"Không làm mọi điều ác
Thành tựu các hạnh lành
Tâm ý giữ trong sạch
Chính lời chư Phật dạy"
(Dhp 183)
Tất cả những lời dạy của Ðức Phật được kết-tập trong tam tạng Kinh điển. Nhưng tựu trung có ba điều căn bản đó là : chỉ ác, tác thiện và thanh lọc tâm.
Lời dạy trên thật bình dị, đơn giản nhưng thực hành cho đúng chánh pháp không phải là chuyện giản đơn. Dầu rằng một đứa bé tám tuổi vẫn thuộc nằm lòng bài kệ này nhưng ông già 80 tuổi chưa chắc đã làm trọn xong. Ðây là câu nói của Ô Sào Thiền sư. Thật đúng như vậy, hãy kiểm nghiệm lại mà xem, tâm ý chúng ta lúc nào cũng bỉ thử, hơn thua, phải quấy, tốt, xấu, đố kị, thù hiềm, công kích lẫn nhau... thật khó có giây phút để cho ta yên lặng, dẫu có đi nữa cũng trong trạng thái chập chờn giây lát mà thôi. Không những tự thân chúng ta cảm thấy bất an, phiền muộn mà còn khiến cho bầu không khí trở nên khó thở làm phiền lòng mọi người xung quanh.
Theo quan điểm của Phật giáo một con người sống hạnh phúc trọn vẹn khi và chỉ khi họ từ bỏ mọi việc ác, hành động có lợi lạc cho mình và người, không gây đau khổ cho bất cứ ai, giúp đỡ mọi người bằng nhiều phương tiện, tu tập đúng chánh pháp. Trước hết chúng ta cần minh định và phân biệt rõ giữa việc thiện và bất thiện pháp theo như lời của Ðức Thế Tôn chỉ giáo với du sĩ ngoại đạo Vacchagotta :
"Sát sanh, này Vaccha, là bất thiện, từ bỏ sát sanh là thiện. Lấy của không cho, này Vaccha, là bất thiện, từ bỏ lấy của không cho là thiện. Tà hạnh trong các dục, này Vaccha, là bất thiện, từ bỏ tà hạnh trong các dục là thiện. Vọng ngữ, này Vaccha là bất thiện, từ bỏ vọng ngữ là thiện. Nói hai lưỡi, này Vaccha, là bất thiện, từ bỏ nói hai lưỡi là thiện. Nói ác khẩu, này Vaccha, là bất thiện, từ bỏ nói ác khẩu là thiện. Nói lời phù phiếm, này Vaccha, là bất thiện, từ bỏ nói lời phù phiếm là thiện. Xan tham, này Vaccha, là bất thiện, không xan tham là thiện. Sân, này Vaccha, là bất thiện, không sân là thiện. Tà kiến, này Vaccha, là bất thiện, chánh kiến là thiện. Như vậy, này Vaccha, mười pháp là bất thiện, mười pháp là thiện". (Trung Bộ II - Ðại Kinh Vacchagotta - Tr. 328 - 329)
Ðối với Ðức Phật, Ngài không bao giờ bắt buộc bất cứ ai tin tưởng vào lời dạy của Ngài, Ngài khuyên chúng ta phải dùng trí tuệ tư duy, quán sát, kiểm nghiệm trước khi tin tưởng thực hành theo những gì Ngài đã dạy, Phật Giáo là một niềm tin trí tuệ, chứ không tin tưởng một cách mù quáng, mê tín. Sở dĩ con người lúc nào cũng cảm thấy bất an, phiền muộn, khổ sở, có phải chăng từ nhiều kiếp trong quá khứ họ đã sống buông thả, đeo đuổi tội lỗi. Là người học Phật và tu tập theo chánh pháp đã hiểu rõ định luật "nhân quả", nó âm thầm chi phối đời sống chúng ta. Vì vậy, ngay tại đây và bây giờ chúng ta phải phấn đấu hết sức mình để thực hiện lý tưởng "vì lợi ích cho hết thảy hữu tình".
Nếu chúng ta muốn có một xã hội an bình, hòa hợp, hạnh phúc, muốn được trường thọ, muốn có đời sống thuận tiện, có một mái ấm gia đình, muốn được trí tuệ... thì nhất định chúng ta phải vâng giữ và thực hành những lời của Bậc Ðạo sư dạy : "từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ dùng chất say, nghiện ngậpẨ"
Thử kiểm nghiệm lại lý do tại sao những người tù tội bị mất hết quyền tự do, phải chịu nhốt phạt trong lao ngục, đau khổ vô cùng, cũng chính là vì họ đã xâm phạm và sát hại đến người khác, hoặc trộm cắp, cướp giật, quấy phá đến hạnh phúc của người khác, làm suy tổn đạo đức xã hội, lường gạt dối trá kẻ khácẨ. Tất cả những nguyên nhân gây tù tội, khổ đau này đều do họ không vâng giữ được những giới điều mà Ðức Phật đã dạy. Chắc chắn rằng xã hội của chúng ta sẽ không bao giờ khoan hồng tha thứ cho những người xem thường vi phạm ngũ giới và xúc phạm đến quyền sống của kẻ khác. Do đó một người Phật tử hiểu và thực hành theo pháp Phật, điều tiên quyết là chúng ta phải hằng xa lìa những điều ác một cách nghiêm túc và "vâng làm các điều lành". Nghĩa là phải tinh tấn không cho điều ác sắp khởi ra được - tinh tấn dứt sự ác đã có trong tâm, tinh tấn làm những hạnh lành mà mình chưa làm. Tinh tấn làm những hạnh lành mà mình sẵn có cho được tăng trưởng thêm lên. Ðó là những qui tắc đạo đức có lợi cho mình và người, được an vui đời này và đời sau. Những việc làm như bố thí, phóng sanh, tham gia vào các hoạt động từ thiện cứu trợ nạn nhân, sau khi làm chúng ta cảm thấy an vui, hoan hỷ trong lòng đó là quả báo ngay hiện đời được an vui hạnh phúc rồi còn nói gì đến đời sau. Do vậy nếu người nào, thực hành "từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời thô ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, không tham, không sân, tâm chánh kiến. Thành tựu mười pháp này, này các Tỳ kheo, như vậy tương xứng được sanh lên thiên giới", còn nếu ai "sát sanh, lấy của không cho... sân tâm, tà kiến. Thành tựu mười pháp này, này các Tỳ kheo, như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục"(Tăng chi Bộ IV - tr 634).
Sống trên cuộc đời này, nếu chúng ta không thực hành những hạnh lành, không làm lợi ích cho bất cứ ai, quả thật là một điều thiếu sót lầm lạc, sự hiện hữu của chúng ta trên cõi đời trở nên vô nghĩa. Khoảng cách giữa người ác và người thiện xa vời vợi như lời Ðức Phật dạy : "Này các Tỳ kheo, có bốn sự việc này, rất xa, rất xa với nhau. Thế nào là bốn ? Trời và đất, này các Tỳ kheo, là sự việc thứ nhất rất xa, rất xa với nhau. Bờ biển bên này, này các Tỳ kheo với bờ biển bên kia, là sự việc thứ hai rất xa, rất xa với nhau. Từ chỗ mặt trời mọc, này các Tỳ kheo đến chỗ mặt trời lặn xuống, là sự việc thứ ba rất xa, rất xa với nhau. Pháp của hạng người bất thiện, này các Tỳ kheo, với pháp của hạng người thiện, là sự việc thứ tư, rất xa, rất xa với nhau". (Tăng Chi Bộ I - Rất xa xăm - tr 647)
Ðối với Phật giáo, đoạn trừ tất cả việc ác, thực hành các điều lành, vẫn chưa phải là toàn diện, điều quan trọng và phải thiết yếu hơn hết đó là phải "giữ tâm ý trong sạch". Chúng ta luôn luôn cảm thấy bất an và lo lắng, điều đáng lo ngại nhất là không biết cách để ổn định và hàng phục vọng tâm của chính mình, thiền định cũng là một trong những phương pháp rất hữu hiệu để giảm bớt sự căng thẳng và thanh lọc tâm. Trong khi tu tập, hành giả muốn gạn lọc thân tâm trở nên trong sạch, trước hết hành giả cần phải đoạn trừ năm triền cái: Trạo hối (trạo cử và hối quá), hôn trầm, dục, sân và nghi được xem là năm pháp bất thiện, được thay thế bằng năm thiền chi : tầm, tứ, hỷ lạc và nhất tâm. Mục đích học Phật và tu tập theo chánh pháp muốn hướng đến đời sống cao thượng, chứng ngộ Niết Bàn, có đời sống an lạc giải thoát ngay trong hiện tại thì hành giả phải đoạn trừ năm hạ phần kiết sử : Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục và sân, tiếp tục đoạn trừ năm thượng phần kiết sử : sắc ái, vô sắc ái, mạn, trạo cử và vô minh thì chứng quả A La Hán giải thoát hoàn toàn sanh tử khổ đau.
Những triền cái, kiết sử được xem là những pháp bất thiện, muốn thanh tịnh thân tâm thì những bất thiện pháp này phải đoạn trừ để thành tựu những thiện pháp. Chúng ta cần nhận định rõ những hình thức khổ hạnh, ép xác của ngoại đạo chỉ luống công vô ích và là hành động sai lầm không thể đoạn trừ những phiền não lậu hoặc được. Cuộc đối thoại giữa Ðức Thế Tôn và gia chủ Potaliya (Trung Bộ II) sẽ hiển bày được điều này. Khi Potaliya đến thăm hỏi Ðức Thế Tôn, đối với cái nhìn của Ðức Thế Tôn ông chỉ là một gia chủ (Gahapati) chứ không phải là người xuất gia thực sự. Khi nghe gọi mình bằng gia chủ ông ta phẫn nộ, không hoan hỷ và đứng im. Ông phân trần rằng : Tất cả nghiệp vụ đã được tôi từ bỏ, tài sản, ngũ cốc, hay vàng bạc, tất cả đều giao cho các con tôi thừa hưởng, tôi không can gián, tôi sống tối thiểu đồ ăn, đồ mặc. Cớ sao lại gọi tôi là gia chủ (tức là người tại gia cư sĩ). Ðức Phật đáp rằng : sự đoạn tận các tục sự của ông khác với sự đoạn tận các tục sự trong giới luật Bậc Thánh. Khi nghe được điều này, ông mới thức tỉnh, hết lòng ân cần cầu thỉnh Ðức Thế Tôn giải đáp mối nghi cho ông. Ðức Phật dạy rằng ý cứ vào tám pháp này đưa đến sự đoạn tận các tục sự trong giới luật Bậc Thánh đó là : "Y cứ không sát sanh, sát sanh cần phải từ bỏ. Y cứ không lấy của không cho, lấy của không cho cần phải từ bỏ. Y cứ lời chân thật, nói láo cần phải từ bỏ. Y cứ không nói hai lưỡi, nói hai lưỡi cần phải từ bỏ. Y cứ không tham dục, tham dục cần phải từ bỏ. Y cứ không hủy báng sân hận, hủy báng sân hận cần phải từ bỏ. Y cứ không phẫn não, phẫn não cần phải từ bỏ. Y cứ không quá mạn, quá mạn cần phải từ bỏ". Khi gia chủ Potaliya nghe lời dạy này ông thấy rằng từ trươc đến giờ ông chỉ chú trọng hình thức bên ngoài, chưa bao giờ được nghe ai chỉ dạy và thực hành theo những pháp này. Cuối cùng ông xin quy y Phật, Pháp, Tăng cho đến mạng chung, trọn đời quy ngưỡng.
Thật vậy, tu tập không phải ở bề ngoài, tu không phải hình thức này, hình thức nọ mà điều cốt yếu phải quay trở về soi rọi lại chính mình, xem coi những hành vi tạo tác của mình như thế nào? Những hành động đó có thiện hay ác nơi thân, khẩu, ý đây mới là điều căn bản nhất. Vì thế mục đích của việc tu và học Phật pháp là làm giàu cho đức hạnh, từ bi và trí tuệ. Mặc dù chúng ta không thể nào biết được và theo dõi tâm của người khác nhưng có thể dễ dàng nhận biết những gì đang hiện hữu trong tâm mình, do đó phải luôn nhìn thấy biết được mình để gạn lọc tham lam, sân si đoạn trừ tất cả pháp bất thiện. Quả thật, Ðức Phật không những chỉ dạy cho chúng ta trở thành một con người mô phạm, đạo đức mà còn hướng dẫn con người tự mình giải thoát phiền não khổ đau.
Những ai đã phát nguyện quy y Tam Bảo và thọ trì những giới điều mà bậc Ðạo sử đã dạy, hãy nghiêm túc thực hành cho trọn vẹn, hầu đem lại an lạc hạnh phúc cho mình và mọi người. Tất cả những phiền muộn, khổ đau đều do chính tự thân chúng ta gây tạo nên chứ không do một đấng thần linh khắt khe nào an bài sắp đặt. Chính chúng ta là chủ nhân ông chứ không ai khác :
"Tự mình điều ác làm.
Tự mình làm ô nhiễm.
Tự mình ác không làm.
Tự mình làm thanh tịnh.
Tịnh, không tịnh tự mình.
Không ai thanh tịnh ai".
(Dhp 165)
Hãy tinh tấn thực hành lời Phật dạy để hướng đến một đời sống thanh cao, thánh thiện hơn.
Cầu nguyện tất cả chúng sanh được an vui, cầu nguyện mọi người đều học hiểu, tin tưởng, thọ trì theo chánh pháp của Ðấng Ðại Giác, vĩnh ly tham sân, si, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-Bàn.
(Trích Nội San Vô Ưu)
Tỳ kheo Giác Ðiều