Loài người chúng ta nhờ vào sáu giác quan mà có sự hiểu biết. Nhưng có rất ít người nhận ra rằng sự nhận biết của sáu quan năng nó chỉ giống như con gà con hình thành trong vỏ trứng. Tuy nhiên đủ sức mổ được vỏ trứng vỡ ra để thấy được cảnh giới bên ngoài thì rất ít, mà hầu hết bị chết trong vỏ trứng.
Hiện nay nhờ khoa học phát minh mà ta được biết rằng sự phân biệt của sáu quan năng rất là hữu hạn thật đáng thương. Thí dụ như mắt thấy thì phụ thuộc vào ánh sáng và không gian. Nhưng ánh sáng thì bị thời gian chi phối như sáng, trưa, chiều làm màu sắc biến đổi khác nhau, không gian thì bị chi phối bởi áp suất chuyển biến. Còn cái biết của ta bị sai lệch không đúng như sự hiện hữu của vạn vật "Nó như là". Cái nghe cũng vậy nó tùy thuộc vào tần số sóng âm cao hay thấp mà nó có giới hạn cái nghe, còn chúng ta thì bị tác động bởi tâm lý. Hiện nay nhiều thiết bị khoa học đã minh chứng nhiều điều cho chúng ta biết là sự nhận thức của sáu giác quan không hoàn toàn như ta nghĩ tưởng.
Gần 2600 năm về trước Đức Đạo Sư Thế Tôn với Chánh Biến Tri đã thấy được tri kiến chúng ta chỉ vận hành theo một chiều nên phải chịu luân hồi sinh lão bệnh tử khổ. Để cho chúng ta có cái thấy biết chân thật, để không còn phiền não, để không bị luân hồi sanh tử dẫn lối, để giải thoát thân tâm không còn trói buộc vì sự nhận biết sai lầm. Để có được như vậy Đức Đạo Sư Thế Tôn chỉ cho chúng ta là phải biết "Giải thoát tri kiến".
Tri kiến nhận thức của chúng ta giống như câu chuyện người mù sờ voi mỗi người chỉ nhận biết một bộ vị của con voi. Nhưng với niềm tin vào cái biết nếu có người hỏi thì họ diễn tả một cách rõ ràng chân thật. Đôi khi còn thêm thắt cho câu chuyện thêm đậm đà huyền bí. Tuy nhiên họ đâu biết rằng những gì họ kể chỉ là một bộ phận manh mún của con voi. Rồi thời gian sau có những người thông minh góp nhặt những câu chuyện đó ráp lại, có vị ráp hai câu chuyện có vị ráp năm có vị mười, dù là như vậy nhưng họ không thể nào hình dung ra con voi thật sự, vì có những sự thêm thắt sau này mà con voi thành hình dạng thần kỳ quái đản.
Vì không có tri kiến chân thật nên hầu hết bị lạc đường, do vậy từ xưa đến bây giờ có nhiều giáo phái nhiều vị giáo chủ tuyên bố cảnh giới chứng đắc của mình. Như thời đấng Đạo Sư thị hiện thì đất nước Ấn Độ đã có chín mươi sáu giáo phái, mỗi giáo phái có những lập luận khác nhau. Có nhiều tầng bậc chứng đắc khác nhau. Như từ sơ thiền cho đến cõi phi tưởng phi phi tưởng hay diệt hết ý niệm để vào cõi vô tưởng thiên hay không vô biên xứ, thức vô biên xứ, những cảnh giới đó nhờ thiền định lực gia trì nên tâm thức các vị đó tồn tại vô lượng thời gian. Cũng giống như thời đại bây giờ những chiếc phi thuyền du hành không gian khi vượt khỏi lực hút của địa cầu thì không cần lực đẩy nữa mà nó có thể đi trong vô lượng thời gian. Hay có những vị tu theo tiên đạo nơi non cao núi thẳm để mong cầu pháp mầu hay trường sanh bất lão. Tuy nhiên do tri kiến lấy ngoại cảnh làm đối tượng vì tác ý bất như lý bên trong nên sự hiểu biết và sở đắc của các vị đó chỉ là một phần manh mún của con voi mà thôi, không phải chỉ là người Ấn mà người Trung Hoa thời cổ cũng vậy.
Thí dụ Trang tử là vị đạo gia thời xưa của người Trung Hoa có câu truyện như thế này:
Một ngày nọ Trang Tử cùng người bạn dạo chơi trên một cây cầu. Trang Tử đứng trên cầu ngó xuống thấy đàn cá bơi lội tung tăng thì chỉ và nói với người bạn rằng:
- Đàn cá đang vui.
Người bạn hỏi lại rằng:
- Tôi không phải là ông nên tôi không biết ông, còn ông thì không phải là cá làm sao ông biết được cá vui?
Trang Tử trả lời rằng:
- Tôi đứng trên cây cầu tôi biết cá vui.
Vì câu trả lời đó mà Thiên Huyền đồng vật ngã của ông ta là: "Vận vật cùng ta đồng sanh, Trời đất cùng ta đồng đến". Nó mâu thuẫn với nhau, đã biết vạn vật cùng ta đồng sanh là huyền đồng dung thông thì sao câu trả lời "Làm sao biết cá vui" lại cá biệt. Vì vậy biết rằng dù là Trang Tử đạo gia cũng chỉ biết hiện tượng mà thôi.
Vì tri kiến nhận thức sau lầm đưa chúng ta trôi lăn trong vô lượng thời gian trải qua vô lượng cảnh giới vô lượng hình hài, nên chúng ta cũng có vô lượng tầng lớp chấp thủ nắm giữ, lưu trữ trong A lại da. Từ một ánh sáng uyên nguyên thành ra vô lượng màu sắc, hay từ một chất cao su mà chúng ta có vô lượng đồ dùng hay các vị cổ đức nói: "Nhất bản tán vạn thù" hay" Một Chân Như hiện ra vạn pháp". Thật ra Chân Như không phải một hay nhiều vì một hay nhiều không nói lên tánh Chân Như, cũng giống như điện trong bình điện không thể nói một hay nhiều, nếu nói một lần sạc thì có trước có sau. Còn nói khác cũng không được vì đồng một dạng.
Đức Như Lai Thế Tôn nói rằng: "Tất cả các pháp ta nói ra đồng một vị là giải thoát tri kiến cho chúng sinh như vị mặn của nước đại dương". Nhưng vì tri kiến chấp thủ của chúng sanh bất đồng nên nên giáo pháp theo đó cũng có phân chia Thượng-Trung-Hạ.
Ngài Xá Lợi Phật cùng ngài Mục Kiền Liên giác ngộ nhờ nghe bài kệ bốn câu: "Vạn pháp nhân duyên sinh
Cũng theo nhân duyên diệt
Nhân duyên sinh diệt này
Như Lai từng tuyên thuyết"
Của ngài A Chấp Thị mà được giải thoát tri kiến trí huệ mở ra. Theo ngài SuZuKi trong Thiền Luận thì bốn câu kệ đó không có gì là pháp hết, luận cả Tứ thánh đế cũng vậy. Thật ra thì ngài quá thiên về Thiền Công Án hay thoại đầu nên ngài không nhận ra sự thâm diệu của bốn câu kệ là tổng thể còn Công Án chỉ là thành phần. Hay bốn câu kệ là không gian còn công án chỉ là sự sáng tối, hay bốn câu kệ là đại dương còn công án chỉ là những dòng sông.
Bây giờ hãy tự trở lại bối cảnh vì sao Thế Tôn ngài nói lên bài kệ bốn câu đó. Vào thời Đức Thế Tôn thị hiện thì nước Ấn Độ không có Đạo giải thoát mang tên ngài mà là đạo Bà La Môn (Hin Đu) cùng nhiều giáo phái khác. Tuy nhiên dù đạo Bà La Môn hay những giáo phái khác cũng cùng chung có một niềm tin tuyệt đối là thế giới này dựng lên bởi một đấng Thần Linh. Thượng Đế hay Phạm Thiên hay Đại Tự Tại Thiên….Vị đó có uy quyền tối thượng, vị đó muốn mọi người mọi vật trên thế gian này như thế nào thì tùy theo ý niệm của vị đó. Vị đó quyền năng vô hạn lượng không một ai dám không tuân phục vâng lời. Con người nhỏ bé của nhân sinh chỉ có chấp nhận sự ban phước hay giáng họa mà không một chút khả năng nào vùng vẫy. Và niềm tin đó trải qua nhiều thời gian được ăn sâu bám rễ tưởng chừng như bất khả hoại.
Với một niềm tin duy nhất như vậy thì bài kệ bốn câu "Vạn pháp nhân duyên sinh" của Thế Tôn nói ra nó làm đảo ngược toàn bộ hệ thống giáo điều của đạo Bà La Môn. Vào thời đó câu "Vạn pháp nhân duyên sinh" giống như một tiếng sấm, nó phá vỡ thành trì tri kiến chấp thủ của nhiều vị trưởng thượng Bà La Môn dày công xây dựng. Hay nói như khoa học bây giờ đó là một vụ Bigbang làm cho vũ trụ hiện hữu.
Nói lên một pháp thật, có thể sờ chạm được, suy tư được, phân tích được, đo lường được để phá niềm tin ảo tưởng có một đấng toàn năng làm ra tất cả ban bố tất cả. Tuy có một niềm tin như vậy nhưng từ lâu xa cho tới tận bây giờ chưa có một ai thấy được nhân được vị toàn năng đó vì chỉ là tin.
Giáo pháp Đấng Đạo Sư nói ra là để khai mở tri kiến cho chúng sinh, tư tưởng chúng ta lâu đời kinh qua sáu giác quan nhận thức sai lầm chấp thủ chồng chất nó làm cho chúng ta ưa hèn yếu đuối không dám có tư tưởng vượt qua. Cộng thêm những danh ngôn hay văn chương của những người có danh vọng, có tiếng tăm càng làm cho chúng ta chỉ còn biết co đầu rụt cổ. Thí dụ người Trung Hoa câu nói mà không có mấy người phản bác được đó là: ''Nhân sinh tự cổ thùy vô tử". Người đời sinh ra ai cũng chết, hay như Nguyễn Du nhà đại thi hào của chúng ta trong tuyệt phẩm truyện Kiều cũng nói lên tâm tình tuyệt vọng không có lối ra khi thốt lên: ''Đã mang lấy nghiệp vào thân, thì đừng nên trách trời gần trời xa". Như vậy đó những hệ tư tưởng chung của nhân gian từ đông sang tây, nó chằng chịt bao phủ chúng ta như con cá trong tấm lưới hết đường vùng vẫy.
Còn Tứ Thánh Đế thì sao nguyên nhân nào lần đầu chuyển pháp luân Thế Tôn nói lên bài Pháp khổ tập diệt đạo.
Trước khi Đức Như Lai thị hiện thì người tu thiền định bằng nhiều cách, bằng nhiều phương pháp của giáo phái Bà La Môn chỉ tin quanh quẩn rằng làm thế nào để được hợp thể với Đại Phạm Thiên - vị chúa tể tạo ra dựng nên muôn loài. Hay được thác sinh vào những cõi trời để hưởng lạc thú hay được sống lâu dài như các tầng trời dục giới, sắc giới hay vô sắc giới hay làm người giàu sang quyền quý ở nhân gian. Khi các vị đó đầu phục làm đệ tử Thế Tôn, thì Đức Thế Tôn chỉ cho rằng, những giáo lý và những điều mong cầu đó thật là thô thiển là còn trong vòng sinh tử luân hồi vì sao? Vì không thấy được tâm hiện tượng. Không thấy được tự tánh chỉ chạy theo hiện tượng trần cảnh bên ngoài nên khi định lực hết phước báu hết thì phải đọa lại trong các đường sinh tử.
Tứ thánh đế đầu là Khổ Đế. Thế Tôn cũng nói rằng "Cuộc đời là bể khổ". Nhưng những sự khổ vui đó không phải do một vị thần linh nào quyết định mà do tác ý bất như lý, rồi đưa đến Đế thứ hai là Khổ Tập Đế. Vì muốn hết khổ thì phải học Đế thứ ba là Khổ Tập Diệt Đế, cho đến khi Khổ-Tập-Diệt rồi liền chứng được Đạo Đế.
Chúng ta nên nhận ra rằng, những bài pháp ban đầu Thế Tôn thuyết giảng là để giải thoát tri kiến chấp thủ lâu đời của giáo phái Bà La Môn là có một vị Thần Linh làm nên tất cả. Vì căn trí các vị đệ tử theo ngài còn thấp nên những bài pháp ban đầu Thế Tôn vận dụng phương tiện nói pháp bằng cách dụ dẫn lấy hiện tượng có thể sờ chạm, suy nghĩ được như "Vạn pháp nhân duyên sanh" hay khổ là do tập để chuyển đổi tri kiến các vị đệ tử thủa sơ khai. Vì vậy nhân duyên sinh là Hạ thập nhị nhân duyên là Trung, y tha khởi là Thượng. Tuy nhiên dù Hạ Trung Hay thượng thì cũng trong Chân Như mà Thế Tôn phương tiện quyền biến thuyết ra để dẫn dắt các vị đệ tử lần lần đi lên mà tiếp nhận Chân Như.
Còn Tứ Thánh Đế cũng vậy ban sơ để các vị tu sĩ có thể nhận thức, nắm lấy nên Thế Tôn dạy sinh, lão, bệnh, tử-khổ, nguyên nhân phát sinh ra khổ và phương pháp đoạn diệt khổ, rồi thời gian sau khi các vị tu sĩ có trí tuệ, có sự nhận thức cao hơn thì Thế Tôn ngài lại thuyết về Bát Nhã Tánh Không và sau cùng đưa về Chân Như là sanh, lão, bệnh, tử không thật có như hoa đốm trong Hư không vì các pháp sinh khởi nơi tâm như huyễn mộng, vì các pháp vô tự tánh.
Tất cả các pháp Thế Tôn thuyết giảng dù sâu dù cạn, dù xa hay gần, dù cao hay thấp thì cũng không rời chân như tự tánh vì sao? Vì Thế Tôn Như lai cùng Chân Như tự tánh không phải là hai vậy.
Với những bộ kinh thâm diệu như Lăng Già, Hoa Nghiêm không hiểu ngài SuZuKi thâm nhập như thế nào? Ngài có nhận ra những bài pháp Thế Tôn thuyết giảng từ trên xuống dưới, từ đầu đến cuối là liền một mạch hay không mà ngài đem bộ kinh Lăng già cùng Hoa Nghiêm làm đệm để củng cố các vị Thiền sư và các công án Thiền lên cao tại thượng. Trong sự hiểu biết của ngài thì Đạo Giác ngộ chỉ có các Thiền sư và các câu công án-thoại đầu là tất cả, còn những bài kinh như Tứ Diệu Đế hay bài kệ "Vạn pháp nhân duyên sinh" thì không còn là pháp nữa.
Trong các công án Thiền nổi tiếng mà người học hay nhắc nhở nhất là câu "Cây bách trước sân" của ngài Thiền sư Triệu Châu. Có một thiền tăng hỏi ngài Triệu Châu:
- Tổ Bồ Đề Đạt Ma qua Đông độ truyền pháp gì?" thì ngài trả lời:
- Cây Bách trước sân.
Chúng ta hãy hình dung như trong kinh Lăng già ngài Đại Huệ Bồ Tát hỏi Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn ngôn thuyết là đệ nhất nghĩa hay sở thuyết là đệ nhất nghĩa?
Thì Thế Tôn trả lời là
- Đá núi Lăng già. "Đồng là vô tình thuyết pháp". Nếu như vậy bây giờ làm gì có Kinh, Luật, Luận cho chúng ta học hỏi và nghiên cứu. Với phật giáo công đức của ngài SuZuKi thật là lớn vì ngài là người đầu tiên truyền bá Thiền Học trên xứ Hoa Kỳ. Nhưng dù thế nào cũng không thể làm lệch đi giáo lí của Đức Như Lai Thế Tôn.
Chúng ta học hỏi giáo lý của Thế Tôn để được Giác ngộ như những gì ngài để lại trong kinh điển, chúng ta tôn trọng những bậc tiền nhân đi theo bước chân ngài. Chúng ta tôn trọng các vị Tổ các vị Luận sư các Thiền sư đã có công trước tác diễn giải những ý nghĩa thâm diệu trong nhiều bộ kinh Thế Tôn để lại. Chúng ta thành tâm tôn kính các ngài như tôn kính Đức Thế Tôn Như lai.
Thế Tôn tuyên bố rằng: "Ta không phải là Thượng Đế hay đáng thần linh có quyền năng ban phước giáng họa, mà ta là một Đạo sư chỉ đường dẫn lối đi đến chỗ an bình vui vẻ không còn sự đau thương khổ não bức bách thân, tâm nữa. Con đường đó ta đã đi nơi an ổn ta đến vì vậy ta chỉ con đường đó cho tất cả chúng sinh, bất cứ chúng sinh nào đi theo con đường đó thì đều đến nơi an lạc.
Chúng ta nên tôn kính các vị tiền nhân đi trước các vị Chân Tu các vị Tổ sư đã để lại nhiều tài sản quý giá nhiều tấm gương quá tôn kính mà không dám dũng mãnh đi lên, đừng quá tôn kính mà ta phải đội lên đầu không biết bao nhiêu hình ảnh. Tuy nó vo hình nhưng ảnh hưởng tâm lý thì vô cùng to lớn vì nó làm cho ta cảm thấy xúc phạm nếu ta có tư tưởng muốn vượt lên. Có câu: ''Con hơn cha là nhà có phước" đó mà.
Có một lần Thế Tôn cùng chúng đại tì kheo đi ngang qua khu rừng, Thế Tôn đưa tay ra hỏi chúng tì kheo rằng:
- Lá trong tay ta nhiều hay lá ở trongn rừng nhiều?
Chư vị tì kheo thưa rằng:
- Bạch Thế Tôn lá trong tay Thế Tôn không là gì nếu đem so sánh với lá trong rừng.
- Đúng vậy này các tì kheo. Những gì ta thấy biết giống như lá trưng rừng, còn những gì ta nói ra cũng như nắm lá trong lòng bàn tay-Thế Tôn nói.
Tất cả Phật giáo trên thế giới ngày nay dù Đại thừa hay Nguyên thủy nói chung từ Kinh-Luật-Luận cho đến sách vở thì nhiều không thể tính đếm. Các giáo phái từ Ấn Độ, Trung Hoa, Mông Cổ, Đại Hàn, Nhật Bản, Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Miến Điện cho đến Tích Lan… Mỗi đất nước có nhiều giáo phái có những chứng đắc những luận điểm khác nhau giống như hương sắc của một vườn hoa tuyệt mỹ.
Tuy nhiên dù nhiều như vậy, dù đa dạng như vậy, thậm thâm vi diệu như vậy thật khó diễn tả cho hết. Nhưng chúng ta là người học theo Thế Tôn tuyệt nhiên đừng lấy đó làm đủ vì sao? Vì tất cả đó cũng chỉ là nắm lá trong tay của Đức Như Lai Thế Tôn mà thôi.