giới hạn; Virāga (vô tham), có nghĩa là không
tham lam; Nirrodha có nghĩa là sự chấm dứt (dục ái); Nibbāna, là
tịch diệt, có nghĩa là sự thổi tắt, hay sự tắt hẳn. Với những từ này
đức Đạo sư dùng với mục đích nhằm để phủ định những khẳng định bị
giới hạn lệ thuộc vào trong tró`I buộc, chúng đi nghịcu lại với con
đường giải thóat của Ngài. Phần này hành giả nếu muốn tìm hiểu rộng
hơn xin xe Tập san Pháp luân số …
Tóm lại,
mục đích của Ba pháp ấn này theo như trong Câu Xa luận ký 1,
Đ. 41, trang. 0001b đã giải thích thì: “Các hành vô thường chỉ
dàng để giả thích rõ các pháp hữu vi, Niết-bàn tịch tĩnh dùng để
giải thích rõ các pháp vô vi, còn Các pháp vô ngã là dùng chung để
īải thích rõ cả pháp hữu vi và vô vi.” Như vậy ba phạm trù
này dùng để ấn chứng và khẳng định rằng nếu trong những lời dạy của
kinh điển mà không liên hệ đến ba phạm trù này thì những loại kinh
điển đó không phải do đức Đạo sư nói ra mà có thể là do ma nói. Vậy
ba pháp ấn rất quan trọng đối với việc nhận chân và đánh giá về
những gì Ngài đã dạy ra nếu những kinh điển nào không phù hợp,
không có sự hiện hữu của ba phạm trù: Vô thường, vô ngã, Niết-bàn
thì, không phải là kinh điển do Phật nói ra.. Hơn nữa qua ba
phạm trù này cũng được đức Đạo sư cho chúng ta nhìn ra được phạm trù
nghĩa lý nào dùng cho các pháp hữu vi có sinh có diệt theo sự hiện
hữu và biến dịch của chúng qua nhân duyên mà mắt hữu tình chúng sanh
chúng ta nhận thấy, rờ mó được và, những pháp này mang hình thức
chướng ngại, còn những pháp vô vi không hình tướng, không thể hiện
hữu và có chất ngại mà mắt chúng ta không thể nhận thấy, nhận biết
trong xúc chạm của các pháp thuộc về sự mà chúng thuộc về tư tưởng,
lý, khiến hành giả chúng ta phải kinh qua chứng nghiệm bằng vào
những sở đắc có được mà thôi. Còn các pháp vô ngã chỉ chung cho tâm
và vật của một chúng sinh hữu tình nói riêng và muôn vật nói chung.
Tâm thuộc hình thức vô vi không thấy, không nắm bắt được của thọ,
tưởng, hành, thức và của vật tức chỉ cho sắc pháp mà đại diện là
đất, nước, gió, lửa, những vật chất này mắt chúng ta có thể thấy và
có thể tiếp xúc trong xúc chạm nắm giữ đươc. Ba pháp ấn này không
ngoài ấn định chứng nhận để cho hành giải phận biệt được cái nào là
chân lý cái nào thuộc ma vương nói ra cho các hành giả chúng ta phân
biệt lựa chọn trên buớc đường tìm về giải thóat mà không sợ nhầm
lẫn. Đây là ba pháp ấn mà cả Tiểu thừa lẫn Đại thừa đều chấp nhận,
ngoài ba pháp ấn này ra nếu cộng thêm Nhất thiết hành khổ thì gọi là
bốn pháp ấn; từ bốn pháp ấn thêm vào Nhất thiết pháp không thì gọi
là năm pháp ấn. Đó là những phạm trù thường thấy trong kinh điển của
đức Phật còn để lại, cho dù là bốn hay là năm, chúng vẫn không ra
ngoài ba pháp ấn này.