Bất cứ chúng sanh nào, dù là bậc cao hay thấp, thì đời sống và thọ mạng của họ cũng có hạn lượng. Có sanh thì ắt phải chết, có chết thì mới tái sanh để tạo ra vòng xoáy luân hồi vô cùng vô tận. Điều đáng nói là sau khi chết thì chúng ta đi về đâu? Được sanh lên trời hưởng phước hay sanh xuống ác đạo chịu khổ? Và ai hay cái gì có quyền quyết định xu hướng tái sanh ấy?
Thế Tôn dạy chính nghiệp do mình tạo ra trong hiện đời (và đời trước) sẽ quyết định xu hướng tái sanh. Thế nên, sống trong đời, người có chánh kiến thì không lo lắng về cái chết mà suy tư sau khi mình chết sẽ sinh về đâu để chuyển hóa nghiệp lực theo hướng thiện lành. Một trong những biểu hiện của việc chuyển nghiệp là phát tâm hướng thiện quy y Tam bảo.
“Một thời Phật ở thành La-duyệt, tại vườn trúc Ca-lan-đà cùng với chúng đại Tỳ-kheo năm trăm người.
- Bấy giờ cõi trời Ba mươi ba có một Thiên tử, thân hình có năm điềm chết hiện. Thế nào là năm? Hoa trên mũ áo tự héo, y phục dơ bẩn, dưới nách đổ mồ hôi, chẳng thích địa vị của mình, ngọc nữ xa lìa.
Lúc ấy, Thiên tử kia buồn lo khổ não, đấm ngực than thở. Thích-đề-hoàn-nhân nghe Thiên tử này sầu lo khổ não, đấm ngực than thở, liền bảo một Thiên tử:
- Ðây là âm thanh gì mà thấu đến đây?
Thiên tử ấy đáp:
- Thiên vương nên biết! Có một Thiên tử mạng sắp muốn đứt, có năm điềm báo tử: hoa trên mũ héo, y phục dơ bẩn, dưới nách đổ mồ hôi, chẳng thích địa vị của mình, ngọc nữ xa lìa.
Bấy giờ Thích-đề-hoàn-nhân đến chỗ vị Thiên tử sắp chết bảo Thiên tử ấy rằng:
- Nay ông cớ sao buồn lo khổ não đến thế?
Thiên tử đáp:
- Tôn giả Nhân-đề! Không lo buồn khổ sao được? Mạng tôi sắp hết, có năm điềm báo tử: hoa trên mũ héo, áo quần dơ bẩn, dưới nách đổ mồ hôi, chẳng ưa chỗ mình, ngọc nữ xa lánh. Nay cung điện bảy báu này chắc sẽ mất hết và năm trăm ngọc nữ cũng sẽ tiêu tan. Nay tôi ăn cam-lồ chẳng còn mùi vị gì.
Bấy giờ, Thích-đề-hoàn-nhân bảo Thiên tử ấy:
- Ông há chẳng nghe Như Lai nói kệ sao?
Tất cả hành vô thường,
Ðã sanh ắt có chết,
Chẳng sanh thì không chết,
Ðây diệt là tối lạc.
Nay ông vì sao buồn lo đến thế? Tất cả hành là vật vô thường, muốn cho thường còn, việc này chẳng đúng.
Thiên tử đáp:
- Thế nào Thiên đế? Làm sao tôi không buồn lo được? Nay tôi thân trời thanh tịnh không tì vết, ánh sáng như mặt trời, mặt trăng, chiếu khắp mọi nơi. Bỏ thân này rồi, tôi sẽ sanh vào bụng heo tại thành La-phiệt, sống thường ăn phẩn, chết bị dao mổ xẻ.
Bấy giờ Thích-đề-hoàn-nhân bảo Thiên tử ấy:
- Nay ông nên quy y Phật, Pháp, Tăng. Có thể ngay lúc ấy không đọa ba đường ác.
Thiên tử đáp:
- Há vì quy y Tam bảo mà khỏi đọa ba đường ác sao?
Thích-đề-hoàn-nhân nói:
- Ðúng vậy, Thiên tử! Người nào quy y Tam tôn, trọn chẳng đọa ba đường ác, Như Lai cũng nói kệ:
Những người quy y Phật,
Chẳng đọa ba đường ác,
Hết các lậu trời người,
Liền sẽ đến Niết-bàn.
......
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm Thiện tụ [trích], VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.220)
Quy y Tam bảo “trọn chẳng đọa ba đường ác” là một sự thật. Không phải Tam bảo có quyền năng ban cho chúng ta hạnh phúc mà chính việc tự thức tỉnh, bỏ tà quy chánh, nguyện hướng đến sự trọn lành, chân thiện của Phật-Pháp-Tăng đã cứu vớt chúng ta khỏi ba đường ác. Đây chính là công đức của việc quy y.
Thế nên, ai chưa quy y thì hãy quy y Tam bảo để được nương tựa và dẫn dắt đời mình theo con đường sáng. Ai đã quy y rồi thì tiếp tục tin sâu và nương tựa Tam bảo nhiều hơn nữa nhằm tự hoàn thiện mình. Phật dạy: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Đi trong ánh hào quang của Tam bảo thì chắc chắn sẽ đến chỗ bình an, hạnh phúc.