Chưa
bao giờ các công trình nghiên cứu về những bí mật của Thiền định lại
được các phương tiện thông tin đại chúng, các hãng truyền thông lớn, đề
cập đến nhiều như thời gian vừa qua. Các hãng tin như AP, Reuter các
báo như News Week, Time... đều có nhiều bài viết chi tiết mô tả những
khám phá của các nhà khoa học Anh, Mỹ qua phương pháp chụp cộng hưởng
từ hoạt động của bộ não các Thiền sư, đã phát hiện ra nhiều điều mà
trước đây, khi nói đến hầu hết mọi người đều nghĩ rằng đó chỉ là những
cảm giác có được do phương pháp tự kỷ ảm thị hoặc tưởng tượng mà thành.
Bản tin của Reuters dẫn tuyên bố của giáo sư Owen Flangan thuộc viện đại học Duke ở North Carolina đã tuyên bố rằng: "Bây giờ, chúng tôi có thể lập thuyết với nhiều tin tưởng rằng những bóng dáng các nhà sư có dáng dấp thanh thoát, an tịnh mà ta hay thấy ở những nơi như Dharamsala, Ấn độ, là họ thực sự hạnh phúc".
Năm 1967, giáo sư Herbert Benson ở đại học Y Harvard đã tiến hành
nghiên cứu trên 36 người thiền định và thấy rằng khi ngồi thiền họ dùng
lượng oxy ít hơn bình thường 17%, giảm 3 nhịp tim/phút và tăng sóng
theta ở não - hệt như trạng thái trước ngủ - trong khi toàn não vẫn
tỉnh táo. 7 năm sau, tiến sĩ tâm thần học Gregg Jacobs, Đại học
Harvard, qua ghi sóng não đã phát hiện ra rằng những người thiền có thể
sản ra rất nhiều sóng theta và có thể phong tỏa phần não trước vốn
nhận và xử lý cảm giác, ngoài ra họ cũng giảm thiểu hoạt động ở phần
thùy đỉnh não, nơi phụ trách các cảm giác về không gian - thời gian.
Bằng cách "tắt" thùy đỉnh não, người ta có thể mất cảm giác về giới hạn
và thấy vũ trụ "trở thành một".
Cuộc nghiên cứu khác gần đây của Paul Ekman thuộc Trung tâm Y học,
Viện đại học California, San Francisco, gợi ý rằng thiền định và quán
chiếu có thể chế phục được nhân hạnh đào (amygdale), một vùng não lưu
trữ những ký ức sợ hãi. Ekman khám phá ra rằng những thiền sư cao cấp
khó bị chấn kích, bất an, hoảng hốt hay nổi giận như những người thường
khác. Tuyến thượng thận, mơi tiết ra Adrrenalin, điền khiển nhịp tim
trong các trường hợp sợ hãi, hoảng hốt gần như được các Thiền sư khống
chế hoàn toàn. Ông tuyên bố trong một báo cáo trong tạp chí Nhà Khoa
học mới (New Scientist) rằng: "Lập thuyết hữu lý nhất là có cái gì đó
nơi hành thiền của Phật giáo đã dẫn đến một nguồn an lạc mà tất cả chúng
ta đều mưu cầu".
Các nhà khoa học đều tin chắc rằng Thiền định hoàn toàn có khả năng
"rửa" lại não, giải tỏa các khu vực căng thẳng vì máu ở trong tình
trạng ách tắc. Các trào lưu Thiền định ở Mỹ đều tin rằng Thiền định có
thể chữa được được các bệnh tim mạch, stress, ung thư, thậm chí cả AISD
và đã có trường hợp thay thế cho Viagra! Những điều này thật ra không
phải quá cường điệu, mọi hoạt động của cơ thể, mọi bệnh tật xét ra cho
cùng đều xuất phát từ bộ não. Một bộ não khỏe mạnh chắc chắn sẽ có một
cơ thể khỏe mạnh.
Thử lý giải những điều này trên cơ sở những điều đã biết và dựa trên
các kinh sách về Thiền định trong Phật giáo chúng ta thấy; bộ não con
người có 100 tỷ tế bào thần kinh. Mỗi tế bào thần kinh qua những đường
dẫn truyền lại có quan hệ với 50 ngàn tế bào thần kinh khác. Điều này
dễ hiểu sự hoạt động phức tạp trong việc xử lý các khối lượng thông tin
khổng lồ của bộ não. Thế nhưng điều này cũng cho chúng ta hiểu câu nói
mà nhà Phật hay nói: "Một niệm mà sinh thì trùng trùng duyên khởi".
Một tế bào thần kinh hoạt động, tức khắc sự lan truyền diễn ra như
trong phản ứng hạt nhân! Các ý nghĩ nối tiếp ý nghĩ, sự tư duy hình
thành. Các bạn hãy thử ngồi năm phút lúc rảnh rỗi và đếm xem trong
chừng đó thời gian mình đã nghĩ về bao nhiêu điều! Thường là không ít
hơn 10 chuyện nghĩ khác nhau!
Thật kỳ lạ, ngoài những lúc tập trung làm việc, thì ra chúng ta sử
dụng bộ não rất nhiều vào những chuyện vớ vẫn không đầu không cuối một
cách chẳng để làm gì .
Tuy vậy đó là điều bình thường của người khỏe mạnh. Ở người bị bệnh
tâm thần thì ý nghĩ của họ có thể chỉ có một nhưng họ không thể dừng nó
lại được, nó cứ phát triển một cách bùng nổ và đến mức độ nào đó thì
người bệnh sống với các ý nghĩ ấy, các ý nghĩ đều trở thành thật, và
chúng ta gọi họ bị bịnh điên. Những người trong trạng thái stress, cũng
không dứt ra được các tình cảm mà họ rơi vào. Điều này kéo dài sẽ đưa
đến những hiệu ứng tiêu cực trên toàn cơ thể. Có người thì bị tim mạch,
người thì đau dạ dày, người thì mất ngủ, suy nhược thần kinh, cơ
thể...
Như vậy là người khỏe mạnh bình thường đều đã biết rằng các ý nghĩ là
không có thật và không nên theo. Chúng ta đều biết dừng lại sau khi
"chạy" theo nó một đoạn. Điều này tuy bình thường nhưng các thiền sư
thì bảo đó là vọng tưởng. Cách gọi này không phải là không có lý ở góc
độ vô bổ, vô nghĩa. Các phương pháp thiền định đều tìm cách chặn các
niệm không cho nó khởi lên ngay từ gốc. Có phương pháp thì hướng sự tập
trung suy nghĩ vào chuyện khác như đếm hơi thở, theo dõi cơ thể trên
từng centimét vuông một, hoặc theo dõi một cách khách quan suy nghĩ của
mình không lơi lỏng, nghĩ cái gì là biết mình đang nghĩ cái đó; có
phương pháp thì tập trung suy nghĩ vào một công án, tức một câu hỏi gần
như không có lời đáp, ví dụ khuôn mặt ta khi cha mẹ chưa sinh ra là gì;
có phương pháp thì tập trung vào chuyện ngồi và biết mình đang ngồi,
có phương pháp như của Thầy Nhất Hạnh ở Pháp thì luôn nhẩm "Hít vào tâm
tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười"; có phương pháp như của thầy Thanh
Từ ở chùa Trúc Lâm Đà Lạt thì "Biết vọng không theo", gọi tắt là Tri
vọng; có phương pháp thì niệm chú hoặc nhún nhảy nhẹ nhàng theo một vũ
điệu nào đó... Tất thảy đều một mục đích làm sự hoạt động của bộ não
con người lắng xuống, yên tĩnh lại, dần dần đạt đến sự rỗng không.
Điều này hoàn toàn không dễ nếu không nói là vô cùng khó. Theo bản
năng, bộ não chúng ta không chịu tĩnh lặng, ngay cả khi đang ngủ. Trong
kinh Phật chúng ta đọc thấy câu "Chư Phật ngủ không mơ bao giờ!". Điều
này cho thấy bậc giác ngộ đã hoàn toàn đạt đến một trạng thái hoạt
động khác của bộ não và điều này thì rõ ràng khoa học chưa biết đến..
Nhà Thiền có câu chuyện như sau: Hương Nghiêm thông hiểu thiên kinh
vạn quyển nhưng vẫn là người chưa ngộ đạo. Một hôm Quy Sơn đến và nói: "Anh thật là thông minh tài trí nhưng hãy nói cho tôi biết, anh từ đâu mà có?".
Hương Nghiêm về lục tung hết tất cả sách vở để tìm câu trả lời. Đi đến
cùng câu hỏi ấy là vũ trụ này từ đâu mà có. Không tự trả lời được ông
tìm đến Quy Sơn và cầu khẩn: "Xin hé mở cho tôi cái bí mật của lời nói này". Quy Sơn bảo: "Nếu ta giải thích cho ngươi rõ ràng sau này ngươi sẽ oán ta".
Thế là Hương Nghiêm vứt bỏ tất cả để về quê cuốc đất. Một ngày kia sau
mười năm, lúc đang dãy cỏ, ông cuốc đụng một miểng sành và nhặt lấy
quăng vào một bụi trúc. Miểng sành chạm phải một cây trúc khô và ngân
lên một tiếng ngân đặc biệt. Hương Nghiêm bừng ngộ. Ông hiểu được ông
từ đâu mà có, vũ trụ này từ đâu mà có. Ông quỳ xuống, lạy về phía Quy
Sơn và bảo: "Sư phụ, lòng tốt của thầy thật bao la. Nếu ngày ấy thầy giải thích thì hôm nay làm sao con có được kinh nghiệm kỳ diệu này".
Cũng như công án âm thanh của một bàn tay, công án "Ta từ đâu mà có"
nếu xét về mặt kiến giải thì có thể xếp vào loại nhận thức một quy luật
của tự nhiên. Triết học hiện đại gọi đó là quy luật vận động, vật chất
là luôn vận động, vận động là một thuộc tính của vật chất. Triết học
hiện đại, triết học phương Tây thì tiếp cận các quy luật, các thuộc
tính của vật chất, của vũ trụ của sự sống... thông qua các khái niệm.
Triết học phương Đông nói chung và Phật giáo nói riêng, không làm như
vậy, các khái niệm luôn là vật cản, là tri chướng, không cho con người
có thể mang cả trí tuệ cũng như thể xác của họ thâm nhập vào các quy
luật có tính toàn vũ trụ. Khi giác ngộ thì mỗi tế bào cũng thấm đẫm cái
quy luật được chứng đắc ấy.. Tôn giáo nào cũng vậy, cái mục tiêu cuối
cùng luôn là động lực khiến các tín đồ theo và phấn đấu. Ở Phật giáo đó
là giác ngộ, là Niết Bàn.
Thêm một kiến giải nữa về giác ngộ là thêm một hạt muối thả vào biển.
Tuy vậy, vẫn không phải là không có cách. Chúng ta hãy thử giả định
rằng chúng ta đã giác ngộ, chúng ta đã tuệ thông với nhiều phép thần
thông tuyệt diệu, tai có thể nghe ngàn dặm, mắt có thể nhìn qua núi non
biển cả, thân hình có thể đi mây về gió, tỏa sáng hào quang, tinh thần
thông suốt không bị bất cứ một trở ngại nào, tạo hóa làm gì cũng có
thể hiểu được, ông Thượng Đế, nếu có, thì ngồi uống trà với ổng mà
không một chút e ngại .v.v... thì lúc ấy, cơ thể ta sẽ như thế nào? Bởi
vì các phép thần thông ấy khó biết, khó giải bày, bởi vì cái đời sống
tinh thần ấy hầu như không thể hiểu được, không thể kiểm chứng, không
thể xác nhận nên chúng ta sẽ tìm hiểu ở một góc độ khác là xem lúc ấy
cơ thể ta sẽ như thế nào.
Cái gì không biết chứ chắc chắn một điều rằng nó sẽ không giống với
cái cơ thể ta trước đó. Cái gì không biết chứ chắc chắn một điều là ta
sẽ chẳng có bệnh tật gì cả? Thật vô duyên khi một bậc giác ngộ mà bị
huyết áp, lớn tim, ho lao hoặc ung thư. Có thể có một số bệnh ngoại
khoa cấp tính như gãy xương, ruột thừa, hoặc bệnh kiết lỵ do ngộ độc
nấm độc mà Đức Thế Tôn đã mắc phải... còn ngoài ra cơ thể ta là một sự
khỏe mạnh đến trong suốt. Bệnh gì không biết chứ bệnh do tâm thần sinh
ra như huyết áp, tim mạch, stress, mất ngủ, đau đầu, chóng mặt, hoa
mắt, suy nhược, đau khớp, đái đường... sẽ không bao giờ mắc phải. Người
đã mắc phải, thì nếu giác ngộ xong bệnh này cũng sẽ biến mất.
Chắc chắn là như vậy rồi. Chúng ta hãy hình dung, những bệnh trên
xuất hiện do căng thẳng, lo nghĩ mà có. Người giác ngộ thế nào không
biết chứ chắc chắn đó là người không còn biết sợ, biết lo nữa. Cuộc
sống của họ là một sự ân sủng của tạo hóa ban cho trong từng giây, từng
phút, thì hỏi làm sao huyết áp tăng cho được? Bệnh huyết áp là bệnh
tây y bảo không chữa được. Chúng ta chưa có bằng chứng nhưng với những
gì biết được chúng ta có thể chắc chắn rằng người giác ngộ không bao
giờ tăng huyết áp. Các bác sĩ tim mạch hẳn cũng đồng ý điều này.. Và kể
từ đó ta sẽ có những giấc ngủ luôn thật ngon, đặc biệt là không bao giờ
mộng mị. Ngài A-nan khi kể về những giấc mơ của mình cho Phật nghe
Phật cũng bảo rằng chư Phật ngủ chẳng mơ bao giờ. Không có bất cứ một
giấc mơ nào dầu tốt hoặc xấu, dầu lành hoặc ác xuất hiện trong giấc ngủ
người giác ngộ.
Đây là cái phần nhô lên nhỏ nhoi của tảng băng trôi; cái phần lớn
nhất, quan trọng nhất, tinh hoa nhất của nó vẫn chìm dưới nước chưa
được biết đến. Chỉ với một chút có thể nhận thấy này chúng ta đã có thể
tin rằng nó rất thật..
Với giả định này chúng ta có thể tạm tin rằng người trong một chốc
giác ngộ sẽ tự nhận thấy những chuyển biến kỳ lạ chưa từng biết đến xảy
ra trong cơ thể mình. Nó rõ ràng như ngài Huệ Khả nói, "Nó thường biết rõ ràng, ngôn từ nói không tới!".
Nó thấy được sờ sờ như ngài Huệ Năng nói "Ai dè....", nó cũng tràn đầy
xúc cảm như ngài Bạt Tụy đã đi không vững, húc đầu vào cột nhà mấy lần,
về đến nhà khóc suốt ba đêm ba ngày vì nó. Thiền sư Vô Môn Huệ Khai
sau sáu năm miên mật, một ngày nọ khi nghe tiếng trống báo giờ cơm trưa
sư hoát nhiên đại ngộ và ứng khẩu bài kệ sau: Trời quang mây tạnh sấm
dậy vang lừng. Mọi vật trên đất, mắt bỗng thấy hết. Muôn hồng nghìn tía
cúi đầu làm lễ. Núi Tu-di cũng nhảy múa vui mừng. Sư được Thiền Sư
Nguyệt Lâm ấn chứng. Khi mà mô tả cái khác biệt của mình trong giây
phút trước và giây phút sau bằng những hình ảnh như thế, sấm dậy vang
lừng, núi Tu di cũng nhảy múa, thì ta biết đó là những cảm giác rất cụ
thể rõ ràng như thấy trước mắt, sờ bằng tay, hoàn toàn không có một chút
nào của tâm thức. Nó không giống như Archimede hoặc Newton reo lên
sung sướng nhưng rất dễ đột tử vì vỡ tim hoặc tai biến mạch máu não,
người giác ngộ thì khác hoàn toàn.
Và ở cái trạng thái này thì sự vô minh hay giác ngộ, niết bàn hay địa
ngục, thánh hay phàm, ma hay Phật, sân si hay buông xả, ngã hay vô
ngã, thế giới vật chất là thường hay vô thường... nào có gì quan trọng!
Mỗi phút giây là mỗi ân sủng mà tạo hóa đã ban cho. Các phép thần
thông cũng đâu có gì là quan trọng bởi bản thân họ là một thần thông
tuyệt diệu nhất. Trong trạng thái tĩnh lặng, yên vui ấy tai ta sẽ nghe
tất cả âm thanh kỳ diệu của tạo hóa, từ tiếng chim hót đến điệu nhạc
disco inh tai nhức óc, từ tiếng của chồi cây đang vươn lên đến âm thanh
của các vì tinh tú xa xôi. Năm 761 vua Túc Tông nhà Đường thỉnh Huệ
Trung đến kinh đô phong làm Quốc sư. Suốt trong lần yến kiến vua đã hỏi
ông nhiều câu, tuy nhiên ông không hề nhìn vua lấy một lần. Vua giận
mới bảo: "Trẫm là Thiên Tử nước Đại Đường, sao thầy không một lần hạ cố nhìn đến trẫm?". Huệ Trung trả lời: "Bệ hạ có nhìn thấy hư không trên kia chăng?". "Có". "Hư không có nháy mắt với bệ hạ không?".
Cái tâm thế hoàn toàn không thuộc về ý thức nhưng biết rõ là mình đồng
với vũ trụ, hòa với cỏ cây rất thật ấy, khoa học hiện đại, tâm lý học
hiện đại hoàn toàn chưa biết đến.
Có thật vậy không, không biết, chỉ có một điều chắc chắn là ta sẽ
nghe rõ nhất những tiếng nói từ trong của cơ thể ta. Chính đây là bí ẩn
của các bậc giác ngộ. Gần như tất cả đều biết giây phút mình ra đi và
tất cả đều bình thản đón nhận. Nói như vậy là đã hơi xa cách, ở trạng
thái này thì cái chết và cái sống không hề có phân biệt. Hay một điều
là nó không cần đến một chút nào của ý thức để xác tín điều đó. Chúng
ta, người đời vẫn hay nói về sự thanh thản khi chết, chuẩn bị cho cái
chết, xem cái chết tựa lông hồng, thế nhưng xem cái chết như đang sống
mà không cần đến một chút ý thức nào thì chỉ có ở người giác ngộ .
Tóm lại, đó vẫn là chuyện... như là chúng ta xem phim khủng long! Tất
cả dựa trên một ít "xương cốt" hóa thạch để lại chứ khủng long sống
thế nào, kêu rống thế nào thì chẳng ai biết. Các nhà khoa học đang tìm
cách tái sinh nó. Giác ngộ cũng vậy, các Phật tử đều đang chờ Di Lặc
xuất hiện mặc dầu tinh thần Phật giáo không xem điều đó làm trọng.
Hình như đã đến lúc con người bắt đầu hiểu được giá trị của mặt bên
kia trong hoạt động của bộ não, mặt tĩnh lặng, không hoạt động nhưng
lại vô cùng tỉnh thức. Con người đã nghĩ ra hằng trăm phương pháp thể
dục cho cơ thể, thế nhưng một phương pháp thể dục cho tinh thần thì hầu
như chưa ai nghĩ đến. May sao con người đã có phương pháp thiền định
từ hơn 2500 năm trước, tuy bị lãng quên hoặc ngộ nhận nhiều điều nhưng
cuối cùng chắc chắn nó sẽ có những đóng góp tích cực cho cuộc sống và
văn minh nhân loại trong thiên niên kỷ thứ ba này.
Theo Hồ Trung Tú - Tạp chí Tia Sáng