Thiền học
"Lăng Già Sư" và thiền tông Trung Quốc
Thích Ngộ An lược dịch
03/04/2012 13:29 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Từ tổ Đạt-ma đến tổ Hoằng Nhẫn, Thiền tông chưa chính thức dùng chữ “Thiền tông” làm tên gọi cho tông phái mình. Thời kỳ này Thiền tông chủ yếu y cứ vào bốn quyển “Kinh Lăng-già” và dùng kinh này để truyền thừa cho nhau. Cho nên trong “Lăng-già Sư Tư Ký” đã liệt 5 đời thiền sư (cùng với vị tổ thứ 6 là Thần Tú) làm “Lăng Già Sư”. Người đời gọi 5 vị thiền sư này (cùng với Thần Tú) là “Lăng Già Sư”, gọi giai đoạn lịch sử thiền học trước khi Thiền tông được thành lập này là “Thời kỳ Lăng-già Sư thừa”.


Ban đầu tổ sư Đạt-ma đến Trung Quốc truyền bá pháp thiền Đại thừa Ấn Độ, nêu lên tông chỉ “nương giáo ngộ tông”. “Giáo” đây là chỉ cho 4 quyển kinh Lăng Già, còn cái gọi là “Tông” là chỉ cho “tự tánh thông” mà trong kinh Lăng-già đề cập. Tổ sư Đạt-ma cho rằng: “Muốn tự mình chứng ngộ thánh trí (nội chứng) thì trước tiên phải nương vào giáo pháp và từ đó mới giác ngộ cho người, do vậy nên gọi là “nương giáo ngộ tông”. Điều đó cho thấy rõ rằng bản thân tổ Đạt-ma đã dùng kinh Lăng-già làm bộ kinh điển y cứ căn bản. Trong Lăng-già Sư Tư ký chép: “ Đệ tử Đàm Lâm ghi lại những hành trạng lời nói của thầy mình, tập hợp lại thành một quyển gọi là “Đạt-ma Luận”, còn sư Bồ-đề thì lại lấy quyển yếu nghĩa “Lăng-già” chuyên giải thích về các cách thức tọa thiền gồm 23 trang gọi là “Đạt-ma Luận”. Về sau tổ sư Đạt-ma truyền 4 quyển kinh Lăng-già này cho tổ Huệ Khả, đồng thời còn dặn rõ: “ Ta xét thấy ở đất Hán này chỉ thích hợp với kinh Lăng-già, nếu ông thực hành theo đó thì có thể độ được mọi người”. Tổ Huệ Khả cũng bảo các thầy Na, Mãn, v.v... lấy 4 quyển kinh Lăng-già này làm tâm yếu, y theo đó mà nói năng hành xử thì sẽ không có gì phải hối tiếc. (Tục Cao Tăng truyện, quyển 19). Thể theo tâm nguyện của tổ sư Đạt-ma, tổ Huệ Khả tiếp tục duy trì và truyền thừa kinh Lăng-già. Đối với kinh Lăng-già, tổ Huệ Khả chọn cách giải thích tự do, không câu nệ vào văn tự, không phụ thuộc vào Huyền học. Các đệ tử của tổ Huệ Khả cũng rất xem trọng việc học tập nghiên cứu kinh Lăng-già: (pháp) Xung lâu ngày nghiên cứu, thấm nhuần ý nghĩa thâm áo của kinh Lăng-già, đến khi vấn đạo không hề tỏ ra lo sợ. Điều này đã khiến cho phong trào học tập Lăng-già của các hậu duệ tổ Huệ Khả trở nên thạnh hành, tức theo Sư học tập nhiều lần những nét chính yếu của kinh. Sau đó rời đồ chúng dấn thân hành đạo, Sư đã liên tục giảng giải kinh này hơn 30 lần, lại gặp tổ Huệ Khả đích thân truyền dạy và giảng kinh Lăng-già theo quan điểm của tông Nhất thừa thuộc miền Nam Ấn Độ hơn một trăm lần. Từ khi Xung Công học tập kinh điển, chuyên lấy kinh Lăng-già làm mạng mạch của mình, trước sau giảng giải gần 200 lần.”(Tục Cao Tăng Truyện, quyển 25).

Trên lịch sử đang tranh luận sôi nổi về vấn đề tổ Tăng Xán là người có thực hay không, nhưng căn cứ vào sự phân tích tư liệu của Tục Cao Tăng Truyện, Truyền Pháp Bảo Ký, Lịch Đại Pháp Bảo Ký, Lăng-già Sư Tư Ký, Pháp Như Hành Trạng, hoặc Đại Thông Thiền Sư Bi v.v… thì tổ Tăng Xán là nhân vật lịch sử, lại nói ít nhất là vào cuối thế kỷ VII thì sự truyền thừa của 5 đời tổ sư Đạt-ma, Huệ Khả, Tăng Xán, Đạo Tín, Hoằng Nhẫn đã được đa số công nhận. Sau khi tổ Tăng Xán kế thừa tổ Huệ Khả, tiếp tục lấy Lăng-già làm tâm yếu, nhưng ngài lại “miệng nói huyền học, không ghi thành văn ký, an nhiên mà tĩnh tọa” (Lăng-già Sư Tư Ký).

Tổ Đạo Tín và tổ Hoằng Nhẫn sáng lập ra pháp môn Đông Sơn, phát triển rộng ra một bước thuyết Lăng-già Sư. Tổ Đạo Tín thừa nhận rằng: “Nói đến pháp môn Đông Sơn của tôi thì phải y cứ vào kinh Lăng-già, đó chính là đệ nhất tâm của chư Phật”. Kiên trì quan điểm của kinh Lăng-già, nương giáo ngộ tông, trong ngoài tương trợ, lí sự tương dung. Trên nguyên tắc thì tổ Hoằng Nhẫn vẫn lấy kinh Lăng-già làm kinh điển y cứ. Trong Lăng-già Sư Tư Ký ghi rằng: “Tổ Hoằng Nhẫn đem ý nghĩa Lăng-già để khai thị cho các môn đồ: “Ta và Thần Tú cùng biện luận về kinh Lăng-già, huyền lí thông dung, ắt đạt được nhiều lợi lạc.” Trong bản Đàn Kinh (Kinh Pháp Bảo Đàn) ở động Đôn Hoàng lại ghi chép như vầy: “Vào lúc sáng sớm, tổ Hoằng Nhẫn gọi Lô Cung Phụng đến vẽ Lăng-già Biến Tướng Đồ trước hành lang phía Nam, nhưng sau đó nhìn thấy bài thi kệ của tổ Huệ Năng bèn bỏ ý định này. Do đây tổ Đạo Tín và tổ Hoằng Nhẫn vẫn tiếp tục truyền thống vốn có của tổ Đạt-ma, lấy kinh Lăng-già làm kinh điển căn bản, chỉ là vào lúc ấy đồng thời cũng xuất hiện xu hướng dần chuyển sang Kinh Kim Cang. Nói một cách nghiêm túc thì Bắc tông của lịch sử thiền học vẫn tiếp tục thiền học Lăng-già. Thần Tú tự xưng là đã bẩm thọ pháp môn Đông Sơn, thiền pháp ấy vẫn có đầy đủ bản sắc của việc phụng trì Lăng-già làm tâm yếu. Huyền Trách, một trong những đệ tử của tổ Hoằng Nhẫn vì tuyên truyền thiền học của hệ thống Lăng-già Sư mà đặc biệt soạn ra quyển “Lăng-già Nhân Pháp Chí”. Đệ tử của Huyền Trách là Tịnh Giác cũng dựa vào nền tảng này mà biên soạn quyển “Lăng-già Sư Tư Ký” , liệt kê ra biểu đồ thế hệ của Lăng-già Sư Tư, biểu đồ thế hệ này không chỉ xem Thần Tú là truyền nhân của Lăng-già Sư mà còn xem đệ tử của Ngài là Phổ Tịch, Cảnh Hiền, Nghĩa Phúc v.v... làm thế hệ sau của Lăng-già Sư. Việc này cũng có lí do của nó.

Có người xem “thời kỳ Lăng-già Sư Thừa” trước khi thiền tông được thành lập là lịch sử của Lăng-già Tông, cho rằng “từ tổ Đạt-ma đến Thần Tú đều là tông Lăng-già chính thống”(Hồ Thích trong Lăng-già Tông Khảo), trên thực tế đây là một sự hiểu lầm, trong lịch sử căn bản không có tồn tại cái được gọi là Lăng-già Tông.

Chánh điện chùa Ngũ Tổ Thiền ở Huỳnh Mai, Hồ Bắc. Chùa Ngũ Tổ Thiền được xây dựng vào năm 654 công nguyên (năm thứ 5, niên hiệu Vĩnh Huy, đời nhà Đường), là đạo tràng của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, vị tổ sư thứ năm của thiền tông Trung Quốc, đây cũng là nơi Lục Tổ Huệ Năng đắc pháp và được truyền thụ y bát. Trên lịch sử, chùa này từng sắc phong là” Thiên hạ tổ đình”, trên nóc chính điện chùa kiến trúc theo kiểu Ẩm Sơn có hai lớp mái vòm, tường màu vàng ngói màu lam. Trước chánh điện còn có bia đá khắc “Thiên hạ Thiền lâm” do Tống Huy Tông thủ bút, biểu hiện được thanh uy pháp môn Đông Sơn của Ngũ Tổ.

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch