Thiền học
Tu Thiền
03/05/2014 09:22 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trên bước đường tìm chân lý, khi chưa đắc đạo, Đức Phật đã học Thiền với hai vị Thầy là Kamala và Uất Đầu Lam Phất. Mặc dù Ngài đã đạt đến quả vị cao nhất theo pháp Thiền của hai vị này, nhưng Ngài nhận thấy đó không phải là mục tiêu mà Ngài tìm cầu, vì vẫn còn phải chịu sự chi phối của sự vận hành trong vòng sinh tử luân hồi.


thien92512.png


Ngài liền từ giã hai vị này để tiếp tục mục tiêu Ngài đặt ra. Với trí giác của bậc Bồ tát Nhứt sanh bổ xứ hiện thân lại cuộc đời này, cho nên chỉ sau 21 ngày Thiền định ở Bồ Đề đạo tràng, Ngài đã đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác; đó chính là đỉnh cao nhất của Thiền mà Đức Phật tự thân trải nghiệm. Từ đó, Đức Phật bắt đầu giao hóa độ sinh và bài pháp đầu tiên Ngài giảng dạy cho năm anh em Kiều Trần Như là 37 trợ đạo phẩm thuộc Đạo đế trong Tứ diệu đế. 37 trợ đạo phẩm mà Đức Phật đưa ra là những phương pháp tốt nhất nhằm giúp cho các đệ tử thực tập Thiền quán để từng bước đạt được trí tuệ sáng suốt, thấy sự vật đúng như thật và giải thoát khỏi sanh tử khổ đau.

Khi sự giáo hóa của Đức Phật được mở rộng, đối trước căn cơ, trình độ, nghiệp lực khác nhau của thính chúng, Đức Phật đã dùng vô số phương tiện giảng dạy cho mọi người có thể nắm bắt được giáo pháp của Ngài. Từ đó về sau, mỗi người lại chấp vào một phương tiện mà cho đó là cứu cánh. Đức Phật thường quở trách người chấp pháp giống như người mù rờ voi. Họ bị vướng mắc với pháp phương tiện, mà không biết cốt lõi của đạo Phật là Thiền. Thiền là trí sáng, trí giác; vì vậy, tu pháp phương tiện của Phật để tâm trí được sáng ra, mới thể hiện được tinh thần Phật dạy.

Trong số những bậc chân tu đạt đạo thấu tỏ được cốt tủy của Thiền, có Bồ tát Long Thọ ở Ấn Độ. Ngài nhận được tôn ý của Phật, mới soạn Trung quán luận để phá bỏ những ý tưởng sai lâm vì sự chấp chặt như chấp có chấp không, chấp thường chấp đoạn, chấp sanh chấp hoại, v.v... của hàng ngoại đạo hoặc của những người mắc bệnh chấp pháp.

Khi Thiền tông truyền sang Trung Quốc, Ngài Thiên Thai Trí Giả tiếp nhận được tinh ba của Thiền, từ Nhất tâm tam quán của Ngài Huệ Tư Thiền sư mà Ngài đã ngộ được đỉnh cao nhất và phát huy thành Nhất niệm tam thiên, biên soạn thành bộ Ma Ha Chỉ Quán làm kim chỉ nam cho những Thiền giả đời sau.

Riêng các Thiền sư Việt Nam thời xưa tuy kế thừa tinh thần Thiền của Phật giáo Trung Quốc, nhưng các Ngài cũng có hướng đi riêng trong sự thể nghiệm Thiền quán và đã đạt được sự chứng ngộ, có được trí tuệ sáng suốt, nhận thây những việc cần làm cho đất nước chúng ta. Lịch sử còn ghi đậm dấu ấn trí tuệ và thành quả lớn lao của các vị Thiền sư đã một thời đóng góp cho đất nước Việt Nam như Vạn Hạnh, Khuông Việt, Đỗ Thuận, Trần Thái Tông, Trân Nhân Tông, Tuệ Trung, Tuệ Tĩnh, v.v... Các Ngài đã làm sáng danh Thiền tông Việt Nam, làm nên thời kỳ vàng son cho Phật giáo chúng ta.

Tuy nhiên, trải qua thời gian rất dài, vắng bóng những bậc tu hành đắc đạo, mà chỉ có người tu hình thức, dẫn đến tình trạng Phật giáo bị suy đồi từ cuối đời Trần đến thời Pháp thuộc.
Trong thời gian gần đây, một số vị nghiên cứu và tu tập Thiền nổi danh như Thiền sư Nhất Hạnh, Thiền sư Thanh Từ, cố Thiền sư Duy Lực. Các Ngài đã mở các khóa Thiền giảng dạy và hướng dẫn pháp tu Thiền đã giúp cho nhiều người chữa được căn bệnh thời đại gọi là Stress, tức giải tỏa được tâm lý bị khủng hoảng vì áp lực của nhiều vấn đề trong cuộc sống thời hiện đại; nhưng thành thật mà nói, hiệu quả chỉ ở chừng mực đó thôi.

Ngoài ra, Thiền Tứ niệm xứ theo Nguyên thủy cũng được truyền dạy ở Việt Nam và cũng có nhiều người thực tập; nhưng cũng chưa thấy kết quả đặc sắc.

Chúng tôi kỳ vọng trong tương lai sẽ có những người tu chứng thật sự, có trí sáng, thấy đúng mọi việc để giúp cho mọi người thực hiện được cuộc sống an lạc giữa chốn bụi trần và xa hơn nữa xây dựng được Tịnh độ ở cõi nhân gian này.

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch