Lòng tham là một trong những nguyên nhân sinh khởi khổ đau cho ta,
nên ta muốn từ bỏ khổ đau là ta phải biết từ bỏ lòng tham ở nơi chính
ta.
Lòng tham là một trong những nguyên nhân sinh khởi khổ đau cho ta,
nên ta muốn từ bỏ khổ đau là ta phải biết từ bỏ lòng tham ở nơi chính
ta.
Quan điểm này là chính xác, nhưng làm sao để ta có thể từ bỏ được nó?
Nếu lòng tham của ta có hình tướng cụ thể, và ta không thích nó, thì
ta cắt bỏ nó rất là dễ, nhưng lòng tham của ta không có hình tướng, nó
lại nằm sâu trong lòng ta và mỗi khi ta nhìn thấy tiền bạc, hình sắc,
danh vọng, quyền lợi và các thực phẩm quyến rũ, thì nó mới xuất hiện để
điều khiển ta đi về hướng ấy và chạy theo những cái ấy để bám víu, từ đó
thất vọng và khổ đau sinh khởi trong đời sống của ta.
Như vậy, ta biết khổ mà không trừ được nguyên nhân gây khổ thì khổ
đau và thất vọng của ta càng tăng lên gấp bội; ta biết bệnh mà không trừ
được nguyên nhân gây bệnh, thì thân thể ta có nguy cơ hủy diệt, và sự
lo sợ của ta đối với bệnh và nguyên nhân gây bệnh lại tăng lên nhanh
chóng, khổ đau trong đời sống của ta cũng từ đó mà hiện hữu và lớn mạnh.
Cũng vậy, một vị tướng cầm quân đi đánh giặc, không biết giặc ẩn núp ở
nơi nào, thì đó là một sự rủi ro cho cuộc đời làm tướng. Và rủi ro cũng
như bất hạnh hơn nữa, khi ông ta biết đó là giặc, không diệt được nó,
mà phải đầu hàng với nó, thì sự khổ đau của ông ta khó lòng tả nổi.
Cũng như thế đó, ta muốn từ bỏ khổ đau, từ bỏ nguyên nhân khổ đau,
nhưng không biết nó nằm ở đâu trong đời sống của ta, và ta không thể từ
bỏ được chúng, thì khổ đau trong đời sống của ta càng tăng lên với cấp
lũy thừa. Và như vậy, an lạc và hạnh phúc đối với ta chỉ là những ước mơ
mà không bao giờ trở thành hiện thực.
Nên, với thiền quán có tuệ giác từ bi, ta không từ chối và xua đuổi
lòng tham trong ta, mà ta hãy nhìn nó một cách sâu sắc, đằm thắm và định
tĩnh, mỗi khi các quan năng của ta tiếp xúc với các đối tượng mà ta cho
là khả ý, khả ái và khả lạc, là lòng tham của ta liền xuất hiện và có
mặt ở đó, cho ta tiếp xúc, nhận diện và quán chiếu.
Trong khi tiếp xúc với nó, ta đừng đồng cảm với nó và đừng biến nó
thành ta, hay ta đừng để nó biến ta thành nó. Nó biến thành ta hay ta
biến thành nó đều là giặc, cướp mất hạnh phúc của ta và gây thiệt hại
cho nhiều người khác.
Ta cũng không biến nó trở thành những đối tượng thù ghét của ta. Nếu
ta biến nó trở thành đối tượng thù ghét của ta, thì trong ta không những
có mặt của tham mà còn có mặt của sân, của giận dữ và thù hận, nên khổ
đau của ta càng lúc càng tăng lên mà không giảm xuống.
Vì vậy, ta không biến tham lam trở thành đối tượng thù ghét của ta,
mà ta chỉ nhận diện đơn thuần đối với nó và ôm nó vào trong đôi mắt
thiền quán của ta, ta cám ơn và hết lòng chăm sóc nó bằng chất liệu của
tuệ giác từ bi.
Khi ta tiếp xúc và ôm ấp lòng tham của ta bằng tuệ giác từ bi, thì
lòng tham không còn là lòng tham nữa. Ta nuôi dưỡng lòng tham trong ta
bằng chất liệu của tuệ giác từ bi, thì lòng tham của ta sẽ lớn lên trong
tuệ giác ấy, thì nó không còn là nó nữa, nó là tuệ giác từ bi.
Nếu, ta nhìn sâu vào lòng tham của ta, ta biết chính xác, nó là
nguyên nhân gây khổ, và ta cũng biết chính xác rằng, nó cũng có thể thay
đổi, để trở thành tuệ giác từ bi, đem lại rất nhiều an lạc cho ta và
cho tất cả mọi người.
Ngày xưa đất nước còn chiến tranh, người đứng bên này chiến tuyến xem
người bên kia chiến tuyến là kẻ thù và người bên kia chiến tuyến xem
người bên này chiến tuyến là kẻ thù, và người ta sẵn sàng sử dụng bạo
lực để đối xử với nhau mỗi khi trực diện, và người ta đã giết nhau chết
như rạ.
Hồi ấy, thầy Nhất Hạnh có làm bài thơ: “Kẻ thù ta không phải là
người. Kẻ thù ta là lòng tham, là vu khống, là bạo tàn. Chúng ta chống
những cái cuồng tín, bạo tàn, tham lam, vu khống nhưng mà ta không chống
con người”.
Dựa vào ý thơ này, Phạm Duy đã phổ thành bản nhạc Kẻ thù ta không
phải là người. Bản nhạc này được phổ biến vào thời ấy và có nhiều người
rất thích, nhất là những năm 1966. Thuở ấy, tôi cũng hay hát và rất
thích lời và nhạc trong bản nhạc này, nhưng ngày nay thì không còn thích
chút nào nữa.
Bởi vì ngày nay tu tập, trong tôi không thấy ai là kẻ thù cả, ngay cả
lòng tham, lòng hận thù trong tôi và trong tất cả mọi người.
Trong thực tế, ta không thể nào tách rời con người ra khỏi tâm thức
của họ và ta không thể nào tách rời tâm thức ra khỏi con người của họ.
Nên, ta không thể nói, tôi ghét tâm thức của anh, nhưng tôi không ghét
anh, hay tôi thương anh, nhưng tôi không thể thương tâm thức của anh. Và
cũng không thể nói, tôi chống anh, nhưng tôi không chống cái tâm thức
của anh; hoặc tôi thương anh, nhưng tôi không thương cái tâm thức của
anh.
Những cách nói ấy, không phù hợp với sự thực nghiệm giáo lý “tương tức” của Phật dạy.
Nên, phải biết nhận diện và quán chiếu thân thể ta, cảm thọ của ta,
các tâm hành của ta và các nhận thức của ta bằng tuệ giác từ bi, thì ta
mới thực sự có an lạc và có đời sống hòa bình của thân tâm. Và ta cũng
đem tuệ giác từ bi ấy để tiếp xúc, nhận diện quán chiếu đối với thân
thể, cảm thọ, tâm hành, nhận thức của mọi người và mọi loài, để ta có
thể đồng cảm và sống chung hòa bình với tất cả.
Thế giới ngày nay, người ta đang nỗ lực để toàn cầu hóa đời sống con
người về những lãnh vực kinh tế, chính trị, thông tin, khoa học, v.v...
nhưng chắc chắn không thể tạo ra hạnh phúc và hòa bình cho con người.
Trái lại, nó sẽ phát sinh những lo lắng, sợ hãi và khổ đau mới cho con
người. Bởi lẽ, nguyên nhân sinh khởi khổ đau chưa được con người nhìn
nhận và đánh giá đúng mức để giải quyết tận căn để.
Con người ngày nay đang nỗ lực toàn cầu hóa về kinh tế, thông tin
khoa học và chính trị, nhưng vắng mặt của tuệ giác từ bi trong toàn cầu
hóa ấy thì đời sống con người sẽ xảy ra những thảm trạng bi đát và khổ
đau hơn mà con người không thể nào lường trước được.
Toàn cầu hóa kinh tế, chính trị và thông tin khoa học mà thiếu tuệ
giác từ bi, ta sẽ làm mồi cho lòng tham trong ta bộc phát ngày thêm lớn
rộng và mãnh liệt.
Như vậy, đến khi nào con người mới có an lạc và thế giới loài người có đời sống hòa bình đúng nghĩa?
Ta muốn toàn cầu hóa về kinh tế, chính trị và thông tin khoa học thì
trước hết phải biết vai trò và giá trị của tâm trong việc toàn cầu hóa
ấy.
Tác động của tâm không phải chỉ là toàn cầu hóa mà đã hóa toàn cầu.
Nếu tác động của tâm đi kèm theo với các thuộc tính tham lam, hận
thù, si mê, cố chấp vào những ngã tính và ngã kiến, thì toàn cầu hóa là
hóa ra tăm tối toàn cầu, quả đất bị khoanh vùng từng khu vực, để ăn chia
quyền lợi và sát phạt nhau cũng như kiểm soát nhau bằng những dụng cụ
khoa học kỹ thuật tân kỳ bởi những quốc gia hùng mạnh.
Như vậy, càng toàn cầu hóa, con người lại càng mất tự do và bi đát hơn.
Và nếu tác động của tâm đi kèm theo các thuộc tính tự giác, tự trọng,
tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình, có sự hiểu biết lớn, có sự
thương yêu sâu, có sự bao dung, xả kỷ, vô ngã và vị tha, thì toàn cầu
hóa là làm cho toàn cầu hóa ra sự chia sẻ, quân bình, cảm thông, tạo ra
một thế giới trong sạch, hòa bình và an lạc.
Bởi vậy, toàn cầu hóa mà ta không biết cách hóa toàn cầu của tâm, mà
chỉ nhắm tới toàn cầu hóa về kinh tế, chính trị, khoa học thông tin,...
là ta chưa thấy được căn để của vấn đề về con người và thế giới của nó.
Căn để của con người và thế giới của nó là nơi tâm của họ. Tâm của
con người cá nhân quyết định sự thấp kém hay văn minh của chính nó. Và
tâm thức cộng đồng, tâm thức xã hội quyết định sự văn minh hay thấp kém
của cộng đồng hay xã hội ấy.
Cách đây hơn bốn mươi năm, khi bước chân vào chùa hành điệu, thầy tôi
đã trao cho tôi bài kệ của kinh Hoa Nghiêm và buộc học thuộc lòng để
thực tập. Bài kệ như sau:
“Nhược nhơn dục liễu tri
tam thế nhất thiết Phật
ưng quán pháp giới tánh
nhất thiết duy tâm tạo”.*
Nghĩa là:
Nếu người nào muốn biết
tất cả Phật ba đời
nên nhìn tính vũ trụ
tâm tạo thành tất cả.
Như vậy, tâm không những tạo nên con người mà còn tạo nên vũ trụ cho
con người. Và tâm không những tạo nên chư Phật ba đời mà còn tạo nên thế
giới của các Ngài nữa.
Tâm mê tạo thành thế giới của chúng sanh, tâm giác tạo thành thế giới của chư Phật.
Thông điệp ấy, đức Phật đã nói cho chúng ta qua mấy ngàn năm, và đã
mấy ngàn năm lịch sử nhân loại truyền thừa. Vậy thì hạnh phúc và khổ
đau, văn minh và chậm tiến của con người nằm ở nơi nào? Thế mà ngày nay
con người vẫn cứ khắc khoải kiếm tìm và điều đáng buồn cười nhất là họ
đã và đang dắt tay nhau đi tìm bình đẳng đối tác nơi các công trường sản
xuất, đi tìm hạnh phúc nơi các thị trường tiêu thụ, đi tìm tự do nơi
các khế ước và đi tìm hòa bình nơi các vũ khí hạt nhân!
Vậy, ta muốn toàn cầu hóa có hiệu quả, trước hết là phải hóa tuệ giác
từ bi toàn cầu nơi tâm của những người chủ xướng và cổ súy ấy. Nếu
không thì toàn cầu hóa không phải là đời sống con người mà chỉ là những ý
tưởng và ảo giác. Vả lại, những sợ hãi cô đơn, già, bệnh và chết của
con người không những còn nguyên vẹn mà lại còn tăng lên gấp bội.
THÍCH THÁI HÒA
(*) Hoa Nghiêm kinh 10, Hán, Phật-đà-bạt-đà-la, tr 466A, Đại Chính 9