Hôm nay toàn chúng thỉnh nguyện đều
được thanh tịnh, đó là điều rất tốt. Chúng ta càng tu tâm càng an, thân
nghiệp, khẩu nghiệp đều thanh tịnh. Đó là kết quả tốt của sự tu hành.
Bây giờ tôi có ít vấn đề then chốt muốn giải thích cho toàn chúng hiểu
thêm, để quí vị nắm vững những điểm cần yếu trên con đường tu.
Trong nhà thiền có hai câu được xem như châm ngôn của hành giả tu thiền,
đó là “Hồi quang phản chiếu” và “Phản quan tự kỷ”. Hai câu này là một
hay khác? Nếu là một thì nói một câu đủ rồi, dùng chi tới hai câu. Nếu
khác thì khác chỗ nào? Có khi ta nghe nói “hồi quang phản chiếu”, có khi
nghe nói “phản quan tự kỷ”, câu nào cũng dạy xoay lại mình hết, tại sao
có hai cách gọi khác nhau?
Trước hết tôi nói về “hồi quang phản chiếu”. Chữ “hồi” là quay lại,
“quang” là ánh sáng, “phản” là trở lại, “chiếu” là soi sáng. “Hồi quang
phản chiếu” tức là quay ánh sáng trở lại, soi rọi chính mình. Soi thế
nào? Nhiều người không hiểu, tưởng ngồi nhìn chăm chăm thấu tim gan ruột
phổi, đó là phản chiếu. Hiểu như vậy là sai lầm. Tôi sẽ dẫn kinh để nói
rõ hơn về điều này.
Trong kinh Lăng Nghiêm, khi đức Phật đưa tay lên hỏi ngài A-nan thấy
không, ngài A-nan trả lời thấy. Rồi Phật để tay xuống hỏi ngài A-nan
thấy không, ngài A-nan trả lời không thấy. Ngay đó Phật liền quở Ngài là
quên mình theo vật. Tất cả chúng ta từ người trí thức cho tới kẻ bình
dân, suốt ngày ai cũng phóng sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đuổi
theo sáu trần bên ngoài, luôn luôn phân tích, chia chẻ, tìm hiểu. Cứ
thấy hình sắc thì phân tích đẹp xấu, nghe âm thanh cũng phân tích tiếng
hay dở v.v… Đối diện với tất cả cảnh giới bên ngoài, đều đem hết khả
năng soi sáng của mình phân tích, chia chẻ sự vật. Càng phân tích, chia
chẻ nhiều chừng nào thì càng quên mình nhiều chừng ấy.
Do đó mắt vừa thấy hình tướng thì nói thấy, khi hình tướng mất đi nói
không thấy. Đó là chúng ta phóng ánh sáng của mình đuổi theo vật, hay
nói cách khác là phóng quang chiếu ngoại. Phóng quang này không phải
phóng quang của chư Phật, mà đem cái tri giác hiểu biết của mình phóng
ra ngoài để phân tích, chia chẻ sự vật. Vì vậy khi có sự vật thì tưởng
như có mình, khi mất sự vật tưởng như mất mình. Đó là một mê lầm rất
đáng thương.
Phật quở ngài A-nan quên mình theo vật là vì thế. Cánh tay là vật ở
ngoài, còn cái hay thấy tức là ánh sáng của chính mình. Khi có cánh tay
Ngài nói thấy, khi không có cánh tay Ngài nói không thấy. Như vậy nhớ
mình hay nhớ vật? - Rõ ràng là nhớ vật mà quên mình. Đúng ra khi thấy
cánh tay nên nói thấy có cánh tay, khi tay để xuống nên nói thấy không
có cánh tay. Tay khi có khi không, cái thấy luôn luôn sẵn có. Nếu tay để
xuống nói không thấy như vậy thành mù sao?
Chúng ta mê muội chỉ nhớ vật ở ngoài, không nhớ cái hay thấy của mình.
Chính cái hay thấy mới là mình, còn vật ở ngoài chỉ là ngoại cảnh. Quên
mình theo vật, đó là chỗ tất cả chúng ta đang mắc phải. Mắt thấy sắc chỉ
nhớ cảnh nhớ người mà không nhớ có cái hay thấy.
Kế đó, Phật dạy La-hầu-la đánh tiếng chuông boong, rồi hỏi ngài A-nan
nghe không, ngài A-nan trả lời nghe. Khi tiếng chuông lặng Phật hỏi nghe
không, ngài A-nan trả lời không nghe, cũng bị Phật quở quên mình theo
vật một lần nữa. Tiếng chuông vang lên âm thanh phát ra bên ngoài, lỗ
tai ta nghe. Cái hay nghe đó thường hằng, còn tiếng chuông khi đánh thì
có, khi dừng đánh thì không. Tiếng có không, sanh diệt mà cái hay nghe
thường hằng. Chúng ta lại lầm nhận tiếng là cái hay nghe, nên khi mất
tiếng nói không nghe, tức là phủ nhận cái nghe thường hằng của chính
mình.
Chúng ta tu hành thường vướng hai chứng bệnh rất thâm hậu, rất sâu kín,
đó là quên mình và mắc kẹt ngoại cảnh. Vì vậy các Thiền sư thường dạy
nơi sáu căn phải luôn gìn giữ đừng cho dính mắc sáu trần. Dính mắc tức
là chạy theo, mà chạy theo tức là quên mình. Đó là gốc của sự tu.
Trong sáu căn dễ nhận dễ thấy nhất là mắt và tai. Nên các Thiền sư dùng
nhiều thủ thuật để chỉ hai tánh thấy và nghe đó. Hoặc đưa phất tử, hoặc
đưa cành hoa v.v… để nhắc nơi chúng ta có cái hay thấy. Nếu ngay hình
ảnh đó, ta nhớ được mình có cái hay thấy là nhớ được Tâm chân thật rồi.
Hình ảnh Phật đưa cành hoa sen lên, ngài Ca-diếp mỉm cười, đó là sự cảm
thông của hai thầy trò, Tôn giả đã lãnh hội được điều đức Phật muốn chỉ.
Thấy cành hoa không lệ thuộc vào cành hoa, mà biết được mình có cái hay
thấy. Khi Phật đưa mắt nhìn khắp đại chúng, tới Ca-diếp Ngài cười.
Phật không nói câu nào hết, chỉ cần đưa cành hoa lên rồi nhìn từng vị
Tỳ-kheo, chỉ riêng Tôn giả Ca-diếp khi chạm mắt Như Lai liền mỉm cười.
Đó là người đệ tử hiểu được ý Phật, nhìn cảnh mà chẳng quên mình, hay
nói cách khác là nương nơi cảnh mà thấy mình. Vì vậy trong nhà thiền có
câu “kiến sắc minh tâm”, nghĩa là thấy hình sắc bên ngoài mà sáng được
tâm của mình.
Tâm mình ở đâu? Lâu nay nhiều người cứ cho tâm là cái suy nghĩ lăng xăng
lộn xộn hằng ngày, không ngờ cái hay thấy hay biết mới là tâm mình. Tâm
đó không có lăng xăng lộn xộn. Thấy được cành hoa là chỉ cho “kiến
sắc”, nhận ra mình có cái hay thấy, hay biết hằng hữu không thiếu vắng
là “minh tâm”. Rõ được tâm mình thì không chạy theo vật. Nếu chỉ biết
cành hoa bên ngoài, có thì nói thấy, không có thì nói không thấy, đó là
quên mình theo vật. Quên mình theo vật là mê, nhớ mình không theo vật là
giác.
Như vậy thì hồi quang phản chiếu nghĩa là soi ánh sáng trở lại mình.
Thay vì trước kia ta phóng ánh sáng ấy theo sáu trần, bây giờ dừng lại,
nhớ sáu ánh sáng đó hiện hữu nơi sáu căn của mình, không theo sáu trần
nữa, đó là hồi quang. Hồi quang tức là nhớ lại mình chớ không có gì lạ.
Trong nhà thiền gọi thấy như mù, nghe như điếc là đây vậy. Tại sao thấy
như mù? Tức mọi người đi ngang ta đều thấy hết, nhưng qua rồi thôi,
không lưu tâm chú ý, chỉ biết mình đang thấy. Lúc đó ai hỏi hồi nãy đi
qua mấy người, người nào đẹp người nào xấu, mình trả lời sao? Đâu có
nhớ, đâu có dính gì mà biết đẹp xấu. Do đó nên nói thấy như mù. Mấy chú
bên Tăng tu nên nhớ mấy điểm này cho thật kỹ. Đó là trọng tâm các Thiền
sư dạy cho chúng ta.
Đến nghe tiếng, ai bàn tán gì ta cũng nghe hết. Nhưng chỉ nhớ mình đang
nghe thôi, không nhớ tiếng hay, tiếng dở, tiếng hơn, tiếng thua. Như vậy
gọi là hồi quang. Tuy nghe nhưng ai hỏi “mấy người đó nói gì” mình
không biết. Bởi vì đâu có chú ý mà nhớ từng lời, từng câu. Nên nói nghe
cũng như điếc. Đừng hiểu thấy như mù là không thấy gì hết, nghe như điếc
là không nghe gì hết.
Người được thấy như mù nghe như điếc, dù ngồi giữa chợ cũng như ngồi
thiền. Còn chúng ta nhiều khi ngồi thiền tại Thiền đường mà ai nói trên
kia liền lắng tai nghe. Hoặc ngồi đây mà thấy bóng ai đi ngang, liền
nhìn kỹ phân tích xem bóng của người nào… Ngồi thiền như vậy cũng giống
như ngồi ngoài chợ xem hàng. Hiểu rõ rồi mới thấy các Thiền sư luôn nhắc
chúng ta phải hồi quang phản chiếu, quay lại mình nhớ mình, chớ đừng
nhớ cảnh. Đó là gốc của sự tu.
Thiền sư nhờ tu như thế nên các ngài không bận bịu, không kềm chế trong
khi ngồi thiền. Các ngài sống rất tự tại thoải mái, nhưng thấy nghe đều
không dính. Nếu chúng ta tu được vậy có thích không? Rất thích. Nhưng vì
mình chưa được thế nên phải có câu thứ hai, tức là “phản quan tự kỷ”.
Chữ “quang” của hồi quang có “g” để chỉ ánh sáng. Chữ “quan” của phản
quan không có “g” để chỉ sự xem xét quán chiếu.
“Phản quan tự kỷ” nghĩa là xem xét lại mình, quán chiếu lại mình. Hồi
quang phản chiếu có tánh cách kỳ đặc dành cho bậc thượng cơ, nhất là
những vị tu theo Thiền tông. Còn phản quan tự kỷ là nói tổng quát, bao
trùm hết thảy giáo lý nhà Phật. Nghĩa là soi xét lại chính mình, từ thân
thể cho tới nội tâm, thấy rõ thân thể, nội tâm mình như thế nào.
Ví dụ Phật dạy tu thiền, quán Tứ niệm xứ là pháp căn bản trong các kinh
A-hàm. Quán Tứ niệm xứ là quán cái gì? Một, quán thân bất tịnh, xem xét
phân tích tường tận từng bộ phận thân này, thấy đều nhớp nhúa, đó là
quán thân bất tịnh. Hai, quán thọ thị khổ, tức là tất cả cảm giác do sáu
trần đến với mình, ta cảm nhận rõ ràng chúng đều vô thường, không thật
có, là gốc của đau khổ. Ba, quán tâm vô thường, tức những tâm niệm của
mình luôn luôn sanh diệt, không dừng, đó là quán tâm vô thường. Bốn,
quán pháp vô ngã tức là quán tất cả pháp, từ tâm pháp cho tới ngoại cảnh
đều do duyên hợp không có chủ. Phật dạy vị nào cột tâm trong Tứ niệm xứ
được bảy ngày không dời đổi, người đó sẽ chứng quả A-la-hán. Chẳng
những bảy ngày mà ba ngày, chẳng những ba ngày mà một ngày, cột tâm
trong Tứ niệm xứ không dời đổi sẽ chứng quả A-na-hàm. Chúng ta thấy tu
dễ chứng quá, phải không?
Chỉ cột tâm trong Tứ niệm xứ trọn ngày không dời đổi liền chứng quả
A-na-hàm. Dễ không? Quán như thế là phản chiếu lại mình, soi sáng lại
mình, xét nét lại mình, nên pháp của các kinh A-hàm hay của Phật giáo
Nguyên thủy vẫn là pháp tu “Phản quan tự kỷ”. Cho tới như không dùng Tứ
niệm xứ, mà dùng Ngũ đình tâm quán thì cũng là soi xét lại mình. Đó là
nói hệ thống A-hàm.
Qua hệ thống Bát-nhã, mỗi đêm chúng ta đều tụng “chiếu kiến ngũ uẩn giai
không”. Chiếu kiến ngũ uẩn của ai? - Ngũ uẩn của mình. Như vậy cũng là
soi sáng, xét nét lại chính mình để biết rõ năm uẩn không thật, không có
Thật thể, từ đó mà qua tất cả khổ nạn. Chúng ta thấy từ hệ A-hàm tiến
lên hệ Bát-nhã, Phật đều dạy phản chiếu lại mình.
Đến Thiền tông tôi thường hướng dẫn quí thầy cô nhìn lại từng niệm khởi,
đừng chạy theo nó, gọi là biết vọng không theo. Như thế có phải phản
quan không? Nếu không xoay lại làm sao thấy niệm khởi? Rõ ràng đó là lối
phản quan. Tóm lại, từ pháp tu A-hàm, pháp tu Bát-nhã, tới pháp tu
Thiền tông đều dạy phản quan. Câu chuyện Tổ Huệ Khả tìm tâm không thể
được cũng là phản quan chớ gì. Tìm ở đâu? - Quay lại mình.
Như vậy toàn bộ hệ thống tu của đạo Phật đều lấy “phản quan tự kỷ” làm
trọng tâm. Câu “hồi quang phản chiếu” mới nghe thấy tương tự nhưng thật
ra có khác. Đây là trường hợp dành cho những bậc kỳ đặc như Tổ Lâm Tế
hay Lục tổ Huệ Năng. Lục tổ Huệ Năng khi thấy Tăng ngồi thiền, Ngài liền
kéo lỗ tai thổi phù. Ngài Lâm Tế cũng không thích ngồi thiền, vậy các
ngài tu cái gì? Các ngài luôn hồi quang phản chiếu, tức nhớ nơi sáu căn
thường sáng rỡ, không phóng ra ngoài.
Cho nên Tổ Lâm Tế nói rằng: “các ngươi tìm cái gì”, “người đang nghe
pháp đây là ai” để chỉ cho nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của chúng ta
hiện có cái chân thật, ai sống được với nó tức là đang thiền. Người nào
đạt được trình độ như vậy dù ngồi giữa chợ cũng vẫn thiền như thường.
Còn chưa được trình độ đó thôi chịu khó ngồi thiền, phản quan tự kỷ giùm
một chút. Thấy trong từng niệm thì không chạy ra ngoài, từ từ làm chủ
các nghiệp, làm chủ được mình thì sống theo lối hồi quang phản chiếu của
các Thiền sư. Cho nên biết tùy theo căn cơ mà lối tu có khác nhau.
Hai câu “hồi quang phản chiếu” và “phản quan tự kỷ” là nền tảng của tất
cả người tu Phật chúng ta. Nếu mình làm chưa nổi trường hợp thứ nhất,
thì phải theo trường hợp thứ hai, tức là phản quan tự kỷ. Chừng nào nội
tâm trong sạch, yên lặng hết mới bước qua trình độ thứ nhất là hồi quang
phản chiếu. Đi đứng nằm ngồi mà không dính nghiệp gì hết. Thấy như mù,
nghe như điếc đó là tự tại vô ngại.
Chúng ta hiện giờ giống như con cá mắc lưới đang vùng vẫy muốn lao ra
ngoài, càng vùng vẫy thì càng mắc thêm. Cho nên phải biết lối tu thiết
yếu hơn hết đó là quay nhìn lại mình. Cái quay lại của chúng ta đa số là
ở trường hợp thứ hai. Chính Điều Ngự Giác Hoàng đã ứng dụng pháp tu này
qua câu nói của Tuệ Trung Thượng Sĩ: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất
tùng tha đắc.” Nghĩa là xoay lại quán xét nơi mình là phận sự chánh,
không được từ ngoài vào.
Tăng Ni nên nhớ trường hợp hồi quang phản chiếu chỉ dành cho người nào
triệt ngộ, nghĩa là đi đứng nằm ngồi không quên mình, mới dùng được. Ai
còn quên mình thì khoan dùng, dùng rất nguy hiểm. Hiểu cho tường tận như
thế để trong sự tu, chúng ta ứng dụng đúng, đạt kết quả tốt, không bị
lầm lẫn đáng tiếc.
Nhờ có hiểu biết tường tận, ta mới không vội kết luận trình độ và hình
thức tu tập của các huynh đệ khác. Nhiều người ngồi thiền giỏi, thấy ai
không ngồi thiền thì chê, tu sao không ngồi thiền? Nếu người đã sống
được bằng chính sự hồi quang phản chiếu thì đâu cần ngồi thiền, vì ngồi
giữa chợ họ cũng thiền như thường. Còn nếu chúng ta chưa đạt được trình
độ đó mà lạm dụng ngôn từ này, e phải trầm luân đau khổ muôn kiếp.
Cho nên hiểu tường tận thì trên đường tu có hướng đi cụ thể, không mơ
màng, hoang mang, sợ sệt khi nghe ai phê bình về pháp tu của mình. Ví
như ta đang thích ngồi thiền, nhưng nghe nói Lục Tổ thấy ai ngồi thiền,
xách lỗ tai thổi phù, mình hoang mang không biết ta tu có đúng không, đó
là chưa hiểu được mình, chưa rõ được Tổ. Nếu được như Lục Tổ thì ta nên
làm như Ngài.
Lục Tổ một nghe ngàn ngộ, thấy cái chân thật hiện tiền trước mắt, không
mất. Như vậy ngồi thiền cũng là dư. Còn chúng ta ngàn nghe không được
một ngộ, bởi vậy nên phải ngồi lại, lóng lặng tâm tư để phút giây nào đó
thức tỉnh, giác ngộ. Đó là mấu chốt quan trọng trên con đường tu, Tăng
Ni cần phải nắm thật vững để khỏi lầm lẫn.
Đó là ý nghĩa tôi muốn nhắc nhở hôm nay.