Thiền học
Một ngày "Thở và cười" - Thiền học
14/03/2014 20:38 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Cuối tháng 5, những tia nắng đầu tiên trong ngày của mùa hè đến từ rất sớm. Trên bãi cát trắng mịn của biển cửa Đại (Hội An, Quảng Nam), dọc khu nghỉ mát Palm Garden, một đoàn khoảng 500 người, trong chiếc áo màu vàng cát đang bước chầm chậm. Họ vừa đi, thở nhẹ và vừa mỉm cười...


12.jpg
Buổi pháp thoại "Thở và cười"

 

Quay về
"Đã về, đã tới, bây giờ, ở đây, vững chãi, thảnh thơi, quay về, nương tựa. Nay tôi đã về, nay tôi đã tới...". Bài hát với tựa đề "Quay về nương tựa" đã được các doanh nhân nhanh chóng học thuộc và cùng hát với nhau tại khoá tu. Mọi lúc, mọi nơi, bất kể đang làm gì, khi nghe tiếng chuông, tất cả mọi người đều trở về hiện tại và thở. Đây là khoá tu dành cho các doanh nhân cả nước được tổ chức tại Hội An vào cuối tháng 5.

Khoá tu với tên gọi: "Thở và cười" do Thiền sư Thích Nhất Hạnh hướng dẫn. Một doanh nhân trong ban tổ chức khoá tu cho biết, khi đăng thông tin trên website thovacuoi.com, nhiều người gọi điện và... phì cười khi đọc tựa đề của khoá tu. Họ thắc mắc, đây là những động tác hàng ngày của con người, cần gì phải học?

Tôi nhớ, có lần đọc cuốn sách "An lạc từng bước chân" của Thiền sư Nhất Hạnh, trong bài "Hiện tại - Giây phút nhiệm mầu" có đoạn viết: Sống giữa xã hội hối hả, bận rộn, lâu lâu chúng ta nên biết dừng lại để thở. Chúng ta nên tập thở ngay trong khi đang làm việc, đang lái xe, ngồi trên xe buýt. Thậm chí bất cứ nơi đâu, chúng ta cũng nên tập thở.

Thầy Thích Pháp Khâm - giáo thọ làng Mai - cho biết: "Không phải ai cũng luôn "thấy" hơi thở của mình ra vào thanh bình từng phút giây trong hiện tại và không phải ai cũng biết cách "làm" cho hơi thở ấy đem lại bình an và hạnh phúc cho mình. Đời sống hiện nay bận rộn quá, nhiều người than không có thì giờ để thở, để sống.

Hơi thở là sự sống, có tác dụng nuôi dưỡng và điều trị thân tâm. Mỗi khi mệt mỏi, chỉ cần thở vài ba hơi nhẹ và sâu là đã thấy khỏe. Khi đang lo lắng hay phiền muộn, những hơi thở nhẹ và sâu cũng giúp chúng ta không bị lôi cuốn theo cảm xúc và giúp chuyển hoá những năng lượng bất an đó thành năng lượng trung hoà của hơi thở".

Trong hơn 500 thương gia tham dự khoá tu thở và cười, tôi gặp một gương mặt quen thuộc trong làng thiết kế thời trang Việt Nam, Nhà tạo mẫu Sĩ Hoàng, khi hỏi cảm nghĩ về khoá tu này, với nụ cười nhẹ, anh cho biết: "Tôi nghĩ, nếu biết mỉm cười, thì mọi người sẽ an lạc, hạnh phúc. Mỉm cười để đem lại hạnh phúc cho mình và cho cả những người xung quanh".

Khoá tu thật nhẹ nhàng, mọi người đến đây với những hành động, cử chỉ khoan thai, không gấp gáp. Một nữ doanh nhân Cty Quốc Hương (Đà Nẵng) cho biết: "Tôi biết trễ quá, nếu biết sớm hơn thì đã đăng ký cho cả gia đình theo học. Học để thở và cười trong chánh niệm. Một gia đình với những thành viên vui vẻ, thương yêu, chia sẻ lẫn nhau thì chắc chắn hỗ trợ cho công việc kinh doanh của gia đình rất nhiều".

Thở và cười
Theo chương trình "thở và cười", mỗi doanh nhân khi tham dự đều được hướng dẫn phương pháp "chậm lại" và "pháp thoại" giúp họ tìm kiếm được sự "thảnh thơi, cân bằng". Những doanh nhân khi đến với khoá tu đều được tiếp đón tại bãi cỏ "đã về đã tới" của khu nghỉ mát. Mỗi người được phát một chiếc áo "thở và cười" với màu vàng của cát biển và viền nâu sồng. Tất cả những hoạt động phải nhẹ nhàng, không gấp gáp.

Sáng sớm thức dậy, mọi người sẽ khởi động bằng thiền hành trong im lặng và tỉnh thức. "Hãy hít sâu và thở ra một hơi thật dài để tĩnh tâm, để quên đi phiền muộn, bạn sẽ thấy một nụ cười thật tươi cho hạnh phúc".

Đây là lời nhắc nhở của giáo thọ khi mọi người đến với khoá tu. Cùng tham gia hướng dẫn khoá tu với thiền sư Thích Nhất Hạnh là 50 tăng ni thuộc Tăng thân Làng Mai trực tiếp hướng dẫn phương pháp thực tập thiền buông lỏng thư giãn, nghỉ ngơi toàn thân, đi bộ, ngồi tĩnh lặng ngoài biển...


Thiền sư Thích Nhất Hạnh và các doanh nhân đang thiền hành vào buổi sáng.


Một ngày mới thật nhẹ nhàng, trong buổi sáng thiền hành, Thiền sư Nhất Hạnh mỉm cười thật nhẹ với bài học đầu tiên: Đi và thở, cũng như ăn uống, nói cười... - những hành vi đơn giản thường ngày tưởng như chẳng có gì để nói - thực ra lại rất đáng để quan tâm. Nhiều người đi như mộng du. Thân ở đây mà tâm để đâu đâu. Áp lực công việc nặng nề, nỗi lo lắng sợ hãi trước tương lai đã khiến nhiều người quên mất, không còn nhận ra ý nghĩa và tầm quan trọng của từng hành vi trong hiện tại. Với doanh nhân - các bạn vốn thường xuyên bận rộn, căng thẳng - điều này càng thể hiện rõ".

"Hãy đi thong dong như một con người tự do, không bị quá khứ ràng buộc, không bị tương lai níu kéo. Đi với ý thức rằng mỗi bước là một bước đi tới thực tại, về với thực tại - ở đây và lúc này. Đi và thở đều theo nhịp đi là một cách thiết lập thân tâm vững vàng trên thực tại. Và chỉ khi ấy chúng ta mới cảm nhận được sự màu nhiệm của sự sống, mới nhìn thấy ánh mắt trẻ thơ, trời xanh mây trắng...".

Khi ăn cũng vậy, hãy cảm nhận trọn vẹn từng món ăn, hãy quan tâm đến những người cùng ăn. Có nhiều người ăn mà tâm trí nghĩ đến dự án, đến những con số, ăn vội vã trong lo âu. Sự căng thẳng, bức xúc dễ dẫn đến gãy đổ, cho nên cần phải biết lắng dịu, cần biết chăm sóc bản thân - đó là phương pháp thiền trong cuộc sống.

Câu chuyện của cuộc sống
Câu chuyện về đôi vợ chồng Claudia và doanh nhân Federich được đưa ra cho mọi người suy ngẫm: Khởi đầu, đôi vợ chồng sống hạnh phúc với những giây phút được ở bên nhau. Sau vài năm, Federich được thăng tiến và bắt đầu lao vào công việc, ít có thời gian cho vợ con.

Claudia bắt đầu phàn nàn: "Anh phải có thì giờ cho anh, cho gia đình chứ. Nếu anh cứ bị cuốn hút hoàn toàn vào DN như thế thì em thấy anh không sống cho anh, anh không quan tâm đến em và hai con của chúng ta". Federich giải thích: "Bây giờ DN không có anh thì không thể phát triển, em hãy chờ anh vài ba năm nữa, thế nào chúng ta cũng sẽ có thì giờ cho nhau".

Khi con trai của họ mổ tim, Federich không về được vì phải bay đi họp rất xa. Ngay cả khi Claudia bị mổ khối u, Federich cũng không thể ở bên vợ. Doanh nghiệp đã trở thành nhà độc tài lấy hết thời gian của gia đình Federich. Và không bao giờ Federich có cơ hội có thời gian cho gia đình vì ông bị tai nạn giao thông, mất ở tuổi 51.

Sinh thời, Federich luôn nói: "Không ai có thể thay thế được tôi, tôi là rất quan trọng". Nhưng chỉ ba ngày sau khi Federich mất, DN đã thay ngay người khác.

"Bí quyết" của hạnh phúc" - chính là sự nuôi dưỡng lòng thương. Nhưng liệu điều này có phải là đối nghịch với ý chí vươn lên trong cuộc cạnh tranh khốc liệt chốn thương trường hoặc nỗ lực tìm kiếm lợi nhuận tối đa như mục tiêu của kinh doanh - như thắc mắc của một số doanh nhân nêu ra trong cuộc trò chuyện.

"Phật giáo không phản bác việc làm giàu - Thiền sư xác định - Nhưng giàu có để làm gì nếu không hạnh phúc? Tiền tài, danh vọng, quyền thế có góp phần vào hạnh phúc, nhưng thiếu lòng thương thì vẫn không thể hạnh phúc. Nhiều người giàu có mà rất cô đơn, lo lắng, luôn nghi ngờ mọi người chung quanh lợi dụng mình. Trong khi chính lòng thương tạo ra các mối quan hệ ấm áp, biết chia sẻ với nhiều người và khi ấy sẽ không còn cô độc".

Không để cho mọi người quá sa vào những lời giảng của mình, thỉnh thoảng một tiếng chuông ngân lên, Thiền sư lại nhắc: "Mời bạn thở vào thở ra ba hơi thở nhẹ và sâu, và nở một nụ cười. Chỉ mất mấy giây thôi mà đã khoẻ rồi phải không? Chúng ta có nhiều cơ hội để dừng lại và ngắm hoa trong một ngày. Chỉ cần quyết tâm và làm đúng phương pháp mà thôi. Không có con đường dẫn đến sự thảnh thơi, thảnh thơi chính là con đường".

Tổng Giám đốc Nhà Xinh hỏi: "Trong kinh doanh, mặc dù DN đã tạo mọi điều kiện và cố gắng giữ chân nhân viên thế nhưng họ vẫn bỏ đi? Vậy là do nhân viên chứ đâu phải do DN. Theo thiền sư, muốn giữ nhân viên đó thì phải làm cách nào?".

Thiền sư Nhất Hạnh cho rằng, lương bổng chưa hẳn là tất cả. Trong một DN, người sử dụng lao động và nhân viên được xem là đối tác. Trường hợp này, chủ DN chỉ mới làm theo cảm nghĩ của riêng mình, chưa lắng nghe, chưa hiểu biết đối tác. Đôi khi, chủ DN cứ tưởng đã làm hết sức mình, nhưng thực tế chưa đáp ứng nhu cầu của nhân viên. Vậy, mọi người nên ngồi xuống, lắng nghe, thấu hiểu nhau như một người bạn chứ đừng như một ông chủ, chắc chắn sẽ hiểu được đối tác của ta muốn gì.

Cũng theo Thiền sư, hạnh phúc là điều giản dị, nó có ở quanh ta, đôi khi chúng ta đang có, đang được hưởng niềm hạnh phúc ấy, nhưng không biết trân trọng, vì vậy, chúng ta cần quay về chánh niệm, hiểu được hạnh phúc mình đang có để giữ gìn nó, hiểu nó đang tồn tại bên cạnh ta và yêu quý nó. Tự nhiên hạnh phúc tràn trề. Hạnh phúc lớn, nhỏ, bền hay không là do cái tâm của mình. Hạnh phúc thực sự chỉ có khi có sự yên ổn trong tim. Thân an, tâm an mới có hạnh phúc.

Thời gian trôi nhanh, buổi pháp thoại đã kết thúc mà mọi người vẫn còn luyến tiếc. Tiếng chuông vang lên nhắc mọi người tỉnh thức và thở trong chánh niệm. Tôi cũng tập thở, mỉm cười và nhớ đến câu nói nổi tiếng "Breath, you are alive" - "Hãy thở đi, bạn đang sống".

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch