Phát triển tâm định (Jhanas) được Đức Phật vô cùng khích lệ. Bởi vì tâm định là nền tảng của con mắt tuệ (Chánh kiến), con mắt nhìn thấy sự thật vô thường, vô ngã, giúp con người giải thoát sầu, bi, khổ, ưu, não ngay trong kiếp sống. Kinh Định (Samadhi Sutta)[1] đã ghi lại lời khuyến khích của Phật: “Này các Tỳ-kheo, hãy tu tập định. Sau khi đắc định, vị Tỳ-kheo sẽ tuệ tri các pháp như chúng thực sự là”.
Thêm nữa, tâm định còn là bí ẩn của khả năng kỳ diệu tinh thần. Tâm định đưa đến một nội tĩnh cực kỳ sung mãn, khinh an và hỷ lạc ngay trong hiện tại (hiện tại lạc trú). Tuỳ vào mức độ tâm định[2] , con người có thể thể nhập những thế giới nội tĩnh sâu xa khác nhau của tâm thức và triển khai các sức mạnh siêu thế (thần thông). Trường hợp muốn tái sinh trong một cảnh giới đặc biệt (sanh hữu đặc biệt) chỉ cần duy trì tâm định (có chủ ý) trong giây phút cận tử. Tâm định còn có thể giúp hành giả đi vào trạng thái tinh thần không tâm tư và không cảm xúc (diệt thọ tưởng định) theo ý muốn. Dòng chảy của tâm tư và cảm xúc sẽ đứng lại hoàn toàn. Lịch sử nghi chép chính Đức Phật đã nhập vào diệt thọ tưởng định trước khi Ngài xả bỏ xác thân, kết thúc sự sống trong thân xác một con người.
a. Phát triển tâm định bằng niệm hơi thở như Đức Phật chia sẻ
Vì sự quan trọng của tâm định và yếu tố dễ thực hành tâm định bằng cách niệm hơi thở, Đức Phật đặc biệt chia sẻ rất nhiều về phát triển tâm định bằng niệm hơi thở (Anapanasati). Trong các bài hướng dẫn cốt lõi về thiền còn lưu lại trong kinh tạng Nikaya (Kinh Niệm Xứ [3], Kinh Niệm Hơi Thở [4], Kinh Thân Hành Niệm [5] ), hầu hết đều bắt đầu bằng phát triển tâm định qua niệm hơi thở. Tiêu biểu, phù hợp với số đông và dễ thực hành và thành tựu nhất là những hướng dẫn sau đây:
“Này các Tỷ kheo, ở đây Tỷ kheo đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, ngồi kiết già, lưng thẳng và an trú chánh niệm trước mặt. (1) Tỉnh giác, vị ấy thở vô; tỉnh giác, vị ấy thở ra. (2) Thở vô dài, vị ấy biết: “Tôi thở vô dài”; hay thở ra dài, vị ấy biết: “Tôi thở ra dài”; hay thở vô ngắn, vị ấy biết: “Tôi thở vô ngắn”; hay thở ra ngắn, vị ấy biết: “Tôi thở ra ngắn”; (3) Cảm giác toàn thể hơi thở, tôi thở vô”, vị ấy tập; “Cảm giác toàn thể hơi thở, tôi thở ra”, vị ấy tập; (4) “An tịnh trọn vẹn hơi thở, tôi thở vô”, vị ấy tập; “An tịnh trọn vẹn hơi thở, tôi thở ra”, vị ấy tập”.
b. Thực hành phát triển tâm định bằng niệm hơi thở
Qua chia sẻ của Phật (ở trên), việc phát triển tâm định bằng niệm hơi thở có thể chia ra bốn bài tập: (1) Chánh niệm tỉnh giác hơi thở vô hơi thở ra; (2) Biết hơi thở vô ra dài ngắn; (3) Cảm giác toàn thể hơi thở vô ra; (4) An tịnh trọn vẹn hơi thở vô ra.
1. Chánh niệm tỉnh giác hơi thở vô ra
Chánh là đúng như vậy. Niệm là nhớ, ghi nhận. Tỉnh giác là rõ ràng, không mê mờ. Chánh niệm tỉnh giác là ghi nhận đúng như vậy, một cách rõ ràng, không mê mờ (những gì đang diễn ra). Một người muốn phát triển tâm định cần bắt đầu từ “chánh niệm tỉnh giác hơi thở vô hơi thở ra”. Nghĩa là người ấy ghi nhận đúng như vậy, một cách rõ ràng, không mê mờ hơi thở vào và hơi thở ra. Người ấy ngồi thẳng lưng trong tư thế hoa sen, chú tâm hoàn toàn vào hơi thở ra vào một cách tự nhiên trong trạng thái “xả”. Ghi nhận chính xác, rõ ràng hơi thở ra vào (có tiếp xúc với vành mũi). Hơi thở vào biết vào, hơi thở ra biết ra. Chỉ làm một việc như vậy. Tâm có dao động, rời khỏi điểm tiếp xúc của hơi thở với vành mũi, hoặc tâm lờ mờ, không biết rõ được hơi thở vào hay ra, người ấy cứ nhẹ nhàng, tỉnh táo đưa tâm trở về lại điểm tiếp xúc của hơi thở với vành mũi và biết rõ đó là hơi thở vào hay ra. Trường hợp tâm quá động, có thể kết hợp niệm “vào” khi thở vào và niệm “ra” khi thở ra để tâm tập trung mạnh và ổn định hơn. Nếu vẫn thấy tâm khó tập trung, khó an trú, tăng cường thêm sự chú tâm bằng cách kết hợp biết rõ hơi thở ra vào và đếm số. Hơi thở vào, hơi thở ra biết rõ và đếm 1. Hơi thở vào, hơi thở ra biết rõ và đếm 2. Cứ như vậy đếm đến 8 và trở lại 1. Kiên trì thực tập như thế từ 5 phút, 10 phút, rồi 15 phút cho đến 30 phút. Khi tâm ghi nhận rõ ràng hơi thở vào ra trọn vẹn trong 30 phút mà không có một cố gắng nào nữa, tức là tâm định được trên hơi thở vào ra một cách tự nhiên trong vòng 30 phút, chúng ta có thể bước qua bài tập “Biết hơi thở vô ra, dài ngắn”.
2. Biết hơi thở vô ra, dài ngắn
Khi tâm đã định được trên hơi thở vô ra một cách tự nhiên, chúng ta phát triển tâm định lên cao hơn một chút nữa bằng bài tập “Biết hơi thở vô ra, dài ngắn”. Trọng tâm ở bài tập này là ngoài ghi nhận rõ ràng hơi thở ra vô (biết hơi thở vô và hơi thở ra) như bài tập “chánh niệm tỉnh giác hơi thở vô hơi thở ra”, chúng ta chú ý đến vấn đề dài và ngắn của hơi thở. Nói cách khác là chúng ta không chỉ biết hơi thở vô ra mà còn phải biết nó vô ra như thế nào. Nó vô ra từ điểm đầu cho đến điểm cuối, chúng ta biết rõ trọn vẹn.
Chân thành và kiên trì, chúng ta thực tập bài tập này cho được trọn vẹn 45 phút. Trong 45 phút mà ta chú tâm và biết rõ được hơi thở vô ra, dài ngắn trọn vẹn và không gián đoạn là chúng ta thành công. Có thể nói niềm hạnh phúc lúc này chúng ta trải nghiệm được qua thiền tập rất lớn. Chính hạnh phúc này cho chúng ta động lực đi tiếp đến bài tập “Cảm giác toàn thể hơi thở vô ra”.
3. Cảm giác toàn thể hơi thở vô ra
Khi đã chánh niệm tỉnh giác được hơi thở vô ra dài ngắn, tâm hành giả đã có định tương đối tốt rồi. Lúc này hơi thở rất nhẹ và êm dịu. Nhiều lúc hành giả thấy như không có hơi thở. Tuy nhiên, hơi thở thực tế vẫn ở đó. Nó chỉ quá êm dịu, quá mới và đẹp, cần một tâm định sâu hơn, vi tế hơn để biết nó. Chúng ta phải tỉnh hơn, định hơn mới có thể “Cảm giác toàn thể hơi thở vô ra” được. Ở bài tập này, ta không còn lưu ý vấn đề dài ngắn của hơi thở nữa. Ta chỉ dồn hết năng lượng trong ta để cảm nhận cho được sự vi tế, êm dịu của hơi thở ra vào. Thở vẫn tự nhiên. Thở vẫn vi tế và êm dịu. Chỉ có ta phải cảm giác thật trọn vẹn cái tự nhiên, vi tế và êm dịu đó của hơi thở.
Ở giai đoạn “Cảm giác toàn thể hơi thở vô ra” này, chúng ta cũng có thể thấy và cảm bằng tâm những hiện tượng kỳ diệu của tâm định. Hiện tượng ánh sáng hay một vài hình ảnh lạ [6] mà ta chưa từng biết đến xuất hiện rất đẹp, an bình và thu hút. Chúng ta có thể ngạc nhiên, thích thú, nhưng đừng quan tâm. Cứ làm việc “Cảm giác toàn thể hơi thở vô ra” cần phải làm. Dù ánh sáng hay hình ảnh đẹp nào đó có tràn ngập thân tâm ta, ta cũng chỉ ghi nhận, không làm gì thêm hết.
Giữ được “Cảm giác toàn thể hơi thở vô ra” trong trạng thái vi tế của hơi thở và an định của tâm thức trong 60 phút là ta đã thành công. Ta có thể bước vào giai đoạn cuối cùng để chuẩn bị cho thế giới Chánh Định mà sự giới hạn của ngôn ngữ không thể nào diễn tả trọn vẹn: “An tịnh trọn vẹn hơi thở vô ra”.
4. An tịnh trọn vẹn hơi thở vô ra
“An tịnh trọn vẹn hơi thở vô ra” là bước đi cuối cùng để bước vào Chánh Định. Chúng ta không còn lưu ý hơi thở vô ra, hơi thở dài ngắn, hơi thở vi tế và dịu êm nữa. Chúng ta chỉ thở tự nhiên, biết rõ. Thở và buông xả hết tất cả. Thở và để hơi thở làm việc của nó. Tâm cũng làm việc của tâm. Ta bấy giờ như một chứng nhân độc lập. Nhìn mọi thứ trong suốt đi qua. Tâm niệm (cảm xúc hay suy nghĩ) hay thân hành (thở hay dao động) có mặt, không hưởng ứng, cũng không xa lánh. Buông xả. Tận cùng buông xả. Đơn giản chỉ hiện hữu. Tỉnh táo, sáng suốt, trọn vẹn và bất động. Mức độ buông xả càng cao, mức độ nhất tâm và sáng suốt càng lớn. Khi thân bất động, tâm buông xả, định tĩnh và sáng suốt đến một mức độ mà ý niệm, tư duy về dục ái và bất thiện vắng mặt, một trạng thái thoả mãn và an ổn trong tâm và trên thân tự nhiên có mặt nhiều giờ không gián đoạn. Chúng ta bắt đầu bước vào Thiền thứ nhất (Sơ thiền), cấp độ đầu tiên của Chánh Định. Phát Triển Tâm Định Bằng Niệm Hơi Thở (Định Niệm Hơi Thở) đến đây có thể nói là viên mãn. Các cấp độ còn lại (cho đến Tứ Thiền) chỉ còn là vấn đề thời gian, nếu thành tựu được cấp độ đầu tiên này.
Đức Phật nói không đoạn tận tham dục, sân hận, hôn trầm thuỵ miên, trạo hối, nghi (năm triền cái) và không thấy như thật với chánh trí tuệ sự nguy hại trong các dục, một Tỳ-kheo không thể an trú được Sơ thiền [7]. Đức Phật cũng cho biết một Tỳ-kheo nếu không kham nhẫn được các sắc, thanh, hương, vị và xúc thì không thể nào đạt đến và an trú được chánh định [8].
Vì thế, để đạt đến và an trú được Chánh Định, một người thiền tập chân thật rất cần lưu ý đoạn tận năm triền cái, nuôi dưỡng tâm kham nhẫn và thấy nguy hại trong các dục. Một khi tâm đã viễn ly, ly tham, buông xả, ly bất thiện, các ý niệm và tư duy thuộc thế tục sẽ vắng mặt, tâm sẽ an trú, an toạ, định tĩnh và chuyên nhất, người thiền tập bắt đầu bước vào Chánh Định rất tự nhiên.
NHUẬN ĐẠT
[1] S.III.13 (Tương ưng bộ kinh III).
[2] Có bốn mức độ Định theo chia sẻ của đức Phật: Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền và Tứ Thiền
[3] Satipatthàna sutta, 10, Trung Bộ Kinh.
[4] Ànàpànasati, 118, Trung Bộ Kinh.
[5] Kàyagatàsati sutta, 119, Trung Bộ Kinh.
[6] Định tướng (Nimita).
[7] Tăng Chi Bộ III, Thiền, 238.
[8] Tăng Chi Bộ II, Thiền Định, 531.