Thiền tông, sức mạnh có từ công phu khổ hạnh tu tập và thiền định, có những khác biệt rất cơ bản so với những sức mạnh võ thuật khác theo nhận thức ấu trĩ của tôi, và rất dễ ngộ nhận nếu không tìm hiểu và trãi nghiệm.
Công phu nghiêm cẩn tuân theo giới luật rất chặt chẽ đến nghiệt ngã của lý luận nhà Phật-như đã từng nói-con người sẽ có cơ hội sở đắc một sức mạnh rất đáng kể khác xa với mọi loại sức mạnh khác do nó ẩn tàng, chìm khuất không dễ nhận biết dưới mắt người ngoài cuộc có cái nhìn sơ xài. Chế độ ăn uống thuần thực vật-theo quan niệm đông y cổ truyền-sẽ thanh lọc cơ thể và nhất là “thanh lọc” nội tâm do không còn vướng bận nghiệp sát sinh. Nội tâm luôn được giữ gìn cẩn thận trước mọi ý tưởng tiêu cực sẽ giúp ta có tâm hồn sáng trong toát cả ra ngoài từ giọng nói, bước đi, xử thế hàng ngày và điều này chẳng huyền hoặc gì, dễ hiểu. Công phu đến chừng mực nhất định sẽ trãi nghiệm được sức mạnh đặc biệt của cơ thể con người: nhãn lực, thính lực đều khác người bình thường về sự tinh nhạy, và cũng bình thường xét dưới góc nhìn khoa học. Đại loại như thế, cơ thể ta như được kích hoạt, được giải phóng, chẳng những thế, tư tưởng cũng được giải phóng, tất cả hợp thành một sức mạnh chìm khuất. Đấy là nói đến vấn đề rất đời thường, không đụng đến tâm linh, tôn giáo. Nhiều năm nhiều tháng nhiều ngày thiền định trong thanh vắng, thanh tịnh, tự nhìn lại nội tâm, tự răn dạy chính mình về nhân sinh quan và thế giới quan ta có cơ hội nhìn thấy sức mạnh tinh thần mà báy lâu cuộc sống bon chen chao đảo khiến sức mạnh ấy tản mác. Tư thế thiền định và sự công quả, cần lao (lao động) hợp lẽ, đúng cách sẽ giúp phát huy sức mạnh cơ thể, hệ thống các cơ quan vận hành mạch lạc, và điều này cũng khoa học nốt. Tất cả sẽ hợp thành sức mạnh thấy được cả bên ngoài qua oai nghi, tự tin, quyết đoán. Đời sống thanh sạch, nội tâm trong sáng khiến ta không dao động trước mọi đòn khủng bố tinh thần hay sự ồn ả của cuộc sống do ta làm gì có tịch mà nhúc nhích? Tinh tế đấy. Tai nghe rất rõ, rất xa, mắt nhìn thấu suốt, nhãn lực tăng lên, tư duy nhanh...Bao nhiều năm công quả, cần lao có ý thức cho dù là việc giản đơn như quét sân hay gánh nước, hoặc việc đồng áng, thậm chí là viết lách...đã giúp ta có thân thể tráng kiện, linh hoạt, phản ứng mãnh liệt mỗi khi gặp “sự cố” trong đời sống. Công quả, cần lao để có công phu nói đến ở đây khác với lao động bình thường cũng giống như sự so sánh chuyện lao động và thể dục vậy. Công phu là những vận động có tính toán, phương pháp cho dù nhìn ngoài cũng chỉ là gánh nước, quét nhà như mọi người, nhưng chúng tuân theo thời khóa chặt chẽ, cường độ đặc biệt. Quá trình như thế, như thế dài lâu, nghiêm túc, luyện cả tinh thần và thể chất mà không có sức mạnh mới là chuyện lạ, một thứ sức mạnh tuần khiết chỉ và chỉ sử dụng cho mục đích chính đáng. Ngược lại, nếu anh công phu bao nhiêu năm, cả đời mà không theo giới luật, phương pháp chặt chẽ thì cũng là một con số 0: cơ thể có thể gân guốc chém đinh chặt sắt nhưng để làm chuyện ác, oai nghi anh không có, thân tâm dao động, ánh mắt láo liên, tinh thần trụy lạc...đấy không phải là thiền tông, tuyệt đối không được ngộ nhận và đấy là khía cạnh “có tu mới học được”, tu nói đến ở đây không chỉ là tu ở chùa chiền.
Công phu hành thiền bao nhiêu, nếu anh phá giới, tâm-tư tưởng-bấn loạn, hung ác thì đồng nghĩa tự phế bỏ “võ công” vì sức mạnh thiền tông NƯƠNG theo giới luật nhà Phật mà có, hai trong một, không thêm không bớt, sâu sắc như thế đấy. Một lần anh sử dụng sức mạnh làm chuyện xấu chuyện ác thì oai nghi anh vơi đi, phẩm hạnh anh bớt đi, sức mạnh cũng thế, thật nghiệt ngã.
Cho nên sức mạnh thiền tông là như thế, như thế, không thể ngộ nhận cho dù người ngoài rất dễ ngộ nhận nếu đánh đồng thiền tông với các loại sức mạnh khác.