Phiền não được nói đến ở đây là phiền não của hành giả
trước khi vào Thiền. Ðối với tuổi trẻ, đây là một vấn đề giáo dục thật
chủ yếu. Phiền não cướp đi mất hạnh phúc và tươi tắn của tuổi trẻ. Nó
ngăn trở các nguồn sáng tạo, làm trì trệ việc phát triển khả năng,
làm giảm sút nhiều hiệu năng tiếp thu của sinh viên, học sinh, nghĩa
là làm mất nhiều hiệu năng của việc dạy, học, giáo dục. Nó là đối
tượng chính của ngành tâm lý giáo dục hiện tại. Ðể giúp cho con người
nói chung, tuổi trẻ nói riêng, hàng phục phiền não, các học đường tiên
tiến đã áp dụng nhiều biện pháp giải trừ mà biện pháp Thiền Chỉ và
Thiền Quán đã được vận dụng từ ba thập niên trở lại là hiệu lực nhất,
dù mức độ phổ biến còn giới hạn.
Như chúng ta biết, đạo Phật là đạo đoạn trừ phiền não, khổ đau.
Thiền định là con đường trực tiếp hàng phục nó. Nói Thiền định có khả
năng hàng phục phiền não và vô minh là nói đến khả năng hàng phục ở đương niệm, đương thời, tại đương xứ (nói giản dị là: nó hàng phục phiền não ngay trong hiện tại và tại đây).
Phiền não có mặt là có mặt ngay trong ý thức đang trôi chảy (đương
niệm), do ý thức nắm giữ nói, nhìn nhận nó và đầu hàng nó, có khi mê
mờ biến nó là mình. Phiền não không thể, tuyệt đối không thể, đến với
ta bằng một ngõ đường nào khác. Nếu cánh cửa đương niệm (ý niệm tức
thời) mở ra và cho phép, thì nó vào; nếu khép lại thì nó đi. Thiền chỉ
và Thiền Quán là khả năng tạo cho đương niệm một cánh cửa tự động
luôn luôn khép lại trước các thứ phiền não.
Giờ ta đi vào quan sát cánh cửa tự động ấy.
-- Nếu bạn chú tâm vào một đối tượng như là
hơi thở, một đóa hồng, một đóa sen, một hồ nước, một thác nước hay
một kỷ niệm đẹp của thời thơ ấu v.v... thì bạn sẽ gạt khỏi tâm mình
các đối tượng khác, trong đó có đối tượng phiền não của bạn. Bạn có
thể làm điều đó khi mở mắt đang đi, đứng, nằm, ngồi, nghĩa là bạn có
thể gạt phiền não ra khỏi đương niệm bất cứ khi nào bạn muốn.
-- Nếu công phu thực hiện Thiền của bạn đã đến mức độ phấn khởi,
sinh hỷ lạc, thì đương nhiên các phiền muộn tức bực, chán nản không có
chân đứng trong tâm bạn.
-- Nếu bạn, theo phương pháp Thiền Quán nhìn thẳng vào đối tượng
phát sinh chán nản, sầu muộn, phân tích, tìm hiểu nguyên nhân, và các
khía cạnh tiêu cực của nó, thì sầu muộn, chán nản sẽ mắc cỡ tan đi.
Nếu là loại phiền não cắm rễ sâu vào tâm lý của bạn, thì sau khi hiểu
rõ lý do xuất hiện của nó, bạn đi vào con đường suy nghĩ thoát khỏi
nó, bạn sẽ thấy ngay và đi ra khỏi ngay không bao lâu sau, bởi vì nó
vốn là khách trần, là ảnh tượng, bạn có thể mời nó ra khỏi đương niệm,
ra khỏi căn nhà tâm lý của bạn bất cứ lúc nào.
-- Bằng Thiền Quán, bạn có thể dùng trí tuệ của mình đốt cháy nó.
Bạn tự hỏi: Nó là gì? Tại sao ta lại phải khổ đau vì nó? Ta vốn làm
chủ và độc lập với nó, tại sao ta lại để vướng mắc vào các bóng dáng,
ảnh tượng ấy? Tại sao lại để nó (phiền não) trói mình? Rồi bạn sẽ thấy
buồn cười, sẽ mỉm cười mình với nụ cười như "nụ cười niêm hoa" của
Tôn giả Ca Diếp.
Trong khi thực hiện pháp quán này, dù bạn chưa đạt được cấp độ của
"nụ cười niêm hoa", phiền não cũng đủ mất hết ảnh hưởng của nó và chết
chìm trong tâm thức của bạn.
-- Nếu bạn biết trú vào Thiền quán Ngũ uẩn, Mười hai nhân duyên,
thì bạn sẽ dễ dàng thấy phiền não không phải là mình, không phải của
mình, không phải là tự ngã của mình, và dễ dàng buông bỏ nó.
-- Nếu bạn còn có mối nghi ngờ nào về các điều vừa được trình bày, thì hãy thử làm đi, bạn sẽ biết liền hư thực.
-- Nếu bạn chưa từng quen thuộc với Thiền chỉ, Thiền quán, thì xin bạn hãy suy nghĩ đến các điều này:
Khi tức giận, khi sợ hãi, lo âu, bất an, tim bạn thường nhảy
loạn. Bạn chỉ cần theo dõi hơi thở ra vào, đếm từ 1 đến 10 (vào và
ra: đếm 1...) và giữ cho hơi thở đều đặn, điều hòa, thì tim bạn sẽ
trở lại bình thường và tâm lý của bạn sẽ trở lại trạng thái quân
bình.
Bạn mất bình tĩnh trước đám đông, tim cũng nhảy loạn, bạn cứ làm y
hệt như thế (điều hòa hơi thở), bạn sẽ lấy lại khá nhiều bình tĩnh.
-- Chỉ với sự khôn ngoan, với suy tư giản dị (dĩ nhiên, suy tư giản
dị này cũng mang ý nghĩa Thiền Quán) bạn cũng có thể đi ra khỏi rối
loạn, phiền não. Bạn hãy từng bước đặt vấn đề:
a. Có một phiền muộn, nghĩa là bạn đang để tâm lý mình vướng mắc
một phiền muộn. Bạn đang đối mặt với nỗi phiền muộn trong tâm của
bạn. Về mặt tâm lý, bạn hầu như hoàn toàn tự do trong từng giây phút
hiện sinh. Không thực sự có một bàn tay hay một sức mạnh nào ở
ngoài can thiệp cả. Bạn chịu trách nhiệm hoàn toàn trong việc nắm
giữ hay buông thả nó.
b. Bạn nhìn thẳng vào nỗi phiền muộn, đừng chạy trốn cũng đừng sợ
hãi nó. Với thái độ đó, phiền muộn sẽ yếu hẵn đi, mất đi nhiều tác
dụng trên tâm lý của bạn. Xét kỹ do nguyên nhân nào nó sinh, bạn sẽ
thấy ra chỗ gỡ. Ðồng thời bạn sẽ thấy ra rằng nỗi phiền muộn quấy
rầy bạn thì ít, mà nhiều hơn. Bởi vì, trên bề mặt ý thức, phiền muộn
tự nó không có quấy rầy, châm chích bạn. Duy chỉ vì bạn chấp chặt
nó, suy tư về nó một cách lệch lạc, bệnh hoạn nào đó, bạn mới hốt
hoảng, sầu muộn.
c. Bạn cần nhận ra rằng: Không ai bốc phiền não ném vào tâm mình
cả, mà phiền não cũng không thật có để quấy rầy mình. Chỉ có một
điều duy nhất là bạn biết giữ cho đương niệm (ý thức hiện tại) đừng
dính mắc nó.
Chuyện theo dõi và kiểm soát đương niệm một cách nhẹ nhàng như vậy
là chuyện đơn giản, nhưng nếu bạn thấy cũng còn khó thực hiện, thì bạn
hãy bắt chước kinh nghiệm của người đời xưa, bạn tự nói: Thây kệ nó!
Ðể mai hẳn buồn, hẳn lo... Rồi các công việc tiếp theo trong ngày, hay
một giấc ngủ con sẽ giúp bạn đi ra khỏi nó. Ðiều đó có nghĩa là nếu
bạn kệ nó, bỏ qua nó, thì nó qua. Mọi chuyện đời đều đon giản. Chỉ có
suy tư của mình là rắc rối mà thôi!
Nhìn kỹ vào tâm lý của mình, bạn sẽ thấy phần lớn các phiền não rối
loạn của mình dấy khởi đều do những tư duy của mình tiếc nuối quá
khứ, hay những tư duy không thiết thực, mơ mộng hão huyền về tương
lai. Bạn cần nhận rõ sống là sống trong hiện tại, sống bằng an lạc của
đương niệm, bằng thực tại có thực đang trôi chảy. Quá khứ và tương
lai đều là ảnh tượng, là những hình ma bóng quế. Từ đây, bạn mới có
được một chọn lựa rõ ràng: nắm giữ hiện tại và buông bỏ những tiếc
nuối, những mơ ước, mộng tưởng.
Thế Tôn đã dạy:
"Không tiếc nuối quá khứ
Không mơ ước tương lai
Chỉ sống với hiện tại
Người tiếc nuối quá khứ
Và mơ ước tương lai
Dung sắc sẽ khô héo
Như bông lau lìa cành". (Tương Ưng Bộ Kinh I, phẩm Cây Lau)
"Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng
Quá khứ đã qua rồi
Tương lai thì chưa đến
Chỉ có Pháp hiện tại
Tuệ quán chính ở đây". (Trung Bộ Kinh III, Nhất Dạ Hiền Giả)
Từ một số ý kiến vừa trình bày, bạn hãy trầm tư và thực hiện. Thiền
định chỉ cho ta trách nhiệm về chính sự vui, khổ của mình. Không đổ
lỗi, cũng không chờ đợi một phép lạ nào khác. Chúng ta cần mãi nhớ
rằng cái chìa khóa của kho tàng tâm thức, của hạnh phúc muôn đời đang ở
trong tay mình, nó rất gần gũi và giản dị, nếu mình nhận ra điều đó.
Thích Chơn Thiện
("Tìm Vào Thực Tại", Sài Gòn, 1997)