Cho người mới bắt đầu thực tập Thiền, tôi nghĩ rằng việc thực tập
Thiền rất cần có một chương trình được sắp đặt với những bước thứ tự.
Trước tiên, cần phải có một chỗ yên tịnh cho việc thực tập hằng ngày để
khỏi bị làm phiền trong lúc đang thực tập. Kế đến, rửa mặt, rửa tay và chân;
nếu thời gian cho phép, thì nên tắm sạch sẽ và mặt quần áo thích hợp. Nên thực
tập theo thời khóa biểu hằng ngày. Tôi thì tập vào lúc 6 giờ sáng và 6 giờ chiều,
lúc mà đàn chim bay về tổ. Và khi mà bạn tọa thiền, thì cần phải chú ý đến cách
ngồi. Sống lưng phải thẳng, và tinh thần phải sáng suốt, có cảnh giác, không
nên căng thẳng. Bây giờ bạn đã sẵn sàng bắt đầu. Nhưng, trước hết, đây là những
ý mở đầu.
Như Sujata đã nói trong quyển sách của ông " Bắt đầu thấy" --
"Thiền định là một điều hay nhất mà bạn có thể làm cho chính mình.' Tuy
nhiên, đối với thiền sinh sơ cơ nó không dễ dàng chút nào. Việc hành thiền cần
có sự tự nguyện, thôi thúc để nhìn vào bên trong của chính mình. Hành thiền cần
có kỷ luật và sự tự nguyện để đi xa hơn, không phải chỉ để trốn chạy hoặc bỏ
qua những vấn đề mà ta đang gặp phải.
Tại sao hành thiền ? Có rất nhiều lý do. Nhưng trội hơn hết là sự suy
nghĩ sáng suốt, xóa tan ngu si, ảo tưởng, tham lam, sân hận và ham muốn. Con
đường đến Niết Bàn là phải từ bỏ sự bám víu vào ' bản ngã'.
Bản ngã rất là cố chấp và láu cá. Ðôi lần ta có cảm giác là nó đã biến
mất, để rồi sau đó lại thấy nó trồi lên. Ðối với vài người con đường có thể còn
xa lắm. Chỉ có sự siêng năng, bền chí mới có thể giúp chúng ta đạt được mục
đích.
Bây giờ bạn đã ngồi, chân bắt tréo trên sàn, trong một căn phòng yên
tịnh. Trong tư thế kiết già, nếu bạn làm được, hoặc là bán kiết già, hoặc vì lý
do tật bệnh, bạn có thể ngồi trên ghế . Giữ đầu thẳng và cân bằng trên đôi vai.
Ðừng căng thẳng quá; nên thoải mái, thư giản, và chú tâm.
Những bước đầu của việc hành thiền là quan sát hơi thở. Chú ý nơi lỗ
mũi, theo hơi thở vào...ra...vào...ra... Chú tâm đến làn hơi khi làn hơi vừa
đến lỗ mũi. Hãy chú ý đến tất cả và như là không chú ý gì hết.
Ðiều nầy nghe như là nghịch lý. Nhưng thật sự là vậy. Lúc nầy không phải
là lúc mơ mộng, chạy theo những ý nghĩ lăng xăng lộn xộn. Bạn cần chú ý đến tư
thế ngồi của mình. Sau đó thì không nghĩ đến nó nữa. Bạn biết rằng quá khứ đã
qua, đã chết rồi. Ý thức về những gì bạn đã sống qua, vắng mặt. Tương lai thì
chưa đến. Bạn chỉ có 'hiện tại'... hiện tại trước mặt là sự ra vào của hơi thở.
Cốt ý là để làm trống tư tưởng, dẹp hết mọi thứ ' rác rến ' cùng những ý
nghĩ lăng xăng. Chỉ thở--vào ra--vào ra, đừng bao giờ ép hơi thở. Bạn cũng
không phải là người thở - bạn, - sự thở ra vào, cho đến lúc, cái tôi của bạn
cũng từ từ mờ đi và bắt đầu tan rã, biến mất.
Cứ hãy để cho tư tưởng cảm nhận được hơi thở khi vào, khi ra. Những lúc
đầu thực tập, đừng nghĩ nhiều. Bạn sẽ thấy hơi thở từ từ mỏng dần và nhẹ hơn
cho đến lúc bạn có cảm giác là bạn không còn thở nữa. Lúc nầy là lúc mà hơi thở
đã được 'yên tịnh', và trở nên rất dễ chịu.
Tôi đốt một cây đèn cầy trong phòng thiền . Cây đèn có ba mục đích. Thứ
nhất, nếu tư tưởng nghĩ vẩn vơ, thì cây đèn là điểm trở về sự chú tâm. Cặp mắt,
trước là quan sát cây đèn cầy, kế đó thì cặp mắt từ từ tự nhắm lại. Mặc dù mắt
nhắm, bạn vẫn cảm nhận được sự hiện diện của ánh đèn. Bạn có thể thấy được với
cặp mắt của tinh thần. Nó sẽ đưa bạn trở lại với hiện tại. Mục đích thứ hai chỉ
là tượng trưng : với tôi nó tượng trưng cho Ánh Sáng của Phật pháp. Và cuối
cùng là cây đèn giúp cho không khí dễ chịu và đáng yêu hơn. Nhang thơm, hoa, và
tượng Phật rất tốt nhưng cũng không cần lắm. Một người có thể thực hành thiền
bất cứ ở đâu, nơi nào mà yên tịnh, không bị làm phiền là tốt rồi.
Nếu bạn hành thiền ở nhà, nên tháo dây điện thoại ra, để không bị làm
phiền lúc đang thực tập.
Nên nhớ rằng địa điểm hành thiền không cần phải đặc biệt. Nhưng nên có
một chỗ nhất định và thời gian thì không được thay đổi, để cho chúng ta có được
một thói quen đúng giờ, đúng địa điểm. Như vậy là ta đã có được một bước bắt
đầu rất tốt. Bụt đã hành thiền nơi gốc bồ đề và nơi đó Ngài đã giác ngộ. Một
thiền sinh cao cấp có thể hành thiền bất cứ nơi nào -- chợ, nghĩa trang, hang
động, công viên hoặc nơi đống rác.
Trong lúc hành thiền, thiền sinh quay lại bên trong, nên những cảnh bên
ngoài không có tác động chi hết; ngược lại, lúc thiền sinh tiến xa hơn trên
bước đường thực tập, thiền sinh có thể dùng những hoàn cảnh chung quanh để làm
đề mục cho việc hành thiền. Ðiều quan trọng cần nhớ là những ý nghĩ nầy cần
được rèn luyện và chuyển hóa. Chúng cần được kiểm soát. Nhưng bạn, hiện giờ chỉ
trong lúc ban đầu. Những ý nghĩ từ bên ngoài sẽ tiếp tục xâm nhập tư tưởng bạn.
Ðiều nầy cũng tự nhiên thôi. Bạn sẽ ngạc nhiên thích thú với những lời chỉ dẫn
dường như là không quan trọng. Tuy nhiên, bạn vẫn phải học hỏi để biết đối phó
thích ứng với những điều nầy khi chúng xuất hiện. Ðừng hất chúng sang một bên
một cách giận dữ. Hãy dịu dàng, tử tế. Cho chúng những tên -- quá khứ--hiện
tại--vị lai ? Ðáng giá ? Không đáng giá? Oán thù ? Háo danh ? Ham muốn ? Ích kỷ
? Khi mà bạn bắt đầu cho chúng những nhãn hiệu là lúc mà chúng sẽ dần dần biến
mất. Khi chúng không còn hiện diện thì bạn trở lại với hơi thở của mình nơi lỗ
mũi. Hơi thở sẽ dần dà trở nên yên tịnh, lặng lẻ.
Những chướng ngại khác sẽ tự bị chèn ép. Những tiếng động sẽ thấm vào ý
thức của bạn -- con nít chạy chơi, la hét, xe buýt hoặc máy bay đi ngang. Hãy
gán cho chúng những nhãn hiệu như bạn đã làm với những ý nghĩ xuất hiện nơi tư
tưởng. Giữ sự chú tâm nơi hơi thở, hơi thở ra vào nhẹ nhàng, chầm chậm. Trong
một thời gian, những tiếng động cũng dần dần biến mất. Khi mà bạn thấy mình ở
'ngoài' , hãy đem bạn trở về với 'nơi nầy' và ' ở đây'. Khi mà bạn có thể ngồi
khoảng nữa tiếng mà không có ý nghĩ thì hơi thở của bạn đã được nhẹ nhàng và
đến độ không cảm thấy có nhịp thở nữa; lúc nầy, bạn sẽ thấy rằng không phải là
bạn đang hít thở, mà là vì có hơi thở, thì có bạn.
Tôi thấy rằng trong lúc hành thiền, miệng nên mỉm cười, giống như Bụt
vậy. Nụ cười mỉm nầy làm sáng tinh thần và làm cho tinh thần vui tươi hơn.
Lúc nầy trong lúc đầu của việc hành thiền, nếu bạn thực tập trong vòng
nữa tiếng hay lâu hơn, bạn nên tiếp tục cho xong hoặc kéo dài thêm thời gian
hành thiền. Hoặc giả bạn có thể hướng đến metta -- tâm từ. Thực tập nầy rất tốt
vì nó loại bỏ hận thù, ganh ghét, giận dữ và tự ti mặc cảm.
Nó tran trải tình thương đến tất cả, bản ngã bị tiêu diệt, chỉ có niềm
vui cảm thông, và cảm giác tốt đẹp cho tất cả mọi loài, hữu tình hoặc vô tình,
hữu hình hay vô hình, đang sống hay đã không còn trên đời. Lòng từ của bạn phải
chan hòa khắp trái đất và vũ trụ. Sau đó bạn sẽ thấy là không dễ dàng gì khi mà
giết chết một sinh vật dù đó là một côn trùng bé nhỏ.
Trong lúc trải rộng lòng từ, điều quan trọng nhất là bạn phải biết
thương chính mình, thương một cách đúng nghĩa. Bạn sẽ đạt được điều nầy khi mà
những ý nghĩ vẫn đục đã được loại bỏ. Hãy nghĩ như vầy " tôi sẽ dẹp bỏ hết
những tư tưởng vẫn đục trong tôi như sân hận, si mê, sợ hãi, tham lam, ham
muốn. Tôi sẽ làm cho tinh thần mình sáng suốt, tươi mát và trong trắng. Làm cho
tinh thần của tôi như là một cửa sổ trong suốt. Và với tinh thần trong sáng
không chút vẫn đục, tôi hướng đến mọi loài với lòng từ -- tình thương và lòng
tử tế.
Hãy tưởng tượng hình ảnh của người mà bạn muốn hướng lòng từ đến họ. Hãy
trở nên người đó. Cảm nhận được tánh tình của họ nơi bạn, hướng dẫn cảm giác
của bạn đến tư tưởng và trái tim người đó. Ðến một lúc bạn sẽ cảm nhận được một
sự cảm thông- thần giao cách cảm. Bạn sẽ cảm nhận được một sự ấm áp . Ðừng dừng
lại ở đây. Tiếp tục hướng đến người kế tiếp và kế tiếp. Hãy đem sự ấm áp,
thương yêu, tử tế của tâm hồn bạn và truyền dẫn chúng vào tâm người hoặc vật mà
bạn muốn hướng đến. Nếu bạn làm điều nầy một hay hai lần trong ngày, chân trời
của bạn sẽ được rộng mở . Bạn sẽ thấy rằng bạn đang truyền dẫn những rung động vi
tế nầy đến tất cả mọi loài, hữu hình và vô hình, không chút phân biệt. Ðây có
thể là bước mở đầu cho những sự quen biết mới mà chính bạn cũng không ngờ tới.
Tất cả mọi người, dù còn sống nơi đây hay đã chết. Quen cũng như lạ. Thú vật,
côn trùng, cây cối. Tất cả mọi thứ hữu cơ hay vô hữu cơ ( organic or
unorganic). Và trong dòng chảy vô tận nầy, cái ngã của bạn đang 'trôi', đang
hòa nhập vào tất cả mọi thứ.
Khi mà bạn tọa thiền xong, hãy đi thiền hành, và trong lúc nầy, nghĩ nhớ
về Bốn Chân Lý của Bụt dạy; tất cả mọi loài sanh ra để khổ, v...v...
Và ta cần phải tìm lối thoát ; tìm ngõ ra khỏi nơi đau
khổ. Hãy tìm lấy một con đường an toàn chắc chắn và hãy theo đó mà sống cuộc
sống của bạn. Và mục đích là Niết Bàn ngay tại đây, ngay trên trái đất nầy!