Thiền học
Những ước nguyện của Đức Phật
trungtamhotong.org
11/04/2017 15:00 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Những ước nguyện của Đức Phật cho các hàng đệ tử và giáo pháp của Ngài (tiếp theo) (Bài giảng nhân ngày lễ Vesākha)  


 Thiền Chỉ Và Thiền quán  

Trong Kinh Pháp Cú, đức Phật dạy: 
 
"Yo ca vassasata jīve, dussilo asamāhito,
 Ekāha
jīvita seyyo, sīlavantassa jhāyino." 
 
(Dầu sống cả trăm năm
 Không giới, không thiền định,
 Cuộc đời người như vậy
 Không có gì đáng khen.
 Tốt hơn sống chỉ một ngày
 Mà biết hành giới, tu thiền định tâm.) 
 
Vì sao? Vì tâm khi được tu tập sung mãn qua thiền định có thể phát sinh trí tuệ thâm sâu, tức có thể thấy Niết-bàn, chấm dứt vòng sanh tử luân hồi, hủy diệt mọi phiền não và khổ đau. 
 
Vì thế chúng ta phải hành thiền chỉ và thiền quán dựa trên giới. Khi chúng ta hành Chỉ-Quán, chúng ta phải hành Tứ Niệm Xứ (Cattaro satipaṭṭhāna): 
 
- Niệm thân (Kāyānupassanā satipaṭṭhāna)
- Niệm thọ (Vedanānupassanā satipaṭṭhāna)
- Niệm tâm (Cittānupassanā satipaṭṭhāna)
- Niệm pháp (Dhammānupassanā satipaṭṭhāna
 
Cái gì là "thân" (kāya)? Trong thiền minh sát có hai loại thân: sắc thân (rūpakāya) và danh thân (nāmakāya). Sắc thân là một tổng hợp hai mươi tám loại sắc. Danh thân là một nhóm các tâm và tâm sở của chúng. Nói cách khác, hai thân ở đây là năm uẩn (khandha) - sắc, thọ, tưởng, hành và thức. 
 
Nhưng những đối tượng của thiền chỉ (samatha) như là hơi thở, ba mươi hai thể trược (asubha) và tứ đại cũng được gọi là thân. Vì sao? Chúng cũng là nguyên khối sắc. Chẳng hạn, hơi thở là một nhóm các tổng hợp sắc do tâm tạo. Nếu chúng ta phân tích các tổng hợp sắc ấy, chúng ta sẽ thấy có chín loại sắc trong mỗi tổng hợp: đất, nước, lửa, gió, màu, mùi, vị, dưỡng chất và (âm) thanh (sắc cảnh thinh). Bộ xương cũng là nguyên khối của các tổng hợp sắc. Nếu là một cơ thể sống thì có tổng cộng năm loại tổng hợp sắc. Nếu phân tích các tổng hợp sắc ấy, chúng ta thấy có bốn mươi bốn loại sắc. 
 
Trong phần niệm thân, đức Phật dạy hai loại thiền: chỉ và quán. Trong mục quán thân, Ngài gồm luôn niệm hơi thở (ānāpānasati) và ba mươi hai thể trược v.v... Vì thế, nếu hành giả đang hành niệm hơi thở, hành giả cũng đang hành quán thân. Tất cả những pháp thiền chỉ ấy đều đi vào phần quán thân. Sau khi hành giả đã thành công trong việc hành thiền chỉ, hành giả chuyển sang thiền minh sát và thấy hai mươi tám loại sắc. Như thế cũng là đang hành quán thân. Vào lúc hành phân biệt danh (nāmakammaṭṭhāna), khi hành giả phân biệt các cảm thọ, thì đó là quán thọ; khi phân biệt tâm, là quán tâm; khi phân biệt xúc, là quán pháp. Nhưng chỉ phân biệt thọ, tâm và xúc thôi thì chưa đủ để đắc các tuệ minh sát. Vì thế, chúng ta phải phân biệt các tâm sở còn lại. Sau khi đã phân biệt xong danh và sắc, chúng ta còn phải phân biệt các nhân của chúng trong quá khứ, hiện tại và vị lai. Đây là tuệ phân biệt Nhân Duyên (paccaya pariggaha ñāa). Sau tuệ phân biệt Nhân Duyên, tức là khi hành giả đã đạt đến giai đoạn minh sát (vipassanā), hành giả có thể nhấn mạnh vào sắc, hoặc thọ, tâm hay xúc. "Nhấn mạnh" ở đây không có nghĩa là hành giả chỉ phân biệt duy nhất một trạng thái. Hành giả có thể nhấn mạnh sắc nhưng cũng không bỏ quên danh. Tức là, hành giả cũng phải phân biệt thọ, tâm và pháp nữa.
 
Hành giả có thể nhấn mạnh các cảm thọ. Nhưng các cảm thọ thôi chưa đủ. Hành giả còn phải phân biệt các tâm hành đồng sanh với chúng, các căn của chúng và các đối tượng của chúng. Năm căn và các đối tượng của chúng là sắc. Đối với các tâm và pháp cũng như vậy. 
 
Vì thế ở đây, vipassanā là quán tính vô thường, khổ và vô ngã của danh - sắc và các nhân của chúng. Các pháp ấy diệt ngay khi chúng vừa sanh lên, đó là vô thường. Chúng bị đàn áp với bởi sự sanh diệt liên tục, đó là khổ. Trong các pháp ấy không có tự ngã, không có gì bền vững, thường hằng và bất tử, đó là vô ngã. Sự phân biệt tính vô thường, khổ và vô ngã của danh - sắc và các nhân, các quả của chúng được gọi là thiền minh sát. Khi một hành giả hành thiền chỉ và quán, có thể nói là hành giả ấy đang hành Tứ Niệm Xứ. 
 
Khi hành giả hành Tứ Niệm Xứ, hành giả phải đề khởi đủ Tứ Chánh Cần. Đó là: 
 
- Tinh tấn ngăn không cho những bất thiện pháp khởi sanh
- Tinh tấn trừ diệt các bất thiện pháp đã sanh
- Tinh tấn phát khởi những thiện pháp chưa sanh (định thiện pháp, minh sát thiện pháp, Thánh đạo thiện pháp v.v...)
- Tinh tấn tu tập các thiện pháp cho đến A-la-hán Thánh quả. 
 
Hành giả phải hành như thế nào? Hành giả phải hành theo Tứ Niệm Xứ . Khi hành cần phải đề khởi đủ bốn loại tinh tấn vừa đề cập, "dù cho thịt và máu ta có khô cạn chỉ còn lại xương và gân, ta cũng không từ bỏ thiền này." 
 
Khi hành, hành giả phải có Tứ Thần Túc: 
 
- Dục (chanda): lòng mong mỏi kiên trì và mãnh liệt muốn đạt đến Niết-bàn.
- Cần (vīriya): tinh tấn kiên trì và mãnh liệt để đạt đến Niết-bàn.
- Tâm (citta): tâm kiên trì và mãnh liệt để đạt đến Niết-bàn.
- Thẩm (vimasa): minh sát tuệ kiên trì và mãnh liệt để đạt đến Niết-bàn. 
 
Nếu có lòng mong mỏi mạnh mẽ như vậy, chúng ta sẽ đạt đến mục đích. Không có điều gì không thể thành tựu nếu có đủ hoài bão. Với tinh tấn, tâm và thẩm, không có gì không thể thành tựu. 
 
Khi hành chỉ và quán dựa trên giới, chúng ta cũng phải có ngũ căn. Đó là: 
 
- Tín (saddha): niềm tin kiên cố nơi đức Phật và những lời dạy của Ngài.
- Tấn (vīriya): vận dụng tinh tấn đủ mạnh.
- Niệm (sati): phải có niệm đủ mạnh trên đối tượng thiền. Nếu là thiền chỉ, nó phải là một đối tượng như tướng hơi thở (ānāpāna nimitta) hoặc tướng kasiṇa (kasia nimitta).
 
Nếu là minh sát (quán), nó phải là danh, sắc và các nhân của chúng. 

- Định (samādhi): phải có định đủ mạnh trên các đối tượng chỉ và minh sát.
- Tuệ (paññāa): phải có sự hiểu biết đầy đủ về các đối tượng thiền chỉ và thiền minh sát. 
 
Năm căn tinh thần này sẽ kiểm soát tâm của hành giả, nhờ vậy nó không đi chệch ra khỏi con đường Bát Chánh, đưa đến Niết-bàn. Nếu hành giả không có một trong những căn này, hành giả không thể đạt đến mục tiêu của mình được. Hành giả không thể kiểm soát được tâm của mình. Năm căn này có sức mạnh kiểm soát được tâm hành giả, nhờ vậy nó không rời khỏi đối tượng thiền của hành giả. Sức mạnh này cũng được gọi là ý lực (bala). Trên ý nghĩa của ý lực, năm căn tinh thần được gọi là ngũ lực (pañcabalāni). 
 
Ngoài Tứ Niệm Xứ ra, Thất Giác Chi (satta bojjhaga) cũng rất quan trọng. Đó là: 
 
- Niệm (sati)
- Trạch pháp (dhammavicaya). Đây là minh sát tuệ.
- Tinh tấn (vīriya)
- Hỷ (pīti)
- An tịnh (passadhi)
- Định (samādhi)
- Xả (upekkhā
 
Cuối cùng, có Bát Chánh Đạo (Ariyo aṭṭhangiko maggo): 
 
- Chánh Kiến (sammā diṭṭhi)
- Chánh Tư Duy (sammā sankappa)
- Chánh Ngữ (sammā vācā)
- Chánh Nghiệp (sammā kammanta)
- Chánh Mạng (sammā ājīva)
- Chánh Tinh Tấn (sammā vāyāma)
- Chánh Niệm (sammā sati)
- Chánh Định (sammā samādhi). 
 
Nói cách khác, đó là Giới, Định và Tuệ - Tam Học. Chúng ta phải hành Tam Học này một cách hệ thống.
  
Tất cả có 37 Pháp Trợ Giác Ngộ. Ước nguyện của đức Phật là các đệ tử của Ngài phải nắm vững 37 Pháp này và thực hành các pháp ấy cho đến quả vị A-la-hán. Nếu làm được điều đó, chúng ta có thể truyền trao cho các thế hệ tương lai di sản này. Như vậy, chúng ta và các thế hệ tương lai sẽ nhận được những lợi ích trong đời này cho đến khi chứng đắc Niết-bàn. 
 
Những Lời Khuyên Của Đức Phật Cho Tăng Chúng.
  
Trong Kinh Đại Niết-bàn, đức Phật nói thêm: 
 
"Handa dāni bhikkhave āmantayāmi vo,
vayadhammā sankhārā appamādena sampādetha
."
  
(Này các tỳ khưu, tất cả hành (pháp hữu vi) phải chịu sự tan hoại,
Do đó hãy phấn đấu chớ nên dễ duôi.)
  
Tất cả danh - sắc và các nhân của chúng được gọi chung là các hành (sankhāra) vì chúng được tạo ra bởi các nhân tương ứng của chúng. Các hành luôn luôn vô thường. 
 
Hành giả không nên quên về tính vô thường này. Chính do quên tính vô thường (của các pháp) mà quý vị khao khát cho bản thân mình, cho con cái, cho gia đình, v.v... Nếu biết được mọi vật đều mang tính vô thường thì trong suốt cuộc đời, chúng ta sẽ cố gắng thoát khỏi nó. Vì thế, quý vị không nên quên lời khích lệ của đức Phật: "Tất cả các hành phải tan hoại, do đó, hãy phấn đấu chớ nên dễ duôi!" 
 
Đức Phật dạy tiếp: 
 
"Na cira Tathāgatassa Parinibbāna bhavissati.
Ito tinna
māsāna accayena Tathāgato parinibbāyissati".
  
(Giờ diệt độ của Như Lai sắp đến,
Ba tháng nữa, kể từ hôm nay, Như Lai sẽ nhập Đại Niết-bàn.) 
 
Điều đó có nghĩa là Ngài sẽ diệt độ hoàn toàn. Quả thực là đau buồn khi nghe những lời đó. Đức Phật cũng nói: 
 
"Paripakko vayo mayha, paritta mama jīvita.

(Tuổi ta giờ đã quá già, thọ mạng chỉ còn ngắn ngủi.) 
 
Rồi Ngài đã mô tả tuổi già của Ngài cho Tôn giả Ānanda: 
 
"Này Ānanda, Ta nay đã già yếu, đã vượt qua năm tháng,
Năm nay ta đã tám mươi, đã trải qua cuộc đời. 
 
Như một chiếc xe cũ kỹ, này Ānanda, được ràng giữ lại với nhau với nhiều khó khăn, thân của Như Lai cũng vậy, chỉ khi được hỗ trợ mới tiếp tục tồn tại. 
 
Đó là, này Ānanda, chỉ khi Như Lai không tác ý đến các đối tượng bên ngoài, với sự diệt trừ một cảm thọ, chứng và trú Vô Tướng Tâm Định, thân ta mới được thoải mái." 
 
"Pahāya vo gamissāmi, kata me saraamattano.

(Từ biệt các người ta ra đi, chỉ nương tựa vào chính mình mà thôi.) 
 
Điều đó có nghĩa Ngài sẽ nhập Đại Niết-bàn và rời bỏ tất cả. Ngài đã tạo dựng nơi nương tựa cho chính Ngài bằng quả vị A-la-hán. 
 
"Do vậy, này Ānanda, hãy là hòn đảo cho chính mình, hãy nương tựa vào chính mình, đừng tìm sự nương tựa ở bên ngoài; hãy lấy Pháp làm hòn đảo, lấy Pháp làm nơi nương tựa, chớ tìm sự nương tựa nào khác.  
 
Và này Ānanda, một vị tỳ khưu là hòn đảo cho chính mình, là nơi nương tựa cho chính mình, không tìm nơi nương tựa bên ngoài, lấy Pháp làm hòn đảo, lấy Pháp làm nơi nương tựa, không tìm sự nương tựa nào khác, là thế nào?"  
 
Câu trả lời của đức Phật như sau: 
 
"Appamattā satimanto susīlā hotha bhikkhavo
Susamāhitasankappā sacittamanurakkhatha
." 
 
(Như vậy, này chư tỳ khưu, hãy chuyên cần chánh niệm và giới hạnh trong sạch.
Với quyết tâm vững chắc, canh giữ tâm của các người.) 
 
"Susīlā hotha bhikkhavo", có nghĩa, "Này các tỳ khưu, các người phải cố gắng thanh tịnh giới hạnh của mình. Các người phải cố gắng là những vị tỳ khưu có giới hạnh hoàn toàn trong sạch." Điều này muốn nói chúng ta phải trau dồi giới học, đó là, chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng. 
 
"Susamāhita" nghĩa là, chúng ta phải thực hành định học, tức chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. "Sankappā", nghĩa là tuệ học, tức chánh kiến và chánh tư duy. 
 
"Appamattā" nghĩa là để thấy, với minh sát trí, tính vô thường, khổ và vô ngã trong các hành. 
 
"Satimato" có nghĩa khi chúng ta thực hành Tam Học - Giới, Định, Tuệ - chúng ta phải có đủ chánh niệm. 
 
Vì thế chúng ta cần phải chánh niệm và chuyên cần. Chánh niệm về những gì? Chánh niệm về Tứ Niệm Xứ, danh và sắc, hay nói khác hơn, chúng ta phải chánh niệm trên các hành. 
 
Cuối cùng, đức Phật nói:
  
"Yo masmi dhamma vinaye appamatto vihessati
pahāya jātasamsāra
dukkhassanta karissati.
 
(Bất cứ người nào nhiệt tâm theo đuổi Pháp và Luật (dhamma - vinaya) này sẽ vượt qua vòng tử sanh luân hồi, đoạn tận mọi khổ đau.)
 
 
Như vậy, nếu muốn chấm dứt tử sanh luân hồi, chúng ta phải theo những lời dạy của đức Phật, tức là Bát Thánh Đạo. Chúng ta hãy phấn đấu nỗ lực trước khi cái chết xảy ra.
  
Cầu mong tất cả chúng sinh được an vui hạnh phúc. 
 
Ghi chú:
 
Đức Phật Gotama có ba loại Thánh quả định:
 
1. A-la-hán Thánh Quả Định sau Đạo (maggānantra phala samāpatti). Đây là A-la-hán Thánh Quả Định đến liền sau thiện nghiệp A-la-hán Thánh đạo (Noble Arahant-Path wholesome kamma). Nó có đặc tính của vô gián quả và được đề cập đến như sát-na quả định (khaika phala samāpatti). Ba sát-na tâm quả sanh liền sau A-la-hán Thánh đạo tâm của đức Phật thuộc về loại này.
 
2. A-la-hán Thánh Quả Định vãng lai (valañjana phala samāpatti). Đây là A-la-hán Thánh Quả Định kéo dài mà một vị A-la-hán có thể nhập vào lúc nào cũng được. Thiền quả này được xem là sự thọ hưởng an lạc tịch tịnh của Niết-bàn và cũng đề cập đến như một loại sát-na quả định. Đức Phật thường xuyên nhập vào định chứng này, ngay cả trong lúc Ngài đang thuyết pháp, khi mà thính chúng đang hoan hỷ nói lên lời "sādhu, sādhu" (lành thay, lành thay). Ở đây phải hiểu là, chỉ cần một thời khắc ngắn ngủi giữa thời pháp, lúc mọi người đang hoan hỷ nói lời "sādhu", đức Phật đã nhập vào định chứng này, rồi xuất liền để tiếp tục thuyết pháp.
 
3. A-la-hán Thánh Quả Định duy trì thọ mạng (āyusankhāra phala samāpatti). Thánh quả này luôn luôn theo sau vipassanā (minh sát) với bảy cách quán sắc và bảy cách quán danh. Các pháp này được đức Bồ tát thực hành ở ngưỡng Giác Ngộ dưới cội bồ đề và hàng ngày từ khi chứng đau lưng của Ngài xuất hiện ở ngôi làng Veluna cho đến ngày Bát Niết-bàn của Ngài. Lúc sắp hoàn tất công việc minh sát và nhập A-la-hán Thánh Quả Định, đức Phật quyết định: "Kể từ hôm nay cho đến ngày Bát Niết-bàn, thọ khổ này sẽ không khởi lên". Rồi Ngài tiếp tục hành vipassanā trở lại để sau đó nhập A-la-hán Thánh Quả Định.
 
Cái khác giữa sát-na Thánh quả định và Thánh quả định duy trì thọ mạng là ở chỗ minh sát đi trước. Sát-na A-la-hán Thánh Quả Định chỉ là sự thọ hưởng an lạc tịch tịnh của Niết-bàn được đi trước bởi một phương thức nhập vào minh sát bình thường. Trong khi đó A-la-hán Thánh Quả Định duy trì thọ mạng lại được đi trước bởi một phương thức hành minh sát cao hơn đòi hỏi phải có nỗ lực lớn, đó là thực hành theo bảy cách quán sắc (rūpusattaka) và bảy cách quán danh (arūpusattaka). Cái khác trên phương diện kết quả là sát-na A-la-hán Thánh Quả Định chỉ đè nén được một thọ khổ trong thời gian nhập định chứng ấy, như một viên đá rơi vào nước chỉ xuyên qua nước bao lâu còn tác động của nó, sau đó đám bèo lại phủ lại. Còn A-la-hán Thánh Quả Định duy trì thọ mạng có thể đè nén cơn đau trong một thời hạn đã định (như ở đây đức Phật quyết định 10 tháng), tựa như một người khỏe mạnh lao vào hồ nước và vẹt sạch đám bèo ấy, nhờ vậy đám bèo sẽ không phủ lại trong một thời gian đáng kể.
 


Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch