Thiền học
Hỏi đáp Phật pháp ( Phần 3): Thiền tông
09/02/2010 22:53 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Thiền tông được Hòa thượng Ân sư chủ trương khôi phục và đang được ứng dụng tu hành tại các Thiền viện thuộc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Chùm Hỏi đáp Phật pháp chủ đề Thiền tông sẽ giúp bạn đọc có sự hiểu biết sâu hơn về Thiền tông, giải đáp các thắc mắc, giúp các Phật tử có được căn cứ để ứng dụng tu tập một cách đúng đắn.
80) Ai là người sáng lập ra Thiền tông?

- Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.


81) Thế nào gọi là trí hữu sư, là trí vô sư?

- Trí hữu sư: Là sự hiểu biết do học hỏi bên ngoài mà có như học hỏi từ thầy bạn, gia đình, trường học, xã hội…
- Trí vô sư: Còn được gọi là Căn bản trí, là cái hay biết, là trí tuệ tiềm ẩn sẳn có nơi mọi người chúng ta, không do học hỏi, không do tu luyện, cũng khơng do tạo tác mà thành.

82) Thiền tông do HT. Tôn sư hướng dẫn dựa theo ba cột mốc quan trọng nào trong dòng lịch sử truyền thừa thiền tông từ Trung Hoa đến Việt Nam?
- Mốc thứ nhất là nhị tổ Huệ Khả: do sự "Hồi quang phản chiếu" mà được an tâm. Hòa thượng gọi là "Biết vọng không theo". Chính đây là chỗ "Biết được đường vào" của ngài Huệ Khả.
- Mốc thứ hai là lục tổ Huệ Năng: Khi nghe giảng kinh Kim cang đến đoạn "Chẳng nên trụ sắc sanh tâm, …, nên không chỗ trụ mà sanh tâm ấy" Ngài đã đại ngộ.
Đó là không cho sáu căn dính mắc với sáu trần. Ngài đã thấy tột chỗ này và sống được với nó nên được đốn ngộ, kiến tánh. Khi độ chúng Ngài đã chủ trương không nhiễm, không kẹt, không dính khi tiếp xúc với sáu trần là thiền định, không phải chạy trốn cảnh trần rồi sau tâm mới an định như các lối thiền định khác.
- Mốc thứ ba là sơ tổ Trúc Lâm: Ngài chủ trương không chấp hai bên qua bài kệ "Hữu cú, vô cú". Ngài đã ứng dụng chỗ thấy của Nhị tổ. Và qua bài kệ kết thúc bài phú "Cư trần lạc đạo" Ngài đã cô đọng những gì Lục tổ đã thấy và ứng dụng vào hai câu cuối "Trong nhà có báu, thôi tìm kiếm. Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền"

83) Tổ Huệ Khả được truyền thừa thiền tông từ vị Tổ nào? Và tổ Huệ Khả biết được đường vào thiền tông như thế nào?
- Tổ Bồ Đề Đạt Ma.
- Một hôm tổ Huệ Khả bạch: "Bạch Hòa thượng, tâm con không an xin HT dạy con pháp an tâm". Tổ Đạt Ma nhìn thẳng bảo: "Đem tâm ra ta an cho". Ngài Huệ Khả sửng sốt quay lại tìm tâm, không thấy bóng dáng, bạch Tổ: "Con tìm tâm không được". Tổ bảo: "Ta an tâm cho ngươi rồi". Ngay đây, ngài Huệ Khả biết được đường vào.

84) Tổ Huệ Năng được truyền thừa thiền tông từ vị Tổ nào? Tổ Huệ Năng đã ngộ đạo từ bộ kinh nào và trong đoạn nào?

- Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn.
- Kinh Kim Cang Bát nhã.
- Ngũ tổ cho ngài Huệ Năng vào thất để nghe giảng kinh Kim Cang và ngài Huệ Năng đã đại ngộ khi nghe đến đoạn tôn giả Tu Bồ Đề hỏi: "Khi phát tâm cầu Vô thượng chánh đẳng chánh giác, làm sao an trụ tâm?" Phật đáp: "Chẳng nên trụ sắc sanh tâm, chẳng nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm; nên không chỗ trụ mà sanh tâm ấy".

85) Sau khi đại ngộ, ngài Huệ Năng đã thốt lên lời gì?
" Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh!
Đâu ngờ tự tánh vốn không sanh diệt!
Đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ!
Đâu ngờ tự tánh vốn không dao động!
Đâu ngờ tự tánh hay sanh muôn pháp!"

86) Khi ra giáo hóa Lục Tổ vì phương tiện lập "Tam Vô", vậy "Tam Vô" là gì? Giải thích.
1. Vô niệm làm Tông (Chủ, chính): Đối trên các cảnh tâm không nhiễm gọi là Vô niệm = Không nhiễm các pháp.
2. Vô tướng làm thể (Bản chất): Ngoài lìa tất cả tướng tức pháp thể thanh tịnh gọi là Vô tướng = Không kẹt các tướng.
3. Vô trụ làm gốc (Bổn): Đối trên các pháp mỗi niệm không trụ tức là không bị trói buộc gọi là Vô trụ = Không dính mắc các pháp.

87) Phái thiền Trúc Lâm Yên Tử do ai sáng lập? Và đã dung hội những phái thiền nào?
- Sơ tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông.
- Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường.

88) Bốn phương tiện do Hòa thượng Tôn sư tạm lập, dung hội từ 3 vị Tổ, để hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử tu tập là gì?
1. Biết vọng không theo, vì vọng tưởng là những tâm niệm hư ảo.
2. Đối cảnh không tâm, vì nó là tướng duyên hợp giả dối, tạm bợ.
3. Không kẹt hai bên, vì đối đãi là không thật.
4. Hằng sống với cái thật, không theo cái giả, vì giả là luân hồi, thật là giải thoát.

89) Chủ đích của Thiền tông mà tổ Đat Ma đã dõng dạc tuyên bố nội dung là gì?
Chẳng lập văn tự, truyền ngoài giáo lý.
Chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật.

90) Cửa Thiền thường được gọi là cửa gì? Ngài Huệ Năng đã vào cửa này thể hiện qua bài kệ nào?
                                      
- Cửa Không
 
- "Bồ đề vốn không cội,
Gương sáng cũng không đài.
Xưa nay không một vật,
Chỗ nào dính bụi bặm!"

91) Tổ Bồ Đề Đạt Ma dùng bộ kinh gì để ấn tâm? Tổ Hoằng Nhẫn dùng bộ kinh gì để ấn tâm?
- Kinh Lăng già
- Kinh Kim Cang

92) Câu nào trong kinh Lăng-già đã nói lên chủ đích của toàn bộ kinh?
- "Lấy Tâm làm chủ, lấy cửa không làm cửa Pháp" (Dĩ tâm vi tông, dĩ vô môn vi pháp môn)

93) Toàn bộ nội dung kinh Kim Cang bao hàm trong hai câu hỏi của tôn giả Tu Bồ Đề. Hai câu hỏi đó như thế nào?
- "Khi người thiện nam, người thiện nữ phát tâm cầu Vô thượng chính đẳng chính giác thì:
a. Làm sao an trụ tâm?
b. Làm sao hàng phục tâm?

94) Trong kinh Kim Cang, Phật trả lời về phương pháp an trụ tâm và hàng phục tâm thế nào? Chúng ta ứng dụng lời dạy này vào việc tu tập như thế nào?
- Hàng phục tâm: "Đưa tất cả chúng sanh vào Vô dư niết bàn mà không thấy thật có chúng sinh nào được diệt độ". Trong không theo vọng tưởng.
- An trụ tâm: "Bồ tát nên không chỗ trụ mà làm việc bố thí. Nghĩa là không trụ sắc bố thí, không trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp bố thí". Ngoài không dính mắc năm trần.

95) Toàn bộ kinh Kim Cang có bao nhiêu bài kệ? Nội dung các bài kệ đó?
- Có hai bài kệ:
1. Tất cả pháp hữu vi,
Như mộng, huyễn, bọt, bóng,
Như sương cũng như điện,
Nên khởi quán như thế.
2. Nếu do sắc thấy ta,
Do âm thanh cầu ta,
Người ấy hành đạo tà,
Không thể thấy Như lai.

96) Trong kinh Lăng nghiêm, sau khi Phật bảo 25 vị Thánh trình bày chỗ tu chứng của mình, Phật mới bảo bồ tát Văn Thù chọn căn nào để chúng sanh căn nào dễ tu? Pháp tu đó có tên là gì? Vị bồ tát nào đã tu chứng pháp đó?
- Nhĩ căn
- Phản văn văn tự tánh
- Bồ tát Quán Thế âm.
97) Toàn bộ kinh Pháp Hoa nói lên mục đích đức Phât ra đời là để làm gì?
- Khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến. (Mở ra chỉ bày cho chúng sinh nhận ra và sống được với Tri Kiến Phật của chính mình.)

98) Ba đức tính của người tu theo Thiền tông là gì? Giải thích.
1. Tự tín: Người tu thiền phải tin quả quyết tâm mình là Phật.
2. Quả cảm: Nhờ tự tín người tu mới can đảm vượt mọi khó khăn, cương quyết tiến lên con đường siêu nhân.
3. Cần cù: Có tự tín mới có nỗ lực tiến tu.

99) Tại sao Thiền tông có thể bao dung các tông phái khác?
Bởi vì Thiền tông thấy được chủ yếu của đạo Phật là giác ngộ. Muốn giác ngộ trước phải dừng vọng tưởng. Thế thì người niệm Phật để dừng vọng tưởng, người trì chú để dừng vọng tưởng, tụng kinh, quán tưởng … đều cùng về mục đích ấy, đều cùng về một mục đích, cần gì phải chống trái nhau. Chẳng qua trên phương tiện có khác, cứu kính Phật dạy không hai.

100) Giải thích "Đốn ngộ tiệm tu" và "Kiến tánh khởi tu"?
- Đốn ngộ hay kiến tánh tức là nhận ra được chân tâm. Chân tâm chính là bản thể chân thật của chúng sinh.
- Tiệm tu hay khởi tu là nương "tánh giác" thể hiện qua sáu căn để trở về nguồn gốc của mình đó là "chân tâm". Trên đường tu trở về chân tâm cần kiên trì tu tập để vô minh vi tế dần được tiêu trừ như: giữ gìn giới luật .....

101) Cái gì là nguồn gốc đưa chúng sinh vào "sinh tử luân hồi"? Và cái gì là nguồn gốc đưa chúng sinh vào "bồ đề niết bàn"?
- Sáu căn.

102) Thế nào gọi là "biết vọng"?
- Biết được tâm suy nghĩ lăng xăng là giả dối không thật có.
- Biết được thân này là duyên hợp, giả dối, không thật có.
- Biết được ngoại cảnh là duyên hợp, giả dối, không thật có.

103) Giải thích nội dung bài kệ kết thúc bài phú "Cư trần lạc đạo"?
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền.
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm,
Đối cảnh không tâm, chớ hỏi thiền.


104) Bài phú "Cư trần lạc đạo" do ai sáng tác? Vào thời điểm nào? "Cư trần lạc đạo"có nghĩa là gì?
- Do vua Trần nhân Tông sáng tác trong thời gian 6 năm làm Thái Thượng Hoàng.
- Sống trong trần tục mà luôn lấy Đạo làm niềm vui.

105) Ai là người dạy Thiền cho vua Trần Nhân Tông lúc còn là thi tử? Ngài đã thông suốt được đường vào từ lời dạy nào của thầy mình?
- Tuệ Trung Thượng sĩ
- "Soi sáng lại chính mình là phận sự gốc, chẳng từ nơi khác mà được" (Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc).

106) Người xưa nói "Người tu thiền phải đầy đủ hai tâm kiên cố và trường viễn". Thế nào là "kiên cố" và thế nào là "trường viễn"?
- Kiên trì tỉnh giác là tâm kiên cố. Kiên trì tỉnh giác để khỏi bị niệm dẫn.
- Bền bỉ lâu dài là tâm trường viễn. Bền bỉ lâu dài mới chinh phục được vọng niệm.

107) Hãy cho biết tên của các tác giả của 4 kệ ghi trên đại hồng chung của Thiền viện Sùng Phúc và đọc hai trong bốn bài kệ nói trên?
1. Thân như bóng chớp có rồi không,
Cây cỏ xuân tươi, thu đượm hồng,
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi,
Thịnh suy như ngọn cỏ sương đông.
của Thiền sư Vạn Hạnh

2. Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.
Sơ tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông

3. Muôn duyên cắt đứt một thân nhàn
Hơn bốn mươi năm giấc mộng tràng,
Nhắn bảo mọi người thôi chớ hỏi,
Bên kia trăng gió lộng thênh thang.
Thiền sư Pháp Loa

4. Công danh cái thế màn sương sớm
Phú qúy kinh nhân giấc mộng dài,
Chẳng hiểu bản lai vô nhất vật
Công lao uổng phí một đời ai.
Thiền sư Minh Chánh


108) Hãy đọc một trong hai câu đối trước cổng thiền viện Sùng Phúc hoặc cho biết ba chữ lớn trên cổng chính?
1. Sùng Phúc hoằng khai "vô nhất vật"
Trúc Lâm quảng giáo "bất nhị môn"
2. Thường Chiếu vô ngôn, ngôn bất tuyệt,
Chơn không bất biến, biến hằng sa.
3. Đại Giác môn

109) Bài kệ:
"Giữ giới cùng nhẫn nhục,
Chuốc tội chẳng chuốc phước.
Muốn biết không tội phước,
Chẳng giữ giới nhẫn nhục"
Là của ai? Ý nghĩa thế nào?
- Bài kệ này của Tuệ Trung Thượng sĩ dạy vua Trần Nhân Tông lúc còn là Thái tử về việc giữ gìn giới hạnh.
- Càng tập nhẫn nhục lại càng sân, càng sân lại càng tội, nên nói "chuốc tội chẳng chuốc phước". Chừng nào hết sân thì không cần tu nhẫn nhục nữa. Đến việc trì giới cũng vậy. Tại vì chúng ta còn tham, còn sân nên phải trì giới để ngăn chận, nếu hết những tâm bệnh đó thì không cần giữ giới, nên nói "chẳng giử giới nhẫn nhục".
- Bản tâm ta vốn thanh tịnh (xưa nay không một vật). Trở về được với bản tâm thanh tịnh thì không còn tham, sân nên không còn giữ giới nhẫn nhục và vì thế siêu việt cả tội phước.

110) Hãy đọc bài thơ "Phá ngã" của Hòa thượng Thanh Từ?
Mạng sống trong hơi thở,
Trong nhịp đập quả tim.
Thế nào là mạng sống?
Sự vay mượn liên tục.

111) Hãy đọc hai bài kệ nổi tiếng của ngi Thần Tú và của Lục Tổ Huệ Năng?
- Bài kệ của ngài Thần Tú:
" Thân là cội bồ đề,
Tâm như đài gương sáng.
Luôn luôn phải lau chùi,
Chớ để dính bụi bặm".

- Bài kệ của Lục Tổ Huệ Năng:
                                 
"Bồ đề vốn không cây
                             Gương sáng cũng chẳng đài
                             Xưa nay không một vật
                             Chỗ nào dính bụi bặm "

112) Theo kinh Viên Giác thì thế nào là vô minh?
- Trong chương Bồ tát Văn Thù, Phật dạy: "Thế nào là vô minh? Này thiện nam! Tất cả chúng sanh từ vô thủy đến nay, bị các thứ điên đảo (làm mờ tánh Viên giác) như người mê lầm lộn bốn phương, vọng nhận tướng tứ đại là thân mình, chấp cái duyên theo bóng dáng sáu trần là tâm mình. Ví như người nhặm mắt thấy hoa đốm trong hư không và mặt trăng thứ hai".

113) Hãy đọc bài kệ của Ô Sào thiền sư dạy cho ông Bạch Cư Dị?
Đừng làm các việc ác
Nên làm các việc lành
Giữ tâm ý trong sạch
Là lời chư Phật dạy

114) Hãy đọc bài thơ "Cuộc đời qua mắt tôi" hoặc bài thơ "Mộng"của HT. Thanh Từ?
 - Bài: "Mộng"
Gá thân mộng,
Dạo cảnh mộng,
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng.
Ghi lời mộng,
Nhắn khách mộng,
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng.

- Bài "Cuộc đời qua mắt tôi":
Chiếc thân tứ đại khói, Sinh hoạt thế gian mây,
Thành công khối nước đá, Thất bại chùm bọt tan
Nhục vinh bong bóng nước, Thương ghét hạt sương mai.
Khổ vui trong giấc mộng, Lành dữ bóng chim bay.
Tháng ngày cái chớp mắt, Còn mất nước trăng lay.
Chung cuộc cơn gió thoảng, Viên mãn bầu trời trong.
 
115)      "Trăm năm quyết chí tu hành,
                Chưa lên Yên Tử chưa đành lòng tu"
       Ý nghĩa của hai câu thơ này như thế nào?
Ý nghĩa của hai câu thơ này là:
Có lên Yên Tử mới thấy rõ được sự giác ngộ vô thường của Sơ Tổ Trúc Lâm dám xem ngai vàng như đôi dép rách và để thể hiện ý chí quyết tâm tu hành của mình cho đến nơi đến chốn trên con đường giác ngộ, giải thoát.

116) Phật tử hãy đọc lại bài kệ hô trống của các thiền viện.
Bài kệ hô trống của các thiền viện là:
               Ngày nay đã qua
               Mạng sống giảm dần
               Như cá cạn nước
               Có gì là vui
              Đại chúng phải siêng tinh tấn
              Cứu lửa cháy đầu
              Chỉ nhớ vô thường
              Chớ có buông lung.

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch